Tương Lai
Sự đúc kết tuyệt vời của nhà sử học, cũng là triết gia người Anh này được nhắc đi nhắc lại quá nhiều trong hai thập kỷ vừa qua – trong công luận và trên báo chí truyền thông lề phải lề trái – có cái nguyên cớ thời sự khá cập nhật của cái chủ đề này. Nhưng đó không phải là lý do trực tiếp để chọn mệnh đề triết lý này làm đầu đề cho bài Mênh mông thế sự số 93 này vì tôi sợ sự nhàm chán.
Ấy vậy mà từ nỗi sợ nhàm chán ấy lại gợi trong tôi một hồi ức: hình như chính cái chủ đề thời thượng này tôi đã viết cách nay gần 15 năm trên báo “Người đại biểu Nhân dân” do Hồ Anh Tài làm Tổng Biên tập đã “chạm nọc” ai đó khiến tôi bị “rút phép thông công”*, không được xuất hiện trên các tờ báo chính thống trong Nam, ngoài Bắc! Nhưng lý do trực tiếp lại từ một ngẫu nhiên thú vị. Đó là tình cờ đọc được bài viết “Sức mạnh thần thánh của sự nhàm chán” trên BBC hôm qua 8.6.2020, dòng suy tư trong tôi bị xáo động với ý tưởng “một người thấy chán chường khi não bộ người đó bị bỏ hoang. Họ ngứa ngáy muốn tâm trí vận động”.
Chững lại giữa dòng chảy suy tư với những hoài niệm. Rồi đọc tiếp: “Vào những khoảnh khắc tôi không biết phải làm gì, thì sự nhàm chán đã thúc giục tôi phải thử làm điều gì đó”. Hình như tác giả của bài viết đã nói hộ tâm trạng của chính mình: “Tôi đã có rất nhiều lần thở dài và nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Một lần nữa, sự nhàm chán trở thành niềm cảm hứng lớn lao”. Ý tưởng này, thật ra, đã đọng lại trong tôi mà bài “Đôi khi ta lắng nghe ta” (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 90) tôi đã viết: “Trong mông lung suy nghĩ giữa những ngày tĩnh lặng này mà hiểu được sâu hơn câu nói giàu chất triết lý từng chìm lắng trong tôi: ‘Một mình, đó là bí mật của phát minh; một mình, đó là khi ý tưởng sinh ra’”. Tác giả của bài báo “Sức mạnh thần thánh của sự nhàm chán” thức dậy trong tôi những kỷ niệm khó quên của một thời viết báo từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và rồi, tiếp sau mục “Đàm luận sáng thứ hai” trên báo Người Đại biểu Nhân dân xuất hiện đều đặn hàng tuần dạo ấy – thậm chí còn có lần được tặng Giải Đặc biệt cùng với ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội và Trưởng lão Hoà Thượng Thích Chơn Thiện – bị xoá bỏ, thì mục “Thời Luận” trên báo Pháp Luật TPHCM mà ông Tổng Biên tập hồi đó (tôi quên mất tên) mời tôi đảm nhiệm hiện còn lưu giữ được khoảng 40 bài, cũng được lặng lẽ rút bỏ! Tiếp theo là lệnh (đương nhiên là lệnh miệng) cấm cửa, không cho TL xuất hiện trên bất cứ báo “lề phải” nào nữa.
Treo bút ư? Đừng có mơ! Với não trạng không chịu ngủ yên vì những áp lực đến từ bất cứ đâu, sự nhàm chán do bị treo bút lại thúc đẩy những khát khao tìm những lối thoát để lấp đầy “khoảng trống” của bộ não không chịu ngủ yên. Trong óc tôi thoáng gợn hình ảnh “Ruồi Trâu” trong tác phẩm cùng tên của nhà văn người Anh, cận kề cái chết vẫn cứ vo ve vẫy đuôi hát: “Vẫn là ta. Chú ruồi sung sướng. Sống xứng đáng. Chết chẳng vấn vương”.
Hình ảnh này vẫn giữ kín trong đầu tôi suốt hai phần ba thế kỷ kể từ ngày tôi đọc tác phẩm của Ethel Lilian Voynich. Thế rồi đúng là “hoạ trung hữu phúc”, xem ra nhờ lệnh cấm đó mà xoay sang viết “Mênh mông thế sự”, không báo nào in thì “để gió cuốn đi”. Phải thế thôi! Vì ngoài cây bút ra thì thân phận một kẻ đã vượt ngưỡng “cổ lai hy” từ khá lâu như tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc “gào thét” bằng ngọn bút để góp vào cuộc đời còn biết bao nhiễu nhương mà người còn chút lương tri không thể không lên tiếng. Thế rồi dồn dập nhiều sự kiện có dáng dấp những chuyển động mang tính đột biến trên báo chí truyền thông mà nổi bật là báo Phụ Nữ TP. HCM với cuộc luận chiến công khai và quyết liệt với Cục Báo chí về án phạt loạt bài năm 2019 đưa tin về tập đoàn Sun Group “sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” ngày 28.5.2020 là một ví dụ nổi bật.
