Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Những ngày tháng không quên (cái “buổi ban đầu” của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập và Văn Việt)

Hoàng Hưng

Ngày đầu tiên không thể quên là một ngày giữa tháng 1/2014, tại một quán cơm niêu trên đường Ngô Thời Nhiệm Sài Gòn, sáu người đầu tiên họp mặt để cụ thể hoá ý tưởng lập ra một tổ chức quy tụ các cây bút không phải do Đảng Cộng sản lập nên và lãnh đạo! Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Lê Phú Khải, nhà ngữ học Hoàng Dũng, nhà thơ Bùi Chát, nhà văn Phạm Đình Trọng, và tôi; có mặt nhà báo Tống Văn Công mà tôi mời tới “chứng kiến”. Cũng “vui” là một em an ninh mà tôi biết mặt từ trước – trong một sự kiện tại Sàn Art khi tôi trình bày về diễn đàn talawas.org của nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức – xuất hiện trong vai “quản lý”, ra đón và nhiệt tình sắp xếp bàn ăn cho chúng tôi!

Ý tưởng về “tổ chức” này thực ra đã được nung nấu từ lâu trong lòng không ít cây bút đã chán ngán với Hội Nhà văn chính thống, một công cụ của Đảng Cộng sản tập hợp và điều khiển các nhà văn đi theo đúng đường lối chính trị và văn nghệ của Đảng. Như nhà thơ Ý Nhi sau “sự cố” 20 người tuyên bố rút tên khỏi Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2015) mới công bố lá đơn mình đã xin ra khỏi Hội từ 2002, các nhà văn ở Đà Lạt (Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự…) cũng từng nghĩ đến việc lập ra một tổ chức khác. Bản thân tôi, giữa năm 2007, sau khi đi dự Hội nghị châu Á-Thái Bình Dương của Pen Club International, tiếp xúc với các tổ chức PEN các nước, nhất là Trung tâm PEN Độc lập của các cây bút China lục địa và hải ngoại (Lưu Hiểu Ba là Chủ tịch), đã bàn với nhà văn Nguyên Ngọc và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về việc này.

CHUẨN BỊ THÀNH LẬP BAN VẬN ĐỘNG VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP

Nhưng phải đến đầu thập niên 2010, khi tinh thần “xã hội dân sự” bắt đầu sôi động ở Việt Nam, nhất là sau sự kiện trí thức văn nghệ sĩ sôi nổi phản đối dự án Bauxite Tây Nguyên từ đó hình thành diễn đàn phản biện đầu tiên “Bauxite Vietnam” do Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng khởi xướng (trong Ban Biên tập có nhà ngữ học Hoàng Dũng, tôi cũng tham gia một thời gian); rồi “Diễn đàn Xã hội dân sự” do TS Nguyễn Quang A chủ trương, với lời kêu gọi thành lập các nhóm hoạt động độc lập… thì ý tưởng lập một tổ chức các nhà văn đứng ngoài mọi “sự lãnh đạo” mới chín muồi.

Trong buổi gặp mặt nói trên, nhà văn Nguyên Ngọc chính thức nhận trách nhiệm làm “Trưởng ban vận động (Ban Vận động)”, tôi (HH) nhận soạn thảo các văn bản và điều phối những việc chuẩn bị cho việc thành lập Ban. Và 6 người bắt đầu liên lạc với các thân hữu để mời họ tham gia.

Buổi gặp mặt thứ hai diễn ra tại nhà riêng nhà giáo Phạm Toàn (tức nhà văn Châu Diên) ở Hà Nội ngày 9/2/2014, có trên 10 người tham dự, nhà văn Nguyên Ngọc từ Hội An tham dự qua “Skype”. Trong buổi này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận làm Thư ký của Ban (sau đó anh đã cùng nhà văn Trang Hạ trả lời đài BBC về việc hình thành Ban Vận động; nhưng tới ngày ra Tuyên bố thì anh đã phải rút lui trọng trách ấy, chắc do áp lực từ thành uỷ thành phố Hà Nội mà anh đang giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn và từ Viện Văn học mà anh đang giữ chức Trưởng phòng).

