Quê nhà trong thế giới – Hồi ký của người được giải Nobel Amartya Sen (kỳ 2)

Nguyễn Quang A dịch

Phần một

1. Dhaka và Mandalay

1

‘Ở đâu ông cho là nhà (quê hương) của ông?’ tôi được một phóng viên BBC hỏi ở London, khi chúng tôi đã sẵn sàng cho việc ghi âm. Anh ta đang xem xét loại tiểu sử nào đó về tôi. ‘Ông vừa chuyển từ một Cambridge sang một Cambridge khác – và từ Harvard sang Trinity; ông đã sống ở nước Anh trong hàng thập niên nhưng ông vẫn là một công dân Ấn Độ – tôi cho rằng – với hộ chiếu đầy các visa. Như thế, nhà của ông ở đâu?’ Đấy là trong năm 1998, đúng sau khi tôi gia nhập Trinity College với tư cách Hiệu trưởng (mà đã là dịp cho cuộc phỏng vấn). ‘Tôi tật sự cảm thấy ở nhà ở đây bây giờ,’ tôi nói, giải thích rằng tôi có một sự liên kết dài với Trinity, đã là một sinh viên, một nghiên cứu sinh, một nhà nghiên cứu và rồi một giáo viên ở đó. Nhưng nói thêm rằng tôi cũng thực sự ở nhà tại nhà cũ của chúng tôi gần Harvard Square tại Cambridge khác, và tôi thực sự cảm thấy ở nhà ở Ấn Độ, đặc biệt tại ngôi nhà nhỏ của chúng tôi ở Santiniketan nơi tôi đã lớn lên và tôi thích quay lại đó thường xuyên.

‘Như thế,’người từ BBC nói, ‘ông không có khái niệm nào về quê hương (nhà)!’ ‘Ngược lại,’ tôi nói, ‘tôi có nhiều hơn một quê hương chào đón, nhưng tôi không chia sẻ ý tưởng của anh rằng một quê hương phải là độc nhất.’ Người phỏng vấn BBC trông có vẻ hoàn toàn không được thuyết phục.

Tôi đã trải nghiệm những thất bại tương tự trong những cố gắng của tôi để đáp lại những sự tìm kiếm khác cho sự nhận diện độc nhất. ‘Món ăn ưa thích của ông là gì?’ họ hỏi. Có thể có nhiều câu trả lời cho câu hỏi đó, nhưng nói chung tôi chọn để lẩm bẩm cái gì đó như tagliolini con vongole hay vịt Tứ xuyên, và tất nhiên ilish mach – cái người Anh ở Ấn Độ đã quen gọi là ‘cá hilsha’, ứng xử một cách quen thuộc với những sự bật hơi. Nhưng, tôi tiếp tục giải thích, nó phải được nấu theo đúng kiểu Dhaka với bột mustard. Loại câu trả lời này đã không thỏa mãn những người hỏi, họ hỏi: ‘nhưng món nào là món ưa thích thực sự của ông?’

‘Tôi thích tất cả chúng,’ tôi nói, ‘nhưng tôi sẽ không thích sống bằng bất cứ một trong số chúng như thức ăn duy nhất của tôi.’ Những người đối thoại với tôi nói chung không chấp nhận rằng họ đã nhận được từ tôi một câu trả lời hợp lý cho một câu hỏi hay. Tuy vậy, nếu tôi may mắn, tôi đã nhận được một cái gật đầu lịch sự trong cuộc thảo luận về thức ăn – nhưng chẳng bao giờ, khi nói đến cái ghì đó nghiêm túc như ‘nhà (hay quê)’. ‘Chắc chắn, ông phải có chỗ cá biệt nào đó nơi ông thực sự ở nhà?’

2

Vì sao một chỗ? Có lẽ tôi thư giãn quá dễ dàng. Trong tiếng Bengali truyền thống, câu hỏi ‘quê (nhà) bạn ở đâu?’ có một ý nghĩa chính xác – cái gì đó rất khác với home mà câu hỏi Anh truyền đạt theo nghĩa đen. Quê (home) – ‘ghar’ hay ‘baḍi’ – là nơi gia đình bạn đến, nhìn quay lại vài thế hệ, cho dù bạn và tổ tiên trực tiếp của bạn đã sống ở nơi khác. Cách sử dụng này có sự thịnh hành nào đó khắp tiểu lục địa và, khi được sử dụng trong những cuộc đàm thoại tiếng Anh, ý tưởng đôi khi được dịch thành một loại hình ảnh đồ họa mà tiếng Anh Ấn Độ đã tạo ra cách riêng của nó: ‘Where do you hail from (Bạn tới từ đâu)?’ ‘Quê (home)’ của bạn có thể ở nơi từ đó các tổ tiên của bạn đã có thể tới thật sự vài thế hệ trước, cho dù bản thân bạn có thể chẳng hề ở đó chút nào.

Gia đình tôi sống ở thành phố Dhaka khi tôi sinh ra, mặc dù thực ra tôi đã không sinh ra ở đó. Đấy là cuối mùa thu năm 1933, mà, muộn hơn tôi được biết, đã là một năm mất nhà và cuộc sống khủng khiếp ở châu Âu. Sáu mươi ngàn chuyên gia – các tác giả, các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các nhạc sĩ, các diễn viên và các họa sĩ – đã di cư khỏi Đức, phần lớn sang các nước khác ở châu Âu và sang Mỹ. Một ít người – thường là người Do Thái – đã sang cả Ấn Độ nữa. Dhaka, mà bây giờ là một thành phố sôi động, ngổn ngang và hơi gây hoang mang và thủ đô đầy sinh lực của Bangladesh, khi đó là một chỗ yên lặng hơn và nhỏ hơn, nơi cuộc sống đã luôn luôn có vẻ trôi nhẹ nhàng và chậm chạp. Chúng tôi sống trong phần cổ, lịch sử của thành phố được gọi là Wari, không xa Ramna, khuôn viên trường của Đại học Dhaka, nơi cha tôi, Ashutosh Sen, dạy hóa học. Đấy là tất cả ‘Dhaka cổ’ – Dhaka hiện đại trải ra hàng chục dặm vượt qua nó.

