Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 9)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XIII

LÊN VỚI BÌNH MINH TẠ LỖI VỚI ĐIÊU TÀNCH 13_ Bà Mẹ Cửu Long

Bà mẹ Cửu Long

Ta tụng ngàn năm Quán Thế Âm

Chúng sinh ta khóc nỗi mê lầm…

Tình thương từng giọt rơi trên đá

Vô Ngã

Người Chà Châu Giang. Những căn nhà sàn san sát vách ván lợp ngói hai bên bờ Sông Hậu. Họ gốc người Chăm do giao tiếp với người Mã Lai theo đạo Hồi nên người Việt Miền Tây tưởng họ cũng là Mã Lai nên gọi là Chà.

Ngược dòng lịch sử có thể nói có hai đợt người Chăm tới đây. Khoảng 1755 Nguyễn Cư Trinh sau khi đẩy lui người Khmer dâng “kế tàm thực” lên Chúa Nguyễn xin dùng người Chăm ngăn người Khmer và được Chúa Nguyễn chấp thuận.

Ông chiêu dụ được số người Chăm trốn loạn sang Cam Bốt, nay đưa họ về lập thành các đạo quân Côn Man giao cho việc làm quân trấn thủ các vùng Tân Châu Hồng Ngự Châu Giang, đồng thời cho họ tự lo khai khẩn.

Khoảng 1833 do có một số người Chăm theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình Minh Mạng, nên đã có một đợt tàn sát khủng khiếp người Chăm ở khắp các tỉnh Miền Trung, những người sống sót một số trốn lên Miền Thượng hoặc thoát sang Kompong Cham Cam Bốt, một số chạy vào Nam sống lẫn trong khu người Chăm Châu Đốc. Đến thời Thiệu Trị cho dù có chánh sách chiêu an nhưng họ vẫn không trở về ngoài số người trốn lên núi rừng cao nguyên là trở lại Ninh Thuận Bình Thuận sống tới nay.

Trong mạng lưới kinh rạch Cửu Long. Gs Hộ cùng ông Khắc và người bạn Chăm Ro-Hiêm dùng thuyền máy từ Châu Đốc xuôi dòng theo con Kinh Vĩnh Tế đi Hà Tiên. Từ dưới con kinh nhìn về Châu Đốc, nổi trên nền trời trong vắt là một dải núi xanh lam đó là Núi Sam, một trong bảy ngọn núi của vùng Thất Sơn. Hộ giải thích vì từ xa nhìn ngọn núi giống như một con sam với chiếc mai úp và đuôi là rặng núi nhỏ phía sau. Tuy Vĩnh Tế Sơn là tên do Minh Mạng đặt cho nhưng đối với dân địa phương thì họ vẫn quen gọi các núi bằng hình tượng của nó như núi Sam, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Bà Om; chỉ riêng núi Cấm sở dĩ có tên đó vì là nơi dân không được lui tới. Ông Khắc còn biết thêm núi Cấm xưa kia đã từng là căn cứ địa của các danh sĩ và thân hào chống Pháp vùng Hậu Giang.

Thuyền máy vẫn lướt nhẹ trên con sông đào lịch sử thẳng băng như một đường chỉ gạch với ngọn nước ngọt mát đỏ những phù sa và hai bên bờ là những hàng cây xanh. Không phải mùa nước dâng, nước từ Sông Hậu đổ vào con kinh xuôi chảy chậm mang theo cả những giê lục bình lá xanh man mác trổ bông tím. “Ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi”. Bây giờ ông Khắc mới thấm hiểu hết nghĩa câu ca dao Nam Bộ ấy.

Bối cảnh lịch sử. Hệ thống kinh rạch Miền Tây châu thổ đã bắt đầu có từ thế kỷ thứ 5 do người Phù Nam đào để làm đường giao thông liên lạc giữa các thị trấn và kinh đô của họ như Angkor Borei (Nam Nam Vang), Óc Eo (núi Sập, núi Ba Thê Long Xuyên) và Thị Trấn Trăm Đường (đông nam Kiên Giang).

Đến triều Nguyễn, là những bước cố gắng không ngừng để mở mang bờ cõi về Phương Nam – theo chánh sách “tàm thực” của ông Nguyễn Cư Trinh, không phải chỉ có chiếm đất di dân mà còn có những nỗ lực xây dựng phát triển liên tục như đắp lộ và đào kinh.

Tam Khê có thể được kể là con kinh đào đầu tiên dưới triều Gia Long nhưng Vĩnh Tế mới thực sự là một công trình đồ sộ của tiền nhân. Nhắc tới công khai phá miền Hậu Giang, tới con sông đào dài ngót một trăm cây số ấy không thể không nhắc tới Nguyễn Văn Thoại. Theo biên khảo của Nguyễn Văn Hầu, thì Thoại Ngọc Hầu gốc Quảng Nam, tư chất thông minh nhưng nhiều nóng nảy. Thời đó quê ông đang là sa trường ác liệt giữa quân Trịnh Nguyễn rồi quân Nguyễn và Tây Sơn gây bao cảnh chết chóc nên gia đình ông đã phải lánh nạn vào Nam sinh sống trên Cù Lao Dài trên sông Cổ Chiên. Đầu quân rất sớm với Chúa Nguyễn Ánh chịu đói khát trong những ngày cơ cực, dạn dày chiến trận cho tới khi trở thành một công thần đảm lược của Chúa Nguyễn, lãnh ấn bảo hộ Cam Bốt trấn thủ toàn cõi Vĩnh Thanh suốt từ thành Châu Đốc xuống đến tận Hà Tiên, nổi tiếng là nghiêm minh khiến dân binh không phải chỉ kính nể mà còn khiếp sợ ông nữa.

Năm 1818, mới đôn đốc đào xong con kinh Tam Khê, được vua thưởng công đặt tên Thoại Hà và núi Sập kế bên được mang tên Thoại Sơn. Nguyễn Văn Thoại lại được lệnh vua Gia Long chỉ huy binh dân từ Gia Định Thành tới Châu Đốc để khởi công đào một con sông lớn thẳng từ Châu Đốc ra tới cửa biển Hà Tiên. Nhà vua thấy trước đây là một công trình quá lớn đầy cực nhọc nên xuống lời phủ dụ rằng “công trình đào sông này rất khó khăn nhưng cần cho biên phòng và kế giữ nước quan hệ chẳng nhỏ, chúng ngươi ngày nay chịu khó nhọc nhưng lợi ích cho muôn đời về sau”.

