Về chuyện “hòa hợp” giữa các nhà văn trong-ngoài nước

Hoàng Hưng

Gần đây, FB hơi rầm rộ về vụ “Thư ông chủ tịch Hội Nhà Văn VN (HNV) Hữu Thỉnh (HT) mời nhà văn Phan Nhật Nam (PNN) ở Hoa Kỳ và thư đáp của ông Phan”. Nổi bật là những bài của 2 người bạn tôi: nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (NTT), nhà báo Lưu Trọng Văn (LTV) rất nhiều người bình. Tôi có tham gia bình trên những stt của hai bạn. Và đọc tất cả lời bình từ trong-ngoài nước.
Nay xin nói rõ ràng, sòng phẳng một lần, rồi thôi, về việc này:

1. Chỉ đọc các lời bình, thấy rõ lòng người Việt hiện còn rất ly tán về những gì liên quan đến cuộc chiến VN. Đó là cái gốc của mọi chuyện. Nhà văn trước hết cũng là người dân VN thôi, chưa nói họ là những người nhạy cảm nhất, và nói lên mạnh mẽ nhất lòng người. Cho nên “Hòa hợp” thật sự còn xa vời. Đó là sự thật rất đau lòng, ko biết bao giờ mới “giải oan cho cuộc bể dâu này” (thơ Tô Thùy Yên – TTY). Còn trách nhiệm là từ ai, ai là chính, xin bàn vào dịp khác.
2. Tuy thế, mọi cố gắng tìm đến “hòa giải, hòa hợp” đều đáng quý, kể cả việc ông HT thư mời PNN và 1 số người khác (như TTY) hay những stt của nhà thơ NTT cho thấy.
3. Nhận hay ko nhận lời mời là do quan điểm cá nhân, chắc chắn xuất phát từ quan điểm về cuộc chiến (tôi biết các nhà văn Việt ở Mỹ có những quan điểm khác nhau v/v này). Nhưng còn quan trọng nữa: từ quan điểm của họ về tính chất, đường lối, vai trò của HNV VN hiện nay (tổ chức mà ông HT đại diện đứng ra mời). Nếu là lời mời của cá nhân hay một nhóm tự do, tự phát (giả dụ NTT, LTV, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê, Ng Duy, Thanh Thảo,… kể cả 1 số quan chức HNV nhưng nhân danh nhà văn độc lập như Ng Bình Phương, Ng Q Thiều…) thì chắc chắn số người nhận lời về sẽ nhiều hơn đấy.
4. Vậy bây giờ nói về HNV VN. Sòng phẳng nhé: nhiều nhà văn hải ngoại dù thâm tâm muốn về nhưng sẽ rất khó quyết định một khi HNV đưa cái motto to đùng trên đầu báo Văn Nghệ “Vì chủ nghĩa xã hội”, và khăng khăng đòi nhà nước công nhận mình là “tổ chức chính trị”. Tôi ko hiểu 1 số người bình luận trên FB cứ nói: các nhà văn hãy ngồi với nhau vì lý tưởng văn học thuần túy, đừng ghép chuyên chính trị vào, sẽ trả lời thế nào về ý này? Nói thật, tôi nghĩ đến hình ảnh “đà điểu rúc đầu vào cát”.
Đó là chưa nói đến thái độ k

