CÁC “TAI NẠN” VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI (3): MIỀN HOANG TƯỞNG

Tiểu thuyết MIỀN HOANG TƯỞNG của Đào Nguyễn (bút danh của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh) do NXB Đà Nẵng xuất bản năm 1990, ngay khi vừa ra mắt, đã bị phê phán phủ định hết sức tàn tệ ngay tại miền Trung, bởi tờ báo Công an Quảng Nam-Đà Nẵng, một vài bài phê phán này sau đó còn được đăng tải lại ở một vài tờ báo ở Hà Nội.

Tuy vậy, những bài viết và thảo luận sau đó về tác phẩm này (ví dụ cuộc thảo luận về tiểu thuyết này tại báo Văn Nghệ ở Hà Nội đầu năm 1991) đã diễn ra theo hướng những phê bình và thảo luận thông thường (có ý kiến chê, cũng có ý kiến khen, tuy nặng nhẹ khác nhau).

Như thế, hơi ngược với số phận Nỗi buồn chiến tranh, có vẻ như tiểu thuyết này của Nguyễn Xuân Khánh đã từ chỗ bị “đánh” đến chỗ chỉ bị “phê”. Song, cho đến hiện giờ, được biết tác phẩm này vẫn chưa được cấp phép để in lại. Tức là, dư luận chính thống vẫn chưa “tiêu hóa” nổi tác phẩm này.

Dưới đây, chúng tôi giới thiệu lại các bài báo phê phán kể trên. Văn bản rút từ tập tài liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới” do hai nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình cùng một số sinh viên, nghiên cứu sinh thực hiện hồi cuối năm 2006.

CÁC BÀI:

1/ Mai Lĩnh: “Miền hoang tưởng”, – cuốn sách không chỉ bôi đen, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội mà còn kêu gọi phản hkasng chế độ // Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, s. 39 (29.9.1990)

2/ Hoàng Hồng Hưng: Vài suy nghĩ chung quanh tiểu thuyết ‟Miền hoang tưởng” // Công an Quảng Nam Đà Nẵng, s. 42 (13.10.1990)

3/ Phan Tứ: Thấy gì qua cuốn ‟Miền hoang tưởng” // Công An Quảng Nam Đà Nẵng, s. 44 (3.11.1990)

MIỀN HOANG TƯỞNG – CUỐN SÁCH KHÔNG CHỈ BÔI ĐEN, PHỦ NHẬN THÀNH QUẢ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MÀ CÒN KÊU GỌI PHẢN KHÁNG CHẾ ĐỘ

MAI LĨNH

Hơn 200 trang sách, chia làm hai phần cùng cái bìa trước vẽ một mặt người gớm ghiếc, bìa sau dưới mảng màu đen là những lời giới thiệu vừa rẻ tiền vừa mập mờ, cuốn sách Miền hoang tưởng của Nxb. Đà Nẵng, năm 1990, có lẽ là điển hình của thứ nghệ thuật ám chỉ với nội dung cực kỳ độc hại.

Nhân vật trong cuốn sách được chia làm hai tuyến. Tuyến thứ nhất gồm những người có nhân cách, có tài năng, không chịu xu nịnh và thỏa hiệp với quyền lực, trở thành những người “phó thường dân”; sống trong nghèo khổ nhưng biết chiêm nghiệm lẽ đời, khinh những hư vinh; đầy những suy ngẫm mỉa mai và triết lý hồ đồ; luôn tự tạo ra bi kịch cho mình để rồi cảm thấy oan ức. Những nhân vật này thường triết lý về lẽ công bằng nhưng với giọng kẻ cả, bề trên, tự coi người khác là tàn nhẫn, bất công, dốt nát… Đó là Tư, bỏ nghề y sĩ ở nông trường Tây Bắc về Hà Nội sống lang thang, “tình nguyện làm con chim lạc”, nhận cảnh khó khăn, no đói, miễn sao được học và làm âm nhạc. Đó là Hưng, thầy giáo dạy văn, nhà nghèo túng, nghe tin đứa con lớn đi bộ đội hy sinh, vợ Hưng bị bệnh điên, Hưng cũng mắc chứng lẩn thẩn, thích thay đổi không gian và đôi khi “gầm lên”, “không gian nhà anh bỗng dưng chết lặng cái ấm cúng và ngấm độc hằn thù”. Đó là Ngọ, học tổng hợp văn nửa chừng xung phong đi bộ đội khi bị thương về Bắc chuyển ngành vào một cơ quan văn hóa. Vì làm mấy bài thơ “ưu tư hoặc phẫn nộ vì những điều ngang trái nên bị kết tội có tư tưởng phản động và bị bắt đưa đi cải tạo” (?) Được một năm, người ta thả ra và đuổi về quê bắt làm ruộng. Ngọ phải liều bỏ quê lên Hà Nội sống lang thang ở ga tàu, bến xe nhưng lương thiện. Đó còn là họa sĩ Minh, là cháu Lê, đôi khi còn là tiếng đàn, con nai và Trương Chi nữa…

Tuyến nhân vật thứ hai tiêu biểu cho quyền lực, lý tưởng nhưng dốt nát, cứng nhắc, tàn nhẫn, tranh giành quyền lợi và là những người luôn gặp may mắn và thành đạt. Đó là Trần (anh rể Tư), một chính ủy thời chống Pháp, người đã từng là tấm gương cho Tư đi theo. Hình ảnh Trần trong ngày đi cướp chính quyền ở Bắc Bộ Phủ: “giơ khẩu súng, hô to cùng đám quần chúng sôi động: Hỡi đồng bào, giờ phút vinh quang của dân tộc đã đến! Ta thà chết chứ không chịu làm nô lệ” (tr.124). Đi theo lý tưởng của Trần, làm công nhân địa chất, đi bộ đội rồi lên Tây Bắc với nông trường, Tư bỏ hết sau lưng những ngọt ngào êm ấm. Cuối cùng, Tư trở về Hà Nội gặp lại Trần, hóa ra Trần cũng là một con người quá ư phàm tục, toàn bộ lý thuyết ứng xử của Trần chỉ “gồm hai chữ hy sinh và căm thù”: “Xưa kia anh nói đến sự công bằng hấp dẫn biết bao. Bây giờ anh lại chỉ muốn thành quả của sự đấu tranh vì công bằng ấy là thuộc về anh. Chẳng lẽ những mơ tưởng đẹp mà anh đã tô vẽ cho bộ óc ngây thơ của tôi ngày xưa, bây giờ chỉ là hoang tưởng…” (tr.125). Có lẽ đây cũng chính là chủ đề của cuốn sách. Công bằng – hoang tưởng, được tác giả nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần, ẩn ý xỏ xiên cũng đã rõ. Cuốn sách còn có nhân vật Mai, đại đội trưởng trong những ngày đánh Mỹ, là người dốt nát, hết sức tàn nhẫn, có lần cầm cây tre đực dài sải tay đập chết một lúc hơn hai chục thằng lính ngụy “như đập con bò”, kể cả một thằng mặt trẻ măng có ba là Việt Minh tập kết (?). Về nông trường, Mai làm đội trưởng và người “nông dân cường tráng ấy nghe đâu đang được đề nghị bổ sung vào Ban Giám đốc nông trường”, rồi cướp mất Ngà (người yêu Tư). Tư tự mình so sánh với Mai: “Anh ta là sức mạnh, còn tôi là nhân hậu; vì anh ta là lý trí cuồng nộ, còn tôi chỉ là yêu thương” (tr. 63). Hình ảnh tập trung của Mai là “đeo súng trên vai suốt đêm ngày. Anh ta định dùng súng để dập sự oán hờn” (tr. 104). Cuối cùng Mai bị bệnh điên và trong một trận ẩu đả vì người tình (lúc này Ngà đã bỏ Mai để theo Tư), Mai đã bị Tư giết chết. Trùm lên loại nhân vật thứ hai này là Chúa, ngoài ra đôi khi là những “mú” (công an chìm), những chim sơn ca lượn vòng quanh Chúa, ca ngợi Chúa. Cái dụng ý mập mờ, xỏ xiên, ám chỉ ở loại nhân vật thứ hai này người đọc nhận biết ngay, không khó khăn lắm.

