Bên đống lửa dưới chân đèo Mã Pí Lèng (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 151)

Tương Lai

clip_image002Từ cột cờ ở Lũng Cú, chúng tôi ghé thăm đồn biên phòng rồi xuôi về Mèo Vạc qua cung đường Mã Pí Lèng, cổng trời Quản Bạ, về cao nguyên đá Đồng Văn. Xe đang ngon trớn đổ dốc, gần cuối chân đèo Mã Pí Lèng nhìn xa xa thấy một ánh lửa với mấy cháu nhỏ ngồi quanh, tôi vội nói với Khiêm lái xe: “Dừng lại chút đi, cho mình nghỉ xả hơi một tí, tiện thể xuống ngồi xem bọn nhỏ đang làm gì giữa nơi đèo heo hút gió này”. Đống lửa nhỏ được đốt lên bên lề đường, mấy cháu nhỏ đang ngồi sưởi ấm trong gió núi hun hút. clip_image004

Chào các cháu”, tôi ngồi xuống. Ngạc nhiên, các cháu bé nhìn tôi với ánh mắt tò mò, vui vẻ và thân thiện. Ba cháu trai, hai cháu gái mặt hồng lên cạnh đống lửa. “Các cháu ngồi đây lâu chưa?”. Cháu trai đội mũ nồi nhanh nhảu: “Đợi bò ăn cỏ, lát nữa mới lùa về”. “Về đâu?”, tôi hỏi. “Kia kìa”, cháu đứng dậy chỉ tay về phía thung lũng bên dưới, tôi nhìn thấy mấy ánh đèn lấp ló trong sương mù.

Bỗng loáng thoáng có tiếng hát khi xa, khi gần, nghe giai điệu quen quen. “Những ai hát đấy cháu?”, tôi hỏi. Vẫn cháu trai nhanh nhảu: “Các chú bộ đội biên phòng hát đấy”. Cháu gái thì rụt rè cất tiếng nhỏ nhẹ, không giấu được sự lo lắng: “Các chú đang hát là đang đi về đấy. Đồn biên phòng còn xa, chắc tối mịt mới đến được”.

clip_image006Tôi thấy lòng xốn xang, đặt hai bàn tay lên vành tai cố lắng bắt tiếng hát lãng đãng trong sương chiều, tiếng được tiếng không: “Cụm rừng nào lá xác xơ cây, từ vực sâu nghe lời mời đã dậy…”. Đúng rồi, nhạc Trịnh! “Cát bụi” của Sơn len tận nơi thâm sơn cùng cốc này sao? Tim tôi đập nhanh, niềm xúc trào dâng, thảng thốt.

Nhìn vào ánh mắt cháu gái bé tí xíu giữa mênh mông rừng núi vào một buổi chiều mờ sương như thế này lòng tôi ngổn ngang bao ý nghĩ. Tôi hỏi: “Các cháu lớp mấy rồi?”. “Lớp năm và lớp sáu”, vẫn cháu trai đội mũ nồi hào hứng trả lời và chỉ vào cháu gái: “Nó học giỏi nhất đấy, cô giáo yêu nó lắm, cô ở dưới xuôi lên mà, cô ở nhà nó mà, dưới kia kìa”, đưa tay chỉ xuống ánh đèn leo lét tít tắp dưới thung lũng rồi chỉ vào cô bé vừa nhỏ nhẹ giải thích cho tôi về các chú bộ đội đi kiếm củi, đang e thẹn cúi mặt, cháu “mũ nồi” vừa cười vừa nói.

Nhìn vào các cháu túm tụm bên đống lửa trong gió rét căm căm của buổi hoàng hôn giữa núi rừng, tôi cố hình dung cái ánh đèn le lói dưới thung lũng đang rọi chiếu trên tập vở của đám trò nhỏ mà cô giáo dưới xuôi đang ở nhờ nhà bé gái kia đang chấm bài. Qua đôi mắt sáng của bé gái ngồi sưởi bên đống lửa bên lề đường, tôi cố hình dung ra khuôn mặt của cô giáo dưới xuôi lên đây dạy các trò nhỏ ngồi sưởi bên đống lửa kia.

