Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 5)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG VIII

BÊN TRỜI TIẾNG HẠC KÊU THƯƠNG

Tới đây thì ở lại đây

Bao giờ bén rễ xanh dây thì về

(ca dao Nam bộ)

Là thành viên Ủy Ban Sông Mekong, Hộ có dịp để thấy được con sông ấy hùng vĩ nhưng cũng mong manh ra sao. Sinh ra và lớn lên từ vùng đồng bằng Nam Bộ, Hộ đã quá thân thiết với con sông ấy. Hồi nhỏ thì chỉ biết gắn bó với khúc Sông Tiền nơi quê nhà qua hai mùa lũ hạn, lớn lên thì vươn tới suốt chiều dài của dòng sông, thân thuộc với nhịp điệu của con sông Mekong như nhịp đập của trái tim mình. Con sông ấy tưởng như bất trị nhưng lại là nguồn sống từ ngàn năm của người dân đồng bằng châu thổ. Mới hơn trăm năm trước người ta cũng chưa biết con sông ấy khởi nguồn từ đâu.

Con sông xanh cuồng nộ ấy như một con rồng với đầu ẩn khuất trên chín từng mây trên ngọn núi thiêng bên cao nguyên Tây Tạng với cả thân rồng uốn lượn khi thì dũng mãnh xủi bọt gào thét xuyên qua những cao nguyên và rừng già khi thì trải mình hiền hòa trên các bình nguyên rồi đồng bằng châu thổ với chín cái đuôi không ngừng quẫy đập để vươn tới thềm lục địa Biển Đông. Vào mùa lũ tháng Chín thì con sông ấy biến thành biển nước mênh mông thắm đỏ mang đầy phù sa tràn bờ dìm sâu hết cả ruộng đồng, và nhà cửa thì chỉ còn như những chiếc nón úp trên mặt nước. Tháng Tư mùa khô, con sông ấy vẫn phô bày kích thước của nó: vẫn khối nước một màu nâu sậm trải rộng ra từ hai tới ba dặm, cảnh trí quạnh quẽ, làng mạc thì thưa thớt. Ngược dòng xa hơn về phía bắc, không xa con thác Khemerat, đã mấy tháng sau mùa mưa, Hộ đã không thể không ngạc nhiên khi thấy vẫn có những khúc sông cạn như sắp khô kiệt tưởng chừng có thể lội bộ băng qua. Hộ cũng hiểu rằng nếu chưa có hạn hán dưới đồng bằng châu thổ, chưa có những cơn đau thắt ngực phía hạ nguồn nơi quê anh là do còn các dòng phụ lưu_ tributaries, như những mạch phụ – collaterals.

Sông Mekong với Hộ bây giờ còn mang ý nghĩa của những mô hình cơ thể học, hơn thế nữa còn là một mô hình toán học – mathematic model, với đầy rẫy những con số: 40 ngàn mét khối giây lưu lượng mùa lũ, chỉ còn 2 ngàn mét khối giây mùa khô – 20 lần thấp hơn; lòng sông không những thiếu độ dốc mà lại góc độ âm nghĩa là cao hơn khi tiến gần ra biển. Rằng chỉ mới hơn mấy chục ngàn năm trước đây thôi, con sông Mekong hoang dã mới bắt đầu tạo hình vùng đồng bằng châu thổ từ đáy biển, do chất pyrite có trong trầm tích phù sa và cả thêm từ chất sắt trong phù sa kết hợp với sulphur trong nước biển để tạo thành hợp chất pyrite. Với thời gian tính bằng thiên niên kỷ, dần dần đất nhô lên khỏi mặt biển và để rồi hàng năm được các con nước lũ đổ về phủ lên tầng tầng lớp lớp phù sa ngày mỗi dày thêm để trở thành những ruộng đồng mênh mông và màu mỡ.

Nhưng dưới lớp phù sa tân bồi ấy, chất pyrite còn đó, bị dìm sâu trong đất hay dưới làn nước. Chỉ khi phơi ra ngoài dưỡng khí, nó trở thành chất phèn chua acit sulphate, thẩm thấu lên mặt đất, bắt đầu hoành hành và là nguyên nhân nỗi khổ của người nông dân Đồng Bằng Nam Bộ. Hộ sau này cũng được biết thêm rằng tính thổ nhưỡng vùng châu thổ cũng rất thay đổi ngay trong một khoảng cách gần. Ở một nơi này thì rất chua trong khi cách đó khoảng một trăm mét đã hoàn toàn đổi khác, do mực nước – thủy cấp, độ dày đất tân bồi và các loài thảo mộc trên đó. Chính Hộ đã học được biết bao nhiêu kinh nghiệm từ những người nông dân. Họ hiểu rõ hơn ai hết vùng đất đai mà họ đang sống như biết rõ dấu chỉ trên bàn tay của họ và đã khôn ngoan tìm ra cách gieo trồng trong những điều kiện tưởng như vô phương tìm ra lời giải đáp. Họ cũng hiểu rằng đất phèn như con cọp ngủ trong hang và chẳng bao giờ nên đánh thức một con cọp đang im ngủ!

Cho dù chẳng phải là một trí thức trong tháp ngà, từng là tác giả của một luận án đồ sộ về “Hệ Sinh Thái của Vùng Hạ Lưu Sông Mekong” nhưng chính Hộ đã bị thực tế dạy cho những bài học đích đáng. Khởi đi từ lề lối suy nghĩ kinh điển cho rằng để tăng năng xuất lúa thì phải ngăn mặn trong mùa khô và trong mùa lũ thì cần những đập lớn trữ nước để sả ra trong mùa khô, rửa muối rửa phèn cho đất và dẫn tưới ruộng đồng. Nhưng thay vì ngăn mặn thì người nông dân vùng nam đồng bằng châu thổ lại cho dẫn nước biển vào ruộng trong mùa hạn mà ban đầu ai cũng cho là điên khùng. Nhưng thực ra họ đã áp dụng kỹ thuật “trầm thủy” với kết quả thật kỳ diệu: đất bớt phèn, đến mùa mưa thì đã có nước rửa mặn cho đất khiến mùa màng tốt tươi, chưa kể thêm cái lợi khác là nước biển đã đem tôm cá vào ruộng đồng và mương rạch. Chính người nông dân đã sáng tạo ra một “nền nông nghiệp lúa-tôm – rice-shrimp culture” phù hợp với hệ sinh thái phức tạp của vùng đồng bằng châu thổ. Và đã trong nhiều kỳ trên kênh đài truyền hình – không phải “thày Hộ” mà là người nông dân đầy sáng tạo ấy lên đài hướng dẫn bà con làm sao tận dụng cả nguồn nước mặn trong kết hợp trồng lúa và nuôi tôm. Sự kiện bà con nông dân phá vỡ con đê ngăn mặn ở Gò Công Tây là bài học thấm thía và nhớ đời cho chính Hộ và đám kỹ sư thủy lợi đến từ trung ương.

Rồi lại còn thiên tai lũ lụt mỗi năm, ai cũng cảm thấy bất an khi đương đầu với con rồng bất kham ấy. Với bài học ngàn năm từ con Sông Hồng, người ta muốn chế ngự nó bằng những con đập với hệ thống đê điều vững chắc.

Sơn Tinh – thần núi biểu tượng cho sức mạnh của đê điều, Thủy Tinh – thần nước là sức tàn phá của những cơn lũ. Cả hai đều muốn chiếm đoạt nàng công chúa xinh đẹp là vùng đồng bằng châu thổ. Nước dâng cao thì núi vươn cao và cuối cùng Sơn Tinh đã thắng. Đó là chiến thắng của sức người với hệ thống đê điều hai bên bờ con Sông Hồng.

Nhưng xem ra người nông dân Đồng Bằng Cửu Long có cái nhìn Lão Trang hơn, thay vì trấn áp thì họ chọn sự thách đố chung sống với những cơn lũ. Không đắp đê cao mà đào thêm những rạch sâu để thoát lũ ra Biển Tây, Biển Đông và cải thiện giao thông, tiếp tục truyền thống từ nhiều ngàn năm trước của nền văn minh Ốc Eo vương quốc Phù Nam cho dù cả vương quốc ấy đã tiêu vong do một cơn hồng thủy tràn ngập vùng châu thổ vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu.

