“Thần dược”, câu thơ đổi màu như “nghịch ngôn thi”

Đặng Văn Sinh

clip_image002

Nhà thơ Phạm Xuân Trường, tuổi Đinh Hợi, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hiện đang cư trú tại Hải Phòng

clip_image004

“Thần dược”1 là tập thơ thứ năm của Phạm Xuân Trường gồm 74 bài, trong đó có đến 42 bài lục bát, chứng tỏ lục bát vẫn là thế mạnh trong sự nghiệp sáng tác của anh. Tuy nhiên, “Thần dược” cũng có nhiều điểm khác với “Cỏ cháy”, “Ở trọ hồn làng”, thậm chí cả “Bến chuồn chuồn” chẳng những ở giọng điệu, mà ngay cả việc sử dụng thể loại như một phương tiện chuyển tải cảm hứng.

“Thần dược” như một bức chân dung muôn mặt cuộc sống bằng thơ, dùng thơ làm phương thức diễn đạt tư tưởng thẩm mỹ, nhưng không mấy chú trọng đến cấu tứ, vần điệu mà thường là trở về với sự xù xì, góc cạnh của tư duy truyền thống qua các thủ pháp dân gian như ẩn dụ, hoán dụ, thậm xưng. Có thể nói, trong tập thơ này, Phạm Xuân Trường vận dụng các biện pháp tu từ như một cách “tung hỏa mù” làm mềm hóa những triết lý góc cạnh, những cảm xúc cuồng nộ trước cảnh đời bất công tàn nhẫn, lố lăng kệch cỡm, nhơn nhơn thách đố dư luận.

Bằng vào sự mẫn cảm thời cuộc của mình, Phạm Xuân Trường đã “vẽ” được khá nhiều chân dung điển hình ở vào thời buổi nhiễu nhương. Tuy nhiên, trong một môi trường mà hội chứng bầy đàn đang là xu thế áp đảo trong quan niệm sống từ nhận thức cộng đồng, vốn là hệ quả của chính sách cung cấp thông tin một chiều sau khi được chế biến, xào xáo và nền giáo dục nhồi sọ, triệt tiêu mọi phản ứng tự vệ bởi một guồng máy vận hành đầy khuyết tật, thì cách nói của tác giả “Thần dược” được xem là “nói ngược”. Mà đã nói ngược bằng thơ thì tất yếu phải sử dụng thi pháp ca dao, tục ngữ vốn luôn ẩn chứa tinh thần phản kháng qua tiếng cười…

Viết về đề tài này, “Thần dược” chủ yếu là lục bát, nhưng nếu cần diễn đạt sâu hơn với sắc thái đậm đặc hơn, tác giả không ngại sử dụng thơ ngũ ngôn hoặc thơ tự do, vốn có khả năng tích hợp được cả yếu tố tự sự lẫn yếu tố trữ tình trong cùng một văn bản. Bài “Mẹ sống như chết giả” có đoạn kết khá điển hình:

“Tiền thật mua bằng giả

Chán chúa thì buôn vua

Lã Bất Vi vạn thuở

Còn tươi rói đến giờ”.

Hầu hết những bài thơ thuộc dạng này trong “Thần dược” đều xuất phát từ tư duy trực cảm mang tính tiên nghiệm, sau đó được quy nạp thành hình tượng có giá trị phổ quát cấu thành từ môi trường xã hội ô nhiễm, đạo đức băng hoại và lòng tham không đáy của những nhóm người có đặc quyền thao túng chính trường. Ở bài “Lễ đầu xuân”, tác giả viết về hội chứng đám đông đền Trần như một trò mua bán “cái tù mù” khi mà con người mất hết lòng tin nơi dương gian đem tiền bạc đặt vào cửa âm phủ, hối lộ thánh thần:

“Tranh nhau mua cái tù mù

Để nuôi hy vọng trả thù áo cơm…”

Câu thơ như mệnh đề triết lý dân gian, thâu tóm được bản chất một giai đoạn lịch sử đầy những nghịch cảnh, khiến người đọc bất chợt nhận ra nỗi trớ trêu của kiếp người khi mà phải đem cả cuộc đời đánh cược với trò may rủi:

“Thiếp đi mua ấn cho chàng

Cả làng đi lễ cả làng làm quan”.

