Bờ kia (kỳ 5)

Nam Dao

BA

Vòng quanh gò Ai Ơi, hai người lên dốc nhắm hướng tam quan ngôi chùa rêu phong trên cao. Cô Đồng chậm bước đợi Bà Mệnh phụ, sốt ruột gọi ơi ới. Thở hổn hển, Bà Mệnh phụ trách:

– Việc chi mà gấp dzậy cà?

Cô Đồng không đáp, quay ngoắt người, lại rảo bước.

Khi đẩy cổng chùa, hai con Vện và Vằn lại ùa ra, sủa nhặng xị, nhưng quen khách nên không nhe răng dọa nạt. Sư chùa Lọ thủng thẳng bước xuống sân, theo sau hai đứa bé và Chà. Cô Đồng ỏn ẻn:

– Nam mô A di đà ph…ậ…t!

– Kính chào Sư, và… anh… Bà Mệnh phụ cười tươi tắn.

Đưa tay chỉ vào chính điện là chỗ chùa tiếp thiện nam tín nữ, Sư bảo hai đứa bé pha trà, mời mọi người an toạ. Cô Đồng là người khai hỏa, thổn thức:

– Chạy khỏi đền nay bị chúng nó phá tan hoang, em nay không cửa không nhà, xin Sư thày cho em đến đây nương cửa Phật

Sư chùa Lọ nghe sợ quá, tái mặt lạnh xương sống, chưa biết đối đáp ra sao thì Chà nhanh miệng:

– Chùa có muốn mở rộng cửa cũng chẳng ai cho. Dân ta có quyền tự do tôn giáo, nhưng cư trú thì khác, phải khai báo và phải được Ủy ban Nhân dân xã chính thức cho phép… Hơn nữa – Chà nhớ buổi tối hôm xưa, tiếp – chùa toàn nam, có nữ …vào thì lôi thôi chứ chẳng chơi…

Bà Mệnh phụ chen ngang, mắt liếc tình:

– Anh cứ nói dzậy, chuyện nam nữ thụ thụ bất thân là thời phong kiến! Nay khác mà, anh hổng nhớ sao…

Chà chột da, sợ Bà Mệnh phụ kể sự tình thì ê, nhưng cô Đồng nhẩy vào cứu nguy, e é:

– Như em đây, bảo nữ cũng được, mà bảo nam thì em còn giữ giấy chứng nhận của bệnh viện 108 trực thuộc bộ Quốc Phòng có ghi rõ giới tính của em!

Sợ câu chuyện lăng băng đi quá xa, Sư dặng hắng rồi trầm giọng:

– Cám ơn nhị vị thí chủ có lòng không chê chùa nghèo hèn, nhưng chúng tôi không dám chấp chỉ vì hai lẽ. Thứ nhất, chùa đông người qua kẻ lại, hẳn công quyền biết ngay, và chẳng những chùa mà cả quí vị cũng sẽ có vấn đề. Thứ nhì, Sư nhìn Chà, ngập ngừng… người chúng tôi cũng trần gian lắm, sợ không giữ được lễ…

– Càng hay, thân mật đoàn kết chứ có gì mà Thầy phải lo – Bà Mệnh phụ ngắt – bốn phương nam nữ đều là anh em mà!

Sư gạt đi, mô phật rồi đứng lên ra sau. Chà ở lại tiếp khách, nghe Bà Mệnh phụ hỏi, Chà đáp:

– Việc tiến hành tốt, bè đóng sắp xong, đường ngang lối tắt đã nghiên cứu tường tận. Nhìn Bà Mệnh phụ, Chà hạ giọng – tuần sau thì phải thanh khoản một phần nữa. Nhà-chài đã tìm đủ trai tráng để chống bè, duy còn thiếu…

– Thiếu gì? cô Đồng hỏi.

– Thiếu cái phần nôm na gọi là khoa học kỹ thuật, tức một hai người tốt nghiệp đại học đàng hoàng, có tri thức căn bản, được đào tạo bài bản chính qui… Bờ Kia mà thiếu khả năng này thì… thiếu tính hiện đại!