Con thuyền máy chạy băng băng giữa lòng một con kinh đào mới – gọi là mới chứ cũng đã hơn năm năm rồi. Sẽ có thêm hàng ngàn cây số kinh rạch nữa được hoàn tất vào cuối thế kỷ này. Cảnh tượng nổi bật là màu vàng của rỉ sắt đã nhuốm lên mọi cảnh vật: từ gốc những cây tràm, tới thân ghe, cầu tầu, lưới cá và cả chân người ta nữa – nghĩa là bất kể vật gì nhúng vào làn nước ấy. Người ta đã thấy ngay được nanh vuốt con cọp đang im ngủ trong hang vừa bị đánh thức. Trừ đợt tôm cá trong mùa mưa do cơn lũ đổ vào, đã không có sinh vật nào sống được dưới làn nước trong leo lẻo đẫm chất phèn chua ấy, có chăng chỉ là lưa thưa mấy đám cỏ xúng chịu phèn. Người nông dân chỉ cần nhận ra giống cỏ nào là họ biết đâu có thể là khu đất gieo trồng. Và cho đến bây giờ thì họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi những trận mưa to những con lũ lớn tới rửa phèn cho đất và họ vẫn không ngừng phá rừng, giục chúng tôi trở lại ghe để có thể tới huyện Tam Nông trước khi trời đổ tối. Con thuyền máy tăng thêm gia tốc vươn tới bỏ lại phía sau những đợt sóng vàng muôn sắc dưới những vạt nắng của ráng chiều. Do yêu cầu xã giao, Hộ tới gặp Mười Nhe bí thư Huyện ủy Tam Nông. Cùng đi với Gs Hộ, có hai anh em Điền và Bé Tư, đặc biệt lần này có cả Thuận, con trai Huyện ủy Mười Nhe. Thuận mới tốt nghiệp Đại Học Cần Thơ đang phụ trách khảo sát thủy văn của vùng Tam Nông. Rất khác với người cha, Thuận cao lớn vạm vỡ trong khi Mười Nhe gầy khô và thấp nhỏ. Mười Nhe thuần nhất là con người thực dụng, trong khi Thuận thì mơ mộng, say mê công tác bảo tồn thiên nhiên và các Tràm Chim. Có thể nói Thuận là âm bản của con người Cộng Sản Mười Nhe. Thuận thấy lạc lõng với quá khứ của người cha và không thấy có liên hệ gì tới cuộc chiến tranh đã qua và cũng không muốn được nghe ai nhắc tới. Thuận học giỏi nhưng chưa bao giờ được điểm A về môn chánh trị Mác Lê; gốc gia đình cách mạng nhưng Thuận chưa bao giờ coi đó là điều đáng hãnh diện. Bản thân Thuận chưa hề có biểu hiện phấn đấu vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản thì nói chi xa xôi tới đối tượng đảng. Về phương diện hồng, có thể nói Thuận là nỗi thất vọng ê chề của Mười Nhe.

Qua sự bảo trợ của Bé Tư – như một chuyên gia điểu học, Thuận được Hội Hạc Quốc tế ICF cấp học bổng du học Âu Châu hoặc Hoa Kỳ. Không cần suy nghĩ Thuận chọn ngay đi Mỹ vì theo Thuận cái gì ở Mỹ bây giờ cũng là nhất thế giới. Không bộc lộ hay nói ra nhưng là một hiện tượng khá phổ quát từ Nam ra tới Bắc – nhất là ngoài Bắc gia đình nào cũng có một “Giấc Mơ Mỹ Quốc” ước muốn làm sao gửi cho được một người con sang Mỹ.

— Nhưng em còn phải qua được kỳ thi Anh văn trước đã! Sao mà khó trần ai! Họ thì đòi điểm phải trên 550 mà điểm em thì cứ 540 rồi 530 không sao nhích hơn lên được.

Bé Tư an ủi Thuận:

— Em vậy là khá lắm rồi, cô biết có người Mỹ chính gốc thi còn bị failed đó em!

— À mà em muốn hỏi cô, tình hình các giống hạc bên Huê Kỳ bây giờ ra sao cô?

— Toàn Mỹ Châu chỉ có Bắc Mỹ còn lại hai giống hạc. Whooping và Sandhill Cranes. Loài trên thì gần như sắp bị tiêu diệt nên đang được hết sức bảo vệ, loài Sandhill thì còn khá hơn. Hạc mới trông thì thấy giống loài Diệc – Herons nhưng hoàn toàn khác, hạc thuộc họ Grudae. Hạc bay với cổ vươn ra phía trước, nhịp cánh đập chậm hơn nhịp cánh vung lên với tiếng kêu âm vang Kar-r-r-r-o-o-o có thể nghe thấy từ rất xa. Không khác mấy với Hạc Đông Phương ở Việt Nam – Eastern Sarus Cranes, nói chung hạc ưa sống ngoài trời, làm tổ trên mặt đất và chỉ đẻ hai trứng, thích kiếm ăn tôm cua sò hến và ăn thêm cả cỏ lá trên đầm lầy và mặt bùn nước cạn – mudflats ở Florida, ở California tương tự như vùng đầm lầy Tam Nông.

Thuận khá thông minh lại rất hiếu học, luôn luôn đem theo bên mình cả băng cassette, không phải chỉ để thâu tiếng chim mà còn để luyện giọng tiếng Anh nữa. Bé Tư rất mến Thuận ở cái biệt tài giả giọng hót của nhiều loại chim muông, kể cả tiếng hạc.

Trên đường đi, Thuận tâm sự:

— Em rất muốn được làm việc lâu dài ở đây nhưng phải cái hai cha con cứ đụng nhau hoài, thiếu điều ông ấy muốn đuổi em ra khỏi nhà! Nhưng không phải ổng hoàn toàn vô lý khi làm mọi chuyện chăm lo cho đời sống bà con.

Thuận chỉ nói được tới đó, dáng kìm hãm và không muốn nói gì thêm. Trên đường đi cảnh tượng thường xuyên bắt gặp là những bãi cây tràm bị đốn chất đống ngổn ngang dọc theo mé kênh và cả ở hai bên vệ đường, kể cả những đám tràm con còn tươi rói cũng bị đốn bỏ bừa bãi không chút thương sót.

Thuận giọng bùi ngùi nói:

— Từ ngày có “Đổi Mới” dân nghèo từ khắp các tỉnh đổ xô về đây ngày một đông. Họ đang thi nhau đốn bỏ rừng tràm để có thêm đất trồng lúa hay diện tích nuôi tôm, “vì lúa hay tôm đều rất có ăn, lại còn mau ăn nữa”. Cứ cái mửng này chẳng bao lâu nữa cả Đồng Tháp Mười sẽ cạn kiệt cây tràm. Mà hết rừng tràm thì cũng chẳng còn cái gọi là tràm chim Tam Nông, thày cô ạ.

— Bộ không có chánh sách bảo tồn khu thiên nhiên Tam Nông sao em? Bé Tư nôn nóng hỏi.

— Có chứ, thưa cô. Trung Ương cũng đã có chỉ đạo việc quy hoạch và bảo tồn “làng cổ Đồng Tháp Mười” nhưng nói ra thì kỳ phép vua vẫn cứ thua lệ làng, nghĩa là không có luật pháp gì rõ ràng, vẫn cứ tùy tiện như hồi còn chiến tranh, bao nhiêu quyền hành vẫn nằm trong tay Đảng ủy địa phương. Mà Tam Nông có thể coi là trường hợp điển hình.

Bé Tư thấy xa lạ với những từ mới:

— Điển hình là sao em?

— Là mẫu tiêu biểu, giống như chữ role model trong tiếng Anh đó cô.

Cả Gs Hộ, Điền và Bé Tư cùng bật cười vui vẻ. Qua Gs Hộ, Bé Tư mới được biết thêm rằng Mười Nhe là hình ảnh hiếm hoi của những người Cộng Sản chân chính còn vương sót lại. Sinh ra và lớn lên trong vùng Đồng Tháp, chưa xong tiểu học đã vô bưng, được vinh danh là dũng sĩ diệt Mỹ thời còn chiến tranh, gan lì không ai bằng, bị hư mắt trái do mảnh bom trong một trận càn. Nay làm Huyện ủy Tam Nông, không thể nói là Mười Nhe không yêu thương quê hương Đồng Tháp. Duy chỉ có cái nhìn của hắn ta thì rất khác. Môi sinh với Mười Nhe là cái môi trường sống sao cho “dễ thở” đối với bà con. Cứu cánh ấy biện minh cho mọi phương tiện hiện đại được đem ra áp dụng “đại trà” cho khắp vùng Tam Nông. Phá rừng tràm không phải chỉ có dao quắm mà còn có cả máy cưa, đánh cá không phải chỉ có lưới mà với cả chất nổ hay điện xuyẹt, săn chim không phải chỉ có bẫy mà còn là đủ loại súng với đạn ghém và cả ống nhắm. Cảnh quan Tam Nông quê hương Mười Nhe phải nói là thay đổi từng ngày, rừng khuyết từng mảng, cá tôm bất kể lớn bé bị giết hàng loạt nổi phều, chim thường hay hiếm quý cũng giống nhau bị lùng săn như những con thịt. Nói tóm lại Mười Nhe không những đem lại cho đồng bào một đời sống “dễ thở” mà còn rất sung túc và cả hy vọng mau giàu nữa.

Khách thăm được mời một bữa ăn ê hề rượu thịt cả món hạc tiềm thuốc bắc – chắc là để kéo dài tuổi thọ, bởi vì theo quan điểm Đông Y của Mười Nhe, đó không chỉ là món nhậu mà còn là vị thuốc nữa.

Bọn du mục Tây Tạng thì tin rằng trên đỉnh núi thiêng nơi khởi nguồn con sông Mekong có một vị thần linh là con rồng Zjiadujiawangzha bảo vệ cho nguồn nước luôn an lành và nếu uống được nguồn nước ấy người ta sẽ sống lâu. Nhưng với Mười Nhe, thay vì tin phép mầu từ ngụm nước sông thì nay là miếng trần gian hiếm hoi của các “sứ giả môi sinh”. Bữa ăn nấu bằng thú hiếm gợi cho Bé Tư cả một giai đoạn tranh đấu sôi nổi thời sinh viên. Lúc ấy Bé Tư là hội viên hoạt động tích cực của “Hội Bảo vệ Thú vật Thế giới” đã cùng các bạn qua tòa Đại sứ Liên Xô ở Hoa Thịnh Đốn cực lực chống đối việc cho phép một nhà hàng ở Mặc Tư Khoa chuyên cung cấp các món ăn nấu bằng các loại thú gần tuyệt chủng. Thực khách phải trả cả ngàn đôla xanh cho một đĩa món ăn lạ như vậy, giá càng cao hơn với loài thú hiếm hoi hơn. Có lẽ lúc đó thực đơn của nhà hàng ấy chưa có được món Hạc Đông Phương như của Mười Nhe bây giờ… Mãi sau này Bé Tư mới được biết thêm có một đường dây từ các Tràm Chim cung cấp đủ loại chim kể cả loại hiếm quý cho Quán Chim, nơi lui tới ăn nhậu nổi tiếng kén chọn của giới thượng lưu ở Sài Gòn. Dưới mắt Bé Tư thì cho dù ở đâu và bao giờ, lùng kiếm ăn thịt các con thú hiếm quý sắp tuyệt chủng trên hành tinh này thì đó hành vi tội phạm man rợ.

