Lê Nguyên Chí nỗi oan còn đó

(Viết thêm cho bài Lê Nguyên Chí, người bí ẩn?)

Đại tá – Nhà văn Thái Kế Toi

Trong bài viết về ông Lê Nguyên Chí – Người thứ năm trong phiên tòa xử vụ Nhân văn – Giai phẩm đã lên từ cách đây dăm tháng tôi gọi ông là con người bí ẩn. Nay có thêm tài liệu có thể giải mã được nguồn gốc của sự bí ẩn đó.

Lê Nguyên Chí là ai?

Lê Mạnh Đức con trai của ông Lê Nguyên Chí cho biết như sau:

“Vài nét lý lịch bố tôi: Bố tôi sinh 1903 tại 6, phố Hữu Mỹ thị xã Sơn Tây, mất năm 2003 tại Sài Gòn. Quê ở làng Phúc Đức huyện Phúc Thọ. Ông nội tôi cụ Lê Nguyên Tư, làm thông ngôn tiếng Pháp. Bà nội tôi cụ Giang thị Tỉnh, quê làng Mông Phụ Đường Lâm, hậu duệ cụ Giang văn Minh buôn bán vải ở chợ thị xã Sơn Tây, chợ lớn cạnh thành cổ.

Mẹ tôi, Lê Thị Quý Quán, ông ngoại tôi là quan án sát.

Bố tôi, từ khi sinh cho đến lúc qua đời vẫn chỉ có tên là Lê Nguyên Chí, sinh năm 1903 tại thị xã Sơn Tây. Thuở nhỏ, học tiểu học tại Sơn Tây, sau đó lên Hà Nội học trường Bưởi. Sau khi bố tôi đỗ diplome (thành chung), đang học dở dang ban tú tài thì bị đuổi học do tham gia bãi khoá để tang Phan Chu Trinh (1926). Từ đó, bố tôi đi làm tại Sở Tài chính, đồng thời quan hệ bạn bè với các ông như Phan Thanh, Phan Bôi, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Hữu Đang… và gắn bó với các hoạt động yêu nước. Những năm 1936-1938, bố tôi là một trong những người sáng lập Phong trào Truyền bá Quốc ngữ, là Uỷ viên Ban chấp hành Hội (ông Nguyễn Hữu Đang là Tổng thư ký), đồng thời cũng trong giai đoạn này theo bố tôi kể lại thì Người còn là Hội viên Hội Nhân quyền (Ligue des Droits de l’Homme) có trụ sở đặt tại Paris. Những năm 1941-1945, bố tôi tích cực hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, đã bị Pháp-Nhật bắt hai lần. Cũng để tập trung vào công việc hoạt động cách mạng, năm 1942 bố tôi tự thôi việc tại Sở Tài chính, cũng có nghĩa từ chối cuộc sống của một ông phán với mức sống dễ chịu và ổn định, bước vào một đời sống vật chất eo hẹp khó khăn. Năm 1945, bố tôi tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội, sau đó được cử phụ trách Thanh tra (Bộ Nội vụ) bên cạnh ông Hoàng Hữu Nam, ông Võ Nguyên Giáp. Xin nói rõ thêm, khi đó, Bộ Nội vụ bao gồm cả quân đội, công an, thanh tra… sau này mới tách ra từng bộ. Sau khi ông Hoàng Hữu Nam mất, bố tôi về Bộ Ngoại giao và là một trong số cán bộ cao cấp bên cạnh ông Bộ trưởng Hoàng Minh Giám (có xác nhận của ông Võ Nguyên Giáp và ông Hoàng Minh Giám). Năm 1951 bố tôi thôi công tác ở Bộ Ngoại giao vì lý do sức khoẻ.