Cha mẹ tôi đã rất hạnh phúc ở Dhaka. Tôi và em gái tôi Manju – trẻ hơn tôi bốn tuổi – cũng đã thế. Nhà được xây dựng bởi ông nội tôi, Sharada Prasad Sen, ông đã là một thẩm phán trong tòa án Dhaka. Bác tôi, Jitendra Prasad Sen, anh trai của cha tôi, đã hiếm khi ở đó, vì ông được phái đến những nơi khác nhau ở Bengal như một công chức, nhưng những sự đến của bác tới nhà chung của chúng tôi (đặc biệt với con giái của bác, Miradi, mà khoảng cùng tuổi tôi) ở Dhaka trong các dịp nghỉ lễ đã là sự bắt đầu của những giai đoạn hết sức thích thú trong tuổi trẻ của tôi. Chúng tôi cũng có những anh chị em họ khác ở Dhaka (Chinikaka, Chotokaka, Mejda, Babua và những người khác); Manju và tôi đã khá bị hư hỏng bởi sự nuông chiều và sự chú ý chúng tôi nhận được từ họ.

Con trai cả của người bác lang thang của chúng tôi (anh được gọi là Basu nhưng tôi gọi anh là Dadamani) học tại Đại học Dhaka và sống với chúng tôi. Anh là một nguồn trí khôn và giải trí bao la cho tôi. Anh đã tìm những phim hấp dẫn cho trẻ con để đưa tôi đi xem, và qua sáng kiến của anh tôi biết cái tôi cho là ‘thế giới thật’, như được miêu tả sinh động trong những phim kỳ lạ như The Thief of Baghdad (Kẻ cắp thành Baghdad).

Những ký ức sớm của tôi gồm việc đi đến phòng thí nghiệm của cha tôi, và sự phấn khích to lớn của việc thấy một dung dịch được trộn với dung dịch khác trong một ống nghiệm có thể tạo ra cái gì đó hoàn toàn khác và bất ngờ. Trợ lý của cha tôi, Karim, thường cho tôi xem những thí nghiệm này – và tôi nghĩ những sự trình diễn của ông luôn luôn kỳ diệu.

Những ký ức đó quay lại với tôi khi, vào tuổi mười hai, lần đầu tiên tôi đọc, với tiếng Sanskrit tôi học được một cách hãnh diện, lý thuyết về cơ sở hóa học của cuộc sống theo trường phái duy vật Ấn Độ, Lokayata, hưng thịnh ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ sáu trước công nguyên: ‘từ chỉ những nguyên tố vật chất này, khi được biến đổi thành thân thể, sự hiểu biết được tạo ra, hệt như sức mạnh làm say được phát triển từ việc trộn lẫn các thành phần nhất định; và khi những thứ này bị phá hủy, sự hiểu biết cũng ngay lập tức tàn lụi.’ Tôi thấy sự tương tự rất đáng buồn – tôi đã muốn nhiều trong đời mình hơn hóa học, và không thích chút nào mẩu ‘tàn lụi ngay lập tức’. Muộn hơn, khi tôi lớn hơn và nghĩ về nhiều lý thuyết về cuộc sống, ký ức sớm nhất của tôi về phòng thí nghiệm tại Đại học Dhaka và những cuộc trình diễn của Karim vẫn giữ một sự hiện diện sống động và ám ảnh.

Tôi biết tôi thuộc về Dhaka, nhưng giống nhiều người Bengali đô thị tôi cũng thấy quê mình như làng mà từ đó gia đình đã chuyển vào thành phố, trong trường hợp của tôi hai thế hệ trước. Làng quê tôi, quê tổ tiên của gia đình cha tôi, là một làng bé tẹo gọi là Matto, trong một huyện gọi là Manikganj. Nó chẳng hề xa thành phố Dhaka mấy, nhưng khi tôi là một đứa trẻ đã cần đến phần lớn của ngày để đến đó – đi chủ yếu trên thuyền qua một mạng lưới sông ngòi. Những ngày này bạn có thể lái xe từ Dhaka đến Matto trong vài giờ trên những đường tốt vừa phải. Chúng tôi đã thường về đó một lần mỗi năm, chỉ vài tuần mỗi lần, và khi đó tôi cảm thấy hoàn toàn thư giãn, nghĩ rằng tôi đã về quê. Đã có những đứa con trai và con gái khác để chơi với ở Matto những đứa cũng đến trong thời gian lễ hội từ các thành phố nơi chúng sống. Chúng tôi đã có những tình bạn tốt theo mùa, và đã nói lời chia tay cho một năm khi thời gian cho chúng tôi quay lại thành phố đã đến.

3

Tên ngôi nhà của chúng tôi ở Dhaka cổ, ‘Jagat Kutir’, có nghĩa là ‘nhà thôn dã của thế giới’. Điều này phản ánh sự nghi ngờ của ông tôi về chủ nghĩa dân tộc, mặc dù gia đình tôi sẽ có khá nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc chống lại sự Cai trị Anh [the British Raj] (nhiều hơn về việc đó muộn hơn). Tên cũng ca ngợi sự tưởng nhớ người vợ yêu quý đã quá cố của ông, bà nội tôi, người được gọi là Jagatlakkhi (đôi khi được viết là Jagatlakshmi, như trong tiếng Sanskrit). Bà đã chết trước khi tôi sinh ra. Kỷ niệm về trí khôn rất được tôn sùng của Jagatlakkhi đã ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi theo nhiều cách, và tôi vẫn thực hiện cách chữa nấc của bà – uống chầm chậm một cốc nước lạnh với vài thìa đường được khuấy vào. Cách này, tình cờ, là cách dễ chịu để khắc phục những cơn nấc hơn rất nhiều việc làm nghẹt bản thân bạn hết hơi.

Trong khi cha tôi dạy tại Đại học Dhaka, cha ông, Sharada Prasad Sen, thẩm phán, cũng liên hệ mật thiết với đại học, giúp việc quản lý pháp lý và tài chính của nó. Mọi người đến và đi liên tục, tới và khỏi nhà Dhaka của chúng tôi. Những vị khách này nói với tôi về mọi loại chuyện họ làm ở những chỗ khác nhau. Một số trong những chỗ đó đã không rất xa (chúng chắc chắn bao gồm Calcutta và Delhi, nhưng cả Bombay, Hồng Kông và Kuala Lumpur nữa), nhưng trong sự tưởng tượng thời thơ ấu của tôi chúng phủ toàn bộ trái đất. Tôi thích ngồi cạnh cây sứ (cây đại) thơm ngát ở hiên trên lầu, lắng nghe những câu chuyện hồi hộp về du lịch và phiêu lưu, mà tôi hy vọng ngày nào đó cũng sẽ xảy ra với tôi.

Khi mẹ tôi, Amita, lấy chồng, đã không cần cho bà để thay đổi họ của bà, bởi vì ông ngoại tôi, một học giả nổi tiếng về ngôn ngữ Sanskrit và triết học Ấn Độ, được gọi là Kshiti Mohan Sen. Họ thời con gái của mẹ tôi là cùng như họ của cha tôi gây ra những vấn đề cho tôi ngay cả ngày nay cho những sự kiểm tra căn cước, khi những người bảo vệ truyền thông an toàn hỏi tôi về tên thời con gái của mẹ tôi (‘không, không, tôi đã nói tên thời con gái của bà!’).

