Khuôn mặt chiến tranh trong tác phẩm Y-Uyên

image

Hình bìa tạp chí VĂN, Sài Gòn, số 129, số đặc biệt thương nhớ Y Uyên

(Hình: THT)

Không nỗi ngây ngất nào rực rỡ như nỗi ngây ngất chiến tranh,
phía sau có lửa, phía trước có máu của mình.”
(Y-Uyên)

Trần Hữu Thục

Lúc bây giờ, cái chết nào cũng đột ngột, đột ngột như đóm lửa tàn thuốc chợt tắt ngúm khi vứt vào vũng nước trong bóng đêm. Vừa sáng lóe lên đó và hết. Bốn viên đạn, và Y-Uyên đã chết như thế. Chết bên một giòng suối. Y-Uyên chắc không buồn, nhưng dòng suối, những đám cỏ lơ thơ, xơ xác ở đó buồn. Những người quen anh buồn. Những người không quen anh cũng buồn. Những người không quen anh, nhưng biết anh – không sống trực tiếp bên cạnh anh, nhưng sống những cái nhìn của anh, những cảm nghĩ của anh, những xao xuyến của anh, và như thế có liên hệ với anh, những liên hệ có lẽ thật tình cờ. Tác phẩm của anh đã móc nối những liên hệ đó. Cái chết của anh không cắt đứt chúng và có lẽ trái lại, lên hệ càng sâu sắc, càng thâm trầm. Tác phẩm đã làm lớn, làm rộng hiện thân của anh. Tác phẩm đã đưa anh gặp gỡ loài người, gặp gỡ thật nhẹ nhàng, kỳ vĩ. Tác phẩm đã thuần hóa những khúc mắc của không gian, thời gian. Anh đã chết bên bờ suối, nhưng tác phẩm đã làm anh không chết giữa đời sống. Một Nguyễn Văn Uy, cũng như một ai trong chúng ta đó, quả thật tầm thường. Nhưng một Y-Uyên nhà văn đã phá vỡ sự tầm thường đó. Có thể nhà văn khi viết lên để bày tỏ một thực tại, hắn ta đã thất bại, vì thực tại để sống, im lặng sống – viết lên nói ra là bóp méo cái sinh động, ảo diệu của nó. Có điều, loài người đã yêu mến sự thất bại đó như một thực tại. Vì thế mà không còn thất bại nữa. Y-Uyên nhà văn cũng thế, đã không thất bại qua những công trình của anh, kể cả lúc anh đã chết.

Y-Uyên đã sống trong lòng chiến tranh và đã chết trong lòng chiến tranh, cuộc chiến tranh dai dẳng, bi thảm bao phủ lên căn phần của mỗi một người. Chiến tranh từng đêm từng ngày từng giờ từng phút. Và chiến tranh đi vào trong những tác phẩm. Bom, đạn, hỏa châu, trái phá… Những hình ảnh chiến tranh tạo nên những thực tại và chỉ dừng ở đó. Trong tác phẩm, khuôn mặt chiến tranh được dựng nên, được thể hiện nhằm trao gửi đến người khác, trao gửi đến những người trong tương lai. Ở đây, thực tại chính là những gặp gỡ, những gặp gỡ thật im lặng, thật âm thầm, thật cô đơn giữa người viết – xét như một con người – và những người đọc – xét như những con người… Có điều, không phải khuôn mặt chiến tranh trong những tác phẩm của những nhà văn đều giống nhau. Chúng khác nhau. Thực ra, khi viết, nhà văn nào cũng muốn trình diễn cái bi đát, thảm khốc, phi lý của cuộc chiến tranh, khác là khác ở mức độ, không khí của cái bi đát, thảm khốc và phi lý đó qua ngòi bút của mỗi nhà văn. Vì thế, mỗi nhà văn xây dựng nên một khuôn mặt chiến tranh trong tác phẩm của mình. Khuôn mặt đó có thể là hãi hùng, kinh hoàng, khôc liệt với bom, đạn, súng nổ, máu chảy…, có thể bi thương, đầy nước mặt, có thể căm thù, hờn tủi, có thể hào hùng, say sưa… Khuôn mặt chiến tranh trong tác phẩm Y-Uyên khác hẳn thế.

