Biện hộ cho BS Hoàng Công Lương: Tôi chưa tin ba điều

Nguyễn Ngọc Lanh

Trước hết, tôi chưa tin Viện Kiểm sát tỉnh Hòa Bình có đủ chứng cứ xác đáng để buộc BS Hoàng Công Lương vào tội “Vô ý làm chết người”.

Xin mọi người hãy đọc tóm tắt cáo trạng ở tòa sơ thẩm và phúc thẩm với những chứng cứ (kết tội BS Lương) đã từng bị bác bỏ. Nay, chẳng thêm chứng cứ nào mới.

Xin nhắc nhở

– Nguyên tắc Suy đoán vô tội (dành cho Công tố viên và Hội đồng xét xử) từ lâu đã chính thức có hiệu lực), buộc các đối tượng này phải tuân thủ triệt để.

a) Các đồng chí buộc phải biết rằng: Một chứng cứ do phía buộc tội đưa ra nếu chưa đủ sức nặng để kết tội, phải được HĐ Xét xử suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo. Nếu những chứng cứ khác cũng đều như vậy, HĐ Xét Xử buộc phải tuyên “vô tội” ngay tại phiên xử.

b) Các đồng chí cũng buộc phải biết rằng: Không được kết tội chỉ dựa vào chứng cứ duy nhất là lời nhận tội của bị cáo.

Xin nhấn mạnh

Cả phiên sơ thẩm và phiên phúc thẩm, cơ quan điều tra cũng như Viện Kiểm Sát vẫn chỉ là một địa chỉ: Đó là Công An tỉnh Hòa Bình và VKS tỉnh Hòa Bình.

Do vậy, các đồng chí buộc phải biết hai điều:

a) Những chứng cứ kết tội BS Lương ở phiên sơ thẩm, nếu nay phát hiện rằng chúng bị ngụy tạo (bôi xóa, sửa chữa, viết thêm…) phải coi là không còn giá trị ở phiên phúc thẩm. Muốn tiếp tục duy trì tội cũ cho BS Lương, chính phiên phúc thẩm phải có những chứng cứ mới.

b) Yếu tố mới (chưa được xem xét ở phiên sơ thẩm) là BS Lương phải tuân theo một quy trình do cấp trên của mình ở bệnh viện Hòa Bình đặt ra. Nếu quy trình này sai (đưa đến hậu quả nghiêm trọng), BS Lương phải được coi là không có tội.

Vậy VKS tỉnh Hòa Bình dựa vào những chứng cứ để buộc tội BS Lương?

1 – Thoạt đầu, muốn buộc BS Lương vào tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, VKS viết cáo trạng dựa vào hai chứng cứ vật chất. Đó là hai văn bản, được VKS đưa vào Hồ Sơ. Nhưng cả hai đều là chứng cứ ngụy tạo. Chúng bị bôi xóa, sửa đổi, viết thêm… Gồm có:

a) “Những dòng chữ ghi thêm vào cuốn sổ Giao Ban từ năm 2015 và 2016” với ý: BS Lương được giao “phụ trách Đơn nguyên lọc máu”. Nhưng ông Đinh Tiến Công đã xác nhận tại tòa rằng: Chính ông đã bị trưởng khoa chỉ thị phải ghi như vậy sau khi thảm họa đã xảy ra – tức là vào năm 2017.

b) Cái Biên Bản đề nghị sửa máy (bị bôi xóa, sửa đổi, viết thêm”). Luật Sư Nguyễn Thị Thúy Kiều đã phát hiện. vạch ra và bác bỏ nó ngay tại phiên xử.