Kshiti Mohan đã dạy ở Santiniketan, trong vùng bây giờ là Tây Bengal ở Ấn Độ, trong một tổ chức giáo dục có tên là Visva-Bharati – một tên gợi lên mục tiêu thống nhất thế giới (Visva) với tất cả sự khôn ngoan được nói rõ ràng (Bharati) nó có thể đưa ra. Nó đã tập trung quanh một trường học xuất sắc, nhưng cũng đã có các phương tiện cho nghiên cứu tiên tiến, mà được biết đến khá rộng rãi. Visva-Bharati đã được nhà thơ Rabindranath Tagore thành lập trong năm 1901. Kshiti Mohan đã không chỉ là một phó nào đó của Tagore, giúp ông tạo hình cho Visva-Bharati như một tổ chức giáo dục, mà ông cũng đã đóng góp hết sức cho vị trí học thuật của nó bởi vì danh tiếng đặc biệt của ông như một học giả và những sách rất được mến mộ của ông – được viết bằng tiếng Sanskrit, Bengali, Hindi và Gujarati.

Cả gia đình của mẹ tôi đã rất thân với Rabindranath. Mẹ tôi, Amita, đã là một là một vũ công sân khấu khéo léo theo một kiểu mới mà Tagore đã giúp nghĩ ra – một phong cách mà bây giờ được gọi là ‘múa hiện đại’ (và đã tỏ ra cực kỳ hiện đại lúc đó). Bà đóng vai nữ chính trong dăm ba vũ kịch của Tagore tại Calcutta, vào một thời khi phụ nữ từ ‘các gia đình tử tế’ đã không xuất hiện trên sân khấu. Họ cũng đã chẳng học judo, như mẹ tôi đã học tại Trường Santiniketan. Nó nói cái gì đó về trường của Tagore mà cơ hội này được đưa ra cho các học sinh nữ cũng như nam một trăm năm trước.

Khi cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi được dàn xếp, tôi được bảo, cha tôi đã rất ấn tượng bởi sự thực rằng Amita là một trong những phụ nữ tầng lớp trung lưu xuất hiện trên sân khấu trong một vai vũ công, trong một vở diễn văn chương cao. Ông đã có những bài báo được cắt ra chứa cả lời ca ngợi hết sức về biểu diễn nghệ thuật của Amita và sự phê bình bảo thủ về sự không thích hợp của sự xuất hiện của một phụ nữ trên một sân khấu công khai. Sự cả gan của Amita, bên cạnh năng khiếu múa của bà, đã đóng một vai trò trong sự đáp lại nhanh của cha tôi khi sự kết hôn được đề xuất. Quả thực, điiều này đã là một lời ám chỉ về ý muốn mà cả hai cha mẹ tôi muộn hơn đã hăng hái nhấn mạnh trong sự hôn nhân được dàn xếp của họ. Họ cũng đã thích nói về sự kiện rằng họ đã tự đi xem một phim cùng nhau (mặc dù, tôi đoán, việc này đã chính là một phần của ‘sự dàn xếp’). Nhưng những tường thuật về sự biểu diễn của mẹ tôi trong các vũ kịch, được Tagore viết và đạo diễn, cha tôi bảo với tôi, đã là khá quan trọng cho câu chuyện.

Khi tôi được sinh ra, Rabindranath đã thuyết phục mẹ tôi rằng là buồn tẻ để bám lấy những tên được dùng nhiều và ông đã đề xuất một tên mới cho tôi. Amartya, theo suy luận, có nghĩa là bất tử trong tiếng Sanskrit: ‘Martya’, mà đến từ mrityu (một trong vài từ Sanskrit cho ‘cái chết’), là tên cho đất nơi mọi người chết, và ‘Amartya’ là ai đó từ một chỗ nơi mọi ngườ không chết – có thể cho là thiên đường. Tôi đã phải giải thích ý nghĩa long trọng này của tên tôi cho nhiều người, nhưng tôi thích ý nghĩa phàm tục hơn – và có lẽ ma quỷ hơn – của nó: ‘khủng khiếp (unearthly)’.

Có một tập quán cũ, phổ biến ở Bengal, theo đó đứa trẻ đầu tiên được sinh ra tại nhà ở của gia đình người mẹ, không phải tại nhà mới – nhà chồng – của bà. Tôi cho là nguồn gốc của tập quán này phản ánh một sự thiếu tin cậy về phía cha mẹ vợ vào khả năng của cha mẹ chồng để chăm sóc tốt cho con gái của họ trong thời gian sinh con. Theo tập quán này, vẫn trong dạ con của mẹ tôi, tôi đã đến Santiniketan từ Dhaka để được sinh ra, và đã quay lại Dhaka khi tôi được hai tháng.

Santiniketan (mà có nghĩa là ‘nơi ở của hòa bình’ theo tiếng Bengali) đã cho tôi một nhà (quê) nữa, cũng như Dhaka. Đấy đã là nhà của ông bà (ngoại) của tôi, do nhà trường cung cấp – một nhà nhỏ có mái tranh, mộc mạc nhưng thanh lịch, trong một phần của Santiniketan được gọi là ‘Gurupalli’ (làng giáo viên). Rồi trong năm 1941 cha mẹ tôi đã xây một nhà nhỏ của riêng họ trong một phần khác của thành phố gọi là ‘Sripalli’. Ngôi nhà nhỏ mới xây được đặt tên là ‘Pratichi’, mà cho biết – theo tiếng Sanskrit – rằng nó ở phần cuối phía tây. Ông bà ngoại tôi sau đó đã xây một nhà của riêng họ, ngay sát cạnh nhà mới của chúng tôi, trù tính rời khu chính thức của trường vào giai đoạn nào đó.

Tôi đặc biệt thân với bà ngoại tôi, Kiranbala, ‘didima’của tôi, người là một họa sĩ có tài trên gốm và cũng hết sức khéo như một bà đỡ, giúp tất cả các cuộc sinh nở ở Santiniketan thô sơ về mặt y tế, kể cả sự sinh của các cháu của chính bà. Kiranbala có hiểu biết y tế đáng kể bà thu được cẩn thận qua nhiều năm. Tôi nhớ việc chăm chú lắng nghe bà khi bà giải thích cho tôi sự khác biệt nhiều thế nào đối với sự an toàn – và quả thực đối với các cơ hội sống sót – được tạo ra bởi sự chăm sóc có hiểu biết rất đơn giản, như việc sử dụng thỏa đáng và thông minh các chất khử trùng, mà quá thường bị bỏ qua trong những ngày sinh tại nhà đó. Giữa nhiều thứ khác, tôi học từ bà rất nhiều về tỷ lệ tử vong cao không cần thiết của các bà mẹ và trẻ sơ sinh Ấn Độ trong thời gian đẻ. Muộn hơn, khi tỷ lệ tử vong mẹ và tỷ lệ tử vong trẻ em trở thành một phần của sự quan tâm nghiên cứu riêng của tôi, tôi thường nghĩ về những cuộc trò chuyện dài của tôi với Didima, ngồi cạnh bà trong bếp trên một mora (ghế) bằng mây. Tôi đã bày tỏ sự hết sức ngưỡng mộ thái độ khoa học của bà trong mọi hành động bà làm.

