VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (103): THƠ TRÊN TẠP CHÍ SÁNG TẠO (2)

CÁNH ĐỒNG CON NGỰA CHUYẾN TÀU

Tô Thuỳ Yên

Trên cánh đồng hoang thuần một màu

Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi

Tàu chạy mau mà qua rất lâu

Tàu chạy mau tàu chạy rất mau

Ngựa rượt tàu rượt tàu rượt tàu

Cỏ cây cỏ cây lùi chóng mặt

Gò nổng cao rồi thung lũng sâu

Ngựa thở hào hển thở hào hển

Tàu chạy mau vẫn mau vẫn mau

Mặt trời mọc xong mặt trời lặn

Ngựa gục đầu gục đầu gục đầu

Cánh đồng a! Cánh đồng sắp hết

Tàu chạy mau càng mau càng mau

Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ

Như giữa nền nhung một vết nâu.

(Sáng Tạo số 7 tháng 4 năm 1957)

 

 

GIAO DUYÊN

Trần Lê Nguyễn

 

Từng kiếp sống bồng bềnh

Bước chân lầy lối ngõ

Tiếng gọi đò hối hả

Giữa khuya

Ngọn đèn ai còn đỏ lửa

Mười năm trời không làm thơ

Đêm nay bút cày luống chữ

 

Một dòng sông đôi bờ thành phố

Ngoại ô đại lộ

Gái điếm về già thổ huyết đêm qua

Tiếng cười rú trong túp lá

 

Đau nhói bàn tay

Từng thớ chữ xa rời tim óc

 

Những giọt mồ hôi nhỏ trên nền đất

Gió nghiêng vách trống

Mái lá chiều mưa

Nước đổ từ nguồn dạt về đôi nhánh củi

Có chân anh thủy xưởng Ba – soong

Có bàn tay cô gái Ô – mền

Khung trời xanh

Con đường nhỏ đi về hướng nắng

 

Ngoại ô trời đen khói bụi

Mái nghèo

Đồng ruộng mông mênh

Lạc lõng vào đây vài ổ đĩ

Đèn khuya cửa ngõ

         Đêm qua Sáu Nhỏ không về!

Trôi dạt vào đây vài anh chị

Búa rìu vằm nát tay trai

Có tiếng la trời ơi ới

Bài thơ thành phố ngoại ô

Anh viết đỏ ngầu máu mắt

Từng trang bản thảo trùng lao

Khuôn mặt võ vàng thiếu máu

Đêm trong thức lụi canh dài

Bao lần tiếng chó tru đêm

Mà sao giấy trắng hoen vàng

 

Anh gục một chiều mệt lả

Hoàng hôn đổ xuống lòng sông

Ba mươi tuổi chưa vợ

Tác phẩm rồi đem bán “son”

 

Con sông chảy đều ra biển

Tôi nghe như tiếng than dài cuộc đời nức nở

Ngồi xếp từng trang viết dở

Ngực tôi không ruỗng trùng lao

Thơ chép tên anh lên sách

Ngày nao, ngày mốt, ngày mai?

 

Nắng hẻm ngoại ô

Lan dần đại lộ

Bóng xiên hè phố Tự Do

Nghe những miếng đời tan vỡ

Cốc rượu tạ từ chua cay

Những người đàn bà mắt biếc

Những màu những sắc đua chen

Những khối những hình nghiêng ngửa

Cô gái in cong khung kính

Tóc nâu rối nếp viễn phương

Ngăn tủ sách nào khêu gợi

Đêm lên ánh sáng chan hòa

Ngập lụt cả đường âm điệu

 

Tôi tìm lần về ngõ hẻm

Bùn lầy in bước mưa đêm

Cánh cửa đợi chờ để ngỏ

Đầu nào gục xuống tay em

Dòng sông nối liền thương nhớ

Đôi bờ thành phố giao duyên

 

