Chân Nhân (kỳ 5)

Tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh

NĂM

Năm 1983, sau năm năm bỏ đi Miền Nam, Bút trở về làng Cùng.

Thế nhưng Bút không về một mình, mà có thêm ba người nữa. Một người đàn bà không rõ tuổi, không xấu không đẹp, mặt hơi đần đần. Trông rõ ra một người sống lâu năm trong rừng ít tiếp xúc với xã hội. Một đứa trẻ gái khoảng năm tuổi và một bé trai độ hai tuổi. Không có Chi Mai. Và một đống va li, hòm xiểng lủng củng, chất đầy một cái xe mang biển quân sự chạy thẳng từ đường quốc lộ vào làng.

Bút giới thiệu với ông Thống Nghiên:

“Đây là Ly, vợ con”.

“Đây là cháu Ly Lan, con gái riêng của vợ con. Và đây là con trai con, cháu Văn Vở, đích tôn của ông!”.

Nghe Bút giới thiệu rành mạch rõ ràng vậy, bà mẹ ngã lăn quay ngay ra nền nhà, sùi bọt mép, mắt trợn ngược không nói được câu nào. Còn bốn bà chị gái lấy chồng quanh làng cũng vừa le te chạy về vội ôm lấy mẹ, gào như cha chết. Bút kéo vợ con vào trong buồng rồi ra ngồi đối diện với ông Thống Nghiên trên bộ tràng kỷ cổ kê ngay gian cạnh cửa buồng. Bên gian đối diện bên kia, cách qua gian kê ban thờ, trên chiếc giường gỗ cũ kỹ, bà mẹ đang được các cô con gái xúm vào chăm sóc vẫn cứ vật lên vật xuống, đập tay đùm đụp xuống chiếu, hờ: “Ới con ơi là con ơi, mẹ mang nặng đẻ đau con chín tháng mười ngày công lao vất vả nuôi con lớn bằng sào bằng gậy, mà con báo hiếu mẹ thế này đây hả con ơi…”. Mấy bà chị hùa vào: “Ới em ơi, sao đường quang em không đi lại đâm quàng bụi rậm thế này em ơi ơi…”.

Ông Thống Nghiên điên quá, quát tướng lên: “Có im mồm cả lũ đi không? Tao đã chết đâu mà phải khóc! Để yên cho người ta nói chuyện!”. Đoạn quay sang con trai, ông hỏi:

– Thế này là thế nào?

– Có gì đâu. Hồi con đi tìm trầm ở rừng Tây Nguyên thì gặp anh Tĩnh là bố con Ly Lan. Rồi anh ấy bị ngã xuống vực chết, nên con chăm sóc mẹ con Ly. Rồi đẻ ra thằng cu Văn Vở. Thế rồi đăng ký ủy ban. Nay con mang cả ba mẹ con về quê ở hẳn. Thế thôi.

– Thế sao anh không nhắn về một tiếng cho chúng tôi biết trước?

– Biết thì làm gì! Sự thể đã thế rồi. Ván đã đóng thuyền, sau cũng thế mà trước cũng thế…

– Anh nói hay thật. Nhà này không còn trên dưới gì nữa à?

– Thì do hoàn cảnh thôi…

– Hoàn cảnh cái gì? Bây giờ đất nước thống nhất có phải hồi chiến tranh chia cắt đâu mà anh đi bao nhiêu năm không thèm viết lá thư, đánh cái điện về nhà. Anh là là… là… thằng bất hiếu! Tao không có đứa con như mày nữa. Mày dắt díu đàn lũ cút ra khỏi nhà tao!

