Phố vẫn gió (kỳ 6)

Lê Minh Hà

Tôi biết bởi tôi đã đọc gần như trọn vẹn tủ sách quý giá đó, đã thấy những tờ đính chính không dùng những trang dính nhau không tách. Đủ thứ. Chiến tranh và hòa bình. Tam quốc. Hồng lâu mộng. Đỏ và đen. Cố hương Tàu của Lỗ Tấn và Cố hương Triều tiên của ông gì chịu không nhớ. Sông Đông êm đềm. Con đường đau khổNhững người khốn khổ. Bình minh mưa. Tấn trò đời và Hội chợ phù hoa… Có những cuốn bây giờ tôi không nhớ nội dung nhưng cái tên thì găm mãi trong trí nhớ: Sông Thamy trong xanh; Ta lại về hái hoa trường thọ. Còn cả Trường ca Tây Nguyên vì mất cái bìa mà tôi lúc nào cũng phải giấu diếm khi đọc, chỉ sợ đứa nào ghé mắt rồi đi huyên truyền con Ngân đọc toàn sách bậy. Gì mà toàn những Đam nọ Hơ kia ngủ chung. Gì mà toàn những ơ bụng em thon như bụng kiến vàng, bím tóc em như con rắn đen trườn trên tấm lưng cong lá mía… Mới chín mười tuổi ngồi tụng những của ấy không ngớ ngẩn trong mắt bạn bè là may lắm rồi. May mà ngày đó sách ít nhưng người ta không in nhảm nhí. Tôi tự cân bằng lại được nhờ những cuốn truyện trẻ con hồi đó cũng được dịch nhiều phết. Túp lều bác Tôm. Không gia đình. Những ngôi sao Eghe… Còn lại phần nhiều là truyện trẻ con xô viết. Thôn Tiểu Bắc Đẩu. Con nuôi trung đoàn. Pháo đài cổ. Đường hầm Odessa… Những cuốn sách hướng lũ trẻ con toàn tới những điều cao cả, không cho phép vô tư như vô số sách trẻ con mà bây giờ tôi đọc ké của con mình. Nhưng dù sao nỗi buồn con trẻ ở đó cũng vẫn trẻ con hơn nỗi chàng nàng ở những như “Con đường đau khổ”, “Thuyền trưởng và đại úy”, “Thao thức”. Mẹ bạn tôi rất dễ thương, thấy tôi ham, bà còn mang cho tôi sách từ thư viện cơ quan bà về. Từ tủ sách của bà, tôi lần qua tủ sách ở nhà một đứa bạn cùng lớp, thật ra là sách của chú nó giảng viên đại học Tổng hợp gửi khi ông được phân công vào Nam ngay sau 1975. Và sau đó là những tủ sách khác. Sau này, hết đại học, ngồi đọc kỉ yếu của các nhà xuất bản tôi nhận ra mình đã đọc không chỉ một lần gần như trọn vẹn mọi đầu sách hiếm hoi ngày đó có và đó là lí do cùng với lí do ốm đau triền miên khiến tôi chưa bao giờ ngồi thiền ở thư viện. Đấy là công của mẹ bạn tôi. Một cách vô tình, bà đã đánh thức trong tôi nỗi khao khát thoát khỏi ngày đang sống bằng những lối không thực tế nhất. Vì thế mà tôi bỏ qua cho bà cái kiểu khinh khỉnh bà thường bày tỏ với hàng xóm láng giềng. Còn đến cái lúc bà chửi nhau với họ thì mặc dù bà ăn mặc rất sang, có những mối quan hệ có lẽ chẳng ai trong số cư dân đông đúc của khu tập thể có được, tôi lại có nỗi mừng vui khác, vì cảm giác bình đẳng với bạn mình, với anh nó, với mẹ nó. Hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, chơi với cô bạn này, rất gần gũi, có khi còn gần gũi hơn cả với Béo và Thái Hằng vì ngày nào chẳng gặp nhau ở máy nước công cộng, tôi lại biết thêm một nghệ sĩ là anh nó. Là nhạc công, anh bồ với một cô trường múa thon thả, xinh đẹp, không lộ một chút gì gốc quê. Mỗi lần dẫn theo cô bồ ra máy nước công cộng anh khiến tất cả bọn con gái sắp lớn chúng tôi nhịn cả thở. Vì anh, vì người yêu của anh. Tôi cũng nhịn thở hôm nhà nó có khách, đang ngồi ở mép giường tự dưng chị ấy nắm cẳng làm một phát giơ ngược chân lên trước mặt tất cả y như cái compa kéo doãng hết cỡ. Khi nghe kể đoàn chị ấy đi biểu diễn ở Thái Nguyên, đang váy ngắn tới mông nhón chân xoay và bay chuẩn bị cho một trích đoạn Hồ Thiên Nga, giai làng xúm xem văn công tập ngứa mắt hay nóng người không biết vừa chửi quân không biết dơ vừa vác đá cục chọi khiến diễn viên nhà ta sợ vãi linh hồn nhào hết lên xe dông về Hà Nội thì tôi buồn cười quá, cái cười đã phải nhịn thở giữ mãi hôm nhìn chị ấy giơ chân ống quần lụa cắt xéo rộng ngoác tụt tới bẹn. Và cả những lần khác nữa, những lần nhìn chị ấy và cơm, gắp thức ăn, ngoáy mũi xỉa răng công khai. Mới đây về Hà Nội vô tình gặp lại cô bạn cũ làm chủ một shop quần áo, hỏi thăm, nó kể chị dâu nó bỏ nghề từ hồi xoá bao cấp và không hiểu bằng cách nào chị ấy khi không còn ở môi trường nghệ thuật có lại rất nhanh điệu gái quê. Đấy là lí do anh chị nó cãi nhau liên miên nhưng cũng nhờ thế mà anh nó an toàn với những thói quen đáng ghét. Cô gái trường múa năm xưa từng làm đậu phụ nuôi ông chồng nhạc công, rồi buôn hàng si đa, buôn đất. Chị ấy có còn nắm cẳng giơ chân được nữa không mày?” Bạn tôi cười phì phì: “Thế có mà ngã ngửa. Bà ấy bị suy giáp.Mày biết tim bà ấy giờ đập trên một cái thắt lưng dài bao nhiêu không? Mét mốt nhé.” “Thế … chị ấy còn có cái kiểu vừa cười vừa xỉa răng không?” “Vưỡn nhớ à? Thì chị ấy vưỡn. Tao biết mày ngày đó cho là chị ấy không Hà Nội. Nhưng chị ấy chính là Hà Nội, còn là mẹ của Hà Nội bây giờ đấy chứ không phải là loại dùng dà dùng dằng chẳng dám sống như mày đâu.”


Thế thật. Nhưng ngày xưa chị ấy cũng là Hà Nội. Hà Nội hơn tôi và đám bạn trong khu tập thể của tôi, vì chị ấy đẹp, chị ấy có điều kiện ăn diện và biết ăn diện. So sánh với họ thì cũng gần như so chim thiên đường với gà.