Con kinh biên giới bắt đầu từ tả ngạn Sông Hậu sau thành Châu Đốc hướng thẳng về Hà Tiên tiếp với sông Giang Thành đổ ra vịnh Xiêm La. Ngay đợt đầu Thoại đã huy động 5 ngàn dân binh Việt với một số người Chăm cùng với 5 ngàn dân sâu Khmer để khởi công nhưng đã phải ngưng ngay sau đó vì trở ngại thời tiết khô hạn rồi lũ lụt và nhân lực bất kham. Khai phá cả một vùng mênh mông hoang vu như thế mà chỉ có sức người với dụng cụ thật thô sơ, cuốc xuổng chày vồ tự chế, đo đạc thì bằng tay. Để con kinh đào được thẳng phải đợi tới ban đêm vạch rẽ rừng lau sậy, đốt đuốc trên đầu những cây sào thiệt cao – nên mới có câu hát ru Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc, người điều khiển phải đứng trên cao và từ xa dùng cây phướn phất qua lại ra hiệu cho người cắm những cây sào lửa ấy vào đúng vị trí. Làm việc ngày đêm mà ăn uống thì chỉ có gạo muối rất cơ cực. Sống nơi lam chướng, đêm thì lạnh cóng ngày nóng như thiêu lại thiếu nước uống thiếu thuốc nên ngã bệnh chết vô số. Công trình phải nhiều lần tạm ngưng vì những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được rồi lại tiếp tục. Ba năm thi công mà con sông đào còn xa, vua Minh Mạng lại ra lệnh cho tổng trấn Lê Văn Duyệt điều thêm tới 39 ngàn binh dân Việt thêm với 16 ngàn sưu dân Khmer đến tăng cường. Binh dân sưu dịch bị ép phải làm việc ba phiên thâu đêm trong những khu rừng thâm u với muỗi đỉa vắt rắn độc và cả ác thú. Sưu dân và cả lính chịu không nổi mà trốn đi thì cũng khó thoát, nếu không bị chết đói ở trong rừng thì cũng chết vì cọp beo, còn nếu tìm cách lội trốn qua sông Vàm Nao thì cũng chết vì cá mập cá sấu. Vàm Nao là khúc sông nối ngang hai con Sông Tiền Sông Hậu ranh giới Châu Đốc và Long Xuyên đã từng là bãi chiến trường khốc liệt và đẫm máu trong thời chiến tranh Xiêm Việt và rồi Việt Cam Bốt.

Việc đào kinh kéo dài suốt 5 năm (1819-1824) dưới quyền chỉ huy sắt thép của Bảo Hộ Thoại. Trong chức vụ nào ông cũng tỏ ra hết lòng nhưng lại quá độc tài và cầu toàn nên tuy làm xong việc lớn ông cũng gây ra không ít điều thống hận làm mất lòng dân và làm chết rất nhiều người trong đó có cả những quân lính đã dày công lao trong các cuộc chiến tranh chinh phạt. Các bô lão miền Hậu Giang ngày nay còn nhớ và kể lại nỗi cơ cực mà ông bà tổ tiên họ phải trải qua và chịu đựng.

Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành, đền đài Angkor, con kinh Vĩnh Tế_ kỳ quan lớn nhỏ nào của thế giới cũng phải trả giá bằng những sinh mạng và nỗi thống khổ của đám dân đen. Ông Khắc nghĩ như vậy.

Nhưng rồi con sông đào ấy cũng hoàn tất với nỗi hân hoan của cả triều đình Huế. Để đặc biệt ghi công, vua cho lấy tên Thoại Ngọc Hầu phu nhân vốn nổi tiếng người đàn bà đức độ hết lòng giúp chồng trong bao năm trên đường công bộc – đã mất trước đó hai năm, mà đặt tên cho con kinh là Vĩnh Tế Hà và ngọn núi Sam ở bờ kinh là Vĩnh Tế Sơn. Ngoài việc khen thưởng công lao những người sống, trong đó có đám người Chăm được vua cho đất lập bảy làng_ tiếng Chăm gọi là Puk để làm ăn sinh sống, cho đến sau này còn mang tên là Chăm Châu Giang. Cũng tỏ lòng ưu ái với những người chết vì đào con kinh biên thùy, nhà vua ban sắc chỉ cho lập đoàn thuyền đi tìm nhặt tất cả hài cốt các binh và sưu dân đã bỏ mình trong công tác đào kinh để cải táng, họ được coi như những chiến sĩ hy sinh ngoài trận địa. Ngày dựng bia trên núi Sam được đặt tên là Vĩnh Tế Sơn cũng là ngày Thoại Ngọc Hầu đứng ra chủ lễ an táng tập thể và đọc bài “Tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh”.

Trời xanh thẳm mồ hoang lợp lợp

Trăng soi nhòa mấy lớp bia tàn…

Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho lệnh đúc Cửu Đỉnh mỗi chiếc nặng bốn ngàn cân ta rất lớn để ghi công mỗi vị vua và làm quốc bảo. Các đỉnh được đặt trước Thế Miếu trong Đại Nội cố đô Huế nơi thờ các vua từ đức Gia Long trở về sau, còn có thêm các tòng miếu hai bên tả hữu để thờ các công thần. Mỗi đỉnh đều có tên riêng Cao Nhơn Chương Anh Nghị Thuần Tuyên Dụ Huyền. Tám chiếc được đặt thẳng một hàng ngang, riêng Cao Đỉnh mang tên Thế tổ Cao hoàng đế Gia Long ghi lại công trình đào kinh Vĩnh Tế được đặt chính giữa về phía trước. Trên hông Cao Đỉnh ba chữ Vĩnh Tế Sơn với hình con kinh Vĩnh Tế bên chân dãy núi Thất Sơn được trạm trổ mỹ thuật, đánh dấu một trong những công trình khai quốc bất hủ của triều Nguyễn.