Buổi gặp thứ ba, chốt lại mọi việc để tuyên bố ra mắt, diễn ra tại nhà riêng nhà thơ Ý Nhi (Sài Gòn) ngày 26/2 cũng có trên 10 người tham dự, có sự chứng kiến của TS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức. Nhà văn Nguyên Ngọc chủ trì, tôi (HH) tiếp tục làm công việc “thư ký tạm thời” giúp anh Nguyên Ngọc cho đến khi hoàn tất mọi việc chuẩn bị ra mắt.

Giữa ba buổi gặp là những cuộc trao đổi rất sôi nổi qua email, mời và tiếp nhận thêm thành viên, đặc biệt là thảo luận dân chủ đi đến biểu quyết về nội dung bản Tuyên bố thành lập.

Có hai chi tiết được tranh luận sôi nổi nhất:

1. Tổ chức có nên bao gồm cả các cây bút hải ngoại?

Một số người tỏ ý e ngại “yếu tố nước ngoài” sẽ gây rắc rối, phức tạp, khó khăn cho tổ chức (nhất là trong con mắt an ninh Việt Nam luôn “cảnh giác” với các thế lực chống Cộng, C.I.A… ở Mỹ). Với thực tế đã tiếp xúc với những cây bút gốc Việt ở nước ngoài trong các chuyến đi làm việc, tôi (HH) và Hoàng Dũng đã thuyết phục được các thành viên Ban Vận động tin rằng: những cây bút hải ngoại đăng ký tham gia Ban Vận động đều là những người thiết tha với văn học Việt Nam, sẵn sàng phối hợp với các đồng nghiệp trong nước để xây dựng một nền văn học “đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi” (trích bản Tuyên bố ra mắt Ban Vận động).

Quả nhiên, đã có những cây bút hải ngoại nhanh chóng nhận lời mời tham gia Ban Vận động (nhà văn Nam Dao (Canada), nhà văn Vũ Thư Hiên (Pháp), nhà nghiên cứu Đặng Tiến (Pháp), nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê (Pháp), nhà thơ Chân Phương (Hoa Kỳ), nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải (Hoa Kỳ), nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc (Hoa Kỳ), nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình (Hoa Kỳ), nhà văn Trương Anh Thuỵ (Hoa Kỳ), nhà văn Lê Minh Hà (Đức). Và càng về sau, càng đông đảo các cây bút hải ngoại nhiệt tình tham dự các hoạt động của Ban Vận động. Số tác giả hải ngoại đã lên đến hàng trăm, chiếm ½ số tác giả có mặt trên Văn Việt, diễn đàn của Ban Vận động. Ngoài các thành viên Ban Vận động, còn nổi bật những tên tuổi như: nhà văn Nhật Tiến (nguyên chủ tịch PEN Việt Nam hải ngoại), nhà văn Trang Châu (nguyên Chủ tịch PEN Việt Nam tại Canada), nhà văn Ngô Thế Vinh, nhà văn Hà Thúc Sinh, nhà thơ và phê bình Nguyễn Đức Tùng, nhà văn – dịch giả Trịnh Y Thư, nhà ngữ học Nguyễn Cung Thông, nhà thơ Trần Mộng Tú, nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc, nhà thơ Ngu Yên, nhà văn Trần Vũ (Giáo Sĩ), nhà văn Trần Doãn Nho, dịch giả Trần Ngọc Cư, nhà thơ Đỗ Quyên, nhà văn Lưu Thuỷ Hương, nhà văn Đoàn Thanh Liêm, nhà thơ Thường Quán…

Có thể nói, Ban Vận động là tổ chức đầu tiên và duy nhất cho đến nay công khai tập họp các trí thức người Việt trong-ngoài nước, thể hiện tinh thần “hoà hợp dân tộc” rất chân tình, hiệu quả.