Với một tập truyện dài và hàng chục truyện ngắn được in ra, Y-Uyên đã đưa độc giả thấm nhập dần vào khuôn mặt chiến tranh mà anh dựng nên. Độc giả, từ những cảm tưởng rời rạc, tan loãng lúc mới làm quen với văn Y-Uyên đến những xúc động, gần gũi thật sự khi càng đọc văn của anh. Những điều anh viết quả thực không có gì hết, trông nó tầm thường, vụn vặt, nhưng quả là những tầm thường, vụn vặt có một tầm mức vĩ đại. Khuôn mặt chiến tranh mà anh vẽ ra không ồn ào, khua động, không có những hình ảnh máu me, chém giết… Trái lại, khuôn mặt ở đây trông nó trầm tĩnh, lơ lững, đôi khi thật bình thường, bằng an. Nó không tràn đầy những luận thuyết về bom đạn, không tràn đầy những suy tư, nghĩ ngợi sâu sắc về chém giết. Nhưng không phải vì thế mà khi đọc Y-Uyên, người ta sẽ thấy mình đang sống trong một khung cảnh bình thường, bằng an. Trái lại, người sẽ thấy mình bắt gặp thật đầy đủ, thật trọn vẹn và cũng thật chua xót, bi thương cái đời sống buồn chán, khổ sở của cuộc chiến. Chiến tranh như thấm thấu, tác dụng vào từng mạch máu, từng thớ thịt, từng câu nói, từng cử chỉ của mỗi một nhân vật trong truyện của Y-Uyên. Chiến tranh hiện diện thường trực, lúc nào cũng có đó, gậm nhấm đời sống trên mỗi bước đi, trên mỗi cái nhìn. Chiến tranh nằm trong mỗi một ngọn cỏ xác xơ, trong mỗi cái lay động của bụi tre, trong mỗi một câu nói thật bâng quơ và thơ ngây của bà bán hàng.

Người đàn bà như có một sự nôn nả qua cánh tay quạt nón liên tiếp. Như vẫn theo đuổi sự nôn nả của mình, chị đáp thờ ơ:

Trước, một buổi mai ở chợ dưới, hàng bán còn gấp đôi số hàng bán cả hai buổi bây giờ. Chợ chi mà chỉ có người bán.

Chiến tranh mà chị.

Chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ vậy.” (Chiều trong làng)

Giọng người bán hàng sao bình thản đến thế! Nhưng, phải nhận thấy lẩn quất sau đó một cái gì thật chua xót. Cái nôn nả, cái thờ ơ trong giọng nói bao hàm một trạng thái mệt mỏi, buồn nản đến cùng độ. Chiến tranh, đối với những cuộc sống tầm thường như thế, không hẳn là một con quái vật móng vuốt nhọn hoắc xuất hiện la hét, nhưng chiến tranh như một màn lưới bao la, ở khắp cả, nhưng không có vị trí. Lúc đầu, có lẽ nó cũng bất ngờ – nhưng dần dà, nó bắt chồi đâm rễ vào đời sống tạo nên những ám ảnh thường trực. Những ám ảnh thật nhỏ bé, đột ngột bò lần bò lần trên mỗi một tác động của đời sống. Chúng như thể nhập vào cá tính của mỗi người, tạo nên những thói quen. Chúng biến thể thành những nỗi hoang mang thật tình cờ, đôi khi có chút gì vô lý:

Thuở nhỏ Bước sợ ma quỉ bắt về âm phủ, một góc nhà tối, một bụi cây um tùm, một khúc quẹo trên đường làng như đều có âm binh xuống đón. Nhưng chưa bao giờ Bước gặp và những góc nhà bụi cây, khúc quẹo đều gần Bước để Bước trông thấy rồi mới nghi là mình bị đe dọa. Bây giờ từ miệng một người phu xe qua thôn, từ một thành phố Bước chỉ tin là có vì được nghe phát thanh chốc chốc nhắc lại “Đây là tiếng nói nước Việt Nam phát thanh từ…” từ một ngôi nhà làng… đâu đâu cũng có lệnh cho Bước, ai ai cũng có thể ra lệnh cho Bước. Dẫu Bước không có một căn cứ cụ thể như có bụi cây để nghĩ ma quỉ lẩn quất ở đó là hợp lẽ, bây giờ Bước vẫn phải tin và tuân những lệnh đó và vẫn sợ những trừng phạt kèm theo.” (Chiều trong làng)

Kiểm đột ngột hoảng sợ. Những đêm thức trắng và nỗi rã rời cơ thể khiến Kiểm mất bình tĩnh. Những bụi tre ở một chòm nhà giữa đồng thêm đỏ dòng dọc, ngọn xơ xác vật vờ. Tất cả như cách xa, rét mướt, mờ ảo. Kiểm yếu quá lắm rồi. Sao Kiểm lại ở đây? Sao lại đứng giữa cánh đồng với cái chết âm thầm chờ trước mặt? Sao không chạy trở lại?” (Kiểm diện)