Bà Mẹ và bốn bà chị đang bên cạnh hình như chỉ nghe tiếng ông Thống Nghiên gào lên như hiệu lệnh là xông vào buồng, lôi ba mẹ con và đống đồ đạc hòm xiểng tống ra ngoài sân. Bút không sao cản nổi năm người đàn bà đang trong cơn nộ khí xung thiên. Hắn gào lên. Hắn đấm ngực thùm thụp vì bất lực. Một bên là gia đình nhỏ của hắn. Một bên là bố mẹ và các chị gái. Hắn không thể xông vào mà đấm đá những người ấy, họ đang ra sức sỉ vả nhục mạ xua đuổi vợ con hắn. Nhưng đi đâu bây giờ, trời thì đã tối, con còn nhỏ. Cả hai đứa bé đang sợ hãi nép kín vào ngực mẹ. Bút chưa biết tính sao thì từ bên hàng xóm, bà Hạnh Thục nhảy phắt qua cái hàng rào cây cúc tần sang. Bà nhảy vào đứng chắn giữa bà mẹ Bút đang xỉa xói Ly để can ngăn. Rồi bà bảo Bút: “Hẵng cứ mang các cháu về bên nhà tôi tối nay đã. Rồi mai hãy tính. Tối tăm này đi đâu bây giờ!”.

Bút lập tức lôi vợ con rẽ vườn, đạp lối hàng rào về bên nhà bà Hạnh Thục. Rồi quay lại vác hết đồ mang theo. Bà Hạnh Thục nói với vợ chồng ông Thống Nghiên: “Thôi ông bà hãy bớt giận để mai rồi tính. Giờ tối tăm thế này hãy cứ để họ sang bên nhà tôi, cho trẻ con nó ăn uống không đói. Trẻ thơ nó không có tội tình gì”.

Nghe bà Hạnh Thục nói vậy, vợ chồng ông Thống Nghiên đành dìu nhau vào nhà. Ông Thống Nghiên xua mấy cô con gái về nhà chồng rồi đóng cổng tắt đèn đi nằm sớm. Tối om.

Bên nhà bà Hạnh Thục thì đèn đuốc sáng trưng. Bà Hạnh Thục bảo Bút và vợ sắp xếp đồ đạc, tắm rửa cho hai đứa trẻ còn mình đi nấu cơm. Năm ấy bà Hạnh Thục bốn mươi mốt tuổi. Rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Chỉ loáng cái bà đã nấu xong cơm canh tươm tất, có cả gà luộc, trứng rán thơm lừng. Bà bảo hai vợ chồng Bút: “Mọi việc đâu còn đó, cứ từ từ rồi mai tính. Hổ dữ không ăn thịt con. Rồi sẽ ổn thôi. Cơ mà lâu ngày không gặp ta uống với nhau chén rượu tẩy trần đã nhỉ?”.

Bút bây giờ mới có dịp nhìn kỹ bà Hạnh Thục. Gần như không thay đổi gì so với năm năm trước đây, khi hắn rời làng ra đi. Hắn thấy trong lòng bỗng nhiên dâng lên một cảm giác khó tả. Sau năm năm mới gặp lại người đàn bà đã có một thời gắn bó trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng chiều nay, đâm ra chẳng còn kịp mà ngại ngùng hay giữ kẽ. Cả hai dường như đã mặc nhiên chấp nhận hiện tại. Hắn vội quay sang Ly giới thiệu: “Cô Hạnh Thục đây là mẹ của Chi Mai mà anh đã kể với em”. “Vâng cháu chào cô ạ. Cháu đã nghe anh Bút kể về cô và Chi Mai. Nghe nói cô ấy ở Sài Gòn rất an nhàn sung sướng, cô ấy đã về thăm cô lần nào chưa ạ?”.

Bà Hạnh Thục chưa trả lời câu hỏi của Ly. Bà đang bận rót rượu thuốc từ một cái bình thủy tinh ra ba cái chén sứ hoa hồng. Đoạn bà đưa cho mỗi người một chén, nói: “Thôi đừng nhắc đến cái con bé bất hiếu ấy làm gì. Nó ăn sung mặc sướng trong đó nhưng có thèm đoái hoài gì đến tôi đâu. Đến nửa lời nó cũng không thèm hỏi thăm. Hồi đầu năm, ông trẻ Bằng nhà tôi trong đó về dự hội làng, tế tổ, nó cũng có thèm nhắn nhe gì đâu. Tôi coi như không có nó rồi”. “Tôi một thân một mình mấy năm nay – bà Hạnh Thục nói tiếp – nên ngâm bình rượu thuốc, tối đến làm đôi chén ngủ tít cho quên cái sự đời. Hai người thử xem sao, ngủ ngon lắm đấy”.

