60 ngày ở Mỹ (kỳ 2)

Bút ký Hoàng Minh Tường


3. BẠN VĂN

Cho đến bây giờ, tôi vẫn được coi là nhà văn thành nghiệp từ dòng văn học chính thống, tức là tôi từng viết theo cái khuôn mẫu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, cái dòng văn học mà theo nhà văn Nguyễn Khải, người đã theo và trung thành với nó cho tới khi sắp lên thiên đàng mới nhận ra rằng, việc ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh “Mừng thì rất mừng, nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc” (Đi tìm cái tôi đã mất – NK).

Chuyến sang Mỹ lần này, tôi không quen biết nhà văn nhà báo nào, vì hầu hết họ sống và viết ở miền Nam trước năm 1975. Thậm chí tôi có thể bị nghi ngờ “điệp viên hai mang”, bị ghẻ lạnh khi tiếp xúc với các văn hữu hải ngoại. Vì thế, khi nhận được tin nhắn và điện thoại của nhà thơ Phan Tấn Hải, sẽ đón tôi đến thăm một vài nhà văn mà tôi từng đọc và ngưỡng mộ, tôi cảm kích vô cùng. Anh Hải người gốc Bắc, theo cha mẹ di cư vào Nam, vượt biên khi còn trai tân, chưa lập gia đình. Sang Cali, Hải làm đủ nghề, tham gia viết báo, có truyện ngắn, thơ in trên nhiều ấn phẩm văn học hải ngoại. Hiện anh đang là cây bút chủ lực của Việt Báo, một tờ báo hàng đầu ở quận Cam, có số độc giả không thua kém gì báo Người Việt.

Lần đầu tiên gặp nhau, nhưng văn kỳ thanh, nên anh em đã thân thiết như duyên nợ từ lâu lắm. Anh có quen thân ông Tống Văn Công không? Hai vợ chồng ông mới sang định cư tại quân Cam cùng vợ chồng con gái. Nghe Hải nói, tôi mừng quá. Hồi Tống Văn Công làm Tổng biên tập báo Lao Động, tôi đã gặp ông một vài lần. Một người hiền lành, nho nhã rất dễ gần. Nghe nói ông vừa có cuốn hồi ký Đến già mới chợt tỉnh in ở bên này đang gây xôn xao dư luận.

Đã được báo trước có khách đến chơi, vợ chồng nguyên Tổng biên tập báo Lao Động vui lắm. Mừng vì có người đồng hương đến thăm, nhưng trong đôi mắt họ vẫn vời vợi nỗi buồn của “người di tản”. Căn hộ trong khu cư dân ở Santa Anna thật đẹp, như niềm mơ ước của hầu hết những người nghỉ hưu. Mới sang vài tháng, chưa quen môi trường, ít bạn, lại chưa biết lái xe, hai vợ chồng già hầu như chỉ ở nhà chơi với cháu ngoại, nấu ăn, đọc sách. Bà Mai là vợ thứ hai của ông Tống Văn Công, có người con gái duy nhất đang định cư ở quận Cam. Ngoài sáu mươi, gầy mảnh, nhưng bà Mai là một phụ nữ năng động, thức thời, là chỗ dựa tinh thần, bác sĩ riêng của chồng từ ngày ông về hưu. Ngay khi sang Mỹ, bà đã cố gắng rút ngắn thời gian hòa nhập, hàng ngày học tiếng Anh và theo học lớp lái xe. Bà Mai thổ lộ: “Vợ chồng con gái mua cho bố mẹ chiếc xe, nhưng không biết lái, cũng như người bị bó chân. Đi chợ, đi khám bệnh cũng phải nhờ con, mà chúng nó bao nhiêu việc. Tôi phải cố lấy cái bằng lái anh ạ. Hôm rồi, lái xe lên đường cao tốc lao vù vù bảy mươi mile một giờ, tay run bần bật. Nhưng sẽ phải cố, nếu không muốn ngồi nhà trở thành gánh nặng cho con cháu…”.

Phan Tấn Hải đưa chúng tôi đi thăm làng Đức và chợ Nhật ở quận Cam. Gặp ngày lễ hội, cộng đồng người Đức quy tụ nhau ở khu trung tâm, uống bia, thưởng thức món ăn dân tộc và vui chơi, quay số có thưởng. Chúng tôi len lỏi giữa những gian hàng, giữa giới trẻ ồn ã hết mình rồi tha thẩn quanh những ngõ hẹp quanh co với đường phố lát gạch, những ngôi nhà mái nhọn kiểu Đức, những bồn hoa mini rực rỡ đủ sắc hoa hồng, những giò phong lan và hoa dây treo bên của sổ. Một làng cổ đẹp như trong truyện Grimm.

-Từ ngày sang Mỹ, hôm nay vợ chồng tôi mới có một chuyến dã ngoại khám phá Cali anh ạ – ông Công tâm sự. Nếu không có anh Hải, làm sao chúng mình biết có một làng Đức độc đáo và giàu bản sắc thế này.

Tôi cố lái câu chuyện về cuốn hồi ký Đến già mới chợt tỉnh ông vừa cho xuất bản. Thông thường những tác giả khác sẽ mừng hú lên. Đọc thế nào? Có hay không? Hấp dẫn đấy chứ? Nhớ chương nào, đoạn nào nhất? Nhưng nhà báo kỳ cựu Tống Văn Công cố né tránh. Ông tỏ ra thờ ơ. Dường như bất đắc dĩ lắm ông mới phải viết cuốn sách đó. Dường như đó là nỗi đau nhất của đời ông. Một nỗi đau lúc nào cũng cố phải nuốt khi chực trào bật lên thành tiếng.

Trước khi sang đây tôi mới kịp đọc một vài chương giới thiệu qua một trang mạng. BBC tiếng Việt bình luận: Đây là tự thuật của một người từ theo cộng đến chống cộng, một tiếng kêu than hối tiếc vì cả đời làm công cụ của đảng. Đau lắm chứ. Bảy mươi tuổi đảng. Cả đời lầm tưởng lý tưởng, cuối đời đành viết đơn xin ra. Tôi đùa: “May mà cụ sang đây, nếu không, ngay khi sách in ra, các đồng chí đã cách cái nguyên Tổng biên tập của cụ rồi”. Ông Công cười cay đắng, không nói gì.

Cho đến quá trưa, khi chúng tôi về nhà hàng Thuận Kiều ở trung tâm Westminster, dường như trong không khí có vẻ thuần Việt, từ mùi xào nấu đặc trưng trong bếp, từ mùi phở Bắc ngào ngạt, và những gương mặt đồng bào thân quen ở các dãy bàn bên cạnh, ông Tống Văn Công mới thổ lộ với chúng tôi nỗi cay đắng của chuyến tha hương lần này.

-Mười bảy tuổi, đã từ giã quê hương Bến Tre đi theo kháng chiến. Có ai nghĩ ngoài tám mươi tuổi lại ly hương, chia tay những gì thân yêu nhất của đời mình…

Ông nghẹn ngào buông đũa và bỏ giữa chừng câu nói. Trời ơi, ông già khóc. Đôi mắt ông hoe đỏ và hai ngấn nước trào bên khóe. Tôi biết, tim ông đang thổn thức. Ai có thể nghi ngờ được ông, người đã cùng cha và năm em trai đi theo cộng sản, phản bội Tổ quốc mình?

Nếu như Văn Nghệ, tờ báo mà tôi có vinh dự được làm việc từ thời Tổng biên tập Nguyên Ngọc là tờ báo tiên phong cho giới văn chương tiếp cận đời sống hiện thực, cổ vũ phong trào đổi mới, thì báo Lao Động thời Tống Văn Công làm Tổng biên tập là tờ báo thời sự chính luận hàng đầu những năm đó dám ủng hộ tiếng nói của công nhân và người lao động. Người ta gán cho ông tội buông lỏng quản lý, dám thu nạp một loạt các cây bút (Chánh Trinh, Chóe…) từng làm báo dưới chế độ Sài Gòn, những cây bút “có vấn đề”, nhưng thực chất là những nhà báo có tài, trung thực, có chính kiến, muốn phụng sự một nền báo chí chân chính.

Rồi việc ủng hộ giai cấp công nhân bị tư bản đỏ bóc lột, tán thành quan điểm gần dân của tướng Trần Độ, ủng hộ tư tưởng đổi mới của Trần Xuân Bách, … đã khiến ông lao đao trên đe dưới búa. Nghỉ hưu, nhưng ông vẫn đau đáu với vận nước, nhiều lần lên tiếng phản biện. Đến già mới chợt tỉnh là tiếng đồng vọng với Đi tìm cái tôi đã mất của nhà văn Nguyễn Khải, chưng cất từ đời sống, từ hơn sáu mươi năm “theo voi ăn bã mía” của chính ông.

Biết là sách không thể in trong nước, và in ra ông sẽ bị sách nhiễu, thậm chí tù tội, nên để yên ổn những năm cuối đời, ông đành phải theo gót bao người “di tản”, sống gửi nước Mỹ chăng?

***

Ai đã một lần đọc tiểu thuyết Thềm hoang hẳn không thể quên một thời Hà Nội những năm Pháp tạm chiếm với những xóm nghèo ngoại ô, có ông xẩm mù, chú bé đánh giày, cô gái “bán hoa”, những phu bốc vác… Chân dung lớp người lao khổ được Nhật Tiến tiếp nối những bậc đàn anh đi trước, những Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Thạch Lam…, dựng lại một cách sống động, xa xót trong thiên tiểu thuyết đầu tay Thềm hoang của ông. Cuốn tiểu thuyết ngay khi ra mắt tại Sài Gòn đã gây xôn xao dư luận văn đàn, năm 1962 được giải thưởng Văn chương toàn quốc.