Cũng phải nói là ở hải ngoại cũng có đôi tiếng nói không thiện chí với Ban Vận động, họ tìm vài sơ hở trong bài vở hay hoạt động của Ban Vận động để chỉ trích, với thâm ý nghi ngờ đây có thể là một tổ chức “đối lập cuội” của chính Đảng Cộng sản đẻ ra. Nhưng thực tế ngày càng cho thấy sự nghi ngờ ấy là vô căn cứ. Đặc biệt là sau những cuộc gặp mặt của đại diện Ban Vận động từ Việt Nam sang với các cây bút tại Mỹ và Canada, sự nghi ngờ ấy đã không còn chỗ đứng.

2. Tên gọi của tổ chức: Văn đoàn Tự do hay Văn đoàn Độc lập?

Cuộc thảo luận chia hai “phe” rõ rệt. “Phe” thích chữ Tự do vì nó mạnh mẽ, đối chan chát với thực trạng tâm thế “nô lệ” của không ít người viết tại Việt Nam. “Phe” thích chữ Độc lập muốn nhấn mạnh tinh thần của một tổ chức dân sự đích thực, không phụ thuộc, không bị chi phối, không chịu lãnh đạo của bất cứ thế lực nào bên trên/bên ngoài nó.

Ai cũng có lý lẽ hùng hồn! Cuối cùng phải biểu quyết! Kết quả “phe Độc lập” quá bán!

Trong Tuyên bố ghi rõ: “Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”.

Để bảo vệ triệt để tính “độc lập” của Ban Vận động, chúng tôi đã kiên quyết đấu tranh ngay với cá nhân trong nội bộ còn nhận thức mơ hồ và từ chối những lời mời gặp gỡ, giúp đỡ của một số Sứ quán nước lớn tại Việt Nam.

Có câu chuyện “vui” như sau: Một hôm an ninh đến thăm tôi, hỏi về Ban Vận động, trong có có câu “Các bác có định thành lập một chính đảng không?”. Tôi cười và nói ngay: “Chúng tôi không hoạt động chính trị. Vả lại, trong Ban Vận động hiện có trên 20 Đảng viên Đảng Cộng sản. Nếu muốn, họ có thể lập Chi bộ trong Ban Vận động, nhưng không thể “lãnh đạo”! Chúng tôi không chấp nhận sự “lãnh đạo” của bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào!”

Sau gần hai tháng tích cực chuẩn bị, Tuyên bố ra mắt Ban Vận động đã ra đúng như dự kiến: ngày 3/3/2014 (ngày 3/3 là ngày Nhà văn Thế giới. Năm 2014 tình cờ cũng là kỉ niệm 70 năm ra đời Tự lực Văn đoàn). Con số thành viên có tên trong Tuyên bố là 60 người. (Sau đó cũng có vài người xin rút vì bị áp lực nào đó, nhưng lại có rất nhiều người trong nước và hải ngoại gửi thư xin gia nhập. Trừ vài trường hợp đặc biệt, Ban Vận động quyết định ngưng tiếp nhận, hẹn đến khi có điều kiện lập Văn đoàn chính thức thì sẽ mời họ tham gia. Con số ổn định về sau là 61).

Trong số những cây bút trong nước tham gia Ban Vận động, có 20 người đang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; có những tên tuổi đáng chú ý như: nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên (đương chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), nhà thơ Lê Hoài Nguyên (nguyên Đại tá an ninh văn hoá Thái Kế Toại, đương chức Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Duy (Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật), nhà nghiên cứu Đào Tiến Thi (đương là uỷ viên Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)…

Trường hợp Nguyễn Duy khá tiêu biểu cho tinh thần, chí khí của những người tham gia Ban Vận động. Ngay khi biết tin ông có tên trong danh sách Ban Vận động, viên Đại tá an ninh Cục phó Cục A 25 (An ninh văn hoá tư tưởng) đã đến nhà thuyết phục ông rút tên. Ông khẳng khái trả lời: Tổ chức này là do các bạn nhà văn mà tôi yêu quí và tin tưởng khởi xướng, tôi không rút. Tiếp đó, một uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản gọi điện thoại từ Hà Nội, mượn “tình đồng hương Thanh Hoá” để thuyết phục ông hơn một tiếng đồng hồ. Lý cớ chủ yếu là: đây có thể là một tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, có quan hệ với nước ngoài… Nhà thơ trước sau kiên quyết không rút, chỉ thòng một câu: Khi nào thấy Ban Vận động có hoạt động chính trị sai trái, tôi sẽ rút cũng không muộn.