Những danh xưng “thiếp”, “chàng”, “ấn”, “quan” là gì nếu không phải là chất liệu ca dao cổ được tác giả “tân trang” cho ý tưởng mới qua thủ pháp phúng dụ? Cách châm biếm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về hiện tượng “lại cái” của một cộng đồng mê muội không khỏi làm độc giả phải chau mày suy ngẫm. Hiện tượng buôn thần hoàng, buôn biểu tượng cùng với trào lưu phục cổ và cơn sốt trùng tu, tân tạo đình chùa miếu mạo thờ phụng những vị thần có thật và không có thật có vẻ như đang là xu thế thời đại. Không ít kẻ vớ bẫm sau nhứng dự án nghìn tỷ rồi vén tay cung tiến cả trăm triệu nhằm mua trước tấm vé qua cửa thiên đường mà đáng ra lũ sâu dân mọt nước ấy phải xuống chín tầng địa ngục.

Ở bài “Gặp gỡ cuối năm”, tác giả mô phỏng màn hài kịch được trình diễn như là trò gãi ghẻ trên con bệnh trầm kha, khi cánh đào kép giả vờ tung hứng những tệ nạn xã hội bằng thứ ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, cù cho đám khán giả thiểu năng trí tuệ bật lên tràng cười rẻ tiền:

“Mạt cưa, mướp đắng một nhà

Cáo hóa thành cú, quạ già thành công

Ngọc Hoàng ở chốn thâm cung

Có nghe tiếng thét mịt mùng trần gian

Giao thừa thừa những trái ngang

Vai hề khoác áo Táo quan diễn trò”.

Giọng điệu phổ biến trong “Thần dược” bao giờ cũng xoay quanh chủ đề “nói ngược”. Thứ “nghịch ngôn” núp dưới bóng ca dao tục ngữ ấy luôn hàm chứa những thông điệp, lúc thì hiển ngôn, lúc lại hàm ngôn với từng cấp độ khác nhau. Đọc bài lục bát “Cảm nhận ở lăng Tự Đức”, không phải ai cũng hiểu sự thật phía sau những con chữ viết như chỉ để chơi của Phạm Xuân Trường. Tác giả nói về lăng Tự Đức nhưng trường liên tưởng của nó được nới rộng hơn nhiều. Cho dù dùng “án văn tự” để quy kết từ các nhà phê bình chỉ điểm thì cũng chẳng có chứng cứ nào bắt bẻ được một bài thơ cảm thán về một hiện tượng lịch sử cách ngày nay hơn một thế kỷ:

“Lăng vua ngàn vạn mét vuông

Chỉ chôn vào đất nắm xương một người

Chiều nay vô Huế rong chơi

Rồi len về quán trọ đời ngẩn ngơ…

Đất làng giờ xé thành lô

Giật mình nghĩ có lăng vua mà thèm”.

Lăng vua là một dạng văn hóa vật thể được phóng chiếu qua lăng kính lịch sử. Nó có thể cộng hưởng với yếu tố tâm lý xã hội tạo nên những phản ứng dây chuyền vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của các thiết chế toàn trị, bởi vậy nó luôn là vấn đề thời sự.

Phong cách “nghịch ngôn thi” buộc tác giả phải tìm ra cho mình kiểu diễn ngôn tương ứng tạo được sự thống nhất giữa nội dung và hình thức mà một trong những cách phổ biến nhất là “nhại” ca dao tục ngữ. Muốn làm được điều này không gì hơn là giữ cái hình thức biểu đạt mà thay đổi nội dung được biểu đạt càng nhiều càng tốt. Hiện tượng “nhái” ca dao tục ngữ luôn gây được hiệu quả bất ngờ, lúc đem đến cho người đọc nụ cười sảng khoái, lúc lại khiến họ phải trầm ngâm suy nghĩ. Bài thứ hai trong “Tứ bình chó” đã đưa được hình ảnh con vật rất gần gũi với con người vào một hoàn cảnh khá đặc biệt, tạo nên sự so sánh thú vị giữa hai hiện tượng xã hội. Cái cần bàn ở đây đương nhiên không phải là con chó đá được gia chủ giao nhiệm vụ canh cổng mà là sự ẩn dụ những gì dân gian nghĩ tới qua hình ảnh chó đá. Nếu ở cặp lục bát thứ nhất, tác giả mượn cấu trúc thanh thoát, uyển chuyển của thể loại ca dao làm lời “đề dẫn”, thì hai câu sau, yếu tố phúng thích lập tức xuất hiện bằng ngôn ngữ hiện đại hiển thị không còn úp mở như ca dao nữa:

“Trăm năm bia đá thì mòn

Nghìn năm chó đá mặt còn trơ trơ

Bao giờ cho đến bao giờ

Ô hay! Phận chó mà thờ cũng thiêng”.

