NHÀ BÁO VÀ NHÀ KIỂM DUYỆT (1)

Nhà báo và nhà kiểm duyệt (1)

Phạm Thị Hoài

Mở đầu

Dường như mọi câu chuyện liên quan đến Phạm Xuân Ẩn đều có thêm ít nhất một mặt bất ngờ khác. Khi cho đăng bài phóng sự dài “Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam” của Thomas A. Bass, kể lại việc xuất bản cuốn sách của ông về nhà tình báo huyền thoại của Việt Nam, đi kèm với việc công bố bản dịch trọn vẹn của tác phẩm này, tôi đã thực sự ngỡ ngàng: không ít dư luận trên các mạng xã hội không đồng tình với việc ông phơi bày tất cả, người thật, việc thật, tên tuổi thật lên mặt báo, và thấy trong đó hành vi bội tín (breach of confidence), phản bội nguồn tin, bị coi là vi phạm đạo đức nghề báo và ở một số nước thậm chí có thể là tội bị kết án hình sự.

Sự việc không chỉ dừng ở đó, ngoài tội, ông nhà báo Mỹ còn phải chịu cái lỗi khó lòng gỡ nổi, vì ngoài việc bị ông “đâm sau lưng”, những người bị ông đem ra kể tuốt tuồn tuột kia có thể bị chính quyền sờ gáy, thậm chí bị tù tội, nhẹ nhất cũng bị ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp. Đến đây sự việc cũng chưa dừng lại, đời sống dư luận là như vậy, nó phải đâm chồi nảy nhánh cho đến khi nào hút cạn nguồn dinh dưỡng, bây giờ đến lượt sứ giả bị chặt đầu vì đưa hung tin. Bỗng nhiên người dịch phóng sự của Thomas A. Bass, cũng như tôi, người đăng bài trên trang của mình, được mệnh danh là những kẻ chỉ điểm, tiếp tay cho một nhà báo Mỹ phản trắc, ích kỉ, vô đạo đức nghề nghiệp, đã thế còn dốt nát và nhầm lẫn lung tung trong kiến thức về Việt Nam, làm hại một số người nhất định trong ngành xuất bản ở Việt Nam, những người đã đầy nỗ lực giúp cho cuốn sách của ông được ra đời. Song đến đây dường như câu chuyện vẫn chưa đi hết đà của nó, người ta phát hiện ra là bản gốc tiếng Anh của phóng sự đó chưa đăng công khai ở đâu cả và như vậy có nghĩa là bản tiếng Việt chỉ có thể bất hợp pháp, không khác gì một văn bản không chính thức, ra đời một cách mờ ám vì thiếu hẳn nguồn gốc rõ ràng.

Trong bối cảnh dư luận đang hoài nghi về cả tính lương thiện lẫn tính hợp pháp của bài phóng sự này, dịch giả Phạm Nguyên Trường đã đề nghị rút bản dịch của mình xuống. Hiển nhiên là tôi tôn trọng và đã đáp ứng đề nghị ấy. Tôi thành thật xin lỗi đã sơ suất để anh, một người bạn mà tôi trân trọng từ hơn mười năm nay, phải rơi vào tình huống này. Song cũng hiển nhiên, một bản dịch khác đang được thực hiện và sẽ sớm lên mạng. Về việc này, xin được trở lại sau.

Khi sự ngỡ ngàng ban đầu qua đi, tôi nhận ra và mừng rằng những phản ứng nói trên trong dư luận cũng bất ngờ tặng chúng ta một món quà, một cơ hội bổ ích để tìm hiểu về những tiêu chí và khái niệm then chốt như breach of confidence, đạo đức nghề báo, sự lương thiện của phóng viên, nguyên tắc bảo vệ nguồn tin, nguồn gốc của thông tin và văn bản, ranh giới của điều được phép trong investigative journalism, quyền riêng tư (right of privacy), quyền được biết của công luận (the public´s right to know)… Phần lớn đó là những tiêu chuẩn của các nền báo chí tự do, được những nhà báo giỏi và giàu lòng yêu nghề nhất ở Việt Nam quan tâm và đưa vào thực hành trong giới hạn có thể.

Tác giả Thomas A. Bass đã được biết về những dư luận xung quanh bài viết của mình và hứa sẽ có phản hồi. Qua pro&contra, ông gửi lời xin lỗi rằng hôm nay và ngày mai (6-7/11/2014), ông bận tham dự Hội thảo Quốc tế “Engaging with Vietnam” lần thứ 6, tổ chức tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ; trong nhóm đề tài “The Powers of the Written Word” ông cũng sẽ dùng câu chuyện đeo đẳng mình 5 năm vừa rồi mà kết quả là bài phóng sự đang được chú ý để thuyết trình: về kiểm duyệt tại Việt Nam.

Các nhà báo ở phương Tây, đặc biệt là nhà báo viết phóng sự, đặc biệt là nhà báo viết phóng sự điều tra, đặc biệt là nhà báo viết phóng sự điều tra ở Mỹ, có lẽ không ai không thuộc lòng câu mở đầu bất hủ của nhà báo nữ khó thương nhưng khó cưỡng Janet Malcolm trong Nhà báo và Sát nhân (The Journalist and the Murderer): “Every journalist who is not too stupid or too full of himself to notice what is going on, knows that what he does is morally indefensible.” Bất kì nhà báo nào, nếu không quá ngớ ngẩn hoặc không quá tự mãn để hiểu điều gì đang diễn ra, đều biết rằng việc mình làm là không thể biện hộ về phương diện đạo đức. Một luận điểm đủ sốc để cảnh báo lâu dài. Janet Malcolm là một trong hai tác giả nữ viết essay thường xuyên gây cảm hứng cho tôi – người kia là Dubravka Ugrešić. Nhan đề bài viết này của tôi được gợi từ tên tác phẩm nổi tiếng và trước sau vẫn phân cực mạnh mẽ nói trên của bà.

(Còn tiếp)

© 2014 pro&contra

http://www.procontra.asia

Comments are closed.