101 bức thư gởi Thủ tướng

Yann Martel

Người dịch: Nguyễn Đức Tùng

Lời dẫn

Trong khoảng thời gian gần bốn năm, từ ngày 16 tháng 4 năm 2007 đến ngày 28 tháng 2 năm 2011, đều đặn hai tuần một lần, nhà văn Yann Marte đã gởi tặng Thủ tướng Canada Stephen Harper món quà đặc biệt của ông, đó là những cuốn sách, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ, và, không hề mệt mỏi, kèm theo chúng, những bức thư văn học. Yann Martel là tác giả của tiểu thuyết “Cuộc đời của Pi” lừng danh, đã dựng thành phim, một trong những nhà văn tài năng và sôi nổi nhất hiện nay của Canada. Vấn đề mà những bức thư đặt ra thật lớn: Tác phẩm văn học ảnh hưởng đến người đọc và các thế hệ như thế nào? Chúng ta muốn những nhà lãnh đạo đọc sách gì? Những tác phẩm ấy có làm họ thay đổi không? Và có làm lịch sử thay đổi? Chúng ta muốn con cháu trong tương lai có tư tưởng và tình cảm ra sao?

Thư trả lời đầu tiên từ văn phòng Thủ tướng Canada đến rất sớm, ba tuần từ khi cuốn sách được gởi đi, sau đó im lặng suốt gần hai năm, rồi dồn dập nhiều thư khác, nhưng không đều. Trước sau nhà văn nhận được bảy bức thư.

Đây là thư đầu tiên:

Ngày 8 tháng 5, 2007

Nhà văn Martel kính mến,

Thay mặt Thủ tướng chính phủ, tôi xin chân thành cám ơn ông về bức thư mới đây và cuốn sách của Tolstoy “Cái chết của Ivan Ilych”. Chúng tôi rất cảm kích những nhận xét và đề nghị của ông liên quan đến cuốn tiểu thuyết.

Một lần nữa cám ơn nhà văn đã dành thì giờ viết thư cho chúng tôi.

Trân trọng,

Susan I. Ross

Phụ tá của Thủ tướng

Yann Martel rõ ràng đã thất vọng, nhưng không hề bỏ cuộc, vẫn tiếp tục viết những bức thư xếp vào sau trang bìa trước của những cuốn sách mà ông đều đặn gởi đi hai tuần một lần, bằng tiền túi của mình. Khi cuối cùng chúng được công bố, những bức thư này của Martel đã mau chóng nổi tiếng ở Canada, và sau đó ngoài biên giới của nó, không những vì tính chất văn học thú vị của các bức thư, mà còn vì những quan tâm về chính trị và xã hội của chúng, được viết bằng một văn phong dễ đọc, quyến rũ, bởi một người viết có kiến thức sâu rộng, lối suy nghĩ sắc bén và độc đáo.

Mỗi người đến với tác phẩm văn học một cách khác nhau, nhưng hầu như đều ít nhiều gắn liền với những kinh nghiệm đọc riêng tư của mình trước đó. Khi lần đầu cầm lên cuốn sách của Yann Martel, chính bức thư thứ nhất nói về Cái chết của Ivan Ilych, một truyện vừa của Leo Tolstoy, đã hấp dẫn tôi. Năm học Đệ Thất, mười một tuổi, ở miền Nam, tôi đã may mắn đọc truyện này trên tạp chí Văn hóa ngày nay của Nhất Linh, trang bìa vẽ hình phong lan, những năm 1960 trước đó, nhưng không nhớ tên dịch giả. Hình như đến nay đây vẫn là bản dịch tiếng Việt duy nhất.

Xin giới thiệu các bức thư này với quý độc giả.

