Chúng ta nói về M. Gorki, nhưng chẳng biết mình đang nói về ai

Thật thiếu tế nhị nếu cứ một hai muốn biết lí do Hội Nhà văn, thay vì tổ chức hội thảo nhân kỉ niệm 150 năm ngày sinh M. Gorki, chỉ tổ chức một tọa đàm nho nhỏ. Cuộc đó diễn ra theo đúng tinh thần cúng giỗ truyền thống.
Thiết nghĩ có nhiều cách để chúng ta kỉ niệm ông, giúp xóa bớt hình ảnh đã bị “nhà trường hóa” của ông, để bạn đọc Việt thế kỉ XXI hiểu đầy đủ hơn về nhà văn, nhà tư tưởng vĩ đại này của nước Nga. Một trong những cách thức đó là dịch những bài viết nghiêm túc, khoa học của các chuyên gia về M. Gorki.
Dưới đây là bài phỏng vấn GS. Lydia Spiridonova, Trưởng ban Nghiên cứu sáng tác và di sản của Gorki thuộc Viện Văn học thế giới, Viện Hàn lâm Nga (Институт мировой литературы РАН, IMLI), do phóng viên Svetlana Smetanina tiến hành và đăng ngày 18.03.2018, trên trang mạng russkiymir.ru. Bài phỏng vấn do Trần Công Tâm, một người yêu thích văn hóa, văn học Nga chuyển ngữ.

Đào Tuấn Ảnh

PV: Vào thời Xô Viết, Gorki là nhà văn cổ điển quan trọng nhất nước ta. Còn ở thời Đổi mới (Перестройка) người ta đã tìm cách xem xét lại ông, cho rằng, việc coi ông là nhà văn cổ điển là sai lầm. Hiện nay thì sao? Phải chăng Gorki đang trở lại?
SPIRIDONOVA: Thực ra thì Gorki không phải là đang “trở lại”. Đơn giản và vì ông chưa bao giờ “biến” đi đâu cả. Thực tế thì số đông những người dân bình thường được biết gì về Gorki? “Chim báo bão của cuộc cách mạng”, một nhà Marxist kiên định, nhà văn vô sản đầu tiên, và như Lunacharsky khẳng định, cũng là người sáng lập chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Tất cả những quan niệm này, đều là những cái mác, mà bộ máy tuyên truyền Xô Viết đóng chặt lên lên hình tượng Gorki. Nhưng khi chúng ta bắt đầu đọc một cách chăm chú và suy ngẫm tỉnh táo về các tác phẩm của Gorky, dễ dàng nhận thấy rằng, những cái mác này hoàn toàn không đúng sự thật. Ngoài ra, những phát biểu và tuyên bố của bản thân Gorki, cũng không hề khẳng định cổ súy cho những quan niệm, đã trở thành phổ biến này.

Ở đây không chỉ đơn giản là những cái mác, mà là một món quà của Chính quyền Xô Viết dành cho Gorki. Bằng cách này, Chính quyền buộc chặt ông vào Liên bang Xô Viết, và chỉ cho cả thế giới thấy rằng, khi trở về quê hương, Gorki trở thành một nhà Marxist thực sự. Nhưng thực ra, mọi chuyện phức tạp hơn nhiều.
Những cái mác này, chính là cơ sở để trong thập kỷ 1990, Gorki đã bị “đánh” và “giải thiêng” một cách ồn ào. Nhưng rất may, là sự “giải thiêng” và chối bỏ Gorki này, chỉ diễn ra chủ yếu ở Nga. Ở nước ngoài, tác phẩm của Gorki vẫn tiếp tục được xuất bản, được dịch theo một cách mới.
Ở Pháp, tác phẩm “Lời thú tội” của ông được xuất bản lần đầu, với một lời giới thiệu rất độc đáo. Tại Mỹ, đã xuất hiện nhiều nghiên cứu rất thú vị về Gorki. Nghĩa là, ở trên thế giới nhà văn Maxim Gorki tiếp tục tồn tại, cho những người hiểu được, rằng Gorki là một nhà tư tưởng phức tạp và không hề đơn điệu. Rằng ông là một nghệ sĩ tuyệt vời. Ngoài ra, những vở kịch của ông đã từng được dàn dựng trên khắp thế giới, thì gần đây vẫn được tiếp tục dàn dựng. Thậm chí có lẽ nhiều hơn.
Nhưng để tháo gỡ những cái mác này, mà tôi đã nhắc đến ở trên, chúng tôi đã không tham gia vào những cuộc tranh luận công khai với các tờ báo lá cải. Vì tầm mức hạn chế của bản thân chúng.
Mặt khác, từ năm 1997, chúng tôi xuất bản và công bố một nhà văn Gorki “khác”, mà trước đó không ai biết đến. Đó chính là tuyển tập thứ hai các tác phẩm đầy đủ của Gorki, bao gồm những trao đổi thư tín của ông.
Và dĩ nhiên, những trao đổi thư tín này là những tác phẩm không chịu sự tự kiểm duyệt. Ở đây, Gorki biểu hiện con người thực của mình, một con người nghệ sĩ, một nhân cách, một nhà tư tưởng, luôn luôn viết không chỉ về cá nhân mình, mà còn về các vấn đề xã hội. Vì vậy, trong loạt những tác phẩm này, chúng ta thấy một Gorky hoàn toàn khác hẳn, so với quan niệm phổ biến xưa nay về ông.
Hiện đã có 20 tập trao đổi thư tín của Gorki được công bố, bao gồm những trao đổi thư tín cho đến những năm 1930. Và những bức thư này, đã hoàn toàn bác bỏ mọi suy đoán về việc, ông là “nhà văn vô sản đầu tiên”, là người “Bolshevik đích thực”. Những cái mác đã từng ngăn cản chúng ta, nhìn thấy ông với tư cách một nghệ sĩ vĩ đại, và thực sự có tầm nhân loại. Một nhà văn được cả thế giới đã quan tâm và ngày nay vẫn quan tâm.