4

Tôi yêu quý cả Dhaka và Santiniketan khi tôi lớn lên, nhưng những ký ức sớm nhất của tôi đã không về cả hai nơi này. Những ký ức đó đã từ Burma, nơi tôi đi với cha mẹ tôi ngay trước sinh nhật thứ ba của tôi. Chúng tôi đến trong năm 1936, và ở đó cho đến 1939, trong khi cha tôi có một chức giáo sư thỉnh giảng ba năm tại Đại học Nông nghiệp Mandalay, nghỉ phép từ Đại học Dhaka. Tôi đã hồi hộp về chuyến du hành, nhưng việc rời Didima đã không dễ. Tôi được bảo sau này rằng khi đầu tiên chúng tôi đi thuyền từ Calcutta đến Rangoon và tôi thấy hình dáng lùi xa dần của Didima trên bến tàu, tôi đã tuyệt vọng thử ngừng chiếc tàu lớn tiếp tục di chuyển, với sự phản kháng to tiếng. May thay, sự chia cắt đã không phải vĩnh viễn và chúng tôi đã quay lại Dhaka và Santiniketan mỗi năm cho những ngày nghỉ lễ. Giống tôi, em gái tôi Manju được sinh ra ở Santiniketan, trong nhà ông bà ngoại tôi. Rồi nó sống một năm rưỡi đầu tiên của đời nó ở Burma. Trong năm 1939 tất cả chúng tôi quay lại Wari đẹp yên tĩnh ở Dhaka cổ, kết hợp với những cuộc thăm viếng thường xuyên đến Santiniketan.

Vào lúc những ngày Burma của chúng tôi sắp kết thúc, tôi đã gần sáu tuổi và trí nhớ của tôi bắt đầu lưu trữ các thứ. Tôi đã hạnh phúc ở Mandalay, và nhớ nhiều trong số kinh nghiệm và chuyện ly kỳ sớm của tôi. Các lễ hội Miến điện đặc biệt tuyệt diệu, các chợ luôn luôn nhộn nhịp với các hoạt động hấp dẫn, và nhà gỗ của chúng tôi, theo phong cách Mandalay phổ biến, đã có thể khám phá vô tận. Tôi đã hồi hộp để thấy cái gì đó mới – và thường rất sặc sỡ – mỗi ngày khi tôi đi ra ngoài với cha mẹ tôi hay cô bảo mẫu của tôi, và học các từ Miến điện cho gần như mọi thứ tôi thấy.

Cũng có sự phấn khích để thấy những chỗ mới khi tôi đi ngang Burma với cha mẹ tôi – tới Rangoon, Pegu, Pagan, thậm chí Bhamo xa xôi. Tôi đã có thể cảm thấy rằng những chỗ này với rất nhiều lịch sử – các chùa và các tòa nhà tuyệt vời trông giống các lâu đài, như quả thực vài trong số chúng đã là. Tôi thích quang cảnh của Maymyo, xa khoảng hai mươi lăm dặm, từ nhà của chúng tôi ở đầu phía đông của Mandalay, và cũng rất thích thú các chuyến đi cuối tuần đến Maymyo để thăm các bạn của gia đình.

George Orwell, một người ở Burma dày dạn, đã viết về hành trình hấp dẫn từ Mandalay đến Maymyo mà quyến rũ tôi khi tôi đọc nó muộn hơn.

Về mặt tinh thần bạn vẫn ở Mandalay khi xe lửa dừng tại Maymyo, bốn ngàn bộ (trên một ngàn mét) trên mực nước biển.1 Nhưng bước ra khỏi toa xe bạn bước vào một bán cầu khác. Đột nhiên bạn hít không khí ngọt lạnh mà có thể là không khí của nước Anh, và tất cả quanh bạn là cỏ xanh, những cây dương xỉ, những cây thông, và các phụ nữ vùng cao với má hồng bán những giỏ dâu tây.

Chúng tôi thường đi giữa Mandalay và Maymyo bằng xe hơi, với cha tôi lái và dừng thường xuyên để giới thiệu cho tôi những cảnh lý thú. Trong một chuyến đi ban đêm chúng tôi thấy – hết sức kích thích đối với tôi – một con báo lớn ngồi cạnh đường dốc xuống, nhãn cầu mắt của nó sáng ngời lên trong ánh đèn pha của xe.

Trong những cuộc đi chơi trên sông, trên thuyền ngược sông Irrawaddy, phong cảnh quanh chúng tôi thay đổi liên tục. Những cuộc dạo chơi của chúng tôi trên các bờ sông đã cho tôi sự hiểu biết nào đó về vùng đất và các cư dân của nó – kể cả các cụm khác nhau của những người từ các bộ lạc khác nhau, với sắc tộc khác nhau, trong những trang phục nổi bật. Burma đã cho những kinh nghiệm và cảnh đa dạng vô tận, và đấy là nơi thế giới tự bộc lộ mình cho tôi. Tôi không thể so sánh những gì tôi đã thấy với bất cứ thứ gì ở nơi khác, nhưng trái đất đã có vẻ xinh đẹp trong con mắt trẻ thơ của tôi.

5

Bởi vì nhiều chùa và lâu đài của nó, Mandalay thường được biết đến như ‘Thành phố Vàng’. Rudyard Kipling, người chẳng bao giờ ở đó, đã lãng mạn hóa nó trong bài thơ ‘Mandalay’ tao nhã của ông, mặc dù cha tôi bảo tôi rằng cái ông mô tả nêu ra những câu hỏi về tính khả thi vật lý. Tôi để những thách thức đó cho các nhà địa lý và quyết định để được hồi hộp bởi sự tưởng tượng của tôi về ‘bình minh đến như tiếng sấm bên ngoài Trung Quốc ngang qua Vịnh’.