Thế rồi họ quay sang hỏi thăm mọi chuyện của nhau, như thói quen cố hữu của người làng Cùng. Tọc mạch. Chuyện sao Bút lại lấy Ly. Chuyện bố con Ly Lan…

Có chén rượu vào, không khí dần trở lên cởi mở và bớt ngượng ngập. Mà thực ra nhiều sự việc dồn dập diễn ra từ chiều đến giờ khiến Bút chả kịp thở còn nói gì đến ngượng ngập. Hắn uống rượu, chén thịt gà. Hắn gắp cho con cho vợ và chạm cốc với bà Hạnh Thục. Hắn bảo: “Cô ạ, cháu cũng quên hẳn Chi Mai rồi. Cháu đã vào Sài Gòn, tới Quận 5 chầu chực bao ngày trước nhà ông trẻ Bằng mà Chi Mai cũng không thèm nhìn đến cháu nửa mắt, nói nửa lời. Cháu không gặp Ly đây thì có khi thành ma đói trên đường rồi. Cháu quên mọi sự ngày xưa rồi. Giờ cháu chỉ có Ly và hai con!”.

Khi Bút nói xong câu đó, bà Hạnh Thục ngồi đối diện bên mâm cơm, đưa mắt nhìn thẳng vào mặt Bút. Ánh mắt như chói gắt lên rất nhanh rồi trở lại bình thường cũng rất nhanh. Và dường như có cái gì như là một nụ cười đầy ẩn ức mơ hồ thoáng qua trên môi bà. Nhưng Bút lúc đó đang ngửa đầu dốc nốt chỗ rượu vào miệng, đặt chén xuống mâm, khà một tiếng khoan khoái, hoàn toàn không nhìn thấy những gì biến đổi thoáng qua trên khuôn mặt người đàn bà đối diện.

Nhà bà Hạnh Thục vẫn như xưa, ba gian nhà gỗ, không có buồng. Vợ Bút và hai đứa trẻ ngủ một chiếc giường bên gian tay trái. Bà Hạnh Thục ngủ trên chiếc giường gian tay phải. Bút trải chiếu, mắc màn nằm gian giữa, ngay dưới chiếc ban thờ nhỏ trên có ảnh ông Thục và bát hương cùng một tấm bằng “Tổ Quốc Ghi Công” treo trên cao. Dịp ấy là tháng sáu âm lịch, tháng cuối hè rất oi bức.

Làng vẫn chưa có điện. Ba mẹ con Ly qua mấy ngày trên đường thiên lý. Lại vừa phải trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, hồi hộp lo âu, sợ hãi tuyệt vọng, mệt nhọc. Sau khi được ăn no tắm mát đã lăn ngay ra ngủ say sưa. Bút nằm dưới đất. Bữa tối uống vài chén rượu nhưng chưa tới tầm nên không ngủ được. Ai là những người biết uống rượu thì hiểu rõ cái trạng thái này. Một khi uống đủ đô, tới tầm, người uống sẽ thấy rất dễ chịu, mọi mệt nhọc thân xác và bức bối trong tâm hồn sẽ tạm thời tan biến hết. Con người ta chìm nhanh vào trong một giấc ngủ sâu. Nhưng Bút tối đó chưa đủ đô bởi năm năm quăng quật trên đường gió bụi đủ biến một thằng con trai uống nửa chén rượu đã đỏ mặt trở thành một tay đàn ông tửu lượng kha khá. Một chai sáu trăm năm mươi có thể làm gọn. Nhưng bà Hạnh Thục chỉ rót cho mỗi người ba tuần. Không bõ bèn gì. Không đủ để đưa Bút vào trong giấc ngủ. Không ngủ được nằm nhớ lại cảnh buổi chiều, sau năm năm xa cách trở về nhà, những tưởng sẽ là mừng vui tủi hờn đoàn tụ. Nào ngờ lại là những dằn hắt sỉ vả, bất chấp cả đứa trẻ thơ bấy… Bút đâm khó chịu. Nóng nực. Oi nồng. Không khí như đặc lại tức thở. Hắn nhẹ nhàng mở cửa đi ra ngoài sân. Hắn ra giếng tắm. Ngôi nhà, sân vườn vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Nơi đây hắn đã có hàng trăm hàng ngàn đêm mò mẫm nên mọi ký ức hầu như sống trở lại, còn nguyên. Nhẹ nhàng đi ra cái giếng khơi chỗ đầu bếp. Hắn tuột hết quần áo kéo nước dội xối xả từ đầu xuống chân. Đêm mùa hạ không trăng. Chỉ có những vì sao dày đặc nhấp nháy mãi tít xa xăm nhưng cũng đủ đưa xuống trần gian một thứ ánh sáng mờ ảo mơ hồ. Nước giếng mát lạnh làm hắn thấy khoan khoái dễ chịu.

