Cái Phan Khôi bị người ta chê, ông cũng chẳng thích thì tôi lại thích

Phan Nam Sinh

Đã có lần Phan Khôi dịch truyện ngắn Một ông vua nước cộng hòa của Maxim Gorki qua bản tiếng Pháp, sau in trong Tuyển tập thơ, truyện Maxim Gorki, Nhà Xuất bản Văn nghệ, Hà Nội, năm 1956.

Tới chữ pomme de terre xưa nay vẫn được các dịch giả quen dịch là khoai tây thì Phan Khôi dịch là khoai nhạc ngựa.

Thấy thế, một người ký tên tắt là X viết bài Đại lẩm cẩm đăng trên tuần báo Cứu quốc, số 2