Phương thức diễn đạt trong “Thần dược” cho dù là cảm hứng trữ tình hay những suy ngẫm về nhân tình thế thái dưới dạng tự sự, bao giờ tác giả cũng tìm ra được lát cắt điển hình giàu kịch tính, làm người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi những tín hiệu khác lạ, được bóc dần qua từng lớp vỏ ngôn từ:

“Váy áo chẽn ra điều dân tộc

Thỏ thẻ lời ăn tạo dáng nai rừng

Vốn tự có địu câu thơ mậu dịch

Rời bản làng em tuột ngụy trang”.

(Lột xác)

Ẩn sau những câu thơ đọc lên nghe ra khá bẽ bàng, trơ trẽn, hình như còn một tầng nghĩa nữa không mấy liên quan đến thân phận những ả ca ve. Điếm nhấn của đoạn thơ này là một câu ẩn dụ xuất thần, tích hợp được cả hai nghề “làm thơ” và “bán hoa” : “Vốn tự có địu câu thơ mậu dịch” như một trò chơi chữ nghĩa, trào lộng hiện tượng lạm phát “nhà thơ” và gái đĩ thời mở cửa.

Đối với thơ, thời nay người đọc thường không chú trọng lắm đế đề tài. Anh nói cái gì không quan trọng, mà quan trọng là nói như thế nào. Vì thế, với những cây bút tài năng, cho dù những việc “muôn năm cũ” nhưng nó lại rất mới bởi tác giả tìm được cách diễn dịch có khả năng cảm hóa người đọc. Từ một hiện tượng bất chợt, qua cái nhìn thấu thị của nhà thơ, hiện thực cuộc sống hiện ra với tất cả sự trần trụi, ngược ngạo của nó:

“Xăng dầu tăng, ga, điện đều tăng

Môi đỏ mắt xanh hùa theo lên giá

Chỉ sức người và thơ là rẻ…”

(Vô đề 8)

Một mảng thế sự mang trong nó nghịch lý hoàn toàn nghiêm túc nhưng lại được giải thích dưới góc độ đạo đức chính trị. Cho nên, để phản ứng một cách có “văn hóa”, tác giả không dùng “nghịch ngôn” mà sử dụng những lớp từ có biểu tượng đa nghĩa giống như hiện tượng đánh tráo khái niệm nếu ta đọc tiếp đến bài “Vô đề 9”:

“Thuyền trưởng kém để con tàu mắc cạn

Thủy thủ đoàn vùi xác đáy biển sâu

Ban giám đốc ở bờ rút kinh nghiệm

Không phải thuyền trưởng ngu, chỉ tại con tàu”.

Có thể xem, “Vô đề” là mảng thơ thế sự, trình bày hiện thực xã hội dưới những cách thức khác nhau bằng lớp ngôn từ giầu sắc thái biểu cảm, trong đó, bao hàm cả khía cạnh hài hước, phúng thích. Nó vốn là bản chất cuộc đời, một phần trong văn hóa giao tiếp, có xu hướng ưu thắng ở những thời kỳ xã hội suy thoái, con người bị tha hóa:

“Gió chưa đổi chiều lá đã lật mặt

Rễ trong lòng đất ngậm ngùi đau

Nấp sau tượng gỗ nam mô phật

Câu thơ từ lâu biết lá đã đổi màu”.