Ngay ngày hôm sau, 29.5.2020 Phụ Nữ TP. HCM dành 5 trang (bao gồm trang nhất) để ‘nói lại cho rõ’ về những ‘sai phạm’ mà báo đã bị cơ quan quản lý chuyên môn quy kết liên quan tới loạt bài điều tra về một số dự án xây dựng của doanh nghiệp Sun Group đăng trên báo in, và báo điện tử hồi tháng 9–2019. Thú vị hơn nữa, báo Phụ Nữ TP. HCM lập tức cho in thêm 20.000 tờ báo giấy vừa giãi bày án oan, vừa bù lỗ tiền phạt nên bà con Sài Gòn ủng hộ mua hết luôn 20.000 số ngay trong buổi chiều! Cần phải nói thêm rằng, đây là một sự kiện chưa có tiền lệ trong làng báo chí Việt Nam từ sau 1975. Và, “một câu hỏi lớn chưa lời đáp”: Tại sao có hiện tượng đó?
Phải chăng là do tác động của làn sóng dư luận đang trào dâng xoay quanh những màn diễn vụng về, kệch cỡm của những vở bi hài kịch phơi bày lộ liễu bộ mặt quyền lực và cuộc tranh giành quyền lực vào hồi gay cấn đến độ bấn loạn của người viết kịch bản, đạo diễn cho đến các diễn viên trong các vụ án xảy ra năm 2019 đã quá ê chệ, từ vụ thảm sát Đồng Tâm, phanh thây lão nông Lê Đình Kình, đảng viên 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời – một tội ác trời không dung đất không tha – cho đến nhiều vụ án khác như vụ Hồ Duy Hải đang làm nóng bỏng dư luận, vụ án Lương Ngọc Phước dẫn đến cái chết đau thương của người bị kết án oan ngay tại sân Toà án Bình Phước “nhằm thức tỉnh nền tư pháp”.
Đài BBC ngày 30.5.2020 đưa tin về vụ án này đã dẫn lời của một luật sư tố cáo những “bản án bỏ túi” theo chỉ thị của cấp uỷ đảng: “Án hình sự, các luật sư bào chữa khản cả cổ, tiếng kêu oan như ai oán cả trời đất, nhưng đến phần nghị án, họ lui vào ngồi lâu lâu chút cho có cái gọi là “nghị án”, sau đó đọc ra bản án đã viết sẵn một cách vô cảm đến đáng sợ.”
Tiếp theo, “Thử gõ ba từ “ nhảy lầu ở” thì lập tức hiện ra ngay 10 dòng: Bình Phước, Hà Nội, TP. HCM, Gold View, Hồ Gươm Plaza, Bắc Giang, chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3, Parkson Hùng Vương, Mỹ Đình, chung cư…, cùng với 7.030.000 kết quả trong vòng 0.37 giây. Thử gõ thêm ba từ “tự thiêu ở” thì cũng lập tức hiện ra 9 dòng: Bình Dương, Quảng Bình, Ninh Hóa, Quảng Thọ, Huế, Ba Đồn, Thủ Đức, Sài Gòn, Dinh Độc Lập với 8.790.000 kết quả trong vòng 0.40 giây. Làm sao mà liệt kê cho xuể?”. Đó là gợi ý của tác giả bài báo “Kinh khủng quá ông Bộ trưởng Tư pháp ơi” đọc thấy trên mạng.
Vị luật sư mà BBC nói đến còn viết: “Vậy dân đen chỉ còn cách rạch bụng, uống thuốc độc và nhảy lầu. Thức tỉnh được nền tư pháp không?”. “Còn lâu…”. “Chỉ khi nào Thẩm phán được độc lập thật sự và họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hi vọng.”… “Bài viết này là nén hương thơm mà tôi muốn gửi đến ông Lương Hữu Phước, người đàn ông bất hạnh và khổ đau ở cõi trần gian”!
Với những gì vừa dẫn ra – dù chỉ là muôn một – đã phơi trần giữa thanh thiên bạch nhật cái sự thật nghiệt ngã: quyền lực đang ở trong tay những người đương quyền đã mất tính chính danh. Mà mất cái đó cũng đồng nghĩa với sự tự cáo chung của quyền lực tuyệt đối đang ruỗng nát trong tay những kẻ đang thao túng quyền lực. Chỉ riêng nhắc lại màn diễn “Giám đốc thẩm” vụ Hồ Duy Hải với hệ luỵ ngày càng lan rộng đã phơi bày sự tệ hại của một nền tư pháp lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, làm mất lòng dân như kết luận của một luật sư, nguyên là Phó Giám đốc và là thủ trưởng Cơ quan điều tra của CA thành phố Hồ Chí Minh, cũng đủ nói lên “quyền lực tuyệt đối đã đẩy tới sự thối rữa tuyệt đối” như thế nào (trong tiếng Anh từ corrupt có người dịch là tham nhũng, nhưng cũng có thể dịch là thối rữa).
