Tôi đã biết gì về NHẤT-LINH

Đông Hồ

Anh Nguiễn-Ngu-Í,

Chắc rằng anh muốn hỏi tôi về Nhất-Linh; chớ không hỏi tôi về Nguyễn-Tường-Tam. Có như thế thì tôi mới trả lời anh được. Nói như vậy là tôi muốn nhận định phân minh hai lãnh vực trong một nhân-vật. Là tôi chỉ có biết về nhà văn-sĩ Nhất-Linh mà không được biết về nhà chính trị Nguyễn-Tường-Tam.

Tôi có cảm tình với Nhất-Linh, tôi có yêu mến Nhất-Linh, tôi có phán đoán về Nhất-Linh, là tôi nhìn Nhất-Linh ở trong địa hạt văn chương, vì bút hiệu đó xuất hiện nhú một ngôi sao chói lọi trên nền trời văn học.

Trừ ra hai tác phẩm đầu tay khi mới tập viết để vấn thế là Nho PhongNgười Quay Tơ, ký tên là Nguyễn-Tường-Tam, còn tất cả tác phẩm năm 1932-1933 trở về sau, đều ký bút hiệu là Nhất-Linh, trong sách cũng như trong báo, từ Phong-hóa Ngày-nay ở Hà-nội cho đến Văn-hóa Ngày-nay, & Sài-gòn hồi gần đây.

Phán đoán về văn nghiệp Nhất-Linh, tôi có hai nhận định này:

1.- Văn trào phúng của báo Phong-hóa, Ngày-nay.

2.- Văn tiểu thuyết của Tự-lực văn-đoàn.

*

1.- Muốn cải cách, muốn canh tân một xã hội mà theo quan niệm Nhất-Linh – tôi lặp lại là theo quan niệm Nhất-Linh cho là bão thủ, là hủ lậu, thì phải mở một phong trào đả kích mạnh mẽ bằng lối trào phúng.

Những phong tục hủ lậu, những cử chỉ ngốc nghếch làm cho xã hội vì đó mà chậm tiến, tượng trưng bằng hai nhân vật điển hình Lý Toét và Xã Xệ, hàng tuần được trình bày trên báo Phong-hóa Ngày- nay, làm mục tiêu để chế giễu trong bảy tám năm trời, đã gây một ảnh hưởng lớn mạnh, một ấn tượng sâu đậm trong ý thức quần chúng nhân dân Việt-Nam.

Kết quả không biết có được như ý người chủ trương nó mong muốn hay không, tôi không dám chắc. Duy có một điều biết được là đã gây nên một phong trào cười cợt vui vẻ trong một xã-hội đang bị đè nặng bởi nột không khí trang nghiêm già cỗi.

Điều đó, tôi cho là một điều cười cợt vui đùa vô tội, có thể chấp nhận được. Đến như việc đem các nhân vật đương thời ra giễu cợt, như đem các ông Nguyễn Văn-Tố, Tản-Đà, Nguyễn Trọng-Thuật, Nguyễn Công-Tiễu, Phan-Khôi, Nguyễn Văn-Vĩnh, Phạm-Quỳnh làm trò đùa thì tôi cho là có ác ý, muốn hạ thế lực các nhân vật đó để giành ảnh hưởng cho nhóm mình.

Lắm lúc đùa dai đến vô duyên, thiếu cả phong độ lịch sự của giới cầm bút. Như giằng cái búi tó của nhà học giả Nguyễn Văn-Tố, hay vẽ chó thừa hưởng bả rượu của thi-sĩ Tản Đà nôn ra, rồi cả chó và thi-sĩ nằm say chung với nhau, thì thiệt tệ quá. Chắc nhiều người còn nhớ bài về: “Ông giẳng đưa giăng, ông giằng búi tó… chế ông Nguyễn Văn-Tố, và bài thơ đề tranh tứ bình: No say một bãi thừa ân chủ, chủ cũng say mà chó cũng say… cười ông Tản-Đà.