Ông Khắc tự nhủ rằng ra cố đô Huế lần này ông sẽ phải tìm cho ra và chụp hình chiếc Cao Đỉnh – như một món quà bất ngờ cho Cao người bạn trẻ rất thân thiết với ông trong Nhóm Bạn Cửu Long. Hộ nói:

— Con kinh dài ngót một trăm cây số dọc theo biên giới Việt Miên này không chỉ là một con kinh chiến lược một thủy đạo hữu ích cho vận tải giao thông , mà nó còn có tác dụng môi sinh quan trọng khác nữa là đưa nước ngọt của con sông Mekong vào các khu đồng ruộng mênh mông để rửa muối rửa phèn cho đất khiến ruộng đồng thêm mở rộng và mùa màng thêm được tốt tươi. Nó cũng mở đầu cho bước phát triển một hệ thống sông đào kinh rạch chằng chịt với chiều dài hơn hai ngàn cây số gần bằng nửa chiều dài của dòng chính con sông Mekong.

Hộ giải thích thêm:

— Các chuyên gia thủy nông Hòa Lan đã tỏ ra rất ngưỡng mộ công trình đào con kinh Vĩnh Tế của người xưa do hiệu quả tháo lũ từ vùng châu thổ đổ ra vịnh Thái Lan với lưu lượng lên tới 8000m3/giây chiếm phần lớn lượng nước mùa lũ. Và họ đề nghị kế hoạch đào thêm một con kinh thoát lũ mới từ sông Hậu phía dưới Long Xuyên tới Rạch Giá cùng với một khúc sông nối Sông Tiền với Sông Hậu tương tự như con sông Vàm Nao hiện nay. Trừ những con kinh ngang ít có khả năng ngừa lụt, nhưng với một số con kinh khác đã có trong vùng Tứ Giác Long Xuyên – nếu được vét đáy đào sâu thêm và nới rộng ra cũng sẽ có khả năng tháo lũ đáng kể. Còn thêm điều lợi nữa là nước từ các con kinh này sẽ đẩy lùi nước mặn khỏi tràn vào vùng đất ven biển như quận Châu Thành Rạch Giá hiện nay.

Luôn luôn có sẵn câu hỏi của một nhà báo, ông Khắc thắc mắc quay sang hỏi Hộ:

— Hòa Lan là vùng đất thấp hơn mặt biển, họ nổi tiếng về hệ thống đê điều chứ đâu phải đào kinh?

— Năm 91 khi được mời sang Việt Nam nghiên cứu, họ có đưa ra một ý mới là cho “đắp đê nhưng không cao ngừa lụt bán phần” cho đến cuối tháng 8 mà thôi và rồi sau đó là vai trò thoát lũ của hệ thống kinh rạch trổ ra vịnh Thái Lan.

Sau khi chia tay Hộ và Ro-Hiêm, từ Hà Tiên quê hương của Mặc Cửu và Đông Hồ, ông Khắc trở lên Sài Gòn để chuẩn bị chuyến đi Huế.

Đường ra xứ Huế. Không nhớ là lần thứ bao nhiêu ông Khắc đặt chân tới Huế. Một Huế còn thấm đẫm những màu sắc và thanh âm Chàm với màu tím Huế với man mác giọng Nam Ai với thê thiết điệu hò Mái Đẩy, với “Hương Giang nhất phiến nguyệt, Kim cổ hứa đa sầu”. Một Huế rất riêng tư với sông Hương núi Ngự, với những năm thanh bình của tuổi thanh xuân với mối tình thật đẹp nhưng cũng thật ngang trái để rồi suốt 60 năm sau đó ông Khắc vẫn “chuyên tâm bất nhị” vẫn cứ thủy chung như ông đã suốt một đời thủy chung với nghiệp báo.

Rồi ông Khắc có dịp trở lại cố đô Huế của thời cuộc, một Huế bừng thức giấc với những tháng năm xáo trộn. Huế tranh đấu với bàn thờ xuống đường. Huế với sinh viên chiếm đài phát thanh. Huế với cảnh sát dã chiến và lựu đạn cay. Huế của Tết Mậu Thân thảm sát với những hố chôn người tập thể. Huế của bom đạn Mỹ trút xuống một hoàng thành đổ nát. Rồi là Huế sau 75, một cố đô buồn tênh vẫn còn đó những ngôi mộ đất hoang khi người cộng sản trở lại lâu dài lần thứ hai. Giống như Hà Nội sau 54, nhiều người tới sống ở Huế nhưng không phải gốc Huế. Riêng với những người Huế chay thực sự gốc Huế chọn ở lại hoặc chẳng thể thoát ra khỏi xứ Huế thì họ vẫn cứ phải sống, bởi vì họ chỉ có một cuộc đời này để sống chứ không phải với hứa hẹn về một hạnh phúc mãi tận đời sau.

Trong chuyến đi muộn màng này như một cuộc hành hương, từ Sài Gòn ông Khắc đã chọn đường xe lửa để ra Huế. Sau bao năm như không có gì đổi thay, cũng vẫn con đường sắt hẹp tám tấc Xuyên Đông Dương từ thời Toàn Quyền Paul Doumer thời Pháp thuộc của gần một thế kỷ trước, cũng vẫn những toa tàu cũ kỹ được tân trang cho mang một tên mới là Con Tàu Thống Nhất. Toa tàu cũ như một người bạn đồng hành xốc xếch, con đường sắt đưa ông về quá khứ với những cảnh cũ năm xưa.

Để ra khỏi Sài Gòn, con tàu phải chạy xuyên qua những khu nhà xây cất lộn xộn ra sát đường rầy với thấp thoáng những cột ăngten truyền hình cao thấp trên các mái tôn.

Qua Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa không còn bức tượng Thương Tiếc của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu qua hình ảnh người lính ngồi gác súng mà nhớ thương bạn, mồ mả cũng bị đào bới thậm chí chân dung người chết cũng bị bắn vỡ mắt do lòng nhỏ nhen thù hận của những người chiến thắng.

Tới địa phận Bình Tuy, ông Khắc biết mình bắt đầu đi vào ranh giới của vương quốc Champa từ bao trăm năm trước – Champaka hay Châm Ba là tên một loài hoa sứ rất đẹp hương thơm sắc trắng như một biểu hiệu thanh khiết của dân tộc Chăm.