(Vô đề 22)

Vẫn với giọng điệu gai góc nhưng sắc thái trào lộng, bài “Đại nạn” dưới hình thức thơ tự do, tác giả viết như là bản cáo trạng được quan tòa đọc trước đám cử tọa tự nhận là vô can bởi những điều khoản mơ hồ trong “Luật Tố tụng” được các nhóm lợi ích soạn thảo, cố ý để chừa những khe hở mà một chú voi có thể lọt qua. Toàn bài là một thứ thơ – văn xuôi được diễn giải bằng một loạt câu hỏi tu từ, không cần trả lời, người đọc cũng biết chúng là ai:

“Thương các cụ rùa Hồ Gươm nghìn năm miệng ngậm chuôi gươm cổ

Đang sống chung với lũ rùa tai đỏ hôm nay

Kẻ nhập ốc bươu vàng là ai

Ai lại hỏi ai lắc đầu quay quắt

Tập thể tán thành, cá nhân phụ trách

Nên thần Kim Quy dằn lòng sống với ngoại lai

Ai du nhập rùa tai đỏ về đây

Gió thổi âm u

Chẳng là ai cả”.

(Đại nạn)

Ngoài khuynh hướng cáo trạng, bài thơ còn thấp thoáng đâu đó thứ “ngôn ngữ văn bản hành chính” được đặt không đúng chỗ tạo nên hiệu ứng giễu nhại “Tập thể tán thành, cá nhân phụ trách” của phương pháp Hậu hiện đại kết hợp với lối tả điểm xuyết kiểu liêu trai “Gió thổi âm u” làm bối cảnh. Từ “ai” được hoán đổi vị trí trong tiếng vọng mơ hồ của hồn thiêng sông núi khi mà không gian sinh tồn vốn đã chật hẹp lại bị lũ quái vật tai đỏ xâm thực:

“Đánh thức những cánh đồng còn mê man ngái ngủ

Về loài ốc bươu vàng và loài rùa tai đỏ quái thai

Thứ lạc loài ai nhập về đây

Ai, hỏi ai…chẳng là ai cả”.

(Đại nạn)

Ở bài “Tô Thị sống”, chúng ta lại một lần nữa bắt gặp hiện tượng “nghịch ngôn” trong “Thần dược” khi mà tác giả khuyên mọi người chẳng cần du lịch đến Lạng Sơn mà vẫn có thể gặp nàng Tô Thị. Rõ ràng đây là cách nói thậm xưng của thi pháp ca dao, nhưng là lối thậm xưng “có cơ sở pháp lý” từ những hiện tượng phổ biến trong xã hội đầy những nghich lý:

“30 năm cầu nối bờ sông

Đất nước tôi có cả ngàn Tô Thị sống

Đêm đêm mở cửa đợi chồng

Lặn lội nghĩa trang tìm hài cốt con

Đốt cả triệu nén nhang lửa không đủ ấm

Nghe gió mùa đông cắt thịt những cánh đồng

Ra đến đầu làng tôi gặp Tô Thị sống

Thôi! Chẳng cần du lịch đến Lạng Sơn”.

Tạm thời không nói đến ý nghĩa xã hội (điều này bạn đọc thừa hiểu), mà điều cần bàn ở đây là cấu trúc một một bài thơ hiện đại qua hình tượng có tính truyền thống là “Tô Thị” được tác giả “xoay trục” khỏi nội hàm cổ tích, khoác cho nó một giá trị mới mang cảm quan thời đại. Bài thơ có được tứ “Tô Thị” rất vững, nên trong quá trình khai triển, cho dù ý tưởng được ẩn dụ ở tầng sâu, nó vẫn neo được vào lòng người ấn tượng sâu sắc về số phận cay đắng của một dân tộc sau những xung đột ý thức hệ triền miên, đẫm máu, một bài học lịch sử cần phản tỉnh.

Thói đời đã có “cầu” ắt phải có “cung”. Trong mọi lĩnh vực hoạt động ở thời kinh tế thị trường có “định hướng” này, các “thượng đế” luôn được cung cấp những “dịch vụ” tốt nhất theo sở thích. Các di tích lịch sử được trùng tu hay tân tạo cấp tập thường nghiêng về mục đích kinh doanh hơn là mục tiêu văn hóa. Vì thế, đình chùa, miếu mạo nghiễm nhiên biến thành nơi buôn thần bán thánh cho dù đấy là một ngôi chùa vong bản mang đậm phong cách kiến trúc “nước lạ”, hay những hang động cơi nới được trấn yểm bằng cặp sư tử Tàu nhe nanh múa vuốt hù dọa khách thập phương:

“Nhìn bề ngoài như đỉnh núi uy nghiêm

Hổ phục long chầu xếp hàng ngút ngát

Nhưng ruột núi chỉ toàn hang hốc

Hào nhoáng bên ngoài mà ruỗng bên trong”.