ỳ thị công khai của HNV với nhiều nhà văn tên tuổi ko nhỏ, đã từng đóng góp nhiều cho HNV, nhưng nay muốn đứng ra lập một tổ chức độc lập với chính trị (Ban vận đông Văn đoàn Độc lập VN). Nhiều người đã bình có lý: HNV hãy “hòa hợp, hòa giải” với các nhà văn trong nước cái đã.
5. Thư trả lời của nhà văn PNN quá thẳng thừng, và móc lại các chuyện về cuộc chiến, khiến ko ít bạn trong nước phản ứng. Tôi thấy đó là do tính cách cá nhân của ông ấy, và nói thẳng chưa chắc đã là ko hay, vì qua đó ta hiểu thực chất vấn đề, ko né tránh (như ý 1 của tôi đã nói). Tôi biết nhà thơ TTY cũng nhận 1 lá thư tương tự của ông HT, và đã khéo léo từ chối. Đó cũng là do tính khí của ông ấy, còn quan điểm ông ấy ko nói thì cũng ko biết ra sao, ta ko cần đoán. Anh LTV nói: nhưng nếu PNN ko chịu về nước thăm quê hương, anh em, đồng bào thì là chuyện khác. Ông ấy đã về. Thậm chí chưa về lúc này cũng ko trách đc. Nhà văn Vũ Thư Hiên, nòi cách mạng gộc, còn cho biết chưa tiện về VN lúc này, dù chỉ là thăm gia đình, thì có lý do quá chứ nhỉ?
6. Túm lại: nhà văn trong hay ngoài nước, chẳng bao giờ thù oán nhau (trừ thói xấu ganh ghét tài nhau, nói xấu nhau khi nhậu nhẹt, thì ở đâu cũng có, hihi…), chắc chắn sẽ vui vẻ gặp gỡ chuyện trò về văn chương, nếu ko dính dáng đến 1 tổ chức chính trị của nhà nước CS mà họ phản đối về căn bản. Thế thôi, xin đừng đánh đồng hai chuyện!

H.H.

THAM KHẢO: HAI BÀI THƠ TỪ HẢI NGOẠI GỬI CHO HOÀNG HƯNG

Chúng ta nói về những cơ hội đã mất

Nhân đọc các thư và facebook status của Nguyễn Trọng Tạo, Phan Nhật Nam, Hữu Thỉnh, Hoàng Hưng

Nguyễn Đức Tùng

Chúng ta nói về những cơ hội đã mất

Nhưng chúng chưa bao giờ có thật với người khác

Chúng chỉ có thật trong lòng chúng ta

Chúng ta ngồi xuống, chúng ở đây, chính nơi này

Trong căn phòng chúng ta, nhành hương từng ở lại

Trong chăn gối chúng ta, cây chuối dại tỏa mùi thơm

Bánh mì, cà phê đen, mùi lúa chín

Nụ hôn đầu tiên, buổi học cuối cùng, đám cưới chạy giặc

Chúng ta có cơ hội khác

Mà kẻ khác không có, họ không bao giờ biết

Chúng ta trở về đêm đêm, tiễn đưa một người chết

Ngồi quanh quê hương của mình như ngồi trong nhà bếp

Đây là cái bàn, cái ghế, đây nồi cơm, bát, đũa, muỗng, và chúng ta ngồi xuống

Đây là hòn đá, đây là lá trầu

Không ngớt tranh cãi nhau về cơ hội

Đã mất, lắng nghe cơn mưa bồi hồi tiếng khóc trẻ con

Đất lật vỡ cày bừa, quanh quê hương ấy

Chúng ta tranh cãi, thắng thua, lừa dối, ôm nhau, cười đùa, cầm tay, làm tình, sinh con đẻ cái

Những cơ hội mà chúng ta đã mang đi, đem về lại, rồi lại mang đi

Trong trái tim đau đớn của chúng ta, gầy yếu, nặng nề, nhưng chưa hề ngưng đập

Những kẻ khác thật ra không bao giờ biết.

Nguyễn Đức Tùng

tập nói

Hoàng Xuân Sơn

có chắc gì chúng ta gặp nhau tự do*

mà không có con mắt dòm qua lỗ khóa

những gọng kìm cặp kè

những viên đạn vẫn còn bắn đi

từ lũ đầu óc mã tử

có đứa đã từng bận áo xú uế cho tối thiểu bình quyền

tự do ôi tự do

cứ tin đi, các bạn

những cơn ho lặc lè vẫn còn đó

thổ huyết mùa đông

bầm dập xuân hè

những cái khóc dù không đồng bộ

như cùng xứ sở ủn ỉn

cái khóc nhiều khi đẩy ngược vào bên trong

làm thành nụ cười méo mó

giả lả.  và giả trá

có giá nào không phải trả

chúng ta lại bắt đầu tập đọc

đánh vần không phải đơn giản từ a.b.c

mà phải lội ngược dòng

z.y.x . . .

Comments are closed.