Bút đang ra sức hưởng thụ cái mát lành của dòng nước từ cái giếng quen thuộc thì bỗng thấy mình bị xiết chặt, từ phía sau, bởi một thân hình vừa lạ vừa quen. Một thân hình đàn bà nóng bỏng rạo rực. Hắn hiểu ngay đó là ai. Hơi hoảng vì sợ vợ nhỡ thức giấc, hắn âm thầm cố gỡ tay người đó ra. Nhưng người đàn bà bốn mươi mốt tuổi đang thì khao khát riết chặt quá. Rồi như một phản xạ quen thuộc của cơ thể đàn ông khi tiếp nhận những tín hiệu nồng nàn từ phía đàn bà, phần giới tính của hắn tức thì vươn lên vùn vụt. Và khi đôi tay của người đàn bà lỏng ra để lùa xuống háng, Bút cũng chả buồn tìm cách thoát ra nữa. Hắn xoay người lại. Cặp tình nhân năm năm chưa gặp lại lập tức gắn chặt vào nhau. Những tiếng rên rỉ ư ử trong cổ họng của cả hai do cố kiềm chế, không thoát ra được thành ra như bị dồn hết năng lượng xuống thân dưới. Trong đêm đen âm thầm, bên bờ giếng, như năm xưa họ lại bùng nổ cùng nhau liên hồi và mãnh liệt.

Đúng như bà Hạnh Thục nói, hổ dữ không ăn thịt con.

Vợ chồng ông Thống Nghiên sau một đêm thức trắng, bảo nhau, đất không chịu trời thì trời chịu đất. Vả lại bây giờ chúng nó có con trai với nhau rồi, máu mủ nhà mình rồi, không thể không nhận. Ở cái Làng Cùng này cũng như mọi làng khác trong vùng, người ta rất coi trọng thằng con trai, ấy là cái sự nối dõi tông đường. Nhà giàu cũng như nhà nghèo, thứ dân cùng đinh quanh năm áo rách cho đến quan lại áo gấm võng điều. Ai cũng đòi phải có con trai. Đến nỗi nhiều bà vợ chẳng may không đẻ được thằng con trai, đã phải nghiến răng lại đội trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Tông đường là một cái gì đó rất linh thiêng, bí hiểm mà ai ai cũng phải thờ cúng nối dõi. Sống đói rét ra sao mặc lòng vẫn cứ phải có thằng con trai để nối dõi cái tông đường mờ mịt kia thì khi chết mới an lòng. Hình như họ đều nghĩ rằng nếu không đẻ được thằng con trai thì thế giới này sẽ sụp đổ. Mọi giá trị của cuộc đời rốt cuộc chỉ loanh quanh ở cái ngảu thằng cò. Thế mà nay, Bút, sau năm năm đi biệt tăm tích, về nhà lại có thằng con trai! Mặc dù vợ có hơi xấu, lại thêm đứa con riêng to tướng, nhưng dù sao nó cũng đã có thằng cu nối dõi tông đường! Nghĩ thế nên vợ chồng ông Thống Nghiên bảo nhau đổi giận làm lành, đạp rào sang nhà bà Hạnh Thục nói chuyện và xin đón cả nhà Bút về.

