KIẾN NGHỊ
Gửi đến
Bí thư Thành ủy ĐCSVN TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Nguyễn Thị Quyết Tâm
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Thành Phong
Chúng tôi,
1. Tương Lai, 82 tuổi, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam,
2. Huỳnh Tấn Mẫm, 72 tuổi, bác sĩ y khoa, tiến sĩ, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975,
3. Lê Công Giàu, 72 tuổi, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist),
4. Huỳnh Kim Báu, 73 tuổi, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh,
5. Hạ Đình Nguyên, 72 tuổi cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Phối hợp Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975,
là những công dân của thành phố vừa bị xúc phạm quyền con người trong ngày 17.2.2017, ngày kỷ niệm 38 năm cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc của bè lũ xâm lược Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng những quyền đã được ghi trong Hiến pháp của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 và Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 2013 bởi các lực lượng trấn áp không rõ thuộc cơ quan nào vì họ không mặc sắc phục và cũng không trình những giấy tờ cần thiết khi xâm phạm quyền công dân như luật pháp quy định.
Vắn tắt vài dòng về sự việc nói trên như sau:
Sáng ngày 17.2.2017, chúng tôi đi đến khuôn viên có dựng Tượng Trần Hưng Đạo trên đường Tôn Đức Thắng trước bến Bạch Đằng thì bị một nhóm người không mặc sắc phục thô bạo ngăn chặn không cho đi.
Chúng tôi đã giải thích: hôm nay là ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới 1979, là người Việt Nam yêu nước thương nòi, chúng tôi tuy tuổi cao, lại đang mang bệnh trong người nhưng không thể ngồi yên khi 38 năm trước đây hàng vạn chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống dưới họng súng tàn bạo của bè lũ Trung Quốc xâm lược. Chúng tôi phải đến thắp nén nhang để tưởng niệm ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh vì đất nước.
Tuy đã giải thích hết sức cặn kẽ và chân tình, song có người trong chúng tôi vẫn bị xô đẩy không cho lên xe taxi, bị kèm sát buộc phải đi theo áp tải của họ hoặc buộc phải trở về nhà.
Chọn địa điểm thắp hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần vì Ngài là biểu trưng vĩ đại và sống động nhất cho khí phách Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Không có khí phách đó, trí tuệ đó thì dân tộc ta đã không thể tồn tại và lớn mạnh bên cạnh một nước khổng lồ mà những kẻ cầm quyền chưa bao giờ nguôi dã tâm xâm lược để cướp nước ta.
Các triều đại Trung Quốc kể từ Tần, Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh thời trước cho đến Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập thời hiện đại luôn nuôi mộng bành trướng, mà Việt Nam luôn là con mồi ngon. Bất cứ lúc nào nội tình Việt Nam rối loạn, yếu kém lập tức phương Bắc tràn vào. Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc được dân phong Thánh vì Ngài đã lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược trong thế kỷ XIII.
Câu nói lưu danh sử sách của Trần Hưng Đạo: “Bệ hạ muốn hàng xin trước hãy chém đầu tôi đi đã” để rồi tướng sĩ và ba quân đều khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát” với tinh thần quyết tử cho tổ quốc trường tồn. Không có ý chí đó, khí phách đó thì không có nước Việt Nam ta hôm nay. Chọn địa điểm thắp nhang tưởng niệm dưới chân tượng của Ngài chính là để khơi dậy lại, làm nóng lên khí phách quật cường bất khuất trước kẻ thù, khi mà đất nước đang rơi vào thảm trạng hiểm nghèo vì sự ngu hèn, khiếp nhược của một vài kẻ cầm quyền hoảng sợ trước thế lực và sức ép của siêu cường hung đồ với những toan tính nham hiểm của Tập Cận Bình.