PV: Gorki đã trở thành một nhà văn nổi tiếng khá sớm. Và những gì vào thời điểm đó, đồng nghĩa với việc trở thành một nhà văn nổi tiếng và thời thượng?

SPIRIDONOVA: Việc Gorki là “Chim báo bão của cách mạng”, là một sự thật. Khi tác phẩm “Bài ca chim báo bão” của ông xuất hiện trên văn đàn, tác phẩm ngay lập tức được coi là một dự báo về cuộc cách mạng Nga sắp nổ ra. Vì đúng vào lúc này, nước Nga đang bị các quan điểm đối lập phản kháng bao trùm.
Đã có những bình luận nghiêm túc chăm chú từ phía các nhà phê bình văn học nước ngoài, ngay từ năm 1898, thời điểm những tác phẩm đầu tay của Gorki xuất hiện. Lúc đó, các nhà bình luận nước ngoài thường cho rằng, ông viết như một nhà quí tộc bi quan về thời cuộc. Không ai cho rằng ông là một nhà Marxist. Và thực tế, đúng là ông chưa bao giờ từng là nhà Marxist cả.
Năm 1899, họa sĩ Ilya Repin lừng danh đã vẽ chân dung Gorki. Một năm sau đó, bức chân dung này đã được trình bày tại triển lãm ở S. Petersburg, và tất cả những người dân sang chảnh S. Petersburg lúc đó, đã đến chiêm ngưỡng chân dung này, để xem Gorki trông như như thế nào.
Ngay từ lúc đó, những tác phẩm của Gorki đã được dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau! Mà đó là Gorky thời bắt đầu sự nghiệp. Nghĩa là, từ cuối thế kỷ 19, Gorki đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Và vào đầu thế kỷ 20, Gorki không chỉ là một nhà văn nổi tiếng, mà còn là một nhà văn được lắng nghe trên toàn thế giới. Một uy tín quốc tế.

PV: Thời đó là khởi đầu của Thế kỷ Bạc của văn học Nga. Các nhà văn danh tiếng đã nhìn nhận ông thế nào? Liệu Gorki đã kịp trở thành một phần của giới văn nghệ sĩ thủ đô chưa?
SPIRIDONOVA: Lúc đó, Gorki được giới văn học thời thượng rất quan tâm. Ông được mời đến salon văn học của Gippius và Merezhkovsky. Còn bản thân Gorky cũng từng thực sự thích dòng này của Gippius: “Tôi muốn một cái gì đó, không tồn tại trên thế giới này”. Chính Gorki cũng từng là một người theo chủ nghĩa lãng mạn, trong những tác phẩm đầu tay của mình.
Gorki được giới thượng lưu S. Petersburg đánh giá cao và chào mời. Nhưng ông lại bị Sa Hoàng Nikolai II ghét bỏ. Khi Gorki được đề cử làm thành viên Viện Hàn lâm Văn học Nga, Nikolai đã phủ quyết và phê rằng Gorki không xứng đáng. Mặc dù trong cuộc Nội chiến sau đó, Gorki đã từng cứu tất cả mọi người, cả phe Hồng quân và Bạch quân, bao gồm cả một Đại Công tước.
Gorky đã từng nói rằng, ông đã đi qua tất cả các nấc của bậc thang xã hội. Từ những người chân đất, cho đến những Đại Công tước và những nhà lãnh đạo của Chính quyền Xô viết.

