Tùy bút Trần Quốc Toàn
Khi lũ chim trời đã đến mùa làm tổ trên những tán cây gai quýt, khi cơn mưa mùa đông rơi lạnh lẽo, là lúc tôi cùng mẹ ở ngoài vườn, mảnh vườn được nới rộng dưới chân núi Tình Giang. Cha tôi vắng nhà đã lâu chưa về, vắng cha thì mẹ làm lụng vất vả hơn. Cha tôi đi làm công nhân đường sắt từ năm cha vừa tròn mười chín tuổi, lúc hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định còn chưa chia tách, được gọi chung là tỉnh Nghĩa Bình.
Khi mới khai khẩn, thì vùng đất này chỉ có một vài ngôi nhà, nằm hút heo dưới chân núi. Những bụi tre bụi trảy luôn là chỗ cho loài chim bìm bịp lót ổ. Chúng có thói quen là chui vào đám lá môn chấm đỏ, rình bắt lũ rắn lục; có ba loại rắn lục, là lục nong, lục nia và lục xanh.
Loài rắn vốn có thứ linh giác lạ thường; nếu giết con đực thì con cái sẽ báo thù, cho dù đó là loại kẻ thù nào; tình yêu muôn loài là thế.
Mà vùng đất hoang dã này; từ thuở người trong làng đến khai hoang, thì đêm phải chốt kín cửa. Ông Ba Chức là người đầu tiên đặt nhát cuốc khai hoang. Ông Ba Chức trong sự miêu tả của ông Nội tôi, là người có vóc dáng lực sĩ. Chuyện ông vật con cọp trên núi Tình Giang, là chuyện mà người làng tôi vẫn còn kể cho đến hôm nay.
Cũng có câu chuyện kể, khi bà Ba Chức làm cái chuồng gà, đêm đến nhốt lũ gà choai vào chuồng. Đêm hôm đó, trời trăng sáng quắc, con cọp mò đến phá chuồng, lúc đó ông Ba Chức và con trai ông vắng nhà, chỉ có mỗi bà ở nhà cùng cô con dâu và đứa cháu nhỏ mới hơn một tuần tuổi. Con cọp ăn xong mấy con gà rồi lượn vòng quanh, cào cửa, sau đó nó bỏ đi. Người trong làng kể lại rằng, do cô con dâu đang trong thời gian ở cữ, và cái mùi ở cữ của đàn bà khiến con cọp phải bỏ đi. Đó chỉ là một cách giải thích, nhưng có thể cũng đúng, vì đã có một số trường hợp như thế đã xảy ra trong làng.
Cái hang cọp giờ vẫn còn trên đỉnh núi, nằm ở hướng mặt trời mọc. Đứng trên đỉnh nhìn về phía những cây gòn, sẽ thấy cảnh đầm phá, đồng lúa, và những con đường chạy dài giữa những cánh đồng. Nhìn lệch phía tây nam, sẽ thấy ngọn tháp Bánh Ít nằm trên ngọn đồi cây lá thấp. Lúc tôi cùng mẹ ở ngoài vườn, tôi lặt trái đậu Hà Lan khô, mẹ dùng gàu bình qua tới đám cà dĩa, cà pháo, thì lũ chuồn chuồn bay lượn hàng đàn, chúng bay lượn trên những giọt nước.
Ngôn ngữ từ thuở mở đất đã ăn vào tiềm thức của người già. Ngôn ngữ cỏ cây, động vật, thời tiết, ngôn ngữ từ những nhà sư đến xây chùa giảng kinh, ngôn ngữ từ ông bà, tổ tiên truyền qua những lời răn dạy. Có lần ông ngoại tôi giảng cho tôi nghe về Tam Tự Kinh có câu “Nhân chi sơ Tính bản thiện. Tính bản thiện. Tính tương cận. Tập tương viễn”.
Nghĩa của câu là: “Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành. Tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau. Nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi. Cách giáo dục là lấy chuyên làm trọng”.
Đó là những ngày đầu, khi ông ngoại tôi đọc cho tôi nghe và giảng giải cho tôi hiểu về cái tánh của con người lúc mới sinh ra. Tôi nghe thì nghe vậy, chứ có hiểu sâu xa gì đâu. Cho đến lúc lớn hơn một chút, khi giành nhau viên bi với một bạn học, chúng tôi đã cãi vã và định đánh vào mặt nhau cho bõ tức, nhưng chuyện đã dừng lại khi tiếng trống trường báo hiệu giờ vào lớp. Sau trận ấy, tôi và bạn tôi bị cô giáo phạt quỳ cuối lớp. Trước đó hai đứa thân nhau là thế, mà chỉ vì một viên bi, chúng tôi lại trở thành hai kẻ dữ dằn. Ngẫm ngợi về điều đó thôi, thì đã là một bài học về sự làm người rồi.