Để làm rõ cái độc hại của cuốn sách, chúng tôi xin lưu ý kỹ hơn về nhân vật trung tâm của cuốn sách là Tư. Có thể nói Tư là nhân vật công khai từ bỏ lý tưởng của cả một thế hệ, một dân tộc mà đã có thời anh ta theo đuổi. Tư luôn cảm thấy lạc loài, cô đơn, nhìn cuộc đời bằng con mắt xa lạ, nghi ngờ, bệnh hoạn và nhiều khi bất mãn, hằn học: “Anh căm thù loài hổ dữ, khinh ghét lũ chó xảo quyệt, lợm giọng khi trông thấy dòi nhung nhúc đông đảo bám vào những mẩu thịt rữa nát cuối cùng; nhưng chính chúng mới là những ông chủ thực sự của núi rừng” (tr. 11).

Về cuộc đời thì luôn tự tạo ra bi kịch để rồi thiếu niềm tin luôn thấy “con số không khổng lồ ở chân trời xa lộ ra”. Nghi kỵ đến mức hồ đồ: “Tôi im lặng! Tôi là con chim lạc! Trong mớ âm thanh hỗn độn, một tiếng chích chòe chứ chưa phải là tiếng họa mi cũng được liệt vào loại âm thanh thù địch” (tr.18). Tư tự cho mình là chú chim non ngờ nghệch và lo sẽ bị người ta giết chết trong một cạm bẫy nào đó (?). Lúc nào Tư cũng “buồn”, cũng “đầu óc sưng tấy”, “hận thù” nhìn đâu cũng thấy “máu”, thấy “mủ”, tâm trạng lúc nào cũng như bị kích động: “Tôi đây mà. Tôi, phó thường dân, kẻ không vòm. Tôi chẳng hại ai bao giờ. Tôi chẳng mê tiền bạc. Tôi chẳng là màu đen của đêm, cũng chẳng là màu đỏ của máu. Hỡi những đôi mắt ngờ vực kia! Nhìn tôi làm gì?” (tr. 161). Anh ta tự tách mình ra một cách phi lý, anh ta tự vơ vào: “Còn tôi, thằng cùng đinh, thằng phó thường dân, làm sao tôi có quyền đến dự xứ sở của niềm vui” (tr. 136) và “Còn tôi, ngay cả đám tinh trùng trong bụng cũng chỉ là đám dòi bọ bơ vơ. Làm gì có trứng của một người đàn bà cho chúng gặp gỡ” (tr. 202).

Lúc nào anh ta cũng “đối thoại với Chúa”. Hình ảnh Chúa trong cuốn sách là chính trị, quyền lực, luật lệ và mị dân. Những đoạn đối thoại với Chúa chứa nhiều ẩn ý mập mờ, cạnh khóe xỏ xiên: “Chúa trời hiện về luôn luôn với vầng hào quang trên đầu… Bầy thiên thần bàng bạc, nhòe nhòe, đôi mắt sắc và ti hí… có cảm giác… đó là những con chuột. Gian lắm! họ bay lên không gian và hò hét. Bầu trời, mặt đất, tất cả như co rúm lại” (tr. 37). Hoặc “con chim đang lượn vòng quanh Chúa và hát một bài tụng ca rằng: Cảm ơn Chúa đã cho ta đời sống. Cảm ơn Người đã vạch lối ta đi. Cảm ơn Chúa Trời, Người là chân lý” và “chiếc dây xích buộc chim sơn ca đã biến mất thay vào đó là chiếc mũ hào quang. Trước kia chim u buồn, bây giờ chim ca hát… Tôi hiểu chúng tôi đang bị Chúa cầm tù bằng sự ngọt ngào” (tr. 107). “Chúa đi lại có Chúa khác đến… Loài người yếu đuối, thiếu Chúa sao được. Chúa sẽ hiện hình trong nhiều dạng vẻ mới. Đời đời các anh vẫn chỉ là những con chiên nhỏ bé… đáng thương, cần phải có người chăn dắt” (tr. 198).

Đi xa hơn, nhân vật Tư lúc nào cũng trầm ngâm làm ra vẻ chiêm nghiệm cuộc đời và ưa triết lý nhưng thực chất là rao giảng những quan điểm bất mãn, phản động. Tự tách ra, đứng lên trên loài người nhìn xuống nhưng lại đòi hỏi bình đẳng, cổ vũ cho sự phản kháng thực tại. Nói về thế hệ những người kháng chiến chống Pháp: “Có lẽ anh Trần thuộc một thế hệ ngây thơ và đẹp đẽ… Anh cứ đinh ninh về vị trí ông Bụt bất khả chuyên của mình. Ông Bụt thì cái gì chả đúng. Ông Bụt thì cái gì chả đẹp. Ông Bụt thì cái gì thay thế nổi” (tr. 17). Thế hệ sau Cách mạng Tháng Tám thì: “Các anh thuộc thế hệ sinh ra lúc Cách mạng Tháng Tám chào đời. Các anh đón nhận sự tàn nhẫn không chút ngơ ngác” (tr. 158). Thế hệ những người thanh niên hiện tại thì tự hỏi: “giữa nhà tù và đời lính nên chọn bên nào” (tr. 51) và “cái lớp người non choẹt ấy hình như đang trốn chạy hoặc đi tìm hiểu một cái gì đó nhưng không thấy hoặc chưa thấy” (tr. 52). Lúc nào tác giả cũng nhìn thấy xã hội đầy rẫy bất công, “thấy ớn lạnh! Mặt nạ! Quái đản! Bức tường giả dối ngu ngốc!”. Lúc nào cũng thấy nóng bức, ngột ngạt khắc khoải, máu chảy, đầu rơi, rình mò thù hận, bạo tàn, ti tiện, đố kỵ ngay cả trong giấc mơ, trong hồi tưởng quá khứ cũng không có mấy điều tốt đẹp: “Không gian ta ở đang bị ô nhiễm tàn nhẫn, tình thương lúc này ai nói đến là thằng ngốc, thậm chí còn mắc tội” (tr. 119). “Ô hô! Loài người các anh ngu ngốc hơn loài vật chúng ta. Loài vật chỉ có khái niệm luật rừng, còn các anh lại có thêm khái niệm tình thương. Đó là điều sáng tạo đẹp đẽ, đồng thời cũng là mồ chôn các anh” (tr. 153). Và tác giả đã quá đà khi khái quát: “Ở nước ta bao nhiêu là khổ đau! Nỗi đau này chồng lên nỗi đau khác. Những thây đau lớp lớp chồng lên thành núi đau” (tr. 126). Tác giả cho rằng: những người nghệ sĩ bị lúng túng vì những chữ như trong sạch – lương thiện – lương tâm và bị đói rách khôn cùng cũng vì thế và tác giả kêu gọi: “Hãy học tập những nhà chính trị. Họ là những con người sắt thép, họ không bị lương tâm ràng buộc. Cái ràng buộc họ chính là mục đích” (tr. 159). Một thủ pháp không mới được tác giả ưa dùng là lấy chuyện xưa nói chuyện nay, lấy chuyện nước khác nói chuyện mình. Nói về người Trung Hoa: “Từ hơn hai ngàn năm trước họ đã biết làm chính trị là cái trò sân khấu, họ đã biết đem cái bả nhân nghĩa ra để lừa bịp thiên hạ, họ đã có những lý thuyết tàn nhẫn đến lạnh gáy… Ôi Phương Đông bí ẩn, Phương Đông thực dụng… Chúng ta vĩ đại cũng nhờ những lý thuyết đó và đắm đuối cũng chính vì chúng” (tr. 77). Bàn luận về quan hệ giữa trí tuệ và tri thức chính trị: “Phải chăng trí tuệ chính trị của con người không phát triển mà chỉ tri thức chính trị mới phát triển. Ôi Phương Đông bí ẩn! Tần Thủy Hoàng xưa đã đốt sách chôn nhà nho, Hitler và lũ bạo chúa thời nay cũng làm trò đốt sách và chôn xác kẻ sĩ, chẳng qua vì chúng mang trong lòng nỗi sợ thẳm sâu phủ tạng: Nỗi sợ trí tuệ con người” (tr. 100). Bàn về “quốc đạo”, tác giả dẫn Hàn Phi Tử: “Cái gì có lợi cho vua, cái đó là nhân nghĩa” và “ta chợt hiểu trong mỗi đạo đều có nhiều biến loại. Ta chọn đạo mà đi” (tr. 102). Và tác giả than: “Chao ôi! Toàn những chuyện tranh giành quyền bính, cướp bóc, chém giết lẫn nhau, cá lớn nuốt cá bé, con giết cha, vợ giết chồng. Người ta trắng trợn khuyên bỏ nhân nghĩa, bỏ văn hóa và đi tìm quyền lực” (tr. 147). Kết thúc cuốn sách, tác giả để cho Tư tuyên bố với Trần: “Nếu anh còn cái gì đó là… lý tưởng thì không bao giờ anh có quyền được tha thứ”. Như thế, cái độc hại của cuốn sách đã rõ; thà đi tù, thà lang thang, làm lưu manh, bán máu… còn hơn hòa mình với chế độ.