Đã được Phan Tấn Hải gọi điện báo từ hôm qua, nhà văn Nhật Tiến đã nhắc cô giúp việc đứng đợi sẵn đón khách, khi xe chúng tôi đỗ trước căn nhà tuyệt đẹp tọa lạc ở góc cua một đường phố Garden Grove. Vẫn phong thái một người Hà Nội gốc, nho nhã, thanh mảnh, tác giả Thềm hoang mặc dù mới qua một cơn tai biến, hai tay còn run, nhưng chân tình, thân ái ngay không hề cách bức.

Năm 2009, hồi tiểu thuyết Thời của Thánh Thần bị (ngầm) cấm lưu hành, tôi có tặng nhà văn Nhật Tuấn bản vi tính và đã được chuyển sang California đăng feuilleton trên một tờ nhật báo. Biết tôi chơi thân với nhà văn Nhật Tuấn em trai ông từ lâu, nên ông coi tôi như em út.

“Nghe Hải nói, mình đã chuẩn bị sẵn sách để tặng Tường”. Ông đứng dậy với tay lấy chồng sách để trên chiếc bàn lớn ngồn ngộn sách vở tài liệu: Thềm hoang, Từ nhóm Bút Việt đến Trung tâm Văn bút Việt Nam, Sự thật không thể chôn vùi, Người kéo màn... Có cả Đi về nơi hoang dã, sách vừa tái bản của Nhật Tuấn và những băng đĩa liên quan đến các văn nghệ sĩ, các sự kiện văn nghệ. Những cuốn sách còn thơm mùi mực, do nhà xuất bản Huyền Trân ấn hành, có lời đề tặng và chữ ký của nhà văn Nhật Tiến.

Chúng tôi uống trà Thái Nguyên, ăn bánh ngọt, nho Mỹ và nói chuyện văn chương, chuyện những nhà văn quen biết. Tôi ngạc nhiên vì trí nhớ của ông già tám mươi hai tuổi. Dường như năm tháng chưa làm phai mờ những gì không thể quên. Đó là những ngày thành lập Hội Văn bút Việt Nam năm 1957 mà ông là một trong những thành viên sáng lập. (Một ngẫu nhiên trùng hợp (?), vào năm ấy, Hội Nhà văn Việt Nam cũng mở đại hội thành lập tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội. Nhưng sau đó Hội Văn bút Việt Nam có tên trong Hội Văn bút quốc tế – International Pen, còn Hội Nhà văn Việt Nam thì không).

Thềm hoang nhận Giải thưởng văn chương đầu tiên của văn học phía Nam, 1962. Đặc biệt là năm 1963, thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tự do dân chủ, o ép nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, người sáng lập Tự lực Văn đoàn, nhà văn bất đồng chính kiến, buộc nhà văn phải tự sát. Lá thư tuyệt mệnh của ông sẽ còn găm mãi vào lịch sử: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do”.

Chỉ những kẻ giá áo túi cơm, văn nô, bút nô mới sợ hãi, im lặng trước cái chết đầy khí phách của kẻ sĩ chống lại cường quyền. Nhà văn Nhật Tiến, người tiêu biểu cho phẩm chất trí thức tinh hoa, đã vận động các bậc thức giả, bất chấp sự ngăn cản của chính quyền gia đình trị, đứng ra tổ chức đám tang Nhất Linh ngay tại trụ sở Hội Văn bút, và chính ông đã đọc điếu văn thương tiếc một tài năng văn chương, một chính trị gia, một người yêu nước chân chính.

Những ngày ở quận Cam, tôi đã mê mải đọc Từ nhóm Bút Việt đến Trung tâm Văn bút Việt Nam, một hồi ký tư liệu bao quát cả một giai đoạn hình thành và phát triển của đội ngũ những người làm văn chương ở nửa nước phía Nam từ năm 1954 đến 1975, mà các nhà nghiên cứu sau này rất cần để bổ khuyết một mảng trống của lịch sử phát triển văn học dân tộc.

Có một điều rất khác biệt giữa các nhà văn miền Bắc và miền Nam thời kỳ 1954 -1975, đó là, nếu như ở miền Bắc, hầu như “người người lớp lớp” tụng ca đảng, chế độ, lãnh tụ và chỉ lóe lên một một phách đảo Nhân văn Giai phẩm để xiển dương quyền tự do sáng tác, quyền được viết lên sự thật, liền bị dập tắt, thì ở miền Nam, hiếm thấy có chuyện nhà văn ngợi ca Ngô Tổng thống, tâng bốc chế độ, ca mãi bài ca không quên.

Trừ một số văn nô, bồi bút tay sai của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đa phần nhà văn miền Nam sẵn sàng tử vì đạo như Nhất Linh, cùng xuống đường với sư sãi, Phật tử, nhà báo, sinh viên phản đối chế độ độc tài. Nhà văn nhà báo bị gậy đi ăn mày vì một nền dân chủ. Nhà văn luôn tâm nguyện cùng Trương Quốc Khánh “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương” …

Những trang hồi ức, biên khảo của Nhật Tiến cho tôi nhìn rõ hơn cốt cách, phẩm hạnh các nhà văn phía Nam, của dòng văn học phía Nam, mà lâu nay một số người thường ngộ nhận, thậm chí ác cảm vô lối. Tha phương đất khách, lẽ ra buông bỏ, an phận thủ thường, hoặc hằn học hận thù, ngùn ngụt sắt máu, nhưng, như nhiều tài năng văn chương khác, nhà văn Nhật Tiến vẫn đau đáu nghĩ về thứ văn chương muôn thuở, vẫn không nguôi ngoai nhen nhóm, gìn giữ và nuôi dưỡng tiếng mẹ đẻ, kho tàng văn hóa Việt ở miền đất khách quê người.

Nhà xuất bản Huyền Trân, Radio Hồn Việt, Ti vi Hồn Việt… được ông và nhà văn Đỗ Phương Khanh, vợ ông, cùng các con ông gây dựng bao năm nay, là những mạch nguồn văn hóa giữ cho hồn Việt không ngừng chảy và thấm đẫm từ thế hệ thứ hai, thứ ba và mai sau…

***

Có một địa chỉ ở quận Cam mà tôi mang ơn và nhất thiết phải đến cảm tạ, đó là Tập đoàn Truyền thông Xuất bản Người Việt.

Cuối năm 2013, tôi viết xong tiểu thuyết lịch sử Nguyên Khí. Câu chuyện trong tác phẩm chỉ gói gọn trong hai mươi bảy ngày, từ 20 tháng Bảy năm Nhâm Tuất 1442, ngày Hoàng tử Lê Tư Thành (còn có tên Lê Hạo), sau này là vua Lê Thánh Tông, chào đời, đến ngày 16 tháng tám năm Nhâm Tuất, ngày Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi và Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ thụ án tru di.

Cuốn tiểu thuyết sẽ rất hiền lành nếu chỉ viết theo lối tái hiện lịch sử thông thường. Vấn đề ở đây là tác giả dùng thủ pháp hai trong một, đồng hiện và soi chiếu, đưa các nhân vật thời nay tham gia câu chuyện, để dẫn tới một thông điệp: Chế độ độc tài toàn trị tham nhũng quyền lực bằng mọi giá, thời xưa cũng như nay đều tìm mọi cách triệt hại kẻ sĩ, đặc biệt kẻ sĩ đó lại là vĩ nhân.

Lời đề từ trích từ tiểu thuyết Vạn Xuân của nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray: “Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấn thảm kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ”, đã phần nào nói rõ tư tưởng tác phẩm. Chính các chương viết đương đại khiến mạng lưới kiểm duyệt “động lòng” …

Tôi đưa bản thảo đến mấy nhà xuất bản có vẻ có “bản lĩnh”, đều có lời khen nhưng từ chối không dám in, bèn tìm đến nhà xuất bản Tri Thức. Giám đốc – Giáo sư Chu Hảo, đọc liền hai ngày, tâm đắc lắm, thành lập một hội đồng biên tập, có nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Nguyễn Huệ Chi cùng đọc, nhất trí xuất bản. Tên thể loại tiểu thuyết bị bỏ đi, vì trong giấy phép thành lập nhà xuất bản không có chức năng in tiểu thuyết. Giấy phép xuất bản được cấp. Giám đốc nhà xuất bản mời đến 53 Nguyễn Du để ký hợp đồng. Đợt đầu tạm in 2000 bản, sách ra sẽ in nối bản vài nghìn nữa. Bìa do họa sĩ tài danh Ngô Xuân Khôi vẽ. Một gam màu máu chết, chữ Nguyên Khí màu trắng kiểu thư pháp, phía dưới, thanh đại đao nhỏ máu ròng ròng và lăn lóc một chiếc mũ cánh chuồn trong vũng máu đỏ tươi. Tôi âm ỉ sướng và hy vọng chỉ hơn tháng sau tiểu thuyết Nguyên Khí sẽ xuất hiện trên các quầy sách cả nước.