Cô Đồng ré lên cười:

– Gì chứ bọn này thì em quen đầy, gồng gánh đi chẳng hết. Chúng cũng lên đền Ngọc Trần sì sụp hương đèn, lòng thành ra phết. Nhưng em sẽ giới thiệu với “đoàn” một người vừa có chuyên môn, lại vừa có đầu óc tổ chức nhé… Mà này, Bờ Kia là sao nhỉ?

Chà chưa kịp đáp thì nghe tiếng chó oăng oẳng lẫn vào tiếng xe máy rồ ga rú lên. Con bé gái từ sân hốt hoảng đâm đầu chạy vào, miệng tiếng đực tiếng cái:

– Chúng nó trộm chó, bắt bố Vện mất rồi!

Chà nhổm dậy xông ra ngoài. Con Vằn thò mũi khỏi cánh cổng chùa, rên hích hích, đuôi cụp xuống, đầu chúi xuống như muốn sổng ra. Bờ ao, con sáo hoảng hồn vừa nhẩy vừa kêu eng éc rồi chửi toáng lên “Đ. má mày”. Thằng bé trai chạy theo Chà, vừa chạy vừa hét ăn trộm, làng nước ơi, ăn trộm. Nhưng có làng nước nào quanh chùa Lọ đâu. Nó ôm lấy Vằn, kéo vào, hào hển:

– Vào đi, không nó lại bắt!

Nhìn quanh, Chà thấy một mẩu xương cạnh một sợi dây thừng kết thòng lọng. Bọn trộm trộn bả cho chó ăn, bắt được là bỏ ngay vào bao tải rồi chạy, may chỉ có ông giời mới đuổi kịp Honda. Sư cũng ra sân, mặt mũi ảo não. Con bé gái ôm Vằn, vuốt ve gọi “mẹ”, mặt nhoè nhoẹt nước mắt. Vằn chúi đầu vào lòng con bé, tứ chi co quắp, tai cụp xuống. Thằng anh nó bặm môi, nước mắt ròng ròng ứa ra. Bực dọc, Chà hầm hầm văng tục, đi thẳng ra ngoài. Bà Mệnh phụ hỏi, nhưng Chà không đáp.

Sư nay điềm nhiên, hạ giọng:

– Ông ấy lại đi làm chén rượu mỗi lúc tâm động, nhưng chắc lần này thôi chẳng ăn thịt cầy như mọi khi!

Bà Mệnh phụ hỏi:

– Một con chó bán được bao nhiêu?

– Chắc 3 đến 4 trăm nghìn, cô Đồng nhanh nhẩu. Thế mà tháng trước ở Ý Yên, có một làng ra vây đánh bọn trộm chó, giết được 2 thằng, tuổi chỉ 15, 17…, báo Dân Trí có đăng tin, chị không đọc à?

– Mình chỉ đọc Phụ nữ Gia đình thui, mà nè, cho hỏi…

– Chị vô tư đi, em gần quần chúng nên tin chẳng thua gì VTV đâu!

– Chó ta gầy như vầy, bán cho quán nhậu thì chỉ xương, ăn uống gì?

Cô Đồng chẩu mỏ, vừa nguýt vừa giảng:

– Này bà chị lầu son cửa tía, ngâm vào thuốc hóa học của Tàu khựa, thịt phồng lên gấp ba, bỏ hàn the cho thịt giòn, và thế là được cả chục dĩa rựa mận. Cứ 50 cho đến 80 ngàn một dĩa, là lời rồi. Và còn sáo, còn chả chó… Nhớ nhé, nước ta hạng nhì, chỉ thua Hàn quốc về tiêu thụ chó thôi, mỗi năm chơi 5 triệu con, thiếu nên phải nhập từ Thái. Đó là dựa trên thống kê bán chính thức. Có lẽ về hạng mục này Nhà nước không công bố, sợ mình mà hạng nhất thế giới thì những thế lực thù địch lại rêu rao là nước ta không tôn trọng… nhân quyền đúng Hiến chương Liên Hiệp Quốc!

