VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (53): TỲ VẾT TÂM LINH (kỳ 3)

Truyện dài

Bình-Nguyên Lộc

Đây là lần thứ một trăm mà sinh viên lớp dự bị phải vẽ cây chuối.

Trước khi vào lớp, các nghệ sĩ tập sự xì xào với nhau:

–          Bữa nay là giờ của ông “Cây Chuối”.

Rồi họ cười ồ lên, mặc dầu viễn ảnh phải vẽ cây chuối làm cho họ ngán ngầm, sợ hãi.

Ông Cây Chuối là một giáo sư chưa già nhưng rất lười mặc dầu đó là một gíáo sư lỗi lạc. Đáng lý gì ông đưa các sinh viên đi tập vẽ trong thành phố, ông lại chỉ bắt họ vẽ cây chuối trong trường để khỏi phải đi đâu cho nhọc xác.

Thật ra, cây chuối ấy không trồng trong sân trường mà thuộc vào một đám chuối của vườn nhà bên cạnh, ở hông trường, hướng Phú Nhuận.

Ông thầy vừa để chơn vào lớp là các sinh viên reo lên:

–          Vẽ cây chuối nữa phải không thầy?

–          Cố nhiên – Ông giáo sư đáp.

Và hình như nghe được mỉa mai trong câu hỏi của học trò, ông thầy giải thích:

–     Các anh chị có biết hay không? Nhà văn Thạch Lam đã nói rất đúng rằng không cần đi năm châu, bốn bể, phiêu bạt giang hồ khỉ khô gì hết ráo mà cũng thành đại văn hào được như thường, nếu ta biết rõ xó hè của ta, ở đó có rất nhiều chuyện đặc biệt đáng viết ra.

–     Nhưng tụi tui đã biết rõ cây chuối ấy.

–     Biết đâu mà biết, các anh chị vẽ cây chuối ấy chưa nên hình mà.

Không đợi lịnh thầy, sinh viên thu lượm cọ, lượm goách[10], lượm sơn, rần rần kéo nhau để qua vườn hầu vẽ cây chuối bất hủ của thành phố Gia Định.

Nếu ngày sau có anh chị nào trở nên nhà danh họa thì hẳn cây chuối tối tăm nầy phải đi vào lịch sử.

Người học vẽ nào cũng sợ nhứt phải vẽ những thứ gì quá đơn giản như cây thước chẳng bạn, bởi không có gì để vẽ cả, trừ vài đường ngay, nét thẳng, không thể ăn gian được bằng những nét huê dạng nào hết.

Bởi vậy chỉ có những tay danh họa mới vẽ nổi cục nước đá cho ra hồn một cục nước đá vì cục nước đá hình thể đơn giản nhứt thế gian.

Cây chuối, thật ra không quá đơn giản lắm, nhưng nó đâu có ngoạn mục được như cổng Lăng Ông Lê Văn Duyệt, đâu có hấp dẫn như ao sen trong thảo cầm viên, thế nên học sinh phấn khởi xuống… sân để nô đùa chớ không phải vì mê cây chuối.

Các nghệ sĩ tương lai ở mọi môn đều phải qua cảnh khổ nầy, cũng như các anh học nhạc một cách căn bản, đánh đàn, chỉ được đánh có một nốt[11] Do suốt tháng trường chớ cấm chơi các bài bản, thì anh nào nặng kiếp tu lắm mới đi trọn đường nghệ thuật được.

Họ ngồi khít sát nhau trên bệ thềm của ngôi nhà lân cận trường nhìn ra vườn, tức về hướng trường mình. Mấy cây chuối đang tắm nắng, mấy cây chuối quá quen thuộc nầy mỗi ngày mỗi trưởng thành lên, có cây đã cho quả rồi, gần được đốn để nhường chỗ cho chuối non lớp khác kế tiếp lớp nầy cũng như lớp nầy kế tiếp lớp trước nhưng họ vẫn hồn nhiên thương yêu cuộc đời chớ không vì hình ảnh mà bùi ngùi cho kiếp phù du của con người.

–          À, sao anh lại vẽ cây chuối tím?

Ông giáo sư Cây Chuối hỏi một anh sinh viên như vậy.

–          Chớ thầy đã chẳng dạy là nghệ sĩ phải tung hoành thoát sáo, phải tránh giẫm chơn lên các lối mòn hay sao?

–          Nhưng anh đã là nghệ sĩ hay chưa nè mà muốn làm phăng-te-di[12]? Anh cứ vẽ cây chuối màu lục non cho tôi coi nào.