Đầu tháng 11 năm 2013, đang cùng đoàn nhà văn ngược Tây Bắc để viết bài kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, thì nhận tin Nguyên Khí vừa vào nhà in, đã bị ách lại. Sau này giáo sư Chu Hảo cho biết, đích thân ông đã lên gặp lãnh đạo Cục xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông hỏi: Vì sao không cho xuất bản Nguyên Khí? Nội dung ư? Nghệ thuật ư? Được trả lời (bằng miệng): Nhà xuất bản Tri Thức không có chức năng in tiểu thuyết. Giáo sư Chu Hảo cự lại: “Sách có đề thể loại tiểu thuyết đâu? Đây là loại sách khảo luận lịch sử”. Vị lãnh đạo cười, khoát tay: “Đây là tiểu thuyết bác ạ. Để cho các nhà xuất bản Hội Nhà văn hay Văn học, Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ… có chức năng in tiểu thuyết, họ in”. Thế là tạnh vở.

Vì quá nặng lòng với Nguyên Khí, một tác phẩm chiêu tuyết cho cụ Nguyễn Ức Trai và Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, bạn bè tìm cách giới thiệu với nhà xuất bản Dân Khí vừa được thành lập ở nước ngoài. Đây là nhà xuất bản của tổ chức xã hội dân sự trong tổ hợp truyền thông seri 5D: Nâng cao Dân trí, Chấn hưng Dân khí, Thực thi Dân quyền, Cải thiện Dân Sinh, Xây dựng Dân chủ. Không biết bao giờ Dân Khí mới xuất bản đầu sách thứ hai, nhưng cuốn sách đầu tiên này được liên kết với nhà xuất bản Người Việt và phát hành trên mạng Amazon toàn cầu. (Ít lâu sau, tháng 5/2017, cuốn sách thứ hai được NXB Dân khí cho ra mắt bạn đọc là: “Precariat, giai cấp mới nguy hiểm” của tác giả Guy Standing).

Ngày 16 tháng Tám âm, Giáp Dần, 2014, tôi cùng giáo sư Chu Hảo, tiến sĩ Nguyễn Quang A về ăn giỗ hai cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ tại đền thờ Lệ Chi Viên, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh. Với tấm lòng thành kính, chúng tôi dâng bản thảo Nguyên Khí lên hai cụ và hóa dưới chân tượng đài Lễ nghi Học sĩ.

Mấy tháng sau, bốn cuốn Nguyên Khí bản quyền tác giả được gửi từ California về. Nhưng kỳ lạ, sao có hai mươi ba trang bị mất chữ? Có trang vài ba dòng để trắng. Có trang trắng gần nửa. Hai trang trắng hoàn toàn. Tôi gửi email sang hỏi nhà xuất bản Người Việt, được trả lời: In nguyên văn theo file PDF gửi đến. Cả một seri sách đợt đầu đều mất chữ như thế cả. Vì sao? Không chuyên gia kỹ thuật nào trả lời cho hiện tượng khó hiểu này. Tôi chợt giật mình nhớ lại: Có vấn đề tâm linh. Lúc hóa Nguyên Khí, trời trở gió. Để vun các trang bản thảo lại cho cháy hết, tôi và tiến sĩ Nguyễn Quang A đã tìm quanh để kiếm một thanh cời. Thấy một vòi ấm vỡ sau chân tượng, tôi vội lấy để cời lửa. Nào ngờ trong vòi có nước. Một vài mẩu giấy nhỏ như cúc áo, không cháy hết. Phải chăng, đó là những trang trắng, người xưa chưa “nghiệm thu” được? Vi diệu vậy thay.

Trở lại với cuộc đến thăm Tập đoàn Truyền thông Người Việt. Đó là một tổ hợp đồ sộ, với nhiều loại hình truyền thông văn hóa: báo in, báo điện tử, nhà xuất bản sách in, sách điện tử, đài phát thanh tiếng Việt – tiếng Anh, truyền hình đa hệ, trung tâm hội thảo, hệ thống in ấn, phát hành…

Chắn ngang con phố cụt Moran, nhìn thẳng ra đại lộ Bolsa trục chính của Little Saigon, Trung tâm truyền thông Người Việt được coi là bộ tổng hành dinh tinh thần của người Việt xa xứ không chỉ ở California, ở nước Mỹ, mà trên toàn thế giới. Riêng tờ báo in, phát hành hằng ngày, bản tiếng Việt và tiếng Anh, đã có số lượng hơn 10.000 bản. Ra số đầu tiên vào ngày 15 tháng 12 năm 1978, cho tới nay, nhật báo Người Việt đã cắm một cột mốc chói ngời ngoài lãnh thổ trong lịch sử phát triển của văn hóa người Việt.

Cứ ngỡ như đã gặp Tổng biên tập Phan Huy Đạt ở Sài Sơn, chùa Thầy ngày giỗ cụ tổ họ Phan Huy Chú, Phan Huy Ích. Cứ ngỡ đã gặp trợ lý Ban biên tập Đinh Quang Anh Thái ở phố Hiến, Hưng Yên, gặp nhà văn Phạm Ngọc Bảo, biên tập viên Nguyễn Phương ở Nam Định, Thái Bình… Cả ban lãnh đạo Người Việt cùng tay bắt mặt mừng với tác giả Nguyên Khí, cùng uống trà Thái Nguyên, hút thuốc Thăng Long hộp sắt hảo hạng mang từ quê Việt sang. Và nói cười ha hả. Ngoài cái tình đồng hương đồng bào, còn gắn kết nhau ở hơi văn, khí văn đồng điệu, đồng tâm.

Đang hàn huyên tại phòng Tổng biên tập, một nhân viên đưa đến cho tôi bốn quyển Nguyên Khí vừa lấy trong kho. Đây là seri in đợt hai, đã lấp đầy hai mươi ba trang trắng, bát chữ và khổ sách nhỏ hơn, một ấn phẩm đẹp đến mẫu mực. Tôi khoe với các anh hồi tháng sáu vừa rồi, khi sang Hàn Quốc dự buổi ra mắt bản dịch tiếng Hàn tiểu thuyết Thời của Thánh Thần, đã nhìn thấy Nguyên Khí tại phòng giáo sư Bae Yang Soo ở trường đại học Busan, do ông đặt mua trên mạng Amazon.

-Nhiều người Việt trên toàn cầu đặt mua Nguyên Khí và rất tâm đắc – Anh Thái nói và nhìn anh Nguyễn Phương ý muốn khẳng định – Tuần sau chúng tôi sẽ bổ sung hai chữ tiểu thuyết vào bìa một và trang lót.

Tôi nói vừa hoàn thành bản thảo tiểu thuyết mới Những mảnh Rồng, đợt sang Mỹ này là để điền dã, trải nghiệm trước khi hoàn thiện.

-Nếu các nhà xuất bản trong nước không in, tôi đành gửi gắm Người Việt… – Tôi nói và cố nuốt cục nghẹn trào lên cổ. Có người viết nào không tha thiết được in sách tại nước mình, cho độc giả là đồng bào mình. Cá phải sống trong nước. Nhà văn phải có độc giả. In sách ở hải ngoại, khác gì di tản hồn mình chốn quê người!

-Nhà xuất bản Người Việt sẵn sàng in và phát hành độc quyền trên toàn cầu – Anh Phan Huy Đạt cười chân tình và xòe tay cho tôi bắt.

-Chỉ xin các anh đừng cắt những đoạn có thể làm phe cờ vàng phật lòng. Nhà văn chỉ muốn đứng về phe Tổ quốc…

Mọi người nhìn nhau cả cười. Chúng ta cùng ở phe người Việt.

Anh Thái dẫn tôi đi thăm một vòng cơ quan. Sân trước và sân sau san sát xe ô tô đủ loại, đủ biết biên chế tòa soạn không dưới trăm người. Tầng lầu được dùng làm hội trường, thư viện, phòng chức năng. Tầng trệt được ngăn nhiều ô kính, phòng nào cũng vài dàn vi tính, nhân viên làm việc miệt mài. Phía sau là khu sản xuất, phòng chế bản, nhà in, dịch vụ và nhà ăn.

Anh Thái chỉ tôi một phụ nữ gầy mảnh đang ngồi bên bàn vi tính phía cửa: Người phụ nữ kiều diễm kia là vợ nhà thơ Du Tử Lê đó. Còn kia là hai nhà báo Khôi Nguyên, Đỗ Dzũng, những người đã có vinh dự tháp tùng Tổng thống Obama thăm Hà Nội. Ngày nào hai anh cũng có tin bài và ảnh nóng gửi về tòa soạn…

Đang thời kỳ chuẩn bị cho hai số báo Tết dương lịch và Tết Đinh Dậu, từ lãnh đạo đến biên tập viên, nhân viên như vắt chân lên cổ. Số báo Tết cổ truyền vừa là văn hóa phẩm chất lượng cao, hội tụ các tên tuổi người Việt trong ngoài nước, vừa là quà biếu đầu Xuân, thường dày vài trăm trang khổ lớn với mấy chục trang quảng cáo, thiếp chúc Tết và giao lưu thăm thân. Không ngoa nếu nói rằng, từ một tờ báo hải ngoại do một nhóm người sáng lập, đứng đầu là nhà báo Đỗ Ngọc Yến, in ấn thủ công trong gara gia đình, bằng tình yêu xứ sở, yêu tiếng Mẹ đẻ và văn hóa nước Việt, bốn mươi năm qua, đội ngũ những nhà báo, nhà văn di tản đã xây dựng và phát triển Người Việt thành một tổ hợp truyền thông – báo chí – xuất bản hùng mạnh, góp phần lưu giữ di sản văn hóa tổ tiên; truyền bá tinh hoa văn hiến Việt trong cộng đồng; bảo tồn, phát triển ngôn ngữ Việt cho mai hậu.