Ông ngoại tôi là cư sĩ tu tại gia. Ông nói nếu ai cũng xuất gia thì lấy đâu ra dòng giống để phát triển đất nước, gặt hái lương thực và ca tụng tình yêu. Bà ngoại tôi thì ăn chay trường, dáng bà khắc khổ như người tu khổ hạnh. Bà quy y ở Tịnh xá Ngọc Long- Diêu Trì, thuộc hệ phái Khất Sĩ, do tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập ở miền Tây nước Việt truyền về miền Trung, đất Bình Định.
Đó là những ngày đầu mở đất, mở ngôn ngữ, vùng đất trầm tích còn nhiều thứ chưa được viết ra để giữ lại cái hồn cốt của lũ chim trời cá nước, của những câu chuyện dần dà bị mai một.
Vào buổi sáng tháng bảy gió mưa, kèm theo những tấm áo lá cây phủ trên nền đất, chú tôi đi xẻ gỗ cây gòn để đóng quan tài, do một người trong làng đặt làm. Cây gòn to, tán cây phủ trùm trên khu đất phía tây, nơi có ngôi miễu quanh năm đóng cổng, chỉ khi Thanh Minh thì người trong làng mới quét dọn, chưng hoa quả, thắp hương. Xung quanh miễu là những đầm trâu, có tên đầm trâu là bởi lũ trẻ thường lùa trâu đến nằm nước vào những trưa nắng gắt.
Nơi đó có một cái giếng, nước trong veo có thể nhìn thấy cát dưới đáy. Chú tôi là thợ mộc, chú dùng rơm khô chất vào gốc gòn, phủ thêm một lớp trấu khô rồi đốt. Ban đêm yên tâm cho lửa ngún, sáng hôm sau chú sẽ dùng cưa, cưa phần gốc chưa cháy hết.
Đêm hôm đó về nhà chú tôi bị sốt, mửa ra máu, nằm hôn mê và nói sảng. Chú nói: “Không được đốt gốc gòn, không được đốt gốc gòn…”. Rồi thì chim cú bay đến đậu trên ngọn dừa ngoài vườn, kêu suốt đêm, không cách nào ông Nội tôi xua đi được.
Thiếm tôi biết chuyện chú làm vội chạy ra đồng phía tây, thím dập tắt lửa rồi khấn vái hồi lâu, khi thím trở về thì chú tôi mới bắt đầu tỉnh lại.
Ông Nội tôi nói với chú tôi:
– Sao con làm liều quá, chưa xin phép trưởng làng, chưa cúng vái gì mà đã động tay động chân đi hạ cây gòn. Cây gòn là chỗ nghỉ chân của dân làng lúc trời nắng non, là nơi tụ họp của dân mỗi khi Thanh Minh, sao con lại làm cái việc dại dột đó. Cây cũng có linh hồn, cây gòn đã sống nhiều năm khi cha còn là hạt bụi trong cõi trời đất hoang vu này.
Cũng từ hôm đó, chú tôi bị trầm cảm nặng, rồi chú mất trong một lần lội đầm lùa trâu về chuồng.
Cái giếng được người trong làng đến lấy nước, vẫn còn nghe sột soạt mỗi khi thả gàu xuống múc. Có khi múc lên trong gàu có lẫn mẻ vỏ ốc vỏ sò biển. Lại có khi có người ta đổ nước ra rửa mặt, lại thấy vị mằn mặn. Rồi những đêm trăng sáng, có người đi tháo nước ruộng nghe thấy tiếng la ó của binh lính phát ra từ cái giếng nước.
Sau nhiều lần đi bắt lũ chim cu, tôi nghe một ông lão chăn trâu kể lại rằng: Chỗ cây gòn, vùng đất nằm phía cánh tả, nếu nhìn từ tháp Bánh Ít hướng ra sông Xanh, thì nơi này từ thế kỉ thứ XVII khi chưa có người ở, các loài cọp trăn, rắn rết còn đi lại tự do, là một vùng biển nông. Mãi về sau khi có người đến khai hoan thì biển mới bắt đầu lùi ra tới tận vùng biển Phước Thuận bây giờ. Tiếng binh lính la ó chính là tiếng vọng từ cảng nước mặn lúc con người đuổi thú khi xây chùa chiền, nhà thờ, biết bao nhiêu trầm tích còn lại… Và đó là câu chuyện dài tôi nghe được từ ông lão chăn trâu.
Câu chuyện được tôi viết lại bằng kí ức của mình sau khi lang thang cùng khắp mọi ngõ ngách của đất Chà Bàn xưa, như là nước giếng đã thấm vào da thịt, như là chất đạm từ thịt cá mà tôi và bọn trẻ trong làng bắt được từ cánh đồng xứ sở, như là buổi chiều tôi ngồi một mình trong sân nhà thờ Làng Sông, gió và cát và những đỉnh đêm chuốt huốc, họng sóng, cho tôi say ngả nghiêng của mối tình với đất, với mùa màng ân nghĩa…