Bà Hạnh Thục qua một đêm mà bỗng dưng đẹp rực lên. Tươi tắn và chín mọng. Bà cười nói rổn ràng với ông Thống Nghiên:

“Vợ chồng nhà ông nên vui chứ giận dỗi cái nỗi gì, tự dưng được luôn thằng cháu đích tôn. Đón về là phải rồi, không có tôi nhận đấy!”.

Quay sang vợ chồng Bút, bà bảo:

“Thôi vợ chồng cậu xin lỗi ông bà một tiếng rồi về bên ấy làm lễ gia tiên cho phải đạo. Mà cho tôi nhận bé Ly Lan làm con nuôi nhé, con bé yêu quá cơ?”.

Thế là vợ chồng Bút lại về bên nhà. Ông Thống Nghiên cho làm mươi mâm cỗ, mời họ hàng thân cận đến uống rượu và trình bày mọi sự. Thì lệ Làng Cùng xưa nay vẫn thế. Nếu do hoàn cảnh xa xôi hoặc vì lý do gì đó mà không tổ chức cưới xin đàng hoàng được, thì sau vẫn phải có chén rượu nhạt trình các cụ trong họ để mọi người nhận con nhận cháu và thể tất cho cái sự đã rồi. Nhưng nhân việc phải làm bữa cỗ hôm ấy, bà Hạnh Thục bảo Bút lấy dao rựa chặt phăng một đoạn hàng rào cây cúc tần mà tối hôm trước bà đạp đổ sang can gián ông Thống Nghiên, cho dễ đi lại để còn bê vài mâm cỗ sang ngồi bớt bên đó cho mát. Bút vừa vung dao chặt sát tận gốc bụi cây, vừa liếc bà Hạnh Thục đang xăng xái làm cỗ, bưng bê, nghĩ, từ giờ chả phải đu cành ổi như trước kia nữa, tối nay phải mò sang chén ngay tại giường mới đã. Chắc lâu không được cái nào, người cứ như nồi lẩu sôi sùng sục nước trào tung tóe. Cú làm tình chớp nhoáng ngay bên bờ giếng đêm qua đã đánh thức mọi cảm giác trước đây của Bút với thân thể người đàn bà quen thuộc. Nhưng Bút giờ đây không còn là cậu trai mới lớn nữa, hắn đã là một tay đàn ông dày dạn trưởng thành. Hắn đã biết hưởng thụ thú vui tình dục chứ không phải chỉ đơn giản là xả cái ấm ách thường trực trong thân thể đàn ông mạnh mẽ của mình ra. Nhân lúc không có ai để ý, Bút lại gần bà Hạnh Thục nói nhỏ: “Tối để cửa nhà đừng khóa nhé. Đêm tôi sang”.

Từ đó trở đi, cuộc sống của vợ chồng Bút khá yên ổn.