Miền hoang tưởng là cuốn sách không chỉ bôi đen, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội mà còn kêu gọi phản kháng chế độ, là minh họa cho thái độ hằn học, đen tối của tác giá Đào Nguyễn nào đó. Nhà xuất bản Đà Nẵng suy nghĩ thế nào khi cho ra cuốn sách này? có phải sau cuốn Tìm hiểu cá tính và khả năng con người qua tướng mạo và bàn tay, nhà xuất bản Đà Nẵng đã yên tâm với những lời phê bình châm chước của người đọc nên cho ra tiếp cuốn sách này?

Nguồn: Công an Quảng Nam Đà Nẵng, số 39 (29.9.1990)

VÀI SUY NGHĨ CHUNG QUANH
TIỂU THUYẾT MIỀN HOANG TƯỞNG

HOÀNG HỒNG HƯNG

Trong Miền hoang tưởng tác giả Đào Nguyễn đã cố công xây dựng những nhân vật bất mãn, cá nhân chủ nghĩa, tự chống đối mình dẫn tới chống đối người thân, chống đối quyền lực thành tuyến nhân vật chính diện. Người viết văn có quyền “đẻ” ra nhiều loại nhân vật; mỗi nhân vật có tư duy và hành động riêng, phát triển theo logic, giàu mâu thuẫn (mâu thuẫn nội tâm, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn xã hội…). Miền hoang tưởng đề cao những con người “trong sạch, lương thiện, sống có lương tâm” như Tư, Ngọ, Hưng, Minh, Lê, Lan, gã râu xồm… Tuyến nhân vật này được tác giả tô đậm nét và phủ lên một lớp sơn quá khứ rất “đáng tự hào”. Họ là trí thức, có trí tuệ, có tài năng, không ưa xu nịnh, tự nguyện làm những “phó thường dân” sống nghèo khổ nhưng trọng lẽ đời, coi thường hư vinh, luôn luôn đấu tranh chống lại bất công, đòi tự do, bình đẳng và tình thương. Tư là nhân vật điển hình trong đám nhân vật chính diện của Miền hoang tưởng. Để xem Miền hoang tưởng đã cố tính bôi đen xã hội, phủ nhận thành quả cách mạng, kêu gào phản kháng chế độ như bạn Mai Lĩnh đã nói rõ trong số 39, báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng hay không, theo tôi, trước hết hãy phân tích tuyến nhân vật chính diện của quyển sách, trong đó nổi lên nhân vật Tư – một nhân vật nổi bật từ đầu tới cuối quyển sách, Tư bỏ nông trường để đi học nhạc (tr. 7) và cuối cùng trở thành tên tù vì tội giết người (tr. 217-218).

Tư có một quá khứ rất đẹp: “Trong cuộc sống bao giờ anh cũng là người lính đứng ở hàng đầu. Khi ở bộ đội, anh đã mấy lần bị thương nặng suýt chết. Ba năm ở nông trường anh là người thầy thuốc tận tụy” (tr. 7) và cái lý do biến Tư thành một tên đào ngũ, bỏ nông trường, bỏ người yêu (Ngà) đi về Hà Nội là: anh trở về với âm nhạc, đó là một say mê từ thuở nhỏ mà bây giờ anh mới có điều kiện thực hiện (tr. 7), anh là loại người sống vì niềm say mê và khát vọng (tr. 8). Tư đỗ vào trường âm nhạc nhưng không được nhận vào học vì Tây Bắc không cho anh đi (tr. 9). Trên đó người ta bảo anh là thằng đào ngũ. Tây Bắc muốn anh phải ở mãi với núi rừng. Còn anh, anh lại chạy theo những mong muốn riêng (tr. 10). Đọc đến đây, mới ba trang đầu quyển sách, người ta đã thấy rõ nhân vật này rất ích kỷ, vô kỷ luật và từ đây Tư đi tìm cảnh sống lang thang ở phố phường Hà Nội. Chẳng ai quản lý anh, anh chẳng làm việc cố định ở đâu, anh không có lương… tình nguyện làm con chim lạc… có thể đó là bước đời phiêu lưu (tr. 10). Tư đã sớm biết mình ngộ nhận tài năng của mình và cuối cùng một con số không chờ đón mình ở chân trời thì bi đát biết bao (tr. 10). Vốn chạy theo chủ nghĩa cá nhân, tự do, Tư đã trở thành tên lang thang, ăn bám vào chị ruột và anh rể, nhưng đánh chết cái nết không chừa, Tư trở thành tên bất mãn phá phách. Trong Tư có hai khuynh hướng: một khuynh hướng mức độ và một khuynh hướng phá phách. “Người khổng lồ thì sự phá phách dẫn đến sự sáng tạo, kẻ bình thường thì sự phá phách là nguồn gốc mang đến sự đau khổ” (tr. 19). Tư không muốn mình là người bình thường mà tự nhận mình là người khổng lồ để ngày càng đi sâu vào con đường phá phách: tự phá phách, phá phách gia đình, kết bè kết lũ với bọn bất mãn để phá phách, gieo rắc sự phản kháng chế độ, và bằng cách này cách khác kêu gọi, thúc đẩy một số người khác đi vào con đường chống đối. Đào Nguyễn vừa mô tả rất cụ thể, chi tiết cuộc sống lang thang, phá phách của Tư vừa vận dụng hàng loạt triết học rất phản động để bênh vực, che chở, ca ngợi các con người phá phách, chống đối đó; đồng thời vu cáo những người ở tuyến nhân vật thứ hai – tuyến nhân vật phản diện – những người đã có công đùm bọc, che chở nuôi dưỡng họ và cản ngăn sự phá phách của bọn họ.

Từ tấm bé, Tư ghét bố, bỏ nhà sang ở với bên ngoại vì bố Tư đã mổ thịt con chó nuôi từ lâu trong nhà. Tư trở thành kẻ lang thang, sống lang bạt kỳ hồ là tại vì ông Trần (anh rể Tư) vốn là người dạy bảo, dìu dắt Tư trở thành một chiến sĩ, một y sĩ nhưng ông đã nhìn Tư hằn học như muốn nói: “Cậu chính là thủ phạm của những ý nghĩ lông bông… Từ ngày cậu đến đây thế là đảo lộn. Không gian, thời gian của nhà tôi như bị xộc xệch, như bị nhiễm độc vì những ý tưởng lông bông” (tr. 30). Từ đó, Tư bỏ nhà chị ruột và anh rể (Trần) ra đi tìm đến Hưng (thầy giáo dạy văn), nhà Minh (họa sĩ nghiệp dư). Chán ghét cảnh ăn bám tại nhà Hưng, Tư đi ra ngủ lang thang ở ga. Tại đây Tư gặp Ngọ – một “yêng hùng” cũng ngủ lang thang, kiếm ăn lang thang và gặp Lê (cháu gọi Tư là cậu ruột) cũng bỏ nhà ngủ lang thang. Bọn người lang thang ở ga, quán bia đó là một tình trạng có thật ở Hà Nội, đã làm ô nhiễm thủ đô tươi đẹp của nước ta lại được Đào Nguyễn chấp nhận, ca ngợi là triết lý để bênh vực là họ “sống tự do, sống có lý tưởng, sống trong sạch, lương thiện và có lương tâm, đòi bình đẳng, đòi tình thương” (!). Đúng là bọn họ gây ô nhiễm cho nhiều gia đình, làm ô nhiễm không gian và thời gian của thủ đô thân yêu chúng ta lại được Đào Nguyễn mô tả rất đẹp, biện hộ cho bọn này là bị chế độ ta đẩy vào hoàn cảnh làm phó thường dân, sống không biết chìa tay, kẻ cô độc không người nương tựa, nghèo rớt mồng tơi, chẳng có gia tài gì ngoài tấm thân (tr. 157).

