Hoàng Hưng & Phạm Toàn
Văn Việt: ĐASGK do Bộ GD trình Quốc hội đã trở thành điểm nóng của công luận trong những ngày qua. Nhưng không chỉ vấn đề SGK, công luận còn hết sức quan tâm đến cả công cuộc cải cách GD mà bộ trưởng Phạm Vũ Luận gọi là “trận đánh lớn”. Nhà thơ Hoàng Hưng, nguyên giáo viên dạy giỏi môn Văn cấp ba những năm 1960-1970, nhà báo chuyên ngành giáo dục những năm 1970-1980, hiện đang nghiên cứu và dịch sách tâm lý học GD, có cuộc trò chuyện với nhà văn Châu Diên, tức nhà nghiên cứu GD và nhà giáo lão thành Phạm Toàn, trưởng nhóm GD Cánh Buồm, về những vấn đề liên quan. Cuộc trao đổi sẽ được đăng tải làm 2 kỳ trên Văn Việt.
Kỳ I: Sách giáo khoa và phương pháp dạy-học
HH: Vừa qua, Bộ GD đưa ra trước Quốc hội dự toán cho việc soạn lại SGK, nhưng chưa thấy đề cập hoặc đề cập không rõ về tinh thần chủ đạo của SGK mới sẽ ra mắt xã hội vào năm 2016. Anh có suy nghĩ gì về việc ấy?
PT: Muốn ra sách vào năm 2016 thì ít nhất hằng chục năm trước đã phải có ý tưởng chủ đạo về bộ sách và ý tưởng phải được triển khai, thử nghiệm từ đó đến nay rồi chứ. Một kinh nghiệm từ bản thân: nhóm Cánh Buồm soạn bộ SGK Tiểu học của mình từ năm 2009, nhưng ý tưởng chủ đạo của nó thì tôi đã đề xướng từ lâu. Thí dụ về môn Văn. Tôi chủ trương Dạy Văn không phải để học sinh “tán” về bài văn theo lời dạy của thầy, viết bài theo “văn mẫu”. Học văn là tạo năng lực nghệ thuật, lấy Văn làm vật liệu nghiên cứu, vì Văn là vật liệu nghệ thuật nhẹ nhàng nhất, dễ tiếp cận nhất. Ngay từ 1986, tức hơn 20 năm trước, nhờ báo Văn Nghệ do nhà văn Nguyên Ngọc làm TBT, tôi đã công bố tuyên ngôn ấy ở bài “Sao lại học văn”, bài này đến năm 2000 được in vào quyển sách “Công nghệ dạy Văn” (Đại học xuất bản). Tư tưởng này được tôi áp dụng vào thực tế dạy học, rồi đưa vào việc biên soạn cuốn sách dạy Văn đầu tiên của chương trình Thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại. Từ đó về sau, nó được liên tục “nâng cấp”. Mới đây, Trung tâm viết sách của Hồ Ngọc Đại đã lấy lại bộ sách Văn ấy, thay đổi chút ít, biến thành sách mới, có đề nghị tôi ký tên nhưng tôi từ chối, vì tôi đã có những ý tưởng tiến xa hơn và đưa vào sách Cánh Buồm.
Tóm lại, muốn có SGK kiểu mới, tác giả phải chuẩn bị từ khâu đề xướng chủ thuyết, giải thích chủ thuyết, và làm thử. Cả 3 yếu tố ấy đều không thấy có ở bộ phận soạn SGK của Bộ Giáo dục.
Chỉ thấy năm 2011 ông ĐNT nói lên tinh thần SGK mới sẽ là “tiếp cận năng lực”, nhưng chẳng ai hiểu nó là như thế nào. Rồi bây giờ, trả lời chất vấn báo chí, ông ấy lại nói: “tiếp cận theo năng lực”, tức là suốt mấy năm được thêm 1 chữ “theo”.
Bởi thế, tôi dám nói không liều là: năm 2016 BGD sẽ chẳng có gì trình ra xã hội, hoặc vẫn chỉ trình ra những cái cũ. Xem cách chuẩn bị trận đánh là biết trận đánh sẽ diễn ra thế nào.
HH: Từ ví dụ môn Văn, anh có thể nói về tư tưởng chủ đạo phương pháp học nói chung theo chủ thuyết Cánh Buồm?
