Lan man lò và củi

Lê Học Lãnh Vân

Độ rày khá nhiều “củi” được nêu tên, huyền chức…

Không ít người vui mừng, hớn hở. Không ít người khen lò cháy đượm, công suất cao, cứ như vầy chẳng bao lâu bộ máy công quyền sẽ như cô gái sông Hương của Tố Hữu, thơm tho, trong sạch từ trong tới ngoài, … Nếu “củi” là người từng tham gia ức hiếp dân chúng, sự vui mừng hả hê còn bộc lộ rõ nét. Nào là luật nhân quả, nào là lưới trời lồng lộng, nào là ác giả ác báo…

Tạm để một bên những luận bàn về nguyên nhân, bài viết này ngó phản ứng của người dân mà có những suy nghĩ lan man…

“Củi” nào cũng ức hiếp dân chúng, không ức hiếp kiểu này thì ức hiếp kiểu khác. Dù không trực tiếp tiến hành, người ta vẫn có thể ức hiếp dân chúng nhiều lần hơn bằng cách khác. Người tạo điều kiện cho kẻ ức hiếp dân chúng thì xét ra có khi tội nặng hơn người trực tiếp thi hành. Tiền của người dân làm ra phải đóng thuế, đủ loại thuế. Người có trách nhiệm không dùng tiền đó để phát triển quốc gia giàu mạnh cho dân, để tạo phúc lợi cho dân mà bỏ túi riêng! Số tiền bỏ túi lại có thể lên tới hàng vạn hay hàng trăm ngàn lần mức thu nhập bình quân đầu người, điều này không chỉ là ức hiếp dân chúng mà phải được xem là tội ác! Nhiều khi phải xem là tội ác còn hơn giết người vì đẩy bao kiếp người vào vòng nghèo đói, khiến bao người phải chết trong lao khổ, đẩy quốc gia vào vòng nghèo yếu bị áp chế trăm năm…

Chống tham nhũng chắc chắn được dân chúng ủng hộ. Nhưng lôi từng cây củi đưa vào lò có phải là cách tối ưu không? Chỉ cần nhìn số lớn biệt phủ ngược ngạo dọc ngang sông núi trước bao phận người còm cõi, người ta cũng nghĩ phải có một nguyên nhân gốc nào đó cho hiện trạng. Trong khi dân chúng cảm nhận nguyên nhân gốc vẫn được để yên đó, và thậm chí ở nhiều nơi còn được gia cố, thì cuộc chống tham nhũng có vận động được dân chúng tham gia không? Tham nhũng do giới có quyền ăn cắp tiền của dân mà việc chống tham nhũng chỉ giao cho giới có quyền, còn dân chúng – chính là nạn nhân – lại đứng ngoài nhìn kết quả thì việc chống tham nhũng sẽ như thế nào? Tham nhũng là tội ác, người bảo vệ cơ chế khiến dân chúng bó tay không thể tự vệ, chỉ có thể trơ mắt nhìn tiền của mình bị lấy đi, có phải những người ấy xét ra tội nghiệt lại trùng trùng?

Reo mừng và hả hê mỗi khi một cây củi bị lôi ra hay đưa vào lò càng khiến đám đông u mê. Reo mừng, nếu không kèm theo hành động khác, không góp gì vào tiến bộ xã hội, nghĩa là không khiến tham nhũng được kiểm soát tốt hơn và bị giảm đi. Nó chỉ khiến xã hội yên tâm rằng đốt lò là giải pháp quá tốt chống tham nhũng, do đó không cần động hay không nghĩ tới những nguyên nhân gốc vốn khiến tham nhũng tiếp tục nảy sinh.

Nó cũng khiến người ta tin vào luật nhân quả theo cách mê tín, nghĩa là cứ yên tâm sống đời hiền lành, rồi trời phật cũng trừng phạt đúng kẻ bất lương và tưởng thưởng đúng người lương thiện. Niềm tin này khiến người ta ngày càng thụ động trước bất công, xã hội ngày càng nhiều nơi cúng kiếng xa hoa bóng lộn, mờ mịt khói nhang!

Hả hê thì quá nguy hiểm vì tạo tâm lý hận thù, trả thù. Trái với quan điểm rằng càng yêu thương càng phải biết căm thù, tình yêu thương sâu sắc và lớn lao hóa giải lòng căm thù. Lòng căm thù và ý muốn trả thù tàn phá lòng nhân ái của con người. Xã hội có nhiều lòng căm thù sẽ luẩn quẩn dưới đáy giếng chia rẽ, u mê. Xã hội tôi đang sống, trong đó các thành phần xã hội đang cáo buộc nhau hay đang bị đẩy về những cực thù địch nhau, xã hội đó có còn đủ sáng suốt, ý chí và năng lực trèo lên miệng giếng ngó trời cao xanh, hưởng không khí trong lành?

Xã hội thiếu tình thương yêu và cộng tác có thể phát triển lâu bền được không?

Ngày 20 tháng 02 năm 2023

Comments are closed.