Văn học miền Nam 54-75 (283): Nguyễn Thị Hoàng (6)

Vòng tay học trò

Chương 4

Tiếng cười nói ầm ĩ trong văn phòng giáo sư vẳng ra. Trâm ngập ngừng đứng lại bên cánh cửa. Nàng nghe rõ giọng Huế giống như giọng con gái của Khoa:

– Đàn cũ mà khá. Tớ mới mua, tên nào mượn không?

Một giọng khác mà Trâm không đoán được là ai:

– Để chờ trăng lên gảy đàn dưới lầu người đẹp à? Bọn này kẹt vợ con cả rồi, không làm ăn gì được. Thằng Lưu số đỏ may ra…

– Thằng đó giỏi tán rồi, cần gì đàn địch. Mà nó số đỏ thực, nó mạo hiểm vào sào huyệt bên đó nhiều lần rồi.

Rồi Trâm nhận ra giọng nói như soong chảo đánh nhau của Tín:

– Tôi thì lỡ thề không phản bội vợ. Ai còn tự do xin mời “nhào dô”, quí vị chớ bỏ qua rất uổng.

Trâm cau mặt và muốn quay ra, nhưng Vĩnh vừa đi ngang, dừng lại:

– À, chị Trâm, cả tuần nay không gặp chị đâu.

– Anh có việc gì cần tôi không?

– Dạ cũng có, nhưng hình như chị bận việc lắm. Chị đang tổ chức cái gì văn nghệ đó thì phải.

– Vẫn chuyện dự định cho học sinh in một tập san Xuân, và một dạ hội văn nghệ vào cuối năm. Tôi chỉ phụ tá cho anh Tuyền và anh Hiệp thôi. Tôi “lính mới” đâu có tổ chức tổ chiếc gì được.

– Chị cứ khiêm tốn. Chính ông Hiệu trưởng yêu cầu chị phụ trách việc đó. Sao lại không giao cho người khác, mà lại chị?

Trâm cố cãi:

– Vì các anh bận những công tác quan trọng hơn.

Rồi Trâm thoáng nhớ đến buổi họp hội đồng giáo sư sáng thứ ba tuần trước. Nhà trường thảo luận về vấn đề hoạt động văn nghệ của học sinh và đề cử những giáo sư chỉ đạo ban báo chí và kịch nhạc. Mấy năm trước, những mục văn nghệ đều do Hiệp điều khiển. Bây giờ ông Hiệu trưởng chia cho Hiệp coi ca nhạc, còn báo chí cho Tuyền. Cả hai cần một người giúp sức. Ông hiệu trưởng nhìn thẳng vào Trâm ngồi đối diện. Tôi nghe cô Trâm viết lách nhiều. Chắc cô giúp anh Hiệp, anh Tuyền được nhiều việc. Ba mươi mấy cánh tay đưa lên tán thành đề nghị. Trâm chưa kịp phản đối đã nghe một tràng pháo tay vang lên. Những lần khác, khi một đề nghị nêu lên, chỉ có một số đồng ý. Một số phản đối. Một số khác trung lập, thờ ơ và lười biếng, không đồng ý cũng cóc cần phản đối. Nhưng đưa tay tất cả không phải là chúng tôi cũng đồng ý chấp thuận. Với những vấn đề không quan trọng, vì không liên hệ gì đến gia đình, đến địa vị, đến nồi gạo của mình, không sứt mẻ một chút nào chức tước, lương bổng, thế lực của mình, đám đông thường gật bừa cho xong chuyện. Bởi sau đó vẫn có thể phản đối, không bằng lý luận, bàn cãi của phạm vi buổi hợp, mà bằng chứng chống đối lén lút. Trâm biết và Trâm bằng lòng rơi vào cái bẫy êm ái đó. Nàng không muốn tránh, chẳng mong thoát.

Sau buổi họp, Trâm tìm gặp ông Hiệu trưởng và từ chối công tác. Nhưng ông ta vừa gán ghép vừa khuyến khích Trâm xông xáo vào địa hạt đúng với khả năng và sở thích Trâm. Tuy vậy nàng không thể và không thích hoạt động trên một mảnh đất chật hẹp lại lắm kẻ tranh bá đồ vương như trường này.

– Chị nhận được nhiều bài vở của chúng nó chưa?

– Còn ít. Hình như chúng nó viết nhiều nhưng không dám gởi. Anh dạy Việt văn biết đứa nào khá, khuyến khích đi.

– Hay là chị lên dạy thử một vài giờ, luôn tiện kén chọn nhân tài. Mai tôi bận việc, chị có thể giúp tôi hai giờ ở Tam A không? Giảng Chinh Phụ Ngâm, chắc hợp với chị.