Những cô gái bạn chú Khôi vào ra căn phòng bên dưới căn phòng nhà Thái Hằng ở toàn một chín một mười với chị bồ anh trai cô bạn cùng khu tập thể với tôi. Không yểu điệu bằng, không diêm dúa bằng, bù lại, họ có cái kiều diễm kín đáo mà chỉ những người con gái sinh ra lớn lên trong các gia đình thị dân có học thời trước ở Hà Nội mới có được. Dáng vẻ đó lạ lắm. Không nằm ở tầm vóc, ở gương mặt, ở giọng nói, mà là ở cách nói, một phân hai phân dài thêm hay ngắn đi của gấu áo gấu quần, ở cách xắn ống tay áo, ở màu quai nón, ở vạt áo thêu. Nếu họ đứng bếp thì dáng vẻ đó còn nhìn ra dễ hơn qua cách họ đảo đũa xào rau, rán trứng, bày một mâm cơm thật ra cũng chẳng sang trọng gì hơn vô khối nhà. Thì cũng là đậu om, rau xào, riêu cua, trứng rán vậy thôi. Nhưng nó khác. Cái ngon của nó là cái ngon đồng bộ cho cả mắt mũi miệng. Mùi vị những bữa ăn đó rất khó phân tách, không bao giờ quá đáng, hung hãn. Ý nghĩ này tự dưng đến với tôi vào một buổi chiều được ông thầy mời cơm. Ông thầy già đầu trong nghề gõ trán sinh viên ăn uống thật thanh đạm. Chút xíu vừng. Chút xíu thịt rang. Chút xíu mắm chưng. Lại còn cả nhút, nhút Thanh Chương nhưng muối ở Hà Nội. Bữa ăn ngon lành rất nhà quê mà lại không có vẻ gì quê kệch cứ làm tôi nghĩ tới gốc gác đại địa chủ của nhà ông ở xứ chó ăn đá gà ăn sỏi. Bây giờ ngồi nghĩ lại mới hiểu ra đó chính là bữa ăn thật Hà Nội, Hà Nội của mình. Nhưng đó không phải là bữa ăn của người Hà Nội như những bữa ở nhà Thái Hằng, ít nhất thì cũng khác với những mâm cơm mà mấy chị bạn chú Khôi tới vén tay áo thể hiện trước bà nó.

Cô Thái Hằng lấy chồng nhà thơ nằm bàn ở cơ quan. Bà Thái Hằng không có mặt ở đám cưới con gái. Nhưng căn phòng riêng của cô để đó, bà không cho một ai trong nhà động tới cũng y như sau này với căn phòng trống của chú Khôi. Nhà Thái Hằng quá chật. Sau khi con gái tự ý lấy chồng, như thể biết không còn quản được gia đình như cũ, bà nhanh chóng tự đổi mới, gọi con cái lại, tuyên bố cho phép bố mẹ nó cơi nới diện tích mái nhà bếp và nhà vệ sinh. Đấy là điều bố mẹ nó mong mỏi mãi mà bà toàn lắc. Lương giáo viên cấp hai nuôi ba con tiền đâu xây nhà. “Cũng đừng có xây kiên cố làm gì. Cậu anh ngày xưa hiến tài sản kéo cả nhà về đây đã bảo muốn ở trọn vẹn số nhà này thì đừng có hoắng mà lên tầng lên mái. Thời thế này…”


Bà nó nói và mở cái hòm sơn mài để trong cái tủ kê ngang mặt sập vẫn hay ngồi. Với tiền của bà, của chú Khôi, nhà thằng Bảo góp một chút gọi là giúp, nhà Thái Hằng ngoài căn phòng cũ giờ được chễm trệ trên nóc nhà tắm và nhà vệ sinh. Mái giấy dầu, cửa sổ chấn song thép bằng ngón tay mỏng mảnh như đồ chơi, tường con kiến mười phân, đẹp phết. Mỗi tội nóng phát rồ. Vì cửa hướng tây, tường mái mỏng và không thể mở cửa sổ sau thông gió. Sau lưng nhà nó là trung tâm dị hóa của không biết mấy gia đình ở số nhà phố bên. Chỗ đi tè bên đó không có mái. Mở cửa sổ nhìn qua đó có thấy ai đi dạo thì y như rằng người đó đang hoặc ve vẩy hoặc vo vo mẩu báo, mà nếu không thấy mặt người thì gặp mông. Các cỡ. Làm cửa sổ giả khép chặt quanh năm chỉ là để tạo ảo giác về một không gian có thật mà không thể sống. Treo cái rèm đẹp đẹp vào nom phòng sẽ rộng ra – Thái Hằng kể chú Khôi bàn thế.

So với hai căn phòng của nhà Bảo thì hai phòng cơi nới của nhà Thái Hằng không đáng coi là nhà. Nhưng sự riêng tư này làm cả nhà nó phấn khích. Đặc biệt là mẹ nó. Tôi quen thấy cô Như lúc nào cũng như một chạc cây khô, lúc nào cô cũng gợi cảm giác động vào là ráp tay vì cái kiểu lừ lừ nói năng mát mẻ mà rát mặt. Có trong tay một không gian riêng, mẹ Thái Hằng đột nhiên mềm mại lại, từ ánh mắt, tới giọng nói, và hóa ra mẹ nó hoàn toàn không phải là người xuề xoà.

Lúc cả nhà chỉ có một phòng mà phòng ở lại còn là đường đi lại của nhà Bảo mẹ Thái Hằng luộm thuộm kinh khủng. Ăn xong, con chưa kịp thu vén mâm bát là cô Như đẩy ngay nồi xoong ra sát tường ai muốn đi tự tránh. Bây giờ, ở căn phòng mới cơi nới, một cái bàn nhỏ kê bên cửa sổ là chỗ nhà nó ngồi ăn. Mâm bát bao giờ cũng đậy cái lồng bàn quang dầu bóng bẩy. Trong khi các nhà xanh xanh đỏ đỏ toàn đồ nhựa chở từ miền Nam ra thì mẹ nó vẫn nhất mực chơi rổ rá tre với lí do là róc nước làm Thái Hằng rất cáu. Mẹ nó làm những bông hoa bé xiu bằng sa tanh tuyệt đẹp, gắn vào những khung ảnh cũng tự làm. Một tấm ảnh đã mốc trên một trong những khung ảnh đó làm tôi ngỡ ngàng. Trong ảnh là nhà thơ tôi mê mệt vì những vội vàng tình ái một thời. Nhà thơ – chú rể nghiêng quả đầu bềnh bồng xuống cô dâu áo dài trắng. Đôi mắt to tròn xoe của nhà thơ nhìn về phía trước không chút mơ màng như thơ ông, như thể ngay điểm khởi đầu của cuộc hôn nhân ông đã nghe thấy tiếng trống dội từ kết thúc. Mẹ nó, cùng một phụ nữ khác đứng bên cô dâu chú rể. Niềm hạnh phúc của họ thật là cụ thể. Cô dâu chú rể cũng như bè bạn. Mẹ nó đã đi từ cái tưởng là hạnh phúc của người như thế nào tới cái hạnh phúc mệt mỏi của mình? Cái gì đã biến người con gái có cái mũi thanh tú dáng dấp cao sang trong ảnh thành một người đàn bà lảu bảu ở nhà và đáo để ở trường? Rồi tôi sẽ hiểu ra thôi. Cứ đập đầu vào đời mà sống là sẽ biết kém miếng thì khó chịu. Mà cái miếng ở đời thì cứ tự làm ảo thuật trước mắt người. Có khi người có cái mà thiên hạ cho là hạnh phúc lại đang khốn khổ vì hạnh phúc đó và đâm ghen với người đã rũ bỏ được gánh nặng của những quy ước sướng khổ ở đời. Liệu mẹ Thái Hằng trong khi chịu đựng những chật chội bức bối ở nhà cũng như ở trường, trước đồng nghiệp thiếu trí tuệ và ông chồng càng ngày càng hay rượu lừ lừ đi ra đi vào có mơ ước được tự mình một lần rũ bỏ tất như cô bạn cô dâu trong ảnh? Nhưng cũng là nghĩ vớ vẩn vậy thôi, khi còn chưa bị đẩy tới bước cùng thì người ta có khuynh hướng nhìn xuống để thấy mình vẫn sống tốt. Và cái sự phù phiếm từ trong ý nghĩ đó giúp người ta ở lại được bên nhau mà vì nhau.

