Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Những kỷ niệm thời trước Văn Việt

Thụy Khuê

Năm 2014, anh Nguyên Ngọc sang Pháp, đến thăm và rủ tôi viết cho Văn Việt, dĩ nhiên tôi nhận lời. Nhưng trước hay sau đó, anh Hoàng Hưng cũng đã gửi email và tôi cũng ưng thuận ngay. Đây là tờ báo mạng mà chúng tôi chờ đợi: dựng ở trong nước, in bài cả trong lẫn ngoài nước, không bè phái, không tiêu chuẩn, trừ sự đúng đắn và trung thực.

Tuy nhiên đầu mối thân tình của tôi với hai nhân vật chính tạo nên Văn Việt đã có từ hơn ba mươi năm trước. Mấy dòng viết nhanh tại Vũng Tàu hôm nay, để hồi tưởng lại chút kỷ niệm xưa, mặc dầu trí nhớ đã bắt đầu suy tàn, như lời Nguyễn Bình Phương.

Tôi "quen" anh Nguyên Ngọc kể từ khi anh xúc tiến việc Đổi mới [*] trên tuần báo Văn Nghệ, đăng những bài tiểu luận sắc bén đòi hỏi tự do tư tưởng của Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Viện… và những sáng tác mới của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài… đó là những tên tuổi đầu tiên, đã khiến những người làm văn học ở ngoài nước, như chúng tôi, sửng sốt, khâm phục.

Và cũng từ đó chúng tôi "kết bạn" với các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, chưa bao giờ gặp gỡ, nhưng đã rất thân, qua chữ nghiã. Chúng tôi đã "hòa hợp hòa giải dân tộc" không thông qua bất cứ một kênh thúc đẩy hay một cầu nối nào.

Sự tình bắt đầu như thế, từ hơn ba mươi năm nay.

Mùa thu năm 1993, tôi về Việt Nam, sau sáu năm cầm bút, ba năm phụ trách chương trình văn học nghệ thuật hàng tuần của đài RFI; lần đầu tiên gặp Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Văn Cao, Hoàng Cầm, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến… ở ngoài Bắc; Hoàng Hưng, Lữ Phương, Nguyễn Đăng Mạnh… ở trong Nam, từ đó sợi dây truyền cảm giữa chúng tôi chưa bao giờ phai lạt.

Người gây cho tôi cảm giác lạ thường là anh Trần Độ. Hôm ấy hai anh Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dẫn tôi đến buổi họp mặt nhân dịp giỗ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, có anh Trần Độ tham dự. Trong lúc không ngờ nhất, anh sai một người đặt vào tay tôi tấm thiệp nhỏ ghi địa chỉ anh, nếu tôi nhớ không lầm, ở phố Trần Hưng Đạo, trong có hàng chữ viết tay: Cô đến anh sáng mai, … giờ. Tôi đến gặp người anh hùng như tôi thầm nghĩ, vóc cao, vai rộng, giọng đầy quyền uy. Bên cạnh Tướng quân có một vị chừng như "bảo vệ", mặt âm u. Trần Độ phớt lờ như không, thủng thẳng nói những điều hệt như anh viết: Ta cần phải đổi mới tư duy, chính sách xã hội phải coi con người là mục tiêu chứ không phải là công cụ của cách mạng… Cuối cùng anh bảo tôi: Cô và các bạn ở hải ngoại có thể tiếp sức với trong nước thực hiện những điểm anh vừa đề xuất

Nguyên Ngọc bị cách chức tháng 12 năm 1988. Trần Độ bị cách chức tháng 6 năm 1989.

Khuôn mặt đối trọng của Trần Độ là Đỗ Đức Hiểu, cả về "hình thức" lẫn "nội dung". Mùa thu năm 1993, tôi đến thăm anh, thứ nhất vì phục lối phê bình sắc bén, đa dạng, rất mới, thoát hẳn lối viết trường quy; thứ hai, vì cuốn Phê phán văn học hiện sinh chủ nghiã (1978), tôi đã đọc và không đồng ý nhưng kính trọng, vì lẽ anh là người mác-xít đầu tiên ở trong nước, phê bình Jean-Paul Sartre và đã đọc Sartre tới nơi tới chốn. Những lập luận anh đưa ra, đúng hay sai là chuyện khác, nhưng cách anh đặt vấn đề rất khoa học, có biện chứng. Tôi hỏi anh về cuốn sách này, nhưng anh im lặng, như muốn khép lại một thời mà anh cho là "ấu trĩ" của chính mình, anh muốn gạch bỏ những trang viết "mình không phải là mình" khiến anh phải xót xa. Anh gầy như chiếc lá khô, một cơn gió đủ cuốn đi. Anh tiễn tôi ra cửa, nắm tay tôi se sẽ: mình phải làm lại tất cả… Vậy mà chiếc lá khô ấy đã trụ vững trên cành thêm 20 năm nữa, để hoàn tất một số việc phải làm. Anh là một kỳ công của tạo hóa.