Vậy, việc bôi xóa, viết thêm nhằm mục đích gì? Chả là, thảm họa xảy ra do sửa chữa hệ RO2, ngày 28-5-2017, xuất phát từ việc thực thi Hợp Đồng số 315 do Giám đốc bệnh viện ký với Cty Thiên Sơn trước đó 3 ngày. BS Sơn hoàn toàn không đủ cương vị để được biết tới cái Hợp Đồng này. Muốn BS Lương liên đới chuyện sửa chữa này, người ta tìm được trong hồ sơ lưu một cái Biên Bản (cũ) đề nghị sửa RO, có chữ ký của BS Lương (thừa lệnh trưởng khoa). Khốn nỗi, đây là Biên Bản đề nghị sửa RO1 (không phải RO2) và thời điểm là 2016 (không phải 2017). Do vậy, phải bôi xóa, sửa chữa, viết thêm cho phù hợp. Chính do mục đích xấu xa này, nó đã được sửa chữa. Cũng chính do vậy, những câu chữ mang tính kết tội trong cáo trạng nếu dựa vào cái bằng chứng ngụy tạo này đều phải coi là vô giá trị; nhất là khi áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

2- Tiếp đó, để chuyển sang tội danh “vô ý làm chết người”; VKS đã suy diễn để tự ý nêu lên những điều BS Lương “buộc phải biết”. Nhưng đó lại là những điều BS Lương không buộc phải biết.

Ví dụ, liệu BS Lương có “buộc phải biết” rằng hễ sửa hệ RO thì phải làm xét nghiệm AAMI? Liệu BS Lương có “buộc phải biết” cần ngồi đợi 12-15 ngày cho tới khi có kết quả xét nghiệm AAMI mới được phép ra QĐ chạy thận (?)…

Để trả lời, VKS không đủ thẩm quyền. Chỉ có Bộ Y Tế (với quyền quản lý cao nhất trong ngành) và các chuyên gia y tế cao cấp nhất nước (đã đào tạo BS Lương về chuyên khoa Lọc Máu) là những địa chỉ duy nhất đủ uy tín và thẩm quyền trả lời các câu hỏi trên và tất cả những gì BS Lương “buộc phải biết” và “không buộc phải biết” liên quan tới chuyên khoa lọc máu mà ông được đào tạo và giao việc. Lần này, tại phiên tòa phúc thẩm cũng như vậy.

3) Cái mức án 42 tháng tù giam mà đại diện VKS thành phố Hòa Bình đưa ra từ đầu (và sau nhiều ngày tranh tụng bị thua) vẫn cứ giữ nguyên, nói lên hai điều:

a) Các đồng chí đã tự ý vứt bỏ nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử;

b) Các đồng chí sơ thẩm đã kết án một người dựa vào bằng chứng ngụy tạo (cái Biên Bản nói trên). Sự kết án này trở thành vô giá trị ở phiên phúc thẩm.

4) Thuyết minh thêm về cái “Biên Bản đề nghị sửa chữa” có chữ ký của BS Lương.

Do không tìm được bất cứ biên bản nào (trong hồ sơ lưu trữ) thể hiện BS Hoàng Công Lương là người đã đề nghị sửa chữa hệ RO2 vào ngày 28-5-2017 (hôm sau xảy ra tai nạn), người ta phải lấy một biên bản cũ, từ năm trước (2016 được sửa thành 2017) và đó là sửa hệ RO1 (được sửa thành RO2. Mức án 42 tháng tù giam được tuyên ở tòa sơ thẩm chính là dựa vào cái bằng chứng này.

Như vậy, lẽ ra ngay khi bước vào phiên phúc thẩm, Hội Đồng Xét xử phải phủ nhận lời tuyên trên.

Thứ hai, tôi chưa tin BS Lương đã và đang được xét xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội.

– Tại phiên sơ thẩm, phải thừa nhận rằng việc bố trí chỗ ngồi của các thành phần tham gia phiên tòa đã có sự tiến bộ: Bên gỡ tội (luật sư) đã có vị trí ngang với bên buộc tội (đại diện VKS giữ quyền công tố). Do vậy, sự tranh tụng diễn ra bình đẳng. Tuy nhiên, ai theo dõi phiên sơ thẩm đều nhận ra nguyên tắc suy đoán vô tội hoàn toàn chưa được thực hiện. Lẽ ra, báo chí phải phản ánh sự thật này với thái độ xây dựng và phê phán. Nếu ở phiên phúc thẩm, nguyên tắc trên vẫn bị coi thường, tôi tin rằng báo chí sẽ nêu đầy đủ.