PV: Gorki thực sự không được học hành nghiêm chỉnh. Nhưng đồng thời, tất cả đều nói về ông, như một người có học thức uyên thâm. Điều này xảy ra như thế nào?

SPIRIDONOVA: Học vấn của Gorki chỉ gồm hai năm học ở Trường tiểu học Kanavin. Và rồi, như người ta thường nói hiện nay, ông là một self made man. Ông rất thích đọc sách. Ngay từ thời thơ ấu, ông đã được ông nội dạy đọc bằng từ điển nhà thờ.
Ngoài ra, Gorki có một trí nhớ tuyệt vời. Bà nội đã từng kể cho ông các truyền thuyết Thiên Chúa giáo, vì vậy ngay từ thủa thơ ấu ông đã biết đến văn học nhà thờ. Và rồi ông đọc rất nhiều, luôn luôn cố gắng để có được kiến thức. Nhờ vậy, ông đã làm quen với cái triết học thế giới rất sớm, một cách đáng ngạc nhiên.
Sức làm việc to lớn và trí nhớ siêu việt, cho phép Gorki trở thành một trong những người có học thức nhất trên thế giới. Ông đã giữ mối liên lạc trao đổi với hầu như tất cả các nhà văn vĩ đại, các nhân vật chính trị, các chính trị gia lớn trên toàn thế giới. Và ông đã luôn nói chuyện bằng vai với họ.
Chẳng hạn, bạn có thể tưởng tượng rằng, trong gần 20 năm, Gorki đã trao đổi thư tín với Romain Rolland, một nhà tư tưởng Châu Âu tinh tế. Cuộc đối thoại này, luôn được duy trì ở mức độ trí tuệ cao. Nếu Romain Rolland không thực sự quan tâm, liệu ông có chịu duy trì cuộc đối thoại 20 năm, với một người tự học không.
Rõ ràng, những trao đổi thư tín như đã được công bố ở trên, cho phép chúng ta nhìn nhận Gorki theo một cách hoàn toàn mới. Và song song với những công bố này, chúng tôi đã công bố những tài liệu của riêng Gorki, thuộc loại đã từng bị cấm phổ biến thời Liên Xô cũ. Số tài liệu này gồm 13 tập. Chúng được gọi với tên chung là “Tài liệu. Những công trình nghiên cứu”, bao gồm trao đổi thư tín của Gorki với các nhà lãnh đạo Liên Xô như Stalin, Lenin, Yagoda, Molotov, Bukharin và những người khác.
PV: Sau Cách mạng 1917, Maxim Gorki còn sống ở Capri Ý (nơi Gorki ở khi sang Ý chữa bệnh từ 1921 – ND) trong một thời gian khá dài. Liệu ông có từng nghĩ là nên ở đó mãi mãi? Và bằng cách nào ông đã tìm lại được mình ở đó?

SPIRIDONOVA: Dần dần Gorki đã cảm thấy không thoải mái, và nghĩ đến việc trở về quê nhà. Dù rằng, Gorki không bao giờ liên hệ với bất kỳ người Bạch quân lưu vong nào. Hơn nữa, ông sống bằng hộ chiếu Liên Xô. Tuy nhiên, vào năm 1922 ở Ý, trên thực tế chủ nghĩa phát xít đã chiến thắng.
Đồng thời, vào cuối năm 1926, tất cả những người Bạch quân lưu vong ở Châu Âu đã đồng lòng chống lại Gorky. Lý do là vì khi Dzerzhinsky chết, ông đã có một lá thư riêng, trong đó ông bày tỏ việc chia buồn và nói về Dzerzhinsky như một người rất tốt. Một người mà ông thực sự biết trong một thời gian dài. Và thậm chí Dzerzhinsky đã từng đến thăm ông Capri. Vì một lý do nào đó, bức thư này đã được công bố trên báo chí của những người Bạch quân lưu vong. Vì vậy, trở thành nguyên nhân trực tiếp của chiến dịch truy bức Gorki.
Năm 1927, người ta đã tích cực lôi kéo Gorki về Liên Xô. Ông nhận ra rằng, đích thân Stalin đứng ra chiêu dụ ông, đồng nghĩa với việc tất cả những lỗi lầm cũ của ông đã được tha thứ.
Ở đây chúng tôi đã nói về Bộ tuyển tập toàn bộ các tác phẩm của Gorki. Bao gồm tổng cộng hơn 80 tập, nhiều hơn của Tolstoy. Nhưng tuyển tập đã chưa hề được xuất bản cho đến tận hôm nay. Lý do là vì trong thời kỳ Liên Xô, không thể công bố những bài chính luận và khoảng một phần ba trao đổi thư tín của Gorki.
Còn ở nước Nga hiện nay, ngược lại, không ai muốn xuất bản những bài viết của Gorki, vì phần lớn, chúng ủng hộ, bảo vệ Chính quyền Xô Viết và chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, có thể nói rằng, chúng ta đang nói về Gorki, mà không biết mình đang nói về ai.