clip_image008Nhìn xuống dòng sông Nho Quế chỉ còn một nét mờ mờ lượn vòng dưới tít tắp nơi thấp thoáng ánh đèn. Tôi căng mắt ra nhìn cũng chỉ thấy cây rừng đang chìm dần trong mù sương khi tia sáng thoi thóp còn lại của buổi hoàng hôn đang che kín dần mà cố mường tượng ánh sáng leo lét của ngọn đền dầu đang rọi lên trang giấy học trò và cô giáo đang ngồi trước ngọn đèn cặm cụi chấm bài. Với tôi, đây là một biểu tượng tuyệt đẹp của của người thầy giáo, cô giáo khi mà ngành giáo dục đang là nỗi lo âu của toàn xã hội về sự xuống cấp trầm trọng của nó. Ánh đèn le lói ấy càng gọi dậy trong tôi những xót xa thầm lặng khi gợi nhớ lại tình nghĩa thầy trò từng là niềm vui lớn giúp thanh lọc tâm hồn tôi, người thày từng đứng lớp từ phổ thông cho đến đại học. Ngọn đèn dầu leo lét dưới thung lũng kia đang rọi sáng tâm hồn các cháu bé bên đống lửa buổi ấy, có lẽ là biểu tượng tuyệt đẹp của ngọn lửa trí tuệ chói sáng.

Trong sâu thẳm niềm xúc động tôi bâng khuâng tự hỏi, liệu có phải “Ánh sáng chiếu trong bóng tối và bóng tối thì không hiểu” như một câu nguyện về bóng tối và ánh sáng trong Kinh Thánh. Thế nhưng Francis Bacon, một triết gia người Anh được xem là người tiên phong của tư tưởng khoa học hiện đại thì lại cho rằng “Để ánh sáng tỏa sáng rực rỡ, bóng tối phải hiện diện”. Ngọn đèn dầu le lói kia đang làm sống lại trong tôi niềm vinh quang của nghề dạy học trong cái buổi nhiễu nhương này mà dường như thiên tài William Shakespeare đã tiên tri được từ rất lâu, lâu lắm: “Ngọn nến nhỏ đó chiếu sáng đi thật xa! Vì vậy, hãy soi sáng một hành động tốt trong một thế giới mệt mỏi”.

Vâng, ngọn đèn nhỏ le lói trong đêm mù sương của ngôi nhà lá dưới thung lũng của con sông Nho Quế ở chân đèo Mã Pí Lèng quả là đã làm vơi bớt đi sự mệt mỏi khi ngẫm nghĩ về những gì về nền giáo dục mà tôi tự hào được cống hiến từ tuổi thanh xuân tràn đầy cho đến nay cận kề tuổi 90 mắt yếu chân run đang xuống cấp trầm trọng. Để tiếp thêm năng lượng sống cho mình mà tiếp tục viết, tôi muốn nhắc lại đây lời cảnh cáo tâm huyết của thầy tôi, giáo sư Hoàng Tuỵ:

Nếu nói giáo dục Việt Nam có khủng hoảng thì nét chính của khủng hoảng ấy là sự tha hóa, biến chất. Giáo dục có nguy cơ trở thành phản giáo dục. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trực tiếp làm tha hóa giáo dục có ba sai lầm lớn: chính sách đối với giáo viên, tập trung tất cả việc dạy và học vào thi cử, chạy theo số lượng, hi sinh chất lượng, bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế. Tất cả các sai lầm hệ thống nêu trên khiến giáo dục dần dần biến chất, xuống cấp, xa rời tất cả những giá trị cao quý còn sót lại từ quá khứ. Xu hướng tha hóa clip_image010ấy phát triển có nguy cơ đẻ ra một nền giáo dục phản giáo dục”.

Câu ấy thầy đã viết thành sách với nhan đề: “Giáo dục. Xin cho tôi nói thẳng” và Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức đã in ra. Sự “nói thẳng” của nhà toán học đã làm rạng danh đất nước với phát minh ra phương pháp “Lát cắt Tụy” và được coi là mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới, lý thuyết tối ưu toàn cục. Tổng cộng hơn 100 công trình khoa học của ông được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học. Cuốn sách tối ưu toàn cục tiếp cận xác định mà GS Hoàng Tụy viết chung với GS Reiner Horst được đánh giá là cuốn “Kinh Thánh” của chuyên ngành tối ưu toàn cục.clip_image012

Phải chăng vì thế mà khi IDS (Institute of Development Studies) Viện Nghiên cứu phát triển, một tổ chức nghiên cứu độc lập theo dạng một “think tank” được thành lập do tiến sĩ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng và Phạm Chi Lan làm Viện phó, ông Sáu Dân đã nghĩ ngay đến một nhà khoa học có đủ uy tín mời gọi nhiều trí thức tiêu biểu tham gia.