Tư không làm nổi bài nhạc Trương Chi như anh ta hằng hy vọng, ấp ủ và trở thành kẻ bán máu để sống. Tư thấy phải thay đổi không gian. Đào Nguyễn đưa vào sách cái triết lý đáng ghê tởm về sự bán máu của Tư: Tôi không có gia tài gì ngoài tấm thân tôi. Vậy thì còn ngần ngại gì? Anh hãy cắt anh ra thành từng miếng thịt nhỏ để tự gặm nhấm mà sống. Anh cân nặng 50 kilôgam. 50 ký cả xương, cả thịt, cả lòng ruột mà đủ nhấm nháp, đủ sống trong vòng từ 5 đến 10 năm, thật cũng tài tình quá, thật cũng bõ bèn quá, thật cũng được giá quá. Cứ thử cắt anh ra làm 50 phần cả xương lẫn thịt rồi đem chia ra cho 50 con lợn ăn, chắc gì chúng đã đủ no trong một ngày (!) (tr. 157). Tư lại được Ngọ cổ vũ thêm: Mình tự ăn thịt mình dù sao cũng thích hơn để kẻ khác ăn thịt mình (tr. 156).

Cuốn Miền hoàng tưởng được kết thúc bằng trận ẩu đả giữa Tư và Mai (bạn chiến đấu cũ của Tư). Mai mang dao bầu đến nhà đâm Tư. Tư dùng gậy lim đánh chết Mai trong khi lưỡi dao bầu đã đâm trúng ngực Tư. Tư được cứu sống và được đưa vào nhà tù. Đến thế mà Đào Nguyễn còn biện hộ cho lời của Tư khi bị hỏi cung: Tôi không giết ai cả. Tôi không giết ai bao giờ. Chính sự tàn nhẫn đã tự giết mình (tr. 217) và tiếp tục mượn hình ảnh của Chúa lành – một hình ảnh biểu hiện của quyền uy, của đức tin xuyên tạc: “Nước mắt là xứ sở ta đáng đặt chân đến nhất”.

Đấy là Tư – nhân vật chính của tuyến nhân vật chính diện trong Miền hoang tưởng. Một con người bất hiếu, bất nghĩa, ích kỷ, tự cao tự đại, sống bằng ảo vọng, đi phá phách, lang thang, bán máu, giết người đã được Đào Nguyễn cho là nhân vật tiêu biểu nhất của Hà Nội trong thế kỷ 20, đi tìm công bằng, đấu tranh cho bình đẳng và tình thương. Còn rất nhiều, rất nhiều câu, dòng, đoạn, trang sách, Tư chửi thẳng, chửi bóng, thúc giục những người chung quanh phá phách, nổi loạn như Tư. Đến cả con hổ, con nai, nhất là con vượn cũng đồng cảm, đồng tình với Tư.

Nhân vật Tư được Đào Nguyễn kết hợp khéo léo vào một tuyến nhân vật chính diện khác trong Miền hoang tưởng. Sự liên kết của tuyến nhân vật này đã nhân cái tính vô kỷ cương trở thành vô chính phủ, nhân cái tư tưởng bất mãn trở thành một hệ tư tưởng phản bội, phản cách mạng dưới nhiều dạng khác nhau và giục giã người khác “thay đổi không gian sống” tha hồ nguyền rủa, chửi bới xã hội và chế độ ta. Hưng được Đào Nguyễn đặt vào vị trí thầy giáo dạy văn; Minh, họa sĩ nghiệp dư; Ngọ, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam; Lan, người yêu và vợ của Ngọ, sinh viên năm thứ hai đại học Y; Lê: cháu của Tư học xong cấp III; gã râu xồm, bộ đội chuyển ngành, cán bộ hưu non; nhà văn Hoàng Liên Sơn… Xem qua lý lịch như trên họ là một loại trí thức và tiểu trí thức có công với cách mạng nhưng họ đã vứt bỏ vị trí đứng ban đầu để trở thành những kẻ lang thang, phá phách, chống đối về mặt tư tưởng, về mặt phát ngôn và cả hành động cụ thể nữa. Hưng là bạn cũ của Tư, có nuôi cơm Tư một số lần và sau đó nghi là vợ con Hưng không ưa gì cái người “giật cơm giành thịt” của phần họ, nên Tư không ăn ở đây nữa. Hưng là người thích lang thang, hay nói cho đúng hơn, anh là người mắc bệnh di động (tr. 38). Chỉ một buổi tối, Hưng có thể đến chơi bốn, năm bạn vì mỗi người bạn có thể giải phóng cái tâm lý đang bị u trệ của Hưng. Thầy giáo Hưng hay kể chuyện cổ tích và tự thú nhận: Tôi là người bịa chuyện, riêng tôi, tôi cũng thèm được đổi xác (tr. 48). Hưng đã nhận xét: Trường học của mình, bạn bè mình và bản thân mình là những đồ đồng nát han gỉ (tr. 57). Khi có con hy sinh ở miền Nam, chị Hiền, vợ Hưng bị điên. Hưng cho mình là người đau khổ và muốn thay đổi không gian, xỉ vả không gian đĩ thõa, không gian sa đọa, không gian suy tàn, không gian cần được cách mạng (tr. 76). Dù khôn khéo che đậy không gian bằng cái nhà đồng nát, bằng cái vòm (lều), Đào Nguyễn cũng lập lờ cho người đọc hiểu cái không gian đó là đất nước, xã hội, chế độ ta, là cuộc sống khắc khoải của ông giáo Hưng, cũng như cuộc sống của đồng bào cả nước.

Minh là người thứ hai quen thân Tư ở Hà Nội, là nhân vật họa sĩ nghiệp dư, dùng nghệ thuật và bột màu để vẽ tranh, tạc tượng. Nhiều bức tranh tượng với kỹ xảo tượng trưng, hư tưởng làm cho người xem muốn hiểu thế nào thì ra thế đó, trong đó các bức tranh “chúa chơi chim” được vẽ từ sau ngày Minh gặp Tư. Minh vẽ nhiều tranh, trong đó sẽ vẽ 100 bức “tranh mùa thu” đã vẽ xong các tranh: “Cô gái áo vàng đang vuốt ve những bông hoa đen”, “Một người đàn bà khỏa thân màu hồng pha chì đang giơ tay cho con chim đậu”, “Một người hoang dã đang ngồi trong đống đá xám” và một bức tranh mùa thu êm dịu được danh họa đặt tên là “Về nguồn” (tr. 188), “tranh đám ma” (tr. 191). Cái bức tranh đám ma này đã được Tư liên tưởng đến một đám ma rất kỳ quái “Đây là nỗi đau lớn nhất của thế gian”? (tr. 192) và đã được Minh trả lời Hưng rất tàn nhẫn: Tất cả chúng mình đều chờ đợi đám ma (tr. 203).

Nhân vật nhà văn Hoàng Liên Sơn, xuất hiện vài ba lần tại quán bia Cổ Tân, người được Tư, Ngọ, Lê… đề cao tột đỉnh là nhà văn danh vọng, đã có danh vọng rồi mà con thòm thèm danh vọng (tr. 84), tuôn ra vài lời nhận xét: thế ra võ là nhất, văn là bét… Uống bia cũng phải có sức mạnh mới uống nổi…, có sức mạnh và có cánh. Có bè cánh, sức mạnh một sẽ tăng lên 10 (tr. 155). Trong lần xuất hiện ở trang 158, nhà văn này đã nói một câu rất độc ác: Các anh, thế hệ mới đã cảm nhận được sự vật lộn giành giật từ trong bào thai mẹ. Nếu tôi không lầm, các anh thuộc thế hệ sinh ra lúc Cách mạng Tháng Tám chào đời. Các anh đón nhận sự tàn nhẫn không chút ngơ ngác… Các anh, thế hệ của đau đẻ… Thế hệ của tạo sinh. Câu nói của Hoàng Liên Sơn phối hợp chặt chẽ rất logic với 100 bức tranh “Tranh mùa thu”, “Về nguồn” là sự thóa mạ non sông đất nước ta, cách mạng Việt Nam chúng ta suốt 45 năm qua.