Chỉ trong một “kế hoạch ngũ niên tự phát”, Mười Nhe đã đạt thành tích kỷ lục về những con số: dân số tăng khủng khiếp gấp đôi, diện tích rừng tràm nổi tiếng phong phú của tỉnh Đồng Tháp thì nay chỉ còn một phần ba, trong Tràm Chim chỉ riêng loài hạc con số trước đây đã lên tới cả ngàn thì nay chỉ còn khoảng 500 con. Dưới mắt người nông dân nghèo thì “đồng chí” Mười Nhe đã có công rất lớn biến vùng đệm ngập nước quanh Tam Nông mau chóng thành một quận huyện đi lên cảnh trù phú.

Mười Nhe tiếp khách trong một trụ sở Huyện mới xây cất rộng và khang trang. Trên tường là lá cờ đỏ chói lọi làm nền cho một bàn thờ hương án với tượng bán thân “Bác Hồ” lớn bằng thạch cao trắng. Không còn treo la liệt những khẩu hiệu là điều mới đáng chú ý. Mười Nhe vóc người ốm nhỏ, có nước da sạm đen hơi tái của người thiếu máu do bệnh sốt rét kinh niên, khuôn mặt xương xẩu vẻ cằn cỗi và khắc khổ, có thêm nét dữ tợn do vết sẹo lớn nơi đuôi mắt trái. Không còn nón cối dép râu như hồi nào, Mười Nhe mặc áo sơ mi trắng tay cụt với quần sậm, cổ tay với đồng hồ Seiko vàng – chiến lợi phẩm thu hoạch do thành tích đánh tư sản và người Hoa sau Giải Phóng, tay xách cặp da và đi giày da. Nơi góc phòng trang trí nổi bật là chiếc máy Tivi màu Sony 19 inches có cả “đầu máy” VCR để coi băng. “Chuyện máy móc điện tử thì phải nhờ thằng con trai tui, nó lo cho hết chơn. Cả bà con lối xóm cần chi về kỹ thuật cũng chạy sang kiếm nó.” Vừa nói vừa nhìn sang Thuận, Mười Nhe không dấu được vẻ kiêu hãnh; nhưng ngay sau đó thì trấn áp thằng con ngay: “Nó chỉ được có dzậy, chứ chuyện chánh trị chánh em thì coi như zêro. Nó quen sống trên tỉnh chỉ biết có sách vở, nghe theo người ta rồi cũng bày đặt nói tới nói lui chuyện tào lao môi sinh môi tử với tui”.

Mười Nhe được thể nói giọng xác tín với khách:

— Trước khi nghe các ông bà từ xa xôi lại đây bàn chuyện bảo vệ hạc với chim thì tui phải nói ngay rằng nhân dân huyện Tam Nông phải có một cuộc sống ngày hai bữa ăn cái đã. Những người dân đổ về đây là đám bần cố nông nghĩa là vô sản chân chính, không có lấy một tấc đất cắm dùi, quanh năm đổ mồ hôi sôi nước mắt để đi làm thuê cắt lúa thuê mà vẫn thiếu ăn. Vấn đề cấp bách đặt ra là làm sao có đất cho họ để cấy lúa nuôi tôm. Đó cũng chính là quan điểm Đảng ủy chúng tôi chấp thuận cho thu hẹp các khu rừng tràm mở rộng khu đệm để có thêm đất cấp cho nhân dân.

Mười Nhe không dấu được kiêu hãnh nói thêm:

— Diện tích trồng lúa và nuôi tôm tăng đều và nhanh hơn mỗi năm, thuế nông nghiệp nạp cho nhà nước thì vượt chỉ tiêu so với các huyện khác trong tỉnh Đồng Tháp. Đáng nói là tinh thần tự nguyện của đồng bào, không cần phải o ép ai bởi họ biết Đảng ủy thì hết lòng chăm lo cho họ.

Không mấy xa trụ sở huyện, Mười Nhe chỉ cho khách mấy ngôi nhà mới mái ngói đỏ au với cao vút lên nền trời xanh là những cột ăng-ten để bắt các kênh đài truyền hình. Ghé thăm gia đình bác Tư Trung gốc bộ đội phục viên quê ở tận ấp Phú Hòa Chợ Lách Bến Tre, tới đây chỉ với hai bàn tay trắng vậy mà chưa đầy ba năm sau đã có một cuộc sống không những đủ ăn mà còn sung túc nữa. Chỉ riêng tay Tư Trung đã chém ngã hơn năm hécta rừng tràm đem bán được cả chục triệu đồng, không những dư tiền cất nhà mới lại còn thêm đất để làm lúa hai vụ mỗi năm rất có ăn, mau thu hoạch hơn cây tràm nhiều.

Điều ngạc nhiên với Bé Tư khi về Việt Nam là đi tới đâu cũng nghe nói chuyện ăn: “làm ăn nhanh, thu hoạch nhanh và làm giàu nhanh ngay cả trong lãnh vực nghiên cứu khoa học”. Hình như sau chiến tranh mọi người chợt nhận ra rằng họ chỉ có một cuộc đời này để sống nên chẳng còn ai tin vào cái thiên đường Cộng Sản hứa hẹn ở mãi tận đời sau. Cũng theo Mười Nhe thì gia đình bác Tư Trung được coi như hộ tiên tiến điển hình của huyện Tam Nông bước vào thời kỳ “Đổi Mới” để cùng cả nước tiến lên “hiện đại hóa, công nghiệp hóa”.

Chính thày Hộ đã giúp Mười Nhe đưa lúa thần nông HYV – High Yield Variety vào khu đệm huyện Tam Nông với hy vọng giống lúa cao sản này sẽ cải thiện đời sống bà con mà không cần phá thêm rừng tràm. Nhưng mọi chuyện diễn ra sau đó hoàn toàn ngoài dự kiến của Hộ. Khoa Thủy văn Đại học Cần Thơ với dự án xây bốn ống dẫn thoát lớn từ con kinh bao quanh khu bảo tồn, thay vì để điều hòa mực nước trong Tràm Chim thì lại bị bà con nông dân tận dụng để rút nước ra khỏi khu đầm lầy để tưới ruộng trong suốt mùa khô. Đã thế do nước cạn bà con còn phá rừng mau hơn, vì ai cũng thấy trồng lúa nhất là thứ “lúa cao sản của thầy Hộ” rất có ăn. Nhưng cũng do là giống lúa rất khát nước nên mùa hạn bà con không chỉ lấy nước từ tràm chim mà còn be bờ không cho nước xuống vùng dưới khiến bà con nông dân miệt dưới thiếu nước phải kêu trời. Chẳng cần ai điều hợp hay trọng tài, Mười Nhe đã thành công phát triển riêng cho huyện Tam Nông bằng cái giá của Tràm Chim với sinh mạng của cả ngàn cánh hạc và mùa màng khô hạn nơi miệt dưới.

Mười Nhe vẫn giọng tâm sự:

— Trong chiến tranh, đồng bào hy sinh xương máu quá nhiều rồi. Chỉ mong có ngày hòa bình độc lập, Đảng ta có dịp chăm lo hạnh phúc bù đắp cho bà con. Hạnh phúc nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của Huyện ủy chúng tôi. Vậy mà vẫn có các đồng chí ở Trung Ương xuống – còn dẫn theo cả mấy ông Mỹ tóc vàng mắt xanh, có ý chê trách cách làm ăn của chúng tôi mà họ gọi là “tùy tiện”, là phá hoại môi sinh. Chứ tôi hỏi các đồng chí môi sinh là cái chi chi mà bắt chúng tôi phải hy sinh cả miếng cơm manh áo của nhân dân? Đời thuở nhà ai chỉ là khách tới nhà mà người ta bắt mình phải kê bàn thờ ông bà ở đâu sắp xếp lại hết đồ đạc trong nhà ra sao! Bọn thực dân đế quốc bao năm rồi như con đỉa nhiều vòi hút kiệt tài nguyên các nước Á Phi, bọn chúng giàu có dư ăn dư mặc rồi nay lại muốn thú vui chơi kiểng chơi chim. Chúng trở lại Việt Nam, chẳng cần biết dân ta đói no ra sao mà còn chơi cha dạy mình phải “giữ màu xanh” phải bảo vệ rừng tràm để dưỡng mấy con hạc con nông. Như dzậy đâu có được!

Rồi bao nhiêu căm thù tích lũy bấy nhiêu năm, Mười Nhe giọng sắt đá:

— Mà nói phá hoại môi sinh thì ai bằng đế quốc Mỹ trong chiến tranh vừa qua. Hồi đó tụi tôi đâu có biết sợ là cái chi nhưng đụng với chiến tranh hóa học thì chỉ biết bó tay. Để xua bọn tôi ra khỏi rừng, chúng đã không từ nan một thủ đoạn nào: dùng máy móc cơ khí hiện đại nhất cho đào kênh mương để tát cạn đầm lầy, cho máy bay rải bom Napalm và chất độc Da Cam để đốt rừng và diệt hết cây cỏ. Sau chiến tranh rừng thì còn đó nhưng hoàn toàn bị nhiễm độc và tan hoang.