Ông gọi tôi đến căn dặn: “Anh chịu khó bay ra Hà Nội ngay để trao đổi với Việt Phương, vận động anh Hoàng Tuỵ làm Chủ tịch Hội đồng khoa học IDS. Ông Sáu Dân nói vui với tôi: “Ổng là người không sợ ai nhưng ai cũng “sợ” ổng”. Mà đúng vậy, với Hoàng Tuỵ và Việt Phương mới đủ sức thuyết phục và mời gọi những Phan Huy Lê, Phan Đình Diệu… tham gia IDS. Tiếp tục những nung nấu về giáo dục, văn hoá và khoa học của nước nhà, thầy giáo Hoàng Tuỵ đã hướng IDS đi vào những vấn đề lớn và cấp bách nhất của giáo dục, văn hoá, khoa học ở tầm chiến lược. Những vấn đề mà nội dung cuốn “Xin cho tôi nói thẳng” được Chu Hảo cho NXB Tri thức in ra từng được giáo sư Hoàng Tuỵ trình bày trong nhiều sinh hoạt khoa học của IDS.

Là học trò của ông, tôi hân hạnh nhiều lần được tâm sự với ông. Hôm đón ông tại Hội trường Thống nhất trong dịp ông và anh Nguyễn Quang A vào viếng Ông Sáu Dân – người đề xướng việc thành lập một tổ chức nghiên cứu độc lập – để tiếp và làm việc với giáo sư Lê Xuân Khoa ở Mỹ về đề nghị được thành lập một Viện nghiên cứu tư nhân “Việt Nam thế kỷ XXI”, lúc nằm nghỉ để đợi ra sân bay về Hà Nội chuyến tối, một quãng thời gian thong thả hiếm gặp, ông đã nói với tôi rất nhiều những day dứt của ông về giáo dục như có ý nhắc nhủ người học trò cũ của ông.

Nhớ lại hình ảnh buổi thầy trò ngồi bên nhau dạo ấy, lòng xao xuyến một nỗi nhớ thầy. Cũng dạo ấy, giáo sư Lê Bá Thảo, cũng là thầy tôi, đã ưu ái và tin tưởng mời tôi tham gia Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp nhà nước do ông làm Chủ tịch về clip_image014Đồng bằng Sông Cửu Long” mà giáo sư Nguyễn Ngọc Trân phụ trách. Thầy Lê Bá Thảo động viên học trò: “Anh đừng ngại, tôi đã cân nhắc và tìm hiểu kỹ, nghiên cứu về Đồng bằng Sông Cửu Long nhất thiết phải đi sâu vào con người và xã hội chứ không chỉ điều kiện canh tác của đặc thù sông nước Nam Bộ, vì vậy rất cần đến xã hội học”. Đây không chỉ là công việc, đây còn là mối tình thầy trò thắm thiết và là niềm tự hào về những người thầy cao quý và nghề dạy học được xem là một nghề cao quý nhất được xã hội tôn vinh.

Đây là truyền thống cao cả của dân tộc từ ngàn đời “tôn sư trọng đạo”, khác xa, rất xa với cái tạm gọi là “truyền thống hiện đại” khá nhiều nghịch lý, nhưng xin lạc khỏi chủ đề một chút để nói về chữ “tôn” trong câu chuyện vừa xảy ra: nhằm “tôn” ai đó tuy đã quá yếu nhưng vẫn giữ bằng được cái trọng trách không ai thay thế nổi theo cách nghĩ của người lực bất tòng tâm được những kẻ cung cúc tận tuỵ chiều lòng ngài đã tạo tác một thanh ngang “mạ vàng buộc nơ” để ngài vịn vào khi thực hiện nghi thức quốc lễ phải đứng cùng vị Tổng thống đến thăm đất nước mình trong lễ đón gần đây. Và rồi, cũng miễn nốt chuyện họp báo vì “phải trả lời báo chí thì có lẽ ứng phó sẽ không thể nhanh nhẹn như trước được” như lời một quan chức ngoại giao giải thích cho các cụ hưu trí tại Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội gần đây.[1]

Thật ra, làm sao cũng chẳng làm sao, nếu có chuyện gì cũng chẳng làm chi, thì chả phải trước đây cũng đã có Lê Ngoạ Triều đó sao (cho dù cũng có những “nghi án” thanh minh cho vị vua này, dẫu sao thì trong dân gian thì hình ảnh Lê Ngoạ Triều vẫn không thay đổi “nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”). Đôi dòng chỉ nhằm ghi lại một dấu ấn thời cuộc mà không làm vướng bẩn cảm hứng trong lành về ngọn lửa của trí tuệ vừa được thắp sáng lên, nên xin trở lại với liền mạch của những đợt sóng trên dòng hồi ức về hình ảnh cao quý của tình nghĩa thầy trò.