Nói gì thì nói nhà Thái Hằng vẫn có một gia cảnh hơn nhà tôi và phần lớn các nhà hàng xóm với nhà tôi. Lương thợ cả vợ lẫn chồng làm sao vượt được hai đầu lương giáo học, dù là giáo học cấp hai. Thợ cơ khí lương còn cao, tùy chỗ còn thêm được chút phụ cấp độc hại. Nhưng làm gần hết đời người thi bạc mặt lên tới bậc năm bậc sáu thì cũng chỉ nhấp nhỉnh như một người tốt nghiệp đại học đi làm đã qua kì tập sự. Có hơn chăng chỉ là ở số cân gạo theo tiêu chuẩn “lao động trực tiếp”. Mẹ kiếp tay nào ở trên làm kế hoạch cũng sát thực tế, cho công nhân được mua nhiều hơn viên chức cán bộ bị xếp hạng “lao động gián tiếp” những mấy cân gạo. Có điều cái giống gạo mua từ cửa hàng lương thực không biết dốc từ kho dự trữ nào ra lúc nào cũng vàng ệch, bốc mùi, đầy sạn và cứt gián. Có những kì gạo xấu đến độ phải cho muối vào mà xát khi vo, nấu lên nở đầy nồi nhưng cơm gạo rau mậu dịch thì có đi đào đường đói rục mới nuốt nổi. Đấy là cơ hội cho bọn con gái chúng tôi chứng minh mình không phải loại vụng thối vụng nát. Đãi được gạo ra khỏi sạn và cứt gián là một nghệ thuật cần rèn luyện từng ngày. Dù sao thì như thế vẫn có cảm giác dễ chịu hơn, dù sao thì đó cũng là gạo của ta dành cho dân ta trong kho dự trữ nhà nước, vài ba năm đổ ra bán thay gạo mới. Ăn lại dôi. Khác tấm Thái, thơm nức, nhưng bao nhiêu bơ tấm thì nấu được đúng bấy nhiêu bát cơm, lại là thứ hàng nhập về dưới danh nghĩa nhập cho gia súc. May dân chúng không biết, chứ như tôi, nghe bà mẹ kế làm ở đúng cái bộ phận xuất nhập gạo của bộ Lương thực kể xơi xơi thế ngay trong bữa cơm, ăn nghẹn họng.

Gạo mậu dịch nhà Thái Hằng không xơi. Mẹ nó, mẹ thằng Bảo bán luôn tiêu chuẩn gạo hàng tháng phụ thêm tiền mua gạo quê của mấy bà phe phẩy vẫn bám ngay phía ngoài cửa hàng lương thực. Tiêu chuẩn thực phẩm cũng thế. Cơm nhà nó thơm, đậu phụ nhà nó rán lên phồng tướng chứ không bì bì chua chua như đậu phụ mậu dịch. Chả cá mẹ nó mua ở hàng quen chợ Hôm Đức Viên chứ không phải là chả cá mậu dịch làm từ của nợ gì không biết toàn xương cay lè lưỡi ăn thì biết là cá vì có mùi tanh. Khi các nhà cùng tầng với nhà tôi kháo nhau cửa hàng thực phẩm Chợ Hôm hay Ô Đống Mác có thịt kho sẵn hay đôi ba thứ bán không cần tem phiếu thì mâm cơm nhà nó cũng có thịt kho, nhưng không phải từ thịt của mấy con lợn chết vì thiếu khí trên đường chuyên chở, không cắt tiết được nên thâm xì phải tống nước hàng vào nhuộm cho đen đẹp rồi bán tự do. Hồi còn chưa được bà nó cho phép cơi nới, mẹ Thái Hằng chủ trương đủ chất, mâm cơm ngồn ngộn thức ăn nhưng toàn bát to đĩa lớn. Bây giờ, mẹ nó tự dưng khó tính, bao nhiêu bát đĩa tráng men mẹ nó đem cho ai chẳng biết, mua toàn bát đĩa sứ mới, đến quả ớt miếng chanh cũng bày ra đĩa chứ không còn đặt thẳng ở rìa mâm. Một người đàn bà mới mẻ thức dậy trong mẹ Thái Hằng. Không biết học trò với đồng nghiệp của mẹ nó bị tác động thế nào, nhưng ở nhà có thể thấy mẹ nó làm chồng con thay đổi. Chị Thái Hoàn hoàn toàn thoải mái khi xếp mình theo cái khuôn mới của mẹ, nhưng Thái Hằng thì hầm hừ “bà bô tao càng ngày càng khó mày ạ. Ngày trước bực mình là bà bô lảu bảu mắng luôn chẳng thèm để ý tao làu bàu cãi giả. Cùng lắm tao ăn cái tát là xong. Bây giờ cụ lại đâm dịu dàng đến không thể nào chịu nổi. Được mỗi sự cụ bà nhà tao dịu dàng thì cụ bà nhà thằng Bảo cũng nhịp nhàng dịu theo.”

Phần vì mẹ nó mềm tính lại, phần khác, như Thái Hằng vừa văng lung tung vừa kể, thì mẹ Bảo bắt buộc phải dịu dàng với nhà nó. Bố mẹ Thái Hằng giáo học quèn, dạy môn gì không dạy lại dạy văn với sử bụi phấn có vun được thành đống cũng chả bán được cho ai. Nhưng bố mẹ Bảo thì khác, bố y mẹ dược. Từ ngày bác Trâm từ Pháp về thăm lại gia đình, (tính ra cũng tròm trèm hai lăm năm xa nhau đằng đẵng), chị em bàn bạc thế nào không biết, bố mẹ nó bắt đầu buôn thuốc. Vào cái thời mọi quầy thuốc ở Hà Nội đều do nhà nước quản lí, mua thuốc viên người bán còn phải đổ ra một cái khay lấy que gạt gạt đếm đếm thì buôn thuốc là một nghề không mấy ai làm. Vì phải biết nghề đã đành, còn phải có nguồn vào và nhiều thứ linh tinh khác. Mà mua thuốc ngoài tự cứu thì không phải ai cũng có tiền cũng biết chỗ mà mua. Hồi tôi sắp cưới đang nhiệt liệt yêu nhau thì ốm một trận suýt chết, bạn bác sĩ cũng không kiếm được thuốc trong viện cho, ông sắp thành chồng tôi nghe chỉ bảo phải chạy đi mua thuốc chợ đen, thế nào lại được chỉ ngay tới nhà thằng Bảo. Khách mua đến đúng cái lúc công an và quản lí thị trường vừa rút khỏi nhà, bố thằng Bảo xanh mặt tưởng chim mồi công an thả lại, lắc quầy quậy. Đấy là đã giữa những năm tám mươi. Thế nên vừa nho nhoe chuyện làm ăn mới này mẹ Bảo bỗng dưng nhẹ nhõm hẳn trong cư xử với gia đình em chồng ở phòng ngoài. Mẹ Thái Hằng biết tuốt vì khách mua bán nào của nhà Bảo cũng phải đi qua nhà nó. Bà Thái Hằng giờ không phải vịn cầu thang dắng tiếng mát mẻ với hai bà con dâu. Nhưng bà không còn vẻ thư thái như xưa. Lắm lúc bà âu sầu xa cách lạ, vào cửa chào bà bà cũng như không thấy không nhìn. Bà đang rối hết cả lòng vì không thể gặp được con trai cũng như con rể dù đất nước đã thống nhất mười năm. Thái Hằng không kể hết. Chắc nó không ngờ ông chú trẻ lại kể cho tôi.