Từ bao giờ tôi vẫn không chấp nhận điều thiếu lễ độ và thiếu phong nhã đó.

Về sau, sau năm 1951. Khi tiếp xúc gần với Nhất-Linh, tôi thấy anh không phải là người thích trào lộng ưa cười cợt. Trong khi xử thế tiếp vật vẫn phong nhã khả ái. Có lẽ trong khoảng thời gian mười năm khói lửa, trải qua bao nhiêu biến cố lớn của lịch-sử làm cho tâm tính con người thay đổi khác xưa.

2.-Về văn tiểu-thuyết – tôi lập lại, văn tiểu thuyết – của Tự-lực văn-đoàn. Công trạng to lớn của Nhất-Linh là điểm này. Sự-nghiệp của Nhất-Linh ở đây thật là một sự nghiệp đáng kể mà tôi tưởng đương thời và hậu thể cũng đều công nhận. Chủ trương Tự-lực văn-đoàn, kết nạp những tay bút cùng khuynh-hướng, đã gây nên được một trào lưu văn-học mới-mẻ, sáng tạo nên được một lối văn vui vẻ nhẹ nhàng sáng sủa chấm dứt lối văn trang nghiêm trịnh trọng của văn phái Nam-phong là văn phái đại biểu cho lối văn kinh điển nho gia, nền nếp có thừa, mà sinh khí thì chưa đủ làm cho xã hội phấn khởi.

Từ sau khi Tự-lực văn-đoàn xuất hiện, chẳng những văn học Việt-Nam sinh sắc trẻ trung, mà mọi người trong xã hội đều thay cảm hứng bừng dậy, tâm hồn cởi mở theo các nhân vật trong truyện.

Lối văn tiểu thuyết này, trước Tự-lực văn-đoàn, không phải tuyệt nhiên là không có. Đã có một hai nhà bắt đầu, như Tố-Tâm của Hoàng Ngọc-Phách, như Cảnh-thu di-hận của Dương-Tự-Nguyên, thêm một số truyện ngắn, truyện dài đăng rải rác ở các báo chí chẳng hạn; nhưng mà không gây thành một văn phái một tư trào phổ biển rộng rãi như Tự-lực văn-đoàn. Ảnh hưởng Tự-lực văn-đoàn thật là to lớn. Giới giáo dục đã nhìn nhận. Và ai cũng bằng lòng sự nhìn nhận đó là xứng đáng. Cứ xem một việc sách của Tự-lực văn-đoàn in đi in lại rất nhiều lần, cho đến hiện nay, số tiêu thụ vẫn còn trội hơn những sách mới sáng tác, thì biết. Từ xưa đến nay, ở Việt-Nam, chưa có Văn phái nào chinh phục được nhiều cảm tình chung thuỷ của đọc- giả đông đảo, trước sau như một, cho bằng Tự-lực văn-đoàn.

Công trạng sự nghiệp đó phải qui cả về cho người chủ trương chỉ huy nó là Nhất-Linh.

Bất kỳ ở thời kỳ nào, ở giai đoạn nào, trong nước cùng có nhân tài lỗi lạc, có những tay bút xuất sắc nhưng mà chung qui bị rời rạc bị phân tán hết, bởi vì thiếu tập hợp, thiếu nâng đỡ, thiếu "tri-kỷ" để cho văn học có tính cách công tác tập thể như Tự-lực văn-đoàn. Chẳng nói chi xa xưa, cứ nhìn tình trạng văn hóa hiện thời. Trong nước, giữa đây, hiện diện có biết bao nhiều Văn-đoàn, bao nhiêu Tao-đàn, bao nhiêu Thi-xã, bao nhiêu trường phái, bao nhiêu nhóm, bao nhiêu hội, đoàn thể nọ, câu lạc bộ kia không phải là không có, nhưng có lẻ vì thiếu “điều kiện tri kỷ” mà chưa có nhóm nào gây thành một trường-phái có ảnh hưởng, có thế lực như Nam-phong, như Tự-lực văn-đoàn ngày trước. Mà tôi nghĩ rằng về phương tiện cũng sẵn sàng, mà về tài chánh cũng dồi dào, có lẽ còn hơn thời kỳ Pháp thuộc nhiều lắm.