Mười Nhe vẫn giọng đanh thép:

— Mất bao nhiêu xương máu, hòa bình mới đó mà đã có các đồng chí nhiều bộ phận Đảng ta đã để mất cảnh giác. Bản chất đế quốc trong chiến tranh hay trong hòa bình thì cũng dzậy thôi. Đồng chí Tổng Bí Thư sáng suốt đã dạy phải đề phòng âm mưu “diễn tiến hòa bình” của kẻ địch, dzậy mà sao nhiều người vẫn không thấy.

Rồi Mười Nhe còn bày tỏ mối ưu tư:

— Phải chi được như hồi còn chiến tranh, muôn lòng như một chỉ biết nghe theo Đảng. Chứ như bây giờ ai cũng có quyền nêu ý kiến, nhất là mấy ông tự nhận có học ở nước ngoài về, tuổi Đảng thì không biết được bao nhiêu mà đã mau chóng được cất nhắc. Hồng thì chưa, chỉ có chuyên thì làm sao mà nói chuyện lãnh đạo xuyên suốt cho được.

Rồi Mười Nhe xuống giọng buồn rầu:

— Tôi là thương binh tuổi cũng đã gọi là cao, kể ra Đảng cho về hưu cũng là phải rồi, tôi cũng muốn dành phần cuối đời lo cho gia đình mẹ già chứ không lẽ cứ như dzậy mãi sao… Nhưng rồi như vẫn còn nghe đâu đó tiếng gọi của Bác và Đảng, tôi thấy mình vẫn còn phải bám trụ hy sinh thêm nữa. Đấu tranh nội bộ như hiện nay khó lắm, bởi vì không thấy đâu là trận tuyến. Tôi vẫn nói như dzậy ở mỗi lần về họp trên tỉnh hay với các đồng chí đến từ trung ương…

Mười Nhe mắt long lanh hướng về phía bàn thờ nơi có tượng ông Hồ vẻ thành kính tưởng nhớ, giọng tiếc nuối:

— Phải chi nếu Bác còn thì đâu có tình trạng lãnh đạo chao đảo đến như dzậy… Như thằng Thuận con tui đây, không có một ngày trưởng thành trong chiến tranh khói lửa, ngoài chuyện sách vở thì nó biết cái chi mà dám lên tiếng dạy khôn tui.

Mười Nhe gầm gừ như một con cọp dữ trong khi Thuận chỉ là một con nai tơ chịu trận và ngồi nín khe.

Trên đường về, Gs Hộ kể lại:

— Không phải là không có lý khi có một đồng chí từ trung ương rất hiểu Mười Nhe bảo rằng chỉ có mỗi một cách duy nhất ngăn được hắn thôi không phá rừng tràm là phải khêu gợi lại lòng căm thù, nêu lý do mất cảnh giác về an ninh quốc phòng – “phá hết rừng tràm là phá hoại chiến khu…”

Điền anh Bé Tư đưa ra nhận xét với Hộ:

— Có lẽ cho đến hết thế kỷ này, không chỉ những người Cộng Sản Tư Bản Đỏ tha hóa mà đến cả nhóm người Cộng Sản ít oi được coi là chân chính còn sót lại như Mười Nhe, thiếu học lại cuồng tín họ vẫn còn là nguyên nhân nỗi khổ không phải chỉ trên những con người mà còn với đám cây cỏ và chim muông.

Với con mắt nhà khoa học, theo Bé Tư thì vùng đầm lầy và tràm chim không phải chỉ cống hiến vẻ giàu đẹp của quê hương thiên nhiên mà đó còn là một kho tàng phong phú về sinh học, cái nôi của chu kỳ sinh sản và tăng trưởng cho nhiều giống chim cá và các loài sinh vật khác. Đó là nơi lưu trữ nước trong mùa lũ và điều hòa nước trong mùa khô, một yếu tố để cân bằng môi sinh có từ bao lâu nay rồi, vậy mà đang có nguy cơ bị phá hủy nó.

Nhật Ký Của Người Chứng. Bé Tư thấy mình đánh mất sự hồn nhiên, thay đổi cảm xúc và cả cách suy nghĩ ở lần vội vã lên thăm con thím Ba trên Bệnh viện Sài Gòn. Giữa một Sài Gòn hoa lệ thì vẫn có một địa ngục trần gian: nơi mà người ta gọi là trại bệnh dành cho những đứa trẻ mang đủ thứ bệnh tật trong một căn bệnh chung là suy dinh dưỡng. Bé Tư không thể nào quên được cảnh tượng những đứa trẻ bụng ỏng da xương gầy gò nằm trơ trọi trong những căn phòng tường vôi thủng loang lổ, trên những chiếc giường sắt tróc sơn cũ rỉ với manh chiếu đơn khai nồng trải trên những vạt giường ọp ẹp, ngay bên một khu nhà vệ sinh ẩm thấp tối tăm với một bể nước ngập phân nổi lều bều. Chỉ cách đó không xa, băng qua một bãi cỏ tốt lút đầu, là một trung tâm Nhi Khoa khác mới xây kiêu kỳ và sang cả với cửa kính và gạch lát sáng choang, các phòng đều gắn máy lạnh, dĩ nhiên với đầy đủ thuốc men và các trang bị hiện đại dành cho con cái cán bộ nhiều tiền và thiểu số các gia đình giàu có – giá thật đắt tính bằng đôla xanh vậy mà không bao giờ còn chỗ. Khi Bé Tư tới nơi thì đã quá trễ để mà chuyển trại cứu mạng sống cho đứa con thím Ba. Một cái chết không đáng chết chỉ vì thiếu thuốc. Có bao nhiêu đứa trẻ mỗi ngày đã chết một cách âm thầm và oan khiên như vậy. Chỉ cách nhau có một bãi cỏ mà sinh cảnh đã là hai thế giới của ánh sáng và bóng đêm.

Ngày…Tháng… Bé Tư theo thím Ba Xuân đi thực tế cắt lúa thuê trong vụ Hè Thu. Từ Bến Tre “tập đoàn” thuê chung chiếc ghe bầu đi Đồng Tháp Mười. Trừ thím Ba, họ là đám thanh thiếu niên được sinh ra ngay trước sau năm 75: lứa tuổi của hơn nửa dân số bảy chục triệu người trên cả nước, họ hồn nhiên và giống nhau ở chỗ nghèo ít học không tham vọng . Điều khiến Bé Tư ngạc nhiên tới sững sờ là trong số họ có người không biết đọc biết viết lại còn sớm mắc tật hút sách và rượu chè. Thời tiết khô nắng đẹp không có gì báo hiệu là sắp có lũ lụt. Do chỗ quen cũ, đoàn lại được tới ở trọ nhà chú Mười Tân: nhà trống chơn nhưng được cái rộng nên họ chia thành các toán nhỏ, phân khoanh nằm ngay trên sàn nhà. Bé Tư và thím Ba thì được chú dành riêng cho một tấm phản ở trái bên. Còn bao nhiêu toán khác, họ cứ theo ghe lớn ghé vào mé kinh nơi có ruộng thuê gặt là đổ bộ lên bờ tách ra thành các nhóm nhỏ dựng nên những căn chòi tạm lợp bằng tấm nylon kiểu dã chiến, chỉ tạm che nắng chứ không đủ che mưa. Ăn thì đổ gạo nấu chung, tắm giặt vệ sinh thì trai gái từng toán kéo nhau xuống sông. Cả trăm nhóm như vậy từ khắp nơi đổ về trải ra khắp cánh đồng còn ngập nước. Vì cắt lúa chạy lũ nên họ phải làm tất bật từ sáng sớm tới trời tối mịt. Nắng mưa gì thì suốt ngày cũng cứ phải ngâm mình dưới nước mà cắt. Gặp lúa đứng thì còn đỡ chứ phải đám lúa ngã lẫn lộn bùn đất, thì còn phải đem xuống sông rửa trước khi đem phơi. Cứ sau một ngày thì mọi người đều mệt lử; không có ai mà tay chân không lạnh móp, bị cứa rách vì liềm hái và lúa cắt. Hạnh phúc trông chờ là cố chịu cực một tháng để có ít giạ lúa để dành ăn không phải lo đói trong một năm. Họ có khác gì đâu đám người Mễ, những công dân hạng hai vào mùa hoa trái trải ra khắp các cánh đồng bên California dưới cái nắng cháy sa mạc, để bán sức lao động với tiền công dưới cả mức tối thiểu.

Đi đâu Bé Tư cũng chứng kiến đa số người dân phải sống trong một cảnh nghèo khôn tả với vẻ chấp nhận cam chịu một cách thương tâm. Nơi phô bày vẻ sang cả thì chỉ làm cho vẻ lầm than càng tăng thêm.