Chú Kiên theo anh rể chị gái vào Nam ăn học tới đầu tới đũa ngành dược. Có mấy năm làm kiểng trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà, thì cũng như ngoài này, dân đại học qua quân dự nhiệm mà ở lại quân đội là được phong hàm sĩ quan ngay. Tưởng sướng hóa khổ. Sau 1975 chú đi học tập những sáu năm liền, vác quần áo đi đúng lúc vợ cũng học dược nhưng chưa xong thì giải phóng lại sắp sinh thằng lớn. Bà Thái Hằng là tướng, tướng bà, nhưng trong nhà thôi, danh nghĩa ra ngoài chỉ là nhân dân, khó khăn lắm mới xoay được giấy tờ vào thăm con, gặp được mỗi con dâu với cháu. Ông con rể vào Nam dạy học, dạy toán nhưng lại viết văn, lại còn mở cả nhà xuất bản, sau này cả nhà Thái Hằng tiếc rẻ bảo là chồng bác Trâm đi đúng vào con đường sai. Tàn đời vì chữ, phải đi cải tạo lâu hơn cả ông em vợ lính cậu. Còn may, bà Trưởng mẹ chồng bác Trâm lúc nào cũng tỉnh táo hơn người, vào Nam ít lâu lại xoay xoả đưa mấy người con sau đi du học bên Pháp, nhờ thế mà ngay đầu tháng 4. 1975 phần lớn gia đình bà Trưởng đi được theo diện bảo lãnh đoàn tụ. Bác Trâm mang con sang định cư với nhà chồng, cắm cổ làm ăn lấy tiền về tiếp tế người ở lại. Mấy lần tôi gặp bác ở nhà Thái Hằng hồi đầu những năm tám mươi, nom bác lặng lẽ buồn buồn cứ tưởng tâm tính bác lúc nào cũng vậy. Hóa ra bác về không xoay được giấy thăm chồng. Bay cả một chặng đường mười mấy ngàn dặm mà về làm được mỗi việc đưa tiền nhờ mẹ tiếp tế cho chồng cho em và khóc với em dâu cũng cảnh chồng đi học tập, nghĩ mà hãi.

Bà Thái Hằng cũng chỉ gặp con dâu và cháu nội được có đôi lần. Bốn năm sau ngày chú Kiên đi học tập, vợ chú cùng mấy người bạn cùng cảnh góp tiền mua tàu vác một lũ trẻ con lít nhít vượt biển. Sau này khi chú ra tù, vượt biên, thoát, chính cô bảo lãnh chú qua Mỹ và họ sống cùng nhau tới bây giờ. Không ai biết trước, cả tôi cũng không ngờ, rằng sẽ có ngày tôi thư đi từ lại thân thiết với ông chú này của Thái Hằng – người đàn ông hiền hậu chọn đưa cho tôi cái quai guốc chiều nào – và gặp chú Kiên nó có khi còn nhiều hơn chính nó. Cũng là vì sang tới Mỹ ông chú lại theo ông anh rể chồng bác Trâm, đi đúng vào con đường sai vì chẳng ra tiền: viết văn. Đôi khi, nhìn mấy chữ vợ chú Kiên viết thêm cho tôi dưới bức Email, tôi lại ngỡ ngàng. Người đàn bà dịu dàng đó nghĩ gì khi gom tiền đưa con xuống tàu vượt biển, chờ chồng nơi xứ người? Tôi đã từng nhìn thấy một con tàu đưa người ta ra đi ngày ấy, trong một bộ phim tây quay. Trông chẳng khác gì tàu đánh cá của ngư dân nhà mình. Phim tài liệu, hình rung, có chỗ mờ mịt, nhìn con tàu sơn xanh vạch đỏ cứ y như được ghép bằng tôn. Tàu dạt. Hết nước. Ba mươi mấy con người trong đó chỉ có bốn người đàn ông chắc là nhóm tài công nằm liệt một chỗ. Còn mỗi mấy người đàn bà bò qua bò lại vỗ về đám trẻ và đám đàn ông. Cái cảnh tất cả ngóc đầu lên khi máy bay của Liên Hợp Quốc phát hiện ra họ tôi biết mình không khi nào quên được. Lúc máy bay thả thang dây xuống cứu, có thằng bé chắc chỉ năm sáu tuổi, mặc độc cái quần cộc đang nằm co như chó con ốm đói lồm cồm bò dậy và nó tự bám thang để được kéo lên mới kinh chứ. Nhưng những người mẹ của bầy trẻ, những người duy nhất còn gượng được trước đó thì nằm vật ra như bị liệt và nhóm cứu hộ phải xuống tàu đưa từng người lên. Chú Kiên kể cho tôi chính chú nói cô đưa con ra đi ngày cô lần mò tới thăm chú trước khi chú bị đưa ra học tập cải tạo ở Thanh Hóa. Tôi ngần ngừ một câu hỏi trên môi và chú nhẹ nhàng “Cái chính là vì bọn trẻ con cháu ạ. Chứ đi thế ai chẳng biết không sống thì chết. Mà người ở nhà có còn sống cũng thành chết.” Cô Thụy vợ chú Kiên, dân Lãn Ông xưa, vẫn nguyên giọng Hà Nội dù khi di cư vào Sài Gòn còn trong bụng mẹ. Lúc tôi hỏi cô về ngày ra đi, cô đang thái rau, con dao chững lại: “Cái chính là các em nhà cô được sống.” Rồi cô ngẩng nhìn tôi, mỉm cười. Sức lực nào ẩn giấu bên trong người đàn bà Hà Nội gần như không biết gì về Hà Nội ấy, để sau đó xứ người độc lực nuôi con, thi lấy lại bằng, bảo lãnh cho chồng, nuôi chồng ăn học lại. Chỉ có điều chú Kiên thi lên thi xuống vẫn không làm sao quơ lại được cái bằng dược sĩ như vợ, đành xin một chân nhân viên phòng thí nghiệm ở một trường học. Sáu năm học tập đằng đẵng đủ để làm chú không thể nào còn bình tâm ngồi học lại, may mà cô Thụy hiểu, hiểu từ sự chồng ở xứ người tiền bạc vị thế thua mình tới sự đã thế còn tụ bạ cùng toàn những người ra đi rồi vẫn lụy tiếng Việt là cái thứ tiếng chưa tới trăm triệu trong cái thế giới sáu tỉ người này lắp bắp. Bảo tính cô Thụy mạnh mẽ cũng đúng như bảo cô giỏi chịu đựng. Nhưng tôi luôn thấy đằng sau đó một cái gì rắn rỏi đến mức thành cố chấp, không thể giải thích chỉ bằng hoàn cảnh cờ tới tay thì phất dọc phất ngang gì cũng phải phất. Khi chú Kiên kể cho tôi nghe về ông bố vợ, tôi đã nghĩ ngay rằng cô Thụy kế thừa gen của cha – người sinh ra cô mà phải gần ba mươi năm sau cô mới gặp lại.

