Trần Yên Nguyên
Cha tôi không còn nữa.
Ông đã từ trần hồi 22 giờ 30 ngày 14-3 năm 2014. Sinh thời bố tôi không thích nói không hay về người khác và càng chẳng bao giờ thích tự nói hay về mình. Chẳng biết ở thế giới bên kia bố tôi có giận không khi tôi kể cho bạn đọc nghe chuyện về ông.
Họa sĩ Trần Duy – Quê hương – Dòng tộc:
Họa sĩ Trần Duy – tên thật là Trần Quang Tăng – sinh ngày 20/6/1920 tại thành phố Huế.
· Tiểu học: Khi bố tôi còn nhỏ do ông nội thuyên chuyển việc làm ở nhiều nơi nên bố tôi cũng đi theo ông nội học tiểu học ở nhiều trường khác nhau.
· Trung học: bố tôi học ở trường Khải Định nay là trường Quốc học Huế.
· 1940: Học trường Mỹ Thuật Đông Dương.
· 1941-1944: Tham gia hoạt động Việt Minh trong Tổng hội Sinh viên.
· 1945: Tham gia Cách mạng tháng 8, cướp chính quyền ở Huế.
· 1946-1947: Phụ trách trinh sát và tuyên truyền ở khu chợ Đồng Xuân – Hà Nội – Là đảng viên Đảng Dân chủ – Tham gia Đội quyết tử quân đánh trường bay Gia Lâm.
· 1947-1949: Sau khi tham gia chiến dịch sông Lô chuyển về làm Phó phòng Địch vận khu X dưới quyền ông Song Hào. Sau về làm ở báo Vui sống – Cục Quân Y.
· 1956-1957: Tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm. Làm thư ký tòa soạn báo Nhân văn, sau đó bị kỷ luật đình chỉ công tác.
· 1960-1963: Ông về làm tại Công ty Mỹ Thuật Hà Nội.
· 1964-2014: Họa sĩ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Với bố tôi, quê hương mơ hồ lắm vì bố đâu có một ngày được sống ở quê hương. Dòng họ Trần Quang quê gốc làng Xuân Yên, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tổ thứ 4 là ngài Trần Quang Khương rời quê ra Huế nhận chức vệ úy dưới quyền Đô thống chế Tả dinh Lê Văn Duyệt (thời vua Gia Long). Kể từ đó chi chánh họ Trần Quang định cư ở Huế.
Bố tôi được sinh ra và lớn lên ở Huế. Khi tôi còn nhỏ, bố thường kể cho nghe về kinh thành Huế, về con người Huế, về các món ăn của Huế… Ông kể say sưa với tất cả nỗi niềm của người con xa xứ, ông cứ kể hoài, kể mãi nhưng tôi cũng không mường tượng nổi về quê hương mình. Mãi cho tới năm 1998 tôi mới có dịp trở về quê. Ngỡ ngàng trước sự quyến rũ diệu kỳ của quê hương, của sông Hương, núi Ngự, của tháp chùa Thiên Mụ nằm soi bóng bên bờ sông Hương hiền hòa, của kinh thành cổ kính, của các khu lăng mộ thấp thoáng sau rừng thông. Một điều kỳ thú nữa ở Huế mà không nơi nào có được đó là xứ sở của chùa, đến dự các khóa lễ ở chùa Huế ngoài vấn đề tâm linh ta còn như được thưởng thức một giàn nhạc dân tộc, bởi chính ảnh hưởng của nhã nhạc cung đình đã tạo cho chùa Huế một âm hưởng trầm bổng thật tuyệt vời trong các khóa lễ! Ai đã một lần đến Huế thật khó ra khó ra đi mà không hề xao xuyến – quả thật Huế đẹp như một thiên đường.
Gia phả dòng tộc Trần Quang chỉ được ghi đến chúng tôi là đời thứ 10 – còn cội nguồn xuất xứ trước nữa không ai rõ.
· Tổ đời thứ nhất: Ông Trần Quang Vụ, ông Vụ sinh ông Lộc và 3 người con gái.
· Tổ đời thứ 2: Ông Trần Quang Lộc sinh 3 trai và 3 gái, trong đó ông Luyện là tổ đời thứ 3 chi chánh.
· Tổ đời thứ 3: Ông Trần Quang Luyện sinh 3 trai 3 gái, trong đó ông Khương là tổ đời thứ 4 chi chánh.
· Tổ đời thứ 4: Ông Trần Quang Khương (1757 – 1815). Chức vệ úy dưới quyền Đô thống chế Tả dinh Lê Văn Duyệt (Thời vua Gia Long) ông sinh 9 trai 3 gái, trong đó ông Chung là tổ đời thứ 5 chi chánh.
· Tổ đời thứ 5: Ông Trần Quang Chung (1801 – 1866) ông là quan thượng thư đại thần Bộ Lễ thời Vua Thiệu Trị – là thầy dạy vua Tự Đức và các ông Hoàng, bà Chúa trong cung. Ông sinh 6 trai 3 gái, trong đó ông Phổ là tổ đời thứ 6 chi chánh.
· Tổ đời thứ 6: Ông Trần Quang Phổ (1839 – 1887), chức Phân dõng tướng quân văn thần phò mã, chồng ngài Đồng Phú công chúa con gái thứ 24 của vua Thiệu Trị. Ông sinh 3 trai 3 gái, trong đó ông Nhuận là tổ đời thứ 7 chi chánh.
· Tổ đời thứ 7: Ông Trần Quang Nhuận tức Trần Quang Trinh (1863 – 1920) lãnh chức quan Tham tri Bộ Lễ và Thượng thư Bộ Hình. Ông sinh 3 trai 2 gái, trong đó ông Hoàng là tổ đời thứ 8 chi chánh.
· Tổ đời thứ 8: Ông Trần Quang Hoàng (1901 – 1981) sinh 4 trai 1 gái, trong đó ông Trần Quang Tăng là tổ đời thứ 9 chi chánh.
1923: Ông Hoàng là Thừa phái huyện Yên Thành, Nghệ An.
1925: Tri huyện Phù Cát, Bình Định.
1931: Tri huyện An Nhơn, Bình Định.
1933: Tri huyện Hoài Ân, Bình Định.
1934: Lai mục huyện Tánh Linh, Bình Thuận.
1935: Về báo Tiếng Dân Huế dưới quyền cụ Huỳnh Thúc Kháng.
1939: Thừa phái thế lục sự huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
Tháng 8/1945 Ông Hoàng bị bắt giam – 5/1946 được trả tự do và được ông Phạm Văn Đồng đưa về làm Thư ký Ủy Ban Hành chính Kháng chiến huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Tháng 9/1950 ông Hoàng bị bom cụt tay phải, nghỉ việc chuyển qua hoạt động Phật giáo.
· Tổ đời thứ 9: Ông Trần Quang Tăng tức Họa sĩ Trần Duy (1920 – 2014) sinh 4 trai 2 gái, trong đó ông Trần Quang Trung là tổ đời thứ 10 chi chánh.
Ngày miền Nam mới giải phóng, tháng 7/1975, tôi và mẹ về Nha Trang thăm ông bà nội. Khi đó ông bà nội tôi ở 82 – 84 Quốc lộ I Nha Trang. Những lúc không vui bà nội tôi hay nói: “Cái dòng nhà mi là dòng anh em chém giết lẫn nhau, tay mặt chém tay trái nên nghiệp chướng oan khiên, đàn bà dòng họ Trần Quang gặp lời nguyền nên không mở mặt ra được bởi rứa đó!”
Tôi nghe bà nói vậy chẳng hiểu gì, cứ bám theo hỏi nội mãi mới biết: Vào thời vua Gia Long, anh em họ Trần Quang người phò nhà Nguyễn, người theo Tây Sơn. Đến khi Tây Sơn suy yếu và thất thủ ông Trần Quang Diệu và bà Đô đốc Bùi Thị Xuân (là con dâu của dòng Trần Quang) bị tru di, voi giày ngựa xéo, tứ mã phanh thây. Nghe bà con dòng tộc truyền khẩu lại khi bà Xuân bị hành quyết có nguyền điều chi đó mà mãi cho tới tận ngày nay tất cả phụ nữ dòng họ Trần Quang đều vô cùng bất hạnh đường nhân duyên, cho dù đó là người thông minh, tài giỏi và thành đạt trong sự nghiệp hoặc thương trường.
Bà sơ (ngoài Bắc gọi là cụ) của bố tôi là ngài Đồng Phú Công chúa (1840 – 1915). Hiệu của ngài là Ý Phương, tên ngài là Cẩn Thiệu, là con gái thứ 24 của vua Thiệu Trị. Còn bà nội tôi, cụ Tôn Nữ Thu Thư là hậu duệ đời thứ 8 của chúa Nguyễn Phúc Chu.
Bố tôi kể: Vì dòng dõi cả hai bên nội ngoại của bố đều là con cháu vương triều, mà tệ một nỗi ông Hoàng bà Chúa trong cung rảnh rỗi đâu có việc gì để làm ngoài việc đánh bạc. Bố nói: Những thảm họa do cờ bạc mang lại cho dòng tộc, cho gia đình: Mất đất, mất Phủ, gia đình cãi lộn, bất hòa… khiến bố thâm thù người cờ bạc. Bố tôi không bao giờ đánh bạc, không bao giờ rượu chè say xỉn. Với ông cả cuộc đời chỉ biết cặm cụi làm việc mà thôi.
Năm 2001, hồi tôi còn đang công tác ở Huế, bố tôi có làm giấy ủy quyền và giao cho tôi toàn bộ giấy tờ của Phủ Chúa để tôi đi trình xin tỉnh can thiệp giúp đỡ. Tôi đã mang toàn bộ giấy tờ đó lên gặp ông Nguyễn Văn Mễ Chủ tịch tỉnh thừa Thiên Huế trình bày. Ông Mễ nói: “Chúng tôi có thể xem xét, can thiệp giúp đỡ gia đình chị. Nhưng ngần đó hộ dân đã có sổ đỏ, để đền bù di dời là chuyện rất tốn kém và phức tạp, hơn nữa phải nhờ tần phiền tới nhiều người. Đất ở Huế không đắt, chị bàn lại với gia đình xem hay là mua chỗ đất khác xây dựng lại từ đường có lẽ như thế sẽ tốt hơn”. Tôi đành vâng: Xin cảm ơn anh. Mà đúng thật. Ông Mễ nói không sai.
Vậy là cả một dòng tộc, con Vua cháu Chúa, Từ đường, Phủ Chúa (gọi là phủ Ông Hoàng ở Kiệt 3 đường Chi Lăng rộng 3568m2 – năm 1975 khi giải phóng vô, người trong phủ bỏ chạy tứ tán, nên phủ đã bị nhiều hộ dân vô chiếm) chỉ còn là một đống giấy lộn. Tôi vẫn cất giữ giấy tờ đó rất cẩn thận, mà cũng chẳng biết cất để làm gì!
Họa sĩ Trần Duy con đường học vấn và sự nghiệp trước cách mạng Tháng 8:
Bố tôi học trung học tại trường Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Khoảng năm 1940 ông ra Hà Nội, thời kỳ đầu định theo các bạn vào học Y, ông có rất nhiều bạn là bác sĩ: Bác sĩ Dương Quang, Bác sĩ Nguyễn Xuân Ty, Bác sĩ Bửu Triều, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ… Nhưng sau đó ông gặp hai người bạn cũ là bác Mai Văn Nam và bác Võ Lăng, ông đến thăm hai bác đó đang học ở trường Mỹ Thuật, ông thích quá và quyết định xin vô học trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.
