Hoàng Văn Hòe, nhà thơ uyên bác, danh sĩ chống Pháp

(Kỷ niệm 130 năm ngày Cụ hy sinh vì nước)

Hoàng Văn Sơn

(Hậu duệ đời thứ Tư cụ Hoàng Văn Hòe)

Những năm giữa và cuối thế kỷ XIX, khi Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, trong khi triều đình nhà Nguyễn phải ký các hòa ước cắt đất nhượng bộ, thì nhân dân ta ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước nổi lên khắp nơi, liên tục chống quân xâm lược. Ở Bắc kỳ, trong số các nhà Nho nổi dậy, tiến sĩ Hoàng Văn Hòe đã chiêu mộ nghĩa quân, phối hợp với một số sĩ phu khác đánh Pháp trong hơn mười năm.

Hoàng Văn Hòe người làng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sinh năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1848), mất năm Ất Dậu 1885 hoặc Đinh Sửu 1887 (?). Cụ là con thứ 11 của Ngự sử Hoàng Huy Định (Hoàng Văn Định) và cụ bà Trần Thị Năm. Hoàng Huy Định là Giám sát Ngự sử Hà Ninh, đã từ quan về làng dạy học năm 1835, vì cáo buộc kẻ quyền thần là Hà Duy Phiên không thành. Hoàng Văn Hòe tự là Vương Trực, hiệu Cổ Lâm, biệt hiệu Hạc Nhân, đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870), đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn (1880) năm 33 tuổi, được khắc tên trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881) cụ đỗ thứ hai khoa “Văn học yêm Bác” (khoa thi đặc biệt về văn chương dành cho người trước đó đã đỗ tiến sĩ loại xuất sắc). Cụ được bổ làm Hàn lâm viện Tu soạn. Tháng Chạp năm 1882, thăng hàm Thị độc (chức quan trong Hàn lâm viện giữ việc đọc sách cho vua), được bổ làm tri phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tháng 6 năm Ất Dậu (1885), được vua Hàm Nghi triệu vào kinh, bổ làm Tập hiền viện thị độc (Học viện cao cấp chuyên nghiên cứu, giảng dạy cho nhà vua, hoàng tử, và quan lại cao cấp trong triều), sung Kinh diên khởi cư chú (thư ký ghi lời nói, hành động của vua), Phụng nghị đại phu.

clip_image002

Đình làng Phù Lưu, quê hương Hoàng Văn Hòe

Hoàng Văn Hòe từ nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ, lên 7 tuổi đã đọc Hán thư, được thân phụ Hoàng Huy Định rất yêu qúy. Năm Canh Ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ 23 (1870), cụ 23 tuổi thi Hạch đỗ Đầu xứ, thi Hương đỗ Cử nhân đứng thứ 2. Lý tưởng của cụ là sống sao cho trọn đạo trung hiếu. Cụ viết trong thư gửi cho bạn:

“Hồ thỉ sơ tâm viễn đại kỳ

Tối tô trung hiếu lưỡng kiêm chi”

Tạm dịch:

Chí lớn từ xưa với kiếm cung

Đôi niềm trung hiếu vẫn song song.

Sau khi đỗ Cử nhân năm 1870, trước tình hình giặc Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất năm Quý Dậu (1873), chàng thanh niên Hoàng Văn Hòe mới 25 tuổi với tấm lòng trung hiếu son sắt, đã bỏ không thi Hội, đứng lên chiêu mộ quân sĩ đánh Pháp. Ngày 20/11/1873, thiếu tá hải quân Francis Garnier tấn công thành Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ. Phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Tổng kinh lược xứ Bắc Kỳ Nguyễn Tri Phương chống giữ thành bị trọng thương, giặc Pháp bắt, đã nhịn đói từ chối mọi sự săn sóc của Pháp và tuẫn tiết. Cuối tháng 11/1873, quân Pháp vượt sông Hồng đánh chiếm huyện Gia Lâm và huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng đã chiếm được 4 tỉnh thành ở trung châu. Hoàng Văn Hòe đã đứng lên chiêu mộ dân, quân đánh Pháp. Cụ viết: “Quý Dậu niên (1873) Hà thành hữu sự, dư thời mộ dũng tòng thứ” (Năm Quý Dậu (1873) Hà thành có việc, tôi lúc bấy giờ mộ quân đi theo quân thứ). Trong một bài thơ chữ Hán, cụ viết: “Dư tòng quân thời, thường trú binh Sóc Sơn” (Khi tôi tòng quân, thường đóng binh ở Sóc Sơn). Để khích lệ những người tham gia kháng chiến, cụ làm bài thơ “Khẩu hiệu”.