Điều này cũng là một sự kiện bất thường để cho chúng ta đặt thành vấn đề nghiên cứu thử. Tôi chưa dám chắc điều tôi nghĩ trên đây là đúng. Tôi chỉ nêu vấn đề theo nhận xét quản-kiến của tôi mà thôi.

Giữa năm 1951, Nhất-Linh từ Hải-ngoại về, đến thăm tôi ở Yiễm-Yiễm thư trang, ở số 115 đường Nguyễn-Thái-Học.

Năm đó, tôi vừa thành lập nhà xuất bản Bốn-phương được hơn một năm. Nhất-Linh đến để mượn tôi các ấn phẩm cũ của Tự-lực văn-đoàn xuất bản thời tiền-chiến mà ít nhà còn giữ được, và bàn việc hợp tác với nhau. Anh định giao cho nhà xuất-bản Bốn-Phương in lại tất cả sách nọ. Cũng đã bắt đầu được vài cuốn. Nhưng rồi sau cũng không thành. Anh tự chủ trương nhà xuất-bản Phượng-giang của anh.

Từ đó, thỉnh-thoảng gặp nhau. Vì luôn luôn trong mấy năm, cứ gần Tết thì Nhất-Linh phải đến để thăm chừng coi tôi đã làm xong bài thơ Năm-mới và đã in xong chưa những cánh thiếp Tết xinh xinh. Ban đầu, tôi cũng không hiểu tại sao Nhất-Linh lại có cái vui thích được nhìn cánh thiếp Tết của Yiễm Yiễm thư-trang vừa in xong chưa kịp gởi, để tự tay cầm về một tấm, trong mấy ngày áp Tết.

Mãi lâu về sau, tôi mới nghe anh nói rằng từ khi còn ở nước Tàu, trong một dịp Tết xa nhà, tình cờ được nhìn thấy cánh thiếp của Yiễm-Yiễm thư-trang ở phòng khách một đồng chí xuất-bôn. Chắc là ở nhà anh Trương-Bảo-Sơn.

Mấy dòng chữ đẹp in trên cánh hoa-tiên, trong dịp Đầu-năm, đã cho Nhất-Linh có một niềm hoài vọng quê-hương. Rồi lòng cứ còn giữ mãi ấn tượng thân yêu và mỗi cảm-tình êm đẹp đó.

Có năm, thơ tôi làm trễ mà Nhất-Linh đến chơi sớm quá, gặp lúc nhà-in đưa ấn-cảo đến, thì anh lại góp phần thay đổi vài chữ trong bài thơ mới của tôi. Có khi chúng tôi đồng ý, có khi chúng tôi không đồng ý, nhưng đều lấy làm thú-vị quá.

Nhất-Linh ít hay nói chuyện chính trị, chuyện cách mạng với tôi. Nhưng có một lần, nhân thưởng văn mà dính chút câu chuyện cách mạng. Về cuối năm 1953, ông Trần-Trọng-Kim từ trần. Các đoàn thể văn-hóa ở Sài-Gòn có thiết lễ truy điệu. Ban tổ chức ủy tôi soạn và đọc bài văn tế trong buổi lễ.

Sáng chủ nhật 13. XII. 53 là ngày hành lễ. Thì sáng thứ hai 14. XII. 53, Nhất-linh đến chơi với tôi rất sớm để hỏi thăm. Anh nói rằng: Mặc dầu anh không đồng chính kiến với ông Trần Trọng Kim, nhưng anh cũng nên đến dự lễ mới phải. Anh không nói ra vì lý do gì mà anh không đến được nhưng mà nghe trong câu chuyện, hình như anh tự phàn nàn và tiếc là sao anh vắng mặt. Huống chi, ngoài đường lối chính trị thì hai đàng cũng đều là hai người văn hóa có văn nghiệp to lớn cả.