Có tiếng còi xe giục, tôi đứng dậy, rút chiếc bút trên túi áo đặt vào tay cô bé đang e thẹn hơ trên lửa, rồi vội vã ra xe trong tiếng đáp hối hả của cháu bé “Không lấy đâu, không lấy đâu” giữa những tiếng cười giòn tan của đám bạn trai. Trước khi bước lên xe, tôi vẫn sững lại, cố dõi theo tiếng hát để rồi bắt gặp phía xa xa kia, sông Nho Quế ẩn hiện trong từng mảng ánh sáng của le lói ráng chiều thoi thóp mờ tắt.

Nhiều năm trôi qua, tiếng hát ấy, ngọn lửa ấy, ánh mắt ấy, ngọn đèn ấy, dòng sông ấy trong cái lạnh cắt da cắt thịt ấy vẫn chìm sâu trong ký ức, thức dậy trong tôi những xúc động kỳ lạ.

Tôi bỗng nhớ lại ánh mắt rực sáng trên gương mặt lấm đầy bùn như vừa lội dưới đám sình lầy bắt cá của cậu bé ở tít tắp Năm Căn Mũi Cà Mau năm nào.clip_image016 Mà đúng vậy, một xâu cá đang móc ở nhánh cây trâm bầu gần đó. Tôi kéo cháu đứng bên nhờ Trịnh Hoà Bình chụp một bức ảnh. Cháu khẩn khoản: “Rồi chú nhớ gửi hình cho cháu đấy”. Tôi hỏi: “Gửi về đâu, phải cho chú địa chỉ mới gửi được chứ?”. Cháu hãnh diện trả lời: “Về địa chỉ thầy Hiệu trưởng trường cháu chứ về đâu nữa”, đưa tay chỉ xâu cá: “Đấy, xâu cá này là cháu sẽ đem biếu thầy để thầy nấu nồi canh chua cho bữa trưa, còn sẽ kho để cho buổi chiều, cháu vẫn làm thế mà”. Giữ lời hứa, tôi gửi tấm hình cho cháu. Cháu nhận được và gửi thư cám ơn, hào hứng mời lúc nào đến lại Cà Mau thì ghé chơi nhà, rất tiếc là tôi chưa thực hiện đươc để tay bắt mặt mừng với cậu học trò nhỏ chất phác và nhiệt tình, hình ảnh rất cảm động về nghĩa tình thầy trò tuyệt đẹp làm sống động nghĩa vụ cao cả của nghề thầy đủ sức mạnh đẩy lùi những tệ hại xuống cấp rất nguy hiểm. Hình ảnh ấy gợi nhớ lại đám học trò nhỏ của một trường học ở nông thôn miền núi quây quanh Hồ Ngọc Đại dạo nào cách nay cũng hơn 30 năm.

Đấy là dịp hai chúng tôi cùng đi thăm một bạn học cùng lớp, bạn Tống T. Tr. ở Thanh Ba, Phú Thọ vì biết là bạn tôi đang phải sống rất vất vả.clip_image018 Luôn căng thẳng, bận bịu với công việc, tự cho phép mình có một quãng thời gian và không gian thư giãn, chúng tôi rủ nhau đi xa để có được những phút sống chậm. Ô tô đang len lỏi qua những đồi chè óng mượt, những rừng cọ xanh mướt, những hàng quán heo hút bên đường, bỗng Đại vén tay áo nhìn đồng hồ rồi vỗ vỗ vào lưng lái xe: “Đi chầm chậm, đến con đường nhỏ nằm ở ngã ba kia thì rẽ vào”. Hạ cửa kính xuống, tôi nghe tiếng reo vui của học trò khi mái trường hiện rõ.