“Chứng nhân cho Thiên nhiên: Sinh thái giữa Giàu Nghèo trên một Quê hương Chia lìa – Witness for Nature: A Divided Country, The Ecology of Rich and Poor”. Là bài viết gây chấn động của Bé Tư – của một người vẫn yêu mến thiên nhiên với giọng văn đam mê nhưng chừng mực, rốt ráo về những vấn đề xã hội nhưng vẫn dịu dàng. Trong khi môi sinh đang trở thành vấn đề tranh luận gay gắt trên toàn quốc, thì những dòng chữ viết đầy tình tự ấy như một dòng suối mát ca ngợi hạnh phúc giữa con người và thiên nhiên như một kết hợp hài hòa chẳng thể tách rời…

Đêm ấy ở Tam Nông, vẫn là một đêm dài vô minh, đêm bao trùm khắp Việt Nam và cả lục địa Á Châu, hòa trong tiếng nước ròng của con sông Mekong như nhịp điệu từ ngàn năm, văng vẳng bên trời giữa những tiếng hạc kêu thương, Bé Tư còn nghe có tiếng trẻ con khóc.

CHƯƠNG IX

SÔNG THIÊNG MÀ TÁT CẠN

Ruộng đồng mặc sức chim bay

Nước sông lai láng cá bầy đua bơi

(ca dao Nam Bộ)

Từ Ngọn Núi Thiêng 15 ngàn bộ trên cao nguyên Tây Tạng, từ đâu đó trong vùng trắng mênh mông của triền núi tuyết, con sông Mekong bắt đầu chảy róc rách khởi nguồn cho một con sông lớn của Châu Á, nhưng từ đây còn phải mất bao lâu nữa, trải qua bao nhiêu ghềnh thác, ngang qua bao nhiêu vùng khí hậu và dân cư để con sông xanh cuồng nộ ấy tới được Việt Nam mang tên Cửu Long ôm ấp vùng đất thiêng tỏa thành chín con rồng sáng trải dài ra tới bờ Biển Đông.

Cửu Long Giang tên ấy có tự bao giờ? Theo Gia Định Thông Chí là cuốn sách về lịch sử địa lý đất Gia Định hay là đất Nam Kỳ sau này thì tên ấy là do Trịnh Hoài Đức đặt. Tổ tiên ông gốc người Phúc Kiến bên Tàu di cư sang đất Trấn Biên (Biên Hòa) sinh năm 1765 cùng năm sanh với Nguyễn Du, đỗ đạt làm quan dưới cả hai triều Gia Long và Minh Mạng lên tới chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ hiệu là Cấn Trai. Ông cùng với Lê Quang Định và Lê Nhân Tĩnh đều là môn sinh của Võ Trường Toản, cả ba nổi danh thơ phú nên được người đương thời mệnh danh là Gia Định Tam Gia Thi. Ông mất năm 1825, năm năm sau ngày mất của thi hào Nguyễn Du. Ai cũng biết là hai con Sông Tiền Sông Hậu chỉ đổ ra tám cửa nhưng số chín mới là con số hên nên cửa Tranh Đề cũng được kể thêm vào cho dù chỉ là một thoát lưu phụ rất nhỏ. Cũng như Thất Sơn có nhiều hơn bảy ngọn núi nhưng số bảy được chọn vì cũng là một con số hên.

Nói tới Đồng Bằng Sông Cửu Long quê hai anh em Điền và Bé Tư, là nghĩ ngay tới lúa và lụt. Chung sống với lũ lụt thì có gì mới lạ đâu với những ai đã từng ở hai bên bờ những con sông ấy với chằng chịt những kinh và rạch. Rồi cứ hàng năm cùng với cơn lũ là tầng tầng lớp lớp phù sa tô bồi thì ruộng đồng nào mà chẳng thêm phì nhiêu, lại thêm bao nhiêu là tôm cá. Chưa kể thêm cái lợi con lũ rửa phèn cho đất, rửa bớt chất độc Da Cam còn nằm sâu lắng đâu đó trong các khu rừng chết từ sau cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Không biết đã bao lâu rồi nhưng Điền thì không bao giờ quên trận lụt lớn nhất năm đó khi Điền mới mười tuổi. Bấy giờ là khoảng giữa tháng Năm, nước quay kỳ nhất từ thượng nguồn đổ về thật đậm một màu đỏ như son.

Màu đỏ không phải chỉ có phù sa, có năm còn trộn lẫn máu người ta nữa. Cha Điền nói vậy không giải thích gì thêm và chỉ sau này lớn lên Điền mới thật sự hiểu.

Với con nước ấy ai cũng biết sắp tới mùa lũ – mà có lẽ lũ lụt lớn bởi thêm cái điềm bày kiến vàng thì bỏ tổ tha trứng lên các ngọn cây cao và cả bầy ong muỗi từ núi bay về cũng làm tổ trên cao hơn mọi năm. Rất khác với con Sông Hồng dữ dằn, Sông Tiền Sông Hậu như từ bao giờ, do một phần lũ chảy ngược về Biển Hồ nên cho dù có lụt lớn thì con nước vẫn ổn định dâng lên từ từ tràn bờ rồi chảy ra chan hòa.

Nhưng riêng năm ấy sao vẫn bất ngờ quá, trận lũ không những đã lớn hơn, dâng lên nhanh hơn lại còn sớm hơn mọi năm tới một tuần trăng khiến không có nhà nông nào trở tay cho kịp. Con nước cứ thế chảy phăng phăng về suôi kéo theo những cành khô những giê lục bình man mác trổ bông tím. Và cứ thế mỗi ngày mực nước dâng cao thêm hai ba tấc, ngay cả ruộng sạ với lúa mù lúa nổi cũng không cách nào phóng ống kịp và đành chịu ngộp. Nước ngập hết cả kinh rạch ruộng đồng, nước chảy mạnh tràn qua các lộ xe, không sao phân biệt được đâu là sông đâu là đồng. Con nước năm ấy sao lên cao quá, ở vào khu trũng nước dâng gần ngập tới nóc nhà, lại thêm cây lá bị sóng đánh te tua. Trên mái nhà lá hay tôn, ngoi ngóp người và chó, cả thêm mấy con gà đứng cú rủ, chỉ có mấy con vịt chịu nước thì lông cánh vẫn mượt mà. Điền và hai em cùng cúm rúm ngồi trên đó, trừ Bé Tư là con gái mắc cở thì mẹ cho mặc quần, còn hai thằng con trai thì ở chuồng luôn cho khỏi bị quần áo ướt. Bầu trời thấp xuống, lúc nào cũng sâm sẩm như sũng nước, mãi tới giữa trưa mới thêm được chút nắng ấm, nhưng phía dưới vẫn là con nước dâng cao lạnh lẽo bao la, chẳng còn bóng dáng đâu là ruộng lúa vàng, chỉ còn lấm tấm trên mặt nước là những bông điên điển mới trổ một màu vàng tươi nhấp nhô trên những gợn sóng. Điền theo cha từ sáng sớm xuống xuồng đi hái bông điên điển rồi đi vớt mớ cá linh.

Lục bình bông tím

Điên điển bông vàng

Điên điển mọc ở đất làng

Lục bình trôi nổi…

như phường hát rong

Cây điên điển người Khmer gọi là Srock Snor thân cỏ mọc khắp các mé rạch bờ sông, bông màu vàng hái sớm mà trộn gỏi tôm càng thì hết sẩy, đem nấu canh cũng rất ngon. Nếu hái trễ khi nắng đã lên cao, ăn không còn ngon nữa mà có vị đắng.

Quên hết cả mưa lụt và gió lạnh, Điền thích thú với những con cá trắng nhỏ ánh bạc vùng vẫy trong lưới. Mùa mưa ăn cá trắng, mùa nắng ăn cá đen. Chỉ mới hơn nửa buổi mà cha con đã vớt được cả mấy thùng thiếc cá; giữ chút để ăn và phần làm nước mắm còn bao nhiêu đem ra chợ bán. Gọi là chợ chứ chỉ có lơ thơ mấy cái sạp gỗ tre tạm rời sát ra khúc lộ cao chưa ngập nước để phục vụ kiểu dã chiến.

Có mấy giạ lúa đen do cha Điền hụp lặn dưới nước cắt mót được trước đây ít hôm thì cha con ôm vác ra con lộ phơi. Cực thì có cực nhưng không than thở mà vẫn cứ kiên trì chịu đựng – đã cứ như vậy từ hơn 300 năm nối tiếp các thế hệ những người lưu dân Thuận Quảng theo chân Chúa Nguyễn vào khai phá những vùng đồng lầy hoang vu với trên rừng muỗi kêu như sáo thổi, dưới nước đỉa lội như bánh canh và hai bên bờ là đầy những thần linh ma quỷ, lẫn cả rắn độc và cọp sấu. Tới đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh dây thì về. Vụ lúa hè thu kỳ ấy kể như mất trắng tay, chưa kể tổn thất về nhân mạng mà đa số là con nít trong đó có thằng Sanh bạn học từ lớp năm kể như chí thân của Điền. Mất mát đau thương, gì thì gì – ai cũng lăm lăm chỉ chờ cho con nước giựt là sửa sang dọn sạch nhà cửa, đem chút lúa giống còn sót gieo xuống và kể như làm lại từ đầu. Mà có bao giờ trễ đâu để mà làm lại từ đầu.

Nói gì thì nói, kỷ niệm về tuổi nhỏ nơi quê Điền nhiều điều vui hơn buồn. Thiên nhiên giàu có và cả vô tình, đôi khi khắc nghiệt nhưng cũng rất chiều đãi con người. Không có lũ lụt thì lúa gạo lại thừa thãi, vườn cây ăn trái trĩu nặng sum suê, tôm cá ếch thì đầy đồng. Chiều chiều quạ nói với diều, cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm. Không những nhiều mà còn đầy hương vị đặc sản thơm ngon của đồng nội cây vườn.