Đào Nguyễn phết cho Ngọ một lớp sơn quá khứ rất hào nhoáng: sinh viên tổng hợp văn nửa chừng xung phong đi bộ đội vào Nam, sau khi bị thương đưa về Bắc và chuyển sang làm việc ở một cơ quan văn hóa, tô đậm nét những diễn biến éo le của cuộc đời Ngọ: bị tù vì một vài bài thơ, bị đuổi về quê cày ruộng và quay ra Hà Nội sống lang thang tại ga. Gặp Tư trong đêm ngủ trên ga, Ngọ đã tự xưng: một con người không hộ khẩu, không gia đình, không có một nhiệm vụ và quyền lợi nào như người thường dân, nên được gọi là phó thường dân. Hay nói nôm na, tôi là một thằng ma cà bông kiểu mới (tr. 68). Ngọ chia bánh mỳ cho Tư ăn ngay trong đêm tối, rất “yêng hùng”, đãi Tư một bữa ăn thịnh soạn. Ngọ biến thành một lưu manh hiện đại quen rất nhiều “lính mổ” nhưng đói rách khôn cùng cũng tại vì giữ trong sạch – lương thiện, lương tâm. Ngọ bưng bia, Ngọ lấy vợ, một cô Lan sinh viên năm thứ hai đại học Y mà đám cưới tổ chức ngay giữa quán bia Cổ Tân. Ngọ gặp Lê, cháu Tư, một học sinh tuổi 17-18, học xong lớp 10 nhưng không thích nghe lời giảng giải của bố (Trần) nên bỏ đi lang thang, ngủ tại xó ga. Và Ngọ là nhà biện luận lịch sử với những quan điểm triết học rất thực dụng, rất vu cáo về chính trị. Ngọ đưa cho Lê tập bản thảo còn nằm ở trên cầu nối giữa cái cực cặn bã và cái đại trí tuệ (tr. 100) luận về trí tuệ và tri thức chính trị và tính dân tộc, về quốc đạo. Có thể nói Ngọ là cái loa văn hóa của bọn sống lang thang, phiêu lưu, vô kỷ cương. Những lời Ngọ nói với tên râu xồm “dân dắt me” về sự bán máu thật là ghê tởm. “Máu người chỉ là nước lã”, cứ lặp đi lặp lại nhiều chỗ, nhiều trang, vừa nói lên sự căm thù của tuyến nhân vật này đối với sự hy sinh vô bờ bến của dân tộc ta, vừa nói lên tính chất lưu manh hiện đại của bọn phá phách, kêu gào nổi loạn.

Trong tuyến nhân vật này còn phải kể đến con hổ, con nai, đặc biện là con vượn hú.

Từ các chi tiết, các hiện tượng, Đào Nguyễn đã điển hình hóa, khái quát hóa vẽ thành một bức tranh tổng hợp của bọn người bất mãn và đang gieo rắc mầm nổi loạn ở Hà Nội. Hà Nội có đám người lang thang thật, nhưng đó là những tên lưu manh 100%: bất hiếu với cha mẹ, bất nghĩa với hàng phố, trộm cắp, đĩ điếm, cờ bạc, ăn nhậu… Tất nhiên trong đám này có người trốn đi bộ đội và lẻ tẻ cũng có người là bộ đội phục viên, chuyển ngành, là cán bộ hoặc con em cán bộ hư hỏng. Hà Nội và cả miền Bắc nói chung có hàng chục vạn người chiến đấu ở miền Nam: Có người hy sinh nhưng gia đình họ không trở thành một gia đình điên. Có những người bị thương nhưng họ trở về sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu mới xây dựng lại quê hương đất nước bị chiến tranh tàn phá. Có những người ra khỏi quân ngũ, chuyển sang ngành khác không hề chọn ngành mình thích, không kèn cựa địa vị. Trong Miền hoang tưởng của Đào Nguyễn thì Tư, Ngọ, gã râu xồm, rồi cả Hưng, Minh, Lê… đã trở thành những người lang thang, bưng bia, vét đĩa, dẫn người bán máu. Chúng đã phản bội lại lý tưởng ban đầu, lười lao động, công thần, đòi đãi ngộ nên đâm ra nghèo đói. Chúng tự xỉ vả, kêu đòi tình thương, bình đẳng. Chúng chửi bới những người lãnh đạo và xúi giục người khác cùng chúng đứng dậy đấu tranh để thay đổi không gian. Chúng ta phê bình văn học không đao to búa lớn, không chụp mũ nhưng cần nói thẳng: Miền hoang tưởng là một quyển sách xấu, hoàn toàn xấu và phản động. Đào Nguyễn, người viết quyển sách này đã dùng văn học, triết học để bôi đen chế độ, gieo rắc nọc độc hằn thù và căm thù cách mạng. Hắn kêu gọi giục giã người khác đấu tranh làm thay đổi chế độ, gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Nguồn: Công an Quảng Nam Đà Nẵng, số 42 (13.10.1990)

THẤY GÌ QUA CUỐN MIỀN HOANG TƯỞNG?

PHAN TỨ

Đọc đến trang cuối cuốn sách ấy, tôi cảm thấy rúng xương, vã mồ hôi lạnh, chỉ 218 trang thôi, mà sao sức chứa nọc độc lại đậm đặc đến thế?

Tôi tẩn mẩn đọc lại, ngắm lại tranh vẽ bìa một, lời quảng cáo bìa bốn, các trang lót, mới thật tin đây không phải là một cuốn chống cộng được ngụy trang từ nước ngoài gửi về để đánh đòn đô-mi-nô nhân đà khủng hoảng phía Đông Âu. Một bạn nhà báo cho tôi mượn sáu bài phát biểu dài và ngắn đã đăng báo địa phương lên án cuốn truyện vừa của Đào Nguyễn, rất đúng. Các bạn đồng nghiệp cho biết có một nhà thơ cũng dùng bút danh Đào Nguyễn, chớ nên lầm. Còn cuốn Miền hoang tưởng đã được in chui thêm vài lần, xem loại giấy và cỡ chữ khắc biết, giá bìa đề 2.800 đồng (giá tháng 4-1990), muốn mua xin giúi dưới quầy 18 ngàn đếm đủ.

Thói quen nghề nghiệp buộc tôi phải thận trọng, tránh võ đoán khi đánh giá người khác, bởi tôi cũng không thích bị võ đoán. Nhưng tôi bị thôi thúc phải viết, vì Đào Nguyễn đã đưa văn nghệ sĩ lên hàng các bậc thánh tử vì đạo dưới chế độ ta. Các bài viết trước đã phân tích và sâu về các mặt phản động trong cách nhìn từ góc độ chính trị, xã hội, tâm lý, và có lẽ vô ý khi nêu những tư tưởng triết học của tác giả nữa, tuy đấy chỉ là trò lòe đời bằng thông thái dỏm, uyên bác dỏm, thứ triết học rút xuống từ giá sách thư viện và chỉ mất nửa giờ ghi trích dẫn.

Trong nghề viết văn, có những mánh lới (nói chữ là thủ pháp, thủ thuật, cách kết hợp viết và lách) mà bạn đọc khó nhận ra. Thử xem Đào Nguyễn đã dùng những mánh lới gì?

Muốn chửi chế độ ta thật xả láng, không thể viết như Nam Cao dựng nhân vật Chí Phèo say nhè suốt ngày đêm, réo chửi cả làng Vũ Đại dưới ô dù của Bá Kiến. Nhân vật ấy sẽ vào xà lim dưới tất cả các chế độ ít nhiều văn minh, chẳng ai bênh đâu. Cách thứ hai là dựng những nhân vật điên loạn. Dưới các chế độ tàn khốc, Gogol đã viết Nhật ký người điên, Lỗ Tấn đã viết truyện cùng tên là Cuồng nhân nhật ký, đọc tờ giấy nào cũng chỉ thấy “người ăn thịt người” (mô-típ này sẽ được Đào Nguyễn tận dụng). Hàn Mạc Tử đau khổ đến cùng cực vì bệnh hủi hồi trước không thuốc chữa đã từng làm thơ điên, thơ tôn giáo. Cứ thế mà gạn lọc, lấy cái phần căm hận đối với các chế độ người hại người xưa cũ mà ghép cho chính quyền ta, chế độ ta, ngay trong những năm chống Mỹ!

Pháp luật không kết án những người loạn trí, nhưng lại buộc họ vào các bệnh viện tâm thần, dù bất cứ người điên nào cũng tin rằng mình là người duy nhất tỉnh giữa một thế giới phát cuồng. Đào Nguyễn giúp các nhân vật văn nghệ sĩ của mình lách qua chỗ hiểm hóc ấy: họ điên nhưng có lúc tỉnh, họ sống trong hoang tưởng nhưng có lúc trở về với cuộc sống hàng ngày, họ chửi rủa quậy phá lu bù nhưng đôi khi tỏ ra biết điều. Mở rộng hơn tí nữa, những nhân vật có chức quyền bị xếp vào tuyến phản diện cũng được thừa nhận có vài mặt chưa quá tệ. Những phút hồi tỉnh ấy, dù thật tình hay cố gán ghép cho phải đạo, cho dễ xuất bản, đều tuột rất nhanh theo mạch nguyền rủa của tư tưởng chủ đạo.

