Cuộc cách mạng cộng sản của Việt Nam: quyền lực và những giới hạn của ý thức hệ (kỳ 5)

Vũ Tường (2017). Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology. Cambridge: Cambridge University Press.

Nguyễn Trung Kiên dịch

NHỮNG ĐIỀU GIẢ DỐI CỦA CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC, NHỮNG SỰ THẬT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Sau khi tuyên bố độc lập vào tháng 9 năm 1945 và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) mới tại Hà Nội, chính phủ của Hồ đã sớm phải đối mặt với quân đội Quốc dân Đảng Trung Quốc (QDĐTQ) và những nhà dân tộc chủ nghĩa người Việt đầy ảnh hưởng ở miền Bắc, và lực lượng chiếm đóng của Anh đã đưa hàng nghìn quân Pháp trở lại miền Nam.[305] Với tư cách là Chủ tịch Nước và Bộ trưởng Ngoại giao của quốc gia mới, Hồ theo đuổi chính sách đối ngoại được gọi là “thêm bạn bớt thù”. Chính sách này liên quan đến hai định hướng. Một là gửi đi các thông điệp và sứ mệnh lặp đi lặp lại để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ của Washington và Moscow. Tuyên ngôn độc lập được trích dẫn rộng rãi của Hồ sử dụng ngôn ngữ của Cách mạng Hoa Kỳ là một phần của chiến lược này. Cách tiếp cận thực dụng này liên quan đến cả những yếu tố hiện có và yếu tố mới: Việt Minh đã tìm kiếm viện trợ của Mỹ và QDĐ Trung Quốc ít nhất kể từ năm 1944, nhưng các bức điện bí mật gửi cho Stalin đã đánh dấu sự kiện các lãnh tụ cộng sản Việt Nam cố gắng nối lại liên lạc với Moscow lần đầu tiên kể từ khi Hồ rời Liên Xô vào cuối năm 1938.[306]

Hướng thứ thứ hai là tiến hành đàm phán lần đầu tiên với các lực lượng chiếm đóng thuộc QDĐTQ và sau đó là với người Pháp vừa trở lại, rằng nếu Việt Nam không được độc lập hoàn toàn, thì nó phải được hưởng một số hình thức tự trị và chính phủ Việt Minh phải được công nhận là chính quyền duy nhất của Việt Nam. Một quyết định quan trọng là công khai giải tán ĐCSĐD để cho giới quan sát trong và ngoài nước biết rằng chính phủ của Hồ không phải là một chính phủ cộng sản (ĐCSĐD trên thực tế không bị giải thể mà hoạt động ngầm, trá hình dưới tên Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác). Người ta không biết các tướng lĩnh QDĐTQ phản ứng như thế nào trước sự kiện này, nhưng quyết định này, vốn được cho là của Hồ, sẽ khiến ông phải chịu những lời chỉ trích nội bộ và sự nghi ngờ từ các đồng minh cộng sản quốc tế của ông.[307] Đồng thời, nó cũng không thể xoa dịu những nghi ngờ của người Mỹ về mối quan hệ của Hồ với phe cộng sản.

Những nỗ lực “thêm bạn” sẽ tiếp tục cho đến năm 1947 với các nhiệm vụ bí mật nhằm thu hút sự ủng hộ của nước ngoài. Trong một nhiệm vụ kiểu vậy, đại diện của VNDCCH thậm chí còn đưa ra các đặc quyền thương mại đặc biệt cho các công ty Hoa Kỳ để đổi lại hàng hóa và các khoản vay của Hoa Kỳ.[308] Bradley cho rằng động thái này báo hiệu sự quan tâm nghiêm túc của VNDCCH trong việc phát triển “quan hệ đồng minh thực tế và lâu dài” với Hoa Kỳ.[309] Ông thừa nhận rằng những quan điểm thù địch với Hoa Kỳ bắt đầu được nói đến trong các tài liệu của ĐCSĐD vào cuối năm 1945, nhưng bác bỏ những quan điểm tiêu cực đó là “quan điểm ngầm” và chỉ đơn thuần thể hiện những căng thẳng giữa các quan điểm khác nhau của các lãnh tụ Việt Nam, hơn là bộc lộ sự thiếu “chân thành” trong các mưu mẹo ngoại giao của VNDCCH.

Được trình bày như là những tình tiết rời rạc, những tình cảm bài Hoa Kỳ như vậy có thể chỉ là số ít. Tuy nhiên, tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc trong các thành viên ĐCSĐD đã trở nên sâu sắc, có hệ thống, nhất quán và xuyên suốt từ lâu. Đúng là một VNDCCH bị cô lập và bao vây đã rất nghiêm túc trong nỗ lực để được Hoa Kỳ công nhận về mặt ngoại giao; với sự gắn bó sâu sắc của các nhà lãnh đạo với cuộc cách mạng xã hội và thế giới, sẽ là một sai lầm khi suy luận rằng các lãnh tụ ĐCSĐD lúc đó coi QDĐTQ và Hoa Kỳ là bạn.[310] Trong phần tiếp theo, tôi sẽ xem xét số lượng đáng kể các tài liệu và các bài viết khác cảnh báo rằng chúng ta không nên gán bất kỳ ý nghĩa sâu sắc nào cho những đề nghị ngoại giao đó.