Cậu trai tỉnh lẻ ra thành phố lớn, chân đi dép xỏ ngón đầu đội khăn xếp, thân mặc áo dài the. Hồi mới ra Hà Nội ông ngạc nhiên về cái xe điện lắm. Có lần đang trên xe điện đi cùng người bạn là nhạc sĩ Phạm Duy, xe điện chạy qua khu Bưu điện Bờ Hồ bây giờ thì ông Phạm Duy nói xuống đây đi, đừng về bến nữa. Là người Hà Nội quen với nhảy tàu nên ông Phạm Duy bước nhẹ xuống đường trong lúc tàu vẫn đang chạy về bến. Ông Trần Duy bước theo. Thế là: khăn xếp lăn một nơi, dép xỏ văng một nơi, áo dài, quần ống xớ rách te tua hết. Lồm cồm giữa lề đường Hà Nội, ông ngượng quá và từ đó bỏ quần ống xớ, bỏ áo dài the, bỏ khăn xếp, bỏ dép xỏ ngón chuyển qua mặc đồ Âu, đi giày Tây và cạch xe điện luôn. Không có xe đạp thì đi bộ, không bao giờ ông đi xe điện nữa!
Ông kể những năm 1940 – 1945 xã hội lúc bấy giờ có nhiều biến động, loạn lạc lắm. Bên cạnh trường ông học là trại ngựa của Nhật, có lần nhìn qua trại ngựa ông thấy một cảnh tượng kinh hoàng, lính Nhật bắt được một người ăn vụng thức ăn trong máng ăn của ngựa. Chúng đã mổ bụng một con ngựa nhồi người đàn ông còn đang sống rãy rụa vào bụng con ngựa và khâu bụng ngựa lại.
Một lần khác đi qua cầu Long Biên (khi đó chính quyền quy định hướng xe đi qua cầu và về cầu trong một khoảng thời gian nhất định, bố tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu phút lại đổi chiều ngược lại), một chiếc xe kéo tay trên xe có ông khách ra tới giữa cầu thì đúng khoảng thời gian đổi ngược chiều đi, người kéo xe tấp xe và người khách cùng nép vào một bên thành cầu. Một xe lính Nhật chạy chiều ngược lại, ngừng xe, hai tên lính Nhật xuống xe bước tới nắm lấy cái xe kéo và cả người khách lẫn người kéo xe, chúng quăng tất cả xuống dòng sông Hồng đang chảy xiết. Hai người đàn ông không biết bơi rãy rụa một hồi rồi chìm nghỉm.
Có lần bố tôi và bác Lê Thanh Đức lên Sơn Tây để tìm địa điểm in và rải truyền đơn chống Nhật thu thóc thuế thì gặp một cảnh tượng dã man, ghê rợn mà mãi mãi không thể nào quên nổi. Bọn Nhật bắt được năm người nông dân lao vô cướp kho thóc, chúng dẫn giải năm người đó ra sân kho, bắt mỗi người tự đào một cái hố – đất lẫn sỏi đá nên họ đào mãi cái hố cũng chỉ sâu ngang hông. Ngưng đào hố, chúng bắt mỗi người quỳ trước cái hố mình tự đào, lấy thuốc đỏ vạch một đường từ mang tai bên nọ qua mang tai bên kia của họ – rồi chúng dùng kiếm cạo sạch tóc theo vết thuốc đỏ đó, dứ kiếm 3 lần rồi chặt đầu từng người, họ lộn xuống cái hố nông từ bụng trở lên nằm ngoài miệng hố chân rẫy rẫy mãi mới chết hẳn. Chứng kiến cảnh tượng man rợ do phát xít Nhật gây ra cho người Việt, bố tôi đã quyết định tham ra hoạt động của tổ chức Việt Minh, mặc dầu khi đó ông chẳng hiểu phát xít là gì và chống nó ra sao. Tổ chức bảo chuyển tài liệu thì đi chuyển tài liệu, tổ chức bảo đi rải truyền đơn thì rải truyền đơn, miễn là tham gia được chút sức lực vào công cuộc chống Nhật.
Năm 1943 bố tôi gặp lại một người quen là bác Lê Hữu Kiều, trước là tráng sinh hướng đạo. Một lần bác ấy dắt bố tôi lên đồn điền Hiệp Hòa ở Bắc Giang gặp một số sinh viên ở đó, bác Kiều bảo bố tôi nên tham gia vào hoạt động của tổng hội sinh viên vì mình là thanh niên, và thế là năm 1944 bố tôi tham gia phụ trách đường dây liên lạc Hà Nội – Thái Nguyên – Cầu Đuống – Bắc Ninh. Ông chuyển truyền đơn, hay những tờ báo về Hà Nội. Thật ra lúc bấy giờ bố tôi cũng không hiểu hết những nguy hiểm của việc mình làm. Khi đó gia đình ông bà ngoại tôi ở hỏa xa Đông Anh. Vì ông ngoại tôi là Tổng công trình sư đường sắt, nên đi lại bằng đường sắt rất dễ dàng. Bố tôi đi cùng với mẹ tôi (khi đó bà còn rất nhỏ – độ mười bốn, mười lăm tuổi là em gái bạn học – họa sĩ Lê Thanh Đức). Mẹ tôi quen với tụi Nhật đóng trong xưởng máy Đông Anh, nên việc vận chuyển tài liệu về Hà Nội rất xuôi lọt.
Năm 1945 khi bố tôi còn đang học ở Hà Nội thì cách mạng nổ ra ở Huế. Ông nội tôi làm quan ở Thừa Phủ Huế bị bắt cùng với Ông Bửu Trưng (là bác của bố tôi), ông Phạm Quỳnh và một số người khác nữa, họ bị giam cùng một nơi.
Khi đó cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Bắc làm Phó Chủ tịch trong Chính phủ Lâm thời. Cụ Huỳnh là bạn của ông nội tôi (bố tôi vẫn còn giữ được ảnh ông nội tôi chụp chung với cụ Huỳnh). Bố tôi đã đến Phủ Thủ tướng tìm gặp cụ Huỳnh. Cụ Huỳnh viết thư gửi ông Tôn Quang Phiệt là Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên nhờ giúp đỡ. Ông Tôn Quang Phiệt đã xin ý kiến ông Nguyễn Duy Trinh và 5/1946 ông nội tôi được thả về, những người cùng bị giam thời đó với ông nội tôi: ông Phạm Quỳnh, ông Bửu Trưng… thì sau khi Tây nhảy dù xuống Phong Điền, tất cả những người đó đều bị chết. Bố tôi rất mừng là đã cứu được cha mình trong tình cảnh đó.
Cách mạng Tháng Tám 1945, ông trở về tham gia cướp chính quyền ở Huế. Ông và ông Từ Chi được ông Nguyễn Duy Trinh giao vẽ cái affiche cách mạng đầu tiên treo bên phía Nam chân cầu Tràng Tiền của thành phố. Một người mẹ trẻ bế con nhìn ra biển, trên đầu là lá cờ đỏ sao vàng lồng lộng.
Họa sĩ Trần Duy trong kháng chiến chống Pháp:
Kháng chiến bùng nổ, khi đó ông đã có tình ý với mẹ tôi, nên ông bỏ Huế ra tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp ở Miền Bắc.
Năm 1946 ông phụ trách trinh sát và tuyên truyền ở khu chợ Đồng Xuân. Sau đó tham gia Đội quyết tử quân đánh trường bay Gia Lâm. Bắt đầu tham gia hoạt động tự vệ Thành Hà Nội bố tôi gặp được ông Hoàng Minh Chính, là Tổng thư ký Đảng Dân Chủ. Ông Chính là người tốt bụng, nghiêm túc, cởi mở nên đã cảm hóa được bố tôi.
Ông Hoàng Minh Chính rủ bố tôi: “Hay là mày đi tham gia đánh trường bay Gia Lâm đi”. Ừ thì đi! Nhưng cũng chẳng biết phải làm gì và phải đánh như thế nào.
Ông ấy bảo bố tôi: “Bây giờ mày về tổ chức hộ gạo, lên danh sách dân quân và liên lạc với tỉnh ủy Bắc Ninh”. Bố tôi cũng làm theo lời ông Chính chỉ đạo. Khi đánh trường bay Gia Lâm, bố tôi và ông Chính ở trụ sở đặt trên gác của nhà máy cơ khí Gia Lâm để nhìn thẳng vào trường bay. Vì là trận đánh đầu tiên, có lẽ ông Chính cũng chưa ý thức được rõ ràng về việc chỉ huy (là bố tôi nghĩ như thế). Vì thấy ông Chính đốt mấy cái pháo thăng thiên làm pháo lệnh. Bên sân bay lính Pháp và lính ngụy thấy pháo lệnh chạy toán loạn. Một hồi lâu sau khi pháo lệnh mà không thấy Việt Minh tấn công, Pháp đã nã pháo sập luôn ngôi nhà bố tôi và ông Chính đang đứng, may mà bố tôi và ông Chính không ai bị thương. Trận đột kích đầu tiên đó thất bại. Trận thứ hai, ông Hoàng Phi là chiến sĩ đầu tiên của ta hy sinh ở trường bay Gia Lâm cùng với một sĩ quan Nhật. Sau đó Trung ương gọi ông Hoàng Minh Chính lên, đưa ông Đặng Viết Châu về thay. Bố tôi đưa khẩu đại bác 75 vào tận trong sân bay, Tây tìm ra được địa điểm và bắn, bố tôi và ông Đặng Viết Châu lại bê khẩu đại bác 75 chạy ra ngoài. Trận cuối cùng bố tôi tưởng ông Hoàng Minh Chính đã chết. Kết thúc trận đánh chúng tôi làm lễ truy điệu anh em đã hy sinh, sau đó ông Đặng Viết Châu bảo bố tôi đi tìm vợ ông Hoàng Minh Chính để giao lại kỷ vật. Khi đó đơn vị bà Hồng Ngọc đóng tại một đình làng ở Vân Đình. Bố tôi tìm vào gặp bà Ngọc và nói: “Anh Hoàng Minh Chính trước khi chết có để tất cả những cái này gửi lại cho chị”. Bố tôi còn nhớ là cái ví với cái bút Shaffer và ảnh bà Hồng Ngọc. Bà ấy khóc và nói: “Anh ấy không chết đâu, anh ấy bị thương nằm trong nhà kia kìa”. Như thế là ông Hoàng Minh Chính còn sống.
Bố tôi vào thăm ông Hoàng Minh Chính xong rồi quay về gặp ông Đặng Viết Châu. Ông Châu giới thiệu bố tôi về Khu X đóng bên sông Lô. Ông Song Hào là Chỉ huy của Khu X nhận và đưa bố tôi về làm Phó phòng Địch vận. Ông Song Hào phân công bố tôi phụ trách phần địch vận bằng tiếng Pháp. Ở đó bố tôi phụ trách làm truyền đơn và làm công tác địch vận cùng với ba người hàng binh dưới quyền chỉ huy của ông Lưu Văn Lợi là các ông:
Ông Chiến Sĩ (Erwin Borchers tức Chiến Sĩ 1906-1989) là hàng binh người Đức.
Ông Lê Đức Nhân (Rudy Schröder còn gọi là Kerkhof 1911-1977) là hàng binh người Đức.
Ông Nguyễn Dân (Ernst Frey 1915-1994) là hàng binh người Áo. Đó là ba người hàng binh đã đóng góp công sức rất nhiều trong công tác địch vận của ta trong kháng chiến chống Pháp.
Bố tôi kể có hôm bắc loa gọi qua bên kia sông Lô vận động ngụy quân phản chiến. Bên này loa gọi: “Hỡi các anh em binh sĩ. Hãy quay súng trở về với Tổ Quốc”.
Bên kia lính ngụy trả lời lại: “Tổ Quốc với chẳng tổ cò vì chưng đói bụng nên mò sang đây. Bao giờ bên ấy đánh được Tây. Bên ấy không gọi bên đây cũng về”. Mà đám lính ngụy đó đã nói không sai, họ chỉ vì miếng cơm manh áo mà theo giặc, khi ta đánh bại thực dân Pháp, hàng binh kéo cờ trắng hàng đoàn trở về với Tổ Quốc. Họ không hề chống cự.