Bạn thấy những dòng này rất lạc đề, bởi vì tôi không viết về kỷ niệm 10 năm Văn Việt, như Hoàng Dũng yêu cầu, mà nhặt nhạnh những kỷ niệm rất xa thời Văn Việt, bởi khi tôi đặt tay lên bàn gõ, những khuôn mặt ấy hiện ra, gần nhất, rõ nhất.

Rồi tôi lại không chỉ viết về một số những tên tuổi đã gặp, mà nhớ nhiều đến những người vợ, không tên trên văn đàn, đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong tôi.

Chị Thúy Băng, tháng 9 năm 1993, đã tổ chức một buổi họp mặt văn nghệ bất hủ, lấy cớ kỷ niệm một ngày lễ lớn của cách mạng kháng chiến (tôi không nhớ tên) ở nhà anh chị. Hôm ấy, quây quần xung quanh chiếc chiếu, chúng tôi đã được nghe giọng hát tuyệt vời của anh Hồng Đăng hát những bài ca kháng chiến của Văn Cao, giọng trầm hùng, quyến rũ, anh hát cả một số bài lãng mạn khác của Văn Cao, thời ấy, vẫn chưa được hát.

Anh Văn Cao, tóc lơ phơ, bên cốc rượu, như tiên ông. Anh nói ít, nhưng mỗi lời là một câu văn, một ý tưởng, một triết lý, đôi khi, là một câu thơ. Văn Cao trái ngược với Phạm Duy, hay bộc trực nói hớ, nên thường bị kẻ xấu bới lông tìm vết. Chị Thúy Băng đảm đang lo mọi mặt, chị là bộ trưởng tài chính của anh. Nếu không có chị chắc anh không thể trụ nổi trong vũ trụ tương tàn hậu Nhân văn. Chính chị đã dặn tôi đem máy cát-xét lại để ghi lời Văn Cao, nhưng ông đại sứ Pháp thời ấy từ chối, không cho tôi mượn máy của sứ quán, khôn khéo khuyên tôi nên nhờ Đài phát thanh Hà Nội giúp! Đó là lần đầu tiên và cuối cùng tôi được gặp tác giả Suối mơ, Trương Chi… những nhạc phẩm tuyệt vời giao thoa thi ca, âm nhạc và huyền thoại, trên những cung bậc thượng thừa. Hai năm sau, Văn Cao qua đời.

Chị Hoàng Ngọc Hiến là khuôn mặt đáng nhớ thứ hai. Chị cũng là một thứ bộ trưởng tài chính của anh Hiến, người duy nhất gọi chồng bằng lão ấy. Năm 1993, đời sống rất khó khăn, từ Paris về nước, tôi chưa biết gì, tặng chị mấy thỏi phấn son. Chị gọi tôi ra sau nhà, dặn: lần sau em đừng cho chị những thứ này, phù phiếm lắm. Và tôi hiểu. Nhìn chị trăn trở với đời sống. Không khí Hà Nội thời ấy rất khó thở. Anh Hiến gầy guộc, vẫn còn gặp khó khăn vì bốn chữ "văn học phải đạo". Hôm đó Nguyễn Huy Thiệp chở tôi đến thăm anh, tôi nhớ mãi lời anh chúc Thiệp trong bài giới thiệu Tướng về hưu: "Tôi không chúc anh thuận buồm xuôi gió".

Những mảnh vụn đời sống văn nghệ như thế, gặp nhau càng hay, không gặp đã có chữ nghiã, hội họa, âm nhạc, thay lời. Tôi còn nhớ có lần ở Paris, anh Hiến hỏi ý kiến tôi về việc dịch chữ Personnalisme của Mounier, tôi nói: ông Ngô Đình Nhu dịch là nhân vị, em thấy đúng và hay. Anh không nói gì, và tôi chắc anh không dùng chữ của "ngụy". Chẳng khác gì câu chuyện hai anh Lê Đạt và Nguyễn Văn Trung (lúc đó cùng ở nhà tôi): Anh Lê Đạt luôn "quen miệng": ngụy nó thế này, ngụy nó thế kia, tôi nghe buồn cười nhưng không nói gì. Sáng hôm đó, anh Nguyễn Văn Trung sửng cồ, quát: Cậu gọi ai là ngụy? Thế là anh Lê Đạt im bặt, từ đó không dùng tiếng ngụy nữa.