Một số tài liệu ĐCSĐD đề tháng 11 năm 1945 cho thấy sự nghi ngờ mạnh mẽ về động cơ của Hoa Kỳ và QDĐTQ cùng với một dự báo về viễn cảnh của một cuộc Chiến tranh Lạnh sắp diễn ra. Trong phân tích về các điều kiện quốc tế, một tài liệu quan trọng do Ủy ban Trung ương ban hành đã chỉ ra bốn “mâu thuẫn” trên thế giới.[311] Đó là (1) Liên Xô chống lại các nước đế quốc, (2) giai cấp vô sản trên thế giới mâu thuẫn với giai cấp tư bản, (3) các dân tộc bị áp bức chống lại chủ nghĩa thực dân, và (4) sự đối kháng giữa chính các nước đế quốc. Liên Xô đã “âm thầm tự xây dựng lại và khẩn trương phát triển các máy móc và vũ khí tiên tiến để nâng cao mức sống của người dân và để tự vệ”. Báo chí Liên Xô đã thừa nhận tính chính đáng của các cuộc đấu tranh giành độc lập ở Đông Dương và Indonesia. Ngược lại, Anh, Hoa Kỳ và Canada muốn thành lập “một khối Anglo- Saxon” nhằm trực tiếp chống lại Liên Xô. (Nhưng “sự bình tĩnh và quyết tâm của Liên Xô đã khiến các nước này rất sợ hại”). Hoa Kỳ không muốn tấn công Liên Xô, nhưng nó đã khuyến khích quân đội QDĐTQ tấn công Hồng quân Trung Quốc “để dọa Liên Xô”. Hoa Kỳ tuyên bố trung lập, nhưng thực chất là đang ngấm ngầm giúp Pháp bằng cách cho Pháp mượn tàu để chở quân Pháp sang Đông Dương. Một mặt, Hoa Kỳ muốn cạnh tranh với Anh và Pháp về sự thống trị về chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á; mặt khác, nó cũng muốn cộng tác với hai quốc gia này để bao vây Liên Xô. Vì mục tiêu này, Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình ở Đông Nam Á. Do vậy, sự thù địch thứ tư không trùm lên ba sự thù địch đầu tiên ba, mà chỉ đơn giản là một phiên bản mở rộng của quan điểm ‘sự đối đầu giữa hai phe’. [312]

ĐCSĐD đã dự đoán về Chiến tranh Lạnh từ lâu trước khi nó lan sang châu Á. Tài liệu tương tự cũng ghi nhận tính chất hỗn loạn của nền chính trị thế giới vào thời điểm đó: các cuộc chiến tranh giành độc lập ở Đông Nam Á, cuộc nội chiến ở Trung Quốc, các cuộc biểu tình của người lao động ở Anh, và căng thẳng Mỹ-Xô về sự đóng quân tại Nhật Bản [của quân đội Hoa Kỳ].[313] Nó lưu ý rằng nhân loại đang trải qua một cuộc khủng hoảng sau chiến tranh nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ không dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ Ba giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Thay vào đó, sẽ có một thời kỳ hòa bình và dân chủ hóa trước khi một kỷ nguyên mới của chiến tranh và cách mạng bắt đầu. Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô sẽ không bắt đầu ngay lập tức bởi vì “lực lượng vì hòa bình” mạnh hơn “lực lượng chiến tranh” vào thời điểm đó. Các nhân tố của lực lượng vì hòa bình bao gồm các phong trào do Đảng Cộng sản Mỹ lãnh đạo chống lại các chính sách của Mỹ nhằm gia tăng căng thẳng với Liên Xô và can thiệp vào Trung Quốc; dân chúng phản đối chính phủ Anh vì đã tiếp tay cho thực dân Pháp và Hà Lan; các phong trào xã hội ở phương Tây ủng hộ nền độc lập của Ấn Độ và Đông Dương; và “những phát minh khoa học mới” [có thể hiểu là: bom nguyên tử] ở Liên Xô. Chiến tranh giữa phe đế quốc và phe xã hội chủ nghĩa sẽ không thể tránh khỏi, mặc dù nó sẽ diễn ra dưới hình thức nào thì không được nêu rõ. Tuy nhiên, các lãnh tụ ĐCSĐD không mong đợi một cuộc Chiến tranh thế giới thứ Ba; họ nhấn mạnh rằng các cuộc đấu tranh giành độc lập ở Đông Dương và Indonesia cũng như cuộc nội chiến ở Trung Quốc sẽ không dẫn đến một cuộc chiến như vậy mà sẽ có khả năng dẫn đến nền hòa bình hơn. [314] Lý do này ám chỉ họ không quan tâm đến Đông Dương. Có lẽ họ sẽ thỏa mãn nếu sau khi cuộc đấu tranh tại Đông Dương của họ thành công; thì cuộc cách mạng thế giới nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản thế giới (trong Thế chiến III) sẽ là một cam kết lâu dài của họ.

Cuối năm 1945, chính phủ Việt Minh dưới thời Hồ bề ngoài tập trung vào cuộc đấu tranh chống thực dân trong khi trì hoãn tiến hành cuộc cách mạng xã hội. Tuy nhiên, một bộ mặt khác được che đậy vụng về của chính quyền này được tìm thấy trong tờ ‘Sự thật’, tạp chí ra hai tuần một lần của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (ĐCSĐD trá hình). Trong bài xã luận trên số đầu vào cuối năm 1945, ‘Sự thật’ thẳng thừng tuyên bố rằng một trong những sứ mệnh của nó là “cho tất cả đồng bào Đông Dương thấy một chân lý cơ bản: chỉ có một con đường duy nhất để đạt được tự do, hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại, cho mọi quốc gia và cho giai cấp công nhân. Cách này là thông qua việc ‘thực hiện triệt để’ chủ nghĩa Marx”. [315]

Bất chấp các cuộc đàm phán ngoại giao đang diễn ra với Pháp và những đề nghị với Hoa Kỳ, các tài liệu bí mật của Đảng và các bài báo nảy lửa trên tờ ‘Sự thật’ thường xuyên gợi lên quan điểm ‘sự đối đầu giữa hai phe’. ”Phe chủ nghĩa đế quốc”, hiện do Hoa Kỳ lãnh đạo, được coi là yếu hơn đáng kể (so với thời kỳ trước Thế chiến thứ Hai); họ cần thời gian để “băng bó các vết thương” và chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Liên Xô và các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở các thuộc địa.[316] Các “lực lượng xã hội chủ nghĩa”, đặc biệt là Liên Xô, đã trở nên mạnh hơn nhiều, nhưng họ không đủ mạnh để tiêu diệt hệ thống tư bản chủ nghĩa và thành lập một chính phủ vô sản để thống trị thế giới. Đông Dương đã trở thành một khu vực quan trọng của cách mạng, và Đông Dương không đơn độc. Ở những nơi khác ở Đông Nam Á, Anh, Mỹ và Pháp đã hợp tác thành lập mặt trận chống cộng sản và đàn áp các phong trào giải phóng dân tộc.