*

*       *

Liễu thừ người ra. Mấy câu đối thoại trên đây làm cho nàng chợt tỉnh và nàng bắt chợt nàng đang vẽ cây chuối màu xám tro.

Nàng kinh ngạc hết sức. Nàng không biết nàng có đủ tâm hồn nghệ sĩ hay không nhưng từ mấy tháng vào học tới nay nàng luôn luôn tuân 1ịnh thầy và tuân mọi kỷ luật nhà trường không hề huê dạng về khía cạnh nào để làm gì cả.

“Thế sao nay bỗng dưng mình lại vẽ cây chuối màu xám tro? Kỳ lạ chưa?”

Liễu không sao đáp được câu hỏi đó. Và, nàng bật cười rồi bạn hữu của nàng cũng cười, rồi nàng quên thắc mắc đi, lấy giấy ra vẽ cây chuối xanh một cách ngoan ngoãn như một cô dâu hiền.

Cây chuối xám tro kỳ dị nầy sẽ đánh dấu vào đời nàng thật đậm và sau đó nó là đầu dây mối nhợ của tấn bi kịch thứ nhì của thế hệ thứ ba của gia đình nàng.

*

*       *

Hôm nay Lưu, ăn mặc mặc như đi làm rể. Chàng thắt cà-vạt[13] hẳn hòi và mặc quần áo trắng cho nó sạch sẽ. Chàng bất cần làm dáng với Liễu mà chỉ chuẩn bị để Liễu trình diện chàng với cha mẹ nàng. Mà như vậy chàng phải có vó đứng đắn, nghiêm trang mới được.

Chắc chắn là chàng phải qua cuộc trình diện nầy vì Liễu mời chàng ăn sáng thì hẳn là phải ăn với cả nhà nàng chớ không lẽ lại ăn riêng hay sao.

Chàng đoán rằng sở dĩ Liễu mời chàng ăn điểm tâm là chỉ vì mục đích chánh thức hóa một người bạn trai trước mắt cha mẹ nàng mà thôi chớ ai lại đãi khách như vậy. Người ta đãi ăn trưa hay ăn tối chớ.

Chàng không đáng được gia đình nàng phải cực khổ đãi cơm, mà không đãi cái gì thì không được ông cụ bà cụ thân sinh ra nàng chính thức biết tới.

Vậy, bữa ăn sáng có lẽ chỉ vì thế.

Vừa thấy mặt bạn, Liễu cười hóm hỉnh rồi hỏi:

–     Rồi anh sẽ đi dự tiệc ở đâu?

–     Đâu có. Sao em hỏi vậy?

–     Anh thắt cà-vạt.

–     À, ra vậy… Nhưng anh…

Thấy Liễu thình lình thừ người ra, Lưu bỏ dỡ lời giải thích của chàng.

Liễu chợt thấy bạn của nàng mặc trắng, khác hẳn ba lần mà hắn mặc cả áo sơ-mi lẫn quần tây đều một màu xám tro.

Nàng vụt nhớ đến cây chuối màu xám tro mà nàng đã vẽ hôm kia rồi tư lự rất lâu.

Lưu khó chịu quá, ngỡ chủ nhà đang có chuyện buồn nên chàng tìm cớ để rút lui cho phải lúc, thì bỗng nghe Liễu nói:

–          Rất tiếc là anh mặc trắng. Em mặc bờ-lu-din màu để ta cùng ngồi trên sân cỏ. Nhưng thôi, ít ra anh cũng phải tháo cà-vạt ra, chớ em không dám tiếp quan to đâu.

Liễu vui tươi trở lại như thường, nên Lưu bỏ ý định rút lui. Chàng cười rồi vừa tháo cà-vạt vừa nói:

–     Anh sợ vô lễ với hai bác, nhưng em đã cấm thì thôi vậy.

–     À, anh chưa biết tình trạng trong gia đình em nên mới lo như vậy. Ba má em không có ở đây. Thôi, ta đi ra sau.

Liễu dẫn bạn đi ra sau nhà, như đã nói, mà đi qua cửa trước. Sân trước không có gì đặc biệt, ngoài mấy cây huỳnh liên và hai cây liễu, vì sân nhỏ không trồng gì được nhiều.

Sân bên hữu của nhà nầy là một con đường trải đá đỏ để cho xe chạy vào ga-ra[14].