Trước ngày được chọn làm ngày Tuyên bố ra đời Ban Vận động đúng một ngày, ngày 2/2/2014, tôi nhận được giấy “mời làm việc” của An ninh. (Đây là lần thứ ba tôi được “mời làm việc”, lần đầu là sau khi nhóm nhà văn Hà Nội công bố kiến nghị phản đối tịch thu tập Thơ Trần Dần năm 2008, lần hai là sau khi tôi công bố Thư thỉnh nguyện gửi các vị lãnh đạo Việt Nam về việc đàn áp 400 tu sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc năm 2009). Vào cuộc gặp, tôi chủ động hỏi ngay: “Chắc là về việc lập Ban Vận động?” và chủ động thuyết phục họ về cái hay của việc này, về xu hướng tất yếu của các tổ chức dân sự tự nguyện sẽ thay cho các đoàn thể do Nhà nước lập ra và nuôi dưỡng bằng tiền thuế của dân, và kết luận: “Lẽ ra Nhà nước phải ủng hộ chúng tôi chứ?”. Thực tình, khi nhận được “giấy mời”, tôi đã thông báo cho tất cả anh chị em trong Ban Vận động và các cơ quan truyền thông quen biết ở các nước về việc này, và dặn “phòng hờ”: “Nếu đến 12 giờ trưa tôi không về thì chắc… có chuyện” (hi hi). Nhưng đã… không có chuyện gì!

DIỄN ĐÀN VĂN VIỆT RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG

Như đã xác định ngay từ lúc đầu, do hoàn cảnh khó khăn thực tế và tận dụng lợi thế không gian mạng, hoạt động chủ yếu của Ban Vận động sẽ thông qua một diễn đàn online. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa đang là blog phản biện nổi như cồn, đã nhận lời thiết kế và làm admin website mang tên Văn Việt: vanviet.info (sau này sẽ có thêm phiên bản vandoanviet.blogspot.com). Ngày 19/3/2014 Văn Việt chính thức ra mắt với slogan “Vì một nền văn học Việt Nam đích thực” và lời ra mắt nhấn mạnh “không làm cái đuôi của chính trị” theo bất cứ chiều hướng nào.

Ban Biên tập tạm thời của website gồm nhiều cây bút: Bùi Chát, Ý Nhi (chuyên mục Thơ), Kim Cúc, Dạ Ngân (chuyên mục Văn), Mai Sơn, Hoàng Dũng, Hoàng Hưng (chuyên mục Nghiên cứu-Phê bình)… Bên cạnh đó, có những thành viên Ban Vận động và cộng tác viên hết sức nhiệt tình đóng góp bài vở và làm trung gian tổ chức cộng tác viên cho Văn Việt, như nhà thơ Giáng Vân (khi đó đang là biên tập viên báo Phụ Nữ Thủ đô); nhà thơ Nguyễn Đức Tùng từ Canada tình nguyện làm hồ sơ “40 năm Thơ Việt Hải ngoại” cho Văn Việt.

Ngay từ đầu, Ban Biên tập Văn Việt đã xác định một nguyên tắc hết sức dân chủ: Các biên tập viên phụ trách mỗi chuyên mục có toàn quyền quyết định bài vở trong chuyên mục của mình. Nhà văn Nguyên Ngọc là Chủ nhiệm, nhà thơ Hoàng Hưng là người “giúp việc” anh Nguyên Ngọc theo dõi và điều phối công việc, nhà văn Nguyễn Quang Lập là admin và xử lý kỹ thuật, không ai can thiệp vào chuyên môn của các biên tập viên. (Đến tháng 5/2014 thì Hoàng Dũng tiếp nhận vai trò admin của Nguyễn Quang Lập). Khi có sự khác biệt ý kiến thì thảo luận dân chủ, và nhà văn Nguyên Ngọc sẽ có ý kiến quyết định.