Chiều xuống, mặt trời chênh chếch ngả về tây. Bóng mái chùa mang hình lưỡi liềm choán một góc sân. Con bé vẫn ôm lấy Vằn, khóc ấm ức. Thằng anh nó khẽ nói:

– May mình còn mẹ Vằn, chỉ mất bố Vện. Thế là còn may!

Con Vằn vẫn ngóng mắt về phía cổng, miệng kêu hích hích, giãi nhỏ xuống bê bết góc sân, lông dựng lên, đuôi cụp xuống.

Đợi mãi không thấy Chà, Bà Mệnh phụ nhớ cái đêm hôm đó đêm gì mới hôm nao. Bà thất vọng đứng dậy, tay lôi cô Đồng ra cổng, đi không ngoái lại.

*

Khuya Chà mới về, chân nam đá chân xiêu, miệng hát “Đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng”. Bước lên thềm, Sư đã chờ ở đó. Con Vằn sợ từ chiều, nghe tiếng chân người nhưng không dám sủa. Sắp rằm, trăng lưỡi liềm nhìn lấp loáng sắc như nước, không hiền hòa như vào độ khuôn tròn. Con sáo cất tiếng “Chào chà, chào chà” rồi “ Mô Phật”. Thấy Sư, Chà quì xuống, tâu:

– Kính thưa Vương công, ngài là Án đô vương Trịnh Bồng thì khó chứ cứ giả làm Đạt Hải thiền sư thì dễ, chỉ chân đất đi ăn mày nói chuyện hỉ xả đâu có gian nan gì? Nay quân Hoàng Phùng Cơ từ Sơn Tây đóng miệt Kinh Bắc còn đó, hải đội của Đinh Tích Nhưỡng ở Hàm Giang giông buồm tiến vào sông Nhị, lực đối lực với Nguyễn Hữu Chỉnh một tám một mười, chỉ cần có kẻ đứng ra chủ trì cho danh chính ngôn thuận. Hạ quan thiết nghĩ, Tây Sơn đã bỏ Chỉnh ở Nghệ An, chắc chắn sẽ không can thiệp, nên cái cơ ta thắng sẽ tăng lên mười phần nếu Vương viết thư cầu viện với Bắc Bình vương Nguyển Huệ, xin Ngọc Hân công chúa lựa lời nói giúp thì dẹp giặc Chỉnh như lật bàn tay… Hạ thần khấu đầu mong Vương nghĩ lại, vứt áo cà sa, đeo gươm mặc giáp cứu lấy sinh linh trong thiên hạ!

Sư nâng Chà lên, nói nhỏ:

– Thí chủ lại lầm tôi với ai đó rồi. Tệ hơn, thí chủ lẫn lộn cả thời gian lẫn lịch sử, Chỉnh đã chuyên quyền lấn áp vua Lê, Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Thăng Long bắt rồi chém. Sau, Nhậm theo vết xe đổ mưu tính xưng Vương, Huệ thân chinh ra Bắc Hà lần thứ hai xé xác phân thây. Vua Lê chạy sang Tàu cầu viện, cõng rắn cắn gà nhà.

Nhìn Chà nằm phủ phục, giãi rớt đầy miệng, mắt nhắm mắt mở, Sư thở dài lẩm bẩm:

– Đó là chuyện xưa, còn đỡ hơn ngày nay. Đến cái tăm hay sợi cao su buộc gói xôi bây giờ cũng phải nhập từ Quảng Tây, thì sức nào mà tự lập, nên trên thực tế không cầu viện ra mồm thì cũng đã bó tay phụ thuộc. Lao động Trung Quốc qua tăng trợ cho lực lượng công nhân nước ta xây dựng xã hội chủ nghĩa nay ở lại, toàn là những nơi hiểm yếu như Tây Nguyên chẳng hạn. Nói thật, nay đánh nhau đâu chỉ là chuyện binh bị. Trận chiến thật là Kinh tế, và ghê hơn, ẩn hiện vô thường là trận chiến văn hóa. Mở TV ra, ăm ắp những chương trình Tây Du, Tam Quốc, Thủy Hử, rồi nào Cô gái Đồ Long, nào Nhất Dương Chỉ, Võ Tắc Thiên bí sử, Bao Công, Thi Công kỳ án, Thiếu Lâm truyền kỳ, Đại náo nữ nhi quốc, Mỹ nhân vô lệ, Thập bí kỳ án, Đêm Thượng Hải, Mẹ chồng hắc ám, Tranh quyền đoạt vị, Tể tướng Lưu gù, Hòa đại nhân, Tây Thi, Lữ Bố, Kinh Kha, Thủy Hử, Lưu Bá Ôn, Tần Thủy Hoàng, Khang Hy, Tia chớp Thái Cực… thì rõ. Mới đây, hình như sắp xây đền Khổng ở Thủ đô, dân ta tha hồ đến chiêm vọng. Thế thì dại gì mà tôi bỏ cà sa thiền sư Đạt Hải, mặc áo giáp Án Đô vương làm bằng giấy bản sản xuất ở Quế Châu để bán cho khách du lịch thử cọ Tàu, thư họa tiếng Hán …

Nói một thôi, Sư ngừng rồi chép miệng “Lại khẩu nghiệp”, bỏ mặc Chà ngơ ngác. Sư vào, Chà loạng choạng đi theo, tay nắm vạt áo, lệ đầm đìa:

– Trăm lạy Vương, sang Bờ Kia ta sẽ thiết lập một nền Quân chủ lập hiến, đứng đầu là Vương. Và với mọi thành viên, chúng ta Cùng viết Hiến Pháp, chuyện vừa vui vừa có ích, OK nhé… Nghe đâu có những trí giả cao cấp dạy Đại học bên Mỹ cũng hô hào như thế, hẳn vậy là hiến pháp này có cơ sở duy lý toán học vững vàng, chắc toàn dân cũng sẽ đồng ý thôi!

Sư lẩm bẩm “ Đúng là rỗi hơi!” rồi tĩnh toạ. Coi bộ Đạt Hải thiền sư rất nhất quán, trước sau như một, nhất định không nhận vai Trịnh Bồng thời đổi mới.

*

Khi sáng bảnh mắt, Chà đang xúc miệng thì Sư hỏi:

– Tối qua có đánh chén thịt chó không?

Ngạc nhiên vì chẳng bao giờ Sư lại tò mò chuyện ẩm thực của con nhà nhậu, Từ đáp:

– Thưa Thầy không, con Vện mới bị tóm, ăn thế ghê chết. Nhưng tôi có thử thịt mèo giả dê, ăn cũng được!

– Xin ông thôi móc tiền hòm công đức đi ăn thịt con này con kia nhé. Có hai việc. Việc đầu là cán bộ Ủy ban Phường đến hỏi tiến trình chuyến du lịch Phố Hiến, ông liệu mà trả lời. Việc thứ nhì là Bà Mệnh phụ. Hôm qua bà ấy bảo nếu chẳng biết Bờ Kia là gì, ở đâu, thì bà ấy rút tên không đăng ký nữa và đòi tiền lại. Ông khu xử thế nào phải liên lạc nói cho bà ấy biết, càng sớm càng hay.