4. TRONG VAI NGƯỜI DI TẢN

Hoàn thành khóa học, Mr. Ty dời khu ký túc xá Fullerton đến nơi ở mới. Garden Grove cách Fullerton mười lăm phút xe, nơi tập trung người Việt đông nhất ở quận Cam (nếu kể cả thành phố Westminster liền kề, hai thành phố này đã có gần 100.000 người Việt). Đúng như cái tên gọi, Garden Grove – vườn gò – ngày xưa vốn là vùng đất bằng, cây cối lúp xúp nằm bên sông Santa Ana. Sau năm 1975, những người Việt di tản đầu tiên đã đến Westminster và Garden Grove lập nghiệp. Họ đến từ trại Peldleton, cách Westminster năm mươi dặm về phía Nam, tiếp đó là từ các tiểu bang Pennsylvania, Arkansas, Florida… Một vùng đất ngoài tổ quốc của người Việt được hình thành, mà tâm điểm là nơi giáp ranh các thành phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana, Foutain Valley, sau này có tên gọi chung là Little Saigon, có đại lộ Bolsa, xương sống của đặc khu.

Qua mạng, chỉ vài ba ngày Mr. Ty đã thuê được nơi ở, một căn phòng mười sáu mét vuông, chung bếp và công trình phụ, trong khu cư dân người Việt ở phố Lewis, Garden Grove, giá 420 USD một tháng (bao gồm cả bếp ga, điện sinh hoạt, máy giặt sấy, chỗ để xe ô tô…). Mức giá này tương đương một xuất trong căn phòng hai giường mà Mr Ty vẫn ở khu ký túc sinh viên, một mức giá rất phải chăng.

Cũng qua dịch vụ mạng và qua nhà hàng giá rẻ 1dollar, Mr. Ty đã mua sắm mọi đồ đạc cho cuộc đi ở riêng: ti vi, giường nằm, chăn đệm, bàn ghế, tủ sách, đồ nấu bếp và đồ dùng phòng ăn. Toàn thứ hợp túi tiền sinh viên. Đắt nhất là chiếc tivi Samsung mỏng 32 inch đã qua sử dụng nhưng còn như mới, giá bèo chỉ có 60 USD.

Bà chủ nhà tên Điệp, loài hoa gợi tuổi học trò, chừng năm mươi, quê gốc Sài Gòn, cùng chồng sang Cali trước năm 2000. Vừa nuôi dạy cô con gái duy nhất tốt nghiệp đại học (đã lấy chồng, sinh con, có công ăn việc làm), vừa mua được căn nhà bốn phòng ngủ, một phòng khách lớn kiêm phòng ăn, trên diện tích đất năm trăm mét vuông, có sân cỏ, hoa cảnh phía trước phía sau thơ mộng, quả là niềm mơ ước của nhiều gia đình Việt.

Lần đầu bước vào phòng khách, tôi đã giật mình nhìn vào góc nhà, nơi có bàn thờ, lung linh đèn nến, dưới tượng Chúa là bức ảnh người đàn ông rậm râu mắt nhìn thăm thẳm. Đoán chừng người chết chưa hết tang, tôi lặng lẽ đến thắp cho gia chủ một nén nhang và thầm nói với ông rằng, Mr. Ty con tôi, người đồng bào với ông sang du học, để hoàn thành tiếp tấm bằng master, ông hãy coi Mr. Ty như con cháu trong nhà…

Từ bàn thờ quay lại, đã thấy bà chủ chắp tay phía sau.

-Xin hỏi khí không phải, anh nhà mất đã lâu chưa?

-Nhà tôi bị bệnh…Tết này là mười bốn năm – Bà chủ như chợt nhớ về quá vãng.

-Vậy mà tôi tưởng… Cứ đèn nến hương hoa sáng trưng thế này, ai cũng nghĩ rằng anh mới đi xa.

-Vậy hả? Tôi đi làm ca đêm. Hai giờ sáng đã dậy. Trời tối thui, hốt lắm. Có đèn bàn thờ ảnh, tôi yên tâm…

Câu chuyện giữa tôi và bà chủ ngay phút đầu tiên đã thân tình. Người thiếu phụ vốn là nữ sinh Sài Gòn đầy mộng mơ, sang vùng đất hứa chưa được mấy năm đã góa chồng. Một mình nuôi con, học tiếng, học nghề, xin việc làm. Thợ làm ca ở nhà máy kính cách nhà mười lăm phút xe, có lương ổn định hơn hai ngàn USD một tháng, ngày nào hai giờ sáng cũng dậy đánh ô tô đi làm cho đến mười hai giờ trưa hôm sau mới về nhà.

-Anh thấy đó, tuần nào tôi cũng có mấy cái bì thư, cái thì tiền thuế nhà đất, cái tiền ga, cái tiền điện… Bốn phòng cho thuê cũng chỉ đủ chi mọi thứ thuế ấy. Với lại mình tôi, cũng không dám ở. Nhà con gái tôi gần đây, đi làm về lại sang ăn cơm với con và chơi với cháu ngoại…

-Bây giờ có thêm ba con tôi…

-Thế ư? Cả anh nữa? Tưởng chỉ có mình cháu? – Người đàn bà tròn đôi mắt to nhìn tôi ngỡ ngàng.

-Vâng. Chỉ mình cháu – Tôi đọc được ý bà chủ – Tôi là ba cháu. Mới từ Việt Nam sang. Tôi muốn được trải nghiệm như một người Việt di tản… Tôi sẽ ở cùng cháu một tháng… Ngoài số tiền phòng của cháu, tôi sẽ trả thêm tiền những ngày ở lại…

-Thế cũng được. Hai ba con một phòng, tùy nghi sử dụng. Bếp và phòng tắm thì phải chung với ba hộ khác – Bà chủ đưa mắt về ba phía.

Đối diện với phòng Mr. Ty là phòng của một lão già nhỏ thó, lầm lì đầy bí ẩn, đầu húi cua bạc, trông hao hao như nhân vật của Mario Puzo. Lão có cái tên Mỹ là Tony, sau này ba con tôi đặt cho lão bí danh: lão Tôn. Phòng ngay gần cửa ra vào là tổ uyên ương của cặp vợ chồng trẻ, có cậu con trai Alec Trần mới ba tháng tuổi xinh như tiên đồng. Chồng tên Mạnh, làm thợ nails, vợ tên Huệ, mới từ Việt Nam sang, đã có bằng cử nhân tiếng Pháp, định học tiếp thạc sĩ, nhưng khi lấy được chồng có quốc tịch Mỹ bèn nghỉ học, sinh con.

Nói qua về anh hàng xóm Mạnh mà tôi ấn tượng ngay từ buổi gặp ban đầu. Nhỏ thó, xấp xỉ bốn mươi mà trông tưởng như cậu chàng hai chục. Mạnh con nhà giàu Sài Gòn, sang cùng bố mẹ theo diện H.O. Ăn chơi rách trời rơi xuống. Nghề nghiệp chính là chơi chứng khoán và thỉnh thoảng cùng nhóm bạn đánh hàng về Sài Gòn. Suốt ngày đàn đúm bạn bè cà phê, rượu mạnh, vũ trường. Trước khi lấy vợ, Mạnh từng có tám mươi ngàn USD trong tài khoản. Nhưng rồi, thằng bạn cùng làm ăn lừa chuyển tài khoản để tránh bị đánh thuế. Vừa chuyển xong, bạn vàng bốc thẳng sang Hàn Quốc, biệt vô âm tín. Đau hơn heo cắt tiết. Mạnh bảo thế. Chính lúc đó, Huệ đã đến, như vị cứu tinh. Huệ quê Thanh Hóa, sang với chị gái, vừa học tiếp lên thạc sĩ, vừa tìm cơ hội trở thành người Mỹ. Lấy Mạnh, chắc chắn sẽ nhập cư. Mạnh gặp gái ngoan lại xinh như mộng từ nước Việt sang, quyết đổi đời. Mua hẳn con Lexus trả góp. Học nghề nails trong hai tháng có chứng chỉ. Ngày làm từ chín giờ sáng tới chín giờ tối, lương tháng hơn ba ngàn, đủ thuê nhà và nuôi vợ con. Dịp Noel vừa rồi, được nhiều tiền tips, Mạnh mua hẳn hai đôi giày Italy tặng vợ và cho mình, mỗi đôi trên ngàn USD.

(Nói sơ qua về nghề nails của Mạnh. Đây là nghề chính của người Việt nhập cư, tạo công ăn việc làm, thậm chí vươn lên làm giàu, làm chủ. Người ta kháo nhau: Ở Cali nếu người Mỹ (trắng) là chủ đất, thì người Tàu là chủ chợ và người Việt là chủ nails. Hiện nước Mỹ có tới hơn 374 ngàn người Việt được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên nghề nails, chiếm hơn 40% số người làm nghề này. Nếu như trước đây có nhiều người Tàu cũng làm nghề nails, thì nay họ chuyển dần sang nghề massage và nhường nghề nails cho người Việt. Từ khi người Việt sáng chế ra máy làm nails (phun sơn móng tay – phun design), có thể phun sơn mười ngón tay trong một phút, thì công nghệ nails càng phát triển. Tuy nhiên với khách thượng lưu, vẫn thích làm móng tay bằng thủ công để có thời gian thư giãn và xả stress. Vì thế những thợ lành nghề như Mạnh vẫn có nhiều khách quen, tiền tips rất hào phóng).