Dọc theo Quốc Lộ 1, một bên là biển một bên là núi, con tàu chạy băng băng giữa những khoảng ruộng xanh bên trong các thung lũng hẹp với rải rác những lũy tre xóm làng và bóng người thì thưa thớt. Qua đoạn Tuy Hòa, con tàu bắt đầu đi vào Tiểu Vương Quốc Panduranga, qua các khu tập trung sinh sống của những người Chăm đồng bằng – con số không tới được tám chục ngàn ở các tỉnh Phan Rí – Bình Thuận, Phan Rang – Ninh Thuận. Họ theo đạo Bà La Môn – khác với những người Chăm Châu Giang theo đạo Hồi, họ vẫn giữ nét phong tục mẫu hệ, vẫn mặc những bộ y phục cổ truyền màu trắng trong các dịp lễ hội hàng năm rất thu hút ống ảnh của các du khách. Họ sống xa lạ và khép kín ngay trên quê hương đất đai của tổ tiên họ bên những Tháp Chăm đang đổ nát với thời gian.

Các công trình sáng tạo nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc từng phát triển tới cao độ ở phía bắc vương quốc Champa thì nay chỉ còn là nét huy hoàng của thời quá khứ.

Các tháp Chăm còn lại tới ngày nay có niên đại từ thế kỷ thứ 4 tới thế kỷ 17. Chinh chiến liên miên cho tới thế kỷ 17 đánh dấu thời kỳ suy thoái toàn diện của vương quốc Champa.Đến thế kỷ 17 vương quốc Champa chỉ còn là một vùng đất thu hẹp từ sông Dinh Phan Rang vào tới Bình Thuận nguyên là lãnh địa của tiểu vương quốc Panduranga – một trong 5 tiểu vương quốc tạo thành Champa như một liên bang.

Tháp Pôrômê là tháp Chăm cuối cùng trong lịch sử kiến trúc của vương quốc Champa đã có dấu hiệu của một công trình vội vã gạch xếp lộn xộn với mạch hồ lớn thô phản ánh một thời kỳ đất nước Champa nhân tài và vật lực suy kiệt và kỹ thuật dựng tháp đã có từ 14 thế kỷ trước bắt đầu với tháp Mỹ Sơn có từ thế kỷ thứ 4 hầu như bị thất truyền.

Những Tháp Chăm đầu tiên vốn là những tác phẩm điêu khắc kỳ vĩ nhưng đến thế kỷ 17 sau ngôi tháp Pôrômê xuống cấp thì người Chăm đã không còn đủ khả năng và phương tiện để xây dựng những ngôi tháp uy nghi truyền thống nữa và họ bằng lòng với những công trình xây dựng nhỏ đó là những ngôi đền để thờ phượng các vị vua cuối cùng như Pôklong Mơhnai, Pônít, PôKlong Gahul …

Điển hình như Đền PôKlong MơhNai được dựng trên một đồi cao thuộc làng Lương Sơn, tổng Vĩnh An huyện Hòa Đa hình dáng kiến trúc giống như một ngôi chùa sử dụng vôi vữa giống như người Việt không còn đâu nét đồ sộ và hoành tráng của tháp Chăm trước kia.

Chỉ có bên trong những ngôi đền ấy còn giữ nội dung thờ phượng là hoàn toàn Chăm với tượng vua, tượng hoàng hậu và tượng bà thứ phi người Việt.

Các pho tượng được trạm khắc với những đường nét còn rất tinh tế có hồn và rất sinh động gợi cảm. Nhưng chỉ có thế . Lịch sử kiến trúc điêu khắc nghệ thuật Chăm đến đây coi như kết thúc – cùng với bước kết thúc của vương quốc Champa cho dù vẫn còn những cộng đồng dân tộc Chăm sinh sống trên dải đất quê hương họ.

Với những người thiểu số cao nguyên sống rải rác trên núi non Trường Sơn có lẽ một số trước kia cũng là người Chăm, bị chinh chiến điêu linh khiến phân tán thất lạc lên các vùng núi non hiểm trở cô lập với thế giới bên ngoài và rồi tự phát triển theo hướng riêng của mỗi nhóm.

Con tàu thời gian đang đưa ông Khắc về quá khứ, dưới bầu trời Miền Trung nắng đẹp với những đám mây trắng lang thang nhưng cảnh trí cũng thật là khô cằn. Con tàu tới Bình Định quê hương của Tây Sơn, xa hơn nữa từ thế kỷ 15 trở về trước, nơi đây là Tiểu Vương Quốc Vijaya, với thành Đồ Bàn đã từng là kinh đô Champapura rực rỡ thời cực thịnh của Vương Quốc Champa với những đội quân hùng mạnh, với những đoàn chiến thuyền đã bao lần tung hoành dọc ngang một cõi: bành trướng lên phía bắc nhiều lần đánh phá Đại Việt ra tới tận thành Thăng Long, chinh phạt xuống phương nam đánh Phù Nam và dũng mãnh tiến tới tận thành Angkor.

Qua Quảng Ngãi là lãnh địa của Tiểu Vương Quốc Amavarati, không còn bóng dáng một người Chăm. Sau bao cuộc chiến chinh, dấu vết của “Điêu Tàn” còn lại chỉ là một cánh đồng lúa xanh với rải rác những gò trống đá ong những chân tường màu gạch đã phủ dày những lớp rêu phong.