PV: Theo bà, Gorki đáng chú ý như một nhà tư tưởng đến mức độ nào? Và ông hiện còn thời sự không?

SPIRIDONOVA: Theo tôi, chúng ta phải đọc và suy ngẫm thấu đáo những tác phẩm của Gorki. Hoàn toàn không nên loại chúng khỏi nhà trường, như chúng ta đang làm hiện nay. Để bắt đầu, có thể truyền bá chúng từ các trường mầm non. Hãy kể câu chuyện “Chim sẻ nhỏ”. Một đứa trẻ nhỏ nên biết rằng, mẹ sẽ luôn luôn bảo vệ nó. Ở các lớp tiểu học dưới, có thể học các chuyện “Danko” và “Bà lão Izergil”. Ý tưởng ở đây, là tài năng của bạn không chỉ có lợi cho bạn, mà phải còn có ích cho tất cả mọi người.
Những người trẻ mơ ước bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh riêng, có thể đọc tác phẩm “Sự nghiệp nhà Artamonov”. Gorki cả đời luôn đề cao lao động. Nếu bạn có một doanh nghiệp, được tạo ra bằng chính bàn tay mình, nó sẽ mang lại lợi ích thực sự cho bạn.
Còn nếu đó là một tài sản được thừa hưởng, như trường hợp anh cả nhà Artamonov, đó là một nghiệp chướng. Nó giống như con gấu, bám lấy bạn, giữ bạn và không cho phép bạn sống như bạn muốn. Tác phẩm “Sự nghiệp nhà Artamonov” thực sự là những suy nghĩ nghiêm túc về một sự nghiệp kinh doanh đích thực.
Và cuối cùng là tác phẩm “Cuộc đời Klim Samgin” (tác phẩm có lẽ là quan trọng nhất của Gorki về cuộc sống thời Xô Viết, đang viết dở dang – ND), một tác phẩm cần đọc dành cho tất cả mọi người. Bởi vì hiện nay, ở nước Nga chúng ta đang không có bất kỳ tư tưởng quốc gia nào. Trước đây trong thời Liên Xô, trong nhận thức xã hội còn có tư tưởng chủ nghĩa xã hội, nhưng bây giờ thì sao? Hãy làm giàu đi? Điều này không thay thế được một tư tưởng quốc gia đích thực.
Chính Gorki đã từng viết về một tâm hồn trống rỗng, về việc tâm hồn trống rỗng được sinh như thế nào, và tại sao sau này, nó đã trở thành một sự trống rỗng của lịch sử. Sự trống rỗng là hình tượng chính trong tác phẩm này của ông, một hình tượng rất thú vị.
Gorki là đứa con vĩ đại của nước Nga. Pasternak gọi ông là một con người “đại dương”. Và ông giải thích: “Gorki hấp dẫn chúng ta bởi trái tim lớn và bằng chủ nghĩa yêu nước thực sự của mình.” Liệu có điều gì, ngoài tư tưởng về lòng yêu nước, ngày nay có thể đoàn kết mọi người Nga?

PV: Từ ngày 27/03/2018, ở Viện Văn học Thế giới Viện Hàn lâm Nga, dưới sự bảo trợ của Quĩ “Thế giới Nga”, sẽ diễn ra Hội thảo Quốc tế “Ý nghĩa Thế giới của Maxim Gorki”. Hãy cho chúng tôi biết một chút về điều hội thảo này.

SPIRIDONOVA: Hội thảo này làm chính chúng tôi phải ngạc nhiên. Sau khi chúng tôi tuyên bố tổ chức hội thảo, lập tức có những đăng ký tham dự đến từ 14 quốc gia. Chương trình bao gồm khoảng 100 diễn giả, trong đó có hơn 20 giáo sư nước ngoài, từ khắp các nước trên thế giới: hai từ Mỹ, hai từ Pháp, năm từ Ý, bốn từ Trung Quốc và những người khác.
Chúng tôi đang chờ đợi báo cáo của họ. Như vậy hóa ra là, trong hai ngày đầu tiên của hội thảo, tất cả các báo cáo sẽ do những diện giả nước ngoài thực hiện.

Nguồn: https://www.facebook.com/dao.tuananh.399/posts/10209565878497442

Comments are closed.