Thì ra, Hồ Ngọc Đại đã thuộc lòng con đường này, cũng biết rõ lúc này là “giờ ra chơi”. Đại vui vẻ nhanh nhẹn bước vào sân trường. Vừa nhìn thấy anh, cả đám trẻ con hét to: “A a, thầy Đại, chúng mày ơi, thầy Đại”. Và rồi đám nhỏ xúm lại quanh anh, đứa níu tay, đứa bá vai, đứa ôm ngang thắt lưng: “Thầy ơi, thầy có ở lại dự lớp con không? Thầy chơi đá cầu với chúng con rồi chốc nữa vào lớp con thầy ạ”. Tiếng reo vui như bầy ong vỡ tổ, chúng cứ nhảy nhảy quanh Hồ Ngọc Đai khiến tôi không nghe được tiếng Đại trả lời.

clip_image020Tôi hiểu, đây là phút xúc động mãnh liệt của bạn tôi, là niềm vui lớn của anh từ khi bắt đầu với câu hỏi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và câu trả lời của Hồ Ngọc Đại: “Tôi xin đi dạy lớp Một”. Và cảnh tượng tôi chứng kiến hôm nay cho tôi biết rằng anh đã nhiều lần đến đây cũng như đến nhiều nơi khắp cả nước từ Bắc chí Nam, nhất là ở những vùng sâu của đồng bào dân tộc, những nơi đang thực hiện chương trình thực nghiệm “Công nghệ Giáo dục” mà anh đã dành trọn cuộc đời cho nó. Tôi hiểu đây là hạnh phúc cao cả của anh, một thầy giáo. Một sự thật hiển nhiên đang hiện ra sống động trước mắt tôi. Vâng một sự thật đầy sức thuyết phục.clip_image022

Mặc cho những nhiễu nhương của buổi tranh tối tranh sáng với những đòn công kích ác hiểm, Hồ Ngọc Đại vẫn bằng chân như vại vì anh hiểu chân lý thuộc về những người dám khám khá và có bản lĩnh đương đầu với thách thức và luôn tin sự thật là thước đo kết quả của một công trình khoa học được xã hội chấp nhận. Có lẽ nên dẫn ra đây câu nói của người học sinh Việt Nam đầu tiên hai lần đạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế và là người được trao Huy chương Fields – giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học. Có lẽ nên dẫn ra đây câu của Ngô Bảo Châu viết trên facebook của ông: “Sách của thầy Đại đã có 40 năm, cả triệu trẻ dùng nó để học chữ. Nó đã là một phần của cuộc sống rồi. Đúng là quản lý nhà nước thì cần có thẩm định, có chuẩn… nhưng đem cuộc sống ra thẩm định thì cũng buồn cười nhỉ”. Còn tiến sĩ Vân Hiền, mẹ của Ngô Bảo Châu, một học trò cũ của tôi thì có lần nhắc lại ở nhà tôi “Chính những điều học được ở trường Thực nghiệm và một số nội dung học ở môn Toán (ví dụ hệ nhị phân được học ở tiểu học, trong khi các trường khác phải cấp 2 mới có) của trường, phần nào góp vào thành công của Ngô Bảo Châu ở kỳ thi học sinh giỏi Toán học toàn quốc Mái trường Thực nghiệm Hà Nội nhiều kỷ niệm tuổi thơ chơi nhiều hơn học. Những ngày hội khóa, cựu học sinh tham dự rất đông, vui vẻ, ngập tràn tình bạn và mến yêu thầy cô… Đó chính là điều mà phụ huynh nào cũng mong muốn ở con em mình”.[2]

clip_image024Hình ảnh các trò nhỏ vây quanh Hồ Ngọc Đại khiến tôi nhớ đến các trò nhỏ ngồi sưởi bên đống lửa dưới chân đèo Mã Pí Lèng và ngọn đèn dầu dưới thung lũng con sông Nho Quế chảy qua thức dậy mãnh liệt trong tôi nghị lực vứt bỏ những ám ảnh dung tục và tệ hại ngày ngày được nghe và được thấy dù chỉ bó hẹp trên màn hình tivi nhà nước và trên những trang mạng trong và ngoài nước, để hưởng niềm vui bất tận của người thầy, nghề thầy.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi đã viết những điều vừa kể đăng trên báo “nhà nước” khi tôi chưa bị cấm tuyệt đối không được xuất hiện trên bất cứ tờ báo chính thống nào vì đã bị “rút phép thông công”!