Giới văn nghệ sĩ thủ đô xuất hiện trong sách là ai?

Trung tâm là Nguyễn Đình Tư, yêu nhạc, muốn về Hà Nội học nhạc sau những năm chiến đấu ở miền Nam và ba năm là y sĩ “tận tụy” ở một nông trường Tây Bắc. Anh tự thấy “trong cuộc sống bao giờ anh cũng là người lính đứng ở hàng đầu” (tr. 7) (…)

(…) Mẫu người “nghệ sĩ giang hồ” đã có từ xưa. Trước cách mạng 1945, Vũ Hoàng Chương lại lăng-xê nó trong những câu thơ: “Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa – Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh…”. “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ – Một đôi người u uất sống bơ vơ…”. Nghe như than thân, nhưng thật ra đầy hãnh diện vì mình là thiên tài đời không hiểu nổi, là siêu phàm, chí ít cũng độc đáo hơn đời. Nhưng sống ở bến hoang sơ thì không đâu: phải có nhiều rượu, ả đào tom chát, tiệm nhảy đầm, ổ nhện thuốc phiện (về sau thêm cocain, heroin mới đủ đô).

Tác giả không cho nhân vật Tư sa đọa quá nặng đến mức bạn đọc nhất trí lên án. Tư còn phải đóng vai trí thức hận đời kia mà. Thế là Tư bắt đầu “đọc Kinh thánh với một niềm say mê kỳ lạ”, bắt đầu chiêm bao thấy Chúa và đối thoại với Chúa ngày càng nhiều. Về sau sẽ thấy thêm “quỷ đầu trâu cầm đinh ba, mồm há đỏ lòm”, thấy đám ma gồm toàn quỷ không đầu thuộc tất cả các màu da, “tiếng khóc phun ra từ những cổ họng cụt” (tr. 192). Và Chúa hiện lên đều đều, một vị Chúa tự xưng là của thế kỷ XX. Ông Chúa cực kỳ hiện đại ấy qua từng bước đối thoại với Tư đã tự vạch mặt mình là đểu giả, tàn ác, căm ghét kẻ có tài đến mức khó hiểu, tạo bầy nô lệ bằng hăm dọa, bằng xích, bằng “ánh hào quang tạo nô” ban cho kẻ chịu hàng phục ca tụng mình. Ông sống giữa một bầy thiên thần, gọi đúng hơn là nịnh thần, “…Có cảm giác đó là những con chuột. Gian lắm!”. Con chim sơn ca, sau khi bán mình cho Chúa để được nhận hào quang, đã biến thành con chim ma quái giúp Chúa hành hạ Tư, mắng nhiếc con chim sẻ lông xù không chịu rời em bé nghèo.

Trong hệ thống những kẻ bị Tư nguyền rủa, ông Chúa này chiếm nhiều trang giấy nhất. Cũng dễ đoán kẻ nắm quyền lực khủng khiếp ấy trong sách là biểu tượng của những ai ngoài đời thực!

Đến đây, chúng ta nên nhớ lại một lời khuyên của nhà phê bình quá cố Hoài Thanh: cần cố tìm “nhất điểm linh đài”, cái đốm sáng dù rất nhỏ ở mỗi tác phẩm, mỗi tác giả. Chớ nên khen thì bốc tận mây xanh, chê thì đánh một đòn cho chết tươi. Bác Hoài Thanh nhắc rất đúng. Người viết bài này còn nhớ bao nhiêu khó khăn trầy trật khi viết cuốn sách đầu tay ở quân khu Việt Bắc dưới đèn dầu tù mù, hay bị trực ban xướng tên trong giờ điểm danh vì lén thức khuya. Cũng ham sáng tác, cũng là lính cũ, cũng đổ máu ở miền Nam, bao nhiêu là mối đồng cảm với nhân vật Tư!

Tôi đọc, phập phồng với hy vọng Tư sẽ chuyển biến, chí ít cũng giật mình vào cuối truyện như Chí Phèo lao vào tàn sát Bá Kiến. Tôi hy vọng hão. Xin lướt thẳng đến chỗ kết thúc xem sao. Đến vài trang cuối, Đào Nguyễn vẫn giúp Tư tạo bi kịch mới, tự gây rối thêm cho mình và xã hội trong một cuộc lấy cung kỳ quặc, rất gần với truyện Vụ án của Kafka. Tư đánh chết Mai, đồng chí và đồng đội cũ đã phát điên vì trót giết chết hơn hai chục tù binh, vì con vượn cái hú đòi chồng con như thành tinh, vì ghen dữ dội khi vợ mình bỏ đi theo Tư, người yêu cũ. Bị Mai cầm dao sấn vào nhà đâm bị thương nặng, Tư đã dùng gậy để tự vệ. Luật nước ta cũng như các nước văn minh đều thừa nhận quyền tự vệ chính đáng, chỉ phạt khi tự vệ quá mức cần thiết. Đào Nguyễn, theo đúng mạch văn trong sách, lại muốn nhân đây vu vạ thêm nữa, bôi xấu chế độ thêm nữa. Tư trả lời người hỏi cung: “Tôi không giết ai bao giờ. Chính sự tàn nhẫn đã tự giết mình (…) Thì có bao giờ ai hiểu tôi. Tôi im lặng không trả lời nữa” (tr. 217). Những kẻ tầm thường như mỗi chúng ta đều trình bày sự việc, nhưng Tư không thèm hạ mình như ta đâu, trả lời bằng sấm Trạng Trình hoặc nín thinh. Có nên hiểu Tư đang làm theo lời ông thầy dạy nhạc được ca ngợi là giỏi và tốt bụng, khi Tư tỏ ý muốn hiến đời cho nhạc: “Tư có cả gan dám làm một con người “tử vì đạo” không?” (tr. 19). Ở nước ta, biết bao nhiêu ngàn vạn người đã thử sức mình trong sáng tác văn học nghệ thuật, qua thơ sổ tay, vẽ báo tường, nhạc liên hoan lớp, nhưng sau đó chọn nghề khác để theo trọn đời, coi văn nghệ là thú vui êm đẹp, là nghề tay trái. Sao cứ phải đi tìm cái kiếp “tử vì đạo”?

Tôi càng đọc càng thất vọng cay đắng. Con người đồng cảnh với tôi là người lính yêu văn nghệ cứ nhất định tuột dốc, không sao can nổi. Ngày càng sa lầy trong đời sống, sa đọa về tinh thần. Từ phản kháng trước vài vụ cụ thể, vài con người cụ thể, đi đến kết án cả bộ máy đương quyền, cả chế độ ta, lý thuyết lẫn thực tiễn. Từ những suy diễn một mình, đi đến truyền nọc độc sang lứa trẻ, tuy có đôi lúc giật mình hoảng sợ khi thấy thanh niên có thể đánh nhau hộc máu mồm hoặc rút dao đâm nhau “chỉ vì một cớ rất nhỏ nhoi, không đáng kể” (tr. 93).

Tư đã khẳng định phương châm sống của mình khi tự so sánh với Mai: “Mai sẽ thắng tôi. Vì anh ta là sức mạnh, còn tôi là nhân hậu; vì anh ta là lý trí cuồng nộ, còn tôi chỉ là yêu thương…” (tr. 63)

Trước khi soát lại con người “nhân hậu” ấy sống thực ra sao, cũng nên xem anh ta có tài đến cỡ nào. Nếu là thiên tài, xã hội có thể bỏ qua đôi nét lập dị, lẩm cẩm, xúm vào giúp Tư vượt qua những trục trặc eo xèo, như Gorki đã làm sau Cách mạng Tháng Mười. Giúp Tư hợp thức hóa việc về Hà Nội học nhạc đâu phải là thiên vạn nan! Tư đưa cho thầy xem một trăm bài ca khúc làm ở Tây Bắc. Nhưng khi đưa một bài cho đài phát thanh thì biên tập viên yêu cầu sửa từ cái tên trở đi, bằng lý lẽ của một học sinh cấp I: “Bây giờ không cần phải hy vọng nữa vì mọi thứ đã là hiện thực. Hết đau khổ rồi, còn gì mà phải băn khoăn” (tr. 14). Thời chiến vẫn chưa qua nhưng Đào Nguyễn cần tạo cớ để Tư chửi bới kia mà! Còn bản giao hưởng “Trương Chi” làm mãi không xong, chỉ được giới thiệu từng khúc, từng mẩu, tuy Tư đã chế biến lại một chàng Trương Chi khác xa bài vè dân gian, “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay”. Trương Chi được nâng lên thành tài năng siêu việt bị chà đạp, còn Mị Nương chỉ là một mỹ nhân tầm thường ham nhung lụa (chứ không phải ngại anh chèo đò quá xấu trai như truyện dân gian đã kể). Tài của Tư mới đến đấy, cũng đủ cho Chúa hiện lên trong mơ và dọa đuổi Tư ra khỏi xứ thiên đàng vì “nét nhạc của anh đang bị quỷ ám”.