Khẩu hiệu

Sơn mãng do tiềm thử,

Giang ba hốt phí kình.

Xích mi(1)vị năng phá,

Bạch diện(2) bất tri binh.

Tân đảm lao thần lự,

Yêu trần thảm cổ kinh.

Nhạc quân đương thảo phát,

Thống ẩm Hoàng Long thành(3)

Dịch thơ:

Lời hô hào đánh giặc

Chuột vẫn còn lẩn núi,

Kình chợt quẫy sóng sông.

Mi đỏ chưa bỏ chạy,

Mặt trắng dốt binh nhung.

Vua nước lo hôm sớm,

Kinh xưa khói mịt mùng.

Quân ta mau tiến phát,

Thẳng tới thành Hoàng Long.

(Chu Thiên dịch)

(1). Gọi nhóm giặc bôi lông mày đỏ thời Tây Hán. Ở đây chỉ giặc Pháp.

(2). Thư sinh mặt trắng.

(3). Ví thành Hoàng Long ở Trung Quốc với thành Thăng Long lúc đó bị Pháp đánh chiếm lần thứ nhất. Hoàng Văn Hòe viết bài này kêu gọi lấy lại Thăng Long.

Hoàng Văn Hòe đã đem nghĩa quân phối hợp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Phạm Thận Duật, Trương Quang Đản đánh Pháp. Ngày 4/12/1873, diệt đồn binh Pháp ở Gia Lâm, ngày 21/12/1873 giải phóng huyện Siêu Loại thuộc phủ Thuận Thành, giải phóng huyện Gia Lâm, bắt sống nhiều quân địch. Những ngày đánh giặc cụ đã làm tới 5 bài thơ “Ngày thu cảm hứng”. Sau đây là bài thư nhất:

Thu nhật khiển hứng

“Cửu tương tâm tích hứa giang hồ,

Na quản phong trần phạm bệnh khu.

Khách đáo thu thâm, sầu thính vũ,

Sinh phùng thế nạn quỷ vi nho.

Giang thành nhật mộ huyên thung đối,

Sương thụ hàn đa thảm dạ ô.

Hồi thủ bất kham đề cựu sự,

Minh tiêu hoàn giáp Sóc Sơn ngung”

Dịch thơ:

Ngày thu cảm hứng

Giang hồ dấn bước đã từ lâu,

Thân bệnh phong trần xá quản đâu!

Hổ tiếng làng Nho sinh buổi loạn,

Đau lòng đất khách lắng mưa thâu.

Bên sông chiều tối chày khua rộn,

Cây nặng sương đêm qua rít sầu.

Việc cũ không đành lòng nhớ lại:

Sóc Sơn khoác giáp thét roi câu.

(Trích trong tập Hạc Nhân Tùng Ngôn. Chu Thiên dịch)

Triều đình Huế ký hòa ước năm Giáp Tuất (1874) nhượng cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ. Giặc không còn nữa, Hoàng Văn Hòe quay lại dùi mài đèn sách, năm Mậu Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 31 (1878 – 1879) cụ được bổ làm Giáo thụ phủ Kiến Thụy, học trò đông tới 200 – 300 người. Năm Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), cụ thi Hội, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, về vinh quy rồi lại vào kinh, được bổ làm Hàn lâm viện Tu soạn, làm việc ở bộ Lễ. Tháng 9 năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881), cụ được vua cho vào thi khoa “Văn học yêm bác”. Năm đó, chiếu ban cho đình thần cử lấy 28 người dự thi, chuẩn hạch làm 4 kỳ ở vườn thượng uyển, dùng đề do vua ra. Chỉ có 2 người trúng cả 4 kỳ: Hoàng Giáp Vũ Nhự đỗ thứ nhất, Hoàng Văn Hòe đỗ thứ hai. Sau kỳ thi này, tháng 12/1882, cụ được bổ làm Tri phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, thăng hàm Thị độc.