Nhìn chung, suốt thời gian dài, Ban Biên tập luôn có sự bàn bạc và nhất trí cao về bài vở, trên nguyên tắc tôn trọng mọi khác biệt về tư tưởng và nghệ thuật của các tác giả, chỉ chú trọng chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng riêng về lĩnh vực Thơ, thì ngay từ đầu đã có sự chưa nhất trí về tiêu chí đánh giá. Một thành viên chủ chốt của Ban Biên tập và vài thành viên của Ban Vận động rất dị ứng với những bài thơ mà họ cho là “khó hiểu”, “tắc tị”, “siêu hình”, “không có nội dung xã hội”, trong khi những nhà thơ trong Ban Biên tập thì quyết ủng hộ sự tìm tòi, sáng tạo. Mâu thuẫn này đã kéo dài và bùng nổ với Giải Thơ Văn Việt lần thứ 5 trao cho Vũ Lập Nhật, đó là lần đầu tiên mâu thuẫn về quan điểm nghệ thuật trong Ban Vận động “bị” phơi bày công khai. Sau đó hai thành viên Ban Vận động đã rút tên khỏi Ban Vận động.

Ba tháng sau khi ra đời, Văn Việt đã tỏ rõ sức sống mạnh mẽ với những thành tựu đầu tiên:

“Tính từ 19/3 đến 6/6, đăng 410 bài, lượng truy cập trên 220.000 lượt, trung bình 5 bài/ngày, 2700 lượt truy cập/ngày, lượng này ngày càng tăng bất chấp bị tường lửa từ đầu tháng 5. Văn Việt vẫn ở hàng đầu các trang văn chương tiếng Việt, có bạn đọc nhiều nhất ở Việt Nam, Đức, Nhật, Mỹ, nằm trong số các trang mạng xếp hạng khá trên toàn thế giới.

Lượng tác giả và bài vở gửi đến ngày càng tăng, đến nay có nguồn dự trữ bài vở dồi dào; số bài có chất lượng, số tác giả có uy tín xuất hiện đều đặn ở tất cả các mục.

Có sự cân đối cần thiết giữa nội dung văn chương và tiếng nói xã hội chính trị. Đặc biệt trong sư kiện Giàn khoan Trung Quốc xâm lược, Văn Việt kịp thời lên tiếng mạnh mẽ và chững chạc với bản tuyên bố song ngữ ngay ngày 7/5, nên Ban Vận động của ta là tổ chức đầu tiên (và duy nhất trong thời gian dài) lên tiếng chính thức, tạo được uy tín và tiếng vang trong công luận. Văn Việt cũng tập trung thảo luận sâu về hiện tượng luận văn Đỗ Thị Thoan [Nhã Thuyên] với nhiều bài chất lượng và độc quyền, thu hút rất nhiều người đọc” (trích biên bản họp Ban Biên tập ngày 7/6/2014).

Sau một năm, vừa làm việc vừa rút kinh nghiệm và kiện toàn tổ chức, công việc của Ban Vận động và Văn Việt đã đi vào ổn định. Giao diện Văn Việt cũng đã ổn định (sau khi được sửa đổi từ tháng 9/2014).