George Orwell – Eric Arthur Blair – người đã ở nhiều năm ở Mandalay, đến vào năm 1922 để làm việc tại học viện cảnh sát, đã thấy nó ‘bụi bậm và nóng không thể chịu nổi’ và nói chung ‘một thành phố khá khó chịu’. Nó có vẻ rất khác đối với tôi. Ký ức của tôi là về một chỗ rất dễ chịu, với các tòa nhà bắt mắt, những vườn xinh đẹp, những đường phố hấp dẫn, cung vua cổ kính và hào của nó. Trên hết, những người Miến điện có vẻ đối với tôi cực kỳ nồng hậu, liên tục cười và rất dễ thương.

Vì cha tôi có một bằng Tiến sĩ và nói chung được biết đến như ‘Dr Sen’, chúng tôi đã có một luồng khá thường xuyên của những khách thăm tự chọn ghé qua để tìm ‘lời khuyên y tế từ Dr Sen’. Cha tôi, tất nhiên, không biết gì về y học (mặc dù ông bảo tôi rằng ‘chúng tôi thuộc về đẳng cấp thầy thuốc – những người vaidya – nhưng đó là nhiều thế hệ trước’). Tuy nhiên ông đã làm những gì ông có thể để giúp những người tìm kiếm sự chăm sóc y học để nhận được sự chăm sóc từ các bệnh viện công ở Mandalay – đã có vài bệnh viện cho lời khuyên miễn phí và một sự chăm sóc ít ỏi, mặc dù không nhiều y học thật sự.

Vẫn có thể khó để nhận được sự chăm sóc y tế ở Burma ngày nay, không giống ở vài nước khác trong vùng như Thái Lan (mà bây giờ có một hệ thống chăm sóc sức khỏe công đáng kể). Điều này như thế cho những người sắc tộc Miến trong nhà nước loạn chức năng đó, nhưng còn thế hơn đối với các sắc tộc thiểu số tích cực tìm các quyền của họ chống lại chế độ. Quân đội di chuyển họ từ nơi này sang nơi khác bằng phương tiện bắt bớ có hệ thống, và những dàn xếp ổn định cho các dịch vụ y tế quả thực có thể là rất hiếm. Thế mà khi các dịch vụ y tế trở nên sẵn có, thí dụ từ một nhóm của ‘các thầy thuốc ba lô’ tận tâm từ Trường Y Johns Hopkins ở Mỹ, những người thử giúp đỡ bằng việc đi vào những lãnh thổ nguy hiểm với sự rủi ro cho bản thân họ (giữa 1998 và 2005, sáu người từ một nhóm thầy thuốc từ Johns Hopkins đã thực sự bị giết), những người Karen, chẳng hạn, đã tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe với sự háo hức hết sức và nhanh chóng phản ứng với lời khuyên y tế được đưa ra cho họ.

6

Tôi nhớ lại cảm giác vui sướng trong việc quay lại Mandalay khi chúng tôi ở xa – quay lại nhà gỗ của chúng tôi trên khuôn viên trường của Đại học Nông nghiệp ở đầu cuối phía đông của thành phố, với quang cảnh về núi Maymyo làm say đắm của nó. Tôi thích ngắm mặt trời lên đến thế nào sau những rặng núi đó từ hiên rộng của chúng tôi! Mandalay dứt khoát đã trở thành quê (nhà) tôi – như Dhaka cổ, như Matto ở Manikganj, như Santiniketan.

Burma, tuy vậy, đã là nhiều đối với tôi, ngay cả khi đó, hơn chỉ là đất nước của những ký ức đầu tiên của tôi. Tôi học được một chút tiếng Miến điện và đã có thể trò chuyện một cách ngập ngừng. Cô bảo mẫu Miến điện người chăm sóc tôi – và muộn hơn cả em gái tôi Manju nữa – biết vài từ Bengali và cũng nói một chút tiếng Anh – còn nhiều hơn tôi đã nhận ra lúc đó, tôi cho là thế. Bà, tôi nghĩ, đã thật đáng yêu. Muộn hơn, khi tôi khoảng mười hai tuổi, tôi hỏi mẹ tôi liệu cô ấy có thực sự đẹp lộng lẫy, và mẹ tôi nói rằng quả thực cô ấy ‘rất xinh’ – một sự mô tả mà đối với tôi đã có vẻ không đủ công bằng cho sắc đẹp của cô.

Nhưng sắc đẹp đã không phải là thứ ấn tượng duy nhất về cô bảo mẫu của tôi (tôi chỉ muốn tôi có thể nhớ lại tên cô). Cô đã khuyên mọi người trong gia đình phải làm cái gì. Tôi nhớ mẹ tôi thường tìm kiếm lời khuyên của cô, và chính là cô một lần đã thông báo khéo léo cho cha mẹ tôi, khi họ trở về từ việc ra ngoài, rằng, mặc dù họ bị ngạc nhiên bởi bức vẽ mới trên tường phòng khách, những bức vẽ thực sự cho thấy tài năng nghệ thuật đặc biệt. Cuộc khủng hoảng về hành vi sai trái của tôi như thế đã được phân tán, và đôi khi tôi muốn tôi có thể làm nhiều hơn với tài năng nghệ thuật mà cô đã thấy trong tôi.

Phụ nữ là rất xuất chúng ở Burma. Họ chủ trì nhiều hoạt động kinh tế và có một tiếng nói mạnh trong những quyết định gia đình. Về khía cạnh đó, Burma là giống châu Phi hạ-Sahara và cả Đông Nam Á, nhưng rất không giống phần lớn Ấn Độ, hay cái bây giờ là Pakistan, hay Tây Á. Tầm quan trọng của phụ nữ đã là ký ức mạnh của tôi từ những ký ức thời thơ ấu của tôi về Burma. Tôi không nghĩ về nó như một đặc điểm đặc biệt phân biệt vào năm hay sáu tuổi, nhưng muộn hơn, khi tôi khảo sát những truyền thống khác, những ký ức Miến điện của tôi được dùng như chuẩn để so sánh với tình hình ở nơi khác. Chúng có thể thậm chí có lẽ đã ảnh hưởng đến thái độ của tôi với các vấn đề liên quan đến giới và đã giúp tôi nghĩ về năng lực hành động của phụ nữ, mà muộn hơn trở thành một trong những chủ đề nghiên cứu của tôi.

7

Những ký ức sớm này là trong các lý do mà Burma vẫn là một nước rất đáng quan tâm đối với tôi. Sự ngưỡng mộ này được tăng cường thêm bởi việc tôi biết Aung San Suu Kyi, một phụ nữ xuất sắc đã lãnh đạo đất nước với lòng can đảm và tầm nhìn để kháng cự sự cai trị quân sự mà đã cướp quyền lực trong một cuộc tiếp quản bạo lực trong năm 1962. Tôi đã biết Suu Kyi kỹ như một nhà lãnh đạo không sợ hãi, và tôi cảm thấy rất may mắn trong việc biết một người xuất sắc và dũng cảm như vậy, người đã chịu sự quấy rối ghê gớm và sự giam hãm kéo dài để chiến đấu vì sự nghiệp dân chủ ở Burma. Tôi cũng có cơ hội để biết người chồng tận tụy của bà, Michael Aris, một học giả lớn về châu Á, đặc biệt về Tây Tạng và Bhutan.