Xin nêu một số ví dụ: Lẽ ra, Hội Đồng xét xử phải nghe cả hai bên (buộc tội và gỡ tội) và đóng vai trọng tài (độc lập, trung lập, công bằng) để ra một bản án đầy thuyết phục. Vậy mà, ngược lại, HĐ xét xử chỉ toàn đưa ra những câu hỏi nhằm kết tội người ta. Thậm chí, công tố viên còn bịa thêm tội cho BS Lương (khi nói rằng BS Lương làm).

Nhiều chứng cứ và lập luận của bên buộc tội bị bác bỏ, lẽ ra nhờ vậy mà cái án đề nghị ban đầu cho BS Lương phải được thay đổi. Ấy thế mà mức án vẫn được giữ nguyên đến cuối. Té ra, công sức tranh cãi (thắng lợi) của hàng chục luật sư là vô ích. Não trạng “suy đoán có tội” vẫn như thời đen tối xa xưa?

– Nay tới phiên phúc thẩm, tôi chưa thể tin rằng nguyên tắc (thế nào là nguyên tắc?) xét xử suy đoán vô tội sẽ được các đồng chí tuân thủ. Một nguyên nhân là, chưa chánh án nào phải ra tòa vì vi phạm nguyên tắc. Hơn nữa, cách tổ chức của ngành tư pháp nước ta, các đồng chí (bên ngoài là tổ chức riêng: Điều tra, Kiểm sát và Tòa án) lại cùng chi bộ, đảng bộ, công đoàn…

– Chuyện từ chối quyền có luật sư. Tôi có thể viết dài về chuyện BS Lương từ chối các luật sư, trong đó có nhiều luật sư miễn phí và quyết đi đến cùng với thân chủ Lương để tìm ra sự minh bạch và chân lý trong vụ án này. Tuy nhiên, tôi cũng rất ái ngại cho vị đại diện VKS (bà Thu Hằng) tại phiên sơ thẩm, khi bà rất yếu thế, lúng túng, trong tranh tụng với lực lượng hùng hậu và lão luyện của các luật sư bênh vực BS Lương. Nay, tại sao BS Lương lại từ chối những người đã tận tâm biện hộ cho mình? Nếu (giả sử thôi đấy) việc từ chối luật sư là do sức ép (ví dụ, từ công an hoặc VKS) thì quả là rất đáng bi quan về sự công minh của nền tư pháp nước nhà.

Nhưng thôi! Tôi xin kể câu chuyện mà tình cờ tôi đọc được. Đó là vị bí thư thành ủy bị ra tòa (vì tội về đất đai), muốn nhờ luật sư, nhưng cũng được cấp trên của mình ngăn cản.

Luật sư Trần Đình Triển kể với nhà báo.

http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=1093

Ông Triển là người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quyền (vốn là bí thư thành ủy thành phố Vĩnh Yên, mắc sai phạm về đất đai). Bị cáo này nộp cho luật sư của mình một đĩa ghi âm ghi lại lời của ông Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc (để tố cáo) khi ông ta đã tới tận nhà bị cáo để khuyên rằng: Chớ thuê luật sư (sẽ bị xử nặng đấy) mà phải tỏ ra thành khẩn, nhận tội (sẽ được xử nhẹ)… Thứ ba, tôi chưa tin BS Hoàng Công Lương hiểu đầy đủ về tội “vô ý làm chết người” để tự quàng vào cổ mình.

1- Tự chuyển hóa, tự diễn biến sao nhanh gớm?

Tôi cũng tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhưng cố nhanh mà vẫn chưa tự vừa ý. Có lẽ do tuổi già nó thế. Còn BS Lương thì khác. Ngay từ đầu, BS Lương đã tự tin (và có đủ hiểu biết để tự tin) rằng mình vô tội; vậy mà, chỉ ngảnh đi, ngảnh lại… một loáng đã tự nhận tội. Cứ như bừng tỉnh.