Người dịch

 

1.      Cái chết của Ivan Ilych

Ngày 16 tháng 4 năm 2007

Leo Tolstoy, bản dịch Anh văn từ tiếng Nga của Aylmer Maude

Kính gởi Thủ tướng Stephen Harper,

Từ một nhà văn Canada,

Với lòng kính mến,

Yann Martel

Thưa Thủ tướng S. Harper,

Cái chết của Ivan Ilych, tác phẩm của Leo Tolstoy, là cuốn sách đầu tiên mà tôi gởi đến ông. Thoạt đầu tôi nghĩ nên gởi một tác phẩm Canada – một biểu tượng thích hợp vì cả hai chúng ta đều là người Canada – nhưng tôi lại không muốn để mình bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, theo bất kỳ cách nào và, quan trọng hơn, tôi không nghĩ ra được một cuốn nào khác ngắn gọn, chỉ gần sáu mươi trang, lại chứng tỏ được một cách thuyết phục sức mạnh và chiều sâu của một tác phẩm văn học lớn. Ivan Ilych hẳn nhiên là tác phẩm lớn. Không có gì màu mè ở đây, không có sự yếu đuối, không vờ vĩnh, không giả dối, không có chi tiết nào thừa thãi, không một giây phút tù mù, nhưng vẫn không phải là thứ cốt truyện kể vội vàng cho xong. Đó là một câu chuyện, giản dị, hấp dẫn, về một người đàn ông và kết cục tầm thường của ông ta.

Cái nhìn của Tolstoy vào sâu chi tiết, thể chất và tâm lý, là chính xác. Hãy xem Schwartz. Anh ta đang ngồi ở nhà của Ivan Ilych quá cố, trò chuyện với góa phụ, nhưng trong bụng chỉ nghĩ tới những ván bài sẽ chơi vào tối hôm ấy. Hay Peter Ivanovich, xoay xở với cái nệm có những lò xo hỏng hóc một cách khổ sở trong khi cố gắng điều khiển cuộc trò chuyện kỳ quặc với người vợ góa của Ivan. Hay chính bà Praskovya Fedorovna, đang khóc chồng mới chết, rên rỉ trước mắt chúng ta, vẫn không bao giờ xao nhãng những quyền lợi thiết thân của mình, những chi tiết về món tiền hưu trí của ông chồng quan tòa, với hy vọng nặn thêm được tiền từ chính phủ, càng nhiều càng tốt. Hoặc hãy xem cái cách mà Ivan Ilych điều đình với ông bác sỹ đầu tiên, người khám bệnh cho ông ta, như chính Ivan nhận xét, với vẻ khệnh khạng và niềm lãnh đạm sâu xa bên trong, theo đúng cái cách mà Ivan cũng có khi ông ta còn ngồi làm việc ở tòa án, trước một bị cáo được dẫn tới. Hoặc hãy nhìn phác họa tinh tế về mối liên hệ giữa Ivan và vợ ông ta – đơn thuần là thứ hôn nhân địa ngục – hay với bạn bè và đồng sự, những người, tất cả bọn họ, đối xử với ông như thể bọn chúng đang đứng bên bờ sông trên nền đá rắn vững vàng, trong khi ông ta thì ngu ngốc và dại dột tự mình gieo xuống dòng nước chảy xiết. Hay là, cuối cùng hãy nhìn xem Ivan Ilych và cuộc vật lộn của ông ta, thật cô đơn, buồn bã.

Tình cảnh của chúng ta, lối sống của chúng ta hiện nay, chai đá và tuyệt vọng, đã được mô tả rõ ràng và chính xác làm sao. Nhẹ như không, Tolstoy khám xét vẻ ngoài nông cạn của cuộc đời, cũng như những động cơ bên trong. Thế mà hoạt cảnh của những thói điên rồ và sự khôn ngoan muộn màng kia không hề xuất hiện như bài giảng luân lý đáng chán, mà với sức nặng, sự chiếu sáng ngời ngời và vẻ tươi tắn của đời. Chúng ta nhìn rõ những lầm lỗi của Ivan Ilych – ồ, chúng hiện ra rõ ràng trước mắt, nhưng chúng ta không thể nào, không bao giờ phạm những sai lầm kiểu ấy – cho đến một ngày, bắt đầu nhận ra có một người nào đó đang đưa mắt nhìn mình, như thể chúng ta mới chính là những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết ấy.