Trâm cười:

– Sao lại hợp. Tâm trạng à? Anh làm như tôi là vợ lính… Không xong đâu, học trò trên đó già lắm, tôi trị sao nổi.

– Cũng không phải tôi, mà chính tụi nó yêu cầu tôi đổi lớp để chị lên dạy mấy giờ.

Trâm nhớ đến những khuôn mặt lảng vảng ngoài cửa mỗi khi nàng giảng bài trong lớp, lắc đầu:

– Chịu thôi. Anh chia tôi công tác gì làm thì được, còn dạy giùm thì hãi lắm. Anh có việc gì chia tôi làm giùm với. Tôi cần có nhiều việc. Thật nhiều việc để lấp đầy khoảng trống. Anh thấy anh Hiệp đâu không?

– Hình như trong phòng nhạc. Chị vào đây uống nước rồi đi.

Trâm với Vĩnh vào phòng thì tiếng xôn xao của đám đông chợt dừng lại một thoáng. Trâm nghe như một bản đàn vui bị chìm dứt nửa vời. Nhịp điệu ngỡ ngàng bắt đầu lại. Nhìn nét mặt, dáng điệu của họ, Trâm biết là ban nãy họ đã bàn đã nói đến nàng.

Uống vội miếng nước trong ly Trân-địa vừa rót nhường lại, Trâm mỉm cười chào tất cả rồi đi ra.

– Chị Trâm!

Trâm quay lại thấy Tín lẽo đẽo đi theo.

– Chị đã mượn được giường chưa?

Trâm cười thầm: Tội nghiệp, hắn vẫn chưa bán được cái giường sắt gạ gẫm mình cả tháng.

Tín lảm nhảm:

– Chị thì thiếu dùng. Chúng tôi lại dư một cái. Chiếc giường sắt vừa mới, vừa đẹp, vừa rẻ chị à. Chúng tôi mới nằm có mấy bữa.

Tự nhiên Trâm nhớ đến vẻ mặt của những gã quảng cáo thuốc xổ dầu cù-là trên xe lửa và cười nhạt:

– Anh chị thừa giường đôi mà tôi chỉ có một mình. Anh chẻ cho tôi nửa cái giường, được không? Giá cả không kể, chỗ bạn bè với nhau…

Trâm để mặc Tín đứng ngẩn ngơ với cái nguyện vọng bán giường không thành tựu của hắn và thoăn thoắt đi lên phòng nhạc. Giá mình cũng chỉ thắc mắc “đau khổ” vì một cái giường, cái ghế, cái bàn, vì một sự vật tầm thường và giản dị như hắn. Trâm không nghĩ rằng nàng muốn bán rẻ linh hồn cho khuất bóng những ưu tư, khắc khoải, những dằn đặt đớn đau của mình thì kẻ khác cũng có quyền mong muốn tống đi những thứ gây ưu phiền cho họ. Cái giường, cái giường thứ hai, đối với Tín là một vấn đề quan trọng. Vì nó thừa thãi, vô ích trong khi chỉ một cái giường đủ cho vợ chồng Tín. Vô ích thừa thãi như cuộc đời Trâm đã bao nhiêu lần nàng chán ngán chính mình, tự hỏi vì đâu có thêm xác và tâm hồn này, chới với giữa khoảng không cùng thẳm của vòm trời định mệnh, giữa lao tù ngột ngạt của sự sống đầy rẫy chứng tích cô đơn, tuyệt vọng, điêu tàn và hoang vắng đó. Vì đâu xa hút những ngày huyên náo cũ. Vì đâu nàng tự ý lưu đày lên hải đảo cô đơn không đường về bờ bến này. Vì đâu Thượng đế giam giữ con người vào hoàn cảnh giới hạn, cho gặp gỡ, bắt chia phôi. Chuyến phiêu lưu không bao giờ ngừng nghỉ.

– Chị Trâm có vẻ mơ mộng quá.

– À, anh Lưu.

Lưu dừng lại trên lối đi bên bãi cỏ.

– Dạo này ít thấy chị.

– Tôi nhiều việc.

Mấy đứa học trò đi ngang qua chỉ chỏ mỉm cười. Trâm nhớ có một chiều đi dạo với con bé sau rừng gặp Lưu tình cờ. Trong lúc Lưu đang nói đến một vấn đề tôn giáo nào đó, Trâm vì lịch sự yên lặng đứng nghe, tụi học trò đá banh trên đồi ra về, đi ngang qua. Từ đó, bọn nó kháo nhau rầm rỉ, xuyên tạc sự thật, phóng đại câu chuyện. Bản tính Trâm, với trường hợp khác, có thể liều và bất chấp thiên hạ; nhưng trường hợp này lại khó chịu vô cùng, và cảm thấy bị bôi nhọ hay xúc phạm. Cho nên Trâm thường tránh nói chuyện với Lưu ở trường, ở bất cứ nơi nào khác.