Năm 1947 bố tôi về báo Vui Sống thuộc cục Quân Y dưới quyền ông Từ Giấy. Bố tôi rất ít kể về thời gian này, có lẽ công việc ở đó không có gì đáng để nhớ để kể. Sau thời gian này ông về Hội Văn Nghệ Việt Nam.
Tôi đã được gặp cố nhà văn Phan Khôi có lẽ là cuối 1955 đầu 1956 ở xưởng vẽ của bố thuê ở 55 Trần Quốc Toản, khi đó chỉ nhớ ông cho tôi cái bút nguyên tử (có lẽ là bút bi) thích lắm cứ hí hoáy vẽ mãi bằng cây bút đó. Nhưng thú thật khi đó còn quá nhỏ nên tôi ít có ấn tượng về ông, mãi cho tới năm 2007 bố viết bản thảo đưa tôi đánh máy giúp bố: “Tưởng niệm về nhà văn Phan Khôi” tôi mới biết cụ Phan Khôi có ảnh hưởng rất lớn với bố tôi. Ông vô cùng kính trọng cụ Phan Khôi, bao năm nay bố tôi vẫn đau đáu về nỗi oan khiên của cụ Phan. Bố viết: “Ông Phan Khôi không còn nữa, nỗi oan khuất đời ông vẫn chưa có người giải!”
Cụ Phan Khôi là người có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời sáng tác nghệ thuật của bố tôi – cố họa sĩ Trần Duy.
Bố tôi viết:
“Tên ông Phan Khôi tôi được nghe lúc tôi còn học Trung Học Khải Định Huế. Năm 1947-1948 tên nhà văn Phan Khôi lại đến với tôi trong một hội nghị văn hoá tại Hạ Hoà – Phú Thọ. Tiếp theo là lớp chỉnh huấn tại Việt Bắc.
Năm 1949 tôi lại được ăn ở cùng lán với nhà văn Phan Khôi tại cây số 7 đường Tuyên Quang – cơ quan của Hội Văn Học Nghệ Thuật.
Năm 1956 – 1957. Một số anh em văn nghệ sĩ đề nghị nhà văn Phan Khôi giúp họ ra tờ báo Nhân văn mà ông làm chủ nhiệm, còn tôi làm Thư ký toà soạn.
Năm 1959 anh Phan Thao báo tin cho tôi: “Bác Phan mất”.Tôi đến hôm liệm bác, anh Phan Thao bỏ giấy đắp mặt và tôi gặp Bác lần cuối cùng lúc 10g sáng.
Trong năm thời kỳ của một đời người, cũng là năm thời kỳ tôi được tiếp xúc với một con người mà mọi người đều biết, đều e ngại, đều cảm phục, và cũng là người mà ai cũng xem như một ẩn số cần nghiên cứu và tìm hiểu.
Tôi không nhằm nghiên cứu về sự nghiệp văn học của ông Phan Khôi, vì vậy hôm nay nếu được trình bày một vài ý nghĩ về ông Phan Khôi thì cũng chỉ là một vài hoài niệm riêng tư bên lề đời sống của con người ấy mà thôi.
Vì tôi làm nghề vẽ, nên nhìn người thiên về cái đẹp của sắc diện, do đó tôi nhìn nét mặt Phan Khôi đẹp như một tác phẩm điêu khắc tạc vào đá, như đồng bộ nói lên cái khí tiết, cái cương nghị, cái quắc thước của con người Phan Khôi, nhưng nếu sống gần ông, vẫn thường nghe tiếng chép miệng, thở dài của một tâm hồn nhạy cảm.
Trong giao tiếp ông là người rất ít nói, nếu cần phải nói thì cũng rất ngắn gọn mà có người không hiểu cho là bẳn gắt, ông ít nói về người thứ ba, nếu phải nói ông thường dùng “ông ấy”, “anh ấy” không mấy khi ông dùng “hắn” hay “nó”.
Những ngày gặp nhau trong lớp chỉnh huấn mọi người trở nên ít nói, không vui đùa. Không khí trở nên nặng nề và dè chừng. Anh Văn Cao đến tìm tôi và nói:
– Cậu nên nói qua về quan hệ gia đình, nếu không người ta cho là cậu giấu thành phần, không thành khẩn thì kết quả học tập sẽ không được tốt.
Ngồi trong số những người nghe, ông Phan Khôi hỏi tôi:
– Hiện anh có còn quan hệ với những người anh vừa kể tên không?
Tôi trả lời:
– Không!
Ông Phan Khôi cười:
– Chẳng ai biết ai, thì kể ra cũng chẳng ích gì cho ai.
Tôi hỏi:
– Nhưng nói ra như vậy có sao không?
Ông trả lời:
– Ngày nào thì ngày ấy lo, biết thế nào để mà lo trước.
…Tiếp năm ấy có hội nghị văn hoá tổ chức tại Hạ Hoà – Phú Thọ có thuyết trình về truyện Kiều, do đó cần có chân dung Nguyễn Du.
Ông Tố Hữu gọi tôi và bảo tôi vẽ chân dung Nguyễn Du, tôi nói không có tài liệu nào tả về Nguyễn Du để vẽ. Ông Tố Hữu cười và bảo:
– Cứ vẽ một nhà Nho, trí thức, đẹp.
Anh Tú Mỡ đứng cạnh đó nói thêm:
– Nhớ là nhà Nho râu ba chòm.
Trên những hiểu biết ấy tôi lấy giấy bút vẽ chân dung Nguyễn Du.
Tôi nghĩ chắc chắn chẳng có ai để ý đến bức tranh đó. Nhưng tôi đã nhầm – có một người đã để ý đến bức tranh, người ấy là ông Phan Khôi, cuối buổi họp ông Phan Khôi gặp và hỏi tôi:
– Anh dựa vào đâu để vẽ Nguyễn Du?
Tôi lúng túng đáp:
– Mọi người bảo cháu vẽ, và chẳng có tài liệu nào cả.
Ông bảo tôi ngồi xuống cạnh ông, rồi ông nói:
– Lời nói gió bay, nhưng viết thành văn, vẽ thành tranh không dối trá được. Đối với một nhân vật lịch sử như vậy mà anh dối trá đến thế thì rất có thể có rất nhiều dối trá kiểu như thế tồn tại trong lịch sử.
Lần đầu tiên có người răn đe tôi về việc làm “hàng nghệ thuật giả.”
Bố tôi trăn trở mãi về lời dạy của cố Nhà văn Phan Khôi. Nghe theo lời răn dạy đó cả cuộc đời ông nhất định chống đối với những gì không trung thực trong cuộc đời, những gì không trung thực trong nghệ thuật.
Bố tôi lại viết tiếp:
Sau một thời gian qua nhiều nơi công tác, anh Nguyễn Huy Tưởng gọi tôi về Hội Văn Học Nghệ Thuật sở đóng ở cây số 7 đường Tuyên Quang, và tôi đã thành hàng xóm, cùng lán với ông Phan Khôi.
Một dãy lán dài, chia từng ô cho mỗi người, bắt đầu từ ông Phan Khôi, Trần Duy, đến Xuân Diệu, Trần Văn Cẩn, Kim Lân… và cuối cùng lán là Phùng Cung. Mỗi người trong tập thể ấy đều phải nghĩ kế để cải thiện bữa ăn của mình. Người trồng thuốc lá, người trồng cải, trồng cà chua, có người đánh cá về ăn có khi đổi bán cho anh em, riêng ông Phan Khôi nuôi hai con gà, mỗi sáng đều đặn có hai quả trứng tươi, hôm nào gà kém ăn chỉ một con đẻ trứng, nhưng có một hôm ông ra lấy trứng thì phát hiện có một quả trứng đập ra chỉ có nước. Anh Phùng Cung nói có thể trứng bị rắn ăn, Ông Phan Khôi thắc mắc rắn ăn bằng cách gì mà không thấy vết nứt. Nhưng sau hỏi qua Kim Lân mới biết Phùng Cung đùa đã lấy kim tiêm rút hết trứng rồi bơm nước vô lấy vôi bít lỗ kim lại, tôi bảo Phùng Cung đến xin lỗi, Bác Phan vui vẻ nói:
– Việc đầu tiên tôi vui vì đã biết được cách rắn ăn trứng của anh Phùng Cung. Tôi không tiếc quả trứng, nhưng tôi tiếc thì giờ để thắc mắc về cách rắn ăn trứng, giữa cái thật và cái dối.
Ông nhìn Phùng Cung cười và tiếp: “Anh thông minh và hóm hỉnh đấy nhưng dễ để cho mọi người hiểu lầm là dối trá thì nguy hiểm”.
Bố tôi kể:
Có hôm bố tôi sốt, nằm bẹp mấy ngày liền, có thể là sốt rét, ông Phan Khôi tỏ vẻ lo lắng vì mấy ngày liền bố tôi không ăn uống gì. Ông chép miệng:
– Nếu có một ít đường pha với chanh uống thì tốt.
Nhưng khi ấy lấy đâu ra đường và chanh! Suốt ngày hôm ấy bố tôi nằm liệt cho tới sẫm tối mới tỉnh.Thấy ông Phan Khôi đi từ bếp lên bưng một cái bát – ông bảo bố tôi:
– Phở Đất đó, cố gắng ăn đi.
Ông chủ hàng phở ở Tuyên Quang tên là “Đất” nổi tiếng vì bán một thứ canh bánh đa khô, thêm một ít thịt gà hoặc thịt lợn, ông Phan cười:
– Phải lấy một cái ống nứa để đựng nước phở! Vì tên gọi là phở thì cứ phải ăn như ăn phở!
Bố tôi vẫn biết, ông Phan không có tiền và nếu có ông cũng không bao giờ cho ai vay mượn, ông không làm phiền ai và cũng không bao giờ muốn ai làm phiền mình nếu không có gì cần thiết, và cũng từ ngày ấy bố tôi đã nợ ông một món nợ ân tình khó trả.
Họa sĩ Trần Duy sau kháng chiến chống Pháp – những hệ lụy do tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm và cuộc sống sau đó:
Từ chiến khu Việt Bắc trở về. Một hôm ông Phan Khôi rủ bố tôi đi chơi lên đường Phan Chu Trinh ăn phở. Ăn xong đi ra, thì bố tôi thấy ông Minh Đức và mấy người tụ tập ở gần cái nhà trước quán ăn ấy, có ông Lê Đạt, ông Nguyễn Hữu Đang, ông Trần Dần, ông Hoàng Cầm đang đứng giữa đường, bàn chuyện to lắm. Thấy ông Phan Khôi và bố tôi đi qua thì mọi người hô ầm lên: Trần Duy đây rồi! Bố tôi và ông Phan Khôi không hiểu gì cả, đứng lại nói chuyện mới biết là hiện nay anh em văn nghệ sĩ đang định ra một tờ báo và thiếu người làm. Thực ra lúc bấy giờ người nào cũng ngại dây vào chính trị, dây vào báo chí, ai cũng sợ cả. Bố tôi nghĩ rất đơn giản làm báo có cái gì đâu mà sợ, nếu mục đích chính của tờ báo là thơ, văn nghệ, thì chẳng có gì, bố tôi bảo: “Để tôi làm cho”. Sẵn đó có cả ông Phan Khôi thì mọi người bảo: “Mời cả Trần Duy, mời cả bác Phan, bác Phan đứng làm chủ nhiệm hộ cho Trần Duy”.
Và tất cả tai họa cho bố tôi, cho gia đình tôi, cho ông Phan Khôi, cho cả nhóm Nhân văn Giai phẩm, cho gia đình của họ và còn hệ lụy tới biết bao người chỉ bắt đầu giản đơn như vậy. Bố tôi là người hiền lành, tế nhị và kín đáo. Ông rất ít nói về mình và không bao giờ nói không hay về người khác. Chuyện xảy ra khi tôi mới 5- 6 tuổi, nhưng tất cả những ký ức buồn cứ ám ảnh bám theo tôi suốt cả cuộc đời.
