Cái bài vị: cuống rốn chưa lìa?

Trần Ngọc Cư

Dưới thời Pháp thuộc có một câu chữ trên sách giáo khoa sử dụng tại Đông Dương gây dị ứng không ít cho người dân bản địa, đấy là câu “Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa” (Nos ancêtres sont des gaulois). Nói cho ngay, các sách giáo khoa này chủ yếu viết cho học sinh Pháp tại chính quốc, nhưng con em người Pháp và người bản xứ ở các thuộc địa cũng phải dùng vì cùng theo học một chương trình. Tuy vậy, một số trí thức Việt có tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã mạnh mẽ lên án việc Nhà nước bảo hộ trí trá sử dụng những sách giáo khoa này nhằm nhồi sọ học sinh bản xứ.

Cách viết bài vị của người Việt cũng có một hiệu ứng tương tự, đấy là khẳng định chúng ta có gốc gác Trung Hoa. (Nos ancêtres sont des chinois.) Ví dụ, đất tổ của người họ Trần được ghi trên bài vị là Dĩnh Xuyên quận, đất tổ của người họ Nguyễn là Trần Lưu quận, v.v. Tất cả các “quận” này đều nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Sau đây là bản liệt kê đầy đủ:

1. Tế Dương quận: Gồm họ Đinh, Giang, Đào.

2. Tây Hà quận: họ Lâm.

3. Hà Nam quận: họ Phương, Chử, Khưu.

4. Đông Lỗ quận: họ Khổng.

5. Nhạn Môn quận: họ Văn, Điền, Đồng, Nông.

6. Long Tây quận: họ Lý, Bành.

7. Thiên Thủy quận: họ Doãn, Thái.

8. Bình Dương quận: họ U.

9. Thái Nguyên quận: họ Vương, Dương, Vũ, Chúc, Ôn.

10. Cao Bình quận: họ Phạm.

11. Nam Dương quận: họ Diệp, Đặng.

12. Kinh Triệu quận: họ Lê, Sử, Tống, Đỗ, Đoàn.

13. Bột Hải quận: họ Cao, Dương.

14. Nhữ Nam quận: họ Chu.

15. Trần Lưu quận: họ Nguyễn, Tạ.

16. An Định quận: họ Hồ, Lương.

17. Hà Đông quận: họ Bùi.

18. Diên Lăng quận: họ Ngô.

P19. Bành Thành quận: họ Lưu.

20. Thanh Hà quận: họ Trương.

21. Vinh Dương quận: họ Phan, Trịnh.

22. Dĩnh Xuyên quận: họ Trần.

23. Phân Dương quận: họ Quách.

24. Giang Hạ quận: họ Hoàng.

25. Hoằng Nông: họ Dương.

26. Giải Lương quận: họ Quan.

27. Vũ Công quận: họ Tô.

28. Thủy Bình quận: họ Ông.

Các bài vị trên bàn thờ thường được viết bằng chữ Hán, nên không mấy người biết được sự thật “trái ngang cảm tình” này. Bản thân tôi một người mù chữ Hán, không phải là ngoại lệ. Trong chuyến về thăm Huế năm 2017, tôi nhờ anh Nguyễn Phố, một người bạn đồng môn Đại học Sư phạm Huế, từng soạn tự điển Hán Việt, dịch và giải nghĩa các bài vị trên bàn thờ nhà người em gái. Tôi đâm ra sững sờ: chẳng lẽ nỗ lực thoát Trung sẽ kéo theo việc sửa đổi cách viết các bài vị?

Tôi không nghĩ người Việt Nam nhất thiết phải có gốc tổ là các địa danh được qui định trong cách viết bài vị truyền thống. Ban đầu, trên thế giời, vốn có nhiều sắc dân bản địa không có họ (family name), vì thế các ông chủ thực dân hoặc chủ nô lệ đem họ của mình hoặc các họ từ nước mình áp đặt lên các giống dân bị trị. Đấy là trường hợp tên họ của người nô lệ da đen tại Mỹ, cũng như tên họ của người Mê hi cô và nhiều nước châu Mỹ La tinh khác đã đến từ Tây Ban Nha… Hiện tượng này rất phổ biến trong lịch sử của các chủ nghĩa bành trướng trên thế giới. Trong quá trình Bắc thuộc, các bộ tộc mà người Trung Hoa gọi là “Nam man” được họ đặt cho cái họ. Rất có thể, người An Nam (một danh xưng được dùng cho đến đầu Thế kỷ 20) đã rất tự hào về mối quan hệ dòng họ này và vì thế đã không ngần ngại ghi gốc tổ giả định của mình lên các bài vị.

Thờ phượng tổ tiên là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, việc ghi lại công ơn của tiền nhân trên văn bia, gia phả, bài vị cần được thể hiện bằng chữ Quốc ngữ để con cháu dễ tiếp cận và cần giữ tính trung thực để được con cháu kính trọng. Nên tránh các huyền thoại rẻ tiền, vì trình độ nhận thức của các thế hệ sinh sau cứ lẽ thường là tinh tế và sâu sắc hơn tiền nhân. Tôi tin tưởng, “con hơn cha là nhà có phúc.”

Comments are closed.