Tiếng búa mà chủ toạ phiên Giám đốc thẩm gõ lên không còn mang ý nghĩa biểu trưng sự phán quyết của công lý mà là sự cáo chung của nó! Hoặc nói như một nữ phóng viên nọ đó là sự “mù loà của công lý” mà trong Mênh mông thế sự số 92 đã dẫn ra. Quả là, “đến giờ phút này – sau khi nhiều thứ “bí mật” về nhân chứng, vật chứng được đưa ra ánh sáng và tiếp tục được đưa ra ánh sáng – người ta không khỏi kinh ngạc về quá trình tố tụng đã bị vị phạm trắng trợn đến mức kinh khủng thế nào, của các cấp xét xử vụ án” đúng như nhận định của tác giả một bài viết tìm thấy trên mạng. Mà đâu chỉ trên mạng. Chưa bao giờ công chúng trong nước “thực mục sở thị” quyền lực đang bị thao túng trong tay một nhóm lợi ích bị tấn công dữ dội đến cỡ ấy từ khắp nơi, trong nước, ngoài nước với những cây bút có trách nhiệm và dám đối diện với sự thật.
Ví dụ báo cáo của bà Phó Chủ nhiệm (nay là Chủ nhiệm) Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội ngày 15.2.2020 đã liệt kê ra bốn sai lầm lớn của vụ án dẫn đến Phiên Giám đốc thẩm nói trên: 1. Có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra vụ án; 2. Tòa kết án chỉ dựa trên lời khai đầy mâu thuẫn của bị cáo và bỏ qua những sai phạm trầm trọng của cơ quan điều tra; 3. Kết luận trong bán án mâu thuẫn, không khách quan và không đúng với sự thật; 4. Bản án áp dụng không đúng điều luật. Thế đấy!
Sự phẫn nộ được bày tỏ công khai, rộng khắp. Không chỉ ào ạt trên báo mạng mà còn từ chính một số cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, những cựu quan chức ngành Toà Án, Viện Kiểm Sát, Công An…về một vụ “án oan sai thấu tận trời xanh” như đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân “nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy… cuộc giám sát tối cao của Quốc hội” bày tỏ! Hy vọng rằng, không chỉ một đại biểu Quốc hội “nguyện sẽ hết sức mình” thúc đẩy cho công cuộc lập lại tính chính danh của một nhà nước pháp quyền đích thực, mà sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội khác đang ngồi trong Hội trường rất hoành tráng kia cũng “hết sức mình” để đón nhận một luồng gió mới đến từ những chuyển động mang tính đột biến. Tính đột biến không chỉ ở trong nước mà cả trên pham vi toàn cầu.
Vì rằng, hiểu quyền lực đang mất đi các giá trị của nó thế nào, là chìa khóa để hiểu xu thế quan trọng nhất đang làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 21, nói như Moisés Naím, tác giả của cuốn sách “Sự kết thúc của quyền lực” đang được công chúng hào hứng đón nhận. Trong cuốn sách này, tác giả vạch rõ “quyền lực đang thối nát” và đang trải qua một sự “đột biến” rất cơ bản nhưng “chưa được hiểu và nhận thức đầy đủ”. Bởi lẽ, đây là một sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử. Phải chăng cần đặt những hiện tượng đang dồn dập diễn ra kia trong trong bối cảnh của sự “dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử” ấy mới có thể nhận ra chiều sâu của phần chìm tảng băng đang nổi trên mặt nước kia.
Thế nhưng, trước khi nói về sự dịch chuyển và đột biến, có lẽ cần ghi nhận một điều xuyên suốt tiến trình lịch sử đất nước: cuộc tranh giành quyền lực giữa các thế lực chính trị luôn gay gắt và quyết liệt, một mất một còn. Chỉ dẫn ra một ví dụ: Suốt chiều dài của nhà nước thế tập, để giành giật chiếc ngai vàng thì chính những anh em ruột thịt lại triền miên trong việc tìm ra mọi thủ đoạn để loại trừ lẫn nhau, trong đó không thiếu những thủ đoạn tàn khốc, hiểm độc nhất. Đó là một thực tế phũ phàng, nhưng dường như là đều không thể tránh khỏi.
Ngay một tên tuổi sáng giá được xem là đấng minh quân như vua Lê Thánh Tông với những công lao khá nổi trội mà lịch sử đã ghi nhận, thì không thể kể những thủ đoạn quen thuộc để tranh giành chiếc ngai vàng của đấng minh quân này như việc ông đã bức tử Lê Khắc Xương, anh trai của mình. Không những thế Lê Thánh Tông còn buộc các con của anh mình phải đổi sang họ Bùi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “…tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái. Đó là chỗ kém vậy.” (Bản kỷ thực lục. Quyển XII. Kỷ Nhà Lê, tr. 387). Nếu nghiêm khắc rà soát lại tiến trình hưng vong của các triều đại trong lịch sử thì cái “chỗ kém” ấy không bỏ sót một triều đại nào. Vì, đấy là sự vận hành tất yếu của quyền lực.