(Ngộ)

Phạm Xuân Trường có biệt tài mà ít người sánh được là khả năng “diễn dịch” tức thời một hiện tượng xã hội tưởng như chẳng có gì liên quan đến thơ thành bài thơ châm biếm, hài hước, bề ngoài thì ra vẻ cười cợt nhưng bên trong lại là nỗi đau cho cả một dân tộc vốn có truyền thống hiếu học. Đó là hiện tượng lạm phát học hàm, học vị đến mức các phương tiện truyền thông của Nhà nước cũng phải thừa nhận như một vấn nạn. Vì thế, chẳng có gì khó hiểu khi mà những “lò ấp” siêu tốc công nghệ cao liên tục cho xuất xưởng loại sản phẩm kiểu này:

“Cấp 2 trượt văn toán

Nó bỏ nhà đi hoang

Năm mươi năm gặp lại

Ông tiến sĩ người làng

[…]

Kỷ niệm ngày họp lớp

Nó phát biểu oang oang

Hai bàn tay chém gió

Đám học sinh kinh hoàng…”.

(Tao bỏ tiền mua tao)

Một ông tiến sĩ viết văn chẳng thành câu, cũng như không giải nổi phương trình bậc nhất lại đường đường “chủ nhiệm đề tài” được xem như là mode(2) của thời @, bởi thị trường luận án, luận văn trên “sàn giao dịch” luôn sôi động với đủ mọi mánh lới tinh vi, vô cùng hấp dẫn, rất khó cưỡng lại. Vụ scandal(3) Đàm Khải Hoàn ở Đại học Thái Nguyên chỉ là trường hợp “đồng chí bị lộ”, người ta sẵn sàng cho “chìm xuồng” không mấy khó khăn. Vì thế, khi nói về sự nhếch nhác này của nền giáo dục Đại học Việt Nam, tác giả đã sử dụng ngôn ngữ trâng tráo của chính kẻ trong cuộc để tăng sức thuyết phục:

“Thương trường là trường học

Mánh lới đời dạy tao

Có tiền có tất cả

Tao bỏ tiền mua tao”.

(Tao bỏ tiền mua tao)

Không phải bỏ tiền mua bằng tiến sĩ mà là “bỏ tiền mua tao”. Đây há chẳng phải là nghịch lý đời thường?

Thế nhưng, cái mảng u ám ấy không phải là tất cả. Bầu trời đêm sâu thẳm vẫn le lói những vì sao, mà học giả Nguyễn Trần Bạt là một trong số hiếm hoi đó. Phạm Xuân Trường có cơ may quen biết Nguyễn Trần Bạt, người từng có tác phẩm nổi tiếng “Đối thoại với tương lai” và trang web “chungta.com”. Tác giả thể hiện lòng kính trọng nhân cách và tài năng nhà khoa học này bằng bài thơ “Tôi còn đủ thời gian đến được ngày mai” vốn là tựa đề cuốn sách của Nguyễn Trần Bạt xuất bản năm 2013, trong đó có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, xã hội. Bài thơ giống như bức phác thảo chân dung tinh thần con người luôn đi trước thời gian với những kiến giải thông minh, táo bạo, đầy sức thuyết phục:

“Tôi cúi đầu kính phục

Bằng cả tấm lòng với hồn thơ chân thật

Trong chiếc ‘chuồng người’ bất lực ngắm mây bay

Vượt làm sao qua những giới hạn

Tôi còn đủ thời gian đến được ngày mai???

Ông – người yêu sự bình yên

Sao cứ nặng lòng về đất nước hôm nay”.