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính tôi chứng kiến cảnh bố tôi chạy về nhà ông nội tôi, tại số 6 phố Hữu Mỹ thị xã Sơn Tây, giấu vội ba khẩu súng vào bể lớn trước sân, cũng kịp không để lính Nhật thu mất, họ vây ráp bắt bố tôi đi…

Năm 1945, bố tôi được Cụ Hồ giao cho làm phụ trách Thanh tra Bộ Nội vụ như bản xác nhận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bố tôi có kể lại, đã thương thuyết để Linh mục Lê Hữu Từ từ Giáo xứ Bùi Chu Phát Diệm về hợp tác với Cụ Hồ; đã tới các nhà tù giải quyết những vụ bắt giam oan các ông Dương Đức Hiền, Bồ Xuân Luật, v.v. Tôi cũng được Bác Hồ cho bố tôi đèo đến gặp dịp Rằm tháng 8/1945…

Ông Hoàng Minh Giám ngay năm 1955 về Hà Nội cũng đã đến thăm bố tôi, có hẹn sẽ đưa về làm việc tại Bộ Văn hóa. Cũng ông Hoàng Minh Giám cũng đã tìm hiểu việc bắt giữ bố tôi, nói lại bố tôi chỉ là nhân chứng, và ân cần thăm hỏi gia đình tôi, nhất là mẹ tôi chớ lo lắng quá, yên tâm "không sao"…

Văn bản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Anh Lê nguyên Chí là người tốt, chỉ vì quan hệ với Nguyễn Hữu Đang mà bị tù oan. Đã minh oan cho Nguyễn Hữu Đang thì nay cũng minh oan cho anh Lê Nguyên Chí"

Người con ông Lê Nguyên Chí kể tiếp:

Năm 1952, ông được giao làm nội gián vào hoạt động nội thành, với nhiệm vụ vận động Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc Việt của chính phủ Bảo Đại, đi theo kháng chiến. Ông Nguyễn Hữu Trí nguyên là bạn cùng làm việc với bố tôi ở Bộ Nội vụ sau Cách mạng tháng Tám. Ông Trí bố trí bố tôi làm Thanh tra Thủ hiến Bắc Việt với quyền hạn rất lớn, đó cũng là cơ hội thuận lợi thực thi nhiệm vụ. Khi bố tôi vận động ông Nguyễn Hữu Trí cùng bộ máy của mình ra Kháng chiến, ông Trí thẳng thắn nói: “Tôi làm việc theo lý tưởng của tôi. Chúng ta cần tôn trọng lý tưởng của nhau”.

Công việc được giao không thành nên chỉ sau ba tháng làm Thanh tra Thủ hiến Bắc Việt, bố tôi quyết định từ chức, cũng có nghĩa từ bỏ cuộc sống vật chất đầy đủ, đưa gia đình vào Sài Gòn chờ cơ hội tiếp tục hoạt động.

Cũng thời gian này, bố tôi tham gia hoạt động trong Phong trào Hoà bình Thế giới ở Sài Gòn do ông Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo. Cũng nhờ tổ chức này đấu tranh nên năm 1954 gia đình tôi mới được phép trở ra Hà Nội.

Cho đến năm 1958, bố tôi chưa hề có “vấn đề” gì với nhà nước cộng sản. Hết sức bất ngờ, ngày 10/4/1958 bố tôi bị bắt và bị đưa ra toà cùng với các ông bà Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại trong vụ án Nhân văn – Giai phẩm. Trước ngày đó chỉ ba ngày, bố tôi còn gặp ông Bộ trưởng Phan Mỹ và được ông thông báo sẽ bố trí công tác ở Bộ Nông trường.”

Con trai Lê Nguyên Chí lý giải nguồn gốc sự việc như thế này:

“Cho đến nay, chúng tôi vẫn chỉ có thể kết luận bố tôi mắc vào vụ án Nhân văn – Giai phẩm chỉ là do quan hệ bạn bè với ông Nguyễn Hữu Đang. Nguyên là thời gian này, gia đình chúng tôi lâm vào hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bố mẹ tôi phải mở hàng bán bánh cuốn, một số anh em bộ đội miền Nam dạy cho cách làm bánh xèo, bánh bao để bán. Tuy vậy, hàng họ ế ẩm. Các bạn bố tôi như ông Nguyễn Hữu Đang, Phạm Văn Khoa hay đến ăn quà, vừa để thăm nom, vừa ăn để “ủng hộ” bạn. Cũng vì thiếu thốn, bố mẹ tôi mắc nợ, con nợ đến đòi nợ từ sáng sớm. Ông Đang thấy vậy nên viết thư cho bạn vay tiền hộ cho bố mẹ tôi. Trên đường đi Hải Phòng vay nợ (bố tôi đi một mình), bố tôi bị công an bắt giữ tại bến xe Hải Dương. Công an lục lọi tìm thì trên mình bố tôi chỉ có bức thư đi vay nợ! Như vậy, không hề có chuyện “cả bọn vượt biên trên biển bị công an biển bắt giữ” như tác giả người Đức đã viết.”

