Nên biết sợ mầm mống loạn ly

Lê Học Lãnh Vân

A) Việc nữ sinh bị lột quần áo, đánh hội đồng trong lớp học tại Phù Ủng, Hưng Yên chỉ là một sự việc trong rất nhiều sự việc rất đau lòng trước đó, cho thấy đạo đức học đường đã suy thoái trầm trọng và toàn diện. Những người quan tâm đã nhìn thấy từ nhiều năm trước, thậm chí từ cả chục năm trước. Bà Nguyễn Thị Bình đã rung lên hồi chuông báo động về đạo đức ngành giáo dục nhưng sự việc ngày càng trầm trọng, và trầm trọng với tốc độ nhanh hơn!

Kỷ luật các vị hiệu trưởng, thầy cô có trách nhiệm của trường là việc phải làm. Nhưng chỉ kỷ luật các vị ở trường đó thì phải chăng chỉ là trò hề lếu láo với dân chúng và cho thấy tính vô trách nhiệm, vô đạo đức của các cấp lãnh đạo Bộ Giáo dục?

Tôi thực lòng muốn nêu những câu hỏi:

Có phải đã có nhiều biểu hiện cho thấy ngành Giáo Dục có quá nhiều gian trá, tán ác, gian dâm, ngu dốt…? Nghĩa là có quá nhiều hiện tượng Vô Giáo Dục và Vô Đạo Đức trong môi trường Giáo Dục hiện nay?

Cách đối phó với dư luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải chăng cho thấy ông không ý thức được mức độ Vô Giáo Dục và Vô Đạo Đức trong Bộ Giáo dục tệ hại như thế nào? không ý thức được hậu quả của hiện trạng đó?

Tại sao một Bộ trưởng có thể yên ổn tại vị sau rất nhiều thành quả tồi tệ cho ngành giáo dục? Sau bao lời kêu gọi từ chức và cách chức từ dân chúng? Sao không làm một thăm dò ý kiến của dân về vị Bộ trưởng đó, công khai và chính thức?

Chính phủ có chấp nhận một Bộ trưởng Bộ Giáo dục như vậy không?

Xã hội có chấp nhận một Bộ trưởng như vậy không?

B) Thực vậy, xã hội đã phản ứng bằng rất nhiều bài phân tích trên các trang mạng, trên Facebook, và nay là các anh giang hồ trực tiếp vào cuộc sau sự việc nói trên, sự việc rất thương luân bại lý và hết sức thương tâm. Một bộ phận trong xã hội hoan nghênh các anh ấy! Nếu xét về tình người trong sự việc này, việc hoan nghênh đáng được thông cảm!

Nếu đồng ý dựa trên truyện chép lại của Thi Nại Am để thảo luận, nhiều vị hảo hán Lương Sơn Bạc đáng mến. Đáng mến vì họ thẳng thắn phản ứng lại bất công và đặc quyền đặc lợi cho một nhóm riêng của xã hội (thời đó là triều đình nhà Tống). Phản ứng một cách quang minh chính đại, đầu đội trời chân đạp đất. Tuy nhiên, cần thấy rõ những Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ, Võ Tòng và cả Lâm Xung, Tiều Cái, Tống Giang đều không có năng lực lãnh đạo hay quản lý đất nước. Một quốc gia lầm lẫn trong việc này có thể phải trả giá bằng trăm năm chậm tiến.

Nguồn gốc của phản ứng là Tống triều lúc đó không vì lợi ích chung của đất nước mà nhượng bộ lãnh thổ cho ngoại bang, chỉ lo vơ vét tài nguyên chung làm của riêng, cướp bóc tài sản dân lành, gây biết bao oan sai, tàn gia bại sản… Dân chúng không hề mong muốn xã hội được quản lý bởi những anh hùng Lương Sơn Bạc. Chính những anh hùng Lương Sơn Bạc cũng không muốn đứng ra quản lý xã hội, họ chỉ bạt đao phò khốn trong một xã hội quá nhiễu nhương, triều đình có cũng như không! Điều dân chúng mong muốn là một triều đình tài giỏi, có học thức, vì dân vì nước, công bình liêm chính… Bởi “chính sự phiền hà” khiến “nhân dân oán hận”, dân chúng buộc phải nghiêng về ủng hộ Lương Sơn Bạc dựng lên “triều đình riêng một góc trời”… Xã hội càng loạn ly, sinh linh thêm đồ thán!

Quan điểm của bài này là cần cách chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Nhưng đó chưa phải là cái gốc, vì việc ông Nhạ có thể ngồi ở vị trí đó, làm việc theo cách đó, trong một thời gian lâu như vậy, cũng chỉ là hậu quả. Vấn đề là cần xem lại toàn bộ hệ thống quản lý xã hội. Quản lý xã hội là một khoa học và “công nghệ” rất rất phức tạp. Nó cần kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức cao cấp, không thể lấy cảm tính mà phân xét và đưa ra quyết định. Trách nhiệm quản lý xã hội rơi vào tay những người bất tài bất xứng thì xã hội ngày càng rối ren, dân tình bất mãn, đạo đức băng hoại dẫn tới nhiễu nhương vô tổ chức. Cần biết sợ những mầm mống loạn ly đã xuất hiện trong xã hội!

C) Trong một thời gian dài, có phải Việt Nam đã quản lý xã hội dựa rất nhiều trên cảm tính? Việc yêu cầu nộp tất cả sách xuất bản trước năm 1975 dẫn tới rất nhiều gia đình đốt sách quí phải chăng là một thí dụ? Việc ngăn sông cấm chợ một thời gian dài khiến dân tình khốn đốn, kinh tế tan hoang phải chăng là một thí dụ khác? Việc chậm áp dụng kinh tế thị trường cho dù thế giới đã có nhiều bài học cũng là một thí dụ? Không chấp nhận bên thứ ba trong các phân xử xã hội, kể cả trong công tác tòa án, khiến nhiều trường hợp vừa là cầu thủ vừa là trọng tài, gây nhiều oan sai; việc công quyền chen quá sâu vào các hoạt động kinh doanh và trực tiếp kinh doanh trong những lãnh vực mà người dân có thể đảm đương khiến nhiều nguồn lực rất lớn của đất nước bị phung phí; không thông tin minh bạch, kịp thời và mở rộng tuyển dụng vào các vị trí hành chánh công khiến nạn con ông cháu cha hoành hành… phải chăng là những thí dụ khác nữa?

Quản lý xã hội phải do những người có học vấn, có kiến thức, có đạo đức đảm nhiệm cho cộng đồng. Đây là vấn đề nhân sự quan trong nhất cho dân tộc và cho tổ quốc. Mục tiêu chọn lựa nhân sự như vậy là vì lợi ích cho đa số thành phần trong dân tộc chứ không phải vì đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người riêng lẻ nào. Mục tiêu là bảo vệ chủ quyền tổ quốc, xây dựng đất nước no ấm, phồn vinh, đạo đức chứ không phải bảo vệ sự tồn tại của một nhóm người riêng lẻ nào. Tiêu chí chọn lựa là đạo đức và năng lực phát triển tổ quốc, nhằm đề ra và thực hiện các chương trình quốc kế dân sinh phục vụ đa số dân chúng.

Trong thời đại hiện nay, phải chăng phương cách hiệu quả nhất để chọn những người như vậy chỉ có thể được thực hiện từ những cuộc ứng cử và bầu cử tự do?

Ngày 01 tháng 4 năm 2019

Comments are closed.