Năm Nhâm Ngọ (1882), Soái phủ Nam Kỳ sai Đại tá Henri Rivière đánh thành Hà Nội lần thứ 2. Thành Hà Nội thất thủ trưa ngày 3/4/1882. Tổng đốc Hoàng Diệu treo cổ tự vẫn. Triều đình phải ký hòa ước Harmand (8/1883). Ở Bắc kỳ, nhiều sĩ phu nổi dậy chống Pháp. Khi đó, Hoàng Văn Hòe là Tri phủ Kiến Xương, vô cùng phẫn uất. Cụ năm lần, bảy lượt từ chức không được bèn treo ấn từ quan, gia nhập nghĩa quân Tạ Hiện chiến đấu ở vùng Nam Định, Thái Bình. Sau đó, cụ liên kết với Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Dương Khải thành lập Đại nghĩa đoàn gồm hơn 5.000 người, thuộc ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên gọi là Tam tỉnh nghĩa quân đánh Pháp. Trong số tướng chỉ huy có nhiều người xuất sắc như: Vương Văn Vang (Đội Văn), Án sát Nguyễn Trọng Đạo, Tú tài Nguyễn Trọng Huyện (hai anh em họ). Nghĩa quân Tam tỉnh xây dựng đồn trại ở xã Đình Bảng (sát cạnh xã Phù Lưu, phủ Từ Sơn) thành một phòng tuyến kiên cố chạy dài xuống giáp đê sông Đuống, uy hiếp quân Pháp ở lưu vực sông Cà Lồ (Phúc Yên ngày nay). Nghĩa quân cũng xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền (huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang) và ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng, khống chế vùng ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hợp lưu của các con sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu. Cụ Hoàng Văn Hòe thường xuyên có mặt trên các phòng tuyến Phù Lãng, Cung Kiêm trực tiếp chỉ huy chiến đấu, động viên binh sĩ. Nghĩa quân đánh thắng quân Pháp nhiều trận lớn như trận Ngọc Trì (tên nôm là làng Bến) nay thuộc xã Bình Định, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Theo sách sử của triều Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên, có nhiều trận đánh dữ dội với quân Pháp. Sau nhiều trận giao chiến, sáng 12/3/1884, quân Pháp tập trung lực lượng hòng nhổ bật hệ thống phòng thủ Đáp Cầu – Quả Cảm. Hoàng Văn Hòe, Nguyễn Cao chỉ huy đội quân nghĩa dũng chặn đánh hạm thuyền Carabin, bắn chìm ngay tại lũy Bường. Chiều tối ngày 12/3/1884, thành Bắc Ninh rơi vào tay Pháp. Hoàng Văn Hòe cùng chiến hữu rút lên thành Tinh Đạo (huyện Nhã Nam, tỉnh Bắc Giang). Sau vài tháng chiến đấu, nghĩa quân suy yếu dần, nhất là thiếu súng đạn, lại bị quân Pháp truy kích liên tục nên tan rã. Một số gia nhập các lực lượng kháng chiến khác.

Hơn mười năm xông pha trận mạc, Hoàng Văn Hòe là tấm gương sáng chói của thế hệ thứ nhất người dân địa phương dũng cảm đánh Pháp. Cụ đã nêu gương tiết tháo nhà Nho, tuy không giỏi việc quân, đã quyết tâm từ quan, chiêu mộ dân quân chiến đấu, xả thân một lòng vì nước.