Rồi thì anh đòi tôi cho anh coi bài văn tế. Anh đọc rất kỹ, như có ý tìm một điểm gì trong lòng bài văn. Sau cùng, anh vui vẻ khen là tác giả làm văn-tế dùng chữ biết cân nhắc đắn đo. Tôi hỏi lại anh. Anh chỉ mấy chữ mà anh bằng lòng hơn hết :

Đoạn tán tụng người quá vãng có câu :

Trí dõi sáng mặt trời

Học noi sâu lòng bể

Anh Nhất-Linh chỉ vào tiếng dõi và tiếng noi mà bảo rằng: Nếu không có hai tiếng này thì hỏng, vì rơi vào khuyên sáo cổ văn rồi.

Đến câu :

Đàn xưa văn-hóa nghề từ chương từng tỏ dạ ưu thời;

Hội mới vũ-đài, tài chính trị thử ướm tay khuông thế.

Nhất-linh tỏ ý thưởng thức và khuyên ba tiếng “thử ướm tay”, Anh cho rằng ba tiếng “thử ướm tay” chẳng những đối với ba tiếng “từng tỏ dạ” rất đắt mà còn phán đoán rất đúng công việc chính trị của Lệ-thần tiên sinh.

Xong, Nhất-linh nghiêm trang như nói với tôi, và cũng như nói với mình: “Có lẽ vì thế mà thất bại cũng nên!”

Khi đó tôi đã nghĩ, mà đến bầy giờ tôi cũng còn nghĩ: Bao nhiêu người nước mình xưa nay làm cách mạng làm chính trị, đã có ai dám tự phụ và chắc chắn rằng mình không phải là người “thử ướm tay”. Nhưng mà, ai nấy cũng biết rằng và quốc dân cùng đều biết rằng: Tay ai cũng là tay thử ướm mà can trường ai cũng đều là can trường son sắt cả.

Ướm tay thì có khi thất bại, nhưng sắt son nào mà lại chẳng thành công, và lòng son dạ sắt nào mà chẳng vĩ-đại huy hoàng.

Tôi lại nhớ đến việc sát thân thành nhân của Nhất-Linh rồi!

*

Điều tôi nhớ về Nhất-Linh gần đây là việc chơi hoa phong-lan. Việc chơi phong-lan của Nhất-Linh khoảng năm 1956-1958 đã gây thành phong trào, gần bành trướng như phong trào Tự-lực văn-đoàn thuở nọ.

Hình như con người đó có tay làm lãnh tụ và dẫn khơi trào lưu nghệ thuật.

Lạ lùng lắm. Mấy năm đó, từ Dalạt về Saigòn, ai cũng nói đến chuyện chơi phong-lan. Nhà nào cũng treo lủng lẳng vài ba chòm phong-lan. Có nhà gây thành một vườn lan nho nhỏ. Rồi còn triển lãm, còn chưng bày, bán giá thật cao cho thiên hạ tranh nhau mua bán giữa chợ đời phong nhã. Thiệt la lùng!

Năm đó, tôi lên chơi Dalạt, đến thăm Nhất-Linh. Anh cho tôi thưởng thức cảnh lan thất của anh. Anh đã tập hợp hàng ngàn gióng phong-lan khác nhau, mà tự anh đi vào rừng sâu lấy về. Anh kể lại bao nhiêu công trình khó nhọc, khi tìm được một chòm phong-lan. Anh kể rằng càng ở những nơi suối đá rừng sâu, càng thích hợp cho loài cọp, thì lại càng thích hợp cho loài hoa lan giống lạ. Nếu ngại đến các nơi nguy hiểm đó, thì đừng hòng lấy được dị phẩm kỳ-hương của loài hoa u-cốc. Anh đã vén chân lên khoe những vết thẹo rướm máu, thâm đen, trong khi lội vào rừng núi bị gai góc, bị muỗi đốt, bị đỉa bám, bị vắt đeo, bị mối đốt tàn nhẫn. Nhưng mà say mê vẫn cứ say mê.