Hộ thuê nhà thứ ba là một người đàn ông độc thân chừng hơn năm mươi, có gương mặt đao đao và cái tên ngồ ngộ: Trần Hội Họp, người Bắc di cư, vốn là con một đại gia gốc Bắc có xưởng sửa chữa ô tô và xe đò chạy tuyến Sài Gòn – Vũng Tàu. Sau này đã thân thiết, Họp thường hay bình luận thời sự mà anh vừa nghe qua cái radio cũ rích lúc nào cũng đeo bên người. Ngày bé, Họp có vú nuôi và người hầu riêng. Sang Mỹ, không biết làm việc gì, chỉ suốt ngày nghe radio, đánh bài tây. Bố mẹ chết, anh chị em ở riêng, ai lo thân người ấy. Đến lượt Họp phải tự lo thân mình. Hơn bốn chục không vợ con, Họp thuê một cửa hàng buôn bán đồ điện. Thua lỗ. Trả cửa hàng, sắm chiếc xe tải secondhand đi chữa điện thuê và giấu biệt anh em họ hàng, bí mật thuê nhà trọ với hi vọng kiếm được tiền lại mở tiếp cửa hàng, trở thành ông chủ. Căn phòng Họp ở chính là gara ô tô có cửa cuốn nhìn ra đường phố, cửa sau thông với nhà giặt sấy và bếp. Họp làm nghề điện, sáu giờ sáng đã ra khỏi gara, chín giờ tối mới cùng chiếc xe bán tải về nhà. Xe dạt vào lề đường, còn chủ vào thẳng phòng tắm và sau đó chui vào căn hầm kín như hũ nút, cho tới sáng hôm sau.

Căn phòng thứ tư, vốn là phòng xép để đồ, là phòng bà chủ.

-Căn phòng duy nhất có toilet riêng, tôi dành cho vợ chồng Mạnh – Huệ vì có con nhỏ. Tôi ở phòng xép được rồi. Ăn ở nhà con gái gần đây, chỉ về ngủ vài tiếng thôi mà. Khi thấy tôi đăng tin cho thuê nhà, nhiều người nước ngoài tìm đến, nhưng tôi chỉ dành riêng cho người Việt mình.

Bà chủ chừng như bắt đầu thiện cảm với tôi khi Mr. Ty đưa ngay 520 USD tiền thuê nhà tháng đầu tiên.

***

Ba con tôi lọt vào giữa cộng đồng người Việt. Hầu hết các dãy phố xung quanh đều có người Việt ở chen kẽ với người Mỹ trắng, người Ấn, người Mễ. Trải dài bên hữu ngạn sông Santa Ana, các dãy phố thoáng rộng, đến mức xe không cần phải vào gara mà cứ tự nhiên đậu bên đường, trên bãi cỏ. Phố nào cũng sạch như lau, có đường đi bộ dọc bãi cỏ các nhà, nhà nào cũng chỉ một tầng và đều có sân vườn trước và sau như những tiểu resort, nhiều nhà trồng cam, quýt và đào. Cam vàng trĩu cành, không ai muốn hái, quýt như mang từ Tứ Liên, Nghi Tàm sang, nhiều cây giữ quả từ năm ngoái, như giữ một vừng lửa.

Tôi chăm chú theo dõi những cây đào. Trước Noel và sau Tết Tây, thân đào gầy guộc, trơ cành. Ngày nào đi dạo qua cũng để ý đến từng búp mầm. Trước khi người Việt đến đây đã có đào chưa nhỉ? Nhìn dáng cây, thân, vỏ, quả quyết đây là những cây đào phai, những khóm bích đào mới di giống từ Nhật Tân, Quảng Bá sang.

Ngay sau tuần chuyền nhà, Mr. Ty bảo:

-Bạn con mời đến ăn Tết Tây ba ạ. Nhà Bùi Đăng Diễn ở ngay Garden Grove, cách nhà mình chỉ năm phút. Ba Diễn vừa bay từ Sài Gòn sang. Nhà mua giá cả triệu đô, , có bể bơi, sân bóng rổ chứ không phải phòng thuê như con đâu. Diễn cùng khóa với con, có bố là một đại gia đi lên từ nghề đạp xích lô. Vừa tốt nghiệp xong, bố cậu ta đã nộp tiền cho Diễn vào học Harvard.

Khi ba con tôi đến nhà Diễn, trước ngôi nhà sáng rực ánh đèn đã đỗ kín xe và lao xao tiếng người, tiếng nhạc. Tôi tò mò muốn tìm hiểu về đại gia đi lên từ nghề xích lô Sài Gòn, thì thấy Diễn cùng một người đàn ông thấp đậm, có gương mặt phong sương ra bắt tay, niềm nở mời khách vào nhà. Trò chuyện vài phút, nhận ra ông chủ, tên Bùi Đăng Quy, người Quảng Nam, hiện đang điều hành một công ty xây dựng lớn ở Sài Gòn.

-Anh Quy từ Sài Gòn sang ăn Tết với con trai, hay ở hẳn bên này? Nghe nói ngày xưa anh từng đạp xích lô. Để đóng phim hay quảng cáo? – Tôi nói vui với ông chủ khi có cả tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng cùng vợ con từ viện Caltech đến.

Quy cười lớn, rung cả hai vai:

-Anh em mình uống chúc mừng năm mới đã. Tôi sang thăm các cháu vài ngày. Đầu tuần tới tôi bay sang Houston thăm cô con gái lớn rồi về đón Tết Đinh Dậu ở Sài Gòn anh ạ. Sẽ có lúc tôi kể cho nhà văn nghe về cuộc đời của tôi. Cũng tiểu thuyết lắm đó nghe.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng tiếp lời:

-Qua gia đình anh Quy đây, nhà văn có thể tìm hiểu về một dòng di cư mới của người Việt.

Dòng di cư mới? Di cư chứ không phải di tản. Tôi gật gù tâm đắc. Có thể kể dòng di tản đầu tiên của người Việt sang Hoa Kỳ khởi từ ngày 30 tháng Tư năm1975, trong đó có 125.000 người thuộc diện đã trực tiếp làm việc với người Mỹ mà thường bị gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Họ được chuyển bằng máy bay và tàu chiến đến các trung tâm Philippines, Guyam … Đợt thứ hai, từ năm 1976 cho đến giữa năm 1980, năm mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật Người tị nạn và chính phủ Việt Nam chấp nhận chương trình “ra đi có trật tự”, với các diện H.O, U11, V11. Từ giữa năm 1981 đến năm 2000, Hoa Kỳ tiếp nhận 531.310 người tị nạn từ Việt Nam… Cũng trong giai đoạn này là những cuộc di tản bất hợp pháp với làn sóng “thuyền nhân” vượt biển ào ạt, tới hàng chục vạn người…

-Tôi đã đọc ở đâu đó nói rằng người Mỹ gốc Việt là người nhập cư mới nhất tại Hoa Kỳ – Tôi nói với tiến sĩ Thắng – Người Việt đông thứ tư trong số người gốc Á, sau Ấn Độ, Hoa, Philippines, nhưng là người nhập cư có tỷ lệ người lai chủng tộc thấp nhất trong nhóm người Mỹ gốc Á. Năm 2000, có đến hơn một triệu người từ năm tuổi trở lên nói tiếng Việt ở nhà, làm cho tiếng Việt đứng thứ bẩy trong những ngôn ngữ phổ thông tại Hoa Kỳ.

-Tất cả chúng ta ngồi đây, tiêu biểu cho dòng nhập cư mới của người Việt – Tiến sĩ Thắng nói – Đó là dòng nhập cư chất xám và dòng nhập cư mang theo tài chính. Một dòng nhập cư thay đổi về tính chất và mục đích. Anh thử ngẫm mà xem, có bao nhiêu sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ du học tình nguyện trở về? Trong số này đa phần là những thanh niên học giỏi, nếu không được cấp học bổng thì cũng đã qua tuyển chọn. Và họ đã mang theo cả chất xám cả tiền bạc mà cha mẹ họ tích cóp được… Họ cố gắng học giỏi và tìm mọi cách ở lại để thực hiện ước mơ đổi đời.

Câu chuyện về người Việt tị nạn kiểu mới khiến không khí đón năm mới trở nên sôi động. Chúng tôi uống vang đỏ, vang trắng, bia Heineken, ăn cá hồi, cua biển, bắp bò nhúng và hàng chục món buffet đặt từ nhà hàng trên phố Brookhurst. Hai chiếc bàn tròn chật kín. Người Việt đủ các vùng miền. Bọn trẻ kéo nhau ra sân bể bơi sau nhà, nơi đã nhóm sẵn bếp sưởi và lò nướng barbecue. Gió rét, lại mưa lất phất. Nhưng vui đến nổ trời. Tiệc đang lúc cao trào thì pháo hoa bắn lên tứ phía. Cứ ngỡ như mình đang đứng bên hồ Gươm, hay trên bến Bạch Đằng.