Hồi ấy đang là thời kỳ suy thoái của phong trào hợp tác xã. Những bất cập của cái lối làm ăn tập thể cha chung không ai khóc bộc lộ hết ra. Ngô khoai lúa má xác xơ vàng vọt ngoài cánh đồng mà chả ai buồn chăm. Bởi ai cũng nghĩ chăm cho tốt, năng suất cao thì mình cũng chả được gì, đói vẫn hoàn đói. Dân Làng Cùng đói quay đói quắt. Người người dắt díu nhau đạp xe lên mạn trung du, người nào không có xe đạp thì đi bộ ra ga tàu ngược, đi mua sắn về ăn cho đỡ đói. Trong làng đã có nhà đứt bữa. Thế nhưng gia đình nhà Bút vẫn rất xông xênh, ngày ba lần đỏ lửa cơm trắng cá kho. Mấy bà chị gái lấy chồng quanh đó hết gạo còn được cậu em thỉnh thoảng mua cho vài chục cân. Mà vợ chồng hắn từ hôm về làng đến nay cũng đã khá lâu nhưng chẳng tính toán làm ăn gì hết nhưng vẫn thấy rất là ung dung thư thái. Vợ trông con, phụ giúp cơm nước dọn dẹp với mẹ chồng. Ly, vợ Bút là một người đàn bà có đầu óc đơn giản. Ly sinh trưởng ở vùng núi Tây Nguyên nên tuy là người Kinh nhưng trông khá giống phụ nữ đồng bào Ê đê, Mơ nông, Gia rai…Nghĩa là hơi đen, hơi to, hơi thô. Được cái mặt nhìn có vẻ chất phác thật thà. Có thể gọi là đần. Có lẽ do hồi ấy nhà nước chưa có chính sách trợ giá muối iode cho nhân dân vùng cao. Cơ mà Ly ngoan, rất ngoan, một lòng tuân theo ý chồng. Chồng trước cũng vậy mà chồng nay là Bút cũng thế, cứ chồng bảo làm gì thì Ly làm đó, không thắc mắc mè nheo đòi hỏi. Ở nhà chồng, Bút dặn trông con, nấu ăn, xong xuôi mọi việc, tối đến ôm con nằm đợi chồng vào làm một cái. Xong. Thế là Ly thỏa mãn ngủ say đến sáng, mặc kệ cái sự đời. Còn Bút từ hôm về, đi chơi loanh quanh trong làng, gặp gỡ bạn bè cũ, thỉnh thoảng đi chơi xa vài hôm. Hắn nói là đang nghiên cứu cách làm ăn chứ cứ đi làm hợp tác xã như mọi người thì bí bách lắm, không chịu nổi.

Hôm mới về làng, Bút ra ủy ban báo cáo đăng ký hộ khẩu, xin nhập học cho con. Tay chủ tịch nói: “Anh đi biệt tích bao năm, nghĩa vụ công dân không làm, nay xin xỏ cái gì?”.

Bút yên lặng, rút bao thuốc lá Samit đầu lọc ra bóc mời chủ tịch, mồi lửa. Rồi tự mình châm một điếu. Để cả bao thuốc trên bàn, khẽ khàng đẩy về phía chủ tịch. Thấy chủ tịch xã mắt sáng lên, rít một hơi thuốc thơm vô cùng sảng khoái, Bút cười thầm trong bụng. Thì ngày ấy cả làng chỉ hút thuốc lá cuốn tay mang về từ Lạng Sơn, khét mù. Bút hạ giọng nhỏ nhẹ:

“Em đi lang bạt kiếm ăn, nay mang vợ con về quê hương, có gì ông cứ dạy bảo, em xin đóng góp đầy đủ”.

“Năm năm liền anh không làm nghĩa vụ công dân, tính ra phải nợ xã đến tạ rưỡi thóc chứ không ít…”.

“Vâng, em biết rồi ạ”, Bút nhanh nhảu tiếp lời chủ tịch xã, “Thôi em có chỗ này, đáng độ ba tạ thóc, nhờ bác mua nộp cho xã rồi làm giấy tờ cho vợ con em thành công dân xã ta vậy”. Vừa nói, hắn vừa móc một xấp tiền ra nhanh nhẹn nhoài người đút nhanh vào túi ngực áo chủ tịch.

Ba tạ thóc là cả một món to lúc đó, đang thời đói kém, cái gì cũng quy ra thóc hết.