Cung đình triều đại người xưa đâu. Có chăng còn đâu đó trong Viện Bảo Tàng Đà Nẵng là những pho tượng vũ công Chăm tuyệt mĩ với những tấm thân uyển chuyển và đôi bàn tay dịu dàng. Đâu đây tưởng như còn vang vọng tiếng nhã nhạc với tiếng trống tiếng đàn tiếng sáo nơi cung đình có cả một nàng công chúa Huyền Trân của Việt Nam. Ông Khắc hiểu rằng dấu vết nền văn minh Chăm không phải chỉ tới có Quảng Bình với dẫy Hoành Sơn hiểm trở biên giới phía bắc xa nhất của Tiểu Vương Quốc Indrapura thuộc Champa như một lên bang_ mà ảnh hưởng đó còn lan tới tận ngoài Bắc khi các vua triều Lý đã đem các nghệ nhân Chăm ra xây cung điện và chùa chiền ở kinh đô Thăng Long. Sử chép năm Giáp Thân (1044), vua Lý Thái Tông ngự giá đi đánh Chiêm Thành, giao tranh khốc liệt máu chảy đỏ cả con sông Ngũ Bồ, quân Chăm thua chạy. Thái Tông thừa thắng tiến binh chiếm luôn quốc đô là Phật Thệ (nay là huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên) và khi trở về bắt theo toàn thể đoàn cung nhân nhạc nữ Chăm – trong đó có vương phi Mỵ Ê. Khi tới Lý Nhân, Thái Tông cho đòi Mỵ Ê sang chầu bên thuyền rồng nhưng nàng quyết thủ tiết và trầm mình trong dòng Châu Giang. Câu chuyện cảm động khiến Tản Đà khi đi qua Lý Nhân đã viết nên bài thơ:

Châu giang một dải sông dài

Thuyền ai than thở một người cung phi

Đồ Bàn thành phá hủy

Ngọa Phật tháp thiên di

Thành tan tháp đổ

Chàng tử biệt thiếp sinh ly…

Ông Khắc dừng mắt ngay nơi trang đầu phần “Dẫn Nhập” cho bản thảo cuốn sách

…“Như mọi dân tộc khác, người Chăm có một nguồn gốc, một nền văn hóa và một lịch sử đấu tranh. Vậy mà chỉ mấy trăm năm gần đây thôi cả Vương Quốc Champa của một thời huy hoàng ấy ngày nay chỉ còn là một hư ảnh, hoàn toàn bị chôn vùi trong quá khứ phũ phàng. Hoạn nạn dồn dập đã tàn phá tất cả, cả đến mỗi con người Chăm cũng không còn nguyên vẹn nữa…”

Những dòng chữ ngắn ngủi ấy của Ro-Hiêm người bạn Chăm mà ông Khắc đã quen biết bao năm từ hồi còn viết cho tờ Bách Khoa ở Sài Gòn, đã như những mũi kim đâm vô óc và làm đau nhói trong tim. Có lẽ nghĩ ông là người bạn Việt tâm đắc nên Ro-Hiêm có ý nhờ ông viết lời tựa cho cuốn sách “Lịch sử Dân Tộc Chăm, Một Vương quốc Tiêu vong” công trình đồ sộ của cả một hùng tâm làm việc trong bao nhiêu năm. Ông Khắc tự hỏi sẽ phải viết gì về cái chết của một quốc gia Vương Quốc Champa qua những trang sách đầy máu và nước mắt ấy.

Từ bao lâu rồi khi bước chân vào nghề báo ông Khắc đã không ngừng nghĩ tới lẽ công bằng cho người thiểu số không phải chỉ trong bối cảnh địa lý chánh trị của Việt Nam mà trong cả ý niệm toàn cầu hóa trách nhiệm với tất cả các sắc dân thiểu số trên hành tinh này = đó cũng là một trong những chủ đề của cuốn sách Cahier d’Asie du Sud-Est của ông Khắc sắp hoàn tất.

Không phải đến cái tuổi này ông Khắc hay nghĩ tới cái chết, ngay từ thời trẻ ông đã rất sớm tiếp cận với cái chết khi bồng bột theo người chú đi làm cách mạng kể cả tham gia vào ban ám sát khi chỉ mới biết cầm súng. Những năm xanh ảo tưởng ấy cũng qua mau cho đến khi người chú của ông bị Việt Minh bắt và dẫn đi mất tích trên đường sang Côn Minh. Trên bước đường đi tìm kiếm, như một cơ duyên ông Khắc đã chọn đi vào nghề báo. Là một phóng viên chiến tranh ông cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu là cái chết của những người dân những người lính hai bên, kể cả những cái chết của các đồng nghiệp làm báo đã từng rất thân thiết với ông. Nếu đã không chết, thì chúng ta chẳng thể biết được cái giá của sự sống ra sao. Ông Khắc rất tâm đắc với câu nói ấy của J.Y. Cousteau. Từ cái chết của mỗi con người ông Khắc nghĩ tới cái chết của một quốc gia kèo theo sự tiêu vong của cả một nền văn minh. Và cả vương quốc Champa hùng mạnh của quá khứ nay đã không còn dấu vết nào trên bản đồ thế giới.

Chỉ mới đây thôi không phải ngẫu nhiên mà ông nhắc mấy người bạn trẻ trong Nhóm Bạn Cửu Long rằng con sông Mekong mà họ đang tha thiết quan tâm ấy chảy qua bảy quốc gia thay vì sáu khi ông nghĩ tới một quốc gia nhỏ bé Tây Tạng đang trên bờ vực thẳm và cũng đang có nguy cơ bị tiêu diệt.

Ông Khắc nghĩ đến một mai khi có một chánh quyền dân chủ vững mạnh biết tôn trọng những giá trị nhân bản, đã đến lúc vị nguyên thủ quốc gia phải đứng ra công khai tạ lỗi với người Chàm và cả những sắc dân thiểu số khác_ về những đau thương và mất mát mà tổ tiên chúng ta đã gây ra cho họ trên bước đường Nam Tiến. Hành động tạ lỗi không phải chỉ để nhìn lại quá khứ bởi vì chẳng ai thay đổi được lịch sử quá khứ, mà chính là để hướng về tương lai bởi vì nếu không rút ra những bài học từ lịch sử thì rồi ra lỗi lầm lịch sử lại tái diễn dưới dạng những tấm thảm kịch khác.

Theo ông, sự phát triển của dân tộc Việt từ ngày lập quốc tới nay, tính chất “mở mang bờ cõi” qua cuộc Nam Tiến cần được nhìn băng con mắt lịch sử – cho dù bảo rằng đó là sự đã rồi – fait accompli nhưng cũng cần được nhìn lại qua nhãn quan hôm nay trong một trật tự thế giới mới với “công bằng cho người thiểu số” bằng tôn trọng sự tồn tại phát triển và hạnh phúc của các sắc dân khác. Nước mắt và sự tuyệt vọng của những người Chăm, người Thượng rất cần được chúng ta động tâm suy nghĩ trong bối cảnh của một đất nước Việt Nam quy về một mối trong tương lai.