(Sáng Tạo số 17 tháng 2 năm 1958)

 

 

ĐỜI RÚT XUỐNG

Viên Linh

 

một ngày tôi lùi dần xa nỗi xót thương

trở về âm thầm ngồi nghe đời rút xuống

mười nhánh tay khô mình tự vuốt ve

loài rễ cô đơn mọc trên miền hối tiếc nọ

 

lệ rụng lá xanh một ngày ẩm mục

cây một ngày cao trên mối ăn năn

rồi kỷ niệm rơi xuống mình thánh thót

những giọt buồn gieo suốt khối đau thương

 

tôi đặt hai tay trên vừng trán rộng

thôi còn gì đâu chút tuổi thơ

khi soi vũng nước kia rồi lệ rụng

đánh vòng trên mặt giếng ưu tư

 

ôm mối bi ai tôi về nằm lịm

tâm hồn dù ưa đổi điệu luôn

 

thôi bây giờ chúng ta người lạ mặt

đi mỗi đường gây dư luận riêng.

 

(Sáng Tạo số 4 – bộ mới – tháng 10 năm 1960)

 

 

ĐỜI SỐNG

Thạch Chương

 

Không, hạt lúa không thèm thuồng cuộc sống

Và côn trùng không đòi, muốn sinh thêm

Những hành tinh không đòi đủ ngày đêm

Và vũ trụ không đòi thêm rộng rãi

Nhưng tôi muốn, tôi còn đòi, sống mãi

Tôi đòi yêu, tôi còn muốn được yêu.

Các anh ơi không khí phí bao nhiêu

Cho tôi thở, xin cho cùng thở với.

 

Và mặt trời, ôi bảy màu chói lọi

Và chim muông, ôi giọng hót thiên thần

Và lá, hoa, và gió, với mùa xuân…

Tôi thèm sống, trời ơi, tôi muốn sống

Tôi muốn được nghe nư và nhìn rộng

Đủ bốn chiều. Môi đòi cảm làn da

Tim đòi yêu và hơi thở giao thoa

Tôi van lạy: xin cho tôi có mặt.

 

Tôi không thuộc một phương trình đơn nhất

Một con số không tên

Vả sự tôi còn hay mất

Có giá trị hơn sự mất hay còn một hạt lúa

Bởi tự nó, nó không đòi có nữa

Nó không đòi chọn lựa

 

Tôi không chối cây nhỏ tự vươn ra ngoài ánh sáng

Và loài vật cần được sống, cần được còn

Và nam châm cần thèm kim khí

Hạt lúa cần nảy mầm, cần hủy thể

Nhưng chúng không biết chúng có mặt

Và không đòi thôi có mặt

Chúng là những hàm số ít biến thiên

Và không ngoài địa hạt cần và đủ

Bánh mì, ánh sáng, không khí cho tôi

Thảy đếu cần nhưng không bao giờ đủ

Bởi tôi biết yêu, biết ghét, thèm giận, thèm hờn

Và chính tôi còn biết sự tôi còn

Trả cho tôi quyền được sống của con người

Một mảnh sống toàn diện dưới mặt trời

Bởi quyền có mặt đã công nhận từ non hai thế kỷ

Là những quyền được muốn hay không làm, cảm và

 nghĩ

Tôi đòi một khí hậu thiên nhiên

Để dễ bề trưởng thành hồn nhiên

Và tôi nhất định từ chối

Những công thức, những phương trình giả dối

 

Tôi đòi có mặt

Tôi đòi được còn. Tôi đòi quyền sống

Và linh hồn tôi đòi giải phóng.