Vừa lúc đó Hiệp ở phòng nhạc ra. Lưu chào Trâm rồi bỏ đi. Hiệp có vẻ mệt mỏi:

– Gần đến dạ hội của chúng nó mà chưa xong cái quái gì cả. Định nhờ chị giúp sức.

– Nếu việc dễ tôi có thể làm được.

– Hôm nay nhờ chị trang điểm cho tụi nó lên sân khấu.

– Sao không nhờ anh chị khác?

– Chúng nó đòi chị. Và chị không giúp chúng nó bảo sẽ không… lên sân khấu.

– Điều kiện gì quái gở vậy? Nhưng để tôi tính lại.

– Tôi phải vào bắt chúng dượt lại mấy bản nhạc.

Một phút sau, nhạc trổi lên.

Trâm chợt lắng nghe rồi mỉm cười như chào một người bạn cũ lâu ngày gặp lại. A, apache. Tiếng guitare espagnole điện quắn lên những âm thanh sắc nhọn và quấn quit. Hơi thở nặng nề mệt nhọc của contre-bass. Nhịp trống mơ hồ văng vẳng bập bùng phụ họa. Từng nốt nhạc rời rạc khoan thai gieo xuống, dòn và thanh. Rồi một loạt, những âm thanh rào rào ném xuống, dồn dập và thảnh thót. Lờ mờ trong ký ức Trâm những mảnh bóng hình vỡ vụn ngày xưa trôi về, như những cánh hoa tơi tả không phai tàn hương sắc, lạnh lùng theo sóng nước thời gian tắp xuống bờ lau lách đìu hiu. Ở đó nằm chết những con thuyền phiêu lưu rã mục. Ở đó chất chứa rác bẩn và rong rêu. Và ở đó người con gái thảng thốt thấy mình vật vờ trôi nổi tan rã chơi vơi. Tất cả những ảo giác, những mơ màng, những cảm xúc đó trôi về theo tiếng nhạc chiều nay. Khúc nhạc ôm choàng những âm thanh kỷ niệm, đã nghe một lần, đã nghe nhiều lần. Những chòm ánh sáng như sao sa tan vỡ xuống nền gạch hoa gắn kính. Arc-en-Ciel nửa đêm. Màu peppermint xanh biếc đáy biển cho đôi mắt làm môi chết đuối. Besamé Mucho, điệu calypso. Nhưng đêm đó Trâm âm thầm độc thoại, không, tôi không biết nhảy. Vì tôi ghét khiêu vũ. Biết thật thì khó từ chối người mời. Mà nhận lời thì bị người ta ôm trong tay, và ôm người ta trong tay. Không. Đâu phải dễ dàng. Ôm một người như vậy không phải là người yêu. Appache bay đi cùng khắp trong đêm. Từ Givral qua Brodard. Từ những hiệu kem đến những nhà hàng. Từ những gian phòng đầm ấm có stéréo hifi đài các, đến những hè phố về khuya u uất đèn đường… Nó nhắc tại tiếng hát não nùng trầm ấm của người ca sĩ da đen, “you love a while and then love goes…” Nó cháy lên những phương trời rực rỡ xa vời, thiên đường của tình yêu và tuổi trẻ.

Nó văng vẳng lên đó lời gọi kêu mời mọc chiều nay. Trâm cúi nhìn vùng cỏ úa dưới chân và chợt bàng hoàng nhận ra mình là cô giáo, nhận ra một mớ công thức sáo hủ, kỷ luật gay gắt, vô số những mặt nạ bằng sáp úp lên từng vai trò của con người làm diễn viên trên sân khấu đời rộng lớn.