Tôi nghĩ, trong lãnh vực nghệ thuật văn chương, với nhiệt độ say mê đó, Nhất-Linh thành công là phải.

Anh có rủ tôi chơi phong-lan, nhưng mà tôi từ chối, vì một lẽ rất giản dị là tôi vốn lười, chịu cực không nổi; không làm sao thức đêm thức hôm để chăm chút săn sóc nâng niu gìn-giữ một chòm lan.

Tôi đã đưa cho Nhất-Linh một bài thơ "Đề Vương giả hương đình" nói về chí thú của tôi đối với việc chơi lan. Bốn chữ “Vương giả hương-đình” cũng từ đó mà có.

Đề Vương giả hương đình.

Đâu đây thoang thoảng gió hương ngàn

Hương gió ngàn chăng hương gió lan

Cho mực đượm vào hương sực-nức

Cho thơ hòa với gió mơn man.

Phương tâm tìm được trong vương-giả

U-cốc gần nhau giữa thế gian

Dầu chẳng đá rêu dầu chẳng suối

Lòng tiên cõi tục cũng thanh nhàn

Bây giờ đám phong-lan của Nhất-Linh đã chết khô rồi, túp lan thất thảo lư của anh ở bờ suối Đa-mê cũng đã sập để rồi, bài thơ lan của tôi lạc lõng còn đây. Đang khi gió mưa hiu quạnh, nhắc lại chuyện cũ đọc văn thơ xưa, kẻ mất với người còn, xiết bao là nỗi trù trướng thê lương.

*

Đã lâu lắm, từ năm 1959, tôi không gặp Nhất-Linh nữa. Anh cũng bịnh mà tôi cũng bịnh. Gặp nhau mà nói với nhau những bismusth, những gas-tropansement, những carbonésic thì chán quá.

Nhưng mà, có một lần, cách đây ba năm, nhân buổi nhóm họp của Bút-Việt, tôi được gặp anh thì anh đã tiều tụy nhiều quá. Có lẽ tôi cũng tiều tụy không kém anh. Anh khoe tôi đôi câu-đối Hán-tự, chữ của một tay bút thiếp Tàu viết khá đẹp. Anh nói rằng câu đối này, người bạn tặng anh hồi anh gây cảnh trại hoa phong-lan ở Phi-nôm. Câu đối rằng:

Địa phân thành thị lâm tuyền bán

Nhơn dữ kỳ sơn tú thủy tam

Tôi nói rằng tác-giả câu đối này muốn gò chữ Tam tên anh, nhưng mà thiếu chữ Nhất thì tôi chưa lấy làm thú, bởi vì tôi yêu chữ Nhất hơn chữ Tam. Lại nữa, chữ bán đối với chữ tam không cân. Anh nói khó mà chữa cho ổn vì chữ bán ở vế trên đó là chữ đúc của câu có sẳn “bán thành thị bán lâm tuyền" Nay muốn bỏ chữ bán thì thật khó.

Tôi nghĩ một chút rồi chữa vế đối lại rằng :

Địa kiêm thành thị lâm tuyền nhất

Nhân dữ kỳ sơn tú thủy tam

Câu nguyên-văn nghĩa là: Đất chia (phân) một nửa thành thị và một nửa lâm tuyền. Câu chữa thì nghĩa là: Đất gồm (kiêm) cả thành thị cả lâm tuyền chung vào một cuộc. Nghĩa câu văn vẫn thế mà gò được chữ Nhất tức là Nhất-Linh, để đối với chữ Tam, tên anh ở vế dưới.

Nhân đó mà chúng tôi nói lan-man đến thú chơi câu đối. Chúng tôi cho rằng trong thế giới, duy chỉ có nước Tàu và nước ta mới biết thú chơi câu đối, và biết thưởng thức văn-chương câu đối. Đem nét chữ câu văn mà điểm nhiềm cho cảnh lâu đài; nét kiến trúc nhờ câu đối mà thêm phần ý nhị. Chỗ thư trai khách thính nhờ có câu đối mà thêm thanh thú trang nhã; chỗ viêm lâm đình tạ nhờ có câu đối mà thêm tĩnh mịch u nhàn.