-Lúc nãy anh hỏi tôi về chuyện đạp xích lô. Đó là câu chuyện hoàn toàn có thật. Đúng hơn là đạp xe ba gác chứ chưa được đạp xích lô. Đời tôi đã có lúc dưới đáy anh à – Mặc cho mọi người ra đường ngắm pháo hoa, Quy rủ tôi vào phòng riêng của anh, cùng nằm trên giường nệm, tâm sự – Quê tôi ở Quảng Nam, một vùng quê nghèo bị tan hoang trong chiến tranh. Tôi mồ côi cha. Mẹ nuôi năm đứa con, tôi là lớn. May mắn, mẹ tôi tần tảo cho anh em tôi đi học, năm 1988 tôi trúng tuyển Kỹ thuật Phú Thọ. Vào Sài Gòn chỉ với bàn tay trắng và cái đầu đầy mơ mộng. Nhưng rồi cuối năm thứ tư, tôi bị nhà trường đuổi học vì tham gia vụ đánh nhau với sinh viên Khmer ở ký túc xá. Bọn chúng láo. Kêu Việt Nam là yuon, Việt Nam xâm lược. Bị đuổi khỏi trường, chỉ còn nước về quê. Nhưng tôi quyết trụ lại, tìm kiếm việc làm. Tôi đi làm thuê, dành tiền sắm một cái xe ba gác. Cứ hai giờ sáng, lúc đường vắng nhất, dậy đi chở hàng thuê, toàn lọai hàng vật liệu xây dựng, như sắt thép, xi măng. Chỉ trong hai năm, tôi đã kiếm được mấy cây vàng. Rồi cô con gái ông chủ nơi cho tôi ở trọ, tức là mẹ thằng Diễn bây giờ, đem lòng yêu tôi. Năm sau tôi cưới nàng. Để môn đăng hộ đối, đám cưới phải thuê nhà trai, mua dây chuyền cỡ bự bằng vàng tây cho cô dâu để lừa bố mẹ vợ rằng nhà mình cũng giàu có. Rồi tôi xin học lại một năm để lấy cái bằng đại học. Có bằng đại học, lại có vốn sống, có địa bàn và anh em chiến hữu, tôi làm cai xây dựng…

-Thợ xây dựng Quảng Nam- Đà Nẵng có tiếng. Nhiều công trình xây dựng Hà Nội chỉ kén thợ Đà Nẵng- Tôi bình luận.

-Ở Sài Gòn có hàng ngàn doanh nghiệp xây dựng. Do tôi đã học qua đại học, có kinh nghiệm xây dựng, lại biết thâu nạp những người có tay nghề giỏi đến cộng tác với mình, nên sau khi thành lập công ty, nhiều nhà thầu nước ngoài, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ tìm đến với tôi. Họ nhận công trình với nhà nước Việt Nam và tôi là nhà thầu phụ của họ. Nhiều công trình trị giá vài trăm tỷ họ đều tin tưởng giao cho tôi đảm nhận. Nên tôi tránh được việc phải đi lạy lục các quan chức chính quyền, không phải đi đêm, không phải đút lót, chạy chọt để kiếm việc làm…

Tôi chợt hiểu ra sự đi lên vững vàng của Quy. Từ những cuốc ba gác đêm, đến nay vốn liếng của anh đã lên tới cả ngàn tỷ. Nhận các công trình, Quy chỉ dùng vốn tự có của mình mà không phải vay vốn ngân hàng, thậm chí không cần đối tác ứng vốn. Từ kinh doanh xây dựng, Quy phát triển sang thu mua và chế biến cà phê, hạt điều, kinh doanh địa ốc. Quy chuyển tiền sang Mỹ qua việc du học của các con để mua nhà ở Texas, ở California, để ở và kinh doanh nhà hàng. Các con vừa du học vừa tập quản lý, xâm nhập thương trường …

-Mỗi năm vợ chồng tôi sang Mỹ vài lần nghỉ và giúp các cháu làm ăn. Ở Việt Nam kiếm tiền dễ hơn, nhưng muốn giữ tiền và tránh rủi ro thì phải chuyển qua bên này. Chắc anh cũng như tôi, muốn đời các con mình tránh được rủi ro thì phải đưa chúng nó qua bên này…

Câu nói của Quy làm tôi cay sống mũi. Đúng quá. Và cay đắng quá. Hầu hết các quan chức và đại gia Việt Nam muốn bảo toàn nguồn vốnnguồn gien của mình đều tìm cách chuyển chúng qua Canada, Mỹ, Úc… Họ sống trên quê hương với quyền lực mà vẫn luôn thắc thỏm bất an…

-Có hàng trăm căn nhà ở Cali này, ở ngay dãy phố này, nhiều tòa nhà to đẹp hơn nhà của tôi nhiều, đều của các quan chức và doanh nghiệp Việt Nam cả anh à – Quy thổ lộ – Buổi sáng đi thể dục, thỉnh thoáng tôi vẫn gặp người quen từ Việt Nam sang. Anh có muốn đến thăm nhà anh Y, anh X, anh Z… ở gần đây không? Họ sống nhờ quyền lực, bổng lộc, đất đai… Nhưng tôi khác với họ. Tôi mua nhà và đầu tư cho các con tôi du học bằng tiền sạch của tôi…

Ít lâu sau, theo một nguồn tin từ Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (Nationnal Association of Realtors), tôi được biết, năm 2016 Việt Nam đứng trong tốp 10 các nước mua nhà tại Mỹ với giá trị 3,06 tỷ USD (Đứng đầu là Trung Quốc, chiếm 14% (đạt kỷ lục 31,7 tỷ USD), tiếp sau là Canada 12%, Mexico 10%, Ấn Độ 5%, Anh 5%, Brazil 4%, Việt Nam, Đức, Nhật, Venezuela cùng chiếm 2%). Hơn ba tỷ USD chuyển sang mua địa ốc tại Mỹ, với một nước nghèo như Việt Nam, chứng tỏ giới quyền lực đỏ, tư bản đỏ đã giàu lên nhanh chóng tới mức nào!

***

Trước thềm năm mới 2017, chiếc xe nhãn hiệu Acura màu trắng sữa của Mr. Ty, sau khi được đầu tư hơn ngàn USD nữa, bỗng trở thành con tuấn mã dễ thương.

Xin nói đôi chút về con Acura ấn tượng này. Đây là nhãn hiệu xe hạng sang mà hãng Honda đưa sang Bắc Mỹ, những năm 1990s từng lên hàng danh giá. Sau hơn mười năm rong ruổi khắp các nẻo đường Cali, với vài chục vạn cây số, Acura đã được một anh bạn sinh viên mua lại của mấy anh bạn sinh viên khác, rồi trước khi về nước bán cho Mr. Ty. Vỏ xe chưa mối mọt, trắng ngà như thiếu phụ vừa đi mỹ viện, giá 2000 USD, quá bèo. Mr. Ty nghe bùi tai, thương mẹ đỡ phải móc hầu bao, OK liền. Nào ngờ tiền nào của ấy. Đúng hôm cần điều Acura từ Fullerton lên sân bay Los Angeles đón ông già Khốt ta bit từ Việt Nam sang thì xe trở chứng, phải nhờ xe của cô bạn gái. Tưởng phải thuê kéo Acura đi nghĩa địa. Nhưng rồi còn nước còn tát. An toàn là trên hết. Tôi đưa Ty hai ngàn mẹ gửi, nếu cần sửa cứ chi hết. Tiền sửa thậm chí hơn cả tiền mua. Quyết tâm cải lão hoàn đồng. Lần lượt thay bốn bánh. Thay mới hộp số. Mua bình ắc quy. Thay gạt nước. Tổng rà soát toàn bộ. Acura bình phục dần…

Tay lái của Ty lúc này cũng đã sành điệu, hai ba con thường xuyên có những chuyến đi du ngoạn trong ngày, như thăm Disneyland, Long Beach, Laguna Beach, xuống San Diego thăm viện bảo tàng, vườn sinh vật cảnh, quân cảng khổng lồ với con tàu USS Midway nổi tiếng đã từng tham chiến ở Việt Nam.

Rồi một trưa cao hứng, cô bạn Huyền Danh dễ thương của Ty tự tay lái con xe Toyota tám ngàn USD mới mua từ vốn vay sinh viên, mời hai ba con vượt hai giờ qua vùng hoang mạc đá để đến công viên tuyết Palm Spring. Một vùng núi đá tuyệt vời. Gợi nhớ những lần đi cao nguyên đá Đồng Văn. Nhìn từ trong xe chỉ thấy bạt ngàn đá, những cánh đồng đá và sừng sững những bức trường thành đá. Và kìa, những chiếc con quay gió. Từng bãi từng hàng con quay điện gió lấp lánh sáng trong nắng chiều.

Đi sâu vài chục cây số là một nhà ga cáp treo chênh vênh trên sườn đá, tuyết phủ trắng xóa. Chiếc cáp treo có độ dốc tới 60 độ, dốc nhất thế giới, với sức chứa tới 80 người một ca bin, như một tòa nhà khổng lồ đưa khách lên độ cao 2.595 mét, với nền nhiệt độ dưới 10 độ C, sau mười phút đã lên tới đỉnh. Nhìn xuống, thấy toàn cảnh xung quanh, những cánh đồng đá nhấp nhô, những bãi con quay điện gió bạt ngàn, những thành phố san sát. Và thật bất ngờ, giữa thung lũng đá quanh năm băng tuyết là cánh rừng thông nguyên sinh, nhiều cây đường kính hơn một mét, ba, bốn người ôm, cao vút hơn ba chục mét.

Nghe nói, sau khi phát hiện khu rừng thông đặc hữu trên vành đai núi đá 2.500 mét với nhiều loài động vật đặc hữu, chính quyền liên bang đã khoanh vùng bảo tồn đặc biệt và giao cho các đơn vị tổ chức bảo vệ và khai thác du lịch để phục vụ cộng đồng. Rất nhiều du khách nước ngoài đưa con cái lên đây cùng với ván trượt để thực hiện các chương trình thể thao trên băng, thể thao mạo hiểm.

Chúng tôi mải miết chụp ảnh. Bâng khuâng thưởng thức tách cà phê nóng hổi trong cái lạnh gần không độ trên đỉnh trời đầy sao. Trời ập tối rất nhanh khiến những con đường trượt băng trong rừng không thể hiện lên trong ánh đèn flash. Nhìn xuống, cả bốn phía như những tấm bánh đa vừng khổng lồ với đủ màu ánh sáng nhấp nháy huyền hoặc.

