Văn học Miền Nam 54-75 (584): Nguyễn Mộng Giác (kỳ 18)

Nguyễn Mộng Giác, dòng văn bên dòng sông Côn

Luân Hoán

Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Mộng Giác là một tên tuổi lớn. Có hàng trăm bài viết về nhà văn Nguyễn Mộng Giác được đăng rải rác trên các báo và tạp chí trong và ngoài nước, nhưng đây là bài viết thú vị và đầy ấn tượng, về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn cũng là thầy cựu hiệu trưởng Cường Để giai đoạn những năm 1970 (NQH)

Có một thời tôi từng tưởng lầm và tưởng bở: bốn chữ Địa Linh Nhân Kiệt chỉ dành riêng để vinh danh quê hương nghèo khó của người Quảng Nam. Về sau tôi mới hiểu ra, bốn chữ cao quí này được dùng rất rộng rãi, và có thể nói bất cứ vùng đất nào trên lãnh thổ Việt Nam, đều có thể, đều xứng đáng mang trước ngực bốn chữ đã trở thành “phổ thông” này. Như vậy thật công bình. Bởi tính chất thiêng liêng của mỗi vùng đất (địa linh) là điều có thật, được từng vị thổ địa làm “công an khu vực”, “quản lý” một cách nghiêm ngặt. Về nhân kiệt, tuy có sự chênh lệch, nhưng ít nhiều gì mỗi vùng đều có. Quảng Nam và Bình Định là hai vùng sinh sản ra nhiều “anh kiệt”, đồng thời cũng sản xuất những con dân có óc địa phương, cục bộ vào bậc nhất. Nếu có sự ganh đua, so tài giữa hai vùng này, dù bất cứ ở lãnh vực nào, cũng thường xảy ra những căng thẳng, gay go. Ngày tôi còn đi học, những lần đội bóng của trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, đụng đội bóng của trường Cường Để Bình Định vẫn thường là những cuộc so giày nảy lửa, nhiều lúc dẫn đến “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Trong lãnh vực văn học, về nhân tài của Quảng Nam và Bình Định, chưa biết vùng nào lấn lướt hơn. Tôi có thể bị đồng hương quở là mất gốc, thiển cận với nhận xét: vào cuối thế kỷ 20, đội ngũ những người sinh hoạt văn học xuất thân từ Bình Định có lẽ nặng cân hơn Quảng Nam một chút. Nhân kiệt góp phần làm cho cán cân chênh lệch, tôi nghĩ, có lẽ không ai khác hơn là nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

Căn cứ vào những sinh hoạt, Nguyễn Mộng Giác còn có thể được gọi là nhà báo, nhà biên khảo, nhà phê bình… nhưng tôi tin rằng ông Nguyễn Mộng Giác, không phải người ham mang trên mình quá nhiều loại “nhà”, như một số người đã làm, nên tôi chỉ gọi ông là nhà văn. Xét kỹ ra, hai tiếng “nhà văn” oai phong, lẫm liệt, được trọng vọng hơn hẳn nhà thơ, nhà báo, nhà biên khảo… rất nhiều.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định. Theo một bài viết của nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, thời trung học, Nguyễn Mộng Giác là lứa học trò đầu tiên của trường trung học Cường Để, rồi lang thang đến trường Võ Tánh Nha Trang, làm sinh viên của Văn Khoa Sài Gòn. Cuối cùng con đường học vấn tại trường ốc của ông được kết thúc năm 1963 với mảnh bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ban Việt Hán. Ông tân thủ khoa được bổ dụng giảng dạy tại trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế. Sau hai năm, ông xin thuyên chuyển về trường Cường Để. Có được với đất thần kinh trên dưới sáu năm, Nguyễn Mộng Giác có nhiều cơ hội “Xin Huế Một Người Tình” và cô nữ sinh áo trắng Nguyễn Khoa Diệu Chi của trường Đồng Khánh đã bắt dính anh chàng Bình Định, vốn là ông thầy đáng kính của mình. Chẳng rõ họ có đưa nhau “về dinh” ngay trong chuyến đổi vị trí công tác của ông Giác hay không?