Thảm sát Mậu Thân, thảm sát ở Sơn Mỹ. Con tàu Thống Nhất ấy cũng đưa ông Khắc trở lại với Sơn Mỹ, trở lại với Huế. Đã hơn 30 năm rồi mà ông Khắc vẫn còn nhớ như in những gì xảy ra trong Tết Mậu Thân ấy.

Chưa đầy hai tháng sau vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở cố đô Huế, ngày 16 tháng 3 năm 1968 khi các tiểu đội của Sư đoàn 23 Bộ Binh Mỹ dưới quyền chỉ huy của thiếu úy William Calley, đổ bộ bằng trực thăng xuống làng Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, vốn nằm trong tầm kiểm soát của cộng sản. Trước đó hai tuần lễ đã có 6 lính Mỹ bị tử thương do xập mìn bẫy. Lính Mỹ gọi Sơn Mỹ là một Làng Đỏ – Pinkville. Trong cuộc hành quân lục soát ấy, theo lệnh của Calley, đã có 506 dân làng bao gồm cả đàn ông phụ nữ và trẻ em bị thảm sát. Biến cố này đã được giới truyền thông Hoa Kỳ tận tình khai thác và rêu rao lâu dài như một thứ tội ác man rợ nhất của lính Mỹ đối với thường dân và được coi như khúc rẽ về hình ảnh cuộc chiến tranh Việt Nam. Điều trớ trêu là cũng giới truyền thông ấy lại không mấy quan tâm tới vụ thảm sát hơn ba ngàn thường dân của quân Cộng Sản Bắc Việt ở Huế. Trước khi ra Huế, ông Khắc xuống tàu ở Quảng Ngãi để ngày hôm sau đi Mỹ Lai. Cho dù phương tiện giao thông ở thôn quê còn thật tệ hại nhưng lại thật dễ dàng có xe đi Sơn Mỹ bởi ngày nay Đài Tưởng Niệm Sơn Mỹ đã trở thành tụ điểm du lịch để thu hút ngoại tệ của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.

Chỉ cách thị xã Quảng Ngãi 13 cây số về hướng bắc, không mấy xa sau khi băng qua cây cầu ngang sông Trà Khúc nổi tiếng với cát trắng nước trong và độc nhất vô nhị với cảnh quan “những bánh xe nước” nhịp nhàng quay theo dòng chảy đưa nước sông vào máng dẫn tới những cánh đồng lúa xanh xa tắp khiến người Pháp trước đây phải hết lời ca ngợi về “óc kỹ xảo của người nông dân An Nam”, và ngay trước mặt là tấm bảng chỉ đường tới Sơn Mỹ.

Miền Trung đất khổ quê nghèo. Hơn 30 năm trước ông Khắc đã tới một Quảng Ngãi sau lũ lụt trắng những khăn tang. Hai mươi năm sau hòa bình, thời gian như dừng lại che trở cho mọi đổi thay, cũng vẫn quê nghèo đất khổ với con trâu và cái cày. Vẫn có những tháng đói kinh niên mỗi năm và người dân đã phải ăn cả những cây xương rồng.

Tới giữa làng là một đài tưởng niệm cách đó không xa là nghĩa trang liệt sĩ. Để tăng thêm tác dụng tuyên truyền, một hầm tránh bom được dựng lại cùng với con lạch nơi xác các nạn nhân được ném xuống. Cũng là điều trớ trêu là bao nhiêu hình ảnh ghê rợn được phóng lớn của khu triển lãm ấy được cung cấp một cách phong phú bởi chính các phóng viên và truyền hình Mỹ. Bấy lâu trong và sau chiến tranh Việt nam vẫn chỉ là hình ảnh một phía của man rợ và tội ác. Đứng ở Sơn Mỹ mà ông Khắc cũng đã thấy trước được nguyên vẹn từng ấy hình ảnh trong Viện Bảo tàng ISAW_ Institute for the Study of American Wars, về 6 cuộc chiến tranh Mỹ có tham dự trong đó có cuộc Chiến Tranh Việt Nam mà lần đầu tiên Mỹ đã bị thua. Khi điều gì vượt quá tầm suy luận thì người ta tìm cách này hay cách khác để giải thích. Neil Sheehan, tác giả cuốn sách A Bright Shining Lie – Sự dối trá hào nhoáng, đã cho rằng những vụ thảm sát như vậy không phải là hiếm xảy ra trong chiến tranh thường là ở những vùng xa xôi mà nạn nhân là những thường dân không võ trang. Đối với những lính Mỹ khi đặt chân tới Sơn Mỹ, nơi đã có các đồng đội của họ ngã xuống thì dưới mắt họ bất cứ người Việt nào họ gặp cũng có thể là bọn Đỏ tàn bạo, từ cách nhìn đó chỉ cần một bước rất nhỏ những người dân ấy dễ dàng trở thành những cái bia cho những họng súng thù hận lẫn với sợ hãi.

Là phóng viên chiến tranh ông Khắc hiểu rằng đâu phải chỉ có hai vụ thảm sát Huế và Sơn Mỹ mà còn bao nhiêu địa danh khác bị lãng quên trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Điển hình không thể không nhắc tới tấn thảm kịch xảy ra tại làng Phú Hiệp tỉnh Phú Yên trước đó hai năm hồi tháng 5 năm 1966 khi quân đội viễn chinh Đại Hàn tàn sát hàng trăm dân làng vô tội hầu hết là người già phụ nữ và trẻ em với lý do trả đũa cho vụ ném lựu đạn phục kích làm chết một viên thiếu úy Đại Hàn và họ nghi là dân làng có chứa Việt Cộng. Đã có nhiều vụ trả đũa tàn ác như vậy nhắm vào các thường dân vô tội mỗi khi quân họ bị phục kích và đã không có một dư âm nào trên báo chí như vụ Sơn Mỹ do kế hoạch bưng bít và kiểm duyệt gắt gao. Nhưng làm sao hư vô hóa được tất cả tội ác khi mà vẫn còn những lời kể lại của những nạn nhân người Việt may mắn sống sót cộng thêm với lời khai phản tỉnh – tuy muộn màng của các cựu chiến binh Đại Hàn từng tham chiến tại Việt Nam.