Dù đã cao tuổi, Hoàng Cầm vẫn có giọng nói sang sảng, ngâm thơ tuyệt vời, làm tôi liên tưởng đến thời đại "kinh hoàng" thủa trước: khi giọng anh tung hoành trên chiến khu Việt Bắc, kết hợp với tiếng hát Phạm Duy, tạo nên mảnh sân khấu cách mạng kháng chiến rạng rỡ nhất, đã góp phần "đẩy lui" quân Pháp. Giọng ngâm Hoàng Cầm gập ghềnh, hùng vĩ:

Đêm liên hoan, trời ơi, đêm liên hoan

Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng

Ta muốn thét cho vỡ toang lồng ngực

Chen với giọng hát Phạm Duy lãng mạn, trầm hùng:

Ta nhìn qua Cai Kinh ngang tàng,

Chờ tiếng gió Thái Nguyên lùa sang,

Biết say đời, cuộc đời trai Bắc Sơn...

Các anh là linh hồn của kháng chiến.

Từ những năm 1993, trở đi, Hoàng Cầm thường kể qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội cho tôi nghe và thu âm; mỗi lần, một hai tiếng đồng hồ mà không biết mệt. Khi bị cắt điện thoại giữa chừng, lúc gọi lại được, Hoàng Cầm (giống Nguyễn Hữu Đang) thường chửi um bọn "vô lại", và lại bị cắt điện thoại lần nữa!

Cũng như những lần Hoàng Cầm cãi nhau với Phạm Duy, qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội, hai ông già mày tao dữ dội, như hồi còn đi hát rong trong kháng chiến. Chúng tôi bám vào những mảnh vụn kỷ niệm như thế để sống, để nhớ các anh, những người đi trước.

Năm 1993, tôi nhớ, Bảo Ninh đón tôi ở phi trường với bó hoa, bó hoa ấy, tôi không còn nhớ rõ màu sắc, nhưng không bao giờ tàn trong tim tôi. Rồi Bảo Ninh chở tôi đến nhà anh Văn Cao, liền sau đó Ninh bị phiền phức. Những chuyện ấy, chúng tôi không bao giờ kể với nhau, khi gặp lại. Nhưng những kỷ niệm không vui luôn trụ lại trong lòng.

Hoàng Hưng, hơn tôi hai tuổi nhưng luôn luôn tỏ vẻ chững chạc chín chắn hơn nhiều. Tôi đã "gặp" anh qua tập thơ Ngựa biển, (in năm 1988) do Bạch Thái Quốc, trước khi là Trưởng ban Việt Ngữ đài RFI, thường hay về nước, đem sang Paris cho tôi. Chúng ta rất hiếm thơ hay về biển, mặc dù nước ta có tới hơn hai ngàn cây số bờ bể. Ngựa biển của Hoàng Hưng đưa tôi vào một không gian mới lạ, với những câu thơ tình đắt giá. Hôm nay, mồng một Tết, đi dạo trên bờ biển Vũng Tàu, tôi lại thấy thấm thía câu thơ Hoàng Hưng:

Những bắp thịt săn của sóng

Đánh vào ta nồng nàn

Nhưng da thịt em

ráng chiều vụt tắt

Cát không màu khép dưới bàn chân…

Những câu thơ tôi đọc đã hơn ba mươi năm trước, mà nay vẫn còn mặn những rung động đầy nhục cảm khi những bắp thịt săn của sóng, đánh vào ta nồng nàn, và mỗi bước bên bờ biển tôi lại thấy những hạt cát không màu khép dưới bàn chân…

Nhưng tuyệt đỉnh của cảm xúc vẫn là đây:

Anh muốn ngược hơi thở em nóng bỏng

vào tận hồn em

Những câu thơ tuyệt vời này thoát thai từ một nguồn mộng: M. hay em, người yêu, người tình, người vợ. M. là tác giả thứ nhất, bởi nếu không có M., Hoàng Hưng chưa chắc đã viết những câu thơ hay đến thế. M. còn là cột trụ gia đình, khi anh mắc nạn Về Kinh Bắc. Đôi mắt đen láy của M. dẫn tôi vào địa đạo mênh mông của trí thông minh, chính M. đã tìm được cách sống trong ngõ cụt, nuôi con, xa chồng; giống như đôi mắt hiền thục và nụ cười nhân ái của Phan Tự Trang, đã bao bọc những sóng gió trong cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp. Nên khi Trang ra đi, Thiệp vội vã đi theo.

Tháng 9-1993, anh Lữ Phương, ngòi bút hàng đầu về lý thuyết Mác-xít ở Việt Nam, chở tôi bằng xe máy đến chỗ hẹn với các bạn, trên đường Sài Gòn đầy dây vô hình, quấn tròn phẫn nộ của anh. Lúc ấy, ngọn lửa trong mắt anh, như không thể dập tắt. Hai mươi năm sau, tôi đến thăm anh, gặp một ông cụ hiền khô, tất cả những trăn trở, quằn quại, đã biến mất, anh đã trở thành người hiền lúc nào không biết.