Sân sau, giữa nhà chính và những căn nhà phụ thuộc như ga-ra, nhà bếp, kho v.v…, rộng minh mông và trồng đủ thứ cây ăn trái chịu đất ẩm như vú sữa, măng cụt, sầu riêng, mận, lý. Lý là một loại trái rất hiếm có ở Sàigòn, và mùa nầy là mùa của nó nên Lưu nhìn mấy cây lý rất lâu rồi nói:

–     Năm xưa bà nội anh bị đau nặng thèm một trái lý ghê lắm. Rất tiếc là hồi đó anh chưa quen với em.

–     Rồi bà nội …

–     … đã qua đời với nỗi thèm khát của bà.

Một chiếc bàn ăn nhỏ đã được đặt sẵn dưới cột một cây vú sữa già và chị người nhà đang dọn ăn.

Liễu không mời Lưu, cứ đi thẳng lại đó và Lưu nối gót theo bạn. Họ ngồi lại trên ghế, đối diện nhau, trước mặt mỗi người có một tách sô-cô-la[15] sữa rất lớn, lên hơi nghi ngút và một dĩa thịt nguội với lại một khúc bánh mì.

Họ ăn ngay, và Liễu giải thích tiếp:

–     Ba má em ra riêng từ hồi chưa có em lận. Ổng, bả ở Sàigòn ấy. Em chỉ mới vào đây ở mấy tháng nay để đi học cho gần.

–     À, ra vậy. Nhưng sao em nói em ở đây từ thuở nhỏ?

–     Ðiều đó cũng đúng nữa. Hồi em còn nhỏ, ba má em còn nghèo chỉ ở một căn phố thôi, nên lại gởi em vô đây cho bà nội em. Ở đây có sân, có vườn mát mẻ, rất lợi cho trẻ con.

–     À, cái gì cũng hữu lý hết, mặc dầu mới nghe thì hơi lạ.

Liễu không có nói gì thêm, nhưng Lưu đoán rằng chắc giờ cha mẹ nàng đã giàu rồi, mà có lẽ rất giàu nữa, vì nhà cửa như thế nầy mà họ không ở mặc dầu mẹ nàng khỏi phải sợ cảnh làm dâu nữa, thì hẳn họ đã có nhà lớn hơn và đẹp hơn. Chàng nói:

–          Bây giờ anh mới hiểu ý định của em muốn học lái xe lấy, để cho bác tài nghỉ việc. Chắc xe chỉ có một mình em sử dụng?

–          Không, em chỉ đi bằng tắc-xi thôi. Chính ra là để đưa ông nội em đi Biên Hòa mỗi tháng một, hai kỳ.

Đúng là gia đình nầy rất giàu. Chiếc Simca 9 cũ gây tốn hao một cách vô ích mà họ cứ để vậy là đích thị họ rất dư tiền.

Ông nội Liễu có thể đi bằng xe của ba Liễu đánh vào đây, thỉnh thoảng một lần, có phải là ít tốn hơn không?

–     Nếu em không về đây thì ai săn sóc ông nội?

–     Em về, em cũng không săn sóc được. Em có người cô họ, cô em góa chồng và không con, cô ở đây để săn sóc ông nội em.

Đó là tình trạng thường xảy ra trong các gia đình giàu có ở miền Nam, thường thường một người con gái góa chồng, bị hy sinh chịu cực khổ trở về với gia đình để nuôi cha mẹ, chớ không phải là người dâu mà các bậc cha mẹ đặt hết hy vọng vào.

Ðôi bạn đã ăn xong. Liễu không nói gì, đứng lên rồi đi qua sân bên hữu, tức qua mé rạch.

Ở đây có một hàng rào mà hôm đi tìm nhà, Lưu không thấy. Hàng rào làm bằng những cây trụ sứ tráng men màu tím, chơn rào và đầu rào là hai dây bê-tông[16] nhưng dây trên được lót gạch sứ men xanh để tì tay lên đó cho êm.

Hàng rào nầy chỉ có công dụng làm ranh giới cho người trên sân khỏi phải thấy bãi bùn khi nước ròng thôi và khi nước lớn như bây giờ, thì mặt nước lé đé chơn rào.

Ở đây không có trồng cây gì hết trừ một cây phượng vĩ ở mãi trong kia, và sau cây phượng vĩ là mấy cây bần có lẽ tự nhiên mà mọc. Đây là sân cỏ, một thảm cỏ màu rêu nõn trải ra, trông rất mát mắt. Người mình ít chơi thảm cỏ lắm, và thảm cỏ nầy với lại những cửa sổ không chấn song sắt, cho ngôi nhà một vẻ Tây phương đặc biệt.