Michael đã thực sự bị quân đội trục xuất khỏi Burma, nhưng từ nhà của ông ở Oxford, nơi ông là một Fellow (Ủy viên giám đốc) của Đại học St John, ông đã làm bất cứ thứ gì ông có thể để giúp Suu Kyi – và để làm việc vì Burma. Trong năm 1991, Michael đến thăm Harvard ngay sau khi Giải Nobel Hòa bình cho Suu Kyi được công bố. Tôi đã rất sung sướng để gia nhập cùng ông trong các buổi lễ tiếp sau đó. Thời gian buồn đến muộn hơn trong năm 1999, khi Michael đang hấp hối vì bệnh ung thư đã di căn. Khi đó tôi ở nước Anh tại Trinity College, Cambridge. Tôi sợ cái xấu nhất một buổi sáng vào cuối tháng Ba 1999 khi ông gọi để nói với tôi rằng, cho dù tôi đã nghe rằng ông đang hấp hối, việc này không thể xảy ra vì ông còn nhiều việc phải làm trong việc chăm sóc cho ‘Suu của tôi và Burma của tôi’. Tôi đã có thể thấy rất rõ cảm giác khủng hoảng của ông và đầu óc ông hoạt động như thế nào. Khoảng hai ngày sau tôi nhận được một tin nhắn từ Oxford rằng Michael đã vừa chết. Đó là ngày 27 tháng Ba, mà cũng là ngày sinh nhật của ông. Suu đã mất không chỉ người chồng yêu mến của bà, mà cả nguồn liên tục nhất của sự ủng hộ và lời khuyên tận tình bà đã có.

Suu Kyi cuối cùng đã chiến thắng quân đội trong năm 2015* khi bà được trao một vai trò hết sức bị ràng buộc nhưng vẫn đáng kể trong sự lãnh đạo chính trị của đất nước. Tuy vậy, các vấn đề của bà đã tiếp tục tăng lên, như các vấn đề của những người khác ở Burma mà những điều không may của họ có lẽ bà đã không thể – chắc chắn đã không – giảm bớt.

Quả thực, cái gì đó đã trở nên sai khủng khiếp trong sự lãnh đạo của Suu Kyi, được phản ánh đặc biệt trong sự không sẵn sàng của bà để giúp một cộng đồng thiểu số dễ bị tổn thương ở Burma: những người Rohingya, một nhóm thiểu số Muslim nói tiếng-Bengali. Sự đối xử của bà với các nhóm thiểu số khác, mà Burma có nhiều, cũng đã chẳng mẫu mực. Những hành động dã man khủng khiếp của quân đội và cả của các nhà hoạt động Phật giáo bất khoan dung chống lại cộng đồng Rohingya đã không – chí ít cho đến nay – làm mủi lòng bà để làm bất cứ điều gì đáng kể để giúp các nạn nhân.

Nếu có một câu đố về Suu Kyi, có một điều bí ẩn lớn hơn mà còn khó hơn để hiểu, đặc biệt làm tôi lo ngại: rằng những người Miến Điện, mà sự tốt bụng của họ đã gây ấn tượng nhiều đến vậy cho tôi như một cậu bé, có vẻ đã trở nên thù nghịch tàn bạo đối với những người Rohingya, những người đã phải cam chịu những sự dã man, sự tra tấn và sự giết người trong một cuộc tàn sát có tổ chức. Ngoài việc bị các sự kiện này làm cho hết sức buồn ra, tôi cũng phải hỏi liệu ký ức của tôi về sự tử tế tự nhiên và sự nồng hậu nổi bật của những người Miến điện tất cả đã chỉ là một ảo tưởng hay không. Nhưng các nhà quan sát khác cũng đã có một ấn tượng giống với của tôi về những người Miến điện nồng hậu và tốt bụng. Một người bạn – một thầy thuốc ba lô tận tâm từ Johns Hopkins, Adam Richards – làm việc siêng năng để giúp những người Miến điện không có sự chăm sóc sức khỏe – đã viết: họ ‘cười hoài, ca hát và mỉm cười hoài.2 Để thấy sự tận tâm của họ và sự hài hước của họ, đối diện với tất cả nghịch cảnh này là thực sự gây cảm hứng.’ Các tường thuật này và tường thuật khác phù hợp tốt với sự ngưỡng mộ thiếu kinh nghiệm và thô thiển của tôi cho những người Miến điện mà tôi đã bộc lộ như một đứa bé.

Việc này không thể tránh khiến tôi hỏi câu hỏi: cái gì đã thay đổi? Tôi chỉ có thể suy đoán. Cái có vẻ đã tạo ra sự khác biệt quan trọng là sự tuyên truyền mạnh mẽ chống lại những người Muslim Rohingya mà quân đội đã tiến hành một cách có hệ thống trong những năm gần đây. Những người Miến điện hiền lành, mà gia đình tôi và tôi biết, đã bị huấn luyện để trở thành những người thù hận hung hăng, và trong sự biến đổi đó quân đội đã đóng một vai trò ảnh hưởng cốt yếu – bằng việc đầu độc tâm trí nhân dân và sử dụng sự tuyên truyền phân biệt chủng tộc được tổ chức-khéo và sự tin mù quáng dùng vũ lực để xui khiến sự tra tấn và sự giết người.

Thực ra, có một bài học toàn cầu ở đây về khả năng để biến đổi một dân cư hiền lành. Sức mạnh của sự tuyên truyền như vậy có thể được thấy không chỉ ở Burma, mà ở nhiều nước trên thế giới ngày nay. Cái đang xảy ra ở Burma (hay Myanmar, như nó được gọi bây giờ, một cái tên được quân đội bênh vực), tất nhiên, là đặc biệt dã man, nhưng tính hiệu quả của những sự kích động chống lại các nhóm thiểu số cá biệt có thể thấy ở nhiều nước trên thế giới – thí dụ chống lại những người nhập cư ở Hungary, hay cộng đồng đồng tính ở Ba Lan, hay chống lại những người Di gan gần như mọi nơi ở châu Âu. Có một bài học ở đây mà đặc biệt quan trọng ngày nay ở Ấn Độ thế tục trước kia: những kẻ cực đoan tôn giáo đã hết sức tận tụy – thậm chí qua chính sách chính phủ – trong việc làm xói mòn các mối quan hệ liên-cộng đồng và trong việc đe dọa các quyền con người của các thiểu số Muslim.