Vào buổi giao thời của Đổi Mới thì Đại Hàn nay là quốc gia đầu tư làm ăn lớn nhất ở Việt Nam nên những người Cộng Sản lãnh đạo ở Hà Nội đã vội vã tuyên bố là muốn bỏ lại quá khứ sau lưng để quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia khác. Chỉ riêng con cháu những nạn nhân còn sống sót thì họ vẫn đau thương tức tưởi và chẳng thể nào quên …

Qua đèo Hải Vân cảnh trí tuyệt vời – được Paul Theroux đánh giá là đẹp nhất thế giới, khi con tàu đi vào một biển mây với phía dưới là làng chài lưới nhỏ nép bên bãi biển Lăng Cô. Biển thì trong xanh lung linh những tia nắng ấm với các đợt sóng trải dài trên một bãi cát thủy tinh trắng mịn. Vẻ đẹp tươi mát và trinh nguyên ấy cũng không làm dịu bớt cơn ác mộng hồi tưởng – flashback về những tháng năm chinh chiến điêu linh mà bản thân ông Khắc đã trải qua.

Tạ lỗi Mậu Thân 1968. Những mồ chôn tập thể, hàng sâu người bị chôn sống trong đó giáo sư Quốc Học Trần Đình người đàn anh trong gia đình Hướng đạo rất thân thiết của ông Khắc. Chỉ riêng một dòng họ tiếng tăm ở Huế mà ông biết cũng đã mất 5 người vừa bị bắn vừa bị chôn sống, trong đó có cả cụ già và thanh niên. Rồi còn phải kể cả những cuộc hành quyết hàng loạt bên ngoài Huế rồi ném xác xuống khe suối Đá Mài chỉ được tìm ra sau đó. Có khác gì đâu với những ngôi mộ tập thể ở tây nam Nam Vang. Trường học Gia Hội có khác gì đâu lycée Tuol Sleng – nay là Viện Bảo Tàng Tội Ác Diệt Chủng của Pol Pot.

Khmer Đỏ đã có hơn bốn năm trong khi quân Cộng Sản Bắc Việt chỉ có hơn 25 ngày chiếm đóng Huế để thực hiện một cuộc tàn sát tập thể hơn ba ngàn người. Động cơ nào khiến con người hành động tàn sát man rợ như vậy? Đã đến tuổi này ông Khắc có nhu cầu tìm lời giải đáp. Có bao nhiêu lối giải thích cũng vẫn chỉ là bấy nhiêu giả thiết.

Do nỗi sợ hãi thù hận. Một số nhà báo Tây phương cho rằng do những trận đánh bom khủng khiếp ngày đêm của Mỹ để giải tỏa cố đô Huế, khiến những người lính Cộng Sản Bắc Việt phải sống thường xuyên trong tình trạng hãi hùng và kinh hoảng_ điều này được giải thích như “hoàn cảnh nguyên nhân” của các hành động tàn sát man rợ. Lại cộng thêm lòng thù hận với đám cư dân sống trong thành phố không những không tham gia “nổi dậy” mà còn “bỏ chạy” dửng dưng vô cảm với những chịu đựng thống khổ của họ, mà cả lẫn trong số đó không thiếu những thành phần “ác ôn” đáng bị trừng phạt và trừ khử. Hủy diệt nhân tính, giáo dục “căm thù” tạo dựng nên chân dung “kẻ địch không còn mang tính người” để có thể lạnh lùng xuống tay thảm sát mà không hề có cảm giác phạm tội. Bùi Tín trong Mặt Thật cũng chọn lối giải thích này để bào chữa cho vụ thảm sát Tết Mậu thân ở Huế. Và trước đó cũng đã có nhà phân tích chánh trị Mỹ Wayne Bert dùng lối giải thích này để lý giải nguyên nhân các hành động tàn sát tập thể của quân Khmer Đỏ ở Cam Bốt.

Đã có viện bảo tàng tội ác diệt chủng Cam Bốt ở lycée Toul Sleng Nam Vang, đã có Đài Tưởng Niệm vụ thảm sát hơn 500 thường dân tại Sơn Mỹ, tại sao trường Gia Hội không là nơi trưng bày và tưởng niệm cho hơn 3000 nạn nhân trong vụ thảm sát Tết Mậu Thân như Giải Khăn Sô cho Huế.

Chiến tranh đã không thể biện minh được như động cơ tàn ác giết những người thường dân vô tội. Người sống phải có câu trả lời về trách nhiệm cho những vấn nạn lịch sử ấy. Không nuôi dưỡng lòng căm thù nhưng cũng không cho phép sự gian dối che đậy, do đó các thế hệ Việt Nam hiện tại cũng như tương lai phải có trí nhớ đầy đủ về những tấn thảm kịch đất nước để đừng bao giờ tái phạm những tội ác như vậy nữa.

Lên với bình minh. Từ sáng tinh mơ, sương mù phủ đặc, bên ngoài đường còn tối. Từ những con hẻm quanh co của khu Nam Giao, người ta đã thấy các bà mẹ, các chị lặng lẽ leo lên theo những con dốc dẫn con em tới trường. Ngôi trường tiểu học Phan Bội Châu, cũng là nơi mang nhiều di tích những ngày cuối cùng của cụ Phan khi về sống ẩn dật ở Huế.

Sáng nay cũng như mọi ngày, tụi nhỏ được ăn sáng ở trường. Ở nhà bố mẹ có thể vẫn thiếu thốn nhưng các bậc phụ huynh đồng ý cùng chung lo với nhà trường những bữa ăn sáng tạm gọi là có đủ chất dinh dưỡng cho các em. Tùy khả năng chung góp nhưng bữa ăn thì đồng đều, tùy ngày mỗi em khi thì được ăn một chiếc bắp non ngọt khi thì củ khoai mật hoặc sang hơn thì được một chén cơm chiên. Rõ ràng là “ăn vóc học hay”, được no bụng các em học chú tâm hơn và điểm đạt được trong lớp cao hơn. Hơn một nửa thế kỷ, trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng và chiến tranh xương máu – lại cả sắp bước vào thế kỷ mới một thiên niên kỷ mới, hạnh phúc cao nhất trước mắt mới chỉ là mong sao cho được “ăn no mặc ấm”.