Liễu nhảy lên ngồi trên một tấm bố, nóc lều cắm trại cũ mà có lẽ nàng đã dặn người nhà trải sẵn ở đó từ lúc thấy Lưu mặc trắng.

–          Anh có thích phơi nắng hay không?

–          Thích lắm nhưng chỉ có đi biển mới phơi nắng được, ở nhà thiếu phương tiện.

Chàng nghe đau xót lắm khi thú nhận điều đó. Chàng ở với cha mẹ, một căn phố không có sân, dưới nhà lại buôn bán, đó là một hiệu ba-da[17], thành thử cả nhà chàng đều bị bỏ tù trên một căn lầu hẹp từ năm nầy đến năm khác.

Chàng tự hỏi, yêu Liễu, chàng có trèo đèo hay không? Nên biết cho chàng rằng chàng không hề dè Liễu giàu đến mức nầy.

Nhưng chàng không lùi được nữa rồi. Nếu như chỉ tò mò về tấn bi kịch xảy ra hồi nửa thế kỷ trước, chàng bỏ cuộc rất dễ dàng. Nhưng chàng phải tự thú với chàng rằng sự tò mò ấy chỉ là một cái cớ mà chàng đưa ra, tiềm thức của chàng bị một lý do khác chi phối, lý do tình cảm.

Yêu đương nào có tội gì đâu? Ấy, nhưng từ ngày em gái chàng mất trí, chàng tự thấy đó là một tội ác lớn nên ý thức của chàng phải giả dối với chàng như vậy trong khi tiềm thức chàng xui chàng hành động theo sở thích của chàng.

Đôi bạn nhìn mặt nhau, qua hai cặp kiếng mát và trong giây phút, Lưu tin chắc rằng cô gái ngây thơ nầy sẽ là người đàn bà của đời chàng.

“Mình sẽ hóa điên hay không, nếu cha mẹ nó từ chối khi mình cầu hôn?” Lưu tự hỏi như vậy rồi bật cười.

–          Anh cười gì?

–          Em là một cô Lolita già đang tắm nắng.

Chàng đáp láo, láo nhưng thật, vì quả chàng cũng thấy như vậy. Cái dáng ngồi và cặp mắt kiếng của Liễu giống hệt dáng ngồi và cặp mắt kiếng của Lolita trong phim.

–          Em già lắm sao?

–          Đâu có. Em chỉ già đối với Lolita thôi chớ.

–          Còn anh là lão giáo sư ấy nhưng mà trẻ quá.

–          Đúng, nếu đối với lão giáo sư trong phim. Nhưng đối với em thì già quá.

–          Anh đứng người thôi chớ không già. Anh có vẻ người lớn chớ không có tướng học trò.

–          Tại anh nghĩ nhiều quá nên anh khằn.

–          Không khằn. Đứng người là người lớn, chỉ vậy thôi.

Liễu bỏ dáng ngồi Lolita. Nàng khoanh tay lại trên hai đầu gối, cẳng nửa co, nửa duỗi ra trước mặt nàng, thành thử mũi giày của nàng chỉ còn cách gối chàng có một tấc thôi.

Nàng nhịp một bàn chơn theo nhịp 3-4 khiến Lưu có một liên tưởng về nhịp valse nầy, nên hỏi:

–     “Dòng sông xanh” bên ngoài hàng song sứ tím nầy tên thật của nó là gì?

Quả nước của con rạch nhỏ này xanh thật.

–          Nó tối tăm lắm chớ không vang danh như “Danube xanh đẹp” mà anh vừa nghĩ tới đâu.

Gót giày của Liễu nện một cái, rồi mũi giày nàng nện hai cái. Lưu thấy đó là một con vật chớ không phải là một bộ phận của thân thể người. Một con vật biết nói, biết hát, và nó đang hát lên điệu nhạc quay cuồng ca ngợi cái dòng sông lạnh Ðông Âu danh tiếng:

Một dòng sông xanh xanh

Môt dòng tràn mênh mông

Một dòng nồng ý biếc

Một dòng sầu mấy kiếp

Một dòng trời xao xuyến.

………….

–     Trong các bức dư đồ thì em thấy ghi là rạch Cầu Bông – Liễu tiếp – Nhưng có người lại kêu là rạch Sư Muôn.

–     Vậy à?

Cả hai đều bật cười.