Tranh ngôi vua đã vậy, thì tranh chức quan cũng thế thôi. Và rồi, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, để thêm vây cánh, việc lựa chọn cận thần nói riêng và các chức sắc trong hệ thống quyền lực trước hết nhằm vào những kẻ trung thành. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, điều ấy không triều đại nào chối bỏ cả. Nhưng, hiền tài mà không hết lòng trung thành, cung cúc tận tuỵ với cái ngai vàng của vua thì cũng là vô dụng, thậm chí là nguy hiểm, phải gạt bỏ. Kẻ trung thành mà càng bất tài, càng thất đức thì càng dễ sai bảo. Chẳng thế mà sử chép rành rọt: “Gần đây, nhuận triều Tây Sơn phong chức quá lạm, đến cả phu quét chợ, lính đẩy xe cũng đều trao cho tước hầu tước bá…” (Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, tr. 533). Tại sao? Tại vì “phu quét chợ” hay “lính đẩy xe” khi đã được phong “tước hầu, tước bá” thì chúng càng phải ra sức khuyển mã để đền đáp ơn tri ngộ chứ sao nữa. “Ta” còn, thì “ngươi” còn.
Càng yên tâm gấp mấy những người tài năng đức độ, “bình sinh độc bão tiên ưu niệm” (suốt đời ôm mãi lòng lo trước) chỉ “coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ” (Quân trung từ mệnh tập, tr. 83) nên quyết “trừ độc trừ tham, trừ bạo ngược, có nhân có trí, có anh hùng” (Bảo kính cảnh giới, số 132) thì càng khó sai bảo, đưa vào khuôn phép. Càng khó hơn khi họ đã tâm nguyện “lưng không uốn” thì “lộc nên từ” (Mạn thuật, bài 14) như Nguyễn Trãi!
Vả chăng, những nhân cách chỉ “những muốn vin mây mà lên cao mãi” (Cao Bá Quát), “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Nguyễn Trãi) thì luồn cúi là điều không thể. Cả hai khí phách ấy đều phải tội tru di! Và rồi những kẻ bất tài xuất thân “phu quét chợ, lính đẩy xe” được phong tước hầu tước bá thì khỏi lo chuyện “phản nghịch”. Càng không phải vướng bận về những lời can gián khó nghe, vì làm gì có những “trung ngôn nghịch nhĩ” ở bọn “đến lúc tuổi già sẽ mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương… rồi gối đầu vào vợ con mà chết” như Cao Bá Quát từng miêu tả. Chẳng thế mà việc “phong chức quá lạm” đâu chỉ có ở triều Tây Sơn!
Câu chuyện thượng hoàng Trần Nhân Tông răn dạy vua Trần Anh Tông là một ví dụ: Đại Việt Sử Ký toàn thư, Quyển VI. Kỷ nhà Trần chép về Trần Anh Tông “từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều. Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế” (tr. 103). Chắc khi không bằng lòng với việc phong quan tước nhiều thì Ngài chưa tiệm cận được với luận điểm của Einstein “quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ không có đạo đức” của thế kỷ 20, nhưng với đức độ và trái tim Phật của một Phật hoàng Trần Nhân Tông, thì nỗi lo cho dân, những người phải cõng trên đôi vai trần từng dầm mưa dãi nắng, đổ mồ hôi sôi nước mắt của mình cái gánh nặng bổng lộc của đám “quan tước” quá nhiều kia, là điều dễ hiểu.
Ấy vậy mà việc “phong chức quá lạm”, “phong quan tước nhiều như thế” mà sử sách đã ghi chép, thì xem ra chẳng thấm gì với “tước hầu, tước bá” của triều đại “tổng chủ” hôm nay. Cho dù ngài đã răn dạy khi bàn về chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 rằng không để lọt vào bộ máy lãnh đạo của đảng những kẻ “tham vọng quyền lực” và tránh cho được hiện tượng “cá cậy vây, cua cậy càng”. Ngặt một nỗi, dù buộc phải nói ra những lời xem ra có vẻ đạo cao đức trọng rất hào nhoáng ấy thì ngài cũng đã từng lao tâm khổ tứ toan tính, nếu không tăng thêm vây cánh làm sao có thể giữ chặt được cái ghế quyền lực, khi mà mình đang lâm vào cái thế “lực bất tòng tâm”.
Thực ra thì “tăng thêm vây cánh” là một tất yếu với bất cứ thế lực cầm quyền nào! Vì, “chẳng ai nắm lấy quyền lực với mục đích buông bỏ nó”, như George Orwell, tác giả của “Trại gia súc” xuất bản năm 1945 nhằm lên án chế độ độc tài của Stalin – được xem là một trong những tác phẩm văn học hiện đại hay nhất của thế kỷ 20 – đã đúc kết. Orwell đã phơi bày một sự thật phũ phàng: Làm cách mạng để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, trong đó mọi công dân đều được bình đẳng và tự do, nhưng rồi những kẻ đoạt được quyền lực, khi đã ngất nghễu ngồi trên ghế chóp bu, thì sẽ xoá bỏ mục tiêu ban đầu của cách mạng. Hình tượng con lợn Napoleon lươn lẹo sửa Điều răn thứ 7: “Tất cả các con vật đều bình đẳng” thành “Tất cả các con vật đều bình đẳng, nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác”. Tiếp đó, nhằm liên minh với kẻ thù (là con người) để tăng thêm vây cánh mà trấn áp những đồng loại không chịu khuất phục, “lợn Napoleon” lại trơ trẽn sửa Điều răn thứ nhất: “Bất cứ thứ gì đi bằng hai chân là kẻ thù” từng là khẩu hiệu được viết trên tường “Bốn chân tốt, hai chân xấu” thành khẩu hiệu mới: “Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn”!