Một trong những nhân chứng của việc này giúp cho ông Đang liên lạc với ông Chí cũng là một người bí ẩn, lúc đó làm việc ở báo Văn Nghệ.

Lê Mạnh Đức cho biết: “Chàng thanh niên làm cần vụ cho ông Đang lúc đó chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi, hay đi chiếc xe đạp Mercier sáng loáng còn mới (chắc của ông Đang) đến nhà tôi khoảng thời gian 1957-58. Khi gặp ông Đang, tôi hỏi về nhân vật CA này thì ông Đang nói "Bây giờ anh ta là nhà văn thuộc Hội Nhà văn, thỉnh thoảng còn đến thăm chú". Lúc bố tôi đã bị bắt, tôi đến 25 Phan Bội Châu tìm ông Đang thì buồng đóng cửa, anh này nói ông Đang đi vắng. Kỳ tình ông Đang cũng đã bị bắt hôm 10/4/1958.”

Bằng suy đoán của kinh nghiệm cá nhân tôi đoán được tên tuổi người thanh niên – nhà văn này nhưng tiếc rằng hiện nay ông ta đã mất.

Như vậy ông Lê Nguyên Chí đã rơi vào một cái bẫy của một lực lượng nào đó để hoàn thiện vụ án. Tôi đã nghi ngờ việc này sau khi đọc hồ sơ vụ án của lực lượng công an. Báo cáo sơ kết án của công an không kết luận nhóm Nhân văn – Giai phẩm là gián điệp, phản động, không có tổ chức, không nhận tiền của nước ngoài…

Báo cáo đã gửi lên trung ương và sau đó vụ án được xét xử khác hẳn, vô cùng nghiêm trọng và khác hẳn sự thực.

Mãi gần đây chứng cứ mới về vụ án đã lộ ra ánh sáng. Người làm ra bản án vụ Nhân văn – Giai phẩm đã tự thú nhận. Xin xem bài Một tài liệu về phiên tòa xử vụ Nhân văn – Giai phẩm, đã đăng Văn Việt.

Như vậy vai trò của Lê Nguyên Chí chỉ thực sự nổi lên là cái chốt của vụ án để kết tội Nguyễn Hữu Đang âm mưu trốn vào miền Nam. Bi kịch ở chỗ ông đã rơi vào cái bẫy rất nguy hiểm của Tòa án Hà Nội. Người ta đã lợi dụng được mối quan hệ thân thiết của ông với ông Đang từ nhiều năm trước chỉ để bằng một tờ giấy vay tiền mà kết tội được ông Đang có âm mưu trốn vào Nam. Tất nhiên đã xử ông Đang thì không thể để ông vô can. Và tình thế tiếp theo là phải nuốt lời hứa tha bổng, phải xử ông một cái án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế. Sau đó vì cái tiếng của vụ án quá lớn Tòa án Hà Nội đã không làm gì cả trước số phận ông, bỏ mặc ông lĩnh trọn án tù và tiếng oan hàng nửa thế kỷ sau đó mà vợ ông cùng những người con của ông gánh chung số phận.

Hà Nội ngày 9-7-2021

Có thể là hình ảnh về 1 ngườiCó thể là hình ảnh về 1 người

Ông Lê Nguyên Chí lúc còn trẻ và lúc 100 tuổi

Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người và kính mắt

Ông Nguyễn Xuân Dương

image

Ảnh Bộ Ngoại giao ở Việt Bắc. Từ trái sang thứ hai là Lê Nguyên Chí, tiếp theo là Hoàng Minh Giám

Có thể là hình ảnh về văn bản

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Ban Tổ chức Trung ương

Không có mô tả ảnh.

Giấy chứng nhận của ông Hoàng Minh Giám

Comments are closed.