Sư Muôn là một xì-căn-đan[18] của thế hệ trước, tại khu phố nầy mà báo chí đã làm rùm, họ có nghe kể lại.

Một áng mây trắng lững lờ trôi qua che mặt trời sớm mai một cách đột ngột khiến họ như thình lình bị ai ném vào nhà.

–     Yêu cầu em 1ấy kiếng ra.

–     Chi vậy?

–     Vì đã hết nắng rồi. Với lại anh muốn ngắm mặt em trọn vẹn.

–     Chi vậy?

–     Em không hiểu đâu. Em chưa hiểu đâu. Nhưng năm tới em sẽ hiểu.

Không, không chắc gì Liễu chưa hiểu mặc dầu vẻ ngây thơ của nàng nó cho nàng cái vó trẻ con. Nàng làm theo lời bạn xin và Lưu thấy đôi mi nàng chớp lia lịa mấy cái, nàng bối rối trong mấy giây rồi thừ người ra.

Liễu đã hiểu. Nàng hiểu cả điều khác nữa. Nàng hiểu tại sao nàng lại vẽ cây chuối màu xám tro một cách bất giác. Tiềm thức nàng bị màu xám tro của y phục Lưu mà được thấy ba lần liên tiếp, bị màu ấy ám ảnh, và nó giao lại cho tri thức một cách ngấm ngầm, ý thức không hay biết gì cả.

“Mình bị ảm ảnh và mình vừa xúc động. Trời, mình đã yêu rồi à?”

Liễu thò tay xuống bứt cỏ, rất nhột nhạt mà bị bạn nhìn nàng. Nàng không còn tự nhiên như đêm ấy và như từ lúc Lưu mới tới đây đến giờ nữa.

“Nhưng cũng chưa có gì, nàng tự nói thầm như vậy. Mầy đã yêu, mà tình cảm của mầy chưa đáng kể đâu nhé. Người ta có yêu mầy hay không, còn điều đó nữa chớ, bởi cái đó mới là quan trọng. Vậy thì tốp lại đi, kẻo phải mắc cỡ với mình”.

Tự nhủ thầm là rất hợp lý, Liễu vẫn không tự nhiên trở lại được.

Nàng mừng quá mà bỗng thấy vài hột sương hiếm hoi trên đầu cỏ chưa kịp khô, lóng lánh lên. Mây đã qua rồi thì nàng có lý do để đeo kiếng trở lại. Nàng vừa đeo kiếng vừa rất muốn nói thật to lên:

–          Không, anh đừng tưởng là em còn trẻ con lắm

Con gái dậy thì rất thích làm cô tiểu thơ và rất mích lòng khi bị xem là trẻ con, nhứt là khi kẻ nghĩ như vậy là kẻ mà…

Nhưng nàng vẫn không dám cải chính như ý muốn. Không hiểu sao kể từ lúc chợt hiểu lòng mình, nàng bỗng đâm ra bị mặc cảm nhỏ nhoi, nhỏ nhoi chớ không phải trẻ con đâu.

Nàng hết nghe mình ngang hàng với Lưu nữa, hết dám hách nữa mặc dầu kể từ giây phút vỡ lòng yêu, nàng chợt nghe rằng nàng đã trưởng thành.

Nàng mất cả tự tin, cứ lo rằng bỗng dưng Lưu khám phá được một khuyết điểm nào nơi nhan sắc của nàng, rất muốn che giấu chỗ khuyết điểm ấy và rất khổ mà không biết nó ở nơi đâu.

Bất giác, nàng co chơn lại, ngồi xếp tè he theo lối cổ truyền của dân tộc vì đó là lối ngồi kín đáo nhứt của phụ nữ, đã không biết che giấu cái gì thì cứ kín đáo rồi hẵng hay.

Cho đến đỗi nói, nàng cũng không dám nói gì nữa, vì bỗng dưng cụt hứng cũng có mà vì lo bị Lưu chê nàng nói không hay.

–          Em vào ở trong nầy, có nhớ má hay không?

Liễu đang hồi hộp, lo sợ vì hối hận trễ muộn đã đánh nhịp bằng bàn chơn khi nãy, không biết Lưu có chê như vậy là không nên nết hay chăng, thì thình lình nghe bạn hỏi câu đó.

Nàng cười giòn lên rồi hỏi lại:

–     Tại sao anh cứ thấy em là trẻ con?

–     Tôi biết cô đã xin thẻ kiểm tra rồi hôm đầu năm nầy. Nhưng người lớn ơi, người lớn lại không biết nhớ mẹ hay sao?

