Như Quỳnh de Prelle và văn chương tự do

Cảm ơn lời mời nhiệt tình của nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh và Thơ hiện thời Plus về cuộc trao đổi thú vị này. Cách đây 2 năm, khi tôi chính thức bắt đầu xuất hiện trên các trang văn chương tiếng Việt bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, tôi là một trong những người trẻ nhất tham gia chia sẻ về chủ đề thú vị này của ngày 30/4 và sự hoà giải hay không hoà giải từ nhiều phía, nhiều thế hệ. Để đi vào câu trả lời của Ban tổ chức, trước tiên tôi có đôi lời về chính thế hệ của mình, sự trưởng thành của chúng tôi, những người được sinh ra và lớn lên từ những năm 80 của thế kỷ 20, khi đất nước tạm ngừng tiếng súng.

Với tôi, văn chương là văn chương. Là chữ, ngôn ngữ. Là sáng tạo. Nghệ thuật. Khi văn chương phục vụ cho đảng phái, chính trị thì văn chương có sứ mệnh chính trị. Khi văn chương phục vụ cho bạn đọc, xuất bản thì văn chương có sứ mệnh với bạn đọc. Khi văn chương là văn chương, tự nó sống trong môi trường của chính nó bao gồm những người cùng giới, bạn đọc theo nghĩa rộng từ xuất bản online đến xuất bản truyền thống. Thế giới văn chương cũng đã đi xa và tiến bộ không chỉ là phong cách nghệ thuật hay phương tiện chia sẻ mà chính bạn đọc họ tự tìm đến tác phẩm cho chính mình. Người viết luôn luôn là những kẻ cô độc và độc lập, họ không phụ thuộc hoàn toàn vào bạn đọc để viết, để xuất bản, không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Tất cả các tác phẩm từ cổ xưa đến nay tồn tại là vì thế, họ viết từ chính nhu cầu và tài năng của họ. Không ai có quyền định hướng bạn đọc, tác phẩm tự nó trong lòng bạn đọc, người đọc. Người viết sinh ra tác phẩm, tự nó trưởng thành bằng sức mạnh của riêng nó, nội lực của nó. Tác phẩm chết yểu hay sống lâu chúng ta không có quyền phán xét và không nói ở chủ đề này.

Chúng tôi, một thế hệ lớn lên từ blog và mạng xã hội. Chúng tôi không đi theo con đường chính thống phải vào Hội nghề nghiệp hay phải đứng ở vị trí chính thống nào đó. Chúng tôi, có những người tự lựa chọn đường đi của Tự do và Tự do. Tôi viết từ nhỏ cho chính bản thân mình, sự đam mê của mình, tôi viết hàng ngày cùng với công việc khác nhau cho đến khi cách đây 2 năm, tôi xác định chính thức xuất hiện và xuất bản các tác phẩm của mình một cách chính thống trên các trang văn chương Tiếng Việt trong nước và ngoài Việt Nam mặc dù trước đó thơ của tôi đã từng được chọn để làm phim ngắn hay do chính bạn bè gửi đi cho tôi ở một số trang văn chương khác.

Tôi không kỳ vọng cái gì khi có sự sắp xếp dù ý thức hay sự tích cực của những người tích cực vì tôi là một người nhạy cảm và luôn tin vào cảm nhận của mình một cách thành thật. Ví dụ sự kiện này, tôi luôn hy vọng nó thành công và được diễn ra kể cả trong nước hay ngoài Việt Nam, nhưng tôi biết nếu có sự sắp đặt nào đó, nó sẽ khó thành vì nhiều lý do mà ai cũng biết, vì thế, tôi lựa chọn sự tự nhiên và ngẫu nhiên như Duyên thì sẽ thành. Tôi biết, có nhiều nhà thơ hay các nhà văn, họ luôn hướng về quê hương, họ tự chi trả các chuyến đi của mình, và kể cả xuất bản cho chính tác phẩm của họ để họ tự kết nối và giao tiếp với bạn đọc, tôi tin vào sự bền vững đó tồn tại. Sự thiện chí và thành thật trong lòng mỗi người, đó là chìa khoá của kết nối, không riêng chỉ trong văn chương, và với văn chương, tác phẩm tự nó kết nối với nhau, kết nối tác giả chứ không cần gào thét, không bao giờ phải gào thét. Chúng ta cứ quẩn quanh thế nào là hoà giải, thế nào là thống nhất, tự chúng ta rơi vào vòng quẩn quanh, đó không phải thế giới của người sáng tạo, của chữ nghĩa tự nhiên và tự do. Bạn thích phán xét, bạn cứ phán xét. Còn chúng tôi, viết, chúng tôi cứ viết. Theo tôi, cách hoà giải đơn giản nhất và tiện ích nhất cho giới văn chương Việt chính là không cấm xuất bản bất cứ tác phẩm nào, kể cả hư cấu hay hiện thực, hiện thực có tốt đẹp thì phải có cả hiện thực xấu xa, tàn bạo. Đó là cách chúng ta nói với nhau, đối thoại với nhau bằng văn chương, bằng chữ chứ không phải bằng mệnh lệnh, rào cản trong hay ngoài, thù hận hay xót xa. Tác phẩm càng đa dạng thì sự phân loại càng rõ ràng. Văn chương không có độc quyền. Ai thù hận thì hãy tôn trọng cảm xúc của họ, chúng ta không thể bắt họ phải bao dung như mình. Khi mình bao dung, tích cực, tôi tin người khác họ cũng sẽ nhận ra. Tác phẩm của bạn nói lên các cảm xúc, trạng thái khác nhau hay phong cách của bạn không giống ai …. tất cả những điều ấy người viết với nhau cần trân trọng. Bản chất sâu sa của văn chương và thi ca không phải là sự rung động sâu sa, sự thấu cảm đó sao?

