Phát biểu của Ban Giám khảo về công trình “Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long” của Thụy Khuê – giải đặc biệt về Nghiên cứu – Phê bình lần thứ nhất của Văn Việt

   

Cách đây một năm, cùng với loạt bài Hồ sơ biên bản so sánh của Inrasara, được trao giải chính thức, công trình Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long của Thụy Khuê được trao giải thưởng đặc biệt của Văn Việt về nghiên cứu phê bình. Nhân công trình của Thụy Khuê được xuất bản thành sách với nhan đề Vua Gia Long và người Pháp (Saigon Books và nxb Hồng Đức, 2017), Văn Việt xin đăng lại Phát biểu của Ban Giám khảo về Giải Nghiên cứu – Phê bình, phần về công trình của Thụy Khuê, để giúp bạn đọc hiểu thêm về cuốn sách này.

Văn Việt

 

image

 

Giải đặc biệt cho nhà nghiên cứu Thụy Khuê với loạt bài về Văn học miền Nam 1954-1975 và công trình biên khảo Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long.

[…] Là người chuyên viết về văn học, Thụy Khuê là người viết chắc tay và đáng tin cậy về vấn đề này. Nhưng đáng ngạc nhiên, là qua địa hạt Sử học, Thụy Khuê có một công trình đầy khám phá: Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long. Đây là một khảo cứu công phu đăng trên Văn Việt từ giữa tháng 3 năm 2015 đến cuối tháng 10 cùng năm, cả thảy đến 32 kỳ.

Đề tài không mới. Trước Thụy Khuê 100 năm, trên tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) từ 1917 đến 1926, L. Cadière chủ xướng và thực hiện loạt bài Les français au service de Gia Long. Từ đó đến nay, hàng chục công trình của nhiều nhà sử học tên tuổi cày đi xới lại vấn đề này. Làm thế nào mà Thụy Khuê vượt qua các những người đi trước, những Charles Gosselin, Charles B. Maybon, Léopold Cadière, Georges Taboulet, Charles Fourniau,… về phía Pháp; những Trần Trọng Kim, Trần Huy Liệu, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Đào Đăng Vỹ, Lê Thành Khôi, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Khắc Ngữ, Tạ Chí Đại Trường,… về phía Việt Nam?

Trước hết, đó là nhờ tác giả biết dựa chắc vào sử triều Nguyễn, đặc biệt là Đại Nam thực lục. Đây là cuốn sử bắt đầu in khi Minh Mạng qua đời, do chính nhà vua cho soạn nhưng không duyệt, và có chứng cứ cho thấy các sử thần được tự do trong viết sử. Thứ hai, là nhờ tác giả đối chiếu các sử liệu, tỉ mỉ và cẩn thận, với tinh thần phản biện cao, giữa Đại Nam thực lục và tư liệu của Pháp và giữa các tư liệu của Pháp với nhau, chứ không vội vàng tin một chiều vào tư liệu của một phía. Đó là cả một cuộc điều tra lịch sử công phu và nghiêm ngặt, được gợi hứng từ công trình Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị (tác giả tự xuất bản, 2013, Maryland, Hoa Kỳ), nhưng đi xa hơn rất nhiều.

Kết quả, là những kết luận có tính chất lật đổ, phá tan tành cái mà bà gọi là “huyễn sử”. Chẳng hạn:

· Bá Đa Lộc hoàn toàn không giúp được gì cho Gia Long.

· Những người Pháp được tôn xưng là “sĩ quan”, “kỹ sư”, “kiến trúc sư”, nhà lãnh đạo, tổ chức và huấn luyện quân đội, xây dựng những thành quách “Vauban” ở Việt Nam… thực ra là những người lính vô học, đào ngũ, không đủ kiến thức để làm được những công việc đó.

· Tất cả mọi công trình xây dựng (như thành Gia Định và thành Diên Khánh, cũng như kinh thành Huế sau này), đóng tàu và luyện tập quân sự đều do người Việt thực hiện dưới sự điều khiển của chính Gia Long.

· Hai tàu chiến Pháp GloireVictorieuse đến Đà Nẵng, ngày 15/4/1847, đã tấn công lén, tiêu diệt 5 thuyền chiến bọc đồng của triều đình, rồi bỏ trốn, chứ không phải bị tàu Việt tấn công trước.

· Về mặt kỹ thuật, tàu Việt thời Gia Long ngang ngửa với tàu phương Tây.

· Tự Đức có “một chính sách chống ngoại xâm ôn hoà, sáng suốt, và có tổ chức”, chứ không phải là một ông vua bạc nhược, chỉ ham thơ văn.

Bằng các tư liệu không đáng tin, thậm chí có thể khẳng định là ngụy tạo, các sử gia Pháp cố dựng lên huyền thoại “trước khi người Pháp đến, ta không có gì cả, chính người Pháp đã đem “văn minh” cho chúng ta và dựng lại ngai vàng cho nhà Nguyễn”. Điều đáng nói là “lịch sử” bịa đặt của các học giả thuộc địa của Pháp lại ảnh hưởng đến hầu hết các sử gia Việt Nam, khi họ “tận tín” vào sử liệu của Pháp. Bằng công trình này, Thụy Khuê khẳng định: “Chúng ta đã mất nước về tay Pháp; thất bại đó ta phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể để cho dĩ vãng lịch sử của dân tộc bị cướp trắng […]”. Bà đã khai quật được lịch sử bị chôn vùi, một cách có chủ đích hay do mặc cảm tự ty đối với phương Tây hoặc do thiên kiến chính trị.

Thụy Khuê chủ trương viết lịch sử như nó vốn có, chứ không phải để “đánh giá” lịch sử. Bà phản đối việc “người ta tự đứng trên lịch sử để phát biểu và không cần biết những sự thực xoay quanh những nhân vật lịch sử này như thế nào. Người ta không tìm hiểu, nghiên cứu, mà tùy hứng “đánh giá”: Người ta kết tội Phan Thanh Giản phản động rồi sau “đánh giá lại” là “yêu nước”. Và bà chua xót nhận xét: “Lịch sử viết theo đúng quy luật như thế, tôi nghĩ rằng thời đại chúng ta còn kém xa thời đại Minh Mạng”.

*

* *

Trao giải chính thức cho Inrasara và giải đặc biệt cho Thụy Khuê, Ban Giám khảo muốn cổ vũ cho một lối phê bình “không sợ sự thật”, một thái độ nghiên cứu đi đến cùng sự thật. Nói như Kinh Thánh, “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Jean 8: 32).

Comments are closed.