Ai đó dù có cố bịt mắt, bưng tai không đọc, không nghe những gì tác giả của “Trại gia súc” miêu tả, nhưng chắc chắn vẫn tìm thấy hình ảnh mình trong bức biếm hoạ sinh động và thâm thuý với hình tượng “con lợn Napoleon” của George Orwell. Có lẽ tác giả của tác phẩm văn học hiện đại này không có ý định làm “văn bia còn để lại đời sau” như ai đó từng dại dột mà bật ra thành lời giữa bàn dân thiên hạ rằng “văn kiện là văn bia, còn để lại đời sau”. Nhưng chắc rằng, bức tranh biếm hoạ mà nhà văn người Anh – Eric Arthur Blair với bút danh George Orwell – sẽ là một tấm bia sống đứng sừng sững giữa cái thực tại nhiễu nhương đầy lừa dối và bịp bợm của những kẻ tiếm quyền dân để cố trụ lại trên chiếc ghế quyền lực mà đè đầu cưỡi cổ dân, nhưng lại ra rả bán rao khẩu hiệu “nhà nước của dân, do dân và vì dân”!
Cái chuyện con lợn đang ngất nghểu trên cái ghế chóp bu kia đưa ra những khẩu hiệu kiểu “bốn chân tốt, hai chân tốt hơn” dưới những ngôn từ hiện đại của “pháp quyền XHCN” với những chỉ thị, nghị quyết được ban ra theo mưu đồ và toan tính của kẻ thao túng quyền lực đang là chuyện cơm bữa. Thì chẳng phải những bản án bỏ túi mà “phiên Giám đốc thẩm” vừa diễn ra là phiên bản của bức biếm hoạ mà tác giả của “Trại gia súc” dựng nên đó sao!
Đấy là chưa tính đến lời cảnh báo của nhà xã hội học người Đức – cũng là nhà tâm lý học và triết gia của thế kỷ 20 – Erich Fromm: “Người tầm thường mà nắm quyền lực phi thường mới là mối nguy hiểm chính cho nhân loại chứ không phải là kẻ ác ôn hay tàn bạo”. Cũng chính vì thế, để giảm bớt đi những mối nguy hiểm của quyền lực mà những gì vừa nói chỉ là điểm xuyết của một bức tranh quyền lực qua các thời đại, để rồi qua đó mà một cơ chế quyền lực xuất hiện được xây dựng trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, độc lập và cân bằng với nhau để giám sát lẫn nhau, dựa trên “pháp trị”, gắn với tự do dân chủ để dân bầu ra người được dân uỷ quyền ít có khả năng tiếm quyền. Và, để tăng thêm quyền lực của dân, thì phải hình thành “xã hội dân sự”.
Cho dù chưa phải là toàn bích, nhưng cơ chế ấy thật sự là một thành tựu của nền văn minh mà nhân loại đạt được. Ra đời từ giữa thế 17 sang thế kỷ 18, thành tựu ấy đang được hoàn thiện khi bước vào thế kỷ 20 và 21 tại khá nhiều quốc gia trên khắp các châu lục.
Khi ngoan cố khước từ thành tựu đó của cả loài người, xuyên tạc những khái niệm cơ bản về pháp quyền, dân quyền và nhân quyền – những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại – thể chế hiện hành trên đất nước ta đã tự đặt mình ra ngoài quỹ đạo phát triển của các nước văn minh. Ngay cả khi hô hào nhân dân góp ý vào việc sửa đổi Hiến Pháp ngài “tổng chủ” vẫn hằn học chì chiết: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức… Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa”! (bài nói chuyện tại Phú Thọ ngày 26.2.2013).
Ngặt một nỗi, để cứu vãn sự nguy ngập của nền kinh tế đang lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc, việc ký “Hiệp định EVFTA và IPA” (Hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo vệ đầu tư giữa Việt Nam và liên minh châu Âu) thì cái đuôi XHCN ghép vào nền kinh tế thị trường một cách khiên cưỡng và kệch cỡm, “đem râu ông nọ cắm cằm bà kia” chỉ nhằm trì kéo một cách ngoan cố cái thể chế toàn trị phản dân chủ đã quá mục ruỗng đang lệch pha với quỹ đạo vận hành của kinh tế thị trường và luật pháp quốc tế hiện hành! Cho nên mới có cái tréo ngoe giữa văn bản chỉ thị lưu hành trong nước thì phải gào to, tô đậm nhưng với văn bản hội nhập quốc tế thì mập mờ lờ đi cái đuôi XHCN ấy!