Năm đó bố đang ở xưởng vẽ thuê ở đường Trần Quốc Toản, bỗng một chiều buồn ảm đạm bố về và ở lại nhà luôn. Tôi nhớ buổi tối hôm đó trong nhà các cậu và các dì tôi nói chuyện to tiếng ồn ào lắm, có vẻ là đuổi bố tôi, vì nói là “phản động” về ở ảnh hưởng gia đình, và bắt mẹ tôi phải ly dị với bố. May sao ông ngoại tôi là một người rất thấu tình, ông rất thương bố mẹ tôi, sau này nghe bố mẹ kể hôm đó ông nói: “Ở được với nhau hay không ở được với nhau là việc của Duy và Tuyết, cả nhà không nên áp đặt”.Và thế là may mắn gặp được người bố vợ tốt bụng đồng ý cho bố tôi “chui gầm chạn” là căn gác nhỏ 18m2 nhà 62 Khâm Thiên – là nhà của ông bà ngoại cho chúng tôi ở nhờ – gian nhà chất chứa bao kỷ niệm buồn vui của gia đình mà mới đây bố tôi đã thanh thản trút hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.
Xin kể một chút về ông ngoại tôi – là một trong hai người hàng cha chú mà bố tôi vô cùng yêu mến và kính trọng. Nhà cụ ngoại tôi nghèo lắm – sống bằng nghề thả rau muống hồ ở Khâm Thiên (chính là nơi gia đình tôi ở bây giờ, sau khi ông ngoại tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng công chính Đông Dương, làm Tổng công trình sư đường sắt, đã lấp một phần hồ để xây nhà) khi đó gọi là thôn Mỹ Đức – ngoại thành Hà Nội. 13 tuổi ông ngoại tôi mới được đi học i tờ, vậy mà 23 tuổi ông đã tốt nghiệp Cao đẳng công chính Đông Dương. Ông là Lê Thanh Phong Tổng công trình sư đường sắt đầu tiên của Việt Nam. Ông nghiêm khắc và dạy con cháu thật kỹ lưỡng. Có hôm nhà không còn lấy một que diêm để nhóm bếp nấu cơm tôi chạy sang thưa: “Ông làm ơn cho cháu mượn bao diêm”. Ông tôi nói: “Cháu không thể mượn ông bao diêm được, vì khi cháu trả bao diêm không còn được như khi cháu mượn, cháu phải nói ông cho cháu xin mấy que diêm”. Có lần mẹ tôi mượn ông hai quyển tự điển Pháp – Việt và Anh – Việt, mẹ tôi hẹn ông thứ Hai con trả cậu quyển Pháp – Việt, thứ Năm con trả cậu quyển Anh – Việt. Sáng thứ Hai mẹ tôi mang một quyển tự điển qua gửi trả ông. Buổi trưa đi làm về ông cầm quyển tự điển Anh – Việt qua đưa lại cho mẹ tôi. Ông nói: “Quyển tự điển này con hẹn cậu thứ Năm trả, con cứ cầm đến thứ Năm, còn quyển Pháp -Việt, nếu con cần cậu cho con mượn đến thứ Năm trả cả hai quyển”.
Bố tôi kể có hôm trong nhà hết không còn lấy một xu (khi đó hình như lương mẹ tôi chỉ khoảng 30 đồng, lương ông ngoại tôi khoảng 120 đồng), bố tôi qua thưa ông ngoại: “Cậu cho con vay cậu 5 đồng về đong gạo cho các cháu”, ông đưa bố tôi 10 đồng và dặn: “Cậu cho con vay 5 đồng, khi có tiền con nhớ phải trả cậu, còn 5 đồng này cậu cho con phụ mua đồ ăn cho các cháu nên không phải trả lại cậu”. Nhờ cách giáo dục nghiêm khắc của ông ngoại mà tất cả con cháu đều trở thành những người trung thực, nghiêm túc, nề nếp, nguyên tắc và không bao giờ sai hẹn. Vay mượn xin cho rất rõ ràng, sòng phẳng. Trong mắt cha con tôi ông ngoại thật là một người tuyệt vời.
Cả cuộc đời bố tôi sống hiền lành, không làm điều gì ác với ai. Khoảng thời gian cuối chỉ thỉnh thoảng ông ngột thở – chúng tôi cho thở oxy, ông đủ dưỡng khí khi dễ chịu và lại ngủ ngon giấc. Từ sau tết cô giúp việc về quê nên anh trai tôi dặn: “Buổi sáng anh và chị Hằng nấu cơm và thức ăn để sẵn rồi trưa cô về xem đun nóng dọn cơm cho bố mẹ ăn nhé” và thế là từ sau tết trưa nào tôi cũng về ở nhà với bố mẹ cho tới chiều tối lúc anh chị tôi về mới “bàn giao ca trực”, dọn cơm ra tôi hỏi: “Bố ăn có ngon không?”. Bố lắc đầu “Không ngon lắm”. Bố rất thích ăn món Huế do bà nội nấu – chị dâu tôi nấu ăn rất ngon nhưng lại là bếp Bắc. Tôi đã từng ở Nha Trang với bà nội gần một năm; bà nội dạy tôi nấu nhiều món ăn Huế, sau này tôi lại công tác ở Huế 8 năm nên tôi rành nấu các món ăn Huế. Được dịp trổ tài, những ngày đó hôm thì tôi nấu cho bố ăn món cá trứng kho nước – hôm cho bố ăn bún bò giò heo, hôm lại trổ tài làm món muối sả thịt bò… Bữa nào bố cũng hỏi bà nội dạy con nấu hả, ngon lắm!!! Bình thường ông chỉ ăn lưng chén. Những hôm có món ăn Huế, ông ăn hai lưng chén cơm hoặc ăn cả một tô bún bò Huế, vừa ăn vừa khen ngon. Tôi không biết ngon thật hay bố nghĩ là ngon vì bà nội dạy nấu!!! Hì hì!
Ngày 14.3.2014 – hôm ông mất –, tôi thấy trong nhà nhiều âm khí quá nên chạy lên gian thờ thắp hương van vái cho bố khỏe mạnh. Tôi xin mãi 6-7 lần toàn hai đồng sấp, rồi lại hai đồng ngửa. Xin mãi không được tôi lại xin: “Con không phải tín chủ ở đây nên xin các ngài để tối anh trai, chị dâu con về làm lễ xin các ngài” thì được liền một đồng sấp một đồng ngửa. Chiều anh tôi về tôi nói nhà nhiều âm khí quá, Nguyên xin mãi không được, lát anh lên hương xin gia tiên tiền tổ đi nhé. Trước khi ông mất 10 phút anh tôi đo huyết áp của ông vẫn là 130/78, cụ còn biết nóng kéo áo xoa bụng. Sau đó anh tôi lên gian thờ thắp hương van vái xin cho bố đi được thanh thản nhẹ nhàng. Trong lúc anh tôi đang xin trên ban thờ thì ông về với tiên tổ thật nhẹ nhàng như tiên ông bay về trời vậy đó…
Bố tôi tội nghiệp lắm, năm 1956 sau khi bị kỷ luật (bị thải hồi – thất nghiệp) bố cố tìm kiếm việc để giúp vợ nuôi con. Hàng ngày đi khắp nơi mà chẳng có việc gì để làm. Đi kiếm việc được ít bữa thấy bố dậy sớm lắm và tận tối mịt mới về nghe nói phải đi bộ lên khiêng đất tận công trường làm đường Thanh Niên, đi làm hai ngày tôi thấy bố lủi thủi về vì bị đuổi việc khi tổ trưởng hỏi tên để lên danh sách người lao động, hai ngày làm việc thật vất vả, nói đuổi là đuổi không cho lấy một xu công lao động. Ít bữa sau bố lại đi làm “cu-li” tại công trường Công viên Bảy mẫu, chuyện cũng lại xảy ra tương tự, được ba ngày lại bị đuổi việc, lại lủi thủi đi về không được trả một xu cho ba ngày lao động vất vả. Từ hôm bị đuổi việc lần thứ hai, bố mẹ tôi quyết định bố tôi ở nhà lo toàn bộ việc nhà để mẹ tôi lao động kiếm thêm tiền. Bố chỉ có hai việc trong ngày: Một là đạp xe đạp đưa đón mẹ tôi đi làm, sáng đưa đi, trưa đón về, chiều đưa đi, tối đón về. Hai là đi chợ nấu cơm. Ngày nào cũng thế: đi về – đi về một lộ trình không thay đổi, và ngày nào cũng có ai đó được cắt cử theo dõi mọi hành vi nhất cử nhất động của bố tôi.
Khi đó tôi còn bé lắm, gầy guộc ốm yếu tha cuộn len và đôi kim đan nặng và to gần bằng người mình, lỡ mà làm bẩn len là bị đánh đòn chết bỏ luôn. Tôi phụ trách đan gấu, nẹp vào cổ áo cho mẹ. Ban ngày mẹ đi làm ở văn phòng trường phổ thông cấp III Hà Nội, tối về đan len thuê cho mậu dịch đến tận 1, 2 giờ sáng. Nhiều hôm cả hai mẹ con vừa đan vừa ngủ gật mà cũng phải cố để kịp trả hàng, vì nếu không kịp trả hàng sẽ mất việc luôn. Thật là một thời kinh hoàng trong tiềm thức của một đứa trẻ.
Từ hôm bố về nhà chúng tôi phải tách ra ăn riêng không được ăn cùng với ông bà ngoại nữa. Khi đó chỉ có đồng lương giáo viên ít ỏi của mẹ tôi không đủ cả nhà áu miệng ăn. Năm 1958 mẹ sinh thêm cô em thứ năm, 1961 mẹ sinh thêm cậu em út. Tôi và ông anh cả phải phân công nhau vừa làm bảo mẫu vừa phụ bếp cho bố. Năm 1960 bố đi làm, hai anh em thành đầu bếp chính luôn. Nhiều hôm mải chơi nồi bắp cải luộc cạn nước cháy khê đen, thế là ăn đòn! Vậy mà trẻ con vẫn không bỏ tật mải chơi, mới 8 – 9 tuổi thôi mà. Ngày ấy bữa cơm chỉ toàn rau, hôm thì rau muống, rau dền, hôm thì rau cần, rau cải, su hào, bắp cải… luộc chấm với nước muối mà cũng không đủ thức ăn cho cả bữa. Thỉnh thoảng, bố cho ăn rau xào với mấy miếng tóp mỡ, hoặc lòng già heo xào với dưa cải. Mà cũng đâu có nhiều, khoảng miệng chén ăn cơm lòng heo xắt nhỏ xào với một tô dưa cải là nhất bố rồi đó. Những hôm thức ăn ngon bố hay nói đùa “Bố là bếp nhất quan toàn quyền!”. Chúng tôi không biết bánh kẹo là gì, ngày ngày chỉ hai bữa cơm độn ngô, khoai, sắn không đủ no. Ngày nào bố cũng đi tìm việc, rồi lại lủi thủi về với bó rau trên tay. Món ăn ngon nhất mà bố đủ tiền mua cho chúng tôi là tiết heo hoặc tiết bò. Một cục tiết to hơn cái chén ăn cơm một chút, bố xắt nhỏ chiên sém cạnh rồi xào với rau răm, anh em chúng tôi xuýt xoa quây quần quanh mâm với bữa ăn thịnh soạn mà cũng chỉ mỗi tháng một đôi lần khi mẹ lĩnh được tiền công đan len mà thôi.