Một thoáng, Trâm như tỉnh lại, cúi đầu đi xuống đốn đồi thoai thoải. Bản đàn Appache đuổi theo dứt nối không ngừng. Trâm nghe như tuổi nhỏ của tiệc vui còn tiếp diễn đêm này qua đêm khác nhưng mình đã từ khước và không bao giờ còn cơ hội trở về nhập cuộc nữa.

~~~ 0 ~~~

Xuống hết dốc đồi, Trâm thoáng thấy có bóng học trò lảng vảng trên con đường gần nhà mình. Hắn nhìn lên cửa lầu rồi ngóng ra đầu đường. Có lúc thân hình nhỏ bé của hắn khuất mất sau những bờ hoa quì rậm lá. Rồi hắn trở ra, đi đi lại lại, Trâm đoán là một tên nào chờ hỏi nàng chuyện gì. Nhưng khi Trâm đến gần, hắng đi lướt qua, và biến mất đằng sau, một lúc thấy hắn trở lại, chờn vờn như muốn chắn lối. Rồi hắn đứng sựng lại trước mặt Trâm, mặt đỏ lên, hai tay xoắn vào nhau, và Trâm chợt nhớ mang máng hắn là một tay đàn trong ban nhạc trường.

– Thưa cô, thưa cô…

– Cậu cần việc gì nói đi.

– Em nhờ cô giúp một việc. Một việc nhỏ nhưng mà với em thì… vấn đề sống chết.

– Vấn đề sống chết, tôi giúp làm sao được!

Thằng học trò vuốt mớ tóc ra đàng sau:

– Em đã nghĩ từ sáng đến giờ mà không còn cách nào khác, mà cũng không thể nhờ một người nào được. Em không quen ai cả…

– Tôi cũng không quen cậu bao giờ.

– Nhưng cô có vẻ ít xa lạ với học trò hơn mấy giáo sư khác. Ít xa lạ, mà cũng ít xa cách nữa.

– Sao không nhờ những người thân giúp?

– Gia đình em ở xa, mãi Sàigòn kia. Em một mình lên học đây, ở trọ nhà người ta.

Tự nhiên Trâm nghĩ đến trường hợp Minh và chú ý đến tên học trò hơn:

– Em cần gì, thôi nói đi.

– Đêm nay Noel…

Trâm tưởng là nó xa nhà, không thân thích và muốn xin một chầu réveillon. Nhưng hắn lại đỏ mặt lên, lúng túng một lúc rồi nói phăng ra điều gay cấn nhất:

– Cô cho em mượn một ít tiền.

Trâm mỉm cười, rồi không phải là tên học trò, mà chính nàng thất vọng:

– Tôi chỉ có ngân phiếu thôi, chưa lãnh được vì hôm nay bưu điện nghỉ.

Trâm nghe hắn kêu nho nhỏ một mình:

– Làm sao, trời ơi, làm sao đây…

Nàng muốn biết rõ vấn đề sống chết của hắn ra sao:

– Em cần tiền gấp làm gì vậy?

Hắn cúi đầu nói không nghĩ ngợi:

– Đêm nay có “bum” ở Couvent và Yersin tổ chức. Em có hẹn với một cô bạn. Cuối tháng em mới có tiền nhà gởi lên. Em nhịn ăn cả tháng để có tiền cho đêm nay cũng được. Quà tặng, đi ăn, rồi… Không có tiền thì không đến bum, không gặp ai được. Không đêm nay thì em mất hết, không bao giờ nữa…

Theo những qui tắc mô phạm, lẽ ra Trâm khuyên giải hay dượt cho nó một bài học luân lý. “Không, em phải thế này, em phải thế kia…” Và cái việc học trò chận đầu cô giáo tống tiền như thế không thể tha thứ được. Vậy nên cho hắn mượn tiền, hay chỉ có ý nghĩ cho mượn, cũng như nối dáo cho giặc. Nhưng vấn đề sống chết của hắn lại làm cho Trâm băn khoăn về chính mình. Có lẽ ở vào trường hợp hắn, Trâm cũng vậy. Ai trong đời lớn lên ít ra cũng có một đôi lần cảm thấy sự hối hả trong thoáng thời gian mong manh, trong cơ hội không thể đến hai lần, bây giờ hay không bao giờ nữa. Dù điều đó thật nhỏ bé tầm thường và có vẻ hư hỏng cho một đứa học trò. Mượn tiền, đi nhảy, đi chơi với người yêu.

– Em cần bao nhiêu tiền?

Hắn mím môi lại đột ngột nói:

– Hay là thôi… Cô có biết ai tên Caroline không? Caroline ở Couvent.

– Cô bạn ấy à?

– Hay là thôi… để cô ta đi với người khác…