Khi thảo luận về cuộc nội chiến Trung Quốc, một bài báo trên tờ ‘Sự thật’ đã tố cáo Hoa Kỳ ủng hộ QDĐTQ, kêu gọi Liên Xô đóng vai trò trung gian hòa giải.[317] Mặc dù một tờ báo phi cộng sản ca ngợi Washington đã trao trả độc lập cho Philippines vào tháng 7 năm 1946,[318] tờ ‘Sự thật’ cho rằng hành động của Hoa Kỳ là lừa dối để che đậy chủ nghĩa đế quốc Mỹ.[319] Hành động này có thể làm tổn hại danh tiếng của các nước đế quốc khác (vì họ vẫn muốn chiếm lại thuộc địa của mình), nhưng nó sẽ giúp Hoa Kỳ đạt được quyền ‘bá chủ thế giới’ và sẽ giúp củng cố phe đế quốc trong âm mưu của chúng nhằm chống lại Liên Xô và “các lực lượng dân chủ thế giới”.

Bùi Công Trừng, bạn học của Trần Đình Long ở Moscow, đã lập luận trên tờ ‘Sự thật’ bằng cách trích dẫn câu nói của Stalin rằng giải phóng dân tộc không thể tách rời cách mạng thế giới và đấu tranh giai cấp.[320] Có lẽ Trừng đã phản hồi một bài báo đăng trước đó trên tờ ‘Chính Nghĩa’, tạp chí lý luận của VNQDĐ; bài báo này phủ nhận sự phù hợp của đấu tranh giai cấp đối với Việt Nam khi chủ nghĩa tư bản chưa phát triển và tất cả các giai cấp đều bị bóc lột bởi hệ thống thuộc địa.[321] Đối với những người cho rằng các xã hội tư bản tiên tiến đã tìm cách giảm thiểu đấu tranh giai cấp thông qua trung gian giữa giới quản lý và người lao động, Trừng đã đưa ra một lời tố cáo nhức nhối đối với xã hội Mỹ:

“Không có thành phố nào sánh được với New York như một thiên đường của chủ nghĩa tư bản! Nhưng vào tháng 4 năm 1935, ở giữa thành phố đầy những tòa nhà chọc trời này, có tới 600.000 gia đình, một phần ba dân số của nó, sống nhờ sự quyên góp của các hội cứu trợ. Ngược lại, khoảng 100 gia đình giàu có ở New York đã ‘tha hồ tiêu xài phung phí’. Con của một triệu phú chi tiêu trung bình 40.160 đô-la mỗi năm, trong khi 2.280.000 trẻ em [nghèo] không có tiền để chi trả cho việc học của chúng. Thiên đường tư bản chủ nghĩa đã được xây dựng trên sự khốn khổ của quần chúng lao động và sự bóc lột của các quốc gia nhỏ. Những người mác-xít chúng ta tin rằng, muốn thoát khỏi địa ngục tư bản chủ nghĩa thì giai cấp vô sản toàn thế giới phải đoàn kết lại”.

Mặc dù cả Washington và Moscow đều im lặng trước những yêu cầu công nhận của VNDCCH, các lãnh tụ ĐCSĐD vừa tố cáo Hoa Kỳ vừa vẫn tiếp tục bào chữa cho Liên Xô. Một ví dụ là Hội nghị Moscow vào tháng 1 năm 1946, nơi mà Đông Dương thậm chí không được đề cập đến. Một bài xã luận trên tờ ‘Sự thật’ cảnh báo độc giả không nên trông đợi quá nhiều vào hội nghị này vì Pháp và Trung Quốc đều không có mặt.[322] Nhưng tại sao đại diện Liên Xô không đưa ra vấn đề Đông Dương ra trước cuộc họp này? Tờ ‘Sự thật’ suy đoán rằng nguyên nhân là do Liên Xô cần sự hỗ trợ của Anh và Pháp để đối phó với mối đe dọa từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Đông Dương vẫn có thể hưởng lợi: Liên Xô sẽ cùng Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản và tham gia vào Ủy ban Viễn Đông. “Dĩ nhiên là Liên Xô sẽ nâng cao tiếng nói của mình trong các vấn đề liên quan đến Đông Dương” do Liên Xô luôn trung thành với lợi ích của các quốc gia yếu và bởi vì “kẻ lừa đảo đế quốc không được tự do ‘làm mưa làm gió’ trước của Liên Xô, một cường quốc hàng đầu thế giới với các sứ mệnh chống chủ nghĩa phát-xít”. ‘Sự thật’ lập luận rằng sẽ không phải là một ý tưởng tồi nếu Đông Dương (như Triều Tiên) có thể được giải phóng khỏi chế độ thực dân và tạm thời đặt dưới cơ quan quản lý quốc tế do Liên Xô giám sát trước khi giành được độc lập hoàn toàn. Hội nghị Moscow tuy không đáp ứng được yêu cầu độc lập hoàn toàn của Đông Dương, nhưng nó đã “gián tiếp giải quyết vấn đề Đông Dương và mở ra con đường cho Đông Dương tiến lên”.