Về đến Bình Định, Nguyễn Mộng Giác được bổ nhiệm chức Giám Học ngay niên khóa sau, và đến năm 1971, ông lên làm Hiệu Trưởng trong hai niên khóa, rồi giữ chức Chánh Sở Học Chánh Bình Định Qui Nhơn. (Sở Học Chánh hình như được thành lập trong thời Đệ nhị nền Cộng Hòa Việt Nam, và bành trướng mạnh trong giai đoạn đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phát động. Sở có nhiệm vụ trông coi việc giáo dục của cả hai bậc trung và tiểu học). Ông thầy Nguyễn Mộng Giác quả đã không có duyên cận kề nhiều với hơi hám đám thư sinh, nên cuối năm 1974, được chuyển luôn vào Sài Gòn, làm chuyên viên nghiên cứu tại Bộ Giáo Dục. Đứng trên bục giảng hay ngồi điều nghiên, sưu tầm tại Nha sở, nơi nào chắc cũng có cái thú riêng. Và có lẽ cái nghề tay trái đang có mưu toan lấn lướt cái “nghề bán cháo phổi”, nên tôi tin ông Nguyễn Mộng Giác bằng lòng với công việc mới của mình hơn. Nhưng cái nghĩa vụ công chức của thầy giáo Giác không kéo dài được lâu. Ông là người đầu tiên của Nha Nghiên Cứu Sưu Tầm Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa được chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa cho nghỉ việc. Và có lẽ ông cũng được mời tham dự nhiều lớp bổ túc chính trị. Những kinh nghiệm trong thời chống Pháp mà ông Nguyễn Khắc Phê nhắc trong bài “tản mạn nhân gặp lại nhà văn Nguyễn Mộng Giác” trên Talawas: “… Tuy còn nhỏ tuổi học sinh, chúng tôi đều được tổ chức cho học tập kiểm điểm tự thú những hành vi tư tưởng hủ bại ‘mất lập trường giai cấp”, chắc chưa đủ để một ông ngụy quyền có văn bằng cấp Đại học thư thả trong cuộc đổi đời mới. Chính vì thế, ròng rã trong sáu năm, ông Nguyễn Mộng Giác xoay đời mình theo nhiều nghề lao động chân tay khác nhau. Ông đã vinh quang đi bán sách cũ ở chợ trời, rồi làm công nhân hẳn hoi trong tổ hợp mì sợi Dân Sinh ở Chợ Lớn. Cuối cùng ông chọn lối thoát vượt biên và sau bốn lần giỡn mặt với tử thần, ông và cậu con trai mới qua đến đảo Kulu, Galang Nam Dương vào cuối năm 1981. Đến tháng 11 năm 1982 cha con ông được nhận vào Hoa Kỳ. Trước đó không lâu, trưởng nữ của ông đã định cư tại Houston, Texas. Họ gặp nhau. Nhưng ba cha con ông không ở với thành phố nắng ấm này lâu. Họ dắt nhau về California, và bắt đầu cuộc sống mới từ năm 1983. Những năm đầu sống trên đất người được nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho biết ngắn gọn:

REPORT THIS AD

REPORT THIS AD

“…Bốn năm đầu, tôi vừa học nghề thợ in vừa làm thuê cho báo Việt ngữ ở quận Cam. Công việc nhiều mà lương ít ỏi quá, không đủ gởi về cho nhà tôi và cháu út còn ở lại, nên từ năm 1987, tôi xin làm cho công ty ấn loát niên giám điện thoại GTE của Mỹ. Công việc ấy tôi giữ được lâu bền hơn mười năm qua, từ 1987 đến nay. Nhà tôi và cháu út qua Mỹ tháng 3 năm 1990 trong chương trình đoàn tụ gia đình (ODP)”

(Nguyễn Mộng Giác, trả lời phỏng vấn Đặc san Cường Để-1998)

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cho biết, ông khởi viết rất sớm, từ thời sinh viên. Nhưng khác với nhiều người, ông đã không gởi bài đến các tạp chí. Ông đã hủy bỏ khá nhiều bản thảo sau khi đọc những tác phẩm lỗi lạc của các văn hào thế giới. Sự thận trọng cầm chân ông khá lâu, cho đến dịp ông bén duyên cùng tạp chí Bách Khoa, năm 1971, lúc đó ông vừa vượt qua lứa tuổi “tam thập”.

