Người Buôn Gió
Nguyễn Đình Ngọc tức Nguyễn Ngọc Già, người đã có rất nhiều bài viết sắc bén và tình lý giờ đang ở trong chốn lao tù. Những tin tức về số phận anh mịt mờ. Cũng như lúc chưa bị bắt, chả mấy ai biết rõ về anh, đến ngay cả lúc bị bắt rồi. Địa chỉ, tên tuổi của anh được công khai nhưng người ta cũng chỉ biết đến đó là thôi.
Đối chọi bút chiến với lực lượng tuyên truyền hùng hậu của ĐCS, có được một cây bút như Nguyễn Ngọc Già là điều rất quý cho công cuộc tranh đấu dành tự do ngôn luận của nhân dân Việt Nam.
Không ầm ĩ, không phô trương, Nguyễn Ngọc Già âm thầm miệt mài từ năm này qua năm khác, tạo ra những bài viết giá trị góp phần vạch rõ bộ mặt thối nát của chế độ.
Anh viết rất nhiều, nhưng ẩn danh. Điều đó cho thấy anh không màng đến một chút danh lợi nào hết. Anh viết bởi tâm tư của mình thôi thúc. Không bè phái, không đảng phái, không chịu ai sai phái.
Nguyễn Ngọc Già bị truy tố về điều 88, tương tự như Nguyễn Văn Hải tức Hải Điếu Cày trước kia. Một tội danh khá nặng trong thời điểm hiện tại, khi mà đa phần các cây viết hay nhà đấu tranh chỉ bị khép điều 258 là lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích tổ chức… thì Nguyễn Ngọc Già bị khép vào điều 88.
Sau khi bị bắt, Nguyễn Ngọc Già ít được nhắc tới trong các bản kiến nghị, kêu gọi đòi hỏi thả tự do cho anh. Số phận của người chiến sĩ vô danh chọn cho mình con đường đấu tranh cô đơn đến lúc sa cơ vẫn cô đơn như vậy.
Thiên hạ đồn rằng anh bị bắt do làm lộ mình khi trả lời phỏng vấn đài RFA. Cơ quan an ninh phát hiện ra và tiến hành bắt giữ anh khẩn trương. Tôi thì nghĩ khác,tôi nghĩ cơ quan an ninh phát hiện ra anh trước đó. Họ chọn thời điểm anh trả lời RFA để bắt giữ anh vì đó là thời điểm tốt nhất cho họ. Bắt như vậy phía RFA sẽ bị mang tiếng, bắt như thế cũng che đậy được kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nguồn tin từ đâu ra.
Trong một bài viết trước khi trả lời RFA, Nguyễn Ngọc Già đã kể rằng hộp thư của anh bị xâm nhập.
http://baotoquoc.com/2014/12/10/nguyen-ngoc-gia-lam-sao-de-khong-bi-bat/
Nguyễn Ngọc Già vạch mọi biện pháp phòng tránh, nhưng anh lại không chú ý đến việc tại sao an ninh biết địa chỉ hộp thư của anh. Và nếu khi họ biết thì việc truy tìm IP hòm thư sẽ chả có gì khó khăn. Lẽ ra anh nên biết vụ án của kỹ sư tin học Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung…một phần chứng cứ do Trung Tâm Điên Toán truyền số liệu khu vực 2 cung cấp.
Vấn đề ở chỗ tại sao an ninh biết tên hộp thư của anh? Còn khi họ đã biết thì không khó gì để họ thâm nhập, đọc trộm. Vì tất cả thư từ đi lại vẫn phải chuyển qua Trung Tâm điện toán của họ quản lý. Họ sẽ biết anh ở đâu, anh gửi cho ai cái gì, vào ngày nào, giờ nào… chả cần phải đợi khi anh trả lời phỏng vấn RFA họ mới biết anh.
Nhưng dù sao những điều tôi nghi hoặc kia chỉ là suy đoán. Điều đó chả giúp được gì cho anh bây giờ.
Chỉ biết lẽ ra anh phải có tên hàng đầu trong danh sách những người bị áp bức, bắt bớ vì thực thi quyền tự do ngôn luận, quyền con người cùng với anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Minh Thuý… những ví dụ điển hình thiết thực nhất cho việc quyền con người, nhân quyền bị đàn áp. Nhưng đến anh Ba Sàm nhiều người biết đến như vậy mà tên tuổi trong các kiến nghị, trao đổi với các cơ quan nhân quyền quốc tế do các tổ chức trong nước đưa ra còn thưa thớt. Nói gì đến một Nguyễn Ngọc Già vốn dĩ đã chọn cho mình con đường là một chiến sĩ cô đơn.
Nguồn: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2015/04/nguoi-chien-si-co-on.html