Vì sao ngày càng nhiều người Việt Nam rời bỏ thiên đường xã hội chủ nghĩa?

Đào Tiến Thi

Hồi còn tại vị, trong những dịp long trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thường ngợi ca “đất nước thay da đổi thịt”. Cách đây chưa lâu, TBT Nguyễn Phú Trọng bảo: “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”… Những lời “tự sướng” đại loại như thế vang lên mỗi dịp hội hè (mà đất nước thì quanh năm hội hè).

Ấy thế nhưng những lời có cánh đó hình như chỉ lọt tai đám dân đen nghèo đói, chứ đâu lọt tai được đám quan chức và đám đại gia tiền nhiều như quân Nguyên, thậm chí cũng không lọt tai cả tầng lớp trung lưu mới tạm có bát ăn bát để. Ba loại người này luôn luôn tìm cách rời bỏ thiên đường xã hội chủ nghĩa mà chính họ cũng luôn mồm ca ngợi tốt đẹp. Chính họ rời bỏ, dù đã có tuổi, nhưng đặc biệt là cho con cái. Càng ngày họ càng cho con cái đi du học sớm hơn.

Theo bà Phạm Chi Lan, có hai lý do chính:

1. Để tránh con em phải tiếp nhận một nền giáo dục (GD) yếu kém.

2. Để tránh cuộc sống bất an. Có nghĩa là từ bỏ hẳn thiên đường quê hương để chấp nhận kiếp sống tha hương lữ thứ.

Tôi nghĩ nguyên nhân thứ hai mới là nguyên nhân chính, đích thực. GD yếu kém – thì tất nhiên rồi. Nhưng hãy thử tưởng tượng nếu nền GD ấy đào tạo được những sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ mà tài đức chẳng gì kém thiên hạ thì có đất sống ở thiên đường quê hương không? Chắc chắn là không. Tìm được một việc làm khiêm tốn với đồng lương khiêm tốn, và nhất là MỘT CUỘC SỐNG LƯƠNG THIỆN (không phải ăn cắp, không phải nói dối, không phải cúi đầu, không phải quay mặt,…) đã khó lắm thay, huống hồ muốn thăng tiến, muốn phát triển tài năng?
Nhân bà Phạm Chi Lan nói không ít về giáo dục, tôi thấy cần nói thêm ít câu. Bà Phạm Chi Lan nói: “Họ không muốn thay đổi, dạy những đứa trẻ biết vâng lời, nhồi một đống kiến thức như tụng kinh… trong khi xã hội thay đổi bao nhiêu”. Vừa rồi ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chê nền GD hệt như vậy. Ông Nhân gọi là nền GD Vâng-Dạ. Tuy nhiên, không như ông Nhân, chỉ đổ riệt cho GD, bà Lan đã chỉ ra phần nào căn nguyên: “Sự bảo thủ, trì trệ trong giáo dục bắt nguồn một phần quyền lực như vậy gây ra”. “Quyền lực như vậy” là quyền lực nào? Theo bà Lan, đó là “thể chế không minh bạch, tham nhũng, nhóm lợi ích”, tất cả đã làm méo mó sự phát triển, gây nên vấn nạn trong giáo dục. Bà Lan không chỉ đích danh nhưng đã cho ta thấy phần nào “nguyên nhân của nguyên nhân”.

Vâng, nguyên tắc Vâng-Dạ là nguyên tắc của toàn xã hội chứ đâu chỉ riêng GD. Đó là nguyên tắc của thể chế toàn trị. Nhiều người gọi người dân sống trong thể chế toàn trị là những con cừu, như thế chưa được chính xác lắm. Chính xác, phải gọi là những con trâu, con ngựa. Hai loại súc vật này rất khôn nhưng cũng rất ngoan. Nó hiểu tiếng người và răm rắp làm theo lệnh của người mà không bao giờ chống lại.

Vậy những con người rời bỏ thiên đường, ngoài chạy trốn cuộc sống bất an, phải chăng họ còn muốn tránh cuộc sống trâu ngựa? Nhất là cho con cái họ.

Tham khảo:

https://infonet.vn/ba-pham-chi-lan-di-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-…

http://vietnamnet.vn/…/nhin-tong-quat-dat-nuoc-co-bao-gio-d…

Comments are closed.