clip_image026Ngồi trên ô tô đang lăn bánh về huyện hướng huyện Thanh Ba, chúng tôi ghé vào một cửa hàng mậu dịch mua một chục bát đĩa sứ men trắng, năm cái bát đựng canh và năm cái đĩa to cùng cỡ bát, một cái mâm đồng và một nồi nhôm to, món quà thiết thực mà bạn tôi cần, cho vào cốp xe. Chiếc Mercedes rất xịn, không biết Đại mượn của ai, cốt để “làm sang” cho ông bạn lâu mới gặp, Đại bảo lái xe cứ lách qua cánh cổng tre đã xập xệ cho xe đậu giữa sân vườn để đủ “sang trọng” cho ngôi nhà bạn tôi.

Tr. đang đánh trần, vội vã kéo cái áo sơ mi trắng đang phơi trên sào khoác vào người và mừng rỡ mời chúng tôi vào nhà. Lúc ngồi trên xe ra về, lái xe xót xa nhận xét: “Cái áo vẫn chưa khô hẳn đâu, chắc ông ấy chỉ có một chiếc áo sơ mi đang hơi ấy thôi, phải vội quơ lấy để tiếp khách đấy”.

Cậu lái xe thật tinh đời và giàu lòng trắc ẩn, anh nói đúng hoàn cảnh của bạn tôi. Ngày ngày khi vợ con ra đồng hoặc lên chợ buôn bán vặt, anh mặc một bộ quần áo cổ truyền màu đỏ – chắc là phải đi thuê – đạp chiếc xe đạp tòng tọc lên Đền Hùng xin một chân viết sớ thuê để kiếm thêm đồng ra đồng vào cho gia đình, góp vào đồng lương hưu giáo viên quá hẻo không đủ sống. Cái nghề thầy vốn được xem là cao quý được xã hội trân trọng như nghề thầy thuốc trực tiếp chăm sóc cho con người. Chăm sóc về sức khoẻ, bệnh tật và chăm sóc về trí tuệ, về tâm hồn từ lúc con người chào đời cho đến lúc nằm xuống. Có lẽ chỉ với sự tôn trọng đáng quý ấy không đủ để sống. Ông bạn nghèo về hưu của tôi phải nhờ vào việc ngồi viết sớ bên sân Đền Hùng tăng thêm thu nhập cho đồng lương hưu giáo viên của anh, cũng như của bao thầy cô giáo trên cả nước.

clip_image028Không hiểu bạn tôi giờ đây có được tôn trọng với bộ lễ phục cổ truyền màu đỏ có in hoa gấm hơn là bộ quần áo tuềnh toàng viết phấn trên bảng đen hoặc đứng trên bục giảng nhìn xuống những đôi mắt sáng long lanh với cái nhìn trong veo như các cháu nhỏ tôi gặp bên đống lửa sưởi dưới chân đèo ở tỉnh Hà Giang hay đám trẻ nhỏ xúm quanh Hồ Ngọc Đại ở Phú Thọ.

Thì cuộc sống vẫn cứ trôi đi, ông bạn của tôi vẫn suy nghĩ và làm việc, những công việc lương thiện giữa cuộc đời bon chen, hối hả tràn ngập những buồn vui như vốn có. Và đúng như Đại tiên đoán, một tiên đoán của nhà tâm lý học: Ông bạn giáo viên hưu trí của chúng tôi vui hẳn lên, trong cái nhìn của Tr. có pha chút kiêu hãnh, khi thấy đám trẻ con trong thôn ùa đến chỉ trỏ chiếc ô tô xịn đỗ giữa sân thầy giáo Tr.. Những tiếng reo hồn nhiên ồn ào của đám trẻ, bà con trong thôn gần nhà ông giáo cũng kéo đến trầm trồ: “Sướng nhé, ô tô đến tận nhà mang quà đến cho. Nghe đâu nhiều quà lắm, rồi tha hồ khách khứa”. Ông bạn tôi chắp hai tay vẫy vẫy chào bà con, miệng cười rạng rỡ. Phút vui ấy chắc rồi cũng chóng trôi đi khi anh lại tiếp tục ngày ngày đi viết sớ thuê để thêm vào đồng lương hưu quá thấp.

