Bob Dylan thắng giải Nobel Văn học, sự định nghĩa lại những đường biên văn học

Ben Sisario, Alexandra Alter và Sewell Chan, The New York Times ngày 13/10/2016

Hồng Anh dịch

 

Nửa thế kỷ trước, Bob Dylan gây sốc cho nền âm nhạc thế giới khi chơi ghi-ta điện và làm lạ hóa dòng nhạc dân gian thuần túy. Qua nhiều thập kỷ, ông tiếp tục gây nên nhiều ngạc nhiên ngoài dự đoán khi hàng triệu đĩa nhạc được tiêu thụ với lối sáng tác phức tạp, bí hiểm.

Lúc này, Dylan, ông hoàng thi ca của kỷ nguyên rock, đã được trao giải Nobel Văn học, một vinh dự đưa ông vào hàng ngũ của T. S. Eliot, Gabriel García Márquez, Toni Morrison và Samuel Beckett.

Dylan, 75 tuổi, là nhạc sĩ đầu tiên thắng giải này, kết quả lựa chọn ông vào hôm thứ Năm có lẽ là chọn lựa cấp tiến nhất trong lịch sử trải dài kể từ năm 1901. Chọn một nhạc sĩ đại chúng để vinh danh cho vị trí cao quý nhất của văn đàn thế giới, Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi trao giải, đã bất ngờ định nghĩa lại những đường biên văn học, làm khơi dậy cuộc tranh luận về việc lời nhạc liệu có đồng đẳng về giá trị nghệ thuật với thể trữ tình và tự sự hay không.

Một số nhà văn nổi tiếng như Stephen King, Joyce Carol Oates và Salman Rushdie đã ca ngợi thành tựu văn chương của Dylan, gọi ông là “người truyền thừa lỗi lạc của truyền thống thi sĩ ca công cổ”, và nói thêm, “Một lựa chọn tuyệt vời”.

Nhưng những người khác đã gọi quyết định của Viện Hàn lâm là sai lầm và tra vấn liệu sáng tác ca khúc, dù xuất chúng đi nữa, có thể nâng cấp thành văn học được chăng.

“Bob Dylan thắng giải Nobel Văn học thì cũng giống như Mrs. Fields được trao ba ngôi sao Michelin”, tiểu thuyết gia Rabih Alameddine đã viết như vậy trên Twitter. “Điều này gần như cũng ngớ ngẩn như trường hợp Winston Churchill”.

Jodi Picoult, một tiểu thuyết gia ăn khách, đã hỏi mỉa mai rằng: “Tôi hạnh phúc vì Bob Dylan, #NhưngĐiềuĐóKhôngCóNghĩaLàTôiCóThểThắngGiảiGrammy?”

clip_image002

Nhiều nhạc sĩ thì ca ngợi chọn lựa này với nỗi kinh ngạc. Trên Twitter, Rosanne Cash, nghệ sĩ sáng tác ca khúc và là con gái của Johnny Cash đã viết đơn giản là: “Ối trời ơi. Bob Dylan giành giải Nobel”.

Nhưng một số nhà phê bình thì nổi giận. Hai trang web định hướng giới trẻ, PitchforkVice, cùng chạy các mục báo về vấn đề Dylan có phải là một lựa chọn thích hợp cho giải Nobel hay không.

Là tác giả của trường phái nhạc dân gian cổ điển và nhạc phản chiến với những bài như “Blowin’ in the Wind” và “The Times They Are a-Changin’ ” cũng như có nhiều sáng tác lọt vào Top 10 ca khúc nổi tiếng nhất như “Like a Rolling Stone”, Dylan là người thắng giải Nobel khác thường. Là người Mỹ đầu tiên đạt giải sau Morrison năm 1993, ông là đề tài cho giới nghiên cứu Oxford và được các tổng thống yêu quý.

Nhưng thay vì xuất hiện ở buổi họp báo chuẩn mực do một nhà xuất bản sắp xếp thì Dylan lại đang biểu diễn trong một nhà hát ở Las Vegas vào hôm thứ Năm. Trước buổi chiều muộn, Dylan không đưa ra bình luận nào về vinh dự này.

Dylan thường đưa vào rải rác trong âm nhạc của mình những ngụ ẩn văn chương và dẫn lại những ảnh hưởng thi ca vào lời nhạc, tham khảo Arthur Rimbaud, Paul Verlaine và Ezra Pound. Ông cũng đã xuất bản thơ và văn xuôi, gồm một tuyển tập năm 1971 “Tarantula” , và “Chronicles: Volume One”, hồi ký xuất bản năm 2004. Tuyển tập lời ca khúc do ông sáng tác từ năm 1961-2012 sắp ra mắt vào ngày 1 tháng Mười một do nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành.