Nhân vật nào cũng cảm thấy mình bị bủa vây bởi một sự bất an thường trực. Một cái tin bất chợt. Một ý nghĩ thấp thoáng. Một sự vắng mặt bất thường. Tiếng chó sủa đột ngột trong đêm. Một hy vọng lóe lên. Sự đợi chờ sốt ruột. Mới đầu, tưởng chúng như những cái gì nằm bên lề cuộc sống, một cái gì phụ thuộc, không đáng kể khi người ta phải ăn, uống, yêu thương, dạy học, ghen, đùa cợt… hàng ngày. Thực tình không phải như thế. Chúng có một ảnh hưởng miên man đáng kể, những ảnh hưởng nhiều khi không tìm thấy nguyên nhân, những ảnh hưởng đâm chồi mọc rễ trong cõi vô thức để thỉnh thoảng có dịp lại hiện ra, từng chút, từng chút, đứt đoạn. “Khi hắn đã ngáy, Kiểm thấy mình cũng không hơn gì hắn. Dần hơ hải và buồn bã đã như một xua đuổi vô ích” (Kiểm diện) hoặc “Nửa đêm, Chỉnh đang ngủ bỗng ú ớ kêu thét. Kiểm vùng dậy bật đèn thấy một cẳng hắn thò ra ngoài mùng trắng nhợt.” (Kiểm diện); hoặc như hình ảnh một người mẹ nhớ đứa con tên Kiều con “Má anh Kiều con lại lầm bầm trong miệng. Hai mắt bà khép yên hoài hoài như thể trong cõi đui mù có rất nhiều thứ để hình dung.” (Cái cối xay dưới đồng bằng).

Trong tác phẩm, Y-Uyên ít khi đặt các nhân vật của anh trực tiếp đối diện trước khung cảnh bom đạn hãi hùng, trước những cảnh máu đổ thịt rơi, giữa giữa những tiếng thét man rợ, giữa những xác người ngã gục hoặc cảnh chạy loạn xác xơ. Những hình ảnh như thế không hiển hiện rõ ràng. Nhưng đời sống bình thường của mỗi nhân vật vẫn như bị chúng đè nặng. Chúng có vẻ như đã qua đi, mà thực ra vẫn còn đâu đó thấp thoáng, vô hình vô dáng. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy một anh giáo viên (Ngưỡng) đang đi với tình nhân (Diệu) trong một không khí rất bình thường, nhưng thấp thoáng chợt có những cái nhìn, ý nghĩ cảm giác bất thường, là lạ:

Diệu cũng cần, cũng khao khát một chỗ bình yên, cũng cần được săn sóc. Ngưỡng qua những ruộng mía, đi chậm lại”… Và “nghe tiếng lá khô loạt xoạt cọ vào nhau liên hồi, Ngưỡng vững lòng. Nếu có người bò trong đám mía, có vấp ngã, những tiếng loạt xoạt cũng át đi, khỏi sợ lộ.” (Ngày về của bọn họ).

Nhân vật nào của Y-Uyên cũng có một đời sống bình thường. Thực ra, ẩn dấu đâu đó đàng sau, là một căn bệnh, một căn bệnh thoát ra từ cõi tâm lý vô thức. Khuôn mặt chiến tranh bàng bạc ở đó. Gặp một lúc nào đó, thứ tâm lý đó hiển hiện thật rõ rệt:

Hồ dừng lại ngạc nhiên nhìn quanh quất ngơ ngác. Bên vệ đường cái giỏ của ông già ngồi cạnh Hồ trên xe bỏ lăn lóc. Mấy con bồ câu đập cánh nhảy trên những hộp sữa tìm lối ra. Một nỗi hoảng sợ đến kinh dị chiếm lấy Hồ, Hồ cắm đầu chạy nhào đuổi theo đoàn người trước mặt. Lúc đã tới chân dốc, Hồ mới nhận ra vẻ hớt hải của mình.” (Mùa xuân qua đèo)

Cái hoang mang, cái hãi sợ, cái lo lắng, cái bải hoải như luôn luôn sẵn sàng ở đâu đó, chi phối đời sống của mỗi nhân vật. Một cái gì đó, có thể là không có gì hết, cũng dễ gợi nên những cảm giác là lạ, ngột ngạt, băn khoăn, sợ sệt.

“- Chắc bà ở dưới làng tản cư lên?