Nếu chỉ nhìn bề ngoài chúng ta thấy mọi sự chia cắt, đất nước chia cắt ngay cả khi thống nhất vì những định kiến Bắc Nam, sự phân biệt kỳ thị vùng miền, rồi thế hệ trước, thế hệ sau không hoà hợp…. Nhưng có một góc văn chương hay tình văn chương mà tôi và một số anh chị em thân tình có chia sẻ riêng với nhau, đó là cái còn lại ở Việt Nam duy nhất bây giờ chính là nghĩa hiệp văn chương với nhau, cái tình của người viết văn dành cho nhau, vô điều kiện. Tôi đã trải qua những chia sẻ ấy, từ những trang văn chương bên ngoài, tôi không hề biết một ai, không hề quen ai trừ những tác phẩm của họ tôi đã đọc, đã nghiên cứu. Toàn bộ tác phẩm của tôi gửi trực tiếp trên các email ban biên tập. Vậy mà các tác phẩm của tôi được đón nhận, chia sẻ. Rất nhiều bạn đọc khắp nơi tìm đến tôi qua facebook, qua các ban biên tập. Tôi không thể hình dung được điều này, cho đến khi tập thơ đầu tay của tôi xuất bản ở Việt Nam. Sự kết nối của nhiều bạn đọc trong nước, của người VIệt khắp nơi trên thế giới, của những người yêu thi ca, văn chương vô điều kiện, họ tự tìm mua tác phẩm, tìm đến tôi như những tri âm qua câu chữ, qua những bài thơ tôi xuất bản mà họ đã đọc đâu đó trên các trang online hay một vài tạp chí. Điều gì kết nối chúng tôi khi tôi chưa hề gặp ai, biết ai ở ngoài thực tế. Tất cả kết nối nhau từ Chữ, từ tác phẩm. Những tị hiềm hay bè nhóm, không tồn tại trong các tác phẩm hay trong các mối quan hệ chia cắt, phân biệt trong con người tôi cũng như tác phẩm tôi xuất bản. Tôi tin, có nhiều tác giả, người viết như tôi, như chính tác phẩm của họ viết ra, với lòng tràn đầy, thậm chí cả nỗi xót xa, hận thù trong lòng, tôi cũng đủ cảm thông, tại sao như thế.

Chúng ta nói hoà giải hay sứ mệnh này sứ mệnh kia của văn chương có phải vì chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào trách nhiệm của văn chương, của người viết, khi chúng ta bị cương toả bởi vòng tròn, viết cho ai, viết để làm gì? Với tôi, khi tôi viết là tôi viết từ rung động và cảm xúc, trải nghiệm của tôi, phục vụ cho chính tôi, cho công việc của tôi là viết lách. Sự tự do cho tôi đôi cánh để cất lên tiếng lòng mình, sự chia sẻ của mình, tôi không hy vọng bạn đọc hay giải thưởng nào dành cho tôi khi tôi viết cho đến khi tôi được biết, chính bạn đọc nói cho tôi rằng, tác phẩm của tôi lay động họ, đánh thức họ hay cách tôi viết làm cho họ tin rằng, văn chương là nghệ thuật của đời thường chứ không phải sự dối trá của chữ nghĩa hay những màu mè khoe mẽ, phô trương. Tôi không đặt gánh nặng công việc viết lách của tôi là làm vui lòng cho bất kỳ ai hay phải xuất bản với hàng triệu bản. Bởi tôi chọn đường đi lâu dài, và công việc viết hàng ngày. Viết một mình. Tôi viết mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi bây giờ tôi phải làm việc hàng ngày, giao tiếp bằng một vài ngôn ngữ khác nhưng Tiếng Việt là ngôn ngữ khiến tôi say sưa viết lách và sáng tạo. Chính ở một môi trường đa dạng văn hoá, sự sáng tạo của tôi như một công việc hàng ngày bền bỉ giúp tôi nhìn thế giới rộng lớn hơn, bao dung hơn. Tôi không bao giờ nghĩ đến sự thị phi, phân biệt nào trong văn chương hay tác phẩm ngoài việc tôi đọc cái gì tôi thích, và tôi sẽ hiểu nó trong hoàn cảnh ra đời của nó, hay chính từ người sáng tạo ra nó… đó là cách tôi tiếp cận. Sự khác biệt về nhận thức, thẩm mỹ của người viết là chuyện rất bình thường, tôi không phán xét. Có rất nhiều bạn trẻ email hay gửi tin nhắn hỏi tôi làm thế nào để viết một bài thơ hay, một truyện ngắn đọc mà như không phải rặn, phải gắng viết ra? Làm sao có một mẫu chung hay công thức nào cho tác phẩm khi sự khác nhau về giáo dục, môi trường văn hoá, giá trị sống…. và một người viết như tôi, tự nó tràn ra trên những trang giấy một cách tự nhiên. Lòng tự trọng của một người viết và đạo đức nghề nghiệp là không tự phản bội chính mình, cho tôi những lựa chọn an nhiên trong cô độc viết lách. Tôi luôn tin, tự Chữ, tự tác phẩm nói lên. Bạn đọc họ thừa thông minh để hiểu đâu là tác phẩm của tài năng, đâu là tác phẩm của định hướng và quyền lực.