Đó là sự vĩ đại của văn học, và nghịch lý của nó, rằng trong khi đọc về những nhân vật tưởng tượng, cuối cùng thì chúng ta cũng đọc về mình. Đôi khi sự phát hiện vô tình này khiến người đọc mỉm cười trước nhận thức mới, nhưng vào lúc khác, như trong trường hợp cuốn sách này, nó có thể tạo ra ở người đọc phản ứng lo âu và phủ nhận. Bất cứ cách nào, sau một cuốn sách, người đọc đều trở nên khôn ngoan hơn, và sự tồn tại của họ trở nên có ý nghĩa hơn.

Một phẩm chất mà chắc chắn ông sẽ nhận ra, đó là bất chấp khoảng thời gian từ khi cuốn sách được viết, năm 1882, cho đến hôm nay, và bất chấp khoảng cách văn hoá rất xa giữa một nước Nga tỉnh lẻ thời Sa hoàng và xã hội Canada hiện đại, câu chuyện này đến với người đọc hôm nay không hề bị trắc trở. Tôi không nghĩ ra được một tác phẩm nào khác trong khi mô tả một thời kỳ cụ thể, hết sức Nga, vô cùng Nga, thì lại có khả năng vượt qua tính chất địa phương để đạt đến tầm phổ quát như thế. Một nông dân ở Trung Hoa, một công nhân di cư làm việc ở Kuwait, một linh mục châu Phi, một kỹ sư ở Florida, một Thủ tướng ở Ottawa – tôi có thể hình dung họ đang ngồi đọc Cái chết của Ivan Ilych và lẩm nhẩm gật đầu.

Trên hết, tôi muốn giới thiệu với ông nhân vật Gerasim.Tôi nghĩ đó là nhân vật chúng ta ít thấy giống với mình nhất, nhưng lại là kẻ mà chúng ta ao ước biết bao được trở thành. Chúng ta hi vọng một ngày kia, khi ngày đó tới, sẽ có một người giống hệt Gerasim xuất hiện giữa chúng ta, bên cạnh chúng ta đây.

Tôi biết ông rất bận, thưa Thủ tướng Harper. Tất cả chúng ta đều bận tối mặt. Những tu sĩ ngồi thiền trong tịnh xá của họ cũng bận. Đó là đời sống của người lớn, tràn ngập việc phải làm. (Hầu như chỉ trẻ con và người già là không sợ thiếu thời gian – để ý xem họ thích đọc sách ra sao, thích nhìn ngắm ra sao.) Nhưng mỗi người đều có khoảng không gian nhỏ trước giấc ngủ, có thể là một manh chiếu rách trải bên vệ đường hay cái bàn xinh xắn đầu giường ngủ. Trong khoảng không gian ấy, lúc về đêm, một cuốn sách có thể chiếu sáng lấp lánh.

Và giây lát tỉnh thức dễ bảo ấy, khi chúng ta bắt đầu từ biệt một ngày, là thời gian tuyệt hảo để cầm cuốn sách lên, trở thành người khác, sống một nơi khác, trong vài phút ngắn ngủi, một vài trang sách thôi, trước khi chúng ta rơi chìm vào giấc ngủ. Và rồi những khả thể bất tận. Sherwood Anderson, một nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng với tuyển tập truyện ngắn Winesburg Ohio, đã viết những truyện đầu tiên của mình khi ông ngồi trên xe lửa đến nơi làm việc. Stephen King không bao giờ tới dự các cuộc tranh tài bóng chày mà không có một cuốn sách trên tay để đọc lúc nghỉ giải lao. Chỉ là vấn đề chọn lựa.

Và tôi đề nghị ông chọn lựa, vài phút mỗi ngày, đọc hết cuốn Cái chết của Ivan Ilych.

Trân trọng,

Yann Martel

 

Dịch giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.