Thoắt một cái, tên học trò vùng chạy như một con ngựa chứng vừa hất được cái khối nặng đè trên yên, Trâm còn nhìn thấy vẻ mặt khắc khoải và sôi nổi của hắn. Và nét mặt đó hiện lên cùng khắp ở sân trường, ở những lớp học, ở trên hè phố, trong các nhà hàng giải khát, những bàn billard, bowling. Niềm ray rứt, chứng bất thường của tuổi trẻ đó như một thời đại. Kẻ điều trị và bệnh nhân vô cùng xa lạ với nhau. Giảng giải lý thuyết, áp dụng những nguyên tắc cổ điển sáo hủ. Như người ta lơ đễnh rải lá dâu cho tằm ăn trong khi tằm đã biến hình thành con nhộng trong cái kén. Học trò cứ ngồi đó, thờ ơ chép bài, lơ đãng nghe giảng, tìm cách này hay cách khác, tiết kiệm những suy tư về học tập, để chín phần mười tâm trí phiêu du theo những thắc mắc riêng tư. Thầy giáo cứ viết, cứ nói, cứ lập đi lập lại như cái máy hát bị hỏng một điệp khúc nhàm chán về những qui tắc mà chính mình cũng không muốn áp dụng trong đời sống. Những vấn đề đạo đức, những bài học công dân, giáo sư thao thao bất tuyệt, khoác cho mình vẻ đạo mạo của người truyền giáo mà không bao giờ nhận định rằng trong đám người nghe còn phải có cả chính mình. Sự giả dối quen thuộc đến nỗi không ai chú ý đến hiện diện trơ tráo của nó, và vô tình, người mang mặt nạ với kẻ khác và với chính mình nữa.

Trâm vừa vào nhà thì xe Minh cũng về đến cửa. Nàng nhìn ra. Thằng bạn chở Minh về, trông thấy Trâm gật đầu chào rồi ngồi khểnh chân trên chiếc vélo chờ đợi. Trâm cảm thấy mấy ngón tay mình run run bám vào cánh cửa, nhưng lúc Minh chạy ùa vào nhà, nàng chỉ lạnh lùng hỏi:

– Em về đó à? Sao không ở lại Sàigòn cho hết đêm Noel?

Minh đặt một cành Mimosa lên bệ lò sưởi:

– Em đã hứa với cô chỉ đi ba hôm và nhất định về trước đêm Noel mà.

Trâm nghĩ, có hiếu thật, cái buche de Noel mình làm sáng nay xứng đáng dành cho Minh…

Tiếng Minh trong phòng vọng ra:

– Thằng Tuân đâu cô?

– Đêm nay nó xin về nhà.

– Không có ai ở nhà với cô sao?…

Trâm vuốn nhẹ những chòm hoa mimosa màu nhung vàng, giọng nàng nhỏ và buồn, chịu đựng:

– Không. Em đi chơi đi. Cho vui, thật vui, nhé…

Im lặng một thoáng, như Minh dừng lại lắng nghe trong kia. Rồi tiếng cái móc áo rơi khô khan dội trên nền nhà. Cánh cửa tủ mở ra và đóng sập lại vội vàng. Tiếng giày Minh trở ra. Trâm nhìn lên. Minh lớn hẳn trong bộ complet màu xanh nhạt, mái tóc chải rẽ cẩn thận, và giày đen bóng loáng.

– Ban đêm, em mặc màu sẫm thì hơn. Thắt cravate vào chứ. Khuya lạnh lắm, em nhớ đem theo áo len nghe Minh.

Trâm nghe giọng nói mình dịu dàng nhỏ nhẻ và tự nhiên bâng khuâng vô lý. Trâm thấy thương Minh thương vô cùng, đến nỗi nàng ao ước được biến thành hai để bầu bạn, vỗ về nhau phút đó. Thấy Minh trở về đúng vào chiều Noel sau ba ngày vắng mặt, niềm vui của Trâm vỡ ùa như một dòng suối mát, Trâm không nghĩ Minh sẽ bỏ đi ngay, dù biết không lý do gì để Minh ở nhà đêm naỵ Nàng nhớ đến thằng học trò và vấn đề sống chết của nó chiều nay trên đường về, tưởng tượng ra hình ảnh một Caroline tươi mát, mũm mỉm, trẻ thơ của nó. Minh cũng đang hối hả nhập cuộc, vội vàng như sắp lỡ mất phút giây quí báu chỉ đến một lần trong suốt đời mình. Minh cũng đang băn khoăn hay sung sướng theo một vấn đề sống chết tương tự và trong cái “bum” gala trẻ trung