Không phải giáo viên hưu nào cũng đi viết sớ thuê như ông bạn tôi, nhưng hàng triệu giáo viên đang phải chật vật sống với tiền lương không đủ sống, một thảm trạng mà giáo sư Hoàng Tuỵ đã cảnh báo “trực tiếp làm tha hóa giáo dục có ba sai lầm lớn”, mà thứ nhất là: chính sách đối với giáo viên”.

Ông bạn nghèo của tôi vốn hiền lành và có phần cam chịu trong cách sống nên ngoài cái nghèo ra chắc anh không bị sách nhiễu do những phản biện quyết liệt về sự tha hoá mà người giáo viên nói riêng và toàn xã hội, những đòi hỏi tự do trong suy nghĩ, trong khát vọng, phẫn nộ trước cường quyền áp bức…

Chẳng hiểu đó có là sự may mắn cho anh hay là một sự thiệt thòi trong nghĩa vụ cao cả của nghề thầy giáo. Bởi lẽ, “Làm sao đứa trẻ có thể học được trở thành một người công dân tự do và có trách nhiệm khi mà chính người thầy của mình bị giới hạn?”. Đó là lập luận của John Dewey (1859-1952), nhà triết học Mỹ, người khai sinh ra giáo dục thực nghiệm. Hơn nữa, như thiên tài Albert Einstein đã khuyến cáo: “Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong sự diễn đạt và tri thức sáng tạo”. Để có được niềm vui đó, trước hết phải có tự do, và tự do không thể do ai ban phát cả, “người thầy” phải tự đấu tranh để giành lấy.

Ấy vậy mà, theo công bố của Freedom House thì Việt Nam nằm trong nhóm “không có tự do”suốt từ năm 1976. So với báo cáo năm ngoái 2022, điểm số về Quyền chính trị của Việt Nam là 4/40, tăng một điểm; điểm số về Quyền dân sự đạt 15/60, giảm một điểm; và điểm số về Tự do Internet là 22/100, giữ nguyên so với năm trước.” Liệu các thày giáo và cô giáo có đuợc hoặc có dám viết lên bảng những sự thật đau đớn đó không? Để trả lời, phải chăng cần nhắc lại một điều thiêng liêng mà các thầy giáo và cô giáo đều nên nhớ nằm lòng rằng: “Những gì thầy cô viết lên tấm bảng cuộc đời sẽ không bao giờ tẩy xóa được”.

Đúng, điều ấy thật thiêng liêng nhưng cũng thật khắc nghiệt đối với sứ mệnh của nghề dạy học. Không có một bản lĩnh cần thiết, không thể gánh vác nổi sứ mệnh thiêng liêng nhưng hết sức khắc nghiệt ấy. Chính vì nghĩ vậy cho nên, để không hổ thẹn với những gì đã từng cố gắng “viết lên tấm bảng cuộc đời” mà nay tuổi cao sức yếu không thể đứng lớp để viết lên bảng đen với phấn trắng hay bảng trắng với bút màu, thì hãy cố gắng viết tiếp những gì đã từng viết lên bảng bằng những con chữ trên bàn phím máy tính và tự an ủi rằng, chẳng biết hay dở thế nào nhưng ít nhất cũng là cách “tập thể dục cho bộ não” như lời vị bác sĩ đang trị bệnh cho tôi đã động viên bệnh nhân của mình.

clip_image030Lời động viên ấy như tiếp thêm năng lượng cho một cơ thể đã quá trục trặc. Ấy vậy mà Thomas Edison, người được coi là một trong những nhà phát minh, nhà khoa học vĩ đại và giàu ý tưởng nhất trong lịch sử lại khẳng định rằng “chức năng chính của cơ thể là để chuyên chở bộ não”. Thoạt đầu, sự khẳng định ấy có gây bối rối tâm tư, nhưng nghĩ kỹ thì đấy là sự khẳng định ý nghĩa tối quan trọng đối với con người là bộ não. Nó củng cố thêm cho lời động viên rất tế nhị của vị bác sĩ mà tôi kính trọng và biết ơn trân trọng, tự hào về vai trò của trí tuệ.