Chính cách hành xử lươn lẹo này không chỉ bộc lộ sự khủng hoảng về khái niệm trong tư duy, mà còn là sự khủng hoảng về chính sách và thể chế. Mà quan trọng nhất là làm mất đi tính chính danh của một nhà nước với một quốc gia đang triển hết gân sức nhằm giành được một vị thế và một tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế. Phải chăng đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu về mọi mặt hiện nay của đất nước. Bởi vậy “cần lập lại tính chính danh của một nhà nước pháp quyền đích thực, để đón nhận một luồng gió mới đến từ những chuyển động mang tính đột biến của thế giới” là một đòi hỏi sống còn của đất nước trong bối cảnh của sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử.
Những gì đang diễn ra trong nước và trên thế giới cho thấy quyền lực và hệ thống quyền lực dường như dễ bị bục vỡ. Không chỉ vì nó dễ bị thối rữa, mà vì nó quá trì trệ trong khi đời sống đầy biến động đòi hỏi nó luôn phải được thanh lọc để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đang sinh sôi, nảy nở. Điều ấy không là phát hiện của hôm nay, mà từ xa xưa, nhà triết học La Mã cổ đại Marcus Tullius Cicero đã nói thẳng ra rằng “Các chính trị gia không được sinh ra, mà được thải ra” (Politicians are not born; they are excreted). Đấy là chưa nói đến một trạng thái rất mới khi “các chính đảng lớn phải chuyển giao quyền lực cho các nhóm lề trái” và “các ‘megapowers’ đang bị gạt ra ngoài lề bởi các ‘micropowers’” như nhà nghiên cứu quốc tế Nguyễn Quang Dy viết trong bài “Kiểm soát quyền lực hay tranh giành quyền lực” năm 2017.
Trả lời BBC về chủ đề này, tiến sĩ Nguyễn Quang A vạch rõ: “Chuyện người ta gọi là chống tham nhũng thực sự là đấu đá nội bộ thôi. Không thể chống tham nhũng ở trong thể chế như thế này, thể chế không có tư pháp độc lập, không có tự do báo chí và tòa án xử theo lệnh của Đảng. Bản thân bộ máy này đẻ ra tham nhũng, hay nói là cái lò này là lò đẻ ra tham nhũng thì phải vứt cái lò đẻ ra tham nhũng này đi, chứ không phải là đốt những kẻ tham nhũng, bởi vì không bao giờ đốt hết được cả, hết tên này thì nó sẽ sinh ra tên khác”.
Tán thành nhận định này, nhà báo Nguyên Bình nói thêm: “Ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đứng ra chống tham nhũng, nhưng các cụ lão thành cách mạng đã từng đưa ra một kiến nghị nêu rõ: ông Nguyễn Phú Trọng nói là mình liêm khiết thì phải tự mình đứng đầu làm gương mẫu kê khai tài sản. Nhưng ông ấy lại bảo kê khai tài sản sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư. Thế là ông không chịu. Thành ra người ta cảm giác là ông Nguyễn Phú Trọng liêm khiết thôi, chứ chứng cớ để nói ông Phú Trọng liêm khiết là gì thì có ai biết đâu. Việc kê khai ấy nói là kê xong thì đóng vào dấu mật, thế thì kê khai làm gì?”.
Điều đáng nói là cuộc chiến chống tham nhũng diễn ra trong một thời gian dài, cái “lò ông Trọng” nóng lên, nguội đi, rồi lại nóng lên tuỳ theo diễn biến của thời cuộc và rồi việc chọn “củi tươi củi khô” lại phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa các thế lực giằng co nhau quyết liệt trong bối cảnh của những biến động dữ dội trên thế giới và khu vực, nên khó mà phân định thắng thua trong cuộc “đu dây” rất mạo hiểm và có lúc lúng túng như gà mắc tóc. Mà buồn thay, lại là “gà què ăn quẩn cối xay” như các cụ ta thường nói. Bằng chứng dễ thấy nhất là càng chống thì tham nhũng lại càng tăng vì cái gốc của nó chẳng những không bị trục bỏ mà còn ra sức vun vén để cố cứu vãn sự mục ruỗng của nó. Đơn giản là vì, nếu cái thể chế toàn trị phản dân chủ – bản sao mô hình của Tập Cận Bình – bị bật gốc, thì cũng kéo theo cả cái hệ thống tầm gửi sống nhờ vào đó! Đương nhiên ông chủ cái lò đốt tham nhũng, chóp bu của hệ thống đó, cũng đi tong!
Sự đúc kết của nhà sử học và triết gia người Anh được lấy làm nhan đề cho bài viết này sao mà nghiệt ngã làm vậy. Quyền lực tuyệt đối và tham nhũng tuyệt đối gắn chặt với nhau như bóng với hình. Nhưng gạt bỏ sự “tuyệt đối” của quyền lực mà để có nó, phải là một quá trình lao tâm khổ tứ với biết bao mưu toan thủ đoạn: nịnh trên, nạt dưới, lung lạc, mua chuộc, lạnh lùng tàn nhẫn đi liền với nồng ấm vỗ về, chẳng những thế còn “biết bao duyên nợ thề bồi” thì mới được ban cho cái ghế mà nằm mơ cũng không thấy được! Và rồi giờ đây, muốn hiểu được sự đúc kết mang tính nguyên lý ấy, thì lại phải đặt cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với việc thanh trừng đối thủ trong cuộc chiến quyền lực vào trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kép của đại dịch Vũ Hán và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang có nhiều ẩn số và biến số khó lường.