Một Ban Biên tập chính thức đã ra mắt:

Chủ nhiệm: Nguyên Ngọc

Ban Biên tập:

1/ Hoàng Hưng: – Giúp Chủ nhiệm điều phối chung

– Phụ trách các mục: Văn (ký, truyện dịch), Tư liệu, Văn học Miền Nam (cùng Lê Hoài Nguyên), Thảo luận, Nghệ thuật

2/ Hoàng Dũng: Phụ trách Vấn đề hôm nay, Nghiên cứu phê bình

3/ Ý Nhi: Phụ trách Thơ (cùng Bùi Chát), Thư bạn đọc

4/ Bùi Chát: Phụ trách Thơ

5/ Kim Cúc: Phụ trách Văn (Truyện ngắn)

6/ Lê Hoài Nguyên: Phụ trách Văn học Miền Nam

7/ Đặng Văn Sinh: Phụ trách Tiểu thuyết

(trích biên bản cuộc họp Ban Biên tập 31/5/2015)

Về các chuyên mục của Văn Việt, đáng lưu ý nhất ngoài ba chuyên mục chủ yếu (Văn, Thơ, Nghiên cứu Phê bình), là các chuyên mục:

– Thảo luận: nổi bật ngay từ những ngày đầu là cuộc thảo luận về vụ luận văn Nhã Thuyên, thảo luận “Thoát Trung về văn hoá” (nhà thơ Hoàng Hưng đã thay mặt Văn Việt trình bày tại cuộc toạ đàm công khai ở trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật vào tháng 8/2014)…

– “Văn học miền Nam 1954-1975” là hồ sơ kéo dài trên 730 kỳ, có thể nói là hồ sơ online đầy đủ nhất cho đến nay về Văn học Miền Nam.

– Trong chuyên mục Thơ có hồ sơ “40 năm Thơ Việt Hải ngoại” đã được Văn Việt phối hợp với báo Người Việt (Hoa Kỳ) xuất bản thành sách năm 2017. Trong chuyên mục Văn có hồ sơ “Văn Hải ngoại” đã kéo dài trên 300 kỳ.

GIẢI THƯỞNG VĂN VIỆT

Cũng trong cuộc họp ngày 31/5/2015, Ban Vận động quyết định lập Giải thưởng Văn Việt từ năm 2016. Giải lần đầu xét trên cơ sở các bài đăng trên Văn Việt trong hai năm đầu (2014, 2015), các giải lần sau sẽ xét từng năm. Giải được trao mỗi dịp kỉ niệm ra Tuyên bố thành lập Ban Vận động (3/3).

Việc xét giải Văn Việt mang tinh thần dân chủ rất cao. Mỗi Ban Xét Giải bộ môn (Văn, Thơ, Nghiên cứu Phê bình, Dịch) gồm năm thành viên bao gồm thành viên Ban Biên tập, người ngoài Ban Biên tập kể cả ngoài Ban Vận động, có cả người trong nước và người ngoài nước. Kết quả bỏ phiếu của mỗi Ban bộ môn là kết quả cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng và Thường trực Hội đồng Xét Giải không can thiệp.

Buổi trao giải Văn Việt lần thứ nhất (ngày 3/3/2016) diễn ra tại nhà riêng nhà thơ Ý Nhi là buổi mở đầu hết sức tốt đẹp, tạo uy tín cho Giải ngay từ buổi đầu.

Chỉ cần xem danh sách Hội đồng Xét Giải và các tác giả, tác phẩm được Giải:

Danh sách Hội đồng Xét Giải lần thứ nhất (2016):

Chủ tịch: nhà văn Nguyên Ngọc. Thường trực: nhà thơ Hoàng Hưng

-Văn: nhà văn Nam Dao (Canada), nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà giáo Nguyễn Thị Bình (giảng viên Văn ĐHSP Hà Nội), nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê (Pháp)

– Thơ: nhà thơ Bùi Chát, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (Canada), nhà thơ Thanh Thảo (đương chức Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn VN), nhà thơ Thi Hoàng, nhà thơ Ý Nhi

– Nghiên cứu phê bình: nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, nhà thơ-phê bình thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (đương chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội).

Các tác giả đoạt Giải:

– Giải đặc biệt: (truy tặng) cố nhà văn Bùi Ngọc Tấn (Văn), Thuỵ Khuê (Nghiên cứu Phê bình)

– Giải Chính thức: Di-Hạnh Nguyên (Văn), Nguyễn Hoàng Anh Thư (Thơ), Inrasara (Nghiên cứu Phê bình)

– Giải của Chủ tịch Hội đồng: Tuấn Khanh (Tản văn).

