Phạm Nguyên Trường
221. Flexible response – Phản ứng linh hoạt. Phản ứng linh hoạt là học thuyết chiến lược cho rằng, trong tình huống chiến tranh, phải áp dụng một loạt chiến lược phòng thủ và tấn công, sao cho leo thang không xảy ra quá nhanh. Về cơ bản, học thuyết này trái ngược với học thuyết trả đũa ồ ạt, vốn là trụ cột của tư tưởng quốc phòng của Mĩ trong giai doạn đầu thời đại vũ khí hạt nhân. Điểm quan trọng của học thuyết này là một nước hoặc liên minh các nước có thể phản ứng trước cuộc tấn công với lực lượng tăng dần, nếu cần thiết, theo từng giai đoạn rõ ràng, và cuối cùng là cuộc tấn công ồ ạt bằng tên lửa vào các thành phố của đối phương. Học thuyết đề nghị nhắm mục tiêu chính xác và hệ thống hỏa lực chính xác để không phải áp dụng chiến lược trả đũa ồ ạt. Tuy nhiên, chiến lược này bị một số người phê phán, vì cho rằng có khả năng dẫn tới chiến tranh hạt nhân. Mặc dù thời kỳ đối đầu giữa các siêu cường hạt nhân đã chấm dứt, học thuyết này thậm chí có thể trở thành quan trọng hơn, vì các cường quốc cần duy trì mạng lưới quân sự rộng lớn nhất có thể, nhằm phản ứng một cách thích hợp với bất kỳ mức độ khủng hoảng nào, ví dụ, Chiến tranh vùng Vịnh. Đầu thế kỉ XXI, học thuyết này càng có vai trò quan trọng, đấy là khi Mĩ công khai từ chối lời hứa, nói rằng nước này sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm chống lại các quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Việc đó xảy ra trong bối cảnh “cuộc chiến chống khủng bố” – sau các cuộc tấn công vào Hoa Kì ngày 11 tháng 9 năm 2001 – toàn bộ khái niệm về cuộc chiến chống khủng bố nhấn mạnh sự linh hoạt và khôn khéo trong phản ứng bằng vũ lực trước tất cả các mối đe dọa.
222. Floating voter – Cử tri dao động. Cử tri không trung thành với đảng phái chính trị cụ thể nào, khi thì bỏ phiếu cho đảng này, khi thì bỏ phiếu cho đảng khác, gọi là “trôi dạt” giữa các đảng phái. Trong những năm 1930, khi bắt đầu có những công trình nghiên cứu về hành vi của cử tri, người ta đã phát hiện ra rằng một nhóm khá lớn cử tri gắn bó với một chính đảng nào đó hết cuộc bầu cử này tới cuộc bầu cử khác vì họ là thành viên của nhóm xã hội nào đó và tương đối ít cử tri khi thì bầu cho đảng này, khi thì bầu cho đảng khác. Nhưng số ít “cử tri trôi giạt” này được cho là phù hợp với quan niệm về người cử tri dân chủ lý tưởng, đấy là nói nếu họ có đầy đủ kiến thức và đầu óc cởi mở khi quyết định bầu cho đảng nào. Những cử tri này được các chinh trị gia và các nhà phân tích chính trị coi là những người giữ cân bằng giữ các nhóm cử tri trung thành với các đảng phái và sự ủng hộ của họ được coi là quan trọng cho chiến thắng trong cuộc bầu cử. Các công trình nghiên cứu sau đó chỉ ra rằng, trên thực tế, những cử tri “trôi dạt” thường không có hiểu biết về các vấn đề đang đặt ra bằng những người khác và thường bỏ phiếu một cách tùy hứng.
223. Floor leader. Xem majority/minority leader.
224. Focus group – Nhóm tập trung. Trong nghiên cứu thị trường, đây là nhóm người được tập trung lại để thảo luận sâu về tình cảm của họ đối với một món hàng tiêu dùng nào đó, ví dụ như bia. Cách làm này được những nhà nghiên cứu thị trường của các đảng phái chính trị sử dụng từ những năm 1980 nhằm đo lường tình cảm của dân chúng theo nghĩa rộng – ủng hộ hay chống báng đường lối của các đảng phái này. Focus group không phải là nhóm người đại diện theo lối thống kê mà là ví dụ về nghiên cứu định tính.
225. Forces of production – Lực lượng sản xuất. Thuật ngữ có xuất xứ từ từ Producktivkrӓfte trong tiếng Đức, một thuật ngữ của thuyết duy vật lịch sử do Marx và Engels đưa ra trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), là một trong những tư tưởng quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx.
Lực lượng sản xuất là toàn bộ những năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội trong các thời kỳ nhất định. Về mặt cấu trúc, lực lượng sản xuất xã hội bao gồm hệ thống những tư liệu sản xuất và sức lao động mà người ta dùng cho sản xuất, trong đó quan trọng nhất là sức lao động.
Tư liệu sản xuất bao gồm công cụ lao động, người lao động, đối tượng lao động và các yếu tố vật chất phục vụ quá trình lao động.Trong đó, trình độ phát triển của công cụ lao động là thước đo trình độ chinh phục tự nhiên của con người, là tiêu chuẩn phân biệt các thời đại kinh tế trong lịch sử.
Ngày nay khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Có thể nói, khoa học và công nghệ hiện đại là đặc trưng cho lực lượng sản xuất hiện đại.
Lực lượng sản xuất phản ánh mối quan hệ và tác động của con người với tự nhiên. Nó phản ánh năng lực hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình sản xuất của cải vật chất.