Trong cuộc khủng hoảng kép đó, “loài người chắc phải trả giá đắt cho cả thiên tai và nhân họa mà họ gây ra” như Mênh mông thế sự số 90 đã đề cập, thì chỉ riêng với đại dịch do virus Vũ Hán gây ra cũng khiến loài người tỉnh ngộ về một sự thật đau đớn: họ rất dễ bị tổn thương và dễ bị hoảng loạn. Cộng thêm vào đó một sự thật không kém phũ phàng “trong một thể chế độc tài dựa trên sùng bái cá nhân” thì “các quyết sách mang dấu ấn của “duy ý chí” do lãnh đạo ban ra thường không lường hết các ẩn số và biến số”. Một sự thật đáng sợ hơn nữa là “Hệ lụy vì vô cảm và vô minh của quan chức cao cấp lớn hơn nhiều so với người dân”.
Cuộc thảm sát ở Đồng Tâm rồi các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm với các “bản án bỏ túi” vừa xảy ra, đã gây tổn thương quá sâu đậm trong lòng các tầng lớp xã hội, cộng hưởng với những khó khăn về kinh tế, người lao động khốn đốn vì thất nghiệp, sự phá sản của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, kéo theo nó sự lao đao của những người buôn thúng bán bưng… Tất cả những tác nhân đó đã làm gia tăng những mâu thuẫn xã hội vốn tiềm ẩn từ lâu đang chờ bung vỡ. Tệ hại nhất là sự vô cảm, vô minh của một nhóm lợi ích đang thao túng hệ thống quyền lực không nhìn ra được hay không muốn nhìn, không hiểu được hoặc không muốn hiểu cái xu thế quan trọng nhất đang làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 21 đã đẩy tới sự bấn loạn trong cuộc tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội 13. Điều đáng nói hơn nữa là sự bấn loạn còn do chịu tác động dữ dội từ người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN với ông Nguyễn Phú Trọng. Cái sức ép từ Trung Quốc Tập Cận Bình đang đè nặng lên đời sống chính trị Việt Nam, trước hết là trong não trạng của bộ phận lãnh đạo chóp bu. Thảm cảnh đu dây vẫn cứ trĩu nặng trong bộ phận chóp bu ấy khi mà nhả chẳng ra cho nuốt chẳng vào. Đó là thực trạng của đất nước hôm nay.
Sòng phẳng mà nói, trong tâm thế người Việt thì hình ảnh của siêu cường hung đồ với “Tập hoàng đế” hôm nay đang nối tiếp tham vọng bành trướng của cha ông chúng cả ngàn năm một cách hung hăng và thâm hiểm, luôn là sự căm ghét và cảnh giác. Khỏi phải đưa ra đây những con số người Việt “ghét Tàu” mà nhiều cuộc thăm dò của các tổ chức quốc tế đã công bố. Đương nhiên là ghét những triều đại cầm quyền suốt mấy ngàn năm muốn nuốt chửng đất nước nhỏ ở phương Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Từ xa xưa, mảnh đất phương Nam này cứ như khúc xương ngáng ngang cổ họng “thiên triều” không cho chúng nuốt cả vùng Đông Nam Á mà người dân Trung Quốc buộc phải cầm vũ khí cũng chỉ là những nạn nhân đáng thương của các tập đoàn thống trị muốn “bình thiên hạ” nhằm mở rộng bờ cõi. Và chắc rằng tâm thế đó cũng chìm sâu trong không ít người đang nằm trong bộ máy quyền lực. Chỉ có điều, để bảo toàn và tăng thêm những lợi ich đã giành giật được khi họ vẫn còn nằm trong bộ máy ấy, họ phải lựa gió xoay chiều để không bị văng ra khỏi hệ thống.
Bằng mặt không bằng lòng, đó là một cách thế tồn tại khôn ngoan và phổ biến của một bộ phận khá đông trong bộ máy đương quyền mà xem ra rất hiếm người thích Tàu! Càng rất hiếm người tin vào mười sáu chữ vàng bịp bợm và ô nhục. Nhưng, có một sự thật oái oăm là chẳng mấy ai dại mà nói ra. Tại sao? Tại vì họ quá hiểu tay chân người “đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” được cài cắm khắp nơi”, “hàng trăm, trăm này đến trăm khác” như một ông tướng công an nọ đã công khai nói rõ. Nỗi sợ “sự cài cắm khắp nơi” ấy chi phối một cách nghiệt ngã không chỉ chủ trương, giải pháp, chính sách từ lớn đến nhỏ của cấp có thẩm quyền từ trên xuống dưới, mà cả lời nói, việc làm của từng con người cụ thể, tác động đến hành vi, làm xói mòn nhân cách của họ. Đã có quá nhiều những tấm gương tày liếp mà họ phải chứng kiến để hiểu ra được thế nào là “Lý tưởng tương thông, Vận mệnh tương quan”! Và rồi cái mặt nạ bịp bợm đã rơi xuống. Đại dịch virus Vũ Hán đã phơi ra trước toàn thế giới sự nham hiểm của Trung Quốc.