Cuộc đời đầy những nghịch cảnh nên mới có đất sống cho những “nghịch ngôn thi” kiểu Phạm Xuân Trường. Trong kho tàng cổ tích, ca dao, tục ngữ…chuyện ngược đời không hiếm, nhưng như phần đầu người viết đã nhận xét, “sự hiếm” ấy nhiều khi lại phụ thuộc vào cách kể, mà cách kể gây ấn tượng nhất có khi lại bằng… lục bát. Trong bài “Tạ ơn chó”, tác giả chỉ dùng đại từ nhân xưng ở hai ngôi “tao”, “mày” hoán đổi nhau qua một chuỗi những sự kiện về mối quan hệ giữa người chủ và con chó Nhật trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng do những sai lầm từ chính sách vĩ mô, con người bị đẩy đến bước đường cùng, phải “tự cứu mình trước khi trời cứu”, thì loại chó cảnh lông xù này luôn là thần hộ mệnh của không biết bao nhiêu gia đình nghèo.

Bài thơ thực chất là câu chuyện ân tình giữa người và chó bằng thể loại lục bát đầy ắp chất liệu sống. Đó là chứng cứ hùng hồn về một giai đoạn lịch sử đen tối, và nếu không có những nghịch lý như: “Lương hưu dẫu có thế nào/ Suất ăn mày phải hơn tao: thằng ngươi/ Con tao ốm sẽ khỏi thôi/ Mày hâm hiu cả nhà cười héo hon”, thì đã mấy ai đủ tỉnh táo thoát ra khỏi cái bẫy vô hình giăng mắc khắp nơi chỉ có một việc duy nhất là bần cùng hóa con người?

Sự nhạy cảm của tác giả cùng với những dòng tự sự được diễn đạt bằng ngôn ngữ trần trụi như khóc như cười chảy ra từ ngòi bút nóng bỏng cảm xúc giống như một thứ cổ tích hiện đại:

“Ti vi xe máy rong chơi

Con vào đại học thành người: mày nuôi

Chó là báu vật vàng mười

Giảm nghèo xóa đói cuộc đời từ đây”.

Cũng chính vì những công tích “trời biển” trên của “Mino” nên ông chủ mới tỏ lòng tri ân qua những dòng thơ đẫm nước mắt ai điếu cho vong linh con nghĩa khuyển sau khi nó chết:

“Thế mà mày bỏ tao đi

Những tài sản chó cho thì còn đây

Nhìn đâu cũng thấy bóng mày

Bồi hồi thương nhớ những ngày hàn vi

Câu thơ nặng trĩu như chì

Tạ ơn chó biết nói gì: cố nhân”.

Một bài điếu văn ai oán cho chó, mới nghe có vẻ ngược đời, nhưng buồn thay, đó lại là sự thật. Từ nghịch lý trên, ta có quyền liên tưởng đến mối quan hệ giữa người và người trong một xã hội mà cách ứng xử không còn dựa trên nền tảng đạo đức, mà thay vào đó là những giá trị hoàn toàn xa lạ với truyền thống văn hóa người Việt. Chó và người là hai thực thể khác nhau, nhưng con chó trong bài thơ có vẻ như không phải là chú khuyển vô giáo dục, nên sau khi nó “qua đời” mới được loài người ghi nhớ công trạng. Đương nhiên làm được bài thơ như thế đã lắm công phu, nhưng chọn cho mình một cách nói riêng, không lẫn với bất cứ cá thể nào trong một cộng đồng “đậm đà bản sắc” với hàng vạn người cầm bút, mà hết thảy đều tự nhận mình là “nhà” hay “thi hữu”, còn công phu hơn nhiều, nhất là đối với loại thơ chỉ toàn…nói ngược! Mà đã nói ngược là phải vận dụng đến thủ pháp châm biếm, giễu nhại, phúng dụ, thậm xưng. Bài “Đầu xuân đọc Tam Quốc” xem ra ít nhiều cũng có phẩm chất trên:

“Chỉ vì ba lạng phù vân

Nghìn năm vết nhục vừa gần vừa xa

Vợ con cũng là vợ cha

Bố con úp mặt vào hoa thập thành”.

