NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO

(tiếp theo)

BẠT

Trần Đức Thảo đã ra đi và Việt Nam mất đi một triết gia. Song điều đó có nghĩa gì đối với một đất nước có quá nhiều mất mát, ở một nơi mà do cuồng vọng của lãnh đạo, hàng triệu gia đình đã mất cha mất con, mất vợ mất chồng, đôi khi mất cả hai ba thế hệ, mất cả không ít trẻ thơ là mầm non của đất nước?

Song ta có thấu hiểu về sự mất mát của chỉ một người như Trần Đức Thảo, ta mới trông ra hết cái thảm kịch của một dân tộc bất hạnh như dân tộc Việt Nam.

Từ nhỏ ông đã học giỏi, song điều đó không lạ, không hiếm ở một đất nước có truyền thống hiếu học. Lớn lên ông vẫn nổi bật giữa chúng bạn, trong một ngành mà không mấy người Việt Nam đi vào, còn ở ngay một môi trường không phải là của ta.

Người ta bảo người Việt Nam không thích triết bởi cái tính thực tiễn, thiết thực ở nơi ta. Với loại triết lý “thằng Bờm”, ta sẵn sàng để những vấn đề nhức đầu nhức óc cho người khác. Chẳng thế mà người ta bảo người Việt bình thường chỉ có loại triết vụn chứ không có triết học.

Vì sao?

Vì triết học đích thực đòi hỏi những tư duy tập trung, sâu sắc, dài hơi và dài hạn, để cho cái nhìn của ta trở nên hệ thống. Dựng nên một hệ thống triết học liền lạc, do đó, không phải là ai cũng làm được mà không làm được thì làm sao có thể sánh với những bộ óc lớn của nhân loại?

Chính vì thế mà cái học lên đến cỡ của một Trần Đức Thảo hay Nguyễn Mạnh Tường thời tiền chiến không phải là dễ, đạt đến mức của một Nguyễn Xuân Vinh hay Trịnh Xuân Thuận, Ngô Bảo Châu đời nay là đã trở thành những bảo vật mà xã hội cần gìn giữ, cưu mang. Bởi những con người như vậy không tự nhiên sinh ra mà xuất chúng. Cái giỏi của họ là kết quả của bao nhiêu tu luyện, để một ngày kia họ có thể trở lại đền đáp cái xã hội đã nuôi dưỡng tài năng của họ.

Những con người như vậy sẽ đem lại vinh quang cho xã hội sản sinh ra họ và họ càng đóng góp được cho cái nhân loại bao nhiêu thì họ càng làm vẻ vang cho cái nguồn gốc của họ bấy nhiêu.

Vùi dập những tài năng như vậy, do đó mà thành một trọng tội. Không phải chỉ chúng ta nghĩ như vậy. Ngay một người đi theo “Đảng và Bác” bao năm như nhà thơ Huy Cận mà cũng trông ra cái mất mát to lớn của một người như Trần Đức Thảo.

Sau khi được tin ông chết, có lẽ qua con ông là Cù Huy Hà Vũ lúc bấy giờ đang học ở Paris, Huy Cận ở tận Hà Nội đã phải thốt lên:

NHÀ TRIẾT HỌC

Tặng hương hồn Trần Đức Thảo

Anh sinh ra ở miền Kinh Bắc

Đất nước thâm trầm nuôi dưỡng anh

Cha ông sông lắng dòng sâu sắc

Suy ngẫm nhân sinh tập đại thành

Cổ kim suy tưởng ôm hành động

Chân lý rèn trong lửa cuộc đời

Thế kỷ hai mươi hồn mở rộng

Gốc xưa nhựa ấm bật cành tươi.

Chao ôi dao động, lòng chao đảo

Ai héo nhân văn, xấu kiếp người!

Đã có giữa đời Trần Đức Thảo

Người ơi vững gót (1) trụ đất trời.

Triết nhân tẩn mấn như con trẻ

Từ tiếng u ơ tìm lại nguồn

Ngôn ngữ lắng trầm nghìn thế hệ

Giọng người đâu phải tiếng chim muông.

Triết nhân có phải tăng nguồn sống

Cho mỗi hồn ta, cho thế nhân

Vất vả đường ai, nhưng gió lộng

Nâng chân muôn dặm bước hài văn.

Huy Cận

5 giờ sáng ngày 11-7-93

(1) Ngạn ngữ xưa: “Biết cắn môi để chịu thiệt, Đứng vững gót mà làm người.”

Trong bài thơ Huy Cận nhắc đến một tác phẩm lớn của Trần Đức Thảo, cuốn Recherche sur l’Origine du Langage et de la Conscience (mà đã được Đoàn Văn Chúc dịch sang Tiếng Việt là Cội Nguồn của Ngôn Ngữ và Ý Thức), một trong những tác phẩm chính làm nên sự nghiệp triết học của Trần Đức Thảo—cũng như đã xây dựng tên ông thành một triết gia của nhân loại trong thế kỉ 20.