Trên đường về Garden Grove, Mr. Ty đọc một bản tin trên CNN cho biết chương trình bàn giao chức vị Tổng thống Hoa Kỳ giữa Barack Obama và Donald Trump. Chỉ ít ngày nữa, sau chuyến du hí của chúng tôi đến công viên đá thần tiên kia, máy bay chuyên cơ sẽ chở gia đình cựu Tổng thống Obama từ Nhà Trắng về thẳng Palm Spring để nghỉ dưỡng tuần đầu tiên ông trở lại công dân Mỹ bình thường. Vị cựu Tổng thống Mỹ da màu này sẽ đến nghỉ chỗ nào trong cái công viên đá Palm Spring rộng lớn, băng tuyết phủ trắng, mờ mịt kia? Liệu ông có đến và ngồi vào chiếc bàn chúng tôi đã ngồi uống cà phê và nhìn ngóng về phía bên kia đại dương để nhớ về nước Việt?

***

Sẽ mãi là những ngày vui bất tận bên con trai cho đến những phút giao thừa đón cái Tết cổ truyền đầu tiên trên đất Mỹ.

Nhưng rồi phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.

Như lệ thường, tôi gọi Mr. Ty dậy vào khoảng tám giờ sáng. Hôm ấy tôi dậy sớm hơn để đọc facebook. Rồi nấu ăn sáng cho Ty. Hơn một tháng nay, trừ những ngày đi ăn tiệc, đi chơi, ngày nào tôi cũng nấu ăn ba bữa cho Ty, dạy Ty cách đi chợ và nấu ăn một số món thông thường. Anh chàng đã đỏ da thắm thịt khác hẳn ngày tôi mới sang.

Món cháo đầu cá hồi đã xong rồi đây. Thơm ngậy điếc mũi. Đầu cá hồi là một phát hiện mới của tôi. Đi chợ Đà Lạt hay AA Market, thú nhất là qua quầy thực phẩm. Phong phú chẳng kém gì các chợ truyền thống Việt Nam. Rẻ nhất là món thịt gà. Đùi gà nục nạc chỉ 2 USD một pound (gần nửa kg), Ty rất thích món đùi gà rán. Đầu cá hồi giá cũng tương đương, nấu cháo rất tuyệt.

Buổi đầu tiên đi chợ Hòa Bình, tôi mua được chai nước mắm Phú Quốc, hí hửng vì thương hiệu nổi tiếng Việt Nam đã có mặt tại thị trường Mỹ, ai ngờ khi nấu, nhìn kỹ, thấy dòng chữ “Made in Thailand”. Đau ê ẩm suốt mấy ngày trời. Gạo cũng toàn của Thái, của Indo, Campuchia, tịnh không thấy một bao gạo Việt.

Sau này, lần nào đi chợ cũng buồn nẫu ruột vì thấy thứ hàng gì cũng nhãn hiệu Trung Quốc, Thái Lan. Đến các loại rau củ hoa quả, thậm chí lòng lợn, đậu phụ, mắm tôm, ê hề… giống như ở chợ Bến Thành, Bà Chiểu đấy nhưng chỉ là thứ giống Việt, chứ đâu phải được nhập từ nước Việt…

Đang cho rau thì là vào cháo, bỗng linh cảm có một điều gì bất an. Tôi mở điện thoại. Màn hình Samsung chỉ: 8 giờ 30, thứ 6 ngày 13 tháng 1 năm 2017 (16 tháng chạp ta).

-Ty ơi, dậy ăn sáng. Hôm nay ngày 13 thứ sáu đen đấy con ạ.

Vừa nói dứt câu thì máy Mr. Ty reo. Một giọng Mỹ gay gắt vọng ra. Ty nhảy dựng dậy khỏi nệm ngủ, nghe qua, rồi hốt hoảng:

-Ba ơi, FBI nó gọi con. Hôm qua ba làm gì lão Tôn thế?

Trời ơi, có chuyện gì mà liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ? Có gì dính líu đến lão Tôn? – Tôi hốt hoảng nhìn Ty vừa nghe máy vừa mở cửa vọt ra ngoài sân cỏ.

Mấy hôm trước tôi có cuộc đụng chạm với lão Tôn. Đó là lần thứ ba tôi đợi lão trước của phòng vệ sinh. Khi nào lão dậy trước chiếm toilet thì người đợi sau tha hồ mà ôm bụng nhăn nhó. Tôi tự hỏi: lão kỳ cọ gì trong đó cả tiếng đồng hồ? Hay lão mắc chứng táo bón kinh niên? Hay lão vừa bài tiết vừa tranh thủ ăn sáng? Và cả ba lần từ cửa phòng vệ sinh ra để đi sang phòng lão phía đối diện, lão đều trần truồng, bộ “ấm chén” lòng thòng rất kinh dị.

-Này ông, nhà có đàn bà con gái. Đề nghị lần sau tắm xong ông nên mặc quần áo xong hãy ra, hoặc quàng khăn tắm trước khi về phòng ông thay đồ – Chướng mắt quá, tôi buộc phải cảnh báo.

Nghe tôi to tiếng, và thấy ánh mắt lão Tôn quắc lên đầy thách thức, Mr. Ty vội kéo tôi vào phòng, thì thào:

-Sao ba lại gây mâu thuẫn với lão? Ở Mỹ người ta đặc biệt tôn trọng tự do cá nhân. Lão ta báo với cảnh sát, ba có thể bị rầy rà đấy…

-Báo cáo thế nào được. Ba không táng cho lão thì thôi …

Rồi tôi kể cho Mr. Ty nghe chuyện động trời mới phát hiện về lão Tôn. Cả ba người trong căn nhà này, bà Điệp chủ nhà, ông Họp thợ điện và cô Huệ gái đẻ. “Lần đầu gặp lão thỗn thện từ nhà tắm đi ra, cháu hoảng quá hét lên – Huệ nói, mặt bỗng đỏ lựng – Sợ nhất là lúc khuya chờ nhà cháu đi làm về, thấy lão tồng ngồng đứng ngoài vườn như bóng ma…”.

Bà Điệp bảo: “Nhìn thấy lão thế, tôi bực lắm, nhưng không dám nói. Anh dọa lão giúp tôi”.

“Đã có lần tôi cho lão cái bạt tai – Họp nói oang oang. Thằng này từng mắc tội giết người, bị đi tù hơn mười năm anh biết không?”.

“Giết người? đi tù? Thật thế sao?”.

Ban đầu lão còn quen thói côn đồ định đánh tôi. Tôi lôi lão ra ngoài đường và rút điện thoại ra.

“Để tao gọi police đến đây chứng kiến tao đánh mày như thế nào”.

Thấy tôi định gọi cảnh sát thật, lão vội chuồn, từ đấy cạch mặt tôi, không dám giáp mặt.

Đúng là Tony đã có tiền án. Cuộc đời lão là một bí ẩn lớn. Nghe nói lão từng tham gia băng đảng ở Sài Gòn. Sang đây, lão tiếp tục hành nghề cũ. Một lần xảy ra xích mích trong băng nhóm, lão rút súng hạ sát đối thủ. Cảnh sát đến, lão điềm nhiên đưa tay cho còng. Rồi ngoan ngoãn trong tù hơn mười năm. Ra tù, chính quyền tạo điều kiện cho lão làm khuân vác và vệ sinh tại một siêu thị. Lão là khách thuê nhà lâu nhất của bà Điệp. Suốt ngày lầm lì như một cái bóng. Ngay cả bữa ăn lão cũng giải quyết ở đâu đó. Ngày nghỉ lão hay đóng cửa phòng chế biến đồ ăn. Toàn thứ mua ở của hàng bán thực phẩm hữu cơ Organic, nghĩa là đồ ăn xịn, đắt hơn hàng chợ và siêu thị.

-FBI nó cần gặp con. Ba ăn sáng đi. Đừng đợi con – Mr. Ty nói chuyện điện thoại hồi lâu, mặt cắt không còn giọt máu, rồi lao ra xe, mở cửa con Acuara.

Tôi chạy theo:

-Để ba đi cùng.

Ty khoát tay:

-Không được. Họ bảo chuyện này không cho ai biết. Chỉ mình con đi thôi…

Ty truyền sang tôi sự hoảng loạn. Ty có thể bị xóa kết quả tốt nghiệp, bị trục xuất về nước. Còn tôi, sẽ ra sao, khi Donald Trump chưa nhậm chức Tổng thống nhưng đã truyền đi những thông điệp không mấy tốt lành đối với những khách không mời của nước Mỹ.

Suốt cả buổi sáng, rồi trưa, rồi chiều, đầu óc tôi quay cuồng trong lo lắng, hoảng hốt. Từ cửa sổ phòng tắm nhìn ra đường, thấy mấy xe lạ đỗ trước cửa, rất khả nghi. Hay là FBI đang bố trí lực lượng? Như có lửa cháy trong ngực, chốc chốc tôi lại gọi điện thoại cho Mr. Ty, nhưng chỉ một giọng Mỹ nói: Máy bận. Tại sao FBI lại gọi Ty? Vì việc gì? Ty tham gia một băng nhóm nào chăng? Ty vướng mắc gì trong thi cử vừa rồi chăng? Ừ nhỉ, hay là việc Ty cùng nhóm bạn Mỹ tuần trước vác súng vào sa mạc trong clip Ty đã cho tôi xem. Đạn thật vàng chóe. Chúng lần lượt bắn hạ những cây xương rồng. Có thể băng ghi hình trong đó có sự tham gia của Ty đã lọt vào tay cảnh sát? Rồi chuyện lão hàng xóm nữa. Tại sao lão Tôn lại dính líu vào đây? Lão ta được FBI trả lương hay ai trả? Rất có thể lão đã ngầm theo dõi tôi, một nhà văn từng trong ổ cộng sản, nhận chỉ thị của Hà Nội để sang đây chống phá cộng đồng người Việt? Mà lão có chứng cứ gì để tố giác? Tôi đã làm gì lão? Ân hận quá. Sao lúc ấy mình không quyết lên xe cùng Ty. Ít ra để con có chỗ dựa tinh thần. Ty non nớt thế, ngờ nghệch thế, thánh thiện thế, làm sao chống chọi nổi với FBI?