Càng xúc động hơn khi tôi vừa đọc từ Financial Times ông Ihor Terekhov, thị trưởng Kharkiv ra quyết định: Đã đến lúc phải đào sâu xuống đấtChúng tôi chỉ cách biên giới Nga 20 km. Đưa trường học xuống hầm tàu điện ngầm là một phần trong kế hoạch lôi kéo người dân đã tản cư quay trở lại thành phố lớn thứ hai của Ukraine[3]. Là một phần của việc chuyển sang sống song song dưới lòng đất, ông thị trưởng cũng đã cam kết xây dựng kho chứa toa xe tàu điện ngầm đầu tiên của Kharkiv vào năm tới và các ga tàu điện ngầm dưới đất đồng thời là địa điểm mới của năm trường tiểu học. Vậy là hiện đại hơn rất nhiều với các học trò nhỏ Việt Nam của thời đội mũ rơm đi học nhằm tránh mảnh bom, nhảy xuống hào được đào ngang dọc bên lề đường rồi chui nhanh xuống hầm đào sâu hơn hào quãng nửa mét có mái kèo tre che chắn bên trên, khi có báo động hoặc tiếng gầm rít của máy bay địch.

Thì ra đâu đâu cũng vậy, “giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới”. Tuyên bố nổi tiếng ấy của Tổng thống người da màu đầu tiên của Nam Phi chính chân lý của thời đại. Trong hồi ký của mình “Hành trình dài đến tự do” (Long Walk to Freedom) viết năm 1994, Nelson Mandela khẳng định: “Giáo dục chính như một động cơ vĩ đại trong quá trình phát triển cá nhân. Nhờ giáo dục, con gái một người nông dân có thể trở thành bác sĩ, con trai một người thợ mỏ có thể trở thành chủ nhân chính khu mỏ đó, và con cái những người nông dân có thể trở thành tổng thống một quốc gia vĩ đại”. Ngược lại với ý tưởng lớn đó, xin đừng quên đám hồng vệ binh gồm lũ trẻ choai choai ở Trung Quốc mà Mao dùng để làm cuộc cách mạng văn hoá nhằm thanh lọc hàng ngũ để giữ thế độc quyền, làm tan nát một thế hệ. Lũ choai choai ấy không còn nhưng di hại của chúng thì còn dai dẳng.clip_image032

Bài học phản diện ấy càng làm sống động trong nhịp tim tôi hình ảnh đám học trò nhỏ trường tiểu học nông thôn Phú Thọ bu quanh Hồ Ngọc Đại; chú bé Đất Mũi tận cùng Cà Mau với xâu cá vừa mò bắt được để đem tặng thầy; mấy trò nhỏ ngồi sưởi ấm quanh đống lửa nhóm lên dưới chân đèo Mã Pí Lèng không xa đỉnh Lũng Cú cực Bắc tỉnh Hà Giang, và ngọn đèn dầu toả sáng trên trang giấy học trò của cô giáo dưới thung lũng có con sông Nho Quế chảy qua.

Tôi muốn nghĩ rằng, ánh đèn của cô giáo ấy, ánh lửa sưởi ấm giữa hun hút gió lạnh chân đèo ấy đều là những ánh lửa của trí tuệ, đều có sức mạnh làm thay đổi cuộc sống, làm cho nó sạch sẽ hơn, ấm áp hơn, là động cơ vĩ đại trong quá trình phát triển cá nhân. Sự phát triển đó sẽ quét đi rác rưởi bẩn thỉu của sự thoái hoá, biến chất của những kẻ có quyền đang làm ô nhiễm môi trường sống của cả xã hội làm hư hỏng nhân cách mà nguy hại nhất là đám người đang ở độ tuổi đang phát triển đã phải chìm dần trong “một thế giới mệt mỏi” mà Shakespeare lo lắng, trong đó có sự dai dẳng khủng khiếp về sự lây lan di hại của ý thức hệ kiểu Mao.

Ước sao có nhiều, rất nhiều những “đống lửa” bên chân đèo, những ngọn đèn dưới thung lũng của Mã Pí Lèng, nơi có con sông Nho Quế trong lành chảy qua để thanh lọc “sự mệt mỏi” của cả xã hội, làm dịu mát tâm hồn, bồi đắp nhân cách cho lớp lớp học trò rồi sẽ được sống trong tự do của một đất nước dân chủ và phát triển.

Ánh lửa trí tuệ từ đống lửa ấy, từ ngọn đèn kia rồi sẽ sáng bừng lên.

Ngày 21.10.2023


[1] VOA, 19/10/2023.

[2] Mẹ GS Ngô Bảo Châu cảm thấy tiếc khi bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị ngừng dạy vào năm sau, GiadinhNet, 20/9/2019

[3] Bản dịch của Cù Tuấn, 22/10/2023.

Comments are closed.