Quân đội Miến điện đã nuôi dưỡng một sự hận thù chống lại những người Rohingya trong một thời gian dài, và những nước đi pháp lý và công dân khác nhau đã được tiến hành chống lại họ trong những năm 1980 và sớm hơn. Nhưng trận đánh to lớn chống lại cộng đồng này đã lên đỉnh điểm muộn hơn. Một cuộc tấn công đặc biệt gay gắt được khởi động trong năm 2012, với sự tuyên truyền chính phủ thúc các phật tử ở bang Rakhine – nơi hầu hết những người Rohingya sống – để bảo vệ ‘chủng tộc và tôn giáo’ của họ. Quân đội đã thắng cuộc chiến tranh tuyên truyền đó mà không có sự chống đối nghiêm túc nào.3 Việc này đã giúp họ chiếm một nền tảng vững mạnh, ngược đãi những người Rohingya một cách tàn nhẫn và cuối cùng chuẩn bị để trục xuất họ – với sự ủng hộ của công luận bị nhào nặn lại, sử dụng sự gièm pha được nuôi dưỡng cẩn thận.

Những ngày đầu của cuộc chiến tuyên truyền đã là một thời gian có thể cho Suu Kyi để đấu tranh chống lại sự phá hoại này, và bà cũng đã có thể kháng cự câu chuyện bịa đặt, được quân đội bênh vực, rằng những người Rohingya đã di chuyển từ Bangladesh sang Burma, hơn là việc thừa nhận rằng sự chia rẽ Nam Á bởi những người Anh ra đi, Rakhine (phần của Arakan cổ), vùng trong đó những người Rohingya đã sống trong một thời gian rất lâu rồi, được trao cho Burma mới độc lập. Nhưng Suu Kyi đã vẫn thụ động một cách kỳ quặc trong thời kỳ khi quân đội cố ý làm méo mó hình ảnh của những người Rohingya và kích động những người khác để sử dụng bạo lực chống lại họ. Đã có vẻ rằng bà không thử để chống lại sự tuyên truyền của quân đội đủ sớm, khi bà có thể huy động đảng chính trị và các đồng minh của bà như bà đã làm nhiều lần trước đó, bảo vệ các giá trị Miến điện – nhân danh phong trào dân chủ. Bà chọn không đấu tranh chống lại sự phỉ báng nhóm thiểu số này, khi bà có thể tiến hành một sự kháng cự hiệu quả. Và sau đó đã là quá muộn.

Trong vòng vài năm, sự tuyên truyền chính phủ đã thành công biến đổi công luận một cách cực đoan chống lại những người Rohingya đến mức bất kể ai đứng lên ủng hộ họ sẽ đối mặt với sự phản đối mạnh từ một phần lớn của dân Miến điện theo đạo Phật. Quả thực, vào lúc đó, việc bảo vệ những người Rohingya đã trở nên nguy hiểm về mặt chính trị. Quân đội đã đảm bảo điều đó. Sự lãnh đạo của Suu Kyi đối với Burma sẽ bị nghi ngờ nghiêm trọng nếu bà chọn để chiến đấu cho những người Rohingya một khi bà đã thua cuộc chiến tuyên truyền. Tôi thừa nhận – ngay cả với tư cách một người ngưỡng mộ cũ của những người Miến điện – rằng Suu Kyi và ban lãnh đạo chính trị quốc gia không thể được giải thát khỏi trách nhiệm về thảm họa xã hội mà những người Rohingya đã đối mặt (và tiếp tục đối mặt), nhưng khi nào và bằng cách nào quá trình này trở nên không thể cưỡng lại được, thì đòi hỏi một phân tích đầy đủ hơn chúng dường như nhận được.

Nếu có những bài học ở đây, chúng không chỉ là những bài học về luân lý học và đạo đức, mà cả những bài học về sự khôn ngoan chính trị và về lập luận thực tiễn thực dụng. Khi sự hận thù chọn lọc nổi lên, như rõ ràng đang xảy ra trong nhiều nước trên thế giới ngày nay từ châu Âu đến Ấn Độ, việc chọn đúng thời gian và tính thực tiễn trở nên ngày càng xác đáng. Những nỗ lực to lớn được các xã hội con người tiến hành để kéo lại gần nhau hơn sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, mà tôi đã bắt gặp mạnh đến vậy trong những kinh nghiệm của riêng tôi, ngày nay có vẻ trong nguy hiểm bị thay thế bởi những sự biểu lộ khủng khiếp của sự bất khoan dung, mà về nó Burma cung cấp một thí dụ gây đau buồn nhất. Nhiều nước khác cũng đang bộc lộ ra những rủi ro tương tự ngày nay.

8

Trong khi tôi đã có vài bài học ở nhà khi chúng tôi ở Burma, giáo dục sơ cấp của tôi bắt đầu nghiêm túc chỉ sau khi chúng tôi quay lại Dhaka – tại Trường St Gregory’s ở chợ Lakshmi, không quá xa nhà của chúng tôi. Nó là một trường truyền giáo vận hành bởi một quỹ có cơ sở ở Mỹ, nhưng, vì chúng tôi không thể dễ theo dõi cái bây giờ tôi nghĩ hẳn đã là tiếng Anh Mỹ của các giáo viên da trắng, đã có một lời đồn đoán giữa những đứa trẻ – vì các lý do tôi không thể nhớ – rằng họ đã đến từ Bỉ. Trường St Gregory’s về mặt học thuật đã là rất xuất sắc, và Brother Jude, hiệu trưởng, đã say mê không chỉ để cung cấp sự giáo dục tuyệt diệu, mà cả để đảm bảo rằng trong các cuộc thi cuối cùng khắp vùng các học sinh Gregorian sẽ tỏa sáng hơn các học sinh từ bất cứ nơi nào khác. Như xuất bản phẩm kỷ niệm 125 năm của trường đã lưu ý trong năm 2007, nhớ lại những ngày ban đầu đó: ‘Các cậu con trai của chúng ta đã liên tục chiếm các vị trí thứ Nhất đến thứ Mười.’ Một số học sinh Gregorian đã trở thành các học giả và luật sư lớn cũng như các lãnh đạo chính trị (các tổng thống của Bangladesh là trong số họ). Như Kamal Hossain, Bộ trường Ngoại giao đầu tiên của Bangladesh độc lập, đã lưu ý, thành tích học thuật của trường đã liên quan đến sự tận tụy của các giáo viên để làm bất cứ thứ gì họ có thể để giúp các học sinh, luôn luôn sẵn có bên ngoài các lớp cũng như đặc biệt tận tâm trong lớp.