Cơ cảnh ấy của nhà Thái Hằng không biết có động chạm chút gì tới các gia đình cư dân trong số nhà Béo không. Nhưng nếu chỉ nhìn thì số nhà Thái Hằng làm sao ngang phân được với số nhà Béo. Có mấy hộ mà hai hộ ăn bìa Tôn Đản và mấy hộ ăn bìa Nhà Thờ. Bìa Tôn Đản có nghĩa là có cần vụ nhà nước trả lương, là mười hai cân thịt hàng tháng, là gạo ngon mua ở cửa hàng lương thực Ngô Quyền không phải xếp hàng, là bánh mì trắng và sữa tươi sáng sáng cần vụ đi lĩnh, là tiêu chuẩn mua các loại thực phẩm khác giá rẻ chất lượng cao không cần tem phiếu, chưa xong, còn quyền mua hàng gia dụng ở cửa hàng Giao Tế cùng tây trên phố Lý Thái Tổ nữa. Đủ thứ nhà nhân dân mà không có người đi làm kinh tế ở xứ rét thì còn không biết là có trên đời. Béo chết cái danh nghe mỡ màng phát ngấy này là chỉ vì nó không phải thèm nhạt gì, chứ thực ra thì nó bé xinh lớn đẹp, phát triển cân đối chứ không phải phát ra đằng mắt thô lố mà nhìn gì cũng lờ mờ như tôi.

Dĩ nhiên không phải mọi gia đình trong số nhà của Béo đều có mức sống như thế. Ví dụ như nhà hai bà cháu bác Nắng. Làm cần vụ cho mẹ chị Phương ăn lương nhà nước thật nhưng bác Nắng không sĩ diện hão, nhà chủ thừa gì thì bác hứng. Đồ ăn hai bà cháu xơi. Đồ mặc không dùng tha về quê. Nhưng bác dưới cơ lãnh đạo của bác thôi, mà bác Hiền thì chả lãnh đạo gì, còn đừng có ai ta đây với bác Nắng mà dại mặt. Minh bạch vị thế như vậy đâm nhẹ nhõm, bác Nắng cười hơ hơ, nói nhịu liên miên toàn tiếng tục. Hàng xóm lèng xèng cười chán thấy nhạt. Hàng xóm địa vị cao thì coi như không thấy không nghe. Bao nhiêu tục tằn thằng Khương cháu bác hứng tuốt, từ tiếng bà nó nói nhịu tới tiếng bà nó chửi rủa, rồi rông ra phố đổ tiếp vào tai đám bạn. Người duy nhất lúc nào cũng lịch lãm lắng nghe bác Nắng là bác Khánh. Nhưng sau những cuộc đụng độ trong nhà, nụ cười của bác Khánh vẫn thường trực song nom xa vắng thế nào ấy. Anh Phan thì thôi cười hẳn, ngay cả trước hai cô gái mới lớn là Béo và tôi. Trưa nắng tới tìm Béo thấy ông viện sĩ không lương mặt mũi lạnh lẽo quấn khăn phu la quanh bụng luẩn quẩn ở nhà, chán chẳng muốn bắt chuyện. Ai có ngờ một ngày anh Phan lại biến đổi hoàn toàn trở thành đại gia thật chứ không phải cái loại con nhà quan chức mà con gái Béo cười hì hì bảo là đại gia dáng dạng ra đái lổn nhổn ở các trường đại học và cơ quan nhà nước. Tôi ghét nhất bọn đó. Ghét vì ghen. Chưa tốt nghiệp mà chúng nó đã kể sẽ về đâu làm gì tương lai như thế nào và cái tương lai đó bao giờ cũng gắn với Hà Nội dù nhà chúng nó không ở đó. Còn như tôi con nhà nghèo học đại học chỉ là cách đẩy tương lai về phía trước dăm ba năm cho đỡ sợ để còn giả vờ nhí nhảnh với thời con gái vô tư, học thì cứ học nhưng không biết mình đi đâu về đâu. Dân Hà Nội mà học hành lờ phờ lại ở cảnh chỉ có độc cái cổ đỡ cái đầu thì từ cái trường đào tạo thầy bà của tôi đi ra may lắm là chui vào được Lâm Đồng vùng kinh tế mới của thành phố.

Học thì cứ học, trường nào cũng vậy, nhưng bố mẹ đứa nào cũng phải tìm nơi nhờ cậy gửi gắm xin việc cho con mình. Cái Châu học sư phạm toán cùng khóa tôi, nổi tiếng toàn tuyến xe bus lên Mai Dịch vì từng rút guốc cao gót đứng chặn giữa đường để cho cả lũ sinh viên trèo lên khiến mấy tay lái xe tợn tạo còn phải ngán chưa tốt nghiệp đã tuyên bố vì tương lai con em chúng ta mặc cha tương lai con em chúng nó, tốt nghiệp rồi dựng giường bắt cả nhà nằm đất lấy chỗ trông trẻ, đanh đá vậy mà không hiểu sao nó nhẫn nhịn nhìn người yêu lấy con gái sếp, co mình làm cô nuôi dạy trẻ tại gia mất mấy năm mới xoay xoả xin xỏ đi học trở lại ở trường tuyên huấn rồi vào làm biên tập viên quèn cho báo Thành ủy, một tờ báo mà người đọc bình thường có tài thánh cũng không biết. Mới đây thôi bốn mươi chín tuổi Châu lấy chồng, chẳng kiếm ông nào khá khá hủ hỉ tuổi già lại cưới ngay một ông đang méo mặt vợ cũ tâm thần ba con còn đi học. Nghĩ đến cùng Châu vẫn vì tương lai con em người khác. Can đảm chống phân công công tác đi buôn như Thái Hằng không nhiều. Can đảm gần bằng, những cô bạn học khác đi lấy chồng hoặc già mà giàu hoặc có bố mẹ đương chức. Béo chẳng phải lo chút gì vì bố mẹ chưa hưu. Nó là đứa tôi không ghen tị vì những gì nó đạt, không phải vì thân nhau, mà là nó xứng đáng với những cơ may tới với nó. Béo học giỏi, lại tốt tính dẫu con ông to. Không cảnh vẻ, toán là cái môn tôi điểm tốt nhưng biết mình dốt nó học dễ như tôi thái đậu phụ, lại còn thích ăn cơm canh dưa khú nấu tép dầu ở nhà tôi, buồn cười thế. Béo không làm tôi lấn cấn vì mặc cảm nhà nghèo. Điều đó ở Béo cũng như thói đỏng đảnh và khả năng văng tục ở Thái Hằng làm tôi luôn thấy thoải mái với chúng nó.

Nhưng mỗi ngày tôi lại thấy xa dần Thái Hằng gần lại với Béo. Tôi luôn có cảm giác dưới mắt Thái Hằng tôi ngố đặc. Nó còn tinh tướng chán gọi tôi là Ma Lem lại quay ra gọi Thiên Thần Bãi Rác. Điều đó chẳng sao. Có điều những câu chuyện nó thu thập về kể tôi nghe sau mỗi chuyến đi buôn theo tàu Thống Nhất làm tôi bất an. Béo, về một mặt nào đó cũng ngây ngô giống tôi, chưa thật sự phải tự nuôi thân ai chẳng thế, dẫu là đời sống cách biệt nhau như thế nào.
Có khi nó còn ngây ngô hơn tôi. Nhà lắm phòng, chuyện người lớn không dễ gì tới tai con trẻ như ở khu tôi gia đình nào cũng chỉ có độc một cái cửa vào ra một phòng. Béo có khả năng thông cảm tự thân với những cảnh đời khác mà không cần cố gắng đồng cảm. Tôi tin nếu biết những gia cảnh như nhà Thái Hằng nó sẽ chẳng hiểu gì, nhưng không bao giờ nó rẻ rúng chê bai. Có lẽ họ hàng nhà nó ở Quảng Trị Nghệ An có không ít nhà đang quẫy cựa trong những cơ cực kiểu như bác Trâm chú Kiên hay cư dân khu tập thể tôi phải chịu. Nhưng bố nó làm to thế, lại còn là bạn từ thuở Cách Mạng chưa giành chính quyền của những ông to hơn, sức mấy họ hàng dám tới cửa nhờ giúp.