 

(Sáng Tạo số 21 tháng 6 năm 1958)

 

 

 

MỘT MÌNH

Thuỷ Thủ

 

từng chiếc gai trăng

xuyên qua linh hồn nhỏ

tôi đi lên đồi vắng

vết thương đầy hình hài

 

bước chân nghe nặng nhọc

bóng quấn lấy mình

trăng trái sầu cô độc

nức nở đêm thần linh

 

sáng trời khuya lạnh lẽo

thăm thẳm vô cùng

không một âm thanh reo

ngoài tôi dừng đứng

 

tôi đi trên đồi vắng

lê cuộc đời lê dương

Thượng Đế ơi! cô quạnh

linh hồn con độc hành.

 

(Sáng Tạo số 12 tháng 9 năm 1957)

 

 

RỒI ĐÔI CHÂN CỦA NÚI

Trần Thi Nhã Ca

 

Những chiếc lá của mùa thu

loài chim di màu xám

đương tan vào đêm đen

ôi đêm đen

giấc mộng nào đã làm tôi tỉnh dậy

 

Và trên không từ mút trời cao

thả xuống linh hồn này từng vùng lũng tối

xuyên cánh đồng đốm lửa đầu tiên

báo tin một vì sao tạ thế

một đám tang cử hành ngoài vô biên

trên lối đi hoa rắc thành bụi nhỏ

 

Con chim không kêu, gục đầu cỏ úa

 

Khi mỗi tiếng mình tan vào thinh không

đời sống ngắn lại như một sợi bấc đèn

rồi đôi chân của núi

dẫn tôi đi dạo vòng tròn

đi dạo vòng tròn và quay

trong không trung gió bão

giòng nước mắt rơi vào miền hối tiếc

làm sao nói với anh

 

Khi mỗi chúng ta tan vào thinh không

thinh không mà từ đó

lệ là mưa

xanh xao ngày tháng trên gò má

những mặt trời tan vỡ

 

Từng chiếc lá của mùa thu

loài chim di màu xám

đã tan vào đêm đen

ôi đêm đen, làm sao kể với anh

giấc mộng nào làm em còn sống mãi.

 

(Sáng Tạo số 7 – bộ mới – tháng 9 năm 1961)

 

 

THÂN PHẬN THI SĨ

Tô Thuỳ Yên

 

1.

Cô đơn bằng Thượng Đế,

Yếu đuối như linh hồn,

Làm sao tôi trèo lên

Vực thẳm tờ bản thảo

Trắng im lìm giá băng.

 

Ngó thấy tự đằng xa,

Cuộc đời hàm tiếu thật,

Tôi lỡ dại ôm ghì

Làm dập hoa, xước gai

Còn gì tuổi trẻ nữa?

 

Chắc tôi sẽ cắt đứt

Huyết mạch cánh tay buông

Tất cả máu có thêm

Dòng nào cho tiểu sử?

Có xóa giùm nó chăng?

 

Chẳng bao giờ danh vọng

Mọc đôi cánh lang thang,

Triết lý dạy cắn răng,

Tôi kiệt sức, kiệt sức

Cuộc đời, cuộc đời ơi!

 

2.

Thần thánh rủi hụt chân

Rơi xuống trần oán hận,

Thấy nhà thờ kính cẩn

Thành lưỡi gươm tuốt trần.

 

Có đọc thuộc thánh thư,

Linh hồn tôi vẫn vậy,

Tôi vẫn không thể lạy

Dù đứng trước hư vô.

 

Đầu tôi cứng và trơn,

Thượng Đế làm sao ngự?

Tôi đành tránh chủ nợ

Định mệnh đòi linh hồn.

 

Năm tháng nhúng hoàng hôn

Đến rã rời thể xác,

Tôi thấy đã mất mát

Tất cả trừ cô đơn.

 

Cuộc sống nhiễm lầm than

Nằm liệt trên buồn bã,

Thượng Đế điềm nhiên lạ

Tôi đánh liều cười khan.

 

(Sáng tạo số 26 tháng 11 năm 1958)

 

 

VÀ CHỦ NHẶT

Trần Dạ Từ

                             Cho Nh.