Điền nhớ mỗi lần hè sang thăm bà nội ở Bến Tre là kể như đã nư, tha hồ ăn me dốp, uống nước dừa xiêm, ăn kẹo dừa, bánh phồng dừa, ăn tôm rang nước dừa, món đuông dừa chiên, lại còn món cá kho tộ, canh chua cá bông lau nội nấu cho ăn thì khỏi chê. Mãi những năm sau này sống ở nước ngoài, chưa bao giờ Điền được ăn lại những “món lạ Miền Nam” ngon như vậy, uống một ly nước dừa xiêm có hương vị quê hương như vậy. Cùng với Bồng Sơn Tam Quan ở ngoài Trung, thì Bến Tre quê nội Điền là xứ dừa trong Nam – thứ cây mà theo Điền thì từ rễ tới ngọn đều có ích cho con người. Có phải vì vậy mà đồ án tốt nghiệp của Điền ở trường Kiến Trúc nổi tiếng San Luis Obispo không phải là một thương xá hiện đại – big mall ở Hà Nội hay Sài Gòn mà lại là một căn nhà ánh sáng toàn làm bằng chất liệu từ cây dừa cho người nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long. Giai thoại ruộng đồng với cò bay thẳng cánh sau này chỉ còn trong trí nhớ của Điền bằng những lần đi săn chuột đồng hay đi bắt cò. Điền đã từng theo thằng Hộ ra đồng, hai đứa lấy sình non trét đầy mình chỉ chừa có hai con mắt, xong rồi nằm xuống giữa ruộng chờ cho bầy cò bay tới, thôi thì đủ thứ cò trâu cò ma lò lửa… chỉ chờ con cò nào gần tầm tay nhất là chồm bắt ngay lập tức. Thằng Hộ thì lì, không sợ bị cò mổ đui mắt nên nằm chờ bao lâu cũng không hề nhúc nhích nên chỉ có nó là bắt được cò, riêng Điền thì không nhưng bù lại cùng với Bé Tư hai anh em bắt được bao nhiêu là còng đem về cho bà nội nấu bún riêu hay làm mắm. Bắt cò thì vui nhưng nghe nói thịt cò trâu thì tanh, thịt cò ma có ngọt hơn nhưng cái khoản cháo cò hay ăn thịt chuột đồng thì Điền vẫn thấy nhợn và không ham.

Gặp lại Hộ sau này, bây giờ đã có bằng tiến sĩ rồi chứ ít sao, nhắc chuyên săn chuột bắt cò khi xưa thì nó chỉ cười. Nó vẫn cứ gắn bó với ruộng vườn nhưng lại thêm đam mê khác. Nếu không bận dạy học nghiên cứu thì cũng thấy nó suốt ngày với đám sinh viên Nông Lâm bất kể nắng mưa, loay hoay ngoài các thửa ruộng, thăm nom mấy đám mạ mới cấy. Hộ đang thử nghiêm kỹ thuật trồng lúa thâm canh bốn mùa rưỡi mỗi năm bằng cách luân phiên cấy và gặt hàng tuần các lô được chia đều trên những thửa ruộng, với hy vọng nâng mức thu hoạch mỗi mẫu từ 15 tấn tới 30 tấn bảo đảm nâng mức xuất khẩu và tiêu thụ cho Việt Nam trong suốt thế kỷ tới. Chính Hộ đã có công đầu đưa giống lúa Thần Nông vào Đồng Bằng Sông Cửu Long, cái công của nó chính là thuyết phục được bà con cô bác nông dân bỏ được thói quen canh tác cũ bỏ lúa giống cũ mà chấp nhận thay bằng thứ giống lúa lùn xấu xí nhưng lại là thứ lúa cao sản; để rồi sau này bà con đặt thêm cho cái tên là “Lúa Honda” bởi vì giống lúa ấy đã giúp bà con làm ăn sung túc có tiền mua xe gắn máy Honda, máy phát điện Honda để có điện buổi tối bắt coi các kênh đài truyền hình và chương trình được ưa chuộng nhất vẫn là tuồng cải lương tối thứ Bảy thứ đến là tiết mục “Thày Hộ” lên đài giải đáp thắc mắc cho bà con nông dân…

Cái thành tích đưa Việt Nam lên hàng thứ hai thế giới về xuất cảng lúa gạo phải kể tới công của Hộ với Phân Khoa Khoa Học Canh Nông Đại Học Cần Thơ – Điền thì nghĩ vậy nhưng Hộ bảo đó trước hết là công lao của bà con, rồi tới công của Liên Hiệp Quốc và Viện Lúa Gạo Quốc Tế…

Nói gốc gác thì Hộ là trí thức cũ của Miền Nam người Bến Tre – quê hương của Đồng Khởi, xuất thân từ gia đình nông dân vạm vỡ khỏe mạnh, nhà nghèo nhưng là học trò giỏi của trường trung học Mỹ Tho, đậu tú tài hạng ưu được học bổng Colombo du học Úc Châu. Tốt nghiệp kỹ sư canh nông nhưng lại còn đậu thêm bằng Tiến sĩ với một luận án đồ sộ về “Hệ Sinh Thái Vùng Hạ Lưu Sông Mekong – The Ecosystem of the Lower Mekong Basin”. Được mời ở lại giảng dạy nhưng chưa bao giờ Hộ có ý nghĩ sẽ chọn sống ở nước ngoài. Con đường trải qua của Hộ như một trí thức dấn thân có thể nói là lắm chông gai nếu không muốn nói là gian khổ, để bám ruộng bám đất sống chan hòa với cây cỏ và cô bác bà con.

Sau 75, rất ít quan tâm tới tình trạng một trí thức bị “lưu dung” – chứ không phải “lưu dụng” khác nhau lắm chỉ một cái dấu nặng, một bác sĩ cũ ở bệnh viện Phủ Doãn ở lại Hà Nội sau 54 đã cay đắng nói với Hộ như vậy, cho dù đã 25 năm sau. Hộ vẫn làm việc 14 tới 16 tiếng mỗi ngày, năng nổ hơn cả đám được bình bầu chiến sĩ thi đua. Ngoài ra Hộ còn trực tiếp trông coi tờ báo nhằm phổ biến những kiến thức khoa học phổ thông tới bà con. Từ chuyện gần như viết bài về cây mù u, cây so đũa sau sân nhà tới chuyện xa như phi thuyền con thoi bên xứ người ta. Chuyện phi thuyền con thoi thì có chi là lạ, người ta đi đi về về như cơm bữa vậy mà Hộ cũng vẫn phải trả giá: tên Năm Lộc trình độ văn hóa lớp bảy, đảng viên tuyên huấn thì lúc nào cũng lên lớp về sự tất yếu của tính Đảng trong khoa học và bắt Hộ phải thêm vào cái tin ấy một lời bình rằng, cho dù Mỹ có phi thuyền con thoi nhưng tiến bộ không gian của Liên Xô thì vẫn hơn xa Mỹ tới nửa thế kỷ. Trong cuộc họp tòa soạn Hộ thẳng thắn nói ra là chuyện đó không đúng, bằng cách dẫn chứng với những hình ảnh và tài liệu. Kết quả là tin phi thuyền con thoi không được xuất hiện trên tờ báo. Hộ bảo rằng chẳng thà như vậy chứ không thể có “thông tin sai lạc – disinformation” trong lãnh vực khoa học. Hộ cho rằng đây không phải chuyện đấu tranh giữa mới và cũ, giữa Tư Bản và Xã Hội Chủ Nghĩa mà là giữa sự thật và gian dối. Cho dù chỉ một bước chấp nhận sự gian dối, chính Hộ cũng sẽ mau chóng tuột dốc tha hóa như một số các bạn đồng sự ở ngoài Bắc. Theo cách suy nghĩ của Hộ thì cho dù ở đâu và bao giờ thì mỗi người dân cũng phải chịu một phần trách nhiệm về cái tốt cái xấu của cái chế độ mà mình đang sống. Vụ cải cách ruộng đất đấu tố như ở ngoài Bắc khó mà thực hiện được với đồng bào ở trong Nam, nếu có đi chăng nữa thì cũng không tệ hại tới mức như vậy.