Bà con ai cũng xa lánh gia đình tôi – chỉ thỉnh thoảng ông Ngoại ở nhà 64 rẽ qua thăm và cho bố tôi thêm chút tiền phụ đi chợ nuôi các cháu. Chú ruột tôi là sĩ quan quân đội thuộc Tổng cục Hậu cần Trần Hoàng Kham sợ quá không dám nhận anh chị và các cháu. Nhiều hôm chú đi xe đạp qua Khâm Thiên (chú ở khu tập thể quân đội Nam Đồng) chúng tôi thấy chú chạy theo gọi: “Chú Kham ơi, chú Kham ơi…” mà chú đạp xe chạy như bay để thoát khỏi bầy cháu con ông anh ruột đang lĩnh án “phản động” vì sợ liên lụy. Mà nghĩ cũng tội nghiệp chú, chắc cũng là tình thế bắt buộc, vì nếu liên lụy dây dưa với “phản động” bị đuổi việc vợ con chú ai nuôi! Bố tôi giận chú lắm, mặc dầu không bao giờ bố nói một lời không hay về chú nhưng không bao giờ bố đến nhà chú. Mãi sau này mỗi khi chú đến thăm bố tôi toàn lánh mặt để không phải miễn cưỡng chào hỏi nhau. May sao ngày 26/6/2012 chú em út của bố tôi là Trần Quang Khôi (tên ở nhà là Thọ) từ Canada về thăm hai anh, khi này chú Kham tôi đã bị tai biến, liệt phải ngồi xe lăn, chú Thọ động viên mãi bố tôi mới đồng ý lên thăm người em ruột mà suốt gần 60 năm kể từ sau vụ Nhân văn Giai phẩm hai anh em đã không nhìn mặt nhau.
26.6.2012 Tôi cùng bố mẹ, cha con chú Thọ lên thăm chú Trần Hoàng Kham.
Bố tôi kể khi chuẩn bị in báo số 3 thì bắt đầu có những tin đồn là Nhân văn muốn ngả về những mouvement (là những phong trào đòi dân chủ ở Hung hay là ở Nam Tư gì đó). Khi đó ông Phạm Văn Đồng cho gọi Ban Biên tập và Tòa soạn, đùn đẩy mãi không ai chịu đi, cuối cùng anh em bảo bố tôi: “Trần Duy lên gặp đi”, bố tôi lên gặp ông Đồng. Ông Đồng nói: “Tôi hiện nay rất bận, bao nhiêu khách đang chờ tôi bên Phủ Chủ tịch cho nên tôi cũng nói qua để anh biết rằng tôi ủy cho anh Phan Mỹ thay tôi để giải quyết những vấn đề gì của anh em còn vướng mắc, theo tôi thì đừng nói chữ đấu tranh, các anh cần gì, yêu cầu gì, các anh cứ việc đề ra và chúng tôi giải quyết chứ đừng đấu tranh, đòi hỏi cái gì mà phải đấu tranh”. Ông Đồng quay sang nói với ông Phan Mỹ: “Hiện nay tôi phải sang họp, anh ở đây gặp các anh ấy, có vấn đề gì các anh ấy đề xuất mà anh thấy có thể giúp được thì anh cứ giúp”. Ông Đồng đi rồi bố tôi ngồi lại nói chuyện với ông Phan Mỹ, ông Phan Mỹ nói với bố tôi: “Các anh cần gì, vấn đề tài chính thì tất nhiên chính phủ làm được ví dụ: các anh cần mua giấy thì chúng tôi cấp giấy cho các anh mua”. Khi bố tôi về truyền đạt lại ý kiến ông Đồng thì ông bị các bạn trong nhóm Nhân văn Giai phẩm bất bình cho rằng bố tôi đầu hàng chính phủ, phản bội và bán đứng anh em. Sau này, ông sống xa lánh các bạn đồng hành trong Nhân văn Giai phẩm và cũng ít ai nhắc đến ông.
Khi chúng tôi đã lớn và hiểu chuyện thì bố kể lại nhiều chuyện cho chúng tôi nghe, bố tôi nói: Đảng, nhà nước không cấm tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng anh em văn nghệ sĩ phải biết nói cái gì, nói lúc nào, và nói ở đâu, cái sai của Nhân văn Giai phẩm là đã nói không đúng lúc và không đúng chỗ gây hoang mang cho quần chúng khi chính phủ mới từ chiến khu trở về vùng tạm chiếm. Cũng chính vì sai lầm đó mà nhóm Nhân văn Giai phẩm đã bị kết cái án quá oan là “phản động”! Khi tôi còn nhỏ nghe bố kể rất nhiều lần – kể đi kể lại mãi có lẽ vì hai câu chuyện oan khiên đó đã ám ảnh bố tôi.
Câu chuyên thứ nhất bố tôi kể lại khi đó ông tham gia đội cải cách, có ông cụ tên Hồng 92 tuổi bị kết tội: Địa chủ, cường hào, ác bá và đưa ra đấu tố. Ông cụ đó điếc nặng chỉ có một đứa cháu trai 5 tuổi hét bên tai cụ mới nghe được, một cô thôn nữ 18 tuổi (được đội cải cách mớm cung) lên đấu tố: “Mày hiếp tao” thằng bé cháu cụ hét vào tai cụ: “Cô ấy bảo ông hiếp cô ấy”. Ông cụ chưa nghe ra hỏi lại: “Mày nói gì?”. Người phụ trách đội cải cách nói: “Lão ta là tội phạm, mày không được gọi bằng ông, người ta nói thế nào mày phải nhắc lại đúng như thế”. Và thằng bé hét lại vào tai ông Hồng: “Mày hiếp tao”. Ông cụ ngạc nhiên hỏi lại thằng cháu: “Tao hiếp mày? Mày nói tao lại hiếp mày á?”.
Bố tôi nói: “Lố bịch quá, ông cụ 92 tuổi thì hiếp dâm cô gái 18 tuổi vào lúc nào? Mà còn tệ hơn là đội cải cách biến cuộc đấu tố thành trò hề. Ông cụ hiếp dâm thằng cháu trai 5 tuổi”.
Câu chuyên thứ hai bố tôi kể là: Có một bà người dân tộc cũng bị đưa ra đấu tố, người trong bản nói bà lão chôn giấu nhiều lắm bạc, vàng trong nhà. Đội cải cách tra hỏi mãi bà vẫn nói chỉ có một cái kiềng và một đôi vòng đeo tai bằng bạc thôi, đội cải cách áp giải bà về nhà chỉ chỗ cho đội cải cách đào lên trong một cái niêu đất đúng như lời bà khai, đưa bà quay về trại tạm giam lại tiếp tục tra khảo ép cung, bà vẫn một mực tất cả tài sản của bà chỉ có thế. Hôm sau khoảng 1 giờ sáng bà xin người của đội cải cách cho đi vệ sinh; đến mờ sáng không thấy bà quay vô trại, đội cho người đi tìm, thì cảnh một tượng thương tâm, bà buộc tóc vào rễ cây ở bờ suối nằm úp sấp chết đuối, mà con suối cạn nước chỉ lưng bụng chân. Sau khi bà cụ chết đội cải cách về đào bới toàn bộ nền nhà bà không tìm được thêm bất kỳ một tài sản nào khác. Chỉ vì những lời đấu tố bậy bạ mà một mạng người chết oan. Bố tôi nói đường lối chủ trương không sai nhưng những người thực hiện thiếu học thức, thiếu trình độ làm càn nên đã gây ra những điều oan khiên ảnh hưởng đến thành quả của công cuộc cải cách ruộng đất. Có lẽ vì những ám ảnh đó mà bố tôi đã viết truyện ngắn “Người khổng lồ không tim” chắc ý ông muốn nói công cuộc cải cách ruộng đất đi như vũ bão nhưng thiếu tình người. Tôi nghĩ những ai đã từng chứng kiến cảnh tượng chết oan trong cải cách ruộng đất cũng sẽ đồng cảm với những suy nghĩ của bố tôi và chắc chắn sẽ không lên án bố tôi là “phản động”.
Khi Nhân văn Giai phẩm có chuyện – báo bị đình chỉ – một số người trong nhóm Nhân văn Giai phẩm tố cáo bố tôi ăn tiền của CIA để hoạt động. Có lẽ chính vì vậy mà hầu như cả nhóm bị bắt còn bố tôi thì không. Bố không làm gì sai trái, cũng chẳng bắt mối liên lạc với ai nên ông đâu có sợ bị theo dõi giống như tù “giam lỏng”. Hồi đó có một bữa bố đang đạp xe đưa mẹ tôi đi làm bỗng ông hỏi mẹ tôi: “Tuyết có muốn xem mặt người bám theo mình không?”, mẹ tôi chưa kịp trả lời ông đã đạp xe phi như bay từ đầu chợ Khâm Thiên lên tới đường sắt rồi đột ngột quay xe đi ngược lại, người theo dõi ông cũng phải quay ngược xe theo. Ngày hôm sau lại phải thay người theo dõi khác, cứ theo dõi mãi chẳng bắt được ông giao dịch bắt mối với ai nên khoảng năm 1960-1961 không thấy ai đi theo ông nữa và cũng khoảng thời gian đó ông được gọi đi làm tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội. Khi bố tôi được gọi đi làm người trong nhóm Nhân văn Giai phẩm lại đồn đại cho rằng bố tôi là người của Công an cài vào để phá hoại phong trào (khoảng năm 2007-2008 tôi có quen một chị bạn tên Thanh – hình như bà con của ai đó trong nhóm Nhân văn Giai phẩm nói với tôi giọng rất gay gắt: “Bố em là người không tốt, bố em là kẻ phản bội, bố em là kẻ lừa đảo… làm hại bao nhiêu người trong nhóm Nhân văn Giai phẩm…”, tôi cãi thế nào chị Thanh cũng không nghe). Khổ thân bố tôi – một con người hiền lành tốt bụng cả đời không làm gì hại ai, luôn bất bình vì nỗi oan khiên mọi người phải gánh chịu, nhưng bản thân cả đời lại toàn gặp oan khiên. Chú Từ Chi (cố giáo sư sử học Nguyễn Đức Từ Chi) bạn thân của ông có lần nói đùa: “Tính cách Trần Duy ngay thẳng trung thực, luôn bất bình và chống đối với những sai trái của chế độ đương thời, thời Pháp chống Pháp, thời Nhật chống Nhật, thời Cộng sản chống Cộng sản! Hì hì…”.
Chú Từ Chi đâu có biết rằng sau tất cả những gì oan khiên ông phải gánh chịu ông đã gần như trở thành con người khác. Không còn hồ hởi như những ngày tham gia Tổng hội Sinh viên chống Nhật, không hăng hái như đã tham gia cướp chính quyền ở Huế, rồi lao như bay từ Huế ra Hà Nội để tham gia quyết tử quân ngày đầu Kháng chiến bùng nổ… Những năm sau vụ Nhân văn Giai phẩm ông sống bình lặng, ít nói, ít tâm sự. Ông sống thu mình với quan điểm “dĩ hòa vi quý”. Mỗi khi có chuyện bất ổn quanh xóm giềng, hay với đồng nghiệp, bạn bè của mẹ hoặc của anh em chúng tôi ông hay nói: “Mặc ông có chó, mặc bà có chân, chó ông có chó cắn chân bà có chân, chẳng cắn gì chân mình, mặc kệ họ đi”.
Ông hay dặn chúng tôi trong cuộc sống phải biết mềm mỏng, biết tiến biết lùi, nhiều khi lùi một bước để tiến ba bước, đừng có chỉ biết bồng súng chạy tới không biết lùi như ông ngày trẻ nhiều khi hàm oan rước họa vào thân. Ông nói: “Muốn cuộc sống tốt hơn cần thêm bạn bớt thù, khi người ta chưa phải là bạn cứ đối xử với người ta như bạn dần dần người ta sẽ trở thành bạn. Khi người ta chưa phải kẻ thù mà đối xử như kẻ thù chắc chắn họ sẽ trở thành kẻ thù”. Ông hay nói: “Nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình, nếu chỉ nhìn lên mình sẽ tự ti, mặc cảm vì thua kém mọi người, nhưng nếu chỉ biết nhìn xuống sẽ trở nên người huênh hoang cao ngạo, bởi vậy muốn thành đạt phải biết nhìn xuống để rút kinh nghiệm và cũng phải biết nhìn lên để học hỏi mọi người”. Anh chị em chúng tôi đã có được nhiều thành công trong sự nghiệp cũng nhờ nghe theo cách dạy của bố.