Thành tích cao và văn hóa kỷ luật mạnh của St Gregory, than ôi, đã không hợp với tôi. Tôi đã thấy khá ngột ngạt, và đã không muốn ‘tỏa sáng’, để sử dụng từ ưa thích của Brother Jude. Muộn hơn nhiều, khi tôi thăm Dhaka không lâu sau giải Nobel trong tháng Mười Hai 1998, hiệu trưởng của St Gregory’s đã tổ chức một buổi lễ đặc biệt cho tôi. Ông nhắc đến rằng để truyền cảm hứng cho các học sinh hiện thời ông lôi các bài thi của tôi ra từ kho lưu trữ, nhưng đã ‘nản lòng khi ông thấy rằng thành tích của tôi đã xếp hạng thứ 33 trong một lớp có 37 học sinh’. Rồi ông thân mật nói thêm, ‘tôi cho rằng anh đã trở thành học sinh tốt chỉ sau khi anh rời St Gregory.’ Hiệu trưởng đã không lầm – tôi đã trở thành cái được coi như một học sinh tốt chỉ khi không ai quan tâm đến việc liệu tôi có là một học sinh tốt hay không.

Trong những năm đi học của tôi ở Dhaka, thi thoảng nhưng đều đặn tôi đã đi đến Santiniketan. Ban đầu, đã không có suy nghĩ nào rằng tôi có thể thực sự chuyển về đó để học. Tuy vậy, không lâu sau khi quân đội Nhật chiếm đóng Burma trong năm 1941, cha mẹ tôi đã gửi tôi về sống với ông bà ngoại tôi và học tại trường ở đó. Cha tôi đã muốn tôi tiếp tục học tại St Gregory, mà đã là một trường tốt hơn nhiều về mặt các tiêu chuẩn thông thường về sự xuất sắc học thuật. Nhưng ông ngày càng tin rằng, trong khi quân đội Nhật sẽ ném bom Calcutta và Dhaka, không máy bay ném bom Nhật nào sẽ có bất kể sự quan tâm nào đến Santiniketan hẻo lánh.

Cha tôi đã đúng về khả năng của các cuộc tấn công Nhật. Cả Calcutta và Dhaka đã có những cuộc luyện tập phòng không đều đặn trong những năm chiến tranh đó, với tiếng còi thất thanh. Trong một dịp, khi tôi ở Calcutta với một số bạn của gia đình trong một đợt nghỉ ngắn, những người Nhật đã ném bom khu vực cảng của thành phố năm lần trong một tuần vào tháng Mười Hai năm 1942. Một buổi tối, trong khi giả vờ ngủ thiếp đi trong giường của mình, tôi đã tìm được cách để ra ngoài hiên của căn hộ tầng ba nơi tôi có thể thấy sự sáng rực của lửa từ xa. Thực ra, nó khá xa, nhưng đối với một đứa trẻ đã rất hồi hộp. Không giống Calcutta, Dhaka may mắn đã không bị bom.

Đã là kết quả của logic thời chiến của cha tôi mà cuối cùng tôi đã đến trường hết sức tiến bộ ở Santiniketan, mà tôi thích ngay lập tức. Các ưu tiên của trường đã giảm nhẹ và ít hàn lâm hơn trường St Gregory, và chúng kết hợp việc học về các truyền thống riêng của Ấn Độ với nhiều cơ hội để học cũng về các nước khác và văn hóa của họ khắp thế giới. Sự nhấn mạnh tại Trường Santiniketan là về việc nuôi dưỡng tính tò mò hơn là sự xuất sắc cạnh tranh; quả thực, sự quan tâm đến các điểm và thành tích thi cử đã không được khuyến khích một cách nghiêm ngặt. Tôi đã hết sức vui thích khám phá thư viện với các kệ sách mở và luôn chào đón của Santiniketan với nhiều sách về các nơi khắp thế giới, và tôi tuyệt đối thích không có thành tích tốt.

Cơn triều chiến tranh đã xoay chiều không lâu sau khi tôi đi đến Santiniketan. Những người Nhật đã rút lui, nhưng tôi không đồng ý rút lui khỏi trường mới của tôi – tôi thích nó. Santiniketan, nơi sinh thoáng qua của tôi, đã nhanh chóng trở thành quê (nhà) dài hạn của tôi. Nhưng tất nhiên tôi đi về Dhaka thường xuyên nơi cha tôi tiếp tục dạy học, và nơi gia đình tôi đã sống rất hạnh phúc, kể cả em gái tôi Manju đã ở cùng với bố mẹ tôi. Ở Santiniketan trong các khóa học và ở Dhaka trong những kỳ nghỉ dài đã có vẻ là một sự kết hợp lý tưởng đối với tôi. Các anh chị em họ tôi, nhất là Miradi (Mira Sen, muộn hơn Mira Ray), đã làm cho những kỳ nghỉ rất vui vẻ.

Tất cả điều này đã thay đổi với sự phân chia đất nước trong năm 1947. Những cuộc náo loạn cộng đồng và sự đổ máu khủng khiếp đã tạo ra nỗi buồn liên tục. Nó cũng đã có nghĩa rằng chúng tôi phải di chuyển. Dhaka đã trở thành thủ đô của một Đông Pakistan mới sinh ra, và cơ sở nhà của gia đình tôi đã phải chuyển về Santiniketan. Tôi yêu quý Santiniketan, nhưng tôi hết sức nhớ Dhaka – và Jagat Kutir. Cây sứ (đại) nhô ra mà làm cho hiên tầng trên thơm đến vậy đã không còn là một phần của đời tôi nữa. Tôi tự hỏi các bạn cũ của tôi ở Dhaka đang ở đâu, và ai chơi với chúng bây giờ, và cái gì xảy ra với những quả mít và những quả xoài trong vườn của chúng tôi. Tôi đã mất một thế giới. Sự mất Dhaka đã không thể được xóa sạch bởi sự thỏa mãn – dù nó thật tuyệt vời – của việc ở Santiniketan. Việc hưởng thụ một cuộc sống mới, tôi nhanh chóng phát hiện ra, không loại trừ sự nhớ mãnh liệt cuộc sống cũ.


* Trong bản gốc ghi nhầm là 2010, nhưng trong cuộc bầu cử 2010 đảng của bà Aung San Suu Kyi đã tẩy chay bầu cử sau khi thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử 2008 nhưng không được quân đội chấp nhận. Trong cuộc bầu cử 2015 đảng của bà đã tham gia và giành thắng lợi lớn và bà trở thành

lãnh đạo thực sự của Myanmar (chú thích của người dịch).

Comments are closed.