và huyên náo đó, đêm nay còn biết bao nhiêu Caroline khác duyên dáng, yêu kiều, tươi mát như những bông hoa… Trâm bâng khuâng, xót xa liên tưởng đến hình ảnh một thiên đường huyền diệu mê say, đến cái vũ trụ vô cùng rộn ràng, vô cùng âu yếm mà người vào cửa phải có vé độc nhất là tuổi thơ. Tuổi thơ, Trâm đã đánh rơi mất dọc đường phiêu du từ bao giờ rồi. Giờ Trâm là kẻ ngoại cuộc xa lạ, là người sắp mặt xây dựng lại cuộc đời. Là cái bóng lờ mờ đìu hiu của bờ cây nắng xế. Nỗi buồn trĩu xuống, lê thê và u uất như cơn gió dật dờ sau cỗ xe tang. Trâm muốn níu, muốn kéo một cái gì. Tất cả thật đã xa tầm tay với và nàng như người đứng ở mũi thuyền nhìn xuống con nước âm thầm là đời mình xuôi chảy trong chuỗi tháng ngày trống không dằng dặc đau buồn và hối tiếc.

Tiếng gõ cửa dưới lầu dứt mất những ý tưởng của Trâm, hay Minh trở về? Nàng bật đèn cầu thang và chạy nhanh về phía cửa. Nhưng Trâm nhận ra giọng nói nhỏ nhẹ của Loan khi nàng lên tiếng hỏi ai đó.

– Thưa cô, em đây.

Cửa mở. Gió lạnh lùa vào theo vệt đèn pin mờ mờ trong tay Loan:

– Chị vào đây.

– Chúng em mời cô qua với chúng em cho vui.

Mấy hôm trước vợ chồng Chu đã mời Trâm ăn réveillon đêm Noel, nàng từ chối. Vì Minh đã nói sẽ về trước đêm nay, và Trâm đã chuẩn bị sẵn sàng để tạo một thiên đường nhỏ bé trong vũ trụ khép kín của mình. Giờ Minh đang vui chơi ở đâu? Trâm nhìn những vùng tối sâu hút lạnh lẽo sau lưng Loan và tự nhiên thèm khát vui đùa, phá phách, ở một nơi đông đúc huyên náo nào đó, tiếng người hỗn độn vang lên. Cho nên lấp, cho nguôi nhỉ cơn sốt bừng lên trong lòng. Nhưng qua bên Loan còn buồn tẻ hơn ở nhà một mình nữa. Ở đó, Trâm lại phải đóng vai trò của mình khéo léo, cẩn thận. Phải giữ gìn từng cử chỉ, tiếng nói. Và điều Trâm bực bội khó chịu nhất là phải nghe những lời mời mọc tán tụng khách sáo và mình cũng phải đáp lễ bằng cái lối vuốt lưng đó, trong khi tâm trí rối bời những khắc khoải ưu tư.

– Anh chị mời ai đông không?

– Dạ không. Chỉ có cô, với mấy người học trò thân của anh Chu.

– Chắc không có ai nữa chứ chị?

– Không?

– Vậy tôi qua. Chị về trước, tôi thay áo rồi sang ngay.

Nhưng Loan về rồi, Trâm đứng tần ngần trước tủ áo đến mười phút vẫn chưa biết chọn áo nào. Người đàn bà chưng diện là vì kẻ khác—nhất là đàn ông. Nhưng Trâm thường nghĩ không biết thành thật hay giả dối, đẹp là đẹp cho chính mình trước đã. Không cần quan tâm đến người chiêm ngưỡng. Cho nên tuy chỉ qua nhà bên cạnh, ở đó cũng chẳng có ma nào, Trâm vẫn chọn lựa như đi dạ hội. Lần này Trâm chợt cảm thấy có gì khác lạ, không phải đẹp cho mình nữa. Ý nghĩ vô lý cứ lởn vởn trong trí khi Trâm khoác cái áo gấm kim tuyến đen vàng vào người, nếu Minh về lúc này… Lâu ngày không mặc, chiếc áo như rộng ra. Trâm cảm thấy cái gì thiếu hụt, mất mát trong đời mình. Nàng ướm chân đôi giày cùng màu áo và bỗng nhớ đến lần mới mặc áo này ở Sàigòn, trong dạ hội ở building của lão Anh- Lý, một trong đám bạn bè “ghê gớm” của Văn. Trâm ngồi tréo chân trên ghế nệm đỏ, cốc champagne lóng lánh trên tay, chờ tài xế của Văn đem xe đến đón về. Lão Anh- Lý sụm xuống sàn nhà, trước mặt Trâm, như một khối thịt bò mềm nhão, Trâm rùng mình cảm thấy nước mắt tên triệu phú Tàu lai nhỏ xuống bàn tay mình. Từng ngón