Phải nhận rằng Tư có một biệt tài hiếm có: đọc được những ý nghĩ tồi tệ trong ánh mắt người khác nhìn mình, trả lời không âm thanh trong một cuộc “đối thoại bằng mắt”, hoặc cao tay hơn nữa là đón nhận tư tưởng người khác bằng cái gáy của mình, chẳng cần quay lại cũng hiểu hết (…).

(…) Đáng chú ý là nhân vật cháu Lê, con anh chị Trần, 18 tuổi gọi Tư bằng cậu ruột. Lê quý Ngọ đến mức sùng bái và hay tâm sự với Tư. Cô Lan bỏ trường đại học để lấy Ngọ, được Lê gọi là “vĩ đại” (…) tuyệt diệu nhất. Qua Tư và Ngọ, những kẻ tự hào khi xưng mình là “phó thường dân”, là “ma-cà-bông”, Lê nhanh chóng bị nhiễm độc. Sức lây lan của bệnh bất mãn chống chế độ được nhân lên qua suy nghĩ cảm tính của một học sinh.

(…) Quả thật, nhà triết lý ma-cà-bông Ngọ đã thu phục được một đồ đệ trẻ và hăng để thực hành lý thuyết của mình: “Cực cặn bã mới là nơi nhiều nhụy sống nhất”. Cháu Lê đi vào nơi cặn bã để tìm nhụy sống. Còn cái đại trí tuệ ở đâu cao xa quá, ngoài tầm với của anh sinh viên dở dang và chú học sinh phổ thông. Ngay cái việc nhập ngũ, vinh dự và nghĩa vụ của tuổi trẻ thời chống Mỹ, cũng được nhân lên thành hai thái cực: “Có một thằng bạn hỏi cháu: giữa nhà tù và đời lính, nên chọn bên nào?” (tr. 51). Dù Tư đã coi cháu là non choẹt, có hành vi cuồng dại, nhưng kẻ gieo bệnh SIDA hay giang mai đâu có quyền trách nạn nhân của mình?

Tư ưa thích ai, bạn đọc đã rõ.

Tư ghét ai?

Mở đầu bài này, phải nêu ngay ba nhóm và người đã bám theo Tư suốt dọc cuốn sách: Chúa trời cùng lũ thần quỷ chim thú ma quái quanh mình, anh rể Trần, tình địch Mai. Bám riết không tha. Đến Hàn Phi Tử cùng nền chính trị phương Đông tàn khốc và lừa bịp (do Ngọ truyền cho). Nhưng có một lớp người vô hình bị đay nghiến rất nhiều lần, đó là các “mú” (công an). Sống bụi đời ngoài vòng pháp luật ắt là gờm công an thôi. Nhưng điều lạ là Tư nhìn ai, nhìn đâu cũng thấy công an đang rình mò như kẻ cắp rình túi tiền, trong khi họ chỉ mất nửa phút để hỏi giấy và đưa Tư về bót! Cần chăng phải nhắc rằng công an trên khắp trái đất đều làm như thế?

Ngọ làm thân với Tư lúc nửa đêm khi kiếm chỗ ngủ ở ga: “Tôi không phải là “mú” đâu” (tr. 68). Thế là tin nhau. Về sau, gặp cháu Lê noi gương đi ngủ ga của Ngọ và Tư, Tư có dịp trổ tài nhìn bằng gáy: “Đầu óc tôi bỗng nóng ran, cái nóng tập trung nhất đằng sau gáy. Tôi quay đầu lại và chợt bắt gặp một đôi mắt sắc, nóng bỏng của một người tùm hum chăn ngồi ở xó buồng”. Từ đó thêm một ám ảnh nữa: “Một đôi mắt đỏ than hồng, rừng rực nhìn mình”. Lê giảng giải: “ở đâu chả có mú. Mú ở khắp mọi nơi” (tr. 94). Còn nhiều nữa, chỉ một quán bia Cổ Tân thôi, Ngọ đã chỉ vào một thanh niên “ăn mặc rất hợp thời trang” và rỉ tai Tư là “mú chìm!”. Một người cầm cuốn sách dày cộp trên tay đi qua, được mách là “mú văn hóa”. Ngọ giới thiệu tiếp với Tư ba tay nữa với ngoại hình khác nhau, đều là mú. Chính Ngọ cũng bị nhiều người nghi là mú. Hàng xóm của gã râu xồm “dắt me” cũng bị nghi là mú chìm: gã cầm dao rượt, vợ gã chửi ba ngày ròng. Tư tìm thấy mú ở “đôi con mắt sâu thẳm hé ra từ chiếc chăn nâu tùm hum”. Nữa: “Đôi mắt đen của một cô gái rất ngọt ngào nhưng thỉnh thoảng lộ ra vẻ soi mói!”. Tư phải kêu ngầm: “Hỡi những đôi mắt ngờ vực kia! Nhìn tôi làm gì? Tìm tôi làm gì?” (tr. 161). Những ai sống ở Hà Nội trong những năm 73-75 hẳn không ngờ một cái “lưới mú” hao người tốn của đến thế đã chụp xuống đầu mình tạo nên một nhà nước cảnh sát! Hay nó chỉ là sản phẩm độc hại của Tư và Đào Nguyễn?

Cố sắp xếp theo những sự kiện được nêu rải rác, thời điểm 1973-1975 có vẻ hợp lý. Miền Bắc và riêng Hà Nội đã vượt qua cuộc chiến tranh phá hoại thứ hai của Ních-xơn, vắng tiếng bom B52 rải thảm, vắng còi báo động và cao xạ, tên lửa, trong khi miền Nam đang còn chiến tranh: con trai thầy giáo Hưng chết bi thảm, chính ủy Trần xoay xở cho con khỏi đi bộ đội.

Nên chú ý ngay rằng hai cuộc chiến tranh phá hoại với những triệu tấn bom đánh tan hoang miền Bắc, qua Tư không hề để lại chút dấu vết nào trên các phố Hà Nội và tâm hồn người Hà Nội! Tìm đến mấy cũng chẳng có đâu. Quái lạ! đại diện cho sự tàn nhẫn mà Tư thù hận chỉ có những kẻ cộng sản cầm quyền theo thứ tự từ cao xuống thấp. Đế quốc Mỹ tàn sát dân ta hàng triệu đã biến đâu mất đi sạch trơn.

Mai giết hơn hai chục tù binh, đều là ngụy, dù được gọi là “lính Mỹ”. Các tên ác ôn cắt tiết cháu Hùng (con thầy giáo Hưng) cùng bốn đồng đội nữa, mổ bụng moi gan, đều là ngụy. Rất khớp với những sách báo Mỹ trút hết tội cho cả hai bên người Việt hung hãn diệt nhau, chứ người Mỹ văn minh làm chiến tranh với đôi bàn tay sạch. Xin nói trắng: số chống cộng lưu vong ở Mỹ và phương Tây có thể in lại cuốn Miền hoang tưởng mà không ngại phản ứng, không cần sửa chữa hay cắt xén.