Giọng người con trai băn khoăn. Người đàn bà vội đáp:

Không phải đâu thầy. Tụi tôi là người tản cư. Tui ở đây đã lâu. Tui có nhà ở…” (Bên ngoài khán đài)

Một tờ giấy sấm truyền mà làm thằng bé bán hàng hốt hoảng:

Thằng bé hốt hoảng vứt mấy tờ giấy xuống mặt dốc:

Tôi không biết chữ, không đọc được truyền đơn.” (Bão khô)

Cái thứ tâm lý như vừa nói trên, thoát thai từ những ám ảnh kinh hoàng của cuộc chiến – và rồi được nhân vật dán lên ngoại cảnh. Vì thế, mà mỗi một cành cây ngọn cỏ, con đường mương, bóng tối, những đốm lửa, bóng người… như mang một vẻ gì đe dọa, lạ lùng, một cái gì yên tĩnh đó, nhưng sẽ chợt khua động, nóng bỏng lên bất cứ lúc nào.

Những bóng người vẫn chốc chốc hiện thêm lẻ loi ở cuối đường. Giữa cánh đồng không còn người, một lò gạch tỏa khói.” (Bên ngoài khán đài)

Bước đạp xe như chạy trốn. Tiếng chuông của người phế binh đã ngân nga. Trâu bò đã về chuồng chỉ còn lại trên đường những bước chân bừa bộn, những đống phân tung tóe. Trên núi chóp đã nom rõ những đốm lửa lập lòe.” (Chiều trong làng)

Khuôn mặt chiến tranh Y-Uyên dựng nên thật thầm lặng, thầm lặng lạ lùng. Thầm lặng, nhưng thật phức tạp, thật bi thảm. Những dáng vẻ, những động tác, những cảm giác, những ý nghĩ của các nhân vật trong tác phẩm Y-Uyên, cũng như những khung cảnh mà Y-Uyên mô tả, mang lại cho người đọc những cảm tưởng bùi ngùi, những xúc động sâu xa, ngây ngất. Người ta dễ dàng bắt gặp chính mình trong mỗi một ý nghĩ của nhân vật của Y-Uyên, những ý nghĩ đôi khi rất tình cờ, vụn vặt. Mà thực, những gì Y-Uyên viết đều rất tình cờ, vụn vặt – nhưng muôn ngàn cái tình cờ, vụn vặt đó bàng bạc để kết thành một dáng vẻ độc đáo trong tác phẩm Y-Uyên. Cũng chính vì thế mà khuôn mặt chiến tranh của Y-Uyên rất sống, rất thực. Nó không mang vẻ giả trá của một mớ lý luận rất kêu về chiến tranh được đặt vào ý nghĩ hay lời nói của nhân vật của một số nhà văn. Y-Uyên không vẽ lên rõ ràng một khung cảnh thật hãi hùng, thảm thương của chiến cuộc. Những khung cảnh như thế dễ kích thích cảm giác người đọc, nhưng cảm giác chóng qua. Thực ra, chiến tranh đâu chỉ bi thảm ở những hình ảnh chiến địa máu me, ở súng nổ đạn bay, ở hỏa châu, ở tiếng hô xung phong, ở những thân người gục xuống… Cái bi thảm của nó kéo dài bàng bạc, dai dẳng sau những trận chiến và kéo lê thê ở bất cứ đâu, dù ở đó chưa một lần thành bãi chiến trường. Chiến tranh có mặt ở cả những lúc im lặng, ở những cử chỉ sợ hãi vu vơ, ở cái nôn nả, phờ phạc của một gười đàn bà, ở một lớp học chợt có một đứa học trò nghỉ học, ở sự vội vã, hấp tấp của một giáo viên ở trường làng.

image_thumb[1]

Một trang trong tạp chí Văn

(Hình: THT)

Y-Uyên đã không “chiến tranh hóa” toàn thể nội dung các tác phẩm của anh. Anh đã viết về chính đời sống, xét như đời sống – nhưng là đời sống trong lòng chiến tranh. Anh đã viết những nhân vật đang sống giữa khung cảnh chiến tranh, nhưng vẫn có những tình yêu, những hẹn hò lãng mạn, những đùa cợt, những vui thích, những nhẹ nhàng…, anh viết có vẻ rất bình thản. Chiến tranh thì chiến tranh, nhưng chiến tranh không hẳn lúc nào cũng sẵn sàng cấu xé, nuốt trửng những nhu cầu vĩnh cửu của loài người. Có lúc, trong tác phẩm Y-Uyên, chiến tranh như vắng mặt hẳn. Nhưng tinh ý, chúng ta sẽ trực nhận ngay rằng nó vẫn bàng bạc đâu đó, từng chốc, từng lúc. Chính cái bàng bạc từng chốc, từng lúc đó mà tuy giữa lòng chiến tranh, con người ít ra vẫn còn một chỗ hở để quên sự bi thảm, để sống. Tác phẩm của Y-Uyên bao hàm điều đó. Chính anh cũng đã nhận xét như thế: “Có những cảnh bi thảm trong thực tế, nhưng không làm sao tôi mô tả nổi! Nhiều khi tôi vẫn phải lồng vào những cảnh quá bi thảm mình đã thu nhận được trong thực tế, những nét đẹp. Chứ bi thảm quá như trong thực tế thì làm sao tôi viết nổi.” (Phỏng vấn, Tin Sách, số 49, tháng 7/1966)