Nhiều nhà trong khu tập thể của tôi sau 1975 có khách miền Nam ra. Phần lớn là các nhà miền Nam tập kết. Khách toàn đàn bà. Ai cũng dép lưới, áo kate vải mỏng, mặt mũi đen sắt lại sau chuyến đi mấy ngày dài vất vả. Bọn trẻ con các nhà đó kiêu hãnh vì có người thân ở miền Nam, lọt tọt ra sân ngóng bọn tôi tụ tập xung quanh rồi vênh vang chìa ra gói muối ớt và mấy quả cóc đã cắt miếng bé y như người ta cắt sấu chín. Ngồi nghĩ lại, hóa ra quả cóc là thức quà đầu tiên của miền Nam tôi biết chứ không phải là một loại quả nào như trong cái bài hát đứa nào cũng thuộc “Miền Nam em dừa nhiều miền Nam em dứa nhiều miền Nam em xoài thơm miền Nam em khoai bùi…” Không đứa nào biết những người đàn bà đó ra Bắc làm gì. Phải mãi nhiều năm sau, lớn hẳn rồi, già dặn rồi tôi mới đoán được họ đi thăm người thân bị đưa ra Bắc học tập cải tạo. Chắc họ chỉ cốt có chỗ dừng chân ở miền Bắc rồi đi tiếp lên phía Bắc. Chứ hi vọng gì nhờ vả được ở những người quen biết chả rõ thân hay sơ trong khu tôi. Đi tập kết mà mấy chục năm làm thợ ở Hà Nội thì có gì để giúp. Còn may là không phải dồn vào sống lao động và học tập ở một nông trường nào.

Ông hàng xóm cùng tầng nhà tôi có ông anh bị thế. Hai anh em gốc Miên tập kết. Em được sống giữa Thủ đô, anh thì trồng dứa ở tít nông trường Đồng Giao tận Thanh Hoá, cái nơi ước lá rau má to bằng lá sen dân đói đi ăn mày có giấy giới thiệu của ủy ban là đi tự túc lương thực cực còn hơn dân Thái Bình nổi tiếng vì chị Hai năm tấn và nhà máy cháo. Ông anh thỉnh thoảng ra thăm em, hiền thôi là hiền. Ông em khác, bặm trợn, nổi tiếng vì sợ tắm và vì ăn cóc. Khoản sợ tắm hàng xóm không ai dám theo ngay cả trong những ngày mùa hè mất nước, nhưng khoản bắt cóc nấu cháo thì loay hoay thế nào đàn ông trong dãy nhà tôi ở ai cũng bắt chước. Đêm mùa hạ mưa như trút sấm dậy trời, họ í ới gọi nhau tụt quần dài chơi độc cái quần đùi, úp cái mũ cối rách lên đầu, choàng tấm nilon làm phép và hối vợ đưa cho cái bao tải dứa. Đi đâu? Ra Đầm Trấu, Thúy Ái, xuống Lương Yên Vĩnh Tuy… nơi cóc tụ tập hoan ca mừng mưa. Nửa đêm các ông lò dò bò về, tự mở bao đổ cóc ra làm thịt. Sở dĩ các ông phải vất vả cả ở công đoạn này là vì buổi đầu bà vợ nào cũng hãi. Chặt cổ cậu ông trời? Úi! Người ta bảo da cóc có nhựa độc lắm, mù mắt như chơi. Úi! Làm không sạch mà để dính lại tí ruột gan cóc là ăn phải chết tươi. Các bà càm ràm bực bõ. Một ông, người đầu tiên đi theo ông hàng xóm người Miên tập kết bắt cóc khoát tay chỉ về phía một khu tập thể gần đó, quát: “Lắm mồm, sang bên kia mà xem trường Dược thu mua cóc về sản xuất dinh dưỡng cho trẻ con kia kìa. Bỏ tiền mua cóc khô cho con ăn chống còi mà ngồi đó ngoạc mồm chê cóc tươi còn nhảy”.
Rồi cuối cùng thì chẳng cứ người miền Nam tập kết ăn thịt cóc. Phong trào ăn thịt cậu ông Giời bùng lên sau khi nhà ăn tập thể đóng cửa và từng nhà lại nồi nào bếp nấy. Các ông bố ăn, đám trẻ mắt trước mắt sau ngó mẹ rồi cũng ăn. Cháo cóc ngọt lắm. Cóc bung dọc mùng cũng y như ếch, ếch thì đắt, sau mưa ra chợ mua một hai cặp về chỉ đủ ngọt nồi canh măng hay dọc mùng bỏ nghệ cho cả nhà chứ cóc cả bao tải tha hồ gắp. Vậy là các bà mẹ phải nghiến răng làm thịt cóc móc ruột gan thay chồng, rồi nấu cháo, rồi bung, rồi băm rang, rồi làm chả. Nấu thì phải nếm, nếm được là ăn được. Cái lí sự để tự trấn an của một thời thiếu đói đó không chạm được đến tôi. Tôi vẫn không dám ăn. Bây giờ can đảm hơn, đọc ông Vũ Bằng rồi, muốn thử thì cóc đã gần như tuyệt diệt khi phố phường chật hẹp người đông đúc thế này. Họa có về đất Hà Nội vừa cơi nới, Hà Nội Mới, gồm cả cái làng tôi sơ tán năm xưa.

Nhưng mà tôi vẫn nhớ cái tưng bừng của những đêm mùa hạ đàn ông các nhà đi bắt cóc. Nửa đêm còn í ới gọi nhau mời nếm, xin nhau ít muối chút hành. Sáng ra đi làm ai cũng phớn phở. Chẳng hiểu ở nơi làm việc mọi người có tăng năng suất được nhờ vừa tăng cường chất đạm trong đêm không hay lờ phờ vì thiếu ngủ?