Hộ người Nam giao thiệp rộng, có nhiều bạn Bắc Kỳ lẫn bạn ở ngoại quốc. Kể cả những người bạn Nhóm Cửu Long chưa hề giáp mặt chỉ biết qua mạng lưới Internet với mẫu số chung là mối quan tâm về tương lai con sông Mekong và môi sinh của Đồng Bằng Cửu Long. Trong số những người bạn ấy phải kể tới bác sĩ Duy đang sống ở Mỹ, hiện là giáo sư về Sinh Học Phân Tử và Di Truyền thuộc Đại Học Stanford. Duy sinh đẻ ở Bắc, lớn lên trong Nam, tốt nghiệp ở Mỹ. Gốc Bắc chay nhưng Duy có cái nhìn rất quá khích về nền văn minh sông nước của Đồng Bằng Cửu Long. Theo Duy thì bước vào thiên niên kỷ tới, trung tâm nền văn minh Việt Nam không còn là châu thổ Sông Hồng hay Sông Mã mà là vùng Châu Thổ Sông Cửu Long. Có những nền văn minh một thời huy hoàng nhưng cũng không tránh được quá trình già cỗi qua thời gian và cả không gian với ảnh hưởng môi trường mà chính con người đã tác động lên đó. Dùng thuật ngữ di truyền học thì bảo rằng “gene” của nền văn minh ấy đã bị suy kiệt và biến thể – “defective gene”. Chỉ trong vòng 50 năm trở lại đây, cuộc chiến tranh kéo dài và đất nước phân chia, con người và ngôn ngữ bị tận dụng cho những mục tiêu chính trị phân hóa và dối trá nên đã làm cho nó bị kiệt quệ. Chữ không còn mang nghĩa thật của nó nữa, tâm và thân đã không còn là một. Đến cả những con người tử tế bình thường cũng đã trở thành một hình tượng văn học hiếm hoi. So với chiều dài của lịch sử thì khoảng thời gian đó không nghĩa lý gì nhưng lại có một tác dụng “đột biến hủy hoại – detrimental mutation” trên cội rễ của nền văn minh ấy. Vẫn theo Duy, thì cái “gene” trẻ trung khỏe mạnh của nền văn minh sông nước Châu Thổ Sông Cửu Long sẽ chinh phục thay thế và có cả tiềm năng phục hồi cái di sản khánh kiệt của cả nước…

Không chia xẻ quan điểm phủ nhận triệt để của Duy nhưng cái nhìn quá mới mẻ ấy cũng khiến Hộ phải suy nghĩ. Riêng Hộ thì vẫn cả tin về về một nền Văn Minh Lúa Gạo – Civilisation du Riz hay nói rộng hơn là nền Văn Minh Miệt Vườn, cái nôi của những thế hệ tiên phong khai phá, với những con người chất phác thẳng thắn nhưng hào sảng chưa bị khô cứng méo mó đi vì những hủ tục hình thức lễ nghi ràng buộc. Cả đất nước muốn phục sinh đang cần một thứ trật tự đơn giản và hồn nhiên như vậy.

Vào mùa lụt, nhiều khúc đường ngập nước không di chuyển được bằng đường bộ nên phải dùng thuyền. Vẫn là khí hậu nhiệt đới với những cơn mưa rào chợt tới cũng như chợt tạnh. Không thiếu những cơn gió mát thổi vào mặt mang theo những hạt bụi nước từ các con sóng bạc đánh tung tóe vào mạn thuyền. Không phải là lần đầu tiên Bé Tư về thăm quê, nàng đã nhiều lần về thăm các Tràm Chim mà bấy lâu nàng đã dốc công vận động từ các Nhóm Bảo Tồn Hoa Kỳ ACG, Quỹ Môi Sinh Thế Giới WWF, Hội Hạc Thế Giới ICF… để có tài chánh hỗ trợ.

Say mê khảo sát đời sống chim muông, tốt nghiệp Đại Học Colorado, Bé Tư trở thành nhà nghiên cứu rất trẻ và uy tín về ngành Điểu Học – Ornithologist, và bảo tồn môi sinh. Tràm Chim Tam Nông với Bé Tư là hình ảnh một thiên đường trong trí tưởng, gần gũi ngay trên quê hương nhưng cũng lại là một Shangri-La rất xa xôi kỳ ảo còn vương sót lại trên hành tinh này. Bé Tư cũng sớm nhận ra Tam Nông không chỉ là sinh cảnh của những rừng tràm mênh mông với đủ loại cây cỏ nhiệt đới trên một vùng đầm lầy, nhưng đó còn là cái nôi của chu kỳ sinh sản của hàng trăm loài nhuyễn thể – invertebrates, cộng thêm với bao nhiêu loài tôm cá được con lũ sông Mekong hàng năm đổ thêm vào, như một nguồn thức ăn vô tận cho các loại chim muông. Bé Tư cũng không tránh được ngạc nhiên khi thấy những con sếu non đã tăng gấp đôi sức nặng chỉ trong vòng ít tuần lễ về sống ở Tràm Chim. Đã từ mấy năm rồi, cứ vào khoảng mùa khô từ tháng mười tới tháng năm, Bé Tư thu xếp về đây như chuyến hành hương để chiêm ngưỡng các đoàn di điểu từ những phương trời xa, rất xa lũ lượt hội tụ về đây. Mỗi lần về thăm để thấy vui thêm khi thấy các đoàn di điểu về ngày một đông hơn…

Sau những năm tháng thuyền nhân, thì đây là lần đầu tiên Điền theo chân Bé Tư trở lại Việt Nam và thời tiết bây giờ thì đã bước qua mùa mưa. Tâm cảnh Điền khác xa với em, đã từng khổ sở về những năm lính tráng, rồi trầy trật với những chuyến đi vượt biên đổ bể bị bắt vào tù, từng bị công an xả súng bắn vào ghe, bị tra tấn dã man còn để lại những vết sẹo hằn phải khâu trên má trên trán. Biết khác chánh kiến, hai anh em dứt khoát không bàn sang chuyện thời thế. Chuyến đi của Điền có chủ đích rõ rệt và cũng theo lời yêu cầu của Hộ là khảo sát tính khả thi của “dự án căn nhà nổi đầy ánh sáng làm toàn bằng chất liệu cây dừa” trong Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Tốt nghiệp từ một trường Kiến Trúc San Obispo danh tiếng, Điền đã hoàn tất bước đầu nghiên cứu sử dụng sơ dừa trộn đất sét với trữ lượng gần như vô tận từ mỏ sét Bến Cát, đều là những nguyên liệu tại chỗ, cộng thêm với các hóa chất tạo ra một loại vách tiền chế drywall, chịu đựng được khí hậu khô-ẩm và cả không thấm nước trong mùa lũ lụt.

Điền hoàn toàn chia xẻ quan điểm môi sinh của Hộ. Chống lại quan điểm Nhóm Thủy Lợi Trung Ương qua kinh nghiệm Sông Hồng với kế hoạch dự chi hàng tỉ đô la để làm đê chống lũ: tức là cắt đứt nguồn sống từ ngàn năm của vùng đồng bằng châu thổ. Hộ chủ trương thích nghi chung sống an toàn và hạnh phúc với lũ, tận dụng các nguồn lợi vô tận của lũ về phù sa, thủy sản cũng như mượn lũ làm vệ sinh đồng ruộng. Hộ còn đi xa hơn khi say mê nói về cảnh quan đẹp hùng vĩ của Đất Phương Nam vào mùa lũ như một tiềm năng phát triển ngành du lịch trong tương lai. Theo Hộ thì Đồng Bằng Sông Cửu Long kể cả hai mùa mưa nắng đều có những nét chấm phá độc đáo không giống với bất cứ khúc sông nào trên thượng nguồn và cảnh quan tràn đầy sức sống ấy sẽ là những hình ảnh hấp dẫn ống kính của du khách: những khu nhà vườn quanh năm xanh rợp bóng cây trái, những chợ nổi ở Vàm Rạch Cái Bè, chợ nổi Phụng Hiệp hay Ngã Bảy nơi hội tụ của bảy con kinh thẳng tắp tỏa ra như một ngôi sao nước sáng mà người Pháp từng gọi là Les Etoiles, những làng nổi nuôi cá hiện đại nơi ngã ba sông Châu Đốc, vùng Thất Sơn với các Ông Đạo huyền bí một thời, rồi di chỉ Ốc Eo của nền văn minh Vương Quốc Phù Nam, tới Tràm Chim Tam Nông với vũ điệu sếu và những đoàn di điểu…

Hộ cả quyết đó không chỉ là mơ ước mà đã là hiện thực trong kế hoạch của Tổ Chức Du Lịch Thế Giới WTO khi quyết định chọn sông Mekong như một trong 10 địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới năm 2000… Khó mà ngưng được khi Hộ bắt đầu nói về tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long như một chân trời xanh mở ra bát ngát.

Điền dự định sẽ dựng một căn nhà mẫu đầu tiên trên nền nhà cũ của người cậu, vốn nằm trong vùng thấp lại là vách đất nền đất và mái gồi nên siêu vẹo đến tiêu điều qua mấy trận lụt. Ông cậu nay là giáo viên hồi hưu, nguyên là thày dạy cũ của Hộ và Điền trước kia, bao năm vẫn sống thanh bạch trong căn nhà ấy. “Thời này sống như một người lương thiện cũng khó lắm con ạ.” Như một lời răn, ông chỉ nói xa xôi như vậy, không than thở và chưa hề trách cứ ai. Điền có tâm nguyện căn nhà mẫu đầu tiên, công trình tim óc của Điền bấy lâu sẽ đặc biệt dành cho một con người tử tế. Điền tưởng tượng là sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu nếu như căn nhà mẫu ấy – cũng với cái sườn ba gian hai chái không phá vỡ sự hài hòa của thiên nhiên nhưng hiện đại hơn, được bà con nông dân chấp nhận và ưa chuộng để trong một tương lai gần có thể đưa vào quy hoạch và phát triển cho toàn vùng.

Trước khi đi Tràm Chim, Hộ đưa hai anh em Điền đi thăm khu chợ nổi ở Vàm Rạch Cái Bè trên Sông Tiền, như một tụ điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Buổi sáng sớm vào một ngày họp chợ trên sông quy tụ hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ. Khung cảnh náo nhiệt cứ như một ngày trảy hội. Những chiếc xuồng tam bản chở đủ loại trái cây thổ sản rực rỡ màu sắc: cam vàng quýt đỏ chuối dừa tươi rói như vừa mới hái từ trên cây còn dính theo cả lá xanh, có cả trẻ thơ nữa theo mẹ ra chợ ngồi tụt thỏm giữa lòng ghe … Trên mỗi chiếc ghe nhỏ thường do một người đàn bà trên đầu cuốn khăn rằn hay khuôn mặt khuất sau chiếc nón lá đứng phía đuôi vừa chèo vừa lái hướng về những con thuyền buôn lớn đang thu mua đủ các loại nông phẩm cây trái để đem về bán cho các vựa chợ Cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn hay các chợ bên Cam Bốt lên tận Nam Vang. Nhìn từ xa cứ giống như một đàn heo con đông đảo quấn quýt bám lấy vú mẹ. Nếu là những chiếc ghe có mui bít bùng thì hình thức tiếp thị – marketing là một cây sào cao như một thứ cây nêu trên đó có treo lủng lẳng mỗi thứ cây trái hay rau bắp có trong ghe để bà con kiếm mua nhận biết.