tay lão chới với đưa lên run run, vợ tôi bị tê liệt nằm ở một bệnh viện Nữu Ước mười ba năm nay rồi. Tôi chỉ sống có bổn phận. Tôi không biết đàn bà, không… có gì cả. Những người đàn bà tôi gặp ở Mỹ, ở Nhật, ở Ý trong những chuyến đi không khác gì những chiếc bóng, những con búp bê bằng sáp. Nhưng mà cô… Tôi biết ông Văn quý mến cô. Ông ấy vừa là bạn lại vừa là ân nhân của tôi… Nhưng mà… Có thể là hoàn cảnh hắn đáng thương, lòng hắn chân thành, nhưng Trâm cũng tàn ác phá ra cười khi hắn ấp úng đề nghị sẽ đưa nàng sang Ý; hắn có một khách sạn riêng và một cổ phần trong một công ty giấy bên đó. Đến khi hắn nói phăng ra, tôi sẽ ly dị với… thì Trâm không chịu được nữa, đặt mạnh cốc rượu lên bàn đi nhanh ra phía thang máy xuống lầu. Từ đó mỗi ngày lão Anh- Lý gọi điện thoại ba bốn lần. Trâm không trả lời, và mỗi khi nghe cái tiếng Mỹ lơ lớ Tàu đầu dây bên kia, It’s you there, miss Trâm? Trâm lại buông ống nghe xuống.

Chu nhìn bàn ăn một lượt rồi hỏi nhỏ vợ:

– Sao chậm thế. Hay em nói có Lưu bên này nên cô ấy không qua?

– Không, em không nói. Nhưng biết đâu, nói có ông Lưu đây cô ấy lại sang ngay.

– Không đâu, dạo này hình như cô ta “thay đổi lập trường” rồi.

Lưu ngồi tán phét giữa bọn học trò ở phòng khách vọng sang:

– Cậu mợ nói xấu gì tôi đó?

– Dặn Loan làm thêm thức ăn, nhỡ ra anh chận hết phần của cô giáo…

Tấm màn cửa sau vén sang một bên. Trâm bước vào vùng ánh đèn sáng chói.

Mấy đứa học trò đứng dậy một loạt. Lưu nghiêng đầu chào giả tạo. Cả bọn có vẻ ngạc nhiên thấy Trâm xõa mái tóc mọi hôm thường vấn cao. Trâm nói với mọi người:

– Xin lỗi chị, tôi có vẻ lôi thôi quá, nhưng khuya khoắt rồi, làm biếng chải gỡ lắm.

Thật ra đó là “chiến thuật sầu muộn” của Trâm. Trước một đám đông, Trâm thường chọn lựa một thái độ phù hợp với lối trang điểm và tâm trạng của mình lúc đó, rồi giữ thế từ phút đầu cho hết buổi. Lúc vào cửa, thoáng thấy Lưu và đám học trò, tự nhiên Trâm buồn rầu và dửng dưng xa lạ với tất cả.

Ngồi vào bàn ăn, cạnh Loan, đối diện Lưu, Trâm yên lặng và kín đáo trong khi Lưu cười nói huyên thiên, bọn học trò phụ họa ầm ỉ. Ngồi đây, tâm trí Trâm lạc lõng nơi nào. Bây giờ Sàigòn người ta vui chơi, người ta đôi lứa. Bây giờ những người trẻ tuổi vui cười say đắm với nhau. Bây giờ… em làm gì? Em vui với ai đó Minh? Những khuôn mặt quanh bàn ăn lùi xa, lạ lùng và cách biệt, Trâm như cái xác không hồn, im lìm suốt buổi. Nàng ăn, nói, cười, cử động như một cái bóng trên màn ảnh của một phim câm, mơ hồ thấy mình rời khỏi bàn, qua phòng khách, nâng chén trà lên môi và lờ mờ trong đáy nước hai con mắt đen buồn ngơ ngác.

Trâm mang nỗi buồn câm nín đó về trong khuya. Trời lạnh buốt. Từng bước chân đêm lầm lũi bên bờ cỏ mấp mô. Cánh cửa mở ra vội vàng và thế giới cô đơn im lìm khép lại. Trâm thay áo, tìm viên thuốc ngủ và nằm xuống bên lò sưởi. Rồi nàng thiếp dần trong tiếng gió rừng ma quái.