Quan điểm của ĐCSĐD về hai phe đối lập càng trở nên rõ nét hơn trong hai năm tới và những năm tiếp theo. Theo quan điểm này: “phe chống dân chủ” tiếp tục phát triển với Hoa Kỳ lãnh đạo; phe này muốn bao vây Liên Xô và phá hủy cuộc cách mạng thế giới. Đến lượt mình, Hoa Kỳ được coi là bị thống trị bởi các giới tài phiệt, những kẻ xảo quyệt bành trướng quyền lực của chúng trên toàn bộ thế giới tư bản.[323] Tương tự, Kế hoạch Marshall cũng là một phương tiện để Washington chiếm đóng châu Âu. [324] Mặc dù các đế quốc Pháp và Hà Lan tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại các phong trào chống thực dân, Anh và Hoa Kỳ: “những con cáo già của chủ nghĩa đế quốc”, đã lừa dối các dân tộc bị đô hộ bằng cách trao độc lập chính thức cho Ấn Độ, Miến Điện và Philippines.[325] Các động thái của chúng là để tránh chiến tranh trong khi núp sau các “chính phủ bù nhìn” ở các nước đó để tiếp tục bóc lột và áp bức dân tộc của họ.

Mặt khác: “phe dân chủ” dần hình thành với sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Đông Âu và Liên Xô, đỉnh cao là sự hình thành của Cục Thông tin của Quốc tế Cộng sản (Cominform) giữa các đảng cộng sản Châu Âu vào tháng 9 năm 1947. Khi các diễn biến chính trị ở Pháp vào đầu năm 1948 ngày một mang tính bạo lực hơn, các lãnh tụ ĐCSĐD đang hình dung một viễn cảnh nội chiến ở Pháp, chính phủ Pháp sụp đổ, và sự can thiệp công khai của Hoa Kỳ vào Đông Dương.[326] ĐCSĐD nhận thấy rằng đây có thể là một tình huống khó khăn cho Đông Dương nếu Hoa Kỳ, Pháp, Anh, và QDĐTQ thuộc phe phản cách mạng liên minh với nhau để chống lại các cuộc cách mạng của cộng sản Pháp, Trung Quốc, Đông Dương và Đông Nam Á. Điều tuyệt vời của kịch bản này là nó đã tạo cơ hội tốt để các cuộc cách mạng Trung Quốc và Việt Nam ‘hòa nhịp tiến bước’, và cho các nước nhược tiểu ở châu Á xây dựng mối liên kết chặt chẽ và đoàn kết với các cuộc cách mạng ở Tây Âu. Kịch bản này sẽ thuận lợi cho cách mạng thế giới: mặt trận dân chủ sẽ có cơ hội tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc, kẻ thù chung của chúng, một lần và mãi mãi.

Cũng giống như các lãnh tụ ĐCSĐD xem “phe chống dân chủ” được chia thành các chế độ khác nhau (tư bản, phát-xít và độc tài quân sự), họ không coi “phe dân chủ” là một khối khối thuần nhất gồm các quốc gia tương tự do Liên Xô chỉ đạo.[327] Theo quan điểm này, Liên Xô là một quốc gia xã hội chủ nghĩa với chế độ chuyên chính vô sản. Các nước Đông Âu, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc do những người cộng sản kiểm soát, và Việt Nam là “nền dân chủ nhân dân”, nơi “chế độ chuyên chính vô sản do giai cấp vô sản lãnh đạo”. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, con đường cách mạng đi lên chủ nghĩa xã hội ở các nước này có thể ít cần bạo lực hơn, nhưng các nước trong cùng một phe phải đối mặt với những điều kiện lịch sử khác nhau và nên theo đuổi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của riêng mình. Các lãnh tụ ĐCSĐD đã không che giấu các vấn đề trong “phe dân chủ”; Trước những câu hỏi về những lời chỉ trích của Cục Thông tin đối với Tổng thống Nam Tư Josip Tito, họ giải thích rằng Tito chỉ là “một cọng rơm bị mắc kẹt trong bánh xe dân chủ mới đang tiến lên phía trước”. [328] Trong bài phát biểu của chính ông, Hồ thậm chí còn tỏ ra khó chịu khi gọi Tito là “chó săn của Mỹ”.[329] Trường hợp của Tito không vạch trần được điểm yếu của phe dân chủ; trái lại, nó chỉ ra rằng phe này có “kỷ luật sắt” và sẽ không “dung túng cho hành vi quân phiệt tự mãn”.[330]

MỘT CHIẾN BINH TÌNH NGUYỆN TRÊN TUYẾN ĐẦU CỦA CHIẾN TRANH LẠNH

Một sự kiện cụ thể đánh dấu sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh ở châu Âu là cuộc xung đột gay gắt ở Berlin giữa Liên Xô và các cường quốc phương Tây. Một báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh, đáng được trích dẫn ở đây, đã mô tả sự kiện này với niềm tự hào không giấu giếm về lập trường đối đầu của Liên Xô:

“Mỹ đã ném bom nguyên tử để khiến thế giới khiếp sợ và phát hành tiền giấy mới ở Tây Đức và Tây Berlin. Liên Xô đã phản ứng mạnh mẽ: Tây Berlin đã được phong tỏa, ô-tô không được phép ra vào, các quả khinh khí cầu bay lơ lửng trên không trung nóng nực, [và] các hàng rào dây thép gai cao tới sáu kilomet [sic] được dựng lên. Máy bay của Anh và Mỹ đã phải bay với trên độ cao rất lớn để vượt qua những hàng rào nhằm vận chuyển hàng cứu trợ vào khu vực đó. Mỹ đã cố gắng ‘phỉnh phờ’ và ‘hăm dọa’ nhưng Liên Xô vẫn vững ‘vững như bàn thạch’. Các đại diện của Anh và Mỹ đã đến Moscow, yêu cầu gặp Stalin và Molotov. Các điều kiện của Liên Xô đối với Mỹ là… Mỹ đã không tuân thủ các điều kiện đó, nên “Chiến tranh Lạnh” tiếp tục diễn ra. Sự kiện này khiến Mỹ và Anh rất mất mặt. Nó cho thế giới thấy rằng Liên Xô cứng rắn và Mỹ chỉ lừa dối”.[331]