Chúng tôi, chỉ có hai bàn tay trắng và một nén tâm nhang đến trước Đức Thánh Trần mong tìm được sức mạnh nơi Ngài. Để làm gì? Để làm sao cho máu của chiến sĩ và đồng bào ta đã hy sinh cách nay 38 năm chống kẻ thù xâm lược truyền kiếp thấm đẫm mãi vào mảnh đất quê hương chứ khôn thể là thành nước lã như bọn tay sai bán nước đã từng làm khi quyết liệt chỉ đạo không được nhắc đến chiến tranh biên giới, đục bỏ bia liệt sĩ, gạt bỏ khỏi sách giáo khoa về cuộc chiến tranh xâm lược này. Ngày nay, trước phản ứng quyết liệt của dân và quốc tế, tình trạng tồi tệ nói trên đã dần dần được cải thiện từng bước. Báo chí và truyền thông nhà nước lác đác đã nói đến chiến tranh biên giới 38 năm trước đây, chỉ tránh chỉ đích danh kẻ xâm lược là Trung Quốc! Dù vậy, điều đó xem ra còn tùy thuộc vào sự phán truyền của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ với ông Nguyễn Phú Trọng”!
Những gì diễn ra trong ngày 17.2.2017 phải chăng đã nói lên điều đó. Bịt miệng trí thức vì lo sợ hành động của họ ảnh hưởng đến dư luận xã hội và lớp trẻ, đàn áp đẫm máu những người trong tay không có tấc sắt, đặc biệt nhắm vào tuổi trẻ chứng tỏ họ sợ dân, đàn áp dân để làm vui lòng kẻ thù. Huy động một lực lượng trấn áp rất đông, xúc hốt một số trí thức, văn nghệ sĩ và nhiều vị lão thành lên xe bus chở về địa điểm tập trung giữ lại cho đến hết buổi sáng mới thả ra để phá bằng được lễ thắp nhang tưởng niệm chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh, sợ khơi lên lòng căm thù Trung Quốc xâm lược.
Liệu đây có phải là, những người chủ trương làm việc này để nhằm đảm bảo trung thành thực hiện những văn bản đã được ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc vội vã của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hội đàm riêng với Tập Cận Bình? Nếu vậy thì quả là đất nước ta “chưa bao giờ lâm vào tình trạng bi đát như hiện nay” mà Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đã phân tích. Ai là người gây nên thảm trạng đất nước này?
Giữa thành phố Sài Gòn đang có tham vọng trở lại hào quang một thời của Hòn ngọc Viễn Đông, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất của cả nước, nơi đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, vừa rồi lại tổ chức Hội nghị Việt Kiều nhằm hô hào hòa giải, hòa hợp dân tộc mà lại trắng trợn xúc phạm nhân quyền, vi phạm Hiến pháp, đàn áp trí thức, đàn áp thanh niên thì thử hỏi các vị sẽ làm thế nào để đưa thành phố đi tới? Còn ai tin được các vị nữa đây!
Chúng tôi biết các vị cũng đang bị những sức ép rất lớn. Muốn tranh thủ được tín nhiệm và lòng tin của dân, các vị phải vượt qua sức ép đó. Dám dựa vào dân, dựa vào trí thức và thanh niên, động viên đông đảo các tầng lớp đồng bào cư dân thành phố cùng hăng hái góp sức đưa thành phố ta vượt qua những trở ngại để đi tới. Nếu các vị làm được như vậy, chúng tôi sẽ sát vai cùng các vị chung lo việc nước, việc dân.
Chúng tôi gửi đến các vị kiến nghị này với lòng chân thành vì việc nước việc dân. Chúng tôi kiến nghị tổ chức một cuộc đối thoại giữa các vị và chúng tôi, những người vừa bị xúc phạm nhân quyền, bị vi phạm quyền tự do công dân đã được Hiến pháp quy định. Trong cuộc đối thoại đó, chúng tôi mong được nghe những lời giải thích từ các vị và chúng tôi sẽ trình bày đầy đủ những ý kiến của chúng tôi.
Chúng tôi mong nhận được hồi âm sớm. Nếu chưa nhận được, ngày 27.2.2017 chúng tôi sẽ tọa kháng tại trước trụ sở Ủy ban Nhân Thành phố để biểu thị chính kiến và quyết tâm của chúng tôi.
Xin gửi lời chào trân trong.
Ngày 18.2.2017
Tương Lai
Huỳnh Tấn Mẫm
Lê Công Giàu
Huỳnh Kim Báu
Hạ Đình Nguyên