Trâm bàng hoàng thức giấc trong vùng ánh sáng vàng hoe từ khung cửa sổ hắt vào lò sưởi. Nghe tiếng chìa khóa lách cách dưới lầu, nàng đoán là Minh về. Rã rời, mệt mỏi, đầu nặng như một khối đá. Trâm cố tỉnh trí nhìn quanh. Mọi vật hình như thay đổi hẳn sau giấc ngủ dài bằn bặt. Gió sớm lay cánh màn cửa bay phấp phới như những trướng liễn sắp hàng đi theo sau một đám tang yên lặng. Trâm nghe tiếng mấy người làm vườn gọi nhau ơi ới dưới ruộng dâu, tưởng mình lún sâu xuống, chơ vơ trong một thế giới nào trống vắng và yên tĩnh. Đợt nắng mỏng như màu vàng đìu hiu chạy dài ở một vùng nghĩa trang quạnh quẽ nào, soi lên những lớp lá thông tơi tả giữa sàn nhà. Trâm muốn nhớ, muốn tỉnh dậy, muốn gọi tên một cái gì. Nhưng con đường trở về đời như chơ vơ xa tắp, không một hình ảnh thân yêu, một bóng dáng quen thuộc nào còn lai vãng nữa. Trâm ngồi bó gối, gục đầu trên cánh tay và mê thiếp trong những ý nghĩ lờ mờ hỗn độn. Cho đến khi một tiếng gọi cất lên, Trâm như từ cõi hồn xiêu phách lạc nào trở về:

– Cô.

Trâm yên lặng nhìn lên, không đổi dáng điệu. Minh đứng khoanh tay ở cửa phòng, tựa lưng vào vách. Mái tóc rũ che vầng trán da trắng xanh, hai con mắt ngái ngủ lờ đờ, Minh như sắp ngã xuống một khoảng trống không nào đó. Trâm nhìn cái cravate lỏng lẻo ở cổ áo Minh, vụt nhớ lại những phút giây đơn độc ghê gớm mình chịu đựng đêm qua, nhớ đến vẻ hí hửng của Minh lúc ra đi, nhớ đến nỗi bứt rứt vô lý và đáng thương của mình.

– Suốt đêm, cô không ngủ sao?

Trâm đứng lên mở cánh cửa sổ, không trả lời Minh. Minh đến ngồi bên bàn ăn, nhìn những bánh trái, thức ăn còn nguyên rồi nhìn lại khuôn mặt tiều tụy buồn rầu và câm lặng của Trâm, nói thật nhỏ:

– Đáng lẽ đêm rồi em không nên đi.

Trâm cười nhạt. Minh nhìn Trâm lâu hơn và ngạc nhiên thấy trong dáng điệu, thái độ của cô giáo hiền dịu và bình thường mọi ngày có vẻ gì lạ lạ, hay hay. Một cái mới mẻ, rộn ràng và kín đáo như thứ tình cảm không tên vừa nhóm lên trong lòng Minh phút đó. Trâm tự nhiên cảm thấy vừa căm tức vừa đau đớn không đâu, nhìn đăm đăm vùng trời bao la, khuôn mặt sáng rỡ trong nắng.

Minh vuốt một bông hoa đỏ thắm trong bình, thoáng băn khoăn:

– … Cô giận em điều gì phải không?

Trâm lơ đãng:

– Không. Tôi giận và ghét tôi. Cũng không hiểu tại sao. Em về sớm vậy?

– Mười giờ sáng rồi.

– Thật à. Tôi ngủ quên không biết gì nữa.

– Cô lại uống…

– Merinax.

– Cô…

– Nói gì thì nói ngay đi, đừng gọi tôi như vậy.

Minh gục đầu trên cánh tay trên bàn. Giọng Trâm gay gắt:

– Vui chơi cũng mệt nữa sao?

– Em đi chơi với mấy thằng bạn mà.

– Hay chưa, em đi chơi đâu, làm gì, với ai, mặc em chứ, việc gì phải khai với tôi.

Hai con mắt đen của Minh nhìn lên chới với:

– Cô không hiểu gì em cả.

Trâm hét lên:

– Hiểu, hiểu gì? Tôi cũng không hiểu tôi nữa là người khác. Thôi em đừng nói gì hết. Tôi mệt, buồn ngủ. Em xuống nhà để tôi yên một mình.

Thoắt một cái, Trâm cầm những cành glaieul đỏ thắm trong bình bẻ đôi ném qua cửa sổ. Rồi giọng nàng bất ngờ dịu xuống:

– Minh đi đi.

Tiếng giày Minh rời rạc trên thang lầu. Trâm lại ngồi trong vũng nắng trước lò sưởi.

… Rồi mình sẽ là thần thánh trong địa ngục cuộc đời, hay quỉ sứ ở thiên đường của mình? Dưới phòng Minh có tiếng tách nhẹ nhàng của cái bật lửa, rồi tiếng rơi mỏi mệt của thân hình buông xuống nệm. Không, mình sẽ không là gì cả. Cuối cùng rồi cũng giương đôi mắt xa lạ, ngơ ngác, lạc lõng lên nhìn đời, cũng dại khờ, cô độc như con Gelsomina bị người bỏ quên, chết mòn trong nắng…

Nguồn: http://vietmessenger.com/books/?title=vong%20tay%20hoc%20tro&page=4

Comments are closed.