Các học giả văn học đã tranh cãi dài hơi về lời nhạc của Dylan xem liệu có đúng là có chất thơ, và một công trình học thuật đáng ngạc nhiên đã dành để phân tích ngữ pháp trong nhạc của ông. “Ấn phẩm của Oxford về Thơ ca Mỹ” (The Oxford Book of American Poetry) có phân tích bài hát “Desolation Row” của ông theo bản phát hành năm 2006, và nhà xuất bản Đại học Cambridge đã in “Đồng hành cùng Bob Dylan” (The Cambridge Companion to Bob Dylan) năm 2009, gắn kết danh tiếng của ông vào lĩnh vực phong cách sáng tác văn chương như một nhà văn thiên tài.

Billy Collins, nhà thơ đã từng thắng giải thơ Mỹ, cho rằng Dylan xứng đáng được công nhận không phải chỉ như là người sáng tác ca khúc mà còn như là một nhà thơ.

“Hầu hết lời nhạc không thật sự đứng vững nếu không có âm nhạc và chúng không được đánh giá cao”, ông Collins phát biểu trong một bài phỏng vấn. “Bob Dylan ở trong số hai phần trăm những người viết lời ca khúc mà lời trên bản nhạc đã đủ hấp dẫn chứ không cần acmônica và ghi-ta và giọng hát đặc trưng của ông. Tôi nghĩ rằng ông đủ phẩm chất của một nhà thơ”.

Khi trao tặng giải Nobel Văn học cho Bob Dylan, Viện Hàn lâm có thể cũng nhận thấy rằng khoảng cách đã gần lại giữa nghệ thuật hàn lâm và các hình thức sáng tạo mang tính thương mại hơn.

“Là văn học, nhưng là âm nhạc, là nghệ thuật trình diễn, là nghệ thuật, và cũng có tính thương mại cao”, David Hajdu, nhà phê bình âm nhạc của tờ The Nation, người đã viết những bài khái quát về Bob Dylan và những người cùng thời ông, cho biết. “Các phạm trù cũ về nghệ thuật cao cấp và thấp kém đã sụp đổ theo thời gian, nhưng bây giờ thì nó đã chính thức diễn ra”.

clip_image004

Nhiều năm trước, các nhà văn và nhà xuất bản đã chỉ trích ngấm ngầm rằng giải thưởng thường được trao cho những tác giả ít người biết đến với thông điệp chính trị nhiều hơn là tính đại chúng. Nhưng lần này khi chọn người quá nổi tiếng và vượt xa những truyền thống văn chương được thiết lập cho đến nay, Viện Hàn lâm dường như đã rơi từ cực này sang cực khác, dành tặng danh tiếng cho một nghệ sĩ đại chúng vốn đã dư thừa điều này.

Đây không phải là lần đầu tiên định nghĩa về văn học bị kéo giãn. Năm 1953, Winston Churchill đã nhận giải thưởng, một phần như là sự ghi nhận những phẩm chất văn chương trong các diễn văn chính trị bay bổng của ông và “nghệ thuật diễn thuyết xuất sắc trong việc bảo vệ những giá trị cao quý của loài người”, theo Viện Hàn lâm. Và năm trước, nhiều người đã ngạc nhiên khi giải thưởng thuộc về nhà báo người Belarus Svetlana Alexievich với thể tự sự được trình bày sâu sắc qua hình thức sử kể (oral history).

Trong lời trích dẫn, Viện Hàn Lâm Thụy Điển công nhận rằng Dylan “đã sáng tạo nên những biểu đạt thi ca mới trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”.

Sara Danius, nhà nghiên cứu văn học và là thư ký thường trực của 18 thành viên Viện Hàn lâm – những người đã gọi Dylan là “một thi sĩ vĩ đại trong truyền thống Anh ngữ” và so sánh ông với Homer và Sappho, tác giả của những sáng tác truyền miệng – khi được hỏi về việc trao thưởng cho một nhạc sĩ như là tín hiệu mở rộng biên độ khái niệm văn học, bà Danius trả lời: “Thời đại luôn thay đổi, có lẽ vậy”.

Dylan, tên thật là Robert Allen Zimmerman, sinh ngày 24 tháng Năm năm 1941 tại Duluth, Minn. Ông nổi lên trong bối cảnh âm nhạc New York năm 1961 như một nghệ sĩ theo bước truyền thống âm nhạc của Woody Guthrie, hát những bài phản kháng và khảy guitar cổ điển trong các câu lạc bộ và hộp đêm ở Greenwich Village.

Nhưng ngay từ đầu, Dylan đã phản đối những lời nhạc hoa mỹ và phong cách sáng tác bất quy phạm của ông đã làm mê hoặc giới nghệ sĩ và nhà phê bình. Năm 1963, nhóm nhạc folk Peter, Paul và Mary leo lên vị trí số 2 trên bảng xếp hạng Billboard thể loại pop với ca khúc “Blowin’ in the Wind” do Dylan sáng tác, với những đoạn điệp khúc mờ nghĩa làm gợi lên lời Thánh Kinh.