Khi được gọi đi làm ông cũng chỉ phụ trách việc vẽ tranh tường affiche phục vụ cho các triển lãm với một chút trợ cấp ít ỏi. Thật tội nghiệp, mãi cho tới tận khi ông mất lương hưu của ông cũng chỉ có 2.792.300đ một tháng. Có lẽ đó là mức lương hưu thấp nhất trong bảng lương hưu của Bảo hiểm Xã hội. Cho tới khoảng năm 1963 tôi không biết chuyện gì xảy ra, bố tôi lại không làm ở Sở Văn hóa nữa, ông nhận làm gia công lịch, gia công carte postale lụa cho Xunhasaba. Khoảng năm 1968-1969 ông chuyển qua vẽ tranh lụa phong cảnh và ký gửi ở phòng tranh của bác Việt Châu.
Tôi cũng không rõ vì sao tranh của ông vẽ khi đó không được phép ký tên họa sĩ Trần Duy. Ông buộc phải lấy bút danh “họa sĩ Nhị Hà” là tên của cô em gái thứ năm của tôi. Có hôm, một người khách mua tranh tới tận nhà gõ cửa xin gặp “ông họa sĩ Nhị Hà”. Cô em tôi mở cửa và dõng dạc: “Ông Nhị Hà đây”!!! Hi hi. Bố tôi thấy vậy vội chạy ra: “Xin lỗi anh. Nhị Hà là bút danh của tôi, nhưng cũng chính là tên cô con gái tôi đấy!!!”.
Tôi còn nhớ ngày đó lụa tơ tằm dệt thủ công để vẽ tranh hiếm và khó mua lắm. Trong nhà bữa đó chỉ còn một tấm lụa duy nhất bố đang vẽ trên tấm kính thì chập tối con mèo chạy đánh đổ bát mực tàu mài và bát nước rửa bút làm tấm lụa biến màu đen lem nhem.
Bố bực quá quát con mèo: “Đồ con đĩ!”. Tôi buồn cười quá nói với bố: “Bố ơi con mèo nào chẳng là con đĩ, có con mèo nào có chồng đâu, mà vẫn chửa đẻ đó thôi”. Hai bố con cùng cười, rồi tôi hỏi bố: “Làm sao bây giờ hả bố? Vứt đi hay sao?”. Bố tôi nói cứ để đó bố xem, rồi bố loay hoay cả đêm tới 6 giờ sáng bố mới đi nằm nghỉ. Tôi ra bàn của bố thì thật kinh ngạc. Tài tình quá, bố sửa tấm lụa lem luốc thành bức tranh “Câu cá đêm”, chỗ mực đổ đen thui bố vẽ thành một con thuyền nhỏ có người đang ngồi câu cá, chỗ lụa không bị đen lắm bố cho thêm màu xanh vàng thành vầng trăng và ánh trăng, rồi thấp thoáng rặng tre xanh xanh đen đen, thật nên thơ và huyền diệu. Gần trưa bố bồi và mang tranh đi gửi, hôm đó nhà hết nhẵn tiền. Đến 2 giờ chiều bác Việt Châu đạp xe đến nhà tôi bác nói: “Anh có lấy tiền không? Tôi mang tiền đến cho anh đây”. Bố hỏi “Tiền gì thế anh?” vì bố tôi không thể ngờ bức tranh câu cá đêm lại có duyên với khách hàng nhanh đến như thế. Lúc đó cuộc sống gia đình tôi cũng đỡ khổ hơn đôi chút. Hạnh phúc nhất là bố có việc làm và còn tạo công việc cho tất cả anh chị em chúng tôi phụ bố.
Khi còn đi học phổ thông các bạn hay chửi tôi “Đồ con nhà phản động”. Nghe chửi mãi, ấm ức mãi rồi cũng đành quen. Nhưng bắt đầu đến tuổi anh em chúng tôi đi học đại học mới thấm hết cái họa con cái Nhân văn Giai phẩm. Thủa tôi học phổ thông chương trình 10 năm thôi, và không thi chọn trường như bây giờ. Ban tuyển sinh xếp vào trường nào thì vào trường đó và thi loại trượt ngay tại trường. Tôi ghi: Nguyện vọng 1: Đại học Xây dựng. Nguyện vọng 2: Đại học Tổng hợp Toán. Một cô bạn học cùng lớp tên Nguyễn Thị Ngọc Thanh nói vỗ vào mặt tôi: “Loại mày chắc gì trung cấp người ta đã gọi, nguyện vọng đại học nọ đại học kia!”. Ấm ức lắm nhưng cũng đành phải im vì cãi gì được với họ mà cãi!
May sao thầy Thành Hiệu phó trường phổ thông cấp III Việt Nam Ba Lan hữu nghị mà tôi học là em một người bạn của bố mẹ tôi nên hồ sơ tuyển sinh của tôi được thầy chuyển về xin ý kiến Bộ Công an – và tôi được gọi Đại học Xây dựng đợt 1. Còn anh trai tôi – cũng hết lớp 10 cùng năm với tôi nhưng học khác trường – đợi mãi cũng không thấy giấy gọi đại học. May khi đó bên họ ngoại có một chú bà con làm ở Ban Tuyển sinh thành phố Hà Nội. Bố mẹ tôi nhờ chú tìm hồ sơ của anh trai tôi. Chú tìm mãi các trường đều không có, cuối cùng chú tìm trong đống hồ sơ loại mới biết Khu Công an Đống Đa ghi vào hồ sơ của anh trai tôi: “Bố phản động, mẹ có quan hệ với người nước ngoài”. Khổ thật vì mẹ tôi làm phiên dịch tiếng Anh – Pháp – Đức của Văn phòng Bộ Văn hóa. Ô tô của Bộ Văn hóa đưa đón mẹ tôi mỗi khi có đoàn chuyên gia cần mẹ đi dịch. Tất nhiên là mỗi khi đón bà đều có chuyên gia ngồi trên xe ô tô. Với hồ sơ như vậy vào thời đó làm gì có trường nào muốn nhận. Bố tôi xin bộ hồ sơ đó về nhờ các cô chú ở Bộ Công an giúp đỡ. Họ viết cho bố tôi một cái thư tay rồi bố và anh tôi chở nhau bằng cái xe Thống nhất cọc cạch đi đến trường Đại học Giao thông, Đại học Mỏ… Họ đều nói thừa chỉ tiêu rồi không nhận thêm nữa. May sao khi đó bố tôi có người bạn từ thủa Cách mạng tháng 8 tham gia cướp chính quyền ở Huế là bác Sanh Thí. Bác Thí là anh ông Sanh Dạn Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng. Bác Thí nói ông Sanh Dạn giúp đỡ nên anh tôi mới được xếp vô thi cùng đợt với tôi. Tôi thi xong được xếp vô khoa Kiến trúc, sau đó tách khoa Kiến trúc thành trường Đại học Kiến trúc, còn anh trai tôi ở lại học khoa Kiến trúc của Đại học Xây dựng.
Học xong năm năm đại học, trước khi nhận đồ án tốt nghiệp nhà trường gọi tôi lên, ông trưởng phòng Tổ chức nói với tôi: “Trường chuyển em về tổ môn mỹ thuật và công nhận tốt nghiệp đặc cách không phải làm đồ án tốt nghiệp, trường xếp cho em về trường Mỹ Thuật Yết Kiêu học thêm rồi về trường lên lớp dạy mỹ thuật”. Tôi thấy cả năm năm học chỉ có đồ án tốt nghiệp mới có giá trị vì được làm trong tận sáu tháng, có nhiều thời gian, được thầy cô hướng dẫn tỉ mỉ, nghiên cứu kỹ và làm đồng bộ cả Kiến trúc – kết cấu – điện – nước, nên tôi năn nỉ xin cho được làm đồ án tốt nghiệp cùng với lớp. Những tưởng cuộc đời vậy là xuôi chèo mát mái.
Nhưng mãi cho đến khi nộp bài và bảo vệ xong đồ án tốt nghiệp mới biết tôi bị xếp vào nhóm năm người không được phân công công tác. Hôm đó tôi gặp ông Tiêu trên tàu hỏa từ Phúc Yên về Hà Nội, ông Tiêu là cán bộ Phòng Tổ chức của trường Đại học Kiến trúc về Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ để lấy quyết định phân công tác. Ông Tiêu nói với tôi Trường xin 15 nhưng Bộ chỉ cho trường 10 nên còn năm người chưa được phân đi đâu. Khi ông Tiêu nói tên năm người tôi mới biết năm người đó chỉ mình tôi là trường xin thật còn bốn người kia gồm: một người con ngụy quyền, hai người con gia đình dinh tê bỏ kháng chiến vô vùng địch hậu, một người con tư sản – có nghĩa là cả năm người đều là người lý lịch có vấn đề!!!
Hôm đó là thứ Bảy tôi mới biết tin tôi không được phân công công tác, mà sáng thứ Hai nhà trường đã đọc quyết định phân công rồi. Tôi đi tàu hỏa từ Phúc Yên về nhà đã 7 giờ, ngồi trong xó nhà khóc mãi vì buồn. Khi đó tôi còn ngốc nghếch, ngớ ngẩn lắm, cứ khóc và nói nếu con không xin làm đồ án tốt nghiệp thì đã được ở lại trường rồi. Tôi đâu có hiểu họ không thể để con Nhân văn Giai phẩm bước lên bục giảng đường đại học. Hôm đó bố tôi ăn cơm vội vàng rồi đi ngay. Tới 11 giờ đêm bố về và đưa cho tôi một lá thư – bố nói con đi lên trường đưa ngay cho thầy Hoàng Quốc Minh hiệu trưởng. 4 giờ sáng chủ nhật tôi đi ra tàu hỏa để lên trường khi đó đóng ở thị trấn Xuân Hòa. Vừa đi tôi vừa khóc vì nghĩ Quyết định nhà trường đã làm xong cả rồi còn thay đổi gì được nữa. Thật bất ngờ sáng thứ Hai đọc phân công công tác tôi lại được phân về làm giáo viên trường Trung cấp Xây dựng Xuân Hòa. Tôi mừng phát khóc. Ngay lập tức sáng thứ Ba, tôi lấy quyết định mang sang trường Trung cấp Xây dựng vì hai trường Đại học Kiến trúc và Trung cấp Xây dựng chỉ cách nhau chưa đầy một km. Thầy Hoàng hiệu trưởng trường Trung cấp Xây dựng tiếp tôi và một bạn cùng lớp vui vẻ lắm. Thầy nói: “May quá, trường đang thiếu giáo viên, các anh chị chuẩn bị làm giấy tờ về Viện Nhà ở thực tập ba tháng rồi quay về trường chuẩn bị giáo án lên lớp”, mừng vui chưa đầy nửa ngày thì ông Quý trưởng phòng Giáo vụ gọi tôi lên nói: “Trường thừa giáo viên rồi, trả anh chị về Vụ Tổ chức cán bộ nhận công tác khác”. Khi đó tôi hiểu ngay trả tôi về Vụ Tổ chức cán bộ vì tôi là con Nhân văn Giai phẩm, còn cậu kia là con tư sản. Tôi vội về Hà Nội nói bố tôi chạy nhờ can thiệp. Bác Văn Đình Chi Chánh văn phòng Bộ khi đó đã viết thư tay cho ông hiệu trưởng trường Trung cấp Xây dựng. Thư chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: “Cháu Nguyên con anh Trần Duy đi nhận công tác đúng theo phân công của Vụ Tổ chức cán bộ nay sao lại có sự xáo trộn?”. Sáng thứ Tư tôi lên trường đưa thư cho ông hiệu trưởng trường Trung cấp Xây dựng, chiều hôm đó ông Quý trưởng phòng Giáo vụ lại niềm nở gọi chúng tôi lên lấy giấy giới thiệu của trường về Viện Nhà ở thực tập như chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi làm giáo viên ở đó được bốn năm, đến 1979 thì chuyển vô Viện Thiết kế Sở Xây dựng Khánh Hòa.