Bình luận này không chỉ thiếu nghiêm túc mà còn tỏ ra hớn hở; toàn bộ sự mô tả xuất hiện như một trò hề hài hước của chủ nghĩa đế quốc. Liệu các lãnh tụ Việt Nam có nhìn thấy nguy cơ nào trong tình hình mới? Khi vận may của những người cộng sản Trung Quốc đang tăng lên ở Trung Quốc, các lãnh tụ ĐCSĐD bắt đầu hình dung ra một kịch bản trong đó Washington sẽ can thiệp trực tiếp để giúp QDĐTQ và Pháp đánh bại cả cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Trường Chinh tuyên bố: “Chúng tôi không sợ, vì nếu Mỹ bị đánh bại ở Trung Quốc, thì sẽ bị đánh bại ở Việt Nam”. Quân đội du kích Việt Nam được lệnh chuẩn bị cho các hoạt động quân sự chung với lực lượng Trung Quốc khi họ đến miền Nam Trung Quốc.[332] Lướt qua chiến lược quân sự này là tầm nhìn tiên tri quen thuộc: “Sẽ đến lúc các cuộc cách mạng Trung Quốc và Việt Nam hợp nhất thành một khối dân chủ mới ở Viễn Đông để chống lại đế quốc Mỹ và bè lũ của chúng – thực dân Pháp, những kẻ phản bội người Việt và người Hoa”.

Thời điểm đó xảy ra vào khoảng năm 1949, khi quân cộng sản Trung Quốc đuổi theo quân đội QDĐTQ đang rút lui về miền Nam Trung Quốc. Kể từ năm 1946, chính phủ của Hồ đã duy trì liên lạc và đề nghị hỗ trợ các lực lượng cộng sản địa phương ở miền Nam Trung Quốc. Các đơn vị Hồng quân Trung Quốc được phép đóng quân trên lãnh thổ Việt Nam, và được cung cấp lương thực, vật tư, thuốc men.[333] Đổi lại, họ đã giúp huấn luyện binh lính Việt Nam. Đầu năm 1949, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, Hồ đã cử một số đơn vị Việt Nam qua biên giới để giúp Hồng quân bảo vệ căn cứ của họ trước các cuộc tấn công của Tưởng Giới Thạch. Ngay sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 10 năm 1949, VNDCCH đã cử phái viên đến Bắc Kinh để yêu cầu công nhận ngoại giao. Bắc Kinh vui vẻ đồng ý, và nhờ nỗ lực cá nhân của Mao để đưa ra vụ việc với Stalin, Matxcơva đã làm theo. Rõ ràng là Trung Quốc và Liên Xô can dự vào Đông Dương không phải do sáng kiến của họ, mà là do những nỗ lực bền bỉ và chủ động của Hồ và các đồng chí của ông.

Mặc dù đã được Liên Xô và Trung Quốc đảm sự sự công nhận một cách bí mật, ĐCSĐD vẫn cẩn thận để không kích động sự can thiệp của Hoa Kỳ. Chiến lược này được thực hiện bằng cách đưa ra các thông báo và chương trình phát sóng ngoại giao thận trọng nhằm thao túng dư luận thế giới. Những thông báo này cho thấy ấn tượng rằng, với việc được Trung Quốc Cộng sản mới và Liên Xô công nhận về mặt ngoại giao, Việt Nam chỉ tìm kiếm độc lập dân tộc và không có ý định gia nhập khối Xô-viết. Không rõ ý tưởng tiến hành thận trọng đến từ phía Trung Quốc hay là ý tưởng của Việt Nam vì biên bản cuộc họp của Ủy ban Thường vụ ĐCSĐD chỉ đề cập ngắn gọn các bước mà các lãnh tụ Việt Nam dự định thực hiện:

Mặc dù đã được Liên Xô và Trung Quốc đảm sự sự công nhận một cách bí mật, ĐCSĐD vẫn cẩn thận để không kích động sự can thiệp của Hoa Kỳ. Chiến lược này được thực hiện bằng cách đưa ra các thông báo và chương trình phát sóng ngoại giao thận trọng nhằm thao túng dư luận thế giới. Những thông báo này cho thấy ấn tượng rằng, với việc được Trung Quốc Cộng sản mới và Liên Xô công nhận về mặt ngoại giao, Việt Nam chỉ tìm kiếm độc lập dân tộc và không có ý định gia nhập khối Xô-viết. Không rõ ý tưởng tiến hành thận trọng đến từ phía Trung Quốc hay là ý tưởng của Việt Nam vì biên bản cuộc họp của Ủy ban Thường vụ ĐCSĐD chỉ đề cập ngắn gọn các bước mà các lãnh tụ Việt Nam dự định thực hiện:

“Dựa trên đề xuất của ban lãnh đạo trung ương [Cộng sản] Trung Quốc và cũng do nhu cầu của chúng tôi phải hành động nhanh chóng, [Đảng của chúng tôi] đã đề nghị chính phủ [của chúng tôi] thông báo rằng chúng tôi muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, và một ngày sau đó chúng tôi ra thong báo công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau khi Trung Quốc phản hồi, chúng tôi sẽ chuyển thông báo của mình tới các chính phủ Xiêm, Miến Điện, Ấn Độ và Pakistan”.[334]

Việc đón tiếp các đại diện của Bắc Kinh tại Việt Nam cũng được thực hiện bí mật và là một công việc giữa hai đảng, chứ không phải giữa hai chính phủ. Trong một chỉ thị được đưa ra vài ngày sau đó, ĐCSĐD ra lệnh cho báo chí của chính phủ để “công kích đế quốc Mỹ, cho thấy rõ âm mưu của quân đội Mỹ và bè lũ tay sai được Mỹ tài trợ đã trực tiếp can thiệp vào Đông Dương”.[335] Tuy nhiên, các đài phát thanh của chính phủ không được phép tấn công trực tiếp Hoa Kỳ; họ được yêu cầu phát tin tức về ý định can thiệp của Hoa Kỳ vào Đông Dương và tuyên bố với đồng minh cụ thể rằng “bất kỳ cường quốc đế quốc nào gây rối với Đông Dương sẽ thất bại như Mỹ đã làm ở Trung Quốc”. Các nước láng giềng của Việt Nam như Ấn Độ và Indonesia cũng không được phép chỉ trích. Báo chí được viết cho mục đích và giới hạn trong việc truyền tin ở trong nước, trong khi ĐCSĐD biết rằng các thông điệp phát thanh của mình sẽ được đưa ra nước ngoài. ĐCSĐD muốn người Việt ghét Hoa Kỳ nhưng thận trọng không kích động Washington can thiệp.