2. BS khác với dược sĩ, kỹ sư.

Một BS có thể quản lý và vận hành một thiết bị chẩn đoán, hoặc chữa bệnh, ví dụ máy thận nhân tạo, máy chụp cắt lớp. Còn cái hệ thống RO (sản xuất ra nước tinh khiết cung cấp cho việc “chạy thận”) hoặc cái phân xưởng sản xuất khí oxy kia (để chữa bệnh đường hô hấp) thì người quản lý phải là kỹ sư, dược sĩ, mà không thể là bác sĩ.

Bệnh viện Hòa Bình có hai hệ RO (1 và 2 – được đặt tên theo thời điểm mua sắm) vẫn do một kỹ thuật viên của phòng Vật Tư quản lý (ông Trần Văn Sơn). Thế là hợp lý. Nay… không đủ nước tinh khiết để “chạy thận”, tất nhiên BS Lương phải đề nghị cung cấp cho đủ. BS Lương không thể biết (và không “buộc phải biết” – như VKS cứ nằng nặc đòi hỏi) rằng người ta sẽ sửa chữa những bộ phận nào, bằng cách nào… BS Lương chỉ cần biết rằng: Một khi, nước tinh khiết do phòng Vật Tư đã cung cấp đến tay tôi, tất nhiên phải là nước đủ tiêu chuẩn để “chạy thận”. Cũng tương tự như vậy, cái bình oxy mà phòng Vật Tư giao cho BS để cứu ngạt phải chứa oxy dược phẩm. Cứ thế dùng. Còn chuyện kiểm tra mức tinh khiết của nước RO hay chất lượng của oxy bằng cách nào (làm xét nghiệm, hoặc liếm, ngửi)… là việc của nơi cung cấp.

Không có chuyện BS Lương từng phân vân “liệu mình có vô ý gây chết người hay không”… Do vậy, ông đã từng chống án rất kiên quyết. Chuyện này, hàng chục luật sư của BS Lương còn rành hơn BS Lương. Họ rất đủ trình độ nghề nghiệp để khẳng định rằng BS Lương không mắc cái tội “vô ý làm chết người”. Chính do vậy họ mới cãi đến cùng theo hướng thân chủ mình “vô tội”.

Vậy mà không hiểu tác nhân nào khiến cho vị BS kiên cường này bỗng “tự chuyển hóa, tự diễn biến” dẫn đến tự nhận tội để cúi xin được hưởng khoan hồng?

3- Nếu thân chủ đã như vậy,

… thì luật sư chỉ có thể nại ra những tình tiết giảm nhẹ để mong được Tòa thương hại mà xử “nhẹ phần nào, đỡ phần ấy” mà thôi.

Nhưng xin nhớ, tòa cũng phải xử đúng với cái khung mà Luật đã quy định. Hễ làm chết từ hai người trở lên là… nhất thiết đi tù. Không có chuyện xin hưởng án treo (Luật 2015) đâu ạ.

Tôi chưa tin BS Lương đã hiểu đầy đủ về tội “vô ý làm chết người”, nhất là do cẩu thả. BS Lương nhận mình cẩu thả – tuy đúng ý quan tòa – nhưng vị BS này lại có nguyện vọng vẫn làm nghề cũ (cái nghề không thể cẩu thả) thì chưa biết sẽ sau này sẽ ra sao.

4. Các đồng nghiệp đang là đại biểu Quốc hội.

PGS Lân Hiếu đã lên tiếng rất sớm. Hôm qua, một nữ đại biểu trách rằng BS Lương tự bỏ vũ khí (đấu tranh cho công lý và lẽ phải). Một vị khác nói rằng không phải hễ bị cáo tự nhận tội mà đã đúng là có tội (một người đàn ông ở Đà Nẵng tự nhận đã giết con gái, bỏ vào bao, vứt xuống sông… Vậy mà pháp luật vẫn chưa thể bắt giam và khởi tố).

Các luật sư từng tuyên bố “sẽ đi tới cùng để bảo vệ sự thật và công lý” vẫn còn nhiều thời gian để lên tiếng. Bởi vì, vụ án này sẽ đi vào Lịch Sử tư pháp nước nhà.

Nguyễn Ngọc Lanh (1935) nguyên GS ĐHYHN, NGND

Comments are closed.