Năm 2011, khi qua Canada chơi, tôi đã có ý định gửi Ty cho người bạn ở Vancouver ngay năm Ty đang học lớp 11. Nhưng mẹ Ty nhất quyết không đồng ý. Tiền cho thuê nhà chưa đủ cho Ty đi du học. Ty chưa có khả năng tự lập. Nấu một bát mì tôm còn chưa xong, làm sao xa được vòng tay mẹ? Tôi cũng không tự tin lắm về con trai. Lực học trung bình, thậm chí môn toán hổng nhiều, tôi phải nhờ ông bạn chí cốt Đinh Hồng Việt, vốn là giảng viên toán giỏi mỗi tuần dành một buổi kèm cặp. Ty vẫn ham chơi hơn học. Mỗi ngày ngốn một tập Doremon, đến mức trong một năm phải thay mắt kính vài diop.

Rồi bỗng như có Trời phù hộ, năm cuối cấp, khả năng đọc và nói tiếng Anh của Ty khiến tôi kinh ngạc. Cậu chàng mua nguyên bản Sherlock Holmes của Arthur Conan Doyle và dịch. Tôi lén đọc, thầm khen khả năng tiếng Anh và ngôn ngữ tiếng Việt. Vào Đại học Ngoại thương, Ty thi đỗ vào khoa Quản trị Kinh doanh hệ nâng cao, ngay từ năm thứ nhất đã học với các giảng viên nước ngoài, hoàn toàn nghe nói trên lớp bằng tiếng Anh. Năm thứ tư, mười một sinh viên trong khoa được gửi sang Đại học Fullerton, trong đó có Mr. Ty.

Một năm ở Mỹ, Mr. Ty như đã là một chàng trai khác.

-Con thấy tình hình này nước mình khó có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Còn đạo đức thì ngày một xuống cấp trầm trọng ba ạ – Hè vừa rồi về xin ra hạn visa, trước khi đi, Ty nói với tôi.

-Sao, con? Đừng bi quan quá thế. Lớp các con cần phải học giỏi để trở về …

-Đợt này đi, có lẽ con không về đâu ba ạ…

Đang gấp quần áo sắp vào va ly cho Ty, tôi bỗng buông sững, quay nhìn con. Có gì đau đớn nghẹn ngào cứ chẹn ngang cổ. Tôi quay đi, không cầm nổi nước mắt. Cay đắng quá. Con cũng bỏ nước mà đi ư? Những người trẻ như con bỏ đi hết, thì ai sẽ là người chấn hưng nước Việt?

-Làm gì còn có chỗ dành cho con ba ơi. Bao nhiêu học sinh giải vàng giải bạc trong các cuộc thi toán lý hóa quốc tế có mấy người về nước? Những đứa học trung bình, thậm chí dốt nát nhưng con ông cháu cha, chưa học xong đã có chỗ trong bộ này, ủy ban nọ cả rồi. Những đứa học khá, giỏi thì bố mẹ chúng đã gửi sang Mỹ, Canada, Úc, mua sẵn nhà cho ở lại. Ba viết văn, quá nghèo, sách lại bị bọn in lậu cướp nhuận bút, giờ ba nghỉ hưu, không có khả năng chạy chọt…

Nói thế là Ty đã quyết. Vẫn biết rằng Ty khó trở về. Nhưng thà rằng con đừng nói ra…

Hơn một tháng ở bên con, thấy Ty lớn lên nhiều. Con người Ty như được lập trình lại. Hình thành một loạt thói quen mới. Ty chững chạc và người lớn hẳn ra. Ví như, đã ngồi vào ghế xe là khoác dây bảo hiểm và nhắc ba cùng khoác. Đến chỗ rẽ cho xe đi chậm lại, quan sát qua đèn xe. Đi bộ, gặp người lạ đi ngược chiều đều gật đầu chào. Không nói chuyện chính trị với người lạ. Đi ăn hiệu luôn để lại tiền tips. Sử dụng rất thành thạo computer. Giao tiếp với người Mỹ rất tự tin, thậm chí rất có khả năng humour như người Mỹ. Hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng. Và bắt đầu biết nói chuyện, biết quan tâm tới bạn gái…

Cho đến ba giờ chiều, mọi liên lạc với Ty đều bị cắt đứt. Đang lo thắt ruột, thì điện thoại reo.

-Con đây ba ơi… Con đang lái xe từ Long Beach về. Tay lái con rất run… Ba đừng rời máy nhé… Ba hãy nói bất cứ điều gì để con thấy đang ở gần ba…

Tôi cảm thấy rất rõ tiếng Ty thảng thốt run rẩy bên tai mình.

-Con ơi, bình tĩnh nhé, vững tay lái nhé. Đi tốc độ vừa phải. Không có chuyện gì hết. Ba đang đợi con ở nhà… – Tôi nói linh tinh những chuyện không đâu. Nói về những món ăn và cách nấu mà tôi đã chuẩn bị để đón Ty về. Nói để Ty phân tâm quên đi những điều khủng khiếp đã xảy ra với Ty, nếu có.

Mười lăm phút sau thì Ty về. Vừa mở cửa bước vào nhà, Ty ôm chầm lấy tôi, bật khóc. Chàng trai hai mươi ba tuổi cao một mét bảy lăm nặng bảy mươi ký, cường tráng như một dũng sĩ bỗng run rẩy mềm yếu như một đứa trẻ.

Rồi Ty nằm sấp trên nệm, lưng rung lên từng nhịp.

-Con ngu quá ba ơi. Con bị bọn chúng nó lừa. Mất hết 7.000 USD trong tài khoản rồi.

-Mất tiền ư? Vậy mà ba tưởng chuyện gì? Của đi thay người con ạ. Mất tiền là không mất gì… Hôm nay là ngày 13 thứ 6 đen mà…

Nói những điều ấy với con, tôi thấy nhẹ bỗng. Thực tình ngay lúc ấy, gặp con trai, tôi thấy như phúc nhà mình còn lớn lắm. Mất ngần ấy tiền mà con trở về lành lặn, không đâm quẹt xe, không tai nạn, nhằm nhò gì?

Sau này, chỉ vài giờ sau này, món tiền bị mất mới dần đè nặng lên tôi, lên hai cha con tôi, rằng 7.000 USD là món tài sản không hề nhỏ. Hai năm lương hưu của tôi đấy. Trước khi tôi sang, tài khoản Mr. Ty lúc nào cũng chỉ vài trăm USD. Tôi đã nạp hết số tiền mặt 5.000 USD được mang theo. Rồi mẹ Ty tiếp tục gửi thêm 2.000 USD nữa…

-Nhưng mà con ngu. Tin và sợ chúng nó. Bọn lừa đảo ấy nó đóng vai FBI rất diệu nghệ. Chúng có cả một bọn mấy thằng con trai và hai đứa con gái. Chúng nó nói lao xao trong máy, như đang ngồi trong văn phòng ở San Jose. Ban đầu chúng nó dọa con: Mày tên là Mr. Ty, đúng không? Mày vừa làm hồ sơ xin ở lại học Master phải không? Mày mắc một tội rất lớn trong chuyện làm hồ sơ vừa rồi. Lỗi này khiến mày có thể bị hủy kết quả học tập, và bị trục xuất về nước. Rồi chúng nó nói những lỗi con bị mắc. Toàn những điều con không hiểu gì cả. Chúng bảo, chúng tao có thể giúp mày, với điều kiện không được nói với ai và đến gặp chúng tao ngay. Thế là chúng điều con đi. Con như kẻ mộng du, như bị nhập đồng, lái xe theo sự điều khiển của chúng. Chúng điều con lên mấy của hàng Targets ở Fullerton, ở Wetminster. Mỗi cửa hàng mua 1.000 USD. Đến khi con xuống Long Beach, cũng là lúc mua hết tiền trong tài khoản, thì đột ngột chúng tắt máy. Đến lúc ấy con mới biết mình bị lừa. Sao con ngu quá ba ơi…

Mặt trái của nước Mỹ đã lộ ra. Bọn lừa đảo đã để ý đến tài khoản của Mr. Ty từ lâu. Vừa thấy ví con mồi căng phồng là chúng ra tay. Nhìn một đống hóa đơn Ty vứt trên bàn, tôi lóe lên tia hy vọng. Với khối lượng hàng lớn thế này, rất có thể chúng chưa lấy kịp. Hai ba con tức tốc phóng xe đến siêu thị Targets ở Fullerton. Chìa hóa đơn ra. Hai nhân viên quầy trả hàng rất nhiệt tình trợ giúp, đối chiếu hóa đơn, tra trên máy. Nhưng rồi họ nhìn nhau, nhún vai: Rất tiếc những hóa đơn này đã thanh toán rồi.

(Còn tiếp)

Comments are closed.