PT: Tư tưởng chủ đạo là làm cho trẻ biết tự học, trẻ biết tự học thì biết tự giáo dục. Nhưng không phải cứ kêu gọi “em phải tự học nhé!” là xong. Ai chả muốn con mình học giỏi, biết tự học, nhưng vấn đề là phải làm cho trẻ tự học được. Tức là phải tìm được những thao tác học cho trẻ thực hiện. Đó là những thao tác làm việc chắt lọc nhất của các nhà bác học tiêu biểu, của các nghệ sĩ lớn, của các nhà hoạt động xã hội trong sáng nhất. Tức là vẫn “học tập noi theo tấm gương” đấy, nhưng không phải theo kiểu hô khẩu hiệu xuông, mà làm lại cách làm việc như tấm gương đã làm. Nhà ngôn ngữ tìm ra cách ghi âm tiếng nói thế nào, nhà văn làm ra tác phẩm từ cảm xúc, từ chất liệu sống ra sao, người hoạt động xã hội sống với cộng đồng, yêu thương, giải quyết tranh chấp trong cộng đồng thế nào. Tất cả sẽ thể hiện ở thao tác. Các “tấm gương” thì đầy cả, nhưng đó sẽ thành những vị thánh nhân vô tích sự nếu người đi sau không học họ bằng cách làm lại những thao tác khi họ làm việc
HH:Vậy theo anh, cái gì là cái phải thay đổi căn bản trong việc soạn SGK? Có những ý kiến từ Sài Gòn, cho rằng chỉ cần trở lại như SGK của Sài Gòn trước năm 1975 là ổn. Liệu có ổn không? Hay là phải thay đổi triệt để tư duy, quan niệm về SGK. SGK không phải nội dung những kiến thức được truyền thụ, mà là một lược đồ thao tác của thày-trò trên lớp và sau lớp học?
PT: SKG phải thể hiện hoạt động học, hành động học, thao tác học. Đầu tiên là làm cho học trò thích học, muốn học, yêu việc học. Vào lớp đã phải đặt vấn đề cho trẻ phải giải quyết. Ngay từ giờ học đầu tiên môn tiếng Việt lớp Một đã phải như thế. Cô giáo và học sinh trao đổi, nói tiếng Việt, nhưng khi cô giáo nêu vấn đề: Tên em là gì? Em có viết được tên em không? đó chính là nêu đúng vấn đề cho trẻ em nghĩ cách giải quyết. Trẻ em vào lớp Một thì trình độ nói năng tiếng Việt của các em đều thành thạo, nên vấn đề chính là các em phải học cách ghi tiếng Việt để đọc được tiếng Việt. Nhưng không phải lối dạy: A Bê Xê dắt dê đi học… hay cải tiến những năm 1980 kiểu “con gà gáy ra chữ O” (thế những chữ khác thì nhờ những con gì “gáy” ra đây?). Những cách áp đặt để học sinh “nhớ mặt chữ” như vậy thật vớ vẩn! Phải cho trẻ học nhũng nguyên tắc ghi tiếng Việt. Nguyên tắc đó nằm trong ba thao tác. Thí dụ: cô giáo cho trò nói câu “Bà ơi cháu yêu bà lắm”, đó là thao tác một: phát âm. Học sinh tập phát âm cả một câu nói như thế..Tiếp đó là thao tác phân tích ngữ âm. Cô dạy các em phát âm và vỗ tay tạo từng tiếng rời, hệt như sự tồn tại của tiếng Việt là những tiếng đơn lập. Sau đó là thao tác ghi lại (rồi đọc lại để kiểm tra việc ghi của mình). Ngay từ ban đầu, chưa học chữ vội, các em lấy hạt nhãn, hạt ngô sắp xếp thành câu, mỗi tiếng là một hạt. Đó là viết chính tả sau khi đã phân tích câu thành đơn vị tiếng. Dù “viết” bằng hạt ngô hạt nhãn, song vẫn phải “viết” từ trái sang phải, không “viết” xít nhau, cũng không “viết” xa nhau quá. Đó chính là bài học viết chính tả đầu tiên ngay từ tiết thứ nhất của chương trình học Tiếng Việt lớp Một.
(còn tiếp)
Các tác giả gửi Văn Việt