Năm 1980 nhờ người quen xin cho tôi về Viện Tiêu chuẩn hóa và điển hình hóa xây dựng (tiền thân của Viện Kiến trúc Quốc gia ngày nay). Viện mới tách ra nên rất thiếu cán bộ, vậy mà mới về Viện được vài ngày thì cán bộ Tổ chức gọi tôi lên thông báo xếp tôi vào lực lượng cán bộ dôi dư phân bổ đi đóng gạch (có khoảng 10 người trong danh sách đó). Khi đó bố tôi đang làm ở thành phố Hồ Chí Minh – mẹ tôi ở UBND Tỉnh Khánh Hòa nên tôi đành tự chạy đến nhờ mấy người quen của bố ở Bộ Công an giúp đỡ. Mấy hôm sau chúng tôi lại được phân công công tác chuyên môn và không thấy ai nhắc đến việc đưa cán bộ dôi dư đi đóng gạch nữa.
Những khi bố phải chạy ngược, chạy xuôi nhờ xin giúp đỡ chúng tôi, bố hay nói: “Không có bố chạy nhờ người giúp đỡ thì các con chết, bố lo cho các con vất vả quá”. Tôi sợ bố buồn không dám cãi vì quả là bố vất vả thật nhưng thiển nghĩ: ngoan ngoãn và học giỏi như anh em chúng tôi nếu bố không là thành viên nhóm Nhân văn Giai phẩm thì bố đâu phải vất vả vì các con đến như vậy.
Trước đây bố tôi không hề kể về việc ông còn đứng vững được trong bể khổ, còn cầm được bút vẽ trong những năm tháng tưởng như hết đường sống là nhờ sự giúp đỡ, là sự cảm thương của những người thủ trưởng, của đồng đội, của bè bạn: ông Song Hào cho bố tôi dịch tài liệu, ông Trần Danh Tuyên cho bố tôi may khăn mặt, ông Đặng Văn Ngữ cho bố tôi vẽ tranh affiche cổ động chống sốt rét… Cho đến mãi sau này bố mới kể cho chúng tôi nghe và ông nói: “Các con đừng bao giờ quên ân tình của những người đã giúp đỡ mình, đúng là: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhưng lớn hơn vật chất đó là tấm lòng nhân ái, đó là tình người, đó là tình đồng đội… dành cho mình khi mình gặp hoạn nạn”.
Họa sĩ Trần Duy tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những lúc rảnh bố thường hay lấy chuyện ngụ ngôn của Pháp ra đọc và kể cho chúng tôi nghe, tôi nhớ mãi câu chuyện cô Beres: Cô bé nhà nghèo nuôi và vắt được một liễn sữa bò, đội liễn sữa trên đỉnh đầu cô tính, bán sữa đi mua 100 trứng ấp nở được cả đàn gà, bán gà mua một lợn con, vỗ béo lợn bán mua chú bê con cho bê nó nhảy bốn bề mà coi… và cứ thế cô vui mừng nhảy nhót, liễn sữa rớt nhào, nào bò, nào lợn, nào bê, nào 100 trứng cũng rớt nhào mộng tan. Sau khi đọc và kể câu chuyện, bố nói: Các con làm cái gì cũng phải cẩn thận và đừng mơ tưởng những gì mình không có!!!
Một lần khác bố lại kể cho nghe câu chuyện về một người keo kiệt: Anh ta đi không cẩn thận ngã xuống cái hố sâu quá loay hoay mãi mà không leo lên được. Một người tốt bụng đi qua nhìn thấy vậy vội chạy đến và đưa tay về phía anh ta: “Anh đưa cái tay của anh cho tôi” định kéo người dưới hố lên. Người dưới hố vội rụt tay lại, người trên miệng hố hiểu ngay nghe chữ “cho” làm anh keo kiệt giật mình. Ông bèn sửa sai và nói lại “Anh làm ơn cầm lấy cánh tay tôi”. Nghe chữ “cầm” có nghĩa “được” chứ không “cho” mất, anh ta đã niềm nở giơ tay đón nhận sự giúp đỡ và thoát nạn. Bố nói: Muốn giúp đỡ ai phải hiểu tính cách và tình cảnh của họ thì họ mới tiếp nhận sự giúp đỡ của mình như vậy mới không uổng phí lòng tốt.
Bố tôi chẳng bao giờ cãi nhau với ai, chẳng làm mất lòng ai, chòm xóm láng giềng ai cũng quý bố. Kể cả khi bố mẹ to tiếng cũng chỉ “một điều anh, hai điều Tuyết” chứ chẳng bao giờ nặng lời với nhau. Bố hay vừa cười vừa nói với chúng tôi mỗi khi chúng tôi gặp chuyện rắc rối với bạn bè, với hàng xóm, với đồng nghiệp… Bố nói: “Cuộc đời là một cái gương, mình nhìn vào gương mình cười thì gương cười – mình nhăn thì gương nhăn”. Ý bố là mình đối xử với mọi người thế nào thì họ đối xử lại với mình như vậy. Bố còn kể: Một người cha đang ngồi đẽo cái máng bằng gỗ thì cậu con trai hỏi: “Cha đẽo cái máng gỗ để làm gì thế, thưa cha?”. Người cha trả lời: “Để cho ông nội con ăn vì bữa nào ăn ông cũng đánh vỡ bát đĩa”. Hôm sau cậu bé cũng lại ngồi đẽo cái máng, người cha hỏi: “Con đẽo cái máng để làm gì vậy?”. Cậu bé thản nhiên trả lời: “Để cho bố ăn khi bố già như ông nội”. Bố tôi chỉ kể thế thôi rồi cười, chẳng nói thêm gì nữa, các con ai muốn hiểu bố dạy gì thì tự suy nghĩ. Bố không dạy chúng tôi hàng mớ triết lý làm người, mà chỉ dạy chúng tôi qua những câu chuyện ngụ ngôn đơn giản như vậy.
Mãi cho đến hôm bố tôi mất, gặp Đại tá – nhà văn Lê Hoài Nguyên ở đám tang của ông, tôi mới biết không phải chỉ mình chúng tôi, con của họa sĩ Trần Duy, mà con của những thành viên Nhân văn Giai phẩm khác cũng chịu chung số phận như anh chị em chúng tôi và Đại tá – nhà văn Lê Hoài Nguyên cũng đã phải can thiệp giúp nhiều người. Nhưng dù cuộc đời, học hành, sự nghiệp gian nan vất vả thế nào chúng tôi vẫn tự hào là con của bố, nhờ cách dạy dỗ nghiêm khắc của ông bà, cha mẹ, nhờ học theo nghị lực và lòng đam mê yêu nghề của họ mà cả sáu anh chị em chúng tôi đều thành đạt nên người, tất cả chúng tôi đều là người ngay thẳng, trung thực, yêu lao động, yêu nghề và đều là những người có ích cho xã hội, có ích cho cộng đồng. Cả sáu anh chị em chúng tôi không một ai nghiện hút, cờ bạc, rượu chè.
Anh trai tôi Kiến trúc sư Trần Quang Trung sinh năm 1949 trên chiến khu Việt Bắc. Có ba năm quân ngũ nên anh tốt nghiệp đại học sau tôi ba năm. May mắn hơn tôi, anh ra trường về ngay Trung tâm Tu bổ công trình di sản của Bộ Văn hóa con đường đi của anh tôi vô mảng bảo tồn di sản hợp với sở trường nên dễ dàng thành đạt. Nay anh là Giám đốc thiết kế Công ty Xây dựng Tây Hồ.
Người em sát sau tôi Trần Quang Huấn sinh năm 1954 ở Việt Bắc, là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Nam bộ, sau giải phóng Miền Nam trở về là thương binh. Cậu là công nhân công ty Cấp thoát nước, tranh thủ ngoài giờ làm cậu theo học nghề đông y, nay là lương y đa khoa tiếp nghề Y của tổ nghiệp bên ngoại.
Người em thứ tư Trần Quang Hà sinh 1957, cũng là thương binh khi đang đào tạo tân binh ở đảo Hòn Tre Nha Trang. Khi xuất ngũ cậu cũng lại theo học nghề Y và cũng là lương y đa khoa tiếp nghề Y của tổ nghiệp bên ngoại, đang sinh sống ở Berlin CHLB Đức.
Người em thứ năm Trần Nhị Hà sinh 1958, là kỹ thuật viên cận lâm sàng đang định cư tại Dalkal – Senegal.
Cậu em út Trần Quang Thao hiện đang làm tại một công ty chuyên thiết kế nội thất tại Toronto – Canada.
Còn tôi sau khi nghỉ hưu, giã từ nghiệp xây dựng, tôi theo học xong hai khóa đào tạo và đã có bằng y sĩ Y học Cổ truyền, dược sĩ Y học Cổ truyền để nối dõi theo tổ nghiệp Đông y của họ ngoại. Trước đây bản thân tôi được đào tạo chính quy hệ dài hạn của trường Kiến trúc Hà Nội. Tôi là một trong số rất ít Kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án hạng I trên hơn một vạn kiến trúc sư trong toàn quốc Việt Nam. Tôi có được vốn hiểu biết về Kiến trúc Việt Nam bởi vì tôi là con của bố. Nói vậy chắc các bạn độc giả khó hiểu quá đúng không? Vâng, năm năm sáu tháng học Đại học chẳng thầy cô nào giảng cho chúng tôi về tình yêu và lòng tự hào với nền kiến trúc dân tộc, cũng không dạy cho chúng tôi nghiệp vụ nghiên cứu bảo tồn nền kiến trúc ấy. Tất cả những gì thầy cô dạy chúng tôi trong các đồ án là nhà tây, nhà hộp, nhà hiện đại. Tất cả tạp chí Kiến trúc Việt Nam cũng chỉ cho chúng tôi thấy đến 90% nhà tây, nhà hộp, nhà hiện đại.
Khi ra trường cũng như bao các kiến trúc sư khác, tôi lao vào thiết kế các công trình kiến trúc lai căng: nửa tây – nửa ta, nửa kim – nửa cổ. Dấu ấn đáng hối hận nhất trong cuộc đời kiến trúc sư của tôi là sản phẩm không hoàn mỹ: “Phòng khám bệnh Bệnh viện Việt Đức” khi đó có ba đơn vị, tám phương án tham gia. Chuyên gia Pháp đã chọn phương án của tôi. Nói về dây chuyền công năng sử dụng của một phòng khám bệnh ngoại khoa tôi cho đó là công trình hợp lý, nhưng còn về phong cách Kiến trúc, mỗi khi đi qua góc phố Tràng Thi – Phủ Doãn tôi lại day dứt vì sản phẩm mình vẽ ra quá tồi tệ. Đáng lý ra mặt ngoài công trình phải mang phong cách như những công trình cạnh nó mới không gây đối chọi làm mất sự hài hòa của cảnh quan đô thị. Sai lầm trầm trọng trong cuộc đời kiến trúc sư là đã sản sinh ra những công trình không hoàn mỹ mà không dễ gì đập đi xây lại.