Năm 1884 -1885, triều đình Huế chia ra 2 phái: phái chủ chiến do Nguyên soái Tổng tiết chế quân vụ Tôn Thất Thuyết đứng đầu, phái chủ hòa do Phụ chính Nguyễn Văn Tường đứng đầu. Được biết lòng trung hiếu, quá trình anh dũng đánh Pháp của Hoàng Văn Hòe, Tôn Thất Thuyết tâu vua Hàm Nghi triệu cụ về kinh giao chức Sử quán biên tu, thực chất là tăng cường tướng lĩnh cho phái chủ chiến. Tháng 3 năm Ất Dậu (1885), được vua Hàm Nghi triệu, Hoàng Văn Hòe vào Kinh. Là một người con rất yêu kính mẹ, đi đến Nam Định, có thư gửi về nói rằng: “Tài mình gặp lúc khốn quẫn, thì lấy thân mà đền ơn quân phụ là xong. Xưa nay trung hiếu khó nổi vẹn hai, thôi cam tội làm con bất hiếu. Vậy mẹ già ở nhà đã có các em con thờ phụng”. Tháng 6 đến Kinh, cụ được bổ làm Tập hiền viện Thị độc, sung Kinh diên khởi cư chú. Đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (4/7/1885), Thống tướng De Courcy mở tiệc chiêu đãi các sĩ quan dưới quyền. Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ vào đêm 22 rạng sáng 23/5, tức đêm 4 rạng ngày 5/7/1885, cụ tham gia trận chiến. Quân Pháp phản công, kinh thành Huế bị chiếm. Vua Hàm Nghi phải bỏ kinh thành về Tân Sở (Quảng Trị) hạ chiếu Cần Vương. Khi kinh thành tạm yên, Hoàng Huy Đạm, anh ruột của cụ cùng mẹ vào Kinh tìm thi hài Hoàng Văn Hòe không thấy, chỉ thu thập được tập Hạc nhân tùng ngôn. Người con rể của cụ và người trong gia tộc sưu tập thêm các thơ văn cụ viết ở quê ngày trước đóng thành sách trong đó có 319 bài thơ chữ Hán. Sau này, Hoàng Thụy Liên, em ruột của cụ đã viết bài tựa trong sách Hạc nhân tùng ngôn: “Năm Ất Dậu thời vua Hàm Nghi, kinh thành có sự biến, anh cam lòng liều chết cứu nạn nước, hết lòng trung vì quốc sự, thực không hổ thẹn với nếp nhà hiếu nghĩa”. Hoàng Thụy Chi, cháu gọi cụ Hòe là bác ruột đã biên tập Hạc nhân tùng ngôn để lưu truyền mãi mãi.

Hoàng Văn Hòe đã được đời sau đánh giá là một nhà thơ xuất sắc cuối thế kỷ XIX. Một số túc Nho đọc Hạc nhân tùng ngôn đều khen thơ rất hay nhưng rất khó dịch, chữ viết như rồng bay phượng múa, đời nay không mấy người đọc thông hiểu đầy đủ. Chu Thiên dịch 4 bài. Cao Xuân Dục giới thiệu Hoàng Văn Hòe trong cuốn Quốc triều hương khoa lục: “Một nhà, ba cha con,anh em đều đỗ đạt”. Hạc nhân tùng ngôn cũng được nhóm Lê Thước giới thiệu trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920). Trong Hạc nhân tùng ngôn, có rất nhiều bài thơ hay ca ngợi quê hương đất nước: Đề ở miếu Cổ Loa; Lên núi Phật tích, chùa Ngọc Sơn, Phủ Kiến Xương, thành Diễn Châu; Đến vườn dược sơn (Hữu dược sơn viên) ca ngợi Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sơn viên là vườn trên núi, bên đền Kiếp Bạc nơi Trần Hưng Đạo ở cho đến cuối đời. Rất nhiều bài thơ về Huế, nơi cụ làm việc sau cùng: An Định chu thử (Trên thuyền về An Định), Hương giang dạ phiếm chu (Đêm trên thuyền sông Hương), Hương kiều (Cầu sông Hương), Xuân giao (Ngày xuân tế Giao).

Ở quê nhà, Loa Hồ (đầm Phù Lưu), nguồn của sông Tiêu tương (đã nổi tiếng với truyện Trương Chi-Mỵ Nương) là một thắng cảnh đẹp. Trong Hạc nhân tùng ngôn, Hoàng Văn Hòe có bài thơ:

Đề cảnh đình Loa hồ

Lung linh miếu nổi ánh hoa bay,

Bạn hữu tư văn chính ở đây.

Gai trúc xanh rờn, trời để phúc,

Sen hồng nước lục, đạo càng say.

Qua song núi hiện như mây biếc,

Dưới nguyệt, trà thơm tỏa khói bay.

Xin gửi chim âu lời nhắn nhủ,

Mười năm đèn sách phụ công này.