Từ cóc nhái, cư dân khu tập thể của tôi bắt đầu chuyển qua ăn cá biển. Cũng là nhờ công khai hóa của bà con miền Nam tập kết. Hồi đầu cá biển mậu dịch bán đầy, toàn cá ngon, cá thu cá đối cá hồng, nhưng mẹ tôi và nhiều cô người Bắc vốn chỉ quen ăn cá nước ngọt không dám mua, chịu không biết nấu nướng ra sao. Tôi đọc tiểu thuyết xong ra làm quân sư quạt mo, rằng cá biển người Nam kho nước dừa, cho thật nhiều tiêu, bị ngay một cái cốc lõm trán của cô Lược cùng tầng. “Mẹ ranh, dừa ở đâu ra mà lấy nước, hạt tiêu thì cả túi hàng tết mới có được một lạng!” Thế nhưng các bà mẹ Hà Nội không đành lòng nhìn con ăn cơm rau với đậu phụ mậu dịch khi con nhà hàng xóm xơi cơm cá. Thế là cũng mua. Còn nhớ công trình kho cá biển đầu tiên mẹ tôi thực hiện cùng mấy cô hàng xóm. Mía róc vỏ, chặt dọc từng miếng mỏng xếp dưới đáy nồi, cá biển từng con từng khúc xếp lớp một cùng muối, chè mạn pha thật đặc đổ vào nồi cá đế át mùi tanh, nước hàng nhuộm thịt cá màu nâu cánh gián, kho xong, các bà bê nồi qua nhà tôi so sánh rồi rụt rè ăn thử, rồi chê bai. Không ai khi đó nghĩ được rằng chỉ mấy năm nữa thôi hết chiến tranh mậu dịch bán cá biển ươn, đổ cả đống ra hè phố, nước đá ướp cá một màu vàng vàng bẩn bẩn tan ra chảy lênh láng tanh lòm. Vẫn quyến rũ. Không chỉ ruồi. Cuối chiều cứ thấy người xếp hàng ở góc phố nào là biết chỗ đó có xe mậu dịch, không xe bánh mì thì xe rau, bốc mùi thì là xe thực phẩm được tôn lên hàng đạm, dù những con cá đã nát bụng, thịt bở ra vì ướp không đủ lạnh. Dễ mua nhất là loài cá bé bằng bàn tay và thịt mỏng hơn bàn tay, nhưng xương thì cứng như hóa thạch. Thực thì tôi không biết người miền biển gọi loài cá này là gì và có ăn không. Ngờ rằng không. Nó chỉ đáng làm thức ăn gia súc. Nhưng nó đã tới Hà Nội, ngự ở những vỉa hè phố phường, đã trở thành một phần trong cái gọi là văn hóa ẩm thực của thành phố này một thuở, đã được người Hà Nội của thời tôi đặt cho cái tên hết sức mĩ miều. Cá lôi họng, thành Long Hội.

Béo và Thái Hằng có lần xuống nhà tôi lục cơm nguội ăn với chả cá Long Hội, khen ngon rồi khen thơm. Ăn bo bo ninh với muối và chút đỗ đen chúng nó cũng khen ngon. Nhìn chúng nó ăn, tôi không tủi thân vì bữa cơm nghèo nhà mình. Chỉ thấy lòng rã rời rất lạ. Đấy đâu phải là một miếng khi đói. Đấy là cảm giác ngon miệng vì miếng lạ không thể nào có trong bữa cơm nhà chúng nó. Nhà Béo ăn theo tiêu chuẩn Tôn Đản của bố nó, mấy mươi năm trước no đủ thừa mứa y như tôi bây giờ ở xứ này, mà có phần còn dễ dàng hơn, vì đó là cấp là phát, có trả tiền thì cũng là làm phép. Nhà Thái Hằng không bằng thế, nhưng cũng là khó cái khó của nhà có mà thôi. Không lai vãng được ở Tôn Đản, mẹ Thái Hằng là khách quen của mấy bà béo bán thịt bán cá bán giò chả ở chợ Đức Viên. Cá biển nhà nó cũng ăn, nhưng là cá thu rán rồi mới kho, còn không mẹ nó có mua cá sông thì phải là cá chép chỉ khúc nào chặt khúc đó. Đậu phụ là đậu phụ Mơ miếng mỏng cho vào chảo mỡ là bồng bềnh như giấc mơ phồng phềnh bánh gối Lý Quốc Sư giữa ngày thu se se nắng của bọn tôi. Rau thì không có chuyện mẹ nó xếp hàng mua từ xe rau mậu dịch. Rau muống xào phải là rau mầm, rau muống luộc phải là xơ mới. Canh rau ngót nấu suông không có trong thực đơn của mẹ nó. Đằng sau những bức tường có phần âm thầm ở những ngôi nhà ngoài phố như nhà Thái Hằng vẫn nguyên vẹn lối sống cũ mà vẻ đẹp trưởng giả của nó cho tới tận giờ vẫn được mặc định là của riêng người Hà Nội. Vẻ đẹp ấy là cội rễ của tình yêu người ta dành cho đất này khiến cho bao người Việt Nam đi xa về gần đều phải một lần tìm tới để rồi vì thế mà đâm thất vọng sâu xa về người đang sống ở Hà Nội bây giờ.

Mẹ tôi, sinh ra nhưng không lớn lên trong một gia đình đã tiêu điều tới đáy, vốn không phải là người đảm đang tháo vát. Nhưng mẹ có nguyên một khối hồi ức về những ngày sung sướng. Một phần của khối hồi ức ấy được xây dựng lại từ những câu chuyện của người lớn trong nhà như ông trẻ mà cứ động nghe thấy là lũ trẻ con chúng tôi lảng, chẳng mường tượng được gì và thấy cũng chả ích lợi gì. Phần kia của hồi ức mẹ nâng niu là những ngày tháng bé con đi Thiếu sinh quân tận Quế Lâm Trung Quốc theo tiêu chuẩn của ông ngoại, cùng với toàn con chiến sĩ cộng sản tiếng tăm đã hi sinh trong tù từ thời bóng tối kiểu như con chị Minh Khai với anh Lê Hồng Phong hoặc con ông to đang lo lãnh đạo kháng chiến đi tới thắng lợi cuối cùng. Cũng có đôi ba cô chú con người nổi tiếng không làm to và chưa hi sinh, đâu như có cả con anh hùng La Văn Cầu dám nhờ đồng đội chặt một tay trong trận Đông Khê chiến dịch Biên giới. Tôi không bị ràng buộc vì những kinh nghiệm sống như là gánh nặng của mẹ. Tôi chịu ảnh hưởng gen mẹ, không đảm đang cho lắm và cũng chẳng có ý định học để thành một con gái một đàn bà đảm đang. Nhưng dù sao tay không làm hàm không nhai, chân lí đó nứt mắt thời ấy nhà nghèo đều biết. Thế nên hai chị em tôi cũng đi xa hơn mẹ trong việc xử lí các loại lương thực thực phẩm vốn không phải để dành cho con người, kiểu như gạo hẩm đổ từ kho của Cục Dự Trữ Lương Thực Quốc Gia hay cá Long Hội. Khi đó mẹ đi rồi. Mẹ mất ngay sau ngày chiến thắng không lâu. Mẹ không biết nông nỗi của thời hậu chiến, khi mà gạo tiêu chuẩn hàng tháng dù đầy cứt gián và sạn to sạn nhỏ cũng chẳng có mà mua và người Hà Nội lại dạy chuyền tai nhau món mới, cho nhau đủ thứ thông tin liên quan mật thiết tới cái bụng – bộ phận quan trọng quyết định năng lực tư duy của người Việt mình. Đầu ngự trên cổ, còn bụng nghĩ, dạ nghĩ, bụng bảo dạ làm cách nào hầm bo bo cho nhừ? Bo bo ninh với đỗ đen ngon hay đỗ xanh ngon? Quầy thực phẩm cuối Ô Đông Mác mới có rau về, ra xếp hàng được trước cho tớ gửi cái rổ này xí chỗ. Dốc Thọ Lão đang bán nước mắm loại hai, nhưng có thể đổi sang xì dầu loại một, hoặc là gia vị của tây đựng trong cái lọ thủy tinh rất đẹp, ăn hết thì rưử sạch cho bay mùi để dùng như cốc uống nước cho trẻ con. Trên Trần Xuân Soạn bán dưa muối kèm gia vị của Đông Đức, ăn có những cục thịt bò khô bằng đầu ngón tay út rất ngon. Chỗ Cây Đa Nhà Bò bây giờ buổi chiều có xe đổi bánh mì. Nhưng quan trọng nhất: Cửa hàng gạo có gạo! Được mua bao nhiêu? Ba cân một đầu người mày ạ. Ra trước xếp hộ tao cục gạch. Tao giặt xong lại ra trông cho mày. Thật lạ, mới có mười mấy tuổi đầu mà đứa nào cũng đủ sức gồng trên vai bao nhiêu là lo toan cụ thể sát sườn đến vậy, và vẫn học. Các thầy cô giáo ngày đó đúng là những người lãng mạn cuối cùng. Khổ bỏ đời mà thầy nào cô nào cũng sâu sát, cho hàng đống bài tập về nhà cứ như là sợ trò không có việc. Đứa chịu khó ra ngồi xếp hàng thì cắm mặt vào học bài. Tôi lười, chỉ có thể đọc tiểu thuyết hay ngồi ngửa mặt lơ mơ nhìn nắng lọc qua tán lá, hay nhìn mấy đứa bé hơn mình vừa xếp hàng vừa rủ nhau chơi lò cò trên vỉa hè. Một cách bản năng, để tự vệ với cái thể chất ọp ẹp vì mưa nắng từng ngày, tôi trung thành với kiểu biết sáng ăn khoai tối mới vác mai đi đào. Tôi không có những điều kiện cần và đủ để mà ngẫm ngợi và ao ước như nhiều đứa tuổi tôi, càng không như Thái Hằng và Béo.