–     À, như vậy thì em trả lời. Vâng, em nhớ má chớ sao không. Nhưng thỉnh thoảng em về ngoài ấy và thỉnh thoảng ba má vô đây.

–     Bây giờ đã mười giờ rồi, nắng không còn lợi cho da nữa, người lớn ơi. Ta vào nhà kẻo hai đứa đều thành khô mực ráo.

–     Người lớn xin vâng lời… ông già.

–     Anh già lắm hả?

–     Em đang là trẻ con được lên chức người lớn thình lình, vậy anh đang là người lớn phải lên ông già chớ.

–     Nhưng đêm nọ em lại bảo rằng anh là bà già! Ưng ai trái thị rớt bị bà già.

Đôi bạn cười xòa rồi đi song song với nhau ra sân trước.

Nhà day mặt về hướng Tây. Bóng nhà nơi sân trước đậm đen vì nắng sớm đã to.

Họ đứng trong bóng mát cạnh nhau, dưới gốc một cây huỳnh liên và Lưu nhìn trân trối sợi ruy-băng[19] cột tóc của Liễu.

–          Em đẹp lắm, Liễu à.

Liễu mọc óc cùng khắp thân thể và cúi mặt xuống nhìn mũi giày của mình.

–          Nhưng không phải đẹp ẻo lả như cây liễu trước mặt ta đâu. Em đẹp rất thể thao, em đẹp rất tân thời.

–          Thôi đi vô nhà, anh.

Lưu theo bạn để mà xin phép về. Chàng biết rất đúng lúc nào là lúc phải rút lui. Màn phải hạ sau một lời tỏ tình kín đáo là hay, bởi đào đã bối rối trông thấy, không thể nói được gì nữa cho hay thì khán giả, thính giả không còn gì nữa mà xem.

Màn hạ ở trong rạp hát thì khán giả xao xuyến hoặc ngậm ngùi. Ở đây chính đào sẽ xao xuyến! Nên để cho đào xao xuyến một mình, có lợi hơn.

–          Anh đã đòi về rồi à!

Người lớn bây giờ lại có giọng nũng nịu, trái hẳn với giọng kẻ cả của trẻ con hổm nay.

“Đào ngậm ngùi rồi đây, Lưu nói thầm. Nhưng đào chỉ ngậm ngùi trong mấy giây rồi thôi mình đi rồi thì đào chắc sẽ ca hát, và yêu đời hơn lên. Mình chủ quan lắm, nhưng mong rằng sự thật sẽ như vậy”.

Liễu lại tiễn bạn tận lề cỏ, cũng vịn ghi-đông chiếc xì-cút-tơ như đêm nọ và hỏi:

–     Chừng nào anh vô nữa?

–     Không dám hẹn đích xác. Anh vô thường lắm, em có bực mình hay không?

–     Còn hỏi!

–     Nhưng anh sẽ vô ban đêm. Ngày chúa nhựt có thể anh bận việc nầy việc khác. Em thấy như vậy có hại hay không?

–     Không. Nhưng cứ ban đêm mãi hay sao?

–     Thì cũng thỉnh thoảng ban ngày nữa chớ.

–     Em rất mong anh.

–     Anh cũng rất thích vô thăm em. Thôi, em trở vô nhà kẻo nắng. Bữa nay anh đi vòng đường Hàng Sanh, vì sợ hóa thành bà già nếu rủi ro bị trái thị rơi xuống trúng đầu.

Cả hai cười xòa rồi Lưu cho xe phóng lên dốc cầu.

[10] goách = gouache, một loại màu vẽ tranh

[11] nốt = note: dấu nhạc

[12] phăng-te-di = fantaisie: theo trí tưởng tượng, ngoài khuôn khổ, kiểu cọ, kỳ lạ

[13] cà-vạt = cravatte

[14] ga-ra = garage: nhà để xe

[15] sô-cô-la = chocolade

[16] bê-tông = béton

[17] ba-da = basar : tiệm hàng xén, tiệm tạp hóa

[18] xì-căn-đan = scandale: sự tai tiếng, sự xấu xa

[19] ruy-băng = ruban: dải lụa hay vải dài, dùng để thắt cột trang trí

Truyện dài Tỳ vết tâm linh còn tiếp, xin đọc toàn văn tại đây: http://www.binhnguyenloc.de/pages/TruyenDai/TyVetTamLinh/TyVetTamLinh_01.pdf

Comments are closed.