Giải Văn Việt đã được nhiều “Mạnh Thường Quân” trong và ngoài nước tài trợ hào phóng, đến trước ngày trao Giải lần thứ nhất đã có được gần 300 triệu đồng, trong đó có TS Nguyễn Quang A, cựu nhà báo Đinh Quang Hùng, hai doanh nhân, một nhạc sĩ, một nhà văn không muốn nêu tên… TS Nguyễn Quang A sẽ là người bảo trợ lâu dài của Giải.

Trong ba năm đầu tiên, Ban Vận động còn hết sức cố gắng XUẤT BẢN THÀNH SÁCH IN một số tác phẩm đã đăng trên mạng. Ba ấn phẩm do Văn Việt đầu tư được xuất bản ở Hoa Kỳ: hai tuyển tập Truyện ngắn (có “nối bản” trong nước) do Ngô Thị Kim Cúc chủ biên và tập “40 năm Thơ Việt hải ngoại” do Nguyễn Đức Tùng chủ biên.

Sau 3 năm hoạt động, tổ chức Ban Vận động và diễn đàn Văn Việt đã đi vào nề nếp ổn định, trôi chảy. Cơ cấu tổ chức được điều chỉnh lần cuối như sau:

Phân công công việc của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập

Sau ba năm: Để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban, Nhà văn Nguyên Ngọc, Trưởng Ban, quyết định phân công công việc trong Ban kể từ hôm nay (25/3/2017) như sau:

THƯỜNG TRỰC BAN VẬN ĐỘNG: Nhà nghiên cứu & Giảng dạy Ngôn ngữ Hoàng Dũng.

THỦ QUỸ: Nhà thơ Ý Nhi.

DIỄN ĐÀN VĂN VIỆT:

– Chủ nhiệm: Nhà văn Nguyên Ngọc.

– Điều phối viên: NNC Hoàng Dũng.

– Biên tập viên: Nhà văn Đặng Văn Sinh, NNC Hoàng Dũng, Nhà thơ Hoàng Hưng, Nhà thơ Lê Hoài Nguyên, Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, Nhà thơ Ý Nhi

HỘI ĐỒNG GIẢI VĂN VIỆT:

– Chủ tịch: Nhà văn Nguyên Ngọc.

– Thường trực: Nhà thơ Hoàng Hưng.

(trích biên bản cuộc họp).

(Ghi chú: Nhà thơ Hoàng Hưng vẫn tiếp tục giúp nhà văn Nguyên Ngọc và NNC Hoàng Dũng điều phối công việc đến tháng 3/2020, nhà thơ Hoàng Hưng kẹt Covid bên Mỹ không về được, đã xin rút khỏi Ban Biên tập và chức trách Thường trực Hội đồng Xét Giải Văn Việt – Hoàng Dũng tiếp nhận chức trách này cho đến nay. Năm 2022 nhà văn Đặng Văn Sinh buộc phải rút khỏi Ban Biên tập vì bị áp lực quá lớn của an ninh đối với gia đình).

BAN VẬN ĐỘNG TRƯỚC SỰ TẤN CÔNG TỪ HỆ THỐNG “CHÍNH THỐNG”

Ngay từ khi ra đời, Ban Vận động và diễn đàn Văn Việt đã chịu nhiều sự tấn công gay gắt của cả hệ thống chính trị, tấn công bằng nhiều biện pháp kể cả những biện pháp vô pháp trắng trợn, kéo dài đến tận bây giờ.