Song song với các biện pháp thận trọng dành cho việc truyền tin ra nước ngoài là các bước đi táo bạo hơn để tận dụng tối đa cơ hội. Tài liệu bí mật tương tự giải thích quyết định công nhận Trung Quốc cũng đề cập rằng ĐCSĐD đã “đề xuất với Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép [nhiều] lực lượng Việt Nam tiến vào lãnh thổ Trung Quốc để đánh chặn và tiêu diệt quân QDĐTQ đang chạy trốn”.[336] QDĐTQ cũng lên kế hoạch “đề xuất với Trung Quốc một chiến lược quân sự và chính trị chung ở Đông Nam Á và yêu cầu Đảng Cộng sản Pháp phối hợp hành động”. [337] QDĐTQ cũng tìm kiếm các mối liên kết chặt chẽ với các đảng cộng sản ở Đông Nam Á. [338]

Sau khi VNDCCH thiết lập quan hệ với Trung Quốc và Liên Xô, Hồ Chí Minh đã đi bộ xuyên rừng Việt Nam trong mười bảy ngày để đến Quảng Tây.[339] Từ đó trở đi, ông đã đến Bắc Kinh bằng tàu hỏa, sau đó chờ đợi ở gần biên giới Xô-Trung để đợi được tham gia một cuộc họp riêng với Stalin. Tại Moscow, Hồ yêu cầu Stalin cho một Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Liên Xô và Việt Nam tương tự như Hiệp ước Xô-Trung vừa được Stalin và Mao ký, nhưng yêu cầu của ông bị từ chối.[340] Stalin muốn giao cho Mao nhiệm vụ hỗ trợ cách mạng Đông Dương.

Chuyến đi gian khổ của Hồ đã gói gọn niềm khao khát sâu sắc của người Việt Nam về mối quan hệ thân thiết với khối Xô-viết. Sự hợp tác rộng rãi được đề xuất giữa VNDCCH và Trung Quốc lẫn Liên Xô đã vượt xa nhu cầu thoát ra khỏi thế cô lập ngoại giao. Chúng chỉ có thể được giải thích trong bối cảnh nhận thức ý thức hệ rộng lớn hơn của các lãnh tụ ĐCSĐD luôn chia thế giới thành hai phe và đặt vận mệnh của Đông Dương duy nhất vào phe xã hội chủ nghĩa. Ba tuần sau khi VNDCCH được khối Liên Xô công nhận, Ủy ban Thường vụ ĐCSĐD lưu ý rằng tuyệt đối đa số người Việt Nam “rất phấn khởi” về sự kiện này. Nó cũng chỉ ra rằng có một vài người “lo lắng rằng Đông Dương sẽ trở thành một chiến trường cho các phe dân chủ và phản dân chủ để cạnh tranh dành ảnh hưởng”.[341] Tuy nhiên, những trí thức này bị gạt bỏ vì chỉ quan tâm đến ‘quền lợi riêng’ của họ. Ủy ban đã biện minh cho quyết định của mình như sau:

“Sau thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, Đông Dương đã trở thành một tiền tiêu trên mặt trận phản đế tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, phe phản cách mạng trên thế giới vẫn không chùn bởi thực tế là Việt Nam đã được công nhận bởi [khối xã hội chủ nghĩa]; chúng càng tích cực thực hiện âm mưu can thiệp của chúng. Vấn đề đối với chúng ta là chúng ta phải tranh thủ thời gian… chuyển sang giai đoạn tổng tấn công giải phóng đất nước ta và cũng là bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ Liên Xô, ngăn chặn âm mưu của bè lũ hiếu chiến và truyền bá cách mạng ra Đông Nam Á”.[342]

Căn cứ vào việc thực sự không quan tâm đến Đông Dương của Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1945-1949, và sự kình địch đầy tàn nhẫn giữa Hoa Kỳ và Liên Xô ở Trung Quốc trong thời gian đó, các nhà lãnh đạo VNDCCH có thể đã giải thích sự chiến thắng của những người cộng sản Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Đông Dương thuộc Pháp sẽ trở thành tiền đồn trên mặt trận của chủ nghĩa đế quốc ở Đông Nam Á. Rốt cuộc, các cường quốc đế quốc đã quan tâm đến Đông Dương ngay từ năm 1945, và thất bại của họ ở Trung Quốc chỉ làm tăng thêm những sự đặt cược về địa chính trị của chúng ở Đông Dương. Có thể tưởng tượng rằng ĐCSĐD có thể đã cố gắng, như nhiều trí thức đã khuyên nó hành động như vậy, để trấn an phe đế quốc rằng Việt Nam sẽ không liên minh với bất kỳ khối nào. Ngược lại, những gì các lãnh tụ ĐCSĐD đã thực hiện là mở rộng phe phản đế tới Đông Dương bằng cách kiên nhẫn tiếp cận và thuyết phục Moscow và Bắc Kinh rằng họ cũng có thể đóng một vai trò ở Đông Dương, rằng họ không nên từ bỏ Đông Dương để nó rơi vào phe đế quốc, và rằng Đông Dương có thể góp phần vào việc giúp đỡ cách mạng thế giới.