Từ hôm đó trở đi, Bút và chủ tịch xã thành chỗ thân tình. Thỉnh thoảng Bút rủ chủ tịch lên thị trấn vào quán cầy tơ đánh nhắm, rất vui vẻ thân thiết. Rồi từ mối quan hệ với chủ tịch, Bút trở nên quen thân với cả đám cán bộ xã, thôn. Đã có ý kiến là thấy Bút nhanh nhẹn, cũng đã học hết phổ thông, hay là bố trí cho hắn một chân công tác. Nhưng Bút từ chối ngay. Hắn nói mình không có số làm quan. Hắn nói trong bước giang hồ mấy năm qua, đã được một ông thày dạy cho một số phép tử vi bói toán, hắn tự biết mình là gì. Rồi nhân một buổi tán gẫu trà lá thuốc thơm ngay tại trụ sở ủy ban do hắn khởi xướng, Bút đã vui miệng đoán tướng số, tiền vận hậu vận cho nhiều người. Nhiều tay công nhận là hắn nói chính xác. Tiện thể hắn khoe hồi kiếm ăn trong Nam, đã nghiên cứu hai bộ sách tướng số nổi tiếng là “Lục Nhâm Đại Thành” và “Nhân Tướng Học”. Những quyển sách ấy hồi đó chưa phổ biến ở Miền Bắc, chỉ còn ở tủ sách gia đình các nhà trong Nam nên dân ngoài này hầu như không biết gì. Mà hơn nữa, hắn lại xuất thân từ con một gia đình thày cúng nổi tiếng trong vùng nên nhiều người bắt đầu âm thầm nể hắn.

Mà dân Làng Cùng nể hắn là phải.

Hôm hắn bê cái tivi Neptun cùng bộ ắc quy về nhà thì đúng là một sự kiện vang lừng. Đây là cái ti vi đầu tiên của làng. Tối đến hắn kê ra cửa nhà cho bà con cả làng đến xem. Bắt đầu từ chương trình bông hoa nhỏ, thời sự rồi đến phim truyện là kết thúc. Người đến xem đông lắm, đứng tràn sang cả bên sân vườn nhà bà Hạnh Thục. Sau này trong làng có vài tay nữa cũng mua tivi thì nhà hắn mới đỡ người đến xem nhờ. Chả là dân làng hắn vốn đa số cầm tinh con gà quanh quẩn cối xay nên có cái tính tức nhau tiếng gáy. Nhiều tay xưa nay vốn hoành tráng, thấy thằng Bút trẻ ranh dám mua cái ti vi về chơi thì cũng lấy làm cay mũi, cũng phải mua. Nhất là bét, mai hết gạo nấu cháo cho con cũng phải bán đàn lợn, dốc bồ thóc đi chơi cái Neptun đã.

Nhưng đến khi Bút tậu cái xe máy Honda Super Cup Deluxe Nhật Bản, màu xanh rêu của tay trưởng trạm ngoại thương tỉnh thì cả làng, cả vùng chịu hẳn. Á khẩu luôn. Không hiểu hắn lấy đâu ra nhiều tiền vậy. Cái xe máy khi ấy được mệnh danh là biệt thự di động, giá trị bằng cả một gia tài. Đến nỗi hôm đầu tiên nhìn thấy hắn phóng xe về nhà vào buổi tối, đèn rọi sáng quắc, lại còn thêm mấy cái đèn hiệu trên đầu xe cứ xanh đỏ lập lòe, bố hắn phát hoảng. Ông Thống Nghiên thở không ra hơi, túm hắn lôi vào trong buồng thì thào: “Mày làm cái gì mà ra nhiều tiền thế? Không khéo công an họ đến khám nhà đấy!”. Bút cười khành khạch bảo: “Bố cứ yên tâm đi, tiền con kiếm được chân chính, không trộm cắp gì mà bố lo. Để mai con chở bố đi bệnh viện khám xét xem thế nào chứ dạo này bố gầy sút mà lại ho mãi không khỏi”. “Tao vẫn lo lắm. Nhiều tiền ở cái thời buổi này không phải là điều hay ho gì”.

Cả Làng Cùng đều nói, số ông Thống Nghiên thế mà son. Cuối đời lại được thằng con trai sẵn tiền phục vụ chu đáo. Hôm sau Bút chở ông bố mình trên cái xe máy Nhật Bản lên bệnh viện khám. Cả làng nhìn theo ngưỡng vọng cứ như cái xe bãi do cánh thủy thủ tàu Vosco đem về bán cho tay trưởng Hải Quan, rồi tay Hải Quan lại bán cho Bút kiếm lời là kiệu rồng vua ban chứ không phải là cái xe máy nữa. Đến bệnh viện khám xét một hồi, họ kết luận ông cụ đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bảo Bút chở bố về nhà, xem cụ thích ăn gì thì cho ăn, thích chơi gì thì chiều… Đúng ba tháng sau, ông Thống Nghiên qua đời. Và cũng chỉ một tháng sau đó, bà Thống trong một buổi đi gặt, đang nắng to bị cơn mưa giông bất ngờ ập xuống nên cảm chết. Thế là Bút thành mồ côi, ấy là năm 1986, vừa hăm nhăm tuổi.