Trước tiên là từ An ninh Việt Nam:

Chính thức và dùng mạng lưới “dư luận viên” vu cáo Ban Vận động là tổ chức “phản động”, “phản bội”, “ăn tiền của các thế lực phản động nước ngoài”. Từ đó gây áp lực, đặc biệt là đánh vào công ăn việc làm, kế sinh nhai của bản thân hoặc con cái, để một số thành viên Ban Vận động phải rút tên, một số cộng tác viên của Văn Việt (nhất là các cây bút trẻ) phải ngưng cộng tác hoặc không dám nhận giải thưởng Văn Việt. Trường hợp tiêu biểu là nhà văn Đoàn Lê ở Hà Nội đã phải xin rút khỏi Ban Vận động vì an ninh đến tận nhà doạ sẽ không cho thực hiện bộ phim mà chị đang chuẩn bị. Họ thảo sẵn cho chị lá đơn xin rút với lý do “Ban Vận động nhận tiền của tổ chức nước ngoài” để chị ký tên. Nhà văn không chịu ký, nhưng sau đó đành gửi đơn xin rút vì lý do “sức khoẻ”.

Hầu như mọi cuộc gặp gỡ của Ban Vận động và thân hữu đều bị gây khó khăn trở ngại (áp lực để nhà hàng huỷ phòng, cắt điện giữa chừng…) và đều có các nhân viên an ninh công khai theo dõi ở bàn bên cạnh.

Biện pháp trắng trợn, bất chấp pháp luật là gác cửa nhà, chặn đường một số thành viên Ban Vận động hoặc người được Giải Văn Việt đi dự các cuộc gặp mặt hoặc trao giải hàng năm. Thô bạo nhất là nhà thơ Thái Hạo từ Thanh Hoá bị chặn đánh giữa đường.

Trước những hành xử trên, Ban Vận động luôn công khai tỏ thái độ:

– Lập tức phản đối bằng văn bản trên Văn Việt những việc làm sai trái, bất chấp pháp luật của an ninh.

– Luôn công khai minh bạch mọi hoạt động của mình (như công bố danh sách những cá nhân trong, ngoài nước góp Quỹ cho hoạt động của Ban Vận động).

– Mặt khác, luôn công khai tuyên bố tinh thần “độc lập” chứ không “đối lập”, không “đối đầu”.

Từ hệ thống Tuyên Giáo:

Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo, Hồng Vinh đi khắp nơi nói chuyện, lên án Ban Vận động Văn đoàn Độc lập.

Đã có chỉ thị không đăng bài của các thành viên trên báo chí, không cho họ xuất hiện trên tivi. Cuối cùng là lệnh rút ra khỏi Sách giáo khoa tác phẩm của các nhà văn trong Ban Vận động (kể cả những người đã “rút tên” từ lâu!)

Riêng Hội Nhà văn Việt Nam:

Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đi nói chuyện ở địa phương đã công khai nhận định Nhân văn-Giai phẩm là “phản động” và Ban Vận động Văn đoàn Độc lập là “các nhà văn bất mãn, diễn biến hoà bình”!

5/5/2015: Đại hội cấp cơ sở của Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM nêu danh sách các hội viên tham gia Ban Vận động Văn đoàn Độc lập không được bầu đi dự Đại hội Nhà văn cấp quốc gia.

Việc này đã dẫn đến sự cố đình đám trong truyền thông lúc ấy: 20 nhà văn tuyên bố “từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam”: Võ Thị Hảo, Dư Thị Hoàn, Trịnh Hoài Giang, Bùi Minh Quốc, Đặng Văn Sinh, Đỗ Trung Quân, Hoàng Minh Tường, Lê Hiền Phương, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Thân, Phạm Đình Trọng, Thuỳ Linh, Vũ Thế Khôi, Ý Nhi (một số tuyên bố rút khỏi mọi tổ chức kể cả Ban Vận động: Dạ Ngân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Duy, Trần Kỳ Trung).

clip_image002

Cuộc gặp mặt của sáu người khởi xướng

clip_image004

Cuộc gặp mặt ở Hà Nội

clip_image006

Cuộc gặp mặt ở Sài Gòn

clip_image007

Buổi chốt lại văn bản chót của Tuyên bố ra đời Ban Vận động (Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Bùi Chát)

clip_image009

Buổi họp mặt đông đảo các thân hữu của Ban Vận động tại Sài Gòn kỷ niệm thành lập Ban Vận động.

Comments are closed.