Nghĩa là tôi không thể yêu. Không có một quan hệ riêng tư cùng một thằng con trai nào nên đâm lắm bạn. Tôi khoái kiểu bọn con trai. Dễ nói chuyện. Thoải mái đeo kính trố mắt nhìn nhau. Không cần dùng chiêu thùy mị pha chút lẳng lơ ngây thơ cụ mà tôi đúc kết được qua bao tiểu thuyết rồi đem dạy lại cho bọn con gái cùng tuổi và rất được tin theo. Kéo đuôi tóc ra nhấm nhấm cái nhé. Ngước mắt chớp chớp hai cho tới ba lần. Cúi mặt di di bàn chân. Xoè tay giả vờ đón mưa. Thế! Cáu một tí thì vênh mặt. Cáu hai cho tới ba tí thì cố mà khóc. Thế! Lũ con gái ngồi hóng lời tôi xui bẩy như bị thôi miên. Thế quái nào mà công cuộc truyền bá mở mang gái trí của tôi tới tai mấy thằng bạn và bọn chúng nó tuyên bố là nếu tôi không ốm đến thế, nếu chỉ có một cái tên Ma Lem không bị gọi là Mèo Hen hay Bồ Thuốc hay Chị Cận hay Ve Sầu Ngủ Đông thì thế nào cũng phải ục cho tôi mấy quả hay vần ra cù rốn. Chúng nó biết tôi có máu buồn.

Đấy là lúc tôi vừa tốt nghiệp chưa đầy một năm và chuyển công tác ba lần. Không lần nào đúng như mong muốn thật sự. Tôi biết mình quý trẻ chẳng qua vì sợ trẻ. Tôi không biết phải cư xử với chúng nó ra sao. Bé mà bế nó quẫy cái là không đủ sức chằm bặp tiếp. Còn bọn lớn, nếu chúng nó biết tôi bối rối như thế nào vì cảm giác về cơ bản chúng nó khôn hơn mình! Thế mà số phận lại đẩy tôi đánh đùng cái ngã vào ngành sư phạm. Giá mà mẹ không mất sớm đến thế… thì chắc tôi sẽ yên tâm mà sống với nghề tôi muốn chọn. Không nhiều, vẽ, hoặc viết báo. Nghề nào cũng là nghề đi lắm một mình nhiều. Sự một mình cho tôi cảm giác an toàn, cái cảm giác khỉ gió này đã làm tôi mệt lả vì rượt đuổi mãi mà luôn luôn hụt.

Vậy mà tôi phải gồng lên làm việc với một lũ con trai con gái kém mình dăm ba tuổi, không loại trừ chuyện chúng nó còn có người yêu biết run rẩy sờ tay cầm chân nhau trước cả cô giáo của chúng nó. Giá may mắn được như mấy đứa cùng lớp, người tận đâu đâu nhưng ở đâu đâu ấy chúng nó lại là cư dân ở xóm Đông Quan, (địa chỉ thật của một cô bạn cùng lớp với tôi đấy nhé, mà thực ra chính xác phải là khu tập thể X phố Y tỉnh Z), bố mẹ toàn chức sắc đầu bảng tại địa phương, mèng cũng trưởng ti nọ giám đốc sở kia, bị phốt gì thì không hạ cánh an toàn ở địa phương mà tiến về Hà Nội hay Sài Gòn lập tức. Tiếng là người hàng tỉnh nhưng chúng nó tiêu tiền dân nhà mặt phố như Thái Hằng khi đó cũng phải lác mắt. Và loay hoay thế nào mà trong khi dân Hà Nội tốt nghiệp đại học cầm quyết định đi Sơn La Việt Bắc Cao Bằng, lại chết dí ở đó với đồng lương đùa nhả y hệt cảnh bố mẹ Thái Hằng mấy chục năm trước thì các bạn vùng sâu vùng xa của tôi rất nhiều người về trấn ngự Thủ Đô. Cũng có đôi ba đứa về quê, tính tình trung hậu, có cái bằng đại học mang tận Hà Nội về, ăn theo lí lịch, may ra có cái gốc dân tộc thưa người hay xuất thân có bố mẹ đi khai hoang nữa thì đường quan lộ hết sức thênh thang. Không có gì đáng để tị hiềm khi hôm nay mở báo mạng tôi thấy bạn đồng môn đang nói lời gang lời thép đúng giọng phụ mẫu của dân, có đất có nhà ở phố, có trang trại trên rừng, có con du học tự túc ở tận Mỹ Anh Úc Pháp và có những gì đợi chúng nó hạ cánh an toàn rồi mới biết nốt. Nhưng tôi luôn kinh ngạc, thán phục, và sau đó thấy mình ngây ngô biết bao. Cảm giác này lại trở lại với tôi mười mấy năm sau khi qua xứ người được vục đầu vào cả đống sách của nửa kia đất nước trước ngày cái nửa đó được nửa còn lại giải phóng – thứ mà đã có thời tôi chỉ có thể cóp nhặt lắt nhắt để xem rồi loay hoay một mình mơ tưởng. Khi đọc đến bão hòa thứ sách một thời quyến rũ tôi ghê gớm vì là sách cấm tôi đã thử hình dung, rằng nếu được trả lương đủ xơi thì có lẽ tôi cũng chả ngần ngừ gì mà không xông thẳng lên bản Mèo nào đó dạy học và có thể sẽ vì mê mệt tiếng đàn môi của một cậu học trò già như mình mà ở lại đó luôn. Biết đâu đấy! Nhưng vào lúc đó, sắp tốt nghiệp, tương lai làm người lớn tự do tự lo và tiêu chuẩn gạo sẽ bị cắt đi thành 13 cân rưỡi sắp vồ lấy mình, tự biết hoặc ở lại Hà Nội thành người nhà nước với đồng lương chắc đủ mua thuốc ho thuốc hen chợ đen để sống và làm việc hoặc bỏ quyết định phân công công tác ra đầu phố nhập vào hàng ngũ phe phẩy nhân dân, thú thực là tôi rất hay thương thân. Phải tự thương thân như thế này thật là một cảm giác tệ hại, nó không thúc người ta đi về phía trước, nó vỗ về người ta tại chỗ, dỗ người ta quay đầu đi ngược chiều. Chí ít thì điều đó đã xảy ra ở tôi.

L.M.H.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.