Miền Nam, nhất là Sài Gòn, lúc bấy giờ truyện chưởng Kim Dung được đón nhận thành một phong trào rầm rộ. Truyện của cây bút người Trung Hoa vẫn còn đang ở nước Tàu này được dịch đăng từng kỳ, tràng giang đại hải trên các nhật báo, tuần báo… in thành sách, thu hút mạnh mẽ bạn đọc từ bình dân đến trí thức. Thuở thiếu thời, tôi đã bị bội thực loại truyện kiếm hiệp cấp thấp hơn, nên thoạt tiên không có nhiều thích thú đến với những Vi Tiểu Bảo, Vô Kỵ, Nhạc Bất Quần, Trương Tam Phong, Lão Ngoan Đồng, Kiều Phong, Lâm Bình Chi… Nhưng rồi Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung, từ suy nghĩ, phân giải của một nhà giáo, sừng sững thành sách năm 1972, đã cù rủ tôi trở lại với truyện chưởng và tức thì, tôi say mê những Triệu Minh, Doanh Doanh, Hoàng Dung, Chu Chỉ Nhược, Hân Tố Tố… Dù thật sự, tôi chưa được đọc trọn vẹn cuốn tiểu luận về Kim Dung của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tôi chỉ đọc loáng thoáng đâu đó từng đoạn rời. Giá trị đích thực của cuốn tiểu luận đối với cá nhân tôi chính là cái uy tín của tác giả ngày một nổi bật giữa làng viết Sài Gòn. Tôi biết danh Nguyễn Mộng Giác từ dạo ấy. Tạp chí Bách Khoa cũng là tờ báo tôi thường se sua làm dáng với bạn bè, nên cái tên Nguyễn Mộng Giác, trụ dưới truyện dài Qua Cầu Gió Bay làm tôi cảm thấy mỗi ngày một thân quen hơn.

Từ Bách Khoa, ông Nguyễn Mộng Giác đã tự tin, đã vượt qua cái khớp trước những đàn anh lỗi lạc, ông viết đều tay một cách vững vàng. Những tác phẩm đầy đủ giá trị văn học nghệ thuật của ông tuần tự ra mắt bạn đọc. Năm 1973 với tập truyện ngắn Bão Rớt và cuốn truyện dài Tiếng Chim Vườn Cũ được nhà xuất bản Trí Đăng phát hành. Qua năm 1974, hai cuốn truyện dài ra đời, Qua Cầu Gió Bay do Văn Mới in và Đường Một Chiều, được ra mắt bạn đọc bởi nhà xuất bản Nam Giao. Tác phẩm Đường Một Chiều đã mang đến cho tác giả giải thưởng của Trung tâm Văn bút Việt Nam năm 1974.

Đường Một Chiều là một cuốn tiểu thuyết tình cảm, phản ảnh một góc nhỏ xã hội miền Nam trong thời chinh chiến. Nhân vật chính là một sĩ quan cấp tá của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông đồn trú xa nhà với chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng một tiểu đoàn tác chiến. Hành quân là “nghề của chàng”. Cho đến một hôm, tương tự như anh lính Hữu Loan, ông thiếu tá nhận được một điện tín với tin không vui: vợ ông qua đời. Gia đình ông gồm Thúy, vợ ông, bé Ly, 14 tuổi con riêng của bà Thúy. Ngoài ra, hạ sĩ Ninh, được vợ chồng ông xem như em, ở chung nhà, vừa làm nhiệm vụ tài xế vừa làm quản gia cho gia đình. Chính Ninh là người mở ra thảm kịch gia đình cho thiếu tá Lộc. Xa vắng gia đình lâu ngày và thường trực cận kề với cái chết, những người lính hay tạo cho mình những cơ hội để tạm “lãng quên đời” đó là cái thú uống ruợu. Hạ sĩ Ninh tốt số, được mang chữ thọ to tướng trên người, nhưng chàng thanh niên hai mươi tuổi này, có lẽ vì “lửa gần rơm” lâu ngày nên sinh tật. Gã mượn rượu để tỏ tình. Trong một lần “tới chỉ” với vài người bạn cùng đơn vị, gã bước thấp bước cao ra về và vô tình đi lạc vào tận phòng ngủ của bà Lộc. Chuyến gõ cửa tình dục của Ninh không nhằm giờ, gã bị Thiếu tá phu nhân chống cự. Trong giằng co, Ninh đã kết liễu cuộc đời người đàn bà xuất thân vũ nữ, bằng mười ngón tay thô bạo của gã. Tất cả hoạt cảnh này diễn ra trước mắt quan sát của Ly. Nhưng cô lolita, chẳng rõ lòng đã biết yêu, biết hận gì chưa mà đã không nói ra sự thật trước những viên điều tra của Quân cảnh tư pháp, cũng như trước phiên xử của Tòa án Quân sự. Án mạng có nhiều nghi vấn chưa được làm sáng tỏ. Giữa những tranh luận sôi nổi của Ủy viên chính phủ và Luật sư biện hộ, bỗng có thêm một nhân vật xuất hiện. Người đó là chồng cũ của Thúy, người mà bà Thiếu tá nói dối với chồng là đã chết. Và càng gay cấn, bất ngờ hơn, khi pháp luật chưa tìm được sự liên quan giữa cái chết của Thúy và người chồng cũ, thì Ninh đột ngột tự sát trong quân lao cùng sự bỏ nhà đi bụi của Ly.