Đại đội trưởng Mai bắt đầu điên sau khi phạm kỷ luật giết tù binh, càng điên sau khi bắn chết cha con con vượn. Còn Tư suy ngẫm gì sau khi cháu Hùng bị giết tàn khốc, khiến cho vợ Hưng bị loạn óc và Hưng hóa lẩm cẩm? Tư đang ăn bám nhà Hưng, nghĩ xa nghĩ gần: “không gian ta ở đang bị ô nhiễm tàn nhẫn, tình thương vào lúc này ai nói đến là thằng ngốc, thậm chí còn mắc tội (…) Tàn nhẫn đã len lỏi để đột nhập vào căn nhà nhỏ của Hưng, thánh đường của tình thương” (tr. 119). Căm bọn ác ôn tàn nhẫn ư? Không thấy nói. Thương cháu Hùng ư? Cũng không một chữ. Tư chỉ thấy Hưng là “con sư tử tàn nhẫn” (giống mà Tư rất ghét), căn nhà đã “ngấm độc hằn thù”. Và đó là “giống vi-rút đã gây nên căn bệnh hiểm nghèo hiện đại này”, phải truy lùng cho ra. 30 năm chiến tranh đẫm máu chưa đủ cho Tư thấy đâu là thù. Ngay cả kỷ niệm bà nông dân cực kỳ tốt đã đưa hai bắp ngô cuối cùng cho chị Trần nuôi con, đã bị Pháp bắn chết khi bò đi bẻ ngô cho mẹ con chị Trần và lũ con mình cũng chỉ là hồi ức thoáng qua, không gây ở Tư chút xúc động nào. Bởi con người “nhân hậu đầy yêu thương” ấy thù ghét quá nhiều kẻ chung quanh, đến cái độ không còn bận tâm đến 30 năm máu đổ thịt rơi và đất nước bị hủy diệt, đến cái đám thực dân đế quốc ở đâu đâu ấy!

Từ bé, Tư đã ghét bỏ bố vì làm thịt một con chó nuôi, bỏ về ở bên ngoại. Về sau, ghét Mai thô bạo, tàn nhẫn (cũng vì ghen tình nữa). Được anh chị Trần đón về nuôi, giúp mọi mặt, trong hoàn cảnh không hộ khẩu, không sổ gạo, không tem phiếu (giá chợ đắt ghê gớm so với giá cung cấp), dần dà tự gây sự với anh Trần, tự coi mình đã bị anh Trần đánh lừa theo cách mạng. Nhưng say mê hơn hết, Tư cố đi tìm sự tàn nhẫn của nhà nước ta, chế độ ta, để đổ dầu thêm mãi vào lửa hằn thù của mình (…).

(…) Xin đừng lầm công phu soi móc của lớp người như Tư với phong trào chống tiêu cực, chống tham nhũng, nối tiếp các cuộc vận động xây và chống hồi trước. Ngược nhau đúng 180 độ! Chúng ta chống để xây dựng đất nước, chế độ. Họ săn tìm cái xấu để cố hủy bỏ chế độ này từ gốc đến ngọn, bởi nó là tàn bạo, phi nhân (mời tham khảo thêm các tài liệu chống Cộng từ thế kỷ XIX đến nay).

Thế nhưng Đào Nguyễn cũng phải cho đứa con cưng của mình làm một việc gì tôn tốt, đường được, để giữ chút cảm tình của bạn đọc chứ. Sau khi nhà giáo Hưng đến khóc, gào xin các bạn giúp tiền để chữa bệnh điên cho vợ, Tư muốn giúp nhưng lại không muốn bán đàn piano. Tư đi bán máu với cái triết lý của Ngọ: “Mình tự ăn thịt mình dù sao cũng thích hơn để kẻ khác ăn thịt mình”. Và của Tư nữa: “Anh hãy cắt anh ra thành từng miếng thịt nhỏ để tự gặm nhấm mà sống” (tr. 157). Lỗ Tấn chửi bọn Quốc dân đảng khát máu như thế, Đào Nguyễn chỉ “mượn tạm” ý này để chửi ta, không chế nổi súng đạn khác mà chỉ xoay ngược nòng súng cũ thôi!

Tư bán ba trăm xê xê máu, trả tiền hoa hồng cho gã râu xồm, nộp cúng hết số tem bồi dưỡng cho bác sĩ, y tá, giúp Hưng được một số tiền. Nhưng Hưng lại bị căn bệnh cũ tái phát, luôn mồm kêu rên muốn “di động không gian”, các bạn nghe đến chán. Hưng tin như một ông thầy địa rằng mỗi sự thay đổi hướng nhà hướng cửa, cách bày biện trong căn nhà “đồng nát” của mình đều ảnh hưởng ngay đến tính nết và số phận người ở trong nhà, vì: “Có đủ hết, không gian đĩ thõa, không gian sa đọa, không gian suy tàn” (tr. 176). Có làm “cách mạng không gian” mới chữa được bệnh điên của vợ Hưng. Nghĩa là cần thêm nhiều tiền nữa. Tư định bán máu tiếp lần nữa để giúp Hưng (có lẽ vì đã trót ăn nhờ ở đậu nhà Hưng), dù bạn bè cố ngăn cản. Cũng không chịu nghe theo lời khuyên làm cho máu loãng ra, đỡ nguy hiểm, vì làm thế là “tàn nhẫn, độc ác”. Thực ra đó là người khùng giúp người lẩm cẩm. Hưng được giúp sửa nhà, sau đó vẫn rầu rĩ nói với Tư: “Có lẽ việc sửa nhà, làm gác xép, làm đồ đạc mới của mình chẳng qua cũng chỉ là những động tác để che lấp đi những lỗ trống trong đời (…) khi xong việc mình mới hiểu mình đã ngộ nhận. Có lẽ mình cũng là kẻ… kẻ điên…” (tr. 187)

Sau đợt bán máu liều lĩnh thứ hai. Tư ốm nặng, nằm ăn bám nhà Minh, mê tỉnh đều thấy máu. Lũ quỷ không đầu hát một bài ca rất đáng chú ý: “Chúa Đông chúa Tây – Chúa Nam chúa Bắc – chúa hiền chúa ác – Cũng đều chết sạch – Chúa chết cả rồi – Ta cười ta hát…” (tr. 193). Ẩn ý ở đây thật dễ đoán (…).

(…) Tính cách của Tư và nhóm “đồng khí tương cầu” đã hiện rất rõ. Dụng tâm của Đào Nguyễn được bộc lộ rõ rệt không kém: mượn những ý thâm, lời miệng, việc làm càn quấy của một người điên loạn ngày càng nặng, với mấy người bạn tưởng mình có tài, chưa điên nhưng cũng khùng, ngông, hấp, bất đắc chí với chế độ ta, để chửi văng mạng, vô tội vạ, với những mũi dùi cay độc nhất xóc vào Đảng Cộng sản, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một số bạn trong nghề văn thường ngại sự đồng hóa giữa nhân vật và tác giả. Ngô Tất Tố không phải là chị Dậu, Nam Cao khác xa Chí Phèo, Xuân tóc đỏ và Vũ Trọng Phụng chưa hề bị đánh đồng. Học sinh phổ thông đều hiểu như thế. Trong Miền hoang tưởng lại khác hẳn. Đào Nguyễn cho nhân vật Nguyễn Đình Tư đóng rất nhiều vai: nhân vật trung tâm, nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình nói thay tác giả.

Thái độ đồng tình của Đào Nguyễn từ đầu đến cuối cuốn sách đối với cái loa phát ngôn là Tư không thể che giấu!

Tác giả và nhà xuất bản Đà Nẵng có thể trương lên một tấm biển lừa người thứ hai: “Đây là công trình nghiên cứu khoa học về tâm lý người sáng tác văn nghệ”. Chẳng ai lầm đâu. Xưa nay đã có và sẽ có tiếp những “công trình nghiên cứu” về thói cuồng dâm và bạo dâm, bệnh nghiện giết người đốt nhà, hạnh phúc, xì-ke, anh hùng vượt biên, đủ món lạ, nếu ta không ngăn chặn.

Một người bạn viết văn hỏi tôi: “Cuốn truyện vừa này có đáng công để anh mổ xẻ dài đến thế không?” Thú thật, tôi chỉ định viết vài trang cảm tưởng, nhưng không kìm nổi mình. Vì nó bôi nhọ giới yêu văn nghệ và làm văn nghệ đến độ kinh khủng. Vì cuốn sách độc hại nhất mà tôi được đọc trong nhiều năm qua lại được xuất bản ngay trên quê hương của tôi.

Xử lý thế nào là tùy pháp luật. Tôi tự hạn chế trong phạm vi trách nhiệm công dân, trong cương vị một người cầm bút. (…)

Nguồn: Công An Quảng Nam Đà Nẵng, số 44 (3.11.1990)

Đọc thêm trên Văn Việt:

1/ http://vanviet.info/van/nhung-bai-viet-ve-tieu-thuyet-mien-hoang-tuong-nam-1990/

2/ http://vanviet.info/van/chuyen-bay-gio-moi-ke

Comments are closed.