Cũng như anh đã nói, quả là anh chưa bao giờ “có can đảm phết đen nguyên một tác phẩm.” Giữa thực tế và tác phẩm, Y-Uyên còn giữ một khoảng cách – và một khoảng cách cần thiết. Nghĩa là, cái khuôn mặt chiến tranh mà anh dựng nên chỉ phản ảnh một phần cái khuôn mặt chiến tranh ở trên quê hương này. Đúng là Y-Uyên không có cam đảm. Thực ra, tôi nghĩ đó chỉ là một lối nói. Vì giả dụ có cam đảm đi nữa, Y-Uyên cũng không thể phết đen tác phẩm của anh. Mà cho dù có phết đen đi nữa, thì khoảng cách giữa thực tại và tác phẩm vẫn còn. Nhưng có điều, nếu văn chương chỉ là mô phỏng hoàn toàn thực tại, thì văn chương hết là văn chương. Vă chương lấy chất liệu từ thực tại và vượt lên thực tại. Vượt lên nhưng không hủy bỏ thực tại. Sự vượt lên đó chính là những ước mơ, những khát khao, hy vọng hoặc rõ ràng hoặc chỉ lẩn khuất đâu đó trong tác phẩm và tạo nên những nét đẹp. Nhà văn đã xây đắp những ước mơ, những khát khao, hy vọng cho chính mình, mà đồng thời cũng là để trao gửi đến người khác. “Những cái đẹp” mà Y-Uyên bày tỏ trong cuộc phỏng vấn, là như thế. Cái khoảng cách cần thiết mà Y-Uyên cố giữ, phản ảnh bản chất trung hậu của nhà văn.

Nhưng, những ước mơ, khát khao, hy vọng phảng phất trong tác phẩm của anh, đã không bao giờ thành hình đối với anh. Anh đã chết trong cuộc chiến tranh. Trong các truyện ngắn của anh, anh chưa vẽ vời lên được một cái chết như thế. Những nhân vật của anh ít khi chết ở trong tác phẩm của anh. Họ đều sống, phải còn sống dù đọa đầy, cực khổ, lo lắng, băn khoăn – để ước mơ và chờ đợi. Y-Uyên không khác gì họ. Có lẽ họ chính là Y-Uyên hay ít ra, mỗi một nhân vật mà anh tạo ra, đều có mang ít nhiều một chút gì đó của anh cũng như có mang ít nhiều một chút gì đó của chúng ta. Đọc Y-Uyên, chúng ta ngây ngất với những nhân vật, trạng huống, khung cảnh, mà anh vẽ phác ra – chúng ta cũng ngây ngất với chính chúng ta trong một sự bắt gặp tuyệt vời. Một sự ngây ngất có cái gì tê tái, chua xót, thương cảm từa tựa như sự ngây ngất mà Y-Uyên đã viết trong truyện “Mùa Xuân qua đèo”:

Không nỗi ngây ngất nào rực rỡ như nỗi ngây ngất chiến tranh, phía sau có lửa, phía trước có máu của mình.

Bây giờ Y-Uyên chết rồi, có lẽ chúng ta mới thấy thấm thía cái cảm nghĩ đó của anh. Và cái chết đột ngột của anh cũng đã làm chúng ta ngây ngất. Trước mặt Y-Uyên có lửa, sau lưng anh cũng có lửa, còn ở giữa chính là anh và máu của anh. Còn chúng ta, chung quanh đầy lửa, chung quanh đầy máu, chúng ta ở giữa ngây ngất, tê dại .

Tôi viết để tưởng niệm Y-Uyên trong khung cảnh hừng hực đó. Tôi không viết những lời phê bình anh. Tôi chỉ viết lên những xúc động có thực trong tôi về anh. Có lẽ tôi cũng viết lên những xúc động về chính tôi, một người như bao người khác, đang chấp chới giữa thực trạng chiến tranh.

Tháng 3/1969

Trần Hữu Thục

Nguồn: Tạp chí VĂN, Sài Gòn, số 129, số đặc biệt thương nhớ Y Uyên

Comments are closed.