Virus corona xuất phát từ nước họ và họ đã không kiểm soát được nó. Dù vậy họ đã không cảnh báo thế giới một cách có trách nhiệm khiến cho virus Vũ Hán hoành hành gây nên đại dịch trên thế giới. Vòng vây nghi kỵ về đại dịch càng ngày càng xiết chặt chung quanh Tập Cận Bình. Sau Hoa Kỳ, nhiều nước trên thế giới, từ nước Anh đến EU công khai nói lên sự hoài nghi về những con số thống kê của Bắc Kinh khi người ta có bằng chứng là Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm trong sáu ngày – thời đoạn bức xúc và nhạy cảm nhất đòi hỏi phải khẩn trương công bố về dịch đã bùng phát tại Vũ Hán – khiến virus loang ra trở thành đại dịch khủng khiếp trên toàn cầu.
Thế là giờ đây ai đó từng tìm chỗ dựa và sự bảo kê về chính trị của người “đồng chí cùng chung ý thức hệ với mình” để mong giữ được cái ngai vàng quyền lực đã rệu rã, bỗng thấy cái chỗ dựa ấy đang lung lay!
Một giáo sư người Trung Quốc hiện đang giảng dạy tại một trường đại học ở Mỹ đã chỉ rõ “sự thối rữa về thể chế ở Trung Quốc đã lên đến cực điểm. Lãnh đạo kém hiệu quả, các phong trào chống chế độ xuất hiện rộng khắp, rất có thể gây ra một cuộc sụp đổ đầy đau đớn...”. Năm 2018, Tập quyết định bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Tổng bí thư, thể hiện ý định duy trì quyền lực vô thời hạn của mình. Ông đã thực hiện các cuộc thanh trừng tàn khốc, cách chức các cán bộ cao cấp trong Đảng dưới chiêu bài chống tham nhũng đồng thời duy trì chế độ chính trị độc tài, độc đoán. Trong quá khứ, nền kinh tế bùng nổ đã cung cấp cho chính quyền một nguồn ngân sách dồi dào, tổng thu ngân sách năm 2018 tăng gấp ba lần so với năm 2008, cung cấp các nguồn lực mà Đảng Cộng sản Trung Quốc cần để đảm bảo sự trung thành của tầng lớp trung lưu, các lãnh đạo cao cấp ở các tỉnh và giám đốc các doanh nghiệp nhà nước. Mối đe dọa sâu sắc nhất đối với sự ổn định của chế độ sẽ đến từ tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Sinh viên tốt nghiệp đại học được giáo dục tốt và đầy tham vọng sẽ khó có được việc làm như mong muốn trong những năm tới, khi nền kinh tế suy giảm. Mức sống suy giảm, tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thể quay lưng lại với đảng. Khi phép màu kinh tế Trung Quốc biến mất, Đảng sẽ khó cung cấp các đặc quyền đặc lợi mà các nhóm thân hữu như vậy mong đợi. Và rồi, giới lãnh đạo chóp bu của Đảng cũng sẽ cần phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với nhau để có được sự chấp thuận và tài trợ cho các dự án sân sau của họ. Một khi nền tảng của sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc bị xói mòn, ông Tập Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông thao túng phải trải qua những thay đổi đầy thảm khốc. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một trong những điều trớ trêu lớn nhất trong lịch sử.
Liệu vài điểm xuyết bức tranh toàn cảnh về Trung Quốc dưới sự thao túng của Tập Cận Bình có là một bản sao thu nhỏ Việt Nam với sự thao túng của Nguyễn Phú Trọng không?
Nếu thế thì “điều trớ trêu lớn nhất trong lịch sử” này sẽ gây choáng váng đến cỡ nào cho người nuôi ảo vọng muốn để lại văn bia cho hậu thế về “cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay”?
Văn bia viết gì thì e rằng ngài “tổng chủ” còn phải tham khảo thêm với “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” nhưng điều chắc chắn là phải tham khảo lời răn của ông cha “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Ngày 9.6.2020
T. L.
____________
Chú thích
* Đây là nhan đề môt hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (Un Excommunié), trong đó có đoạn “Chưa bao giờ người ta lại khinh miệt và hận thù luật lệ với một thái độ láo xược như thế. Nhà nước chỉ là bàn tay nối dài của Đảng. Người ta cấm tiệt bất cứ mọi thứ can thiệp hay ngay cả một tia mắt nhòm ngó vào hai lãnh vực Lập pháp và Tư pháp”.
Chú thích ảnh:
1. Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 29.5.2020
2. Tội ác trời không dung đất không tha về cuộc thảm sát cụ Kình.
3. Ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử chết trên sân Toà án Bình Phước.
4. Phiên toà Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải.
5. Bữa tiệc của “Bốn chân tốt” trong “Trại gia súc” của Orwell.
6. Môt cuộc họp của Nghị viện Anh.
7. Tập và Trọng.