Yann Martel
Nguyễn Đức Tùng dịch
Văn Việt: Sau khi đăng bức thư thứ nhất của Yann Martel (rút trong tập 101 bức thư gởi Thủ tướng) nói về Cái chết của Ivan Ilych (xin xem ở đây), Văn Việt xin đăng tiếp bức thư thứ hai của nhà văn, nói về cuốn Trại súc vật. Lần này, vẫn là do Nguyễn Đức Tùng dịch.
2. Trại súc vật
Ngày 30 tháng 4, 2007
Trại súc vật, nhà văn George Orwell
Kính gởi Thủ tướng Stephen Harper,
Từ một nhà văn Canada,
Với lòng kính mến,
Yann Martel
Thưa Thủ tướng S. Harper,
Bây giờ khi đội khúc côn cầu “Những ngọn lửa” của ông đã bị loại khỏi vòng chung kết, tôi hy vọng ông có nhiều thì giờ rảnh rỗi hơn.
Quả thật tôi có hơi e ngại một số người sẽ chỉ trích tôi về cuốn sách thứ hai, tiểu thuyết Trại súc vật. Bởi vì nó được nhiều người biết tới, lại cũng được viết bởi một nhà văn da trắng đã mất. Nhưng chúng ta còn nhiều thời gian dành cho những gương mặt tiêu biểu khác của nghệ thuật bậc thầy – hãy tin tôi, họ thay đổi và rất đông – trừ khi ông thất cử trong mùa bầu cử tới, điều đó cũng tốt thôi vì ông sẽ có nhiều thời gian hơn để đọc, nhưng chắc không phải thế, lạy đấng Alas, theo những tiên đoán của tôi.
Nhiều người đã đọc Trại súc vật khi còn trẻ – có lẽ ông cũng thế – và yêu thích cuốn tiểu thuyết ấy vì những con vật trong đó và vì phong cách hài hước dí dỏm của tác giả. Nhưng khi lớn lên, người ta mới hiểu thêm ý nghĩa và tầm quan trọng của tác phẩm này.
Trại súc vật có một số điểm chung với Cái chết của Ivan Ilych: cả hai đều ngắn, chứng minh quyền lực thay đổi hiện thực của tác phẩm lớn, và cả hai đều nói về sự điên rồ và về ảo tưởng. Nhưng trong khi cuốn Ivan Ilych mô tả sự điên rồ cá nhân, sự thất bại của một người không sống được cuộc đời chân thực, thì Trại súc vật nói về cơn điên quần chúng, chứng mê cuồng tập thể. Đó là cuốn sách chính trị và không thể nào bỏ qua trong lãnh vực hoạt động của ông. Cuốn sách nói về một trong rất ít những điều hệ trọng mà mọi người dễ đồng ý với nhau: cái ác của một chế độ độc tài. Tất nhiên giá trị của tiểu thuyết không chỉ nằm trong chủ đề của nó. Chính việc đọc làm cho cuốn sách trở thành tác phẩm lớn, chứ không phải những đề tài mà nó bàn luận.
Tôi có một lý do riêng khi chọn Trại súc vật: tôi mong viết một tác phẩm tương tự như của Orwell.
Nhưng hãy nói về cuốn sách trước đã. Ông sẽ nhận ra cách hành văn trong sáng và bình thản, lãnh đạm, rất đặc trưng của tác giả. Ông sẽ có ấn tượng rằng những chữ của nhà văn tự nhiên rơi xuống trên trang giấy, như thể cái cách dễ nhất, tự nhiên nhất trên đời là viết ra những câu, những đoạn, những trang trong trẻo và lạnh lùng như vậy. Không phải thế.
Suy nghĩ một cách trong sáng và diễn đạt một cách trong sáng, đó là hai công việc khó khăn bậc nhất. Tôi nghĩ ông biết điều này khi ngồi soạn các diễn văn và những giấy tờ khác.