Con thuyền của chúng tôi phải lách tới lách lui để khỏi phải đụng vào những chiếc ghe khác. Bác tài công dẫn chúng tôi bước lên một chiếc ghe lớn lót ván đủ rộng để làm quán cà phê, hủ tiếu, rượu và thuốc lá kể cả thuốc lá ngoại ba số 5. Sau bao nhiêu năm Điền mới lại được thấy ly cà phê đen bít tất đổ ra đĩa húp và ăn điểm tâm bằng một chiếc bánh bao vừa lấy từ quả hấp ra nóng hổi. Cảnh tượng tươi mát và bừng bừng sức sống ấy như một phát hiện quá mới mẻ và hấp dẫn đối với Bé Tư sau bao năm xa quê nhà: chỗ này ghe máy đang bơm bán săng dầu cho mấy chiếc thuyền đuôi tôm, nơi kia là ghe có dấu chữ thập đỏ của y tá hành nghề chích thuốc dạo, lại còn cả những chiếc ghe hàng trên sông bày đủ thứ đồ giống như tiệm tạp hóa lưu động, có cả ghe xay lúa phục vụ dã chiến ngay tại chợ cho bà con.

Nền văn minh sông nước là thế đấy, Hộ nghĩ phải tạo cơ hội cho Duy một lần về thăm, thăm cả Khoa Y của Đại Học Cần Thơ đang cần thêm trang bị và cả nhiều chất xám. Thế rồi buổi chiều tan chợ thì cả cái thị trấn nổi ấy như biến mất chỉ còn lại là một khúc sông dàn trải mênh mông và vắng lặng, với thỉnh thoảng mới dội lên tiếng máy nổ của chiếc “vỏ lãi” tốc hành chở đầy hành khách vun vút ngang qua để lại phía sau là những đợt sóng lớn vỗ vào bờ làm chòng chành cả chiếc ghe tam bản .

Sau một ngày ở Cái Bè, chúng tôi vẫn chọn đường sông như một thứ xa lộ nâu êm mát và trữ tình để di chuyển. Cảnh đẹp bình minh rồi lại hoàng hôn trên sông.

Đêm xuống con thuyền đi ngược dòng vào khúc sông hẹp chỉ thấy đèn dầu leo lét thưa thớt dọc hai bờ kinh, mảnh trăng non mới hé lên cao, văng vẳng đâu đó tiếng hát hò như xa như gần, như âm vang từ đất từ một quá khứ hoang sơ theo từng cơn gió thoảng. Xứ đâu có xứ lạ lùng, con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh.

Con thuyền phải len lách giữa những dấu đèn để tránh những lưới cá trên sông và rồi cũng tới được Tràm Chim trên một vùng đầm lầy lúc trời tảng sáng. Có người dẫn đường, chiếc ghe vẫn phải luồn lách giữa một rừng tràm và lau sậy rậm rạp và cả gây động khiến đám vịt trời hoảng sợ rào rào cất cánh tung bay và kêu lên quàng quạc.

Cảnh quan kỳ lạ của một vùng sinh thái nhiệt đới phong phú phồn tạp nhưng cũng đầy vẻ mong manh. Trong rừng cây là cả một rừng chim và tổ chim với bao nhiêu ngàn tiếng chim lảnh lót xa gần. Như âm vang từ vùng ký ức tuổi thơ, Điền còn nhận ra tiếng con chim bói cá – hay thằng chài và tiếng chim cu ghì đâu đó trong lùm cây đằng xa. Rồi một cảnh tượng tuyệt diệu với trước mắt là từng đàn hàng trăm những con sếu đầu đỏ với đôi chân cao hàng thước được bảo vệ sống thanh bình trong tràm chim ngày ngày nhẩn nha đi kiếm cá ăn rồi từng đôi múa lượn khoe sắc rộn rã.

Bé Tư kể cho Điền nghe tên những giống chim quý như loài sếu cổ đen_ Black Neck Stork, loài vạc Á Châu cổ đỏ – Greater Adjutant Stork… chỉ có ở Việt Nam mà trước đây ít năm tưởng có nguy cơ bị tiêu diệt, thì nay đang dần được phục hồi. Lần đầu tiên chỉ mới những năm rồi người ta lại thấy xuất hiện những Cánh Hạc Đông Phương – Eastern Sarus Cranes, đẹp mĩ miều với chiếc cổ dài trắng muốt đầu đỏ có điểm trắng thân mình thon thả trên đôi chân hồng thanh cao và dáng đi sang cả. Con số không phải chỉ hàng trăm mà là hàng ngàn cánh hạc như những đàn di điểu cuối cùng còn sót lại của vùng Đông Nam Á bay từ hướng đông về sống trong các Tràm Chim… như một tin mừng không chỉ cho Việt Nam mà với cả thế giới nữa. Các ông già bà cả ở vùng Đồng Tháp thì cho đây là một điềm lành_ không chỉ là đất lành chim đậu mà hơn thế nữa với quý điểu như loài hạc chỉ chọn tới ở vùng đất được coi là linh địa bên bờ những con sông thiêng.

Họ cũng tin rằng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có lẽ ở Thất Sơn có một loại cây cực hiếm quý tên là Ưu Đàm có đặc tính là cứ ba ngàn năm mới trổ hoa một lần và mỗi lần có Hoa Ưu Đàm là có một vị Phật ra đời cứu rỗi cho cả nhân loại. Bây giờ tuy mới bước vào Thiên niên kỷ thứ ba nhưng theo Phật Lịch thì đã là năm 2544 – như vậy trong vòng chưa đầy 500 năm nữa Cây Ưu Đàm sẽ lại nở hoa nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long trên vùng đất thiêng và riêng với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương thì tin rằng Phật Thầy sẽ tái sanh “để lâm phàm trợ thế”.

Cả Người và Đất như đang vật vã giữa cơn nắng hạn chỉ cầu sao sớm có được ngọn nước mát từ một cơn mưa rào…

Điền miên man nghĩ tới thế hệ như Bé Tư, sinh giữa những năm cao điểm của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, nó sinh vào ngày Tết Mậu Thân, cuộc chiến ấy kết thúc khi nó mới vừa bảy tuổi, nên cũng khó mà bảo rằng Chiến Tranh Việt Nam là cuộc chiến của thế hệ chúng nó. Và cũng dễ hiểu nếu như chúng không phải mang trên lưng cái quá khứ u buồn nặng chĩu và cứ thênh thang đi tới.

Bất chợt Bé Tư quay sang hỏi anh: “Tiếng Việt, tuổi hạc có nghĩa chi hả anh Hai?” “Là tuổi thọ đó Bé Tư.” Điền vẫn muốn thân thương gọi tên em như hồi còn sống với cha mẹ ở quê nhà. Bé Tư bây giờ đang học thêm khóa tiếng Việt ở trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội trong các kỳ hè với mơ ước được trở thành cô giáo – không phải chỉ ở trường Đại Học Cần Thơ theo lời mời của Hộ mà cả nơi ngôi trường quê từ bao năm Bé Tư và các bạn từ thời còn sinh viên đã dốc công yểm trợ.

Hai anh em về tới Sài Gòn, đường đâu đã xa chi mấy mà cũng đã rất ít ai biết tới chuyện lũ lụt, kể xa chi tới đồng bào tận hải ngoại, hoặc giả nếu có nghe nói thì cũng dửng dưng và xa xôi ở tận trời Âu hay Bắc Mỹ nếu có ai động lòng bạo miệng bàn tới chuyện cứu lụt thì cũng sẵn có người bảo một đồng cũng không giúp – phải để cho chế độ ấy nó lộ hết bộ mặt xấu của nó ra…

Bé Tư thì có những nỗi bận tâm riêng của cô, không phải chỉ có các tràm chim, cô còn sôi nổi bàn với anh về dự án dựng lại ngôi trường làng sao cho các thầy cô vẫn có thể tới trường và trẻ con không phải bỏ học trong suốt mùa lũ lụt.

Xúc cảm trước sự hồn nhiên trong trắng của em, Điền hiểu rằng bản thân anh rồi ra cũng như mọi người, rồi cũng phải cố quên đi những thù hận, những ngày đen tối của chiến tranh bom đạn, vũ khí hóa học với chất độc Da Cam, những Cánh Đồng Chết, cảnh đầy máu me chết chóc của những chiếc ghe vượt biên bị B40 bắn tan trên các ngả sông lạch… để trở về với con nước ấy tắm gội và rũ sạch bụi trần, để sống hạnh phúc với những con lũ đổ xuống mỗi năm với hai mùa mưa nắng bên bờ con sông thiêng không bao giờ bị tát cạn.

Bạn đọc có thể tải bản PDF phần 2 của tác phẩm tại đây: http://vietecology.org/Download.aspx/Download/9

Comments are closed.