Một dấu ấn vô cùng quan trọng đã làm tôi tỉnh ngộ, ngày 23/11/1991 bố tôi có cuộc triển lãm tranh đầu tiên ở Hà Nội. Tôi không nhớ chính xác số lượng tranh của ông trong triển lãm đó nhưng trong hàng trăm bức tranh: con trâu, cái cày, bụi tre, đình làng, cổng làng, chùa làng, chợ quê… thì chỉ có hai bức duy nhất ông vẽ Sapa và Đà Lạt. Người nước ngoài và Việt kiều ai xem triển lãm cũng thích và khen hai bức tranh đó đẹp lắm, “cảnh rất tây”, rất giống cảnh bên nước họ. Sau triển lãm tất cả mấy trăm bức tranh rất Việt Nam bán hết sạch – hai bức tranh duy nhất không bán được chính là hai bức tranh “cảnh rất tây” mà ai cũng khen đẹp!!! Khi đó tôi mới bừng tỉnh và hiểu ra một điều người nước ngoài đến Việt Nam họ muốn tìm những gì rất Việt Nam mà họ không thể thấy được ở đất nước họ.
Bố vẽ miệt mài, cặm cụi vẽ quên ăn, quên ngủ. Những gì bố vẽ thật mượt mà chân quê. Tôi còn nhớ trong triển lãm đó có một khách ngắm tranh đã ghi trong sổ lưu bút: “Cảm ơn họa sĩ đã cho cây Thì Là một tâm hồn”.
Bố kể khi mới vô trường Mỹ Thuật Yết Kiêu năm thứ nhất thầy dẫn các trò ra bắt vẽ cây thông ở sân trường, ngày hôm sau, hôm sau nữa… lại thấy các anh chị năm thứ 2, năm thứ 3, năm thứ 4 cũng vẫn vẽ cây thông. Bố nói khi đó bố nghĩ “Cây thông có gì đâu mà cứ bắt vẽ mãi”. Những năm sau, năm sau nữa… cứ vẽ mãi mới biết càng vẽ mới càng cảm nhận được hết cái hồn của cây, hình thái lá cây, màu sắc của cây trong bức tranh cho ta cảm nhận trời đang bình lặng hay đang có gió lay động, trời đang nắng hay đang u ám, hồn người họa sĩ đang vui hay đang buồn…
Cũng có những khi tôi giúp bố. Vì tôi học kiến trúc lại rất giỏi môn hình học họa hình nên bố hay sai tôi dựng phác thảo nháp chì công trình: đình, chùa, cổng làng, nhà cổ… Càng phụ bố, tôi càng cảm nhận được cái đẹp tinh tế trong công trình kiến trúc cổ. Chính bố đã tạo cho tôi một tình yêu đối với nền Kiến trúc Việt Nam.
Năm 1990-1991 tôi được một người bạn của mẹ là chú Đỗ Thung, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tể Tây Nguyên mời tôi lên Tây Nguyên tham gia thiết kế trụ sở Viện. Lần đầu tiên trong suốt gần 40 năm cuộc đời, tôi được thấy một quần thể kiến trúc Ê Đê thật tuyệt vời khi chú Thung đưa tôi đi thăm tòa giám mục Buôn Mê, trường Đại học Tây Nguyên và buôn Ăngcothon. Lên với Tây Nguyên tôi ngỡ ngàng chẳng khác chi người xứ lạ. Chỉ sau đúng một tuần tôi đã làm xong sơ phác thiết kế trụ sở Viện Vệ sinh Dịch tể Tây Nguyên mặc dù rất hiện đại và hợp lý về công năng sử dụng nhưng công trình đặc biệt mang phong cách của kiến trúc Ê Đê. Tôi được phong Kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án hạng I cũng bởi công trình độc đáo này, bởi vậy tôi mới nói: “Tôi có được vốn hiểu biết và tình yêu với nền Kiến trúc Việt Nam bởi vì tôi là con của bố – cố họa sĩ Trần Duy”.
Phối cảnh trụ sở Viện Vệ sinh Dịch tể Tây Nguyên
Đêm khánh thành trụ sở Viện Vệ sinh Dịch tể Tây Nguyên
Năm 2007 tôi đưa bố Duy đi thăm tám ngôi mộ tổ ở Huế rồi tiện dịp đưa bố đi thăm Hội An. Cha con tôi thấy buồn trước cảnh tượng Hội An biến động trước nguy cơ “hội nhập”. Theo lời khuyên của bố, tôi đã viết bài báo “Hội An đang hội nhập”. Báo Xây dựng điện tử đã đăng nhưng đổi tên bài viết thành “Từ Hội An đến biển Đà Nẵng”.
Năm 1998 tôi được Viện cử biệt phái về Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nghiên cứu kiến trúc triều Nguyễn. Năm 2002 viện thành lập Trung tâm Kiến trúc Miền Trung. Tôi được gọi về làm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn. Trước cảnh tượng hiện đại hóa vô lối của nền kiến trúc đương đại, người dân Huế tháo rỡ nhà rường cổ bán chỉ ba đến sáu hay bảy triệu một ngôi, nếu không kịp thời ngăn chặn, di sản Huế sẽ nằm trơ trọi giữa quần thể hỗn độn của kiến trúc nửa cổ, nửa kim, nửa Âu, nửa Á, tôi đã làm công văn gửi lãnh đạo tỉnh xin có lệnh nghiêm cấm tháo rỡ nhà rường và xin lập dự án: “Điều tra khảo sát và đầu tư khai thác nhà ở truyền thống Kiến trúcViệt Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”
Trong suốt cả hai năm 2003-2004 tôi và tất cả nhân viên của Trung tâm Kiến trúc miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu Kiến trúc (nay là Viện Kiến trúc Quốc gia) đã lang thang khắp tỉnh Thừa Thiên Huế đo vẽ khảo sát và vận động người dân bảo tồn loại hình di sản nhà ở truyền thống. Ngày đó hầu như tôi thường xuyên có mặt trên Truyền hình Thừa Thiên – Huế để giải thích và vận động người dân bảo tồn nhà rường truyền thống. Sau khi đo vẽ khảo sát chúng tôi tính ra khái toán cần để tu bổ bảo tồn ngôi nhà của họ và kiến nghị lãnh đạo tỉnh đầu tư cho người dân vay mượn 30 đến 40% kinh phí để tu bổ ngôi nhà. Do người Huế rất nghèo nên họ lo sợ không thanh toán được số tiền nên cũng ít người đăng ký vay mượn tiền dự án. Nhưng khi họ hiểu ra tài sản họ đang có trong tay là tài sản vô giá, nhiều người đã tự bỏ tiền tu bổ ngôi nhà của mình và tham gia vào tour du lịch nhà vườn. Quan trọng là dự án đã đánh thức được người dân ý thức bảo tồn loại hình di sản nhà ở truyền thống này.
Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó, một người lãnh đạo rất có tâm huyết với tỉnh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng, Ông là người dám nghĩ, dám làm. Hồi đó trước khi ra cuộc họp thông qua dự án lần hai, tôi đưa ông cuốn dự thảo dự án khổ giấy A4 dày chừng 5cm. Vậy mà ra cuộc họp, ông Mễ phân tích mạch lạc mục số mấy, dự án đề đạt yêu cầu gì, mục đích gì, kết quả sẽ thu được là gì… Tôi là kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án hạng I, cả cuộc đời kiến trúc sư tôi đã có trên 50 công trình, tôi đã đi bảo vệ rất nhiều dự án nhưng chưa từng chứng kiến một cấp lãnh nào như ông, một người có Tài, có Tâm và có Đức.
Thừa Thiên Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới không phải chỉ riêng có cung điện, lăng tẩm, đền đài mà còn có cả một quần thể nhà ở truyền thống tạo thành một cố đô cổ kính, việc tiến hành tu bổ bảo tồn quần thể nhà rường này sẽ đưa Huế trở thành một tụ điểm lý tưởng thu hút du khách đến với Việt Nam và đến với Huế, nhất là khi hai năm một lần lại diễn ra lễ hội Festival tại nơi đây.
Việc đầu tư nhiều hơn vào nội dung thu hút du khách sẽ không phải chỉ có lợi cho riêng các đơn vị bảo tồn mà còn kéo theo việc kinh doanh có lãi của tất cả các ngành có liên quan đến du khách như: du lịch, dịch vụ ăn uống, thương mại, hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy…
Ngoài tất cả những gì đã trình bày, còn một điều vô cùng quan trọng đó là sau khi tiến hành tu bổ bảo tồn loại hình di sản nhà ở truyền thống thành công, sẽ tạo dựng cho nền kiến trúc đương đại tìm và khẳng định bản sắc dân tộc của mình. Việc làm này sẽ giúp cho giới kiến trúc sư trẻ Việt Nam một tình yêu, một sự hiểu biết, một sự trân trọng đối với nền kiến trúc dân tộc và sẽ là bánh đà để nền kiến trúc Việt Nam đương đại khẳng định phong cách của mình trong tương lai.
Mới đây có dịp trở lại Huế, tôi ngỡ ngàng và sung sướng, tôi đã lang thang khắp phố phường để ngắm nhìn, để chụp ảnh và để tự hào về quê hương, về sự đổi thay trong công cuộc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đầu tiên phải kể đến là hàng loạt các công trình mới xây dựng hoặc cải tạo trong những năm gần đây. Ngoài ra còn hàng loạt nhà dân mới cải tạo hoặc mới xây dựng cũng được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống…
Năm nào vào dịp cuối năm tôi cũng về Huế chạp mộ – ở Huế nhà tôi có tám ngôi mộ/bốn đời: mộ ông bà cao, mộ ông bà sơ, mộ ông bà cố và mộ ông bà nội. Cuối năm Tân Mão tức tháng 1/2012 tôi về Huế chạp mộ, cháu Nguyễn Văn Tuấn bạn đồng môn học lớp Y sĩ ở trường Lê Hữu Trác xin tôi cho cháu cùng đi thăm Huế, tôi đã đưa cháu tới thăm nhà vợ chồng ông Mễ (nguyên Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế). Vợ ông nói với cháu Tuấn: “Chị Nguyên có công lớn lắm với tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tôi rất vui và tự hào – không phải tự hào vì công lao của tôi mà vì tôi là con của bố Duy. Chính bố đã tạo dựng cho chúng tôi tình yêu với quê hương đất nước, với thiên nhiên, với di sản văn hóa dân tộc. Nếu không có tình yêu Huế của ông, không có những bức tranh về kinh thành, nếu không có thành công trong công cuộc triển lãm tranh của ông năm 1991, tôi đã không tỉnh ngộ, tôi đã không có tâm huyết, đã không có sự hiểu biết để lao vào nghiên cứu, đề xuất với tỉnh và vận động người dân bảo tồn mảng kiến trúc truyền thống và dự án đã không có được thành công như ngày hôm nay.
Tôi xin gửi kèm những trang hồi tưởng về cha mình một số bài báo thuộc lĩnh vực xây dựng mà tôi viết và đã đăng trên một số báo: Lao động, Xây dựng, Người Xây dựng, Nhân đạo, Thừa Thiên Huế… Mặc dầu trong số đó có những bài đã viết từ nhiều năm về trước nhưng xét thấy nó vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo nên tôi vẫn mong những bài báo này giúp cho tâm nguyện của cha con tôi là tạo dựng cho đại chúng một tình yêu sâu sắc với nền Văn hóa dân tộc, để tất cả chúng ta, nhất là những người làm công tác nghệ thuật hội họa, nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật kiến trúc… mãi mãi không có lỗi với tiền nhân và với hậu thế!!!
Gia đình chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn anh Phan An Sa, không thể ngờ anh An Sa lại hiểu về bố tôi và đã làm nên kỳ tích – một bài điếu vô cùng cảm động lòng người. Trong lúc đang đưa bố tôi ra xe tang, một người bạn học Đại học đã đến bên cạnh nói với tôi: “Bài điếu cảm động quá, mình thật không ngờ cụ là một người tuyệt vời như vậy!”.
Xin chân thành cảm ơn Đại tá – nhà văn Lê Hoài Nguyên, xin chân thành cảm ơn anh Phan An Sa, xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã dành chút thời gian cho tâm sự của cha con tôi – cố Họa sĩ Trần Duy. Xin chân thành cảm ơn!!!
Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2014