Sáng nay cùng đi với các em lên đồi Vọng Cảnh xem mặt trời mọc, bên Quốc Học qua có thầy giáo Nguyễn Châu và trò Đinh Quang Bảo Toàn khôi nguyên giải thi Toán Quốc Tế La Mã kỳ vừa qua. Khách từ xa tới thì có bác sĩ Duy em của Cao và ông Khắc. Hai người không hẹn mà gặp. Duy vừa hoàn tất khóa thỉnh giảng ngắn hạn tại Đại Học Y khoa Huế. Ông Khắc biết Duy qua Cao và sinh hoạt của Nhóm Bạn Cửu Long. Duy tuy gốc người Bắc nhưng lại có ý tưởng độc đáo về tương lai Đồng Bằng Sông Cửu Long như một cái nôi của nền văn hóa Việt Nam bước vào thiên niên kỷ tới…

Trong chuyến du ngoạn này, về lịch sử các em học sinh sẽ được nghe kể về lai lịch ngọn đồi nơi các em đang đứng, trước kia thuộc tỉnh Phú Xuân cũng là nơi ngót ba trăm năm trước Quang Trung Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, uy nghi lẫm liệt trong áo chiến bào truyền hịch trước đám tướng sĩ ba quân trước giờ xuất phát ra Thăng Long tốc chiến đại phá quân Thanh giữa Tết Đống Đa Xuân Kỷ Dậu 1789. Từ bài học ấy, các em được sống lại với ý thức Bổn phận Danh dự Trách nhiệm thay vì chủ nghĩa thực dụng chỉ biết có nghiệp vụ cùng là hướng về lợi ích không xa hơn giới hạn của bản thân.

Ông Khắc hiểu rằng chuyện gì thì cũng phải khởi lại từ đầu, chuyện giáo dục đào tạo con người đâu phải là vấn đề của đầu hôm sớm mai. Làm sao có được thầy giáo giỏi, lại có lòng. Không thể để thầy cô, mà người ta mỹ miều gọi tên là những kỹ sư tâm hồn, ngoài buổi dạy học vẫn phải tất tưởi lao động thêm mới đủ sống. Bạc đãi thầy cô đến như vậy cũng chính là gián tiếp bạc đãi các em. Tôn sư trọng đạo, nâng cao mức sống nhà giáo mới mong hấp dẫn được người ưu tú chọn nghiệp thầy cô. Nhìn 28 em “Nhị Thập Bát Tú” như những vì sao, rạng rỡ thông minh với các khuôn mặt khác nhau, mắt sáng môi không hồng thân hình thì quá mảnh mai khác hẳn với những đứa trẻ Việt ở Mỹ thì lúc nào cũng nảy nở no tròn. Thiếu ăn suy dinh dưỡng vẫn còn là vấn đề tồn tại trong thế hệ các em.

Vui vẻ theo chân các em trên đường đi, bác sĩ Duy quay sang nói chuyện với ông Khắc:

— Cho dù có hơn mười năm “Đổi Mới” theo tường trình của UNICEF , số trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn gia tăng nhất là ở nông thôn lại kèm theo một hiện tượng mới khá nghịch lý là sự xuất hiện của một một nhóm trẻ béo phì trong các thành phố.

Duy bày tỏ mối ưu tư, tiếp:

— Trẻ suy dinh dưỡng nhất là ở những năm đầu tiên, không phải chỉ nhỏ về vóc dáng mà cả não bộ cũng không phát triển, thiếu tế bào não trẻ không có khả năng tập trung và trở nên ngu độn. Còn đám trẻ phì mập thì cũng là bệnh chứ đâu có hay ho gì!

Ông Khắc nói thật ngắn:

— Cũng không khó khăn gì để giải thích hiện tượng nghịch lý đó, nó chỉ phản ánh sự phân phối của cải lợi tức xã hội không đồng đều trong giai đoạn phát triển tư bản hoang dã.

Duy giọng lên án gay gắt:

— Quản lý một đất nước có tiếng là vựa lúa của Đông Nam Á mà để cho 70% trẻ em suy dinh dưỡng đã là điều đáng trách. Giữa đông đảo những đứa trẻ gầy ốm thiếu ăn ấy lại xuất hiện một đám con cái cán bộ đảng viên dư ăn ngập miệng đến mang bệnh phì mập thì bộ máy cai trị ấy không phải chỉ đáng trách mà là bất nhân và đáng ghê tởm.

Ông Khắc thấy ở Duy là một tổng hợp những điều nghịch lý: thẳng thắn bộc trực gay gắt phê bình chế độ hiện tại nhưng vẫn không từ nan dấn thân, kể cả những việc nhỏ thấy là phải thì vẫn cứ làm. Duy phân biệt rất rõ giữa chế độ và những người dân sống trong đó. Duy tiếp giọng cảm khái:

— Trẻ đói hay trẻ no đều là đám trẻ bệnh không phải là thế hệ thừa kế tốt để Việt Nam bước vào thế kỷ mới.

Đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà sao ông Khắc vẫn chưa thấy mình là già, đã thế đám bạn của ông như Duy, Cao, Hộ toàn là lớp trẻ cách ông tới cả hai thế hệ, với mối tương quan trong sáng hồn nhiên và không cợn lên cái khoảng cách giữa tuổi tác. Ông dễ dàng nói chuyện với họ về những triển vọng tương lai hơn là với các người bạn già cũ mà lề lối suy nghĩ đã hóa thạch và chỉ thích quay về quá khứ.

Chuyện trong nước đã thế, ông Khắc nghĩ chuyện bên ngoài cũng không đơn giản gì. Theo ông nói chuyện nhân quyền trước tiên là quyền được làm người quyền được sống của những đứa trẻ, trước khi bàn tới những chuyện cao xa khác.

Có tiếng của đám trẻ reo lên. Đến rồi bình minh. Dâng lên từ phía Biển Đông, mặt trời như một chiếc mâm to tròn đỏ từ từ ló dạng nhưng vẫn ướt đẫm tươi mát lẫn trong mênh mông của biển sương mù. Cũng mặt trời đó chỉ ít phút sau khi càng lên cao càng khô ráo ấm áp và cũng rực rỡ hơn.

Giã từ bóng đêm, tới với bình minh với tương lai bao giờ cũng là cảm giác ấm áp.

Comments are closed.