Khuôn mặt hiện ra với tôi những phút này là nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh. Tháng 9-1993, tôi gặp anh ở Sài Gòn, anh bị gãy chân, đang ở nhà con, chân anh bó bột, nhưng mặt cực kỳ rạng rỡ, tươi cười, lúc đó anh chắc đã là nhà giáo ưu tú hay nhân dân gì đó, mà còn trẻ lắm. Những bài viết mạnh mẽ ngày đầu đổi mới hình như chưa làm khó dễ được anh: Tôi quý mến anh Mạnh trước tiên qua những bài tham luận thời 1987, khi anh Nguyên Ngọc còn làm Tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ, nhưng phục nhất khi anh phê bình thơ cụ Hồ, lúc đó mới lộ diện một nhà phê bình có tầm vóc, đã nghiển ngẫm rất kỹ nhiều lý thuyết văn học và khi nhả ra, thành một sản phẩm đã Đăng Mạnh hoá, áp dụng vào chữ nghiã và con người.

Sau cùng với cuốn hồi ký, gây đại nạn, anh hiện hình thành một nghệ sĩ biếm họa, vẽ những chân dung lạ thường. Khi sang Pháp, anh đã kể cho tôi nghe từng khúc, anh bảo, tên này, tên nọ, giết người không dao đấy; về những chuyện "bù khú", hai anh em cười phá lên, tôi đâu biết anh đã viết thành hồi ký. Khi được học trò anh phóng lên mạng như một bộ sách, tôi càng khâm phục ngòi bút phê bình sắc sảo về nhân diện, hiếm có trên đời. Năm 2018, tôi đến thăm anh, trong bệnh viện, ngòi bút sắc sảo ấy đã cạn mực, bởi một số đồng nghiệp quý báu đã giật đổ bình mực của anh, ít lâu sau anh qua đời, tôi buồn cho sự đố kỵ tồi tàn, và nền phê bình Việt Nam chưa có người nối dõi… Ba anh Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh là ba nhà phê bình có tầm vóc mà tôi đã gặp và quý mến, trân trọng.

Đến nay đã ba mươi năm.

Văn Việt tiếp tục con đường đổi mới, với những ngòi bút mới do, hai anh Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng và chị Ý Nhi, đề xuất, Hoàng Dũng, tiếp nối…

Diện mạo nổi lên gần đây nhất, là Bùi Chát, nhà thơ kiêm họa sĩ, với những nét bạo, gồ ghề, biến đổi không ngừng trên khung vải, trên những "chất liệu" phế thải như giường xếp, giao thoa giữa nghệ thuật sắp đặt và bút lông, tạo ra những tác phẩm mà Bùi Chát gọi là Hội họa tình huống, thể hiện tính cách đa phương của nghệ thuật, phát động trí tưởng tượng của người xem. Hội họa tình huống, theo tôi hiểu, ghi lại những giây phút tức thì của cuộc sống. Ngày trước đạo Phật gọi là duyên. Có duyên thì nên, không duyên thì chẳng. Sau này, Sartre gọi là tình huống (situation): con người trước tình huống, con người trong tình huống của cuộc hiện sinh, bắt buộc phải hành động. Những duyên, những tình thế mới ấy, chắp lại thành đời sống con người, hôm nay và ngày mai.

Văn Việt đang ở trong tay những con người tình huống, tôi mượn chữ anh Hoàng Ngọc Hiến, xin chúc họ thuận buồm xuôi gió.

Thụy Khuê

Vũng Tàu, Mùng một Tết Nhâm Dần (10-2-2024)


[*] Phong trào Đổi mới kéo dài hơn 2 năm: từ 1986 đến cuối 1988. Đại hội VI (18-12-1986) tuyên bố công khai cởi mở. Tháng 10-1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố "cởi trói văn nghệ" trong cuộc hội thảo quy tụ gần một trăm văn nghệ sĩ. Trung tướng Trần Độ, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, ủng hộ và che chở phong trào. Nhà văn Nguyên Ngọc, Tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ thực hành Tự do sáng tác trên tuần báo Văn Nghệ. Đầu tháng 9 năm 1988, Hội Nhà văn họp hội nghị để "giải quyết vấn đề" tờ Văn Nghệ. Tháng 12 năm 1988, Nguyên Ngọc bị cách chức. Tháng 6 năm 1989, Trần Độ bị cách chức. Nhưng những tác phẩm chính của thời kỳ đối mới đã ra đời.

Comments are closed.