Thuật ngữ chính trị (29)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

 

78. Cost-benefit analysis – Phân tích chi phí – lợi ích. Phân tích chi phí – lợi ích là kĩ thuật xây dựng bảng cân đối kết quả của dự án hay hoạt động nào đó. Theo định nghĩa, đấy là phương pháp đánh giá, sử dụng tiền làm đơn vị tính toán. Khi công ty tư nhân sử dụng kĩ thuật này, đây thực chất là tính khoản lời và lỗ trong tương lai, nhưng khi nói rằng đây là “bảng cân đối toàn bộ” thì nó không chỉ còn là lời và lỗ nữa. Ví dụ, về phía chi phí, nó sẽ bao gồm “chi phí cơ hội” của những nguồn lực liên quan, trong đó có khoản thu nhập có được tử việc đầu tư số tiền đang có vào tài sản với rủi ro tối thiểu. Lợi ích có thể bao gồm danh tiếng của công ty, cho nên khoản lỗ trên danh nghĩa, theo phân tích chi phí-cơ hội, thực tế lại là lời.

Trong lĩnh vực đầu tư công, phân tích chi phí-lợi ích phức tạp hơn nhiều, vì cần phải đánh giá toàn bộ chi phí và lợi ích chứ không chỉ chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp địa phương liên quan thậm chí không chỉ chi phí và lợi nhuận của chính phủ mà của toàn thể nhân dân. Trong tính toán đó, phải đánh giá tất cả các khoản chi phí và lợi ích xã hội, trong đó có “ảnh hưởng ngoại ứng” của giao dịch mà công ty tư nhân không tính tới. Tính toán này phải rộng đến mức, như chủ nghĩa công lợi của Bantham: cả những người ủng hộ lẫn người phê phán đều chấp nhận.
Những người ủng hộ phân tích chi phí-lợi ích khẳng định rằng đây chính là một phần của chính tư tưởng về quá trình ta quyết định theo lối duy lý. Làm sao chúng ta biết liệu chi tiền cho y tế, cứu người hay giảm đau, việc nào tốt hơn? Làm sao chúng ta biết lợi ích đường ô tô mới hay sân bay mới cao hơn những bất lợi do chúng gây ra? Những người phê phán cho rằng đây là giả khoa học, là bóp méo những giá trị mà nó đánh giá và mưu toan quy giản quá trình ban hành quyết định mang tính chính trị thành kĩ thuật vô tích sự.
79. Coup d’Etat – Đảo chính. Cuộc đảo là vụ lật đổ chính phủ một cách bất ngờ và bằng vũ lục. thường do quân đội hoặc với sự giúp đỡ của quân đội. Đảo chính thường xảy ra trong giai đoạn bất ổn xã hội và mập mờ về chính trị, và thường là do các phần tử cánh hữu những người muốn áp đặt kỉ cương và trật tự chính trị mà họ cho là xã hội không có. Đảo chính khác với cách mạng. Cách mạng thường ngụ ý sự thay đổi lớn trong cơ cấu xã hội hoặc trật tự chính trị. Tuy nhiên, bầu không khí thịnh hành trước cuộc đảo chính có thể là bầu không khí tạo điều kiện cho cách mạng thành công, như đã thấy ở Liên Xô năm 1991.
Đảo chính chỉ là thay thế nhóm cầm quyền này bằng nhóm cầm quyền khác, mà không nhất thiết làm thay đổi bối cảnh xã hội mà họ cai trị. Đôi khi, sau giai đoạn nắm quyền ngắn ngủi, những người làm đảo chính trả lại quyền lực cho các chính trị gia. Đấy là khi họ tin rằng đã đạt được mục tiêu ổn định và sắp xếp xong hệ thống chính trị, ví dụ như nhóm sĩ quan làm đảo chính ở Hy Lạp và các cuộc đảo chính khác nhau ở châu Phi và châu Mỹ Latinh. Nhưng thường thì những người làm đảo chính không chịu thực hiện lời hứa ban đầu là trao quyền cho các chính trị gia. Những điều kiện xã hội học làm cho đảo chính thành công là khá rõ ràng: nhiều người chấp nhận trật tự xã hội nhưng hoàn toàn mất niềm tin vào nhóm người cầm quyền. Quân đội thường tham gia vào các cuộc đảo chính là do họ nắm độc quyền về vũ lực và họ thường được coi là phi chính trị hoặc thậm chí “đứng trên chính trị”. Trong các xã hội kém phát triển, quân đội cũng có khả năng nắm gần như độc quyền về công nghệ và kĩ năng tổ chức.
Đảo chính không phải là “nổi dậy” (putsch), cũng không phải là cách mạng. Đảo chính là do những người và cơ quan vốn là một phần của cơ cấu quyền lực tiến hành, ví dụ, các sĩ quan quân đội, các bộ trưởng nội các hoặc công chức cao cấp bất mãn. Nổi dây là do một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo bên ngoài giới quyền uy dẫn dắt và được nhiều người dân ủng hộ. Một số vụ nổi loạn được nhiều người biết tới, ví dụ vụ nổi loạn bất thành do Hitler lãnh đạo ở Munich năm 1923 và có cuộc tuần hành tiến về Rome do Mussolini lãnh đạo (1922) có thể được coi là bạo loạn. Bạo loạn chỉ thành công khi chính quyền, cảnh sát và quân đội đã mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo của mình và sẵn sàng chấp nhận những người ngoài cuộc thay thế cho họ mà không chấp nhận một sự thay đổi mang tính cách mạng.

Comments are closed.