Trong khuôn khổ bàn tròn, với một người thuộc thế hệ sau này, không phải thế hệ trẻ nhất nhưng là thế hệ của những cái mới nhất như mạng xã hội và blog, của internet và online, tôi chia sẻ cùng các anh chị và bạn đọc, những người quan tâm đến văn chương và tự do, tình yêu vô điều kiện dành cho văn chương như chữ nghĩa trao nhau, đối thoại để lắng nghe và lắng nghe. Ý kiến này của riêng tôi, cũng không thể hài lòng cho tất cả các quý vị, bài viết mang tính chất ý kiến cá nhân và chủ quan, không đại diện cho bất cứ ai, tổ chức nào.

Trân trọng cảm ơn,

Như Quỳnh de Prelle, hiện sống và làm việc tại Brussels, vương quốc Bỉ.

In chung trong Tuyển tập 40 năm thơ Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ cùng 53 nhà thơ khác, tháng 7/ 2017

Đọc thơ tại Văn phòng VIA của EU tại Brussels, tháng 3/2017

Tập thơ Song tử, tháng 2/ 2017, nhà xuất Thuận Hoá

Bài thơ Nỗi buồn trên cây được chuyển thể thành phim ngắn Nỗi buồn trên cây, sau đổi thành Tôi 30, dự nhiều liên hoan phim khác nhau, trong đó có trình chiếu ở Liên hoan phim Cannes 2014

Thơ và truyện ngắn xuất bản online và các tạp chí trên các trang văn chương tiếng Việt trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam

Gửi tặng các bạn một bài thơ, tôi viết dành tặng riêng cho những người bạn viết hồi năm cũ.

Biên giới của những con chữ

Tặng Gió và những người bạn viết

Tiếng vọng xuyên không gian

xuyên thời gian xé tan màn đêm

một người đàn ông bay

trên không trung với những nụ hôn của gió

hôn mãi hôn mãi

neo trên một cành cây

nỗi buồn không biến mất

không bao giờ

và rồi một ngày hạ xuống mặt đất

nở hoa

bừng lên những mầm xanh

có bao giờ mất đi

người đàn ông mọc cánh trên những con chữ

tìm ra tình yêu của ngày thường

trên những luống rau thơm bên cạnh cỏ non

và những hàng rào thép

bước sang bên này biên giới

ở lại phía bên kia chân trời

một một hai

hay năm sáu bảy

đếm bằng phép tính

hay bằng sự phi lý vô thường

đếm bằng đốt ngón tay hay những trò domino kinh điển

một một hai ba bốn năm

hay n lần đếm

n lần trọng lượng trên những bàn cân

người đàn ông nằm yên

tĩnh lặng

giữa ánh sáng của mùa trôi ngang qua bất thường như bình thường

có còn như nhau không trong một đôi mắt nhân sinh

người đàn ông ngồi trong rừng trước mùa lá chín

tìm hoài chiếc lá cô liêu

chiếc lá diệp lục không bao giờ úa tàn

như mãi là mầm xanh nghìn năm tuổi

người đàn ông đi trên những con đường mơ

như trên giây tơ

chạm vào mùi hương

của sự tồn tại yên tĩnh

Thiền

nỗi buồn trên cây

không tuổi

không niềm tin

không hoài niệm

tiếng vọng còn mãi

trên đôi bàn tay đầy máu và mồ hôi

của những trang viết còn dấu son ai

Comments are closed.