Công bằng mà nói, đây là hiện tượng xã hội khá phổ biến trong thời kỳ nền chính trị của một vương triều suy thoái, các tập đoàn phong kiến xung đột, xâu xé lẫn nhau tranh giành chiếc ghế quyền lực. Hình ảnh “hoa thập thành” được chuyển hóa sang phạm trù đạo đức. Nó có sức mạnh hạ bệ, giải thiêng thần tượng, là ngọn roi quất vào thói đạo đức giả, bóc lớp kim nhũ vàng son để lộ ra sự thật nhầy nhụa của đấng “minh quân” xưa nay người đời vẫn xì xụp lễ bái. Ẩn ý của tác giả không có gì khó đoán, nhưng cái đáng nói ở đây lại là sự mặt dày, trâng tráo vô liêm sỉ của những kẻ luôn tự xưng là cha mẹ dân, những bậc “cửu ngũ chi tôn”4 lại ngang nhiên có những hành vi của loài cầm thú.

Tìm hiểu kỹ cấu trúc “thơ ngược” trong “Thần dược”, ta còn nhận ra những dạng thức khá linh hoạt, phóng túng ngoài kiểu nhại dân gian. Thông thường, tác giả tạo cho sự kiện nào đó cái vỏ giống như một câu chuyện kể ở cấp độ phổ thông nhất, không loại trừ cả chuyện đầu làng cuối chợ. Nhưng phần “ruột” của nó lại ngầm chứa cách “kể” hoàn toàn khác, giọng điệu khác, vừa nghiêm túc vừa cợt nhả, vừa chính thống vừa mang tinh thần “Cuội”, nhằm kích động tâm lý người đọc, mục đích là để họ nhận thức sâu hơn về vấn nạn vô phương cứu chữa của nền “văn hóa dối trá” đang tàn phá phẩm chất, tư cách dân tộc:

“Ngày xưa có thơ đăng báo

Bọn mình ào đến bắt khao

Từ ngày nó thành sáo sậu

Thơ như son phấn bạc màu

Văn chương trên đường trảy hội

Chúng mình và nó lạc nhau…

Bỗng dưng nó được giải thưởng

Hỏi thơ thằng ấy thế nào…”.

(Nín lặng)

Nếu làm một trắc nghiệm nhỏ, kẻ viết bài này dám chắc, hầu hết quý độc giả, sau chỉ đọc xong, chỉ gật đầu lẩm bẩm: “Chuyện thường ngày ở huyện”5, biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Xin thưa rằng, cái nguy hiểm là ở chỗ đó, bởi một hiện tượng như thế mà người ta cho là bình thường, không đáng quan tâm, thì đủ biết thói quen dối trá và căn bệnh vô cảm đã ăn sâu vào tâm lý con người như thế nào. Rõ ràng về cả khía cạnh xã hội và đạo đức, bài thơ là một lời cảnh báo, nhưng nó chẳng khác gì nước đổ đầu vịt, bởi trong cuộc sống hôm nay còn nhiều chuyện ngược đời mà cấp độ của nó nguy hiểm gấp vạn lần… thơ nhạt.

Nói “thơ ngược” là theo luận điểm của các nhà “quan phương học”, thực chất những bài thơ chúng tôi vừa dẫn ra trong “Thần dược” chính là “thơ xuôi” dưới con mắt bao quát của người cầm bút có lương tâm và trách nhiệm công dân với cộng đồng. Để khép lại bài viết này, xin dẫn ra đây mấy câu lục bát trong bài “Nhân chuyện Hà Nội chặt cây” của Phạm Xuân Trường mà người viết bài này xin phép không bình luận, gửi đến bạn đọc cùng suy ngẫm:

“Một chiều Hà Nội mưa mau

Hai nghìn cổ thụ thay nhau ngả dần

Hai nghìn cái gốc phù vân

Hai nghìn mặt thớt dần dần phơi ra”

(Nhân chuyện Hà Nội chặt cây)

Chí Linh, 11/11/2015

Đ.V.S.

(1) Tập thơ của Phạm Xuân Trường, NXB Hội Nhà văn, 2015

(2) Tiếng Pháp: thị hiếu

(3) Tiếng Pháp: bê bối

(4) Thành ngữ Hán (九五之尊): bậc tôn quý ở ngôi cửu ngũ, chỉ vua, chúa. Các từ九 (cửu)五(ngũ) vốn là tên gọi hào lẻ, xếp thứ 5 trong quẻ Bát quái. Hào này thường gọi là hào “vua”

(5)Tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn V. Oveskin thời Liên Xô, được xuất bản ở Việt Nam

Comments are closed.