(Hoàng Hồng Cẩm dịch)

Trong Hạc nhân tùng ngôn, nhà thơ bày tỏ lòng đau đớn trước cảnh quê hương bị giặc đốt phá, tàn sát, bắn giết người:

Bài thơ Cảm tập đồ

Tứ hải thập niên bất giải binh

Thiên thôn vạn lạc sinh kinh kỳ

Quần đạo tương tùy kịch hổ lang

Biên đình lưu huyết thành hà thủy

Mười năm bốn bể còn binh lửa

Vạn xóm ngàn thôn lút cỏ lau

Bầy cướp đua nhau săn hổ báo

Bên thành như suối máu tuôn trào

(Duy Phi dịch)

Hoàng Văn Hòe rất tự hào về họ Hoàng, vốn là một dòng họ hiếu học và nghèo. Nói về họ Hoàng, cụ có bài:

Hoàng cúc

“Thu lai lôi tước dục sinh trần

Vạn đóa phù kim bất liệu bần

Mạc quái, bình sinh thiên ái cúc

Cúc hoa nguyên điểm tính Hoàng nhân.”

Cúc vàng

Thu sang, bát rượu xúi ta say

Vàng nổi muôn vàn, vẫn khó thay

Quái lạ đời ta yêu hoa cúc

Bởi hoa giống nét họ Hoàng đây.

Các bậc túc Nho đánh giá cao thơ chữ Hán của cụ. Nhiều bài thơ rất điêu luyện, có phong vị Đường thi, có nhiều cảm xúc, ý tứ, quan sát tinh tế của tác giả. Thí dụ các bài trong Hạc nhân Tùng ngôn: Bạch cúc (Cúc Trắng), Mãi cúc (Mua hoa cúc), Thủy tiên hoa (Hoa thủy tiên), Dạ khởi văn đào (Đêm nghe tiếng sóng), Diệu giải (Khúc nhạc huyền diệu), Hữu lạp mai (Bên cây mai cuối năm), Quất viên (Vườn quất). Sau đây là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, 7 chữ) tả hoa cúc đẹp đẽ, giản dị, thanh tao:

Bạch cúc

Thu sương vi bội nguyệt vi thường,

Kháp hảo cư chi bạch ngọc đường.

Tiểu sát Tây Thi kiều dã tuyệt,

Thần tiên nhã đạm bất hồng trang.

Dịch thơ:

Cúc trắng

Hạt ngọc – sương thu, xiêm – áo trăng

Đáng nơi nhà quý chốn cao sang.

Cười – Tây Thi chết, duyên tuyệt diệu,

Thanh đạm thần tiên, chẳng điểm trang.

(Người dịch: Duy Phi, Lê Xuân Hãng, Tống Đức Nhuận)

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt (4 câu, 5 chữ):

Dạ khởi văn đào

Tận nhật hành hải biên,

Đào phong hám thụ trung.

Dạ lai thôi chẩm văn,

Thị đào thị vũ chí.

Dịch thơ:

Đêm nghe tiếng sóng

Dạo bờ biển suốt ngày

Sóng gió lay, cây đổ.

Đêm động gió, nghe hoài,

Mưa bay hay sóng vỗ?

(Người dịch: Duy Phi, Lê Xuân Hãng, Tống Đức Nhuận)

Tác giả so sánh: mưa bay hay sóng vỗ? thật rung động lòng người.

Các bài thơ chữ Hán của Hoàng Văn Hòe nói lên những cảm xúc chân thực của tác giả, những ý tứ sâu sắc, những quan sát tinh tế, những so sánh thú vị. Trong bài Thư quán mạn đề (Đề chơi ở quán sách) có những câu viết về sự cô quạnh, lẻ loi của tác giả, đọc lên nghe rất đỗi vắng lạnh:

“Vạn lý cô vân tùy độc điểu

Bách niên hoàng quyển thoại thanh đăng”.