Trong nhiều năm, Dylan đã xáo trộn chính ý niệm nhạc dân gian (folk music) bằng những bài hát phức tạp hơn và chuyển sang hơi hướng rock ’n’ roll nhiều hơn. Năm 1965, ông chơi cùng một ban nhạc rock điện tử tại Newport Folk Festival, khiêu khích phản ứng của người hâm mộ, họ buộc tội ông đã phản bội lại dòng nhạc này.

Sau những báo cáo về vụ tai nạn mô-tô năm 1966 gần nhà ông ở Woodstock, N.Y., Dylan rút lui khỏi đời sống cộng đồng nhưng vẫn hoạt động tích cực trong vai trò người sáng tác ca khúc. Các học viện tại Tulsa, Okla trong năm nay đã thu thập hàng ngàn trang bản thảo trong quá trình sáng tác ca khúc của ông thành bản lưu trữ nhiều tập.

Album “Blood on the Tracks” năm 1995 của ông được xem như là tác phẩm mãnh liệt nhất nói về một quan hệ tan vỡ, nhưng chỉ bốn năm sau, bối cảnh Thiên Chúa giáo trong “Slow Train Coming” đã gây tranh cãi trong giới phê bình. Hai album gần đây nhất của ông là hát lại những bản nhạc pop truyền thống gắn với tên tuổi Frank Sinatra.

Từ năm 1988, Dylan lưu diễn liên tục, gợi hứng để đặt thành tên gọi không chính thức cho hành trình âm nhạc của ông, “Hành trình bất tận” (the Never Ending Tour). Tuần trước, ông có hai buổi biểu diễn đầu tiên tại Desert Trip, một lễ hội ở Indio, Calif. với sự tham gia của ban nhạc The Rolling Stones, Paul McCartney và những ngôi sao khác của thập niên 1960. Ông dự định trở lại vào thứ Sáu tức tuần thứ hai của lễ hội.

“Tiếp theo những năm 60”, Giles Harvey viết trên The New York Review of Books năm 2010, “Dylan ngày càng bối rối với những lời hô hào sùng tín và phái tả khuynh giáo điều trong bầu không khí âm nhạc dân gian”. Ông “bắt đầu viết loại thơ vô nghĩa hư ảo, trong đó nước Mỹ xù xì, thô tục, hỗn loạn của dòng nhạc dân gian truyền thống va chạm với toàn thể đặc tính phi thực từ lịch sử, văn học, truyền thuyết, Kinh thánh, và còn nhiều lĩnh vực khác nữa.

Nhiều album của Dylan đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển mô tả là có “tác động to lớn đến nền âm nhạc đại chúng”, gồm “Bringing It All Back Home” và “Highway 61 Revisited” (1965), “Blonde On Blonde” (1966), “Blood on the Tracks” (1975), “Oh Mercy” (1989), “Time Out Of Mind” (1997), “Love and Theft” (2001) và “Modern Times” (2006). 38 album phòng thu của ông đã bán được 125 triệu bản trên khắp thế giới.

Viện Hàn lâm nói thêm: “Dylan là một biểu tượng. Tầm ảnh hưởng của ông đối với âm nhạc đương đại là rất sâu sắc, và ông đã phản ứng lại dòng chảy êm đềm của dòng văn học phi chính danh”.

Dylan đã đạt nhiều giải thưởng danh giá bao gồm Grammy, Oscar và Quả Cầu Vàng. Ông được vinh danh trong Đại sảnh Danh Vọng Rock and Roll năm 1988, thắng giải Pulitzer đặc biệt năm 2008 và được trao Huân chương Tự do của Tổng thống năm 2012.

Giải Nobel mang đến 8 triệu cuaron Thụy Điển, tức hơn 900.000 đô la Mỹ. Giải thưởng văn học được trao cho sáng tác trọn đời thay vì một tác phẩm đơn lẻ.

“Hôm nay, mọi người từ Bruce Springsteen đến U2 đều nợ Bob lòng biết ơn”, Tổng thống Obama phát biểu tại buổi lễ trao huân chương. “Không có ai phi thường hơn trong lịch sử âm nhạc Mỹ. Sau những năm tháng này, ông vẫn sẽ theo đuổi âm thanh này, vẫn tìm kiếm từng chút một chân lí. Và tôi phải nói rằng tôi thật sự là một người hâm mộ cuồng nhiệt”.

Đính chính: Ngày 13, tháng Mười , 2016

Do lỗi biên tập, trong một bản đã đăng, bài này đã dẫn không đúng tác giả của một bài viết năm 2013, cho rằng Bob Dylan xứng đáng nhận giải thưởng Nobel. Tác giả là Bill Wyman, một nhà báo, chứ không phải là người cùng tên, cựu thành viên ban nhạc Rolling Stones, chơi guitar bass.

Comments are closed.