Công bằng mà nói, sự trợ giúp công khai hoặc bí mật của Hoa Kỳ đối với người Pháp kể từ năm 1946 ngụ ý rằng, ngay cả khi các lãnh tụ ĐCSĐD tuyên bố trung lập, Hoa Kỳ có thể không tin họ để ủng hộ họ chống lại người Pháp. Tuy nhiên, không có văn bản nào trong văn kiện của Đảng coi địa vị trung lập như một giải pháp thay thế. Rõ ràng, các lãnh tụ và đảng viên của ĐCSĐD sẽ không chấp nhận từ bỏ ý thức hệ của họ. Họ đã không làm như vậy khi bị phe cách mạng bỏ rơi trong vô vọng; tại sao họ làm như vậy bây giờ để cuối cùng họ hi vọng có thể nhận được sự hỗ trợ từ nó? Một sự can thiệp tiềm năng của Hoa Kỳ – chi phí của sự hỗ trợ đó – đã được chấp nhận và được cho là có thể vượt qua được.

“Việt Nam đã trở thành một trong những tiền đồn trên mặt trận hòa bình và dân chủ chống lại chủ nghĩa đế quốc, và [cũng] được các cường quốc đế quốc xem như một điểm chiến lược trên tuyến phòng thủ chống lại dân chủ của chúng. Lịch sử đã giao cho giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam nhiệm vụ bảo vệ tiền đồn này. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam quyết tâm không phụ lòng nhân dân trên thế giới đã đặt niềm tin vào chúng ta”.[343]

Trường Chinh tỏ ra khiêm tốn khi cho lịch sử ghi nhận tất cả sự thật rằng Việt Nam đã trở thành tiền đồn trong Chiến tranh Lạnh sắp tới. Nhưng ông có thể đang cố gắng né tránh cáo buộc rằng ĐCSĐD đã kéo Việt Nam vào cuộc xung đột giữa các siêu cường. Bất kể ý định của ông trong tuyên bố này là gì, chắc chắn rằng lịch sử đã đóng một vai trò nào đó, nhưng những nỗ lực tích cực của ĐCSĐD nhằm lôi kéo các cường quốc cộng sản quốc tế vào Đông Dương không nên bị bỏ qua.

Dù thế nào, sự trỗi dậy của Chiến tranh Lạnh cho phép ĐCSĐD đẩy nhanh tốc độ của cuộc cách mạng trong nước. Các lãnh tụ của Đảng luôn coi các điều kiện quốc tế gắn bó chặt chẽ và ở mức độ quan trọng, quyết định tiến trình cách mạng tại các nước cụ thể.[344] Năm 1946, ở đỉnh cao của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Trường Chinh tiếp tục lập luận rằng không được tách rời hai cuộc cách mạng:

“Cần phê phán một quan điểm sai lầm về các giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Một số người tin rằng cuộc cách mạng của chúng ta bị thụt lùi vào thời điểm này: giải phóng dân tộc (phản đế) trước, rồi tiến hành cách mạng ruộng đất (phản phong), sau đó là chủ nghĩa xã hội. Quan điểm ‘cách mạng từng bước’ nhằm chia cuộc cách mạng thành ba giai đoạn này là không đúng. Ở ngoài nước, Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, đã thắng lợi và phong trào dân chủ mới đang phát triển nhanh chóng. Ở trong nước, giai cấp vô sản đang nắm chắc sự lãnh đạo cuộc cách mạng và các lực lượng tiến bộ dân chủ đã được đoàn kết lại. Trong những điều kiện lịch sử đó, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ ‘phản đế’ và hoàn thành một phần nhiệm vụ ‘phản phong’ của chúng ta. [345]

Một phần của các nhiệm vụ phản phong lớn đến đâu phải tại từng thời điểm phải phụ thuộc vào các hoàn cảnh quốc tế và trong nước tại thời điểm đó. Các điều kiện quốc tế thuận lợi không nhất thiết đồng nghĩa với sự sẵn sàng hỗ trợ từ bên ngoài. Ngay cả khi không có sự trợ giúp sắp tới của Liên Xô, một số nhà lãnh đạo ĐCSĐD, trong đó Trường Chinh là người có quyền lực nhất, vẫn kêu gọi các biện pháp cải cách ruộng đất, bỏ qua các biện pháp ôn hòa. Đồng thời, các lãnh tụ ĐCSĐD này có một tầm nhìn dài hạn về cuộc cách mạng và luôn chú ý đến những cơ hội mới để đi tắt đón đầu. Đến giữa năm 1948, khi Hồng quân Trung Quốc tràn vào miền Trung của Trung Quốc sau chiến thắng ở Mãn Châu, Trường Chinh bắt đầu kêu gọi một chiến dịch ‘giảm tô giảm tức’.[346] Chính sách giảm tô giảm tức nhà đã được ban hành vào năm 1945 nhưng không được thực hiện nghiêm túc. Ông dự đoán rằng: “Nếu tình hình quốc tế có chuyển biến lớn thuận lợi cho phe dân chủ, hoặc nếu cuộc kháng chiến thành công [trong nay mai], Đảng ta có thể tận dụng những điều kiện mới để tiến hành cải cách ruộng đất một bước [hơn chỉ đơn thuần là giảm tô giảm tức]”.[347] Sự xuất hiện của Chiến tranh Lạnh và lời hứa về sự hỗ trợ cụ thể của Trung Quốc đồng nghĩa với việc có cơ hội lớn để đi tắt đón đầu. Mặc dù sức ép của Liên Xô và Trung Quốc có thể đã đẩy nhanh thời gian của cuộc cải cách ruộng đất triệt để như Christopher Goscha lập luận, nhưng sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp cam kết của các lãnh tụ ĐCSĐD đối với cải cách ruộng đất. [348] Họ tỏ ra thiếu kiên nhẫn và tìm cách thực hiện các phần của tiến trình cách mạng khi không tồn tại bất kỳ áp lực nào.