Câu chuyện khá giản dị. Những súc vật của nông trại Manor một ngày kia đâm ra chán ông chủ trại Jones và phương cách bóc lột của ông ta, liền nổi loạn, ném ông ra đường, xây dựng một tập thể dựa trên những nguyên tắc cao nhất và bình đẳng nhất. Nhưng có một con lợn xấu bụng tên là Napoleon và một con khác nữa, tên Chỉ điểm – cũng là tay tuyên truyền hùng biện – và chúng là ác mộng làm tan vỡ giấc mơ tuyệt đẹp của Trại súc vật, cái tên mới đặt của nông trại sau cuộc cách mạng vĩ đại kia, bất chấp những cố gắng tuyệt vọng của Tuyết tròn, một con lợn khác, và bản chất lương thiện của hầu hết các súc vật.
Bao giờ tôi cũng xúc động khi đọc lại chương Hai. Những con vật phát hiện ra có năm cái xô đựng sữa bò. Phải làm gì với chúng đây, khi ông Jones không còn nữa, mà sữa thì không bán được? Trộn chúng với khoai tây nghiền để mọi con vật đều ăn được, một con gà đề nghị thế.
“Đừng bận tâm về mấy xô sữa kia, các đồng chí!” Napoleon kêu lớn. “Mùa gặt ngoài kia quan trọng hơn. Đồng chí Tuyết tròn dẫn đầu. Tôi sẽ đi theo các đồng chí trong vài phút.” Và thế là cả bọn súc vật đi ra để gặt hái mùa màng.
Thế còn sữa? Thì thế này, “Buổi chiều, những con vật nhận ra sữa bỗng dưng biến mất.”
Chỉ cần năm xô sữa thôi là lý tưởng cách mạng của Trại súc vật, vừa mới ra đời, đã bị ngay trái tim tội lỗi của Napoleon dìm cho chết ngộp. Mọi thứ về sau mỗi lúc một xấu đi, như người ta có thể thấy.
Trại súc vật là ví dụ về một trong những công việc mà văn chương có thể làm được: thực hiện một lịch sử di động. Một người đọc không hiểu biết gì về lịch sử thế kỷ hai mươi ư? Một kẻ chưa bao giờ nghe nói tới Joseph Stalin hay Leon Trotsky hay cuộc Cách mạng tháng Mười Nga? Đừng lo: Trại súc vật sẽ truyền cho người đọc ấy bản chất của những điều thực sự đã xảy ra với những người láng giềng của chúng ta, bên kia Bắc Băng dương. Sự suy đồi của một lý tưởng, chứng rữa nát của một quyền lực, tính lạm dụng của một ngôn ngữ, cơn sụp đổ tan tành của một quốc gia – tất cả đều ở đó, được tìm thấy trong cuốn sách 120 trang mỏng mảnh kia. Và ai đã từng đọc những trang viết ấy sẽ trở nên khôn ngoan hơn nhiều đối với bọn cơ hội chính trị. Đó là cách mà văn học có thể làm được: thúc đẩy cơ chế miễn dịch.
Và đây là lý do riêng tư khiến tôi gởi đến thủ tướng cuốn Trại súc vật: lịch sử đau thương của những người Do Thái bị bọn quốc xã Đức giết hại cần được viết lại như một lịch sử di động. Đó là điều tôi cố gắng làm với cuốn sách sắp tới. Nhưng để nhìn ngắm lại những mảnh vỡ của lịch sử – bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu máu đổ xuống – và chưng cất chúng lại thành những trang viết ngắn gọn, đẹp đẽ, biến những tai ương của nhân loại thành một thứ gì đó thật gọn ghẽ nhẹ nhàng – không dễ đâu.
Như vậy, bên cạnh thú đọc sách, tôi cũng xin gởi đến ông những khuôn mẫu của tôi về một tác phẩm văn chương lý tưởng.
Rất quý mến,
Yann Martel
Tái bút: Chúc mừng sinh nhật Thủ tướng.
Dịch giả gửi Văn Việt.