REPORT THIS AD

REPORT THIS AD

Tôi ý thức được việc tóm lược một cốt truyện nặng tính cách văn học phải hoàn toàn chính xác và với giọng văn nghiêm chỉnh. Nhưng tôi đã không làm nổi điều đó, trí nhớ tôi đã quá cùn mòn. Nhưng không thuật đại khái lại tình tiết của câu chuyện thì tôi tự thấy thiếu thiếu một cái gì. Có lẽ vì tác phẩm trúng giải quan trọng của nhà văn Nguyễn Mộng Giác tôi không tìm thấy tại nơi tôi đang cư ngụ. Và trong nước, sau thời kỳ ông Tần Thủy Hoàng tái sinh lộn trên đất Việt Nam, chắc gì đã tìm ra được Đường Một Chiều. Tôi bạo gan vì vậy, dám mong tác giả và bạn đọc nhắc nhở, bổ sung. Đọc cốt truyện, dù chính xác trăm phần trăm cũng không tìm hiểu được văn phong, tư tưởng của tác giả. Chỉ biết đại khái về cốt truyện không thể lượng định được giá trị văn học của một tác phẩm. Hơn nữa, cùng một cốt truyện, nhưng nhiều người viết, hay dở khác nhau là chuyện thường. Cái tài của nhà văn, nằm trong suy nghĩ và diễn đạt riêng của mỗi người. Do đó, từ một cốt truyện có thể không có gì mới lạ, chỉ là những mẩu đời thường mà thể hiện thành tác phẩm có giá trị văn học, được nhiều người có uy tín công nhận, không phải là chuyện dễ. Tôi vẫn nghĩ, giải thưởng của Trung tâm Văn bút Việt Nam là một giải cao quí, và ban giám khảo là những người có cái tâm trong sáng với văn học. Có đến năm vị trong ban giám khảo: Nguyễn Thị Vinh, Tam Lang, Nhật Tiến, Sơn Nam, Phạm Việt Tuyền.

Phát biểu về giá trị Đường Một Chiều, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn viết:

“Theo tôi, đó là một tác phẩm được sáng tác rất công phu. Say sưa mà vẫn thận trọng, đầy cảm hứng mà vẫn tiết chế, cô đọng bằng một kỹ thuật cao và khéo léo, nội dung chứa nhiều ý tưởng phong phú mà hình thức vẫn gọn gàng lôi cuốn. Những đặc điểm đó khiến Đường Một Chiều đích thực là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa… Truyện của Nguyễn Mộng Giác thường đặt ra cho người đọc những câu hỏi, tác giả không trả lời, chính mỗi người chúng ta, nếu chúng ta là những độc giả không ngại phải băn khoăm suy nghĩ khi đọc sách thì chính mỗi người trong chúng ta sẽ tự tìm lấy câu trả lời riêng cho mình… Điểm đáng đề cao hơn nữa của truyện Đường Một Chiều, tác phẩm thứ năm của Nguyễn Mộng Giác, là thêm một lần nữa chứng tỏ cái ý hướng trách nhiệm của tác giả đối với xã hội. Truyện của Nguyễn Mộng Giác bao giờ cũng từ chối làm chiều long những kẻ trưởng giả giầu sang, ăn chơi phè phỡn, hưởng thụ chán chê rồi học đòi triết lý thời trang rằng cuộc đời là hư vô, phi lý, buồn nôn.”