Chà quyết định lo việc thứ nhì trước. Bà Mệnh phụ có nhu cầu khá cấp thiết, chùng chình sợ có những diễn biến không được hòa bình. Chà gọi điện thoại hẹn, tắm rửa đàng hoàng, ăn mặc tử tế đến quán cà-phê Nhân khu du lịch cạnh bờ Hồ. Bà Mệnh phụ đã ngồi đợi, nhoẻn miệng cười, tay nắm tay Chà kéo xuống ngồi. Khi bà lại hỏi về Bờ Kia, Chà đưa tay lên miệng suỵt khẽ, và bảo, tí nữa. Trước cái tí nữa ấy, hai người gọi taxi đến một nhà nghỉ nằm khu Nghi Tàm, rất sang, và rất tế nhị, hình như là chỗ quen biết Bà Mệnh phụ. Vào một căn phòng trang trí khá lịch sự, bà áp người vào Chà, người nóng rần rật như lên cơn sốt. Bà quên bẵng chuyện Bờ Kia. Phải thôi, ai lại bỏ hình bắt bóng, yêu nhau đi chiều hôm tới rồi mà. Nín thở tránh mùi nước hoa có pha mồ hôi tiết ra lúc cơ thể oằn oại, Chà dập dình lên xuống trên những đợt sóng nhấp nhô cứ phát ra những câu vô nghĩa lẫn vào là tiếng ứ ứ. Sao lại ứ ứ, nửa trách móc, nửa van nài. Lạ nhỉ. Cứ mỗi lần Chà trượt đà mất kiểm soát, ứ ứ lại chêm vào đừng đừng, khiến tráng sĩ nào nỡ một đi, đành ở lại chiến tuyến, tay thò xuống tự ngăn thằng tiểu yêu quái ác cứ định chớ ra kiểu niềm thương nỗi nhớ của hổ nhớ rừng thời Thơ mới. Nhưng rồi, cái gì mà chẳng có đoạn kết. Chà nằm vật ra, thở dốc, giả như lịm người đi để nghỉ.

Bà Mệnh phụ thông cảm. Đợi lát sau Chà ngồi lên, bà đưa cho Chà một viên thuốc mầu xanh, âu yếm bảo, uống đi, lại “lên” ngay thôi, thuốc xịn đấy. Bà gọi điện thoại xuống tiếp tân, đặt bữa ăn trưa và bảo, tụi mình ăn cơm Tây, rượu Boócđô Pháp, đủ chất hơn cơm ta. Chà cười, giấu cái mếu máo sau tiếng khà khà, rất trượng phu. Khi đó, bà hỏi về Bờ Kia, nơi đến của mọi giấc mơ tung tẩy trong tâm tư và trí tuệ những kẻ ở Bên Này. Chà đành nói, sau khi hít một hơi dài và hắng giọng giữ sự đam mê và tính quyết liệt một dự định đổi đời. Chàng dài dòng về chế độ Quân chủ lập hiến, quốc hiệu, quốc huy, về Án Đô vương họ Trịnh có thể sẽ nhận lời làm Quốc trưởng, về một xã hội có sự đồng thuận và tương trợ giữa người với người, nơi không ai o ép và áp đặt gì lên đồng bào đồng loại. Chà khà lên một tiếng, xã hội này của chúng ta chỉ có pháp luật là tối thượng, và áp dụng cho mọi người, bất kể vua quan hay dân đen, tất cả đều bình đẳng và đều có những quyền con người cơ bản theo đúng Hiến chương Liên hiệp quốc.

Bà Mệnh phụ nghe, hấp tấp hỏi:

– Thế mình xài tiền gì? Nói thiệt, em còn hơn 10 tỉ tiền Việt Nam mình, hổng biết người ta có nhận không? Nếu không thì chắc mua vàng, hay mua đô cho chắc ăn! Lại còn tiền đổ trong chứng khoán, lỗ chổng vó, chắc bán cho lẹ! Giấc mơ của em là mang được hết tài sản qua Bờ Kia…

– Đúng, em đúng – Chà gật gù, nhớ Bà Mệnh phụ đã từng hỏi chuyện tiền – Em sẽ là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chánh nhé!

– Còn anh, anh phải là Thủ tướng. Cô Đồng thì chuyên trách Tuyên huấn Tuyên giáo, chuyện tâm linh phi vật thể …

– Không, việc này phải để Sư chùa Lọ. Tuyên huấn mà vô đạo đức thì có khác chi cái Nhà nước Bên Này. Cô Đồng quen công tác quần chúng, chính xác là phải lo Bộ 4T. Thông tin và Truyền thông mới là đúng người đúng việc cho cô ấy!