Theo Cù Huy Chữ thì từ năm 1991 Huy Cận tuy không hiểu lắm định nghĩa của Trần Đức Thảo về học thuyết của ông là “hiện tượng học Mác-xít, đúng hơn nên gọi tôi là nhà duy vật biện chứng nhân bản,” song nhà thơ vẫn công nhận ông là “một nhà khoa học vĩ đại đang cần mẫn sống và làm việc cho đất nước, cho dân tộc, cho sự phát triển tự do của con người.”

Như vậy thì dù như Trần Đức Thảo bị CSVN bao vây hàng mấy chục năm từ khi “héo nhân văn” (1956), không cho làm gì ngoại trừ ngồi dịch mấy cuốn sách Pháp (một cách dùng người thật lạ kỳ, tương tự như dùng một ông giáo làm việc của học trò), ở ngay trong chế độ (Huy Cận đã có một thời gian dài làm bộ trưởng Văn hoá ở miền Bắc) vẫn có người nhìn ra chân giá trị của ông.

Song cũng tinh lắm thì mới nhìn được ra như thế. Chứ bề ngoài thì triết gia Trần Đức Thảo, sau bao năm bị chế độ trù dập, có thể nói là không “ấn tượng” lắm. Khi ông được sang Pháp vào cuối đời (tháng 3/1991 đến 21/4/1993), ban đầu ông đã gây được sự chú ý nhờ tiếng tăm của ông từ 40 năm trước. Nhưng khi người ta tò mò đến nghe ông thì chỉ thấy một ông già nhếch nhác, lại còn bị thối tai, mà xem chừng rất dè dặt, kín đáo (đâu mấy ai biết ông bị bao vây bởi các “đồng chí” ở Sứ quán) nên trước công chúng không dám nói thật mà phải nói quanh co, nói triết học xem chừng rất khó khan. Chẳng bao lâu, ông mất dần thính chúng… để đi đn chỗ lèo tèo với đôi ba người là có can đảm ở lại với ông đến cùng.

Nhưng đằng sau cái bề ngoài không mấy ấn tượng đó là cả khối tinh ròng suy nghĩ ấp ủ một đời mà may mắn chúng ta có nhà văn Tri Vũ Phan Ngọc Khuê nhờ thiện duyên đã làm thân được với ông để ghi lại những lời cuối, những lời xem như trăng trối của Trần Đức Thảo.

Cuộc đời Trần Đức Thảo xem như cuộc đời tan nát vì “cách mạng” mà ông đã chọn phục vụ vào năm 1951 nên mọi sự trở nên lỡ dở. Cuộc đời đó có thể xem như bài học “an object lesson” đối với những ai để cho tình cảm, lý tưởng che mờ đi lý trí, kinh nghiệm. Không những ông mất vợ, không có đời sống gia đình, không có cả tự do trong bóng tối làm những việc ông muốn làm cho quê hương đất nước của ông. Sự nghiệp triết học của ông là một sự nghiệp dang dở.

Cuối đời, dù được cho đi Pháp ông vẫn bị bao vây nếu không muốn nói là ám hại. Cũng may là bên ông còn có một số người thân đi lại chăm sóc cho ông, trong đó có thể kể vợ chồng Cù Huy Hà Vũ lúc bấy giờ đang học ở Pháp. Theo lời kể của Luật sư Dương Hà, lúc ông Trần Đức Thảo mới được sang Pháp thì Cù Huy Hà Vũ còn đang thực tập ở Sénégal (Tây Phi châu) nhưng sau khi ở đó về, vợ chồng chị thường đến thăm ông Trần Đức Thảo vào cuối tuần. Vì ông không có thu nhập gì đáng kể nên vợ chồng chị hay đi mua nước đến cho ông, và trong khi Cù Huy Hà Vũ chuyện trò trao đổi với ông thì chị dọn dẹp chung quanh phòng cho ông.

Mãi vào những ngày chót, mới có tin vui là Giáo sư Jean Dupèbe dạy ở Pari VII (khuôn viên Sorbonne ở Quận 5 Paris) vận động được cho Trần Đức Thảo một món tiền hưu để đảm bảo cuộc sống cho ông ở Pháp. Song ngân phiếu đầu tiên là 3000 francs mới đến ông chưa kịp tiêu thì đã mất. Theo lời kể của một nhân chứng thuộc Sứ quán, vào phút chót ông chỉ biết kêu: “Vũ…Vũ…”

Ký ức cuối cùng mà triết gia Trần Đức Thảo để lại nơi một số người quen là một hình ảnh khá vô nghĩa: ông thích đội mũ len!

NGUYỄN NGỌC BÍCH.

Springfield, Virginia

Mùa Giáng Sinh 2013

Nguồn: Trích từ sách “Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối” của Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ 2014. Tựa đề của VV. Bản điện tử của VV

Comments are closed.