(Vạn dặm một cánh chim bay hoài trong đám mây lẻ

Trăm năm quyển sách vàng trò chuyện với ngọn đèn xanh)

Ngoài tập thơ chữ Hán đồ sộ Hạc nhân Tùng ngôn gồm 319 bài với đủ các thể loại: thơ vịnh đất nước, vịnh cảnh, vịnh người, vịnh hoa; thơ tiễn tặng, thuật hoài… Hoàng Văn Hòe còn có tập Yêm bác khoa văn sưu tập các bài thơ, phú của các văn nhân là những người đã đỗ kỳ thi Yêm bác năm Tự Đức thứ 34 (1881) tại kinh đô Huế.

Chính sử của nhà Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, ghi về Hoàng Văn Hòe: “Khi kinh thành hữu sự, ông đã chết trong nạn nước”. Đó là sự kiện đêm 22/5 rạng ngày 23/5 năm Ất Dậu (5/7/1885) vua Hàm Nghi đánh Pháp không thành, kinh đô thất thủ. Ngoài ra, còn có thông tin về việc cụ phò vua Hàm Nghi đi kháng chiến ở Sơn Phòng, Hà Tĩnh, rồi ra Bắc Kỳ chiến đấu trong phong trào Cần vương đánh Pháp. Có tài liệu nói cụ bị thương nặng ở Hữu Ái, Lang Tài, được chiến hữu đưa lên Lục Ngạn, An Châu rồi mất cuối năm 1887. Cũng có thông tin của cháu nội cụ là Hoàng Văn Hiếu, con trai Hoàng Văn Toản. Hoàng Văn Toản là con của cụ Hoàng Văn Hòe và bà vợ do phu nhân Đề đốc Tạ Hiện làm mối ở vùng mai danh ẩn tích Bắc Giang. Khi kháng chiến dưới trướng Nguyễn Cao, Tạ Hiện ở Bắc Kỳ, cụ bị tử thương ở Bến Và, được đưa về chiến khu Bắc Giang chữa chạy rồi qua đời. Hoàng Văn Hiếu tìm được ngôi mộ họ Hoàng không rõ danh tính ở cánh đồng làng Phù Lưu. Từ đó, dòng họ Hoàng đã di chuyển mộ cụ về nghĩa trang Phù Lưu. Còn cần nhiều thời gian và công sức tìm hiểu kỹ càng về sự hy sinh của cụ.

Hoàng Văn Hòe là một ông nghè có học vấn xuất sắc, đỗ cao trong triều đình, được vua khen tặng, nhiều bạn bè cùng thời mến mộ. Cụ là nhà khoa bảng, là vị quan văn yêu nước, không giỏi võ nhưng vẫn dũng cảm cầm quân trực tiếp tham gia kháng chiến hơn mười năm, là một trong những người đầu tiên tuyển mộ dân quân làm nghĩa binh chống Pháp ở Bắc Kỳ. Cụ là một nhà thơ yêu nước, có tác phẩm xuất sắc của thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ XIX, một giai đoạn thơ văn rất phong phú với nhiều tác gia lỗi lạc như: Tống Duy Tân, Phạm Văn Nghị, Tôn Thất Thuyết.

Các thế hệ đời sau rất kính trọng lòng yêu nước quên thân đánh Pháp, tài năng học vấn xuất sắc, sự nghiệp thơ văn uyên bác của Hoàng Văn Hòe. Nhà nước Việt Nam tỏ lòng kính trọng cụ qua việc thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên đường Hoàng Văn Hòe ở phường Tân Quý, quận Tân Phú; thành phố Đà Nẵng cũng đặt tên đường Hoàng Văn Hòe ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Đài truyền hình Việt Nam đã công chiếu bộ phim tài liệu về Hoàng Văn Hòe trong mục Danh nhân đất nước “Vị Tiến sĩ họ Hoàng làng Phù Lưu” phát ngày 30 và 31 tháng 7 năm 2011.

Người viết đã tham khảo các tài liệu: Gia phả họ Hoàng, Phù Lưu; Ai lên Quán Dốc Chợ Giầu; Nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Thơ chữ Hán Hoàng Văn Hòe; Hạc Nhân tùng ngôn; Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam; Văn hiến Kinh Bắc; các báo: Xưa và Nay, Lao Động, Bắc Ninh, Bắc Ninh-online, Quân đội nhân dân-online; Internet. Trân trọng cám ơn Quý tác giả các sách, tài liệu tham khảo, đặc biệt là Nhà Hán học Duy Phi.

Comments are closed.