                               

tôi khóc như một đứa trẻ thơ

thế là bạn bè xa lánh hết

tôi còn chỉ căn nhà thuê nợ nần kéo níu

phương trời ấy em cười tan kỷ niệm

chiều đớn đau thành phố tủi hờn

tôi tìm lại đây

căn nhà thuê đã hết của mình

tôi ngồi xuống đây tôi nằm xuống đây

đợi một người hẹn đến

đợi một người hẹn đến

 

những giấc mơ xưa giờ vỡ tan tành

rơi xuống hồn tôi làm chết đời tôi

khi bạn bè phụ bạc

khi tình yêu chia cắt

thôi còn chi

này mắt tôi hoài mở trông chừng

và vầng trán sốt như lửa cháy

 

tôi khóc như một đứa trẻ thơ

nhìn mãi nhìn mãi bàn tay mình

hút điếu thuốc cuối cùng không vị giác

hồn băng giá đã khô nhiều nước mắt

chiều tàn rồi tàn rồi ôi đời tôi

thôi còn chi thôi còn chi

thế là người không đến

thế là người không đến.

                          

(Sáng tạo số 27 tháng 12 năm 1958)

 

 

Dừng chân

Võ Phiến

 

Ở Phú Yên, nhiều buổi chiều ngồi bên bờ sông.

Chung quanh, núi rừng trùng điệp, có con diều bay

muộn giữa trời. Mặt sông rộng, nước sáng. Lặng lẽ tư

bề; cát bụi của ban ngày chìm chầm chậm. Lâu quá,

ngồi hàng giờ mà buổi chiều chưa hết. Giữa sông, có

con bé trầm mình dưới nước, đưa lên một cái đầu

nhỏ, ngẩn ngơ nhìn mây nước; và đôi ba con bò

nghiêng đầu nghe tiếng sáo.

Ở Phú Yên, nhiều buổi chiều trong trẻo trôi rất chậm.

Như  một người đi trong khoảng đêm vắng, vừa đi

vừa nghe tiếng chân mình…

 

Ở Huế, có những buổi hoàng hôn dài. Hột thông khô

rơi lặng lẽ bên mình. Tiếng còi xe vẳng đến tai như đi

tìm một nơi yên nghỉ.

Ở Huế, có nhiều buổi chiều hoàng hôn xui nhớ đến nét mặt

thản nhiên của nhân vật trong bức tranh Tàu cổ…

 

Ở Bình Định quê nhà, chiều chiều đi chơi với em trên

đường ruộng nhỏ. Em bé chợt ngắt đứt một tiếng

cười giữa khoảng đồng vắng. Giật mình nhìn lên trời

cao, và ngó xuống: thấy đứa em bé quá. Và bốn bề

núi xa lặng lẽ…

 

Có nhiều buổi chiều, ở đây đó – gió im cây lặng. Có

cảm giác Vũ Trụ chợt chăm chú cúi xuống nhìn mình

         như những ngày nhàn rỗi ta nhìn một sợi lông trên

cánh tay ta óng ánh. Lòng rũ hết những bận rộn tủn

mủn của cuộc sống hàng ngày. Trong một lúc trống

trải vô tư, ta nhớ đến những hình ảnh rời rạc, lố bịch:

con vịt đứng một chân bên hè, con cóc nhảy dưới giọt

mưa, vẻ mặt một thằng bé hút thuốc, cái tai của ông

 thầy già, cái rún của người con gái…

Có nhiều buổi chiều, rũ sạch hết lòng ta, để cảnh vật

hoá nên trơ trẽn. Và tất cả cùng như ngừng lại sau

 một cuộc chạy đua dài; đối diện nhau cùng đánh

 những cái dấu hỏi trước mặt nhau: ta trước đất trời,

đất trời trước mặt ta…

Và cuộc đời của ta sừng sững trước mặt ta.

 

(Sáng tạo số 27 tháng 12 năm 19958)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.