Câu đối biểu lộ niềm vui nỗi buồn trong tính giao tế. Trong văn học sử Việt-Nam, câu đối đã chiếm một địa vị khá quan trọng. Quan trọng nhất là những câu đối phúng, nhiều câu thâm trầm tha thiết lắm. Tôi nói rằng, từ thời kỳ cận kim cho đến thời kỳ Trung-hoa dân quốc cách mạng, người Tàu thích làm câu đối dài hàng trăm chữ. Anh hưởng đó sang Việt-Nam. Các nhà nho cách mạng nước ta, như các cụ Mai-Sơn, cụ Sào-Nam, làm nhiều câu đối rất dài.

Như câu đối của các văn thân Nghệ Tĩnh viếng cụ Phan-Đình-Phùng dài đến 160 chữ. Như câu đối điệu nội của cụ Mai-sơn Nguyễn-Thượng-Hiền làm trong lúc xuất bôn ở Tàu, gởi về nhà, dài đến 88 chữ. Như hồi năm 1934, cụ Phan-Sào-Nam, cũng đã làm một câu đối viếng Toàn quyền Pasquier tử nạn tàu bay, dài đến 98 chữ. Tôi khoe với Nhất-Linh và Vi-Huyền-Đắc, là tôi đã từng làm một câu đối dài đến 174 chữ, viếng cụ Minh-Viên Huỳnh-Thúc-Kháng mất ở Quảng Ngãi năm 1946 trong thời kỳ quốc biến. Câu này còn dài hơn câu đối viếng cụ Phan-Đình-Phùng những 14 chữ. Anh Vi-Huyền-Đắc cười bảo: “Các nhà làm câu đối dài như vậy là tham chữ, chớ hay gì mà hay!”

Anh Nhất-Linh nói rằng: Dài một chút cũng không hay, mà ngắn một chút cũng không hay, có ai làm được câu đối vừa đúng 100 chữ chẵn, nghĩa là mỗi về có 50 chữ không hơn không kém thì mới lạ. Câu nói có vẻ trào phúng đó của Nhất-Linh làm cho ai nấy vui cười rồi bỏ qua. Chuyện đã cách đây hơn ba bốn năm rồi.

Hôm Nhất-Linh tuẫn tiết, tôi nghĩ câu đối bằng điếu người thung-dung tựu nghĩa. Viết ra kiểm điểm lại, tự nhiên vừa đúng 100 chữ, vế trên 50, vế dưới so không hơn không kém. Câu đối này có lẽ muốn thêm ít chữ nữa cũng được mà muốn bớt đi ít chữ nữa cũng được, nhưng tôi cứ muốn để y số 100 chữ như vậy.

Tôi chép y nguyên văn ra đây để chút lưu niệm về giai thoại câu đối trăm chữ nhớ người xưa.

100 CHỮ ĐỐI VIẾNG NHẤT LINH

MỘT thời còn nức thanh danh, nền xã-hội chí canh tân sắp sẵn, mở trào lưu khơi rộng ngõ tâm tình, trước rồi sau Phong-hóa Ngày-nay, đoàn Tự-lực gây nên, bút tài hoa lỗi lạc, mũi thép sắc ngòi, làng báo đàn văn tay lãnh-tụ.

NẤM đất không chôn sự nghiệp, tòa cường quyền án chuyên chế dừng tuyên, xét công tội để cho phần lịch-sử, khinh với trọng lông hồng non Thái, nghĩa thành-nhân chọn lấy, tiệc chánh khí huy hoàng, rượu dời cạn chén, đường mây nẻo gió bước thung dung.

ĐÔNG-HỒ

18-7 1963

(Văn cảo Tang thương tạp ký)

Nguồn: Tạp chí Bách Khoa, số 180

Comments are closed.