Hai người lập chính phủ, cười rúc rích. Và khi hân hoan lại hành cái sự kia thì Chà thình lình khựng lại, lo lắng:

– Anh vẫn chưa tìm ra quốc ca…

– Để chút nữa em giúp… Dzô đi anh!

Sau công đoạn dzô ra thì cũng người ta thường tình, Bà Mệnh phụ vẫn chưa tìm ra công án cho một bản quốc ca thể hiện cái hiện thực tuếch toác của con Rồng cháu Tiên. Nghỉ khoẻ rồi bà lại muốn thêm tí nữa, trong khi đấng nam nhi đã mệt oái phở phờ người. Chà nhớ thời mình ở với các nhà văn miền Nam trong Tổng cục Chiến tranh chính trị chế độ cũ. Khi oải, các nhà văn nổi tiếng này có cái mánh là ngồi lên, đầu hơi cúi xuống, hút thuốc phà khói, và nói những câu kiểu “ta là ai”, từ duyên nghiệp nào, một điều huyễn hoặc hay một thân xác với ý chí quyền lực, điều nào chi phối vô thức, Thượng Đế đã chết, và cao giọng kể những tên tuổi lạ hoắc như Hê-đê-gơ, Sạc-trơ, Ni-ét-chờ… Chà áp dụng, nói một câu vô cùng tối nghĩa rồi bảo:

– Ni-ét-chờ trong Zarathútra nói thế đấy, em có biết là ai không?

Bà Mệnh phụ phá lên cười:

– Biết chớ, danh hài trong chương trình Nụ cười Quốc tế VTV, đúng chưa! Còn quốc ca Bờ Kia, em nghĩ ra rồi. Mình chọn bài Bèo giạt mây trôi, ới ới ơi người ơi…

Và bà tiếp tục véo von, luyến láy. Phải nói đôi lúc ca sĩ của chúng ta có hụt hơi, nhưng bù lại rất thành khẩn, và đầy tinh thần trách nhiệm.

*

Nhìn mặt Anh Giáo lộ chiều thất vọng, Sư nhỏ nhẹ:

– Cái dịch vụ dã ngoại ở Phố Hiến chỉ là một mục trong chương trình du lịch văn hóa của chùa đã đăng ký thôi. Còn chuyện cô Đồng đền Ngọc Trần nói với thí chủ thì phải đợi ông Giám đốc điều hành về mới có thông tin chính xác.

Anh Giáo thở ra:

– Thầy chuyện trò với cô Đồng thì thừa biết. Em bị bắt trong vụ càn, chúng nó thả nhưng về đến Hà Nội thì mạng lưới kiêu binh theo dõi ngặt nghèo. Blog Anh Giáo bị chúng nó chặn, tung virút đánh phá, gặp cha em yêu cầu gia đình phải kiểm soát em, em bị “cấm vận”, lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nói thật với thầy, em đánh chìa khóa két sắt trong nhà, tuần nào cũng móc ruột được một hai triệu. Nhưng em không phải là thằng ăn cắp. Cha em mẹ em mới ăn cắp của nhân dân, em lấy lại, và em trả nợ nhân dân bằng cách viết đơn khiếu nại, loan báo tệ nạn bất công trên blog. Em không hề thấy mình có tội, lương tâm thanh thản, nhưng nay thì em bị truy bức, việc vừa kể với Thầy gần như không làm được nữa…

– Hừm… Mô Phật! Lòng lành thì ngộ chánh niệm vô lượng thọ Phật. Thí chủ cho phép tôi miễn bàn chuyện thời thế!

Anh Giáo giơ tay vuốt tóc, giọng ai oán:

– Bạch Thầy, người bạn đồng sự với Blog lo chụp hình quay phim bị chúng nó chộp được cái máy Iphone, phải trốn tránh, nay chỗ này mai chỗ nọ, an ninh bị đe dọa thường trực. Cho nên vào chỗ cùng đường, đi xa thoát thân là cách tốt nhất… Vì thế, khi nghe cô Đồng đề cập chuyện Bờ Kia, em như tìm được cái phao cứu hộ!

– Mô Phật!

Chán nghe mãi một câu, Anh Giáo định đứng dậy thì nghe tiếng kẹt cổng. Chà bước vào sân, mặt mũi hớn hở. Thấy người lạ, Chà nhìn Sư, ánh mắt dò hỏi. Qua lời giới thiệu, Chà vui vẻ:

– A, tôi cũng từng lướt blog Anh Giáo! Hay đấy, vụ phá đền Ngọc Trần hình ảnh rất… thuyết phục! Tôi phải ra cà-phê Internet mới vào được blog, thú vị nhất là blog Anh Ba Sàm, Blog Tễu, Nhát sĩ Tô Hải, rồi Quê Choa…Tuyệt vời đấy!

Anh Giáo có cảm tình ngay với Chà, chuyện trò một thôi, nói về tình cảnh mình rồi hỏi về Bờ Kia :

– Thế là vượt biên như hồi 80 à?

– Không, bây giờ qua Tàu thì chết dở. Còn đi Thái, Malaixia, Indonexia thì bị trả về. Dạo này có đám đi Úc, nhưng khó lắm, đâu đi từ miền Bắc được… trừ phi lót tay bằng phong bì cỡ hạng siêu nặng!

– Thế Bờ Kia là sao? Ở đâu? Nếu là Lào hay Campuchia thì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, chuyện đâu lại vào đấy!

Giọng bí mật, Chà hạ xuống một tông:

– Ai dại thế… Mình thông báo đằng ấy sau. Kết nạp rồi tuyên thệ đã, trừ phi có phương tiện Kinh tế tốt, hà hà…

Chà rủ Anh Giáo tối ở lại chùa. Cơm xong, Chà say sưa thuyết giảng về nền quân chủ lập hiến mà nhân loại đã kinh qua bên Anh, Bỉ và những nước Bắc Âu với Thượng và Hạ viện đại diện nhân dân, và Chính Phủ hành pháp trong khuôn khổ nhân dân đồng thuận. Nhưng Vua là ai? Anh Giáo hỏi. A, là người dòng họ Trịnh cách đây chưa tới hai trăm năm làm Chúa Bắc Hà, thời vua Lê. Ông là người đạo đức, “phản chiến”, và mang cái tâm Phật mà sách sử chính thống như Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại. Chà tiếp tục, bên Bờ Kia, chúng ta theo đúng sách tam quyền phân lập do ông Mạnh Đức Tư Cưu đề ra. Hành pháp, đã có đủ nhân sự lo Kinh tế, thông tin truyền thông, nông-ngư nghiệp, tuyên huấn tuyên giáo, nay cần người phụ trách giáo dục, đặc biệt đặt trọng tâm trên Khoa học kỹ thuật. Im lặng một phút, Chà nghiêm mặt:

– Nếu đàng ấy nhận lời phụ trách khâu giáo dục này, tớ sẽ cho đàng ấy đi phờri, tức là không phải đóng góp gì… Góp công cũng như góp của mà!

Anh Giáo nghe Chà nói liên tu, có chỗ chẳng hiểu tí gì, nhưng trong thế bí, mụ mẫm là chuyện đương nhiên. Anh nhìn Chà, bảo còn người đồng sự, cũng bị an ninh theo dõi, muốn đi theo thì phải có điều kiện gì? Kể lai lịch Kiều cho Chà nghe, Anh Giáo nói luôn, người đó không đi được thì tôi không đi đâu. Chà ngẫm nghĩ, trầm giọng:

– Chắc để vào Ủy ban Phụ nữ, thời này phụ nữ bình quyền, đối ngoại trên bàn cờ quốc tế phải có. Thì tớ OK luôn, được chưa?

Biết Chà có cái gì đó như hoang tưởng, Anh Giáo tự nhủ, cái nước mình nay mà con người không hoang tưởng như là một liệu pháp chữa trị thì chỉ còn nước phát điên lên trước những hiện thực kinh hoàng.

N.D.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.