Bút thành chủ gia đình. Làm chủ luôn cả cái điện thờ của cha để lại.

Hôm mẹ chết khi cha chưa được bốn mươi chín ngày, họ hàng làng xóm nói thế là trùng tang cần phải mời thày cúng về làm lễ, yểm bùa.

Bút bảo: “Nhà tôi thày cúng gia truyền bao đời, còn cần phải mời ai nữa!”.

Nói là làm, tức thì Bút mặc áo lễ, đội khăn xếp, mõ bên phải, chuông bên trái, trước mặt là quyển sách cúng gia truyền ngồi bằng tròn trên sập trước ban thờ, lên hương làm lễ. Cơ mà Bút chưa từng đọc nổi một chữ nào trong cái quyển sách bìa da đen xỉn kia. Thế mới là cái sự gay go. Ông Thống Nghiên thì còn được cụ Đồ Sách dạy cho ít nhiều, chứ Bút thì tiệt, một nửa chữ hắn không biết.

Nhưng vốn là người lanh lợi biến báo, hắn vừa sắp xếp mọi sự, sai người mua sắm các thứ cần thiết, vừa âm thầm tính toán. Bút sai người lên làng Đông Hồ mua cả đống vàng mã và rất nhiều các tờ giấy dó màu vàng đã in sẵn hình bát quái. Hắn đem vào trong buồng, lấy bút lông của ông Thống Nghiên ra, chấm vào lọ mực Hồng Hà đen có sẵn vẽ đại vài cái chữ loằng ngoằng. May là hắn vốn có hoa tay nên vẽ ra những cái hình khá bí hiểm nhưng nom cũng bay bướm ra phết. Rồi hắn sai người đem dán tứ tung quanh nhà, cổng ngõ, thậm chí là cả những cây cổ thụ trong vườn. Vừa vẽ hắn vừa nhẩm nhớ hình dung lại cách làm thầy cúng. Thì từ dịp về làng, thỉnh thoảng có dịp con nhang đệ tử đến lễ tại điện nhà, hắn cũng để ý xem cái cung cách hành lễ của cha mình. Hắn thấy hay hay. Đang định một lúc nào đó hỏi cha kỹ thêm và học ông cụ mấy cái bài cúng cơ bản, thế nhưng chưa kịp làm thì ông Thống Nghiên đã bạo bệnh rồi mất. Bút đúng là cảm thấy mình mồ côi thật. Lòng hơi hoang mang, nhưng nghĩ đây cũng là dịp mình thể hiện, nên hắn lấy vẻ mặt nghiêm trọng, e hèm, với tay gõ vào cái mõ “cốc cốc cốc…”, rồi quay sang rung chuông “reng reng reng…” Một tay lần tràng hạt, một tay giở sách, và cất giọng: “Đà ni ha ra ta bà ba la mật bát mê hồng nam mô a di đà phật đà ni ha ra a a a a…”. Giọng cũng lè nhè trong cổ họng, díu vào nhau không thoát hơi làm cho người ngoài không ai hiểu cầu khấn cái gì. Trong hương khói bảng lảng, trong tiếng mõ tiếng chuông và vẻ mặt nghiêm trọng xuýt xoa, giọng đọc ê a, ngân nga cố tình của Bút, bà con họ hàng dân làng đến dự lễ thấy hình như có sự gì linh thiêng thật. Họ lại nhìn thấy như là bóng cụ đồ Sách, bóng ông thống Nghiên vẫn đang ngồi kia… Và Bút trở thành thày: Thày Bút.

Kể từ hôm đó thày Bút chính thức kế nghiệp ông cha. Nghiệp thày cúng.

T.T.C.

Comments are closed.