KẾT LUẬN

Nhiều nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam lấy Hoa Kỳ làm trung tâm khẳng định vào thời điểm thuận lợi của năm 1945, chiến tranh là điều không thể tưởng tượng được. Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara và các cộng sự của ông từng tự hỏi: “Làm sao mà hai quốc gia này, với chút lịch sử chung và ít hiểu biết về nhau, lại trở thành kẻ thù dai dẳng nhất trong thời kỳ hậu Thế chiến II… ? Rõ ràng Hồ Chí Minh không thể hình dung được điều này vào tháng 9 năm 1945… ”[349]

Bằng chứng trong chương này đã chứng minh rằng các lãnh tụ cộng sản Việt Nam, bao gồm cả Hồ Chí Minh, có thể có ít kiến thức thực nghiệm về Hoa Kỳ, nhưng họ không bao giờ thiếu các giả định lý thuyết về những khiếm khuyết nghiêm trọng của xã hội Hoa Kỳ và về hành vi của Hoa Kỳ với tư cách là một đế quốc hàng đầu. Những giả định đã được xác thực bởi thế giới quan ‘sự đối đầu giữa hai phe’ trong đó hệ thống tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ là bất công và tàn ác, trái ngược với hệ thống công bằng và tiến bộ của Liên Xô. Ngoài ra, Hoa Kỳ là kẻ thù khôn ngoan và nguy hiểm của cách mạng thế giới, ngược lại, Liên Xô là cứu tinh của họ; sự xung đột mang tính phá hoại lẫn nhau giữa hai phe là không thể tránh khỏi. Các nhà cộng sản Việt Nam đã kiên trì với những giả định này từ rất lâu trước năm 1945 và tiếp tục kiên định với chúng, ngay cả trong thời gian cuối năm 1944 và đầu năm 1945 khi Hoa Kỳ tỏ ra đứng về phía họ.

Mặc dù thế giới quan của họ không cứng nhắc, các lãnh tụ ĐCSĐD trong suốt thời kỳ đó đã tự cho mình thuộc về phe cách mạng. Vào những thời khắc đen tối nhất khi không có sự hỗ trợ nào từ phe này, các nhà cộng sản Việt Nam đã không ngừng liên tưởng mình với Liên Xô trong trí tưởng tượng và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với quê hương của Lenin. Ngay cả khi họ đang điên cuồng tìm kiếm các nguồn hỗ trợ quốc tế thay thế, việc họ không tiếp xúc với Moscow không làm giảm lòng trung thành về mặt ý thức hệ của họ.

Sự xuất hiện của Chiến tranh Lạnh chỉ tái khẳng định thế giới quan nhị phân của họ. Mặc dù quốc gia của họ nhỏ và yếu, họ chỉ bị hạn chế một phần bởi các sự kiện thế giới. Coi Chiến tranh Lạnh là một cơ hội lớn, họ đã tận dụng nó trong khi nhận thức đầy đủ những rủi ro trong chính sách của mình.[350] Chính Trung Quốc và các siêu cường đã quyết định gửi viện trợ, vũ khí và nhân lực cho Việt Nam, nhưng Hồ và các đồng chí của ông đã không tiếc công sức để khiến cho phe cách mạng vốn không quan tâm đến họ ngay từ đầu này chấp nhận quốc gia nhỏ bé của họ vào phe của mình. Theo nghĩa này, họ chứ không phải Trung Quốc hay các siêu cường đã đưa Chiến tranh Lạnh đến Việt Nam. Các lãnh tụ Việt Nam không bị “chỉ đạo”; họ đã tự nguyện và đẩy Việt Nam vào chiến tranh.

Vì vậy, ý thức hệ thậm chí còn đóng một vai trò quan trọng hơn trong suốt thập niên 1940 trong các cách thức mà các nhà cách mạng Việt Nam sử dụng để diễn giải các sự kiện thế giới và lập định chính sách đối với các cường quốc bên ngoài. Những cách giải thích như vậy có thể đúng hoặc không chính xác, tinh vi hay ngây thơ, nhưng điểm mấu chốt ở đây là các lãnh tụ ĐCSĐD sẽ thua nếu không có ý thức hệ của họ. Những diễn giải đó rõ ràng đã giúp họ duy trì tầm nhìn và đưa ra chiến lược của mình. Các chiến lược không phải là luôn luôn đúng, và Hồ cùng các đồng chí của ông sẽ phải đối mặt với những khó khan khủng khiếp nếu các đồng chí Trung Quốc bị thuatrong cuộc nội chiến. Khác với thập niên 1930, phong trào cộng sản Việt Nam trong thập kỷ này nhận được ít hoặc không nhận được sự ủng hộ từ mạng lưới các phong trào công nhân và cộng sản xuyên quốc gia. Cho đến năm 1949 hoặc lâu hơn, ý thức hệ đã không giúp họ về mặt này như trước đây. Ý thức hệ đã đóng một vai trò trung tâm trong quyết định gia nhập khối Xô-viết của họ vào năm 1949. Nếu họ chỉ đơn giản là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người cộng sản, thì chắc chắn họ đã không đưa ra quyết định đó.

Chương 4 sẽ chuyển sang thập niên 1950 khi các nhà cộng sản Việt Nam bắt đầu cai trị một nước Việt Nam bị chia cắt và đối mặt với những thách thức mới trong cuộc đấu tranh xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và phát động cuộc cách mạng ở miền Nam.

(còn tiếp)

*

VỀ TÁC GIẢ

Vũ Tường là Trưởng Khoa Chính trị học của Đại học Oregon (Hoa Kỳ) từ năm 2008. Ông cũng thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore. Nghiên cứu của ông tập trung vào các đề tài: chính trị học so sánh về sự hình thành nhà nước, các vấn đề về phát triển, chủ nghĩa dân tộc, và các cuộc cách mạng, đặc biệt là tại vùng Đông Á. Ông cũng là tác giả của cuốn ‘Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia’ [Các con đường phát triển ở châu Á: Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia] (Cambridge University Press, 2010).

Comments are closed.