(Văn Học số 233 tháng 9 và 10-2006)

Ý kiến hội của đồng giám khảo do nhà nghiên cứu văn học, ông Phạm Việt Tuyền đại diện, tiên đoán và khen ngợi:

“… Phần đông độc giả sau này chắc sẽ phải đọc một hơi từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết như một số vị trong Hội Đồng Tuyển Trạch, bởi vì tình tiết rất hấp dẫn…Khi đã xảy ra thành sự kiện thực tế rồi thì vẫn còn tạo bâng khuâng triết lý như tách trà thơm, ly rượu ngon đượm thêm tình nghĩa nặng sâu…”

[…]

Trước 1975, nhà văn Nguyễn Mộng Giác có bài trên các tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức… nhưng ông chưa thật sự tham gia vào việc làm báo. Nhờ cũng có lai rai đôi ba bài thơ ở Bách Khoa, tôi làm quen với cái tên gọi Nguyễn Mộng Giác, bình thường như những bút danh khác Nguyễn Ngu Í, Xuân Hiến, Lê Ngộ Châu, Võ Phiến, Trần Huiền Ân, Vũ Quỳnh Bang, Minh Quân, Lữ Quỳnh, Trụ Vũ… Tôi là một anh “Hai Lúa” của miền Trung, nhưng đi đâu cũng sợ, đến đâu cũng ngại, phản ánh rất đúng câu: “…con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh” nên chuyện vào Sài Gòn trong thời kỳ tập viết của tôi rất xa vời. Chuyện ghé thăm các tòa soạn là một điều không tưởng. Tuy vậy tôi quen biết qua thư từ khá nhiều, nhưng trong đó không có nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tôi nhớ lại thời thỉnh thoảng có vài ba nhà văn Sài Gòn có dịp tạt ngang Đà Nẵng, đã vui chân ghé thăm tôi tại sở làm, trong đó có nhà văn Ngô Thế Vinh, nhà văn Dzoãn Dân (qua đời ngay sau đó không lâu) nhà thơ Phan Trước Viên (cũng đã qua đời vì bom đạn ít lâu sau)… và một người, không chắc có phải là ông Nguyễn Mộng Giác không? Nhưng có điều lạ, đã từ lâu tôi hình dung trong đầu, tầm vóc của hai nhà văn Ngô Thế Vinh và Nguyễn Mộng Giác na ná như nhau. Vóc người không lùn, không cao. Tròn tròn, không ốm, không mập. Nước da không quá sáng cũng chẳng quá sậm, đủ độ vàng của một người vừa trí thức vừa chân chất bình dân. Nói không nhiều, cười không lớn tiếng. Nhưng tặng ngay cho người đối diện sự thân mật, tự nhiên. Riêng Nguyễn Mộng Giác, nhà văn Võ Phiến tô đậm thêm:

“…Ở Giác, tôi chắc chắn tất cả bạn bè Giác và những ai quen biết Giác đều nhận thấy cái hiện ra bề ngoài rõ ràng nhất là sự nghiêm chỉnh: nghiêm chỉnh ở nét mặt, cái nhìn, phong thái. Đó là cái tính cách hiển hiện nổi bật từ toàn bộ trước-tác của Nguyễn Mộng Giác…”

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác không họa ra nhân dạng mình, nhưng ông cho biết con người nội tâm của ông:

“…Bản tính tôi nhút nhát, vụng về trước đám đông (điều này có lẽ ông khiêm nhường), không dễ tạo cảm tình nơi người khác lúc sơ giao. Những người có thiện cảm với tôi như nhà văn Võ Phiến thì rộng lượng cho rằng tôi ‘cẩn trọng từ tốn, không dàn trải mình ra bên ngoài, không bộc lộ náo nhiệt, cuộc sống thu lắng cả vào bên trong’. Những người có thành kiến xấu chắc chắn sẽ nghĩ tôi lãnh đạm, khó khăn. Bản tính vui buồn, nhanh chậm thuộc về bẩm sinh, tôi không can thiệp vào được. Tôi chịu nhiều thua thiệt do bản tính đó, nhưng đôi lúc nhờ ít nói cũng tránh được những lầm lẫn ngông cuồng. Càng ít nói càng đỡ lỡ lời…”

(Tha Hương, MBĐ 5)

Xin đọc trọn bài viết tại: https://xunauvn.org/2009/10/20/nguy%E1%BB%85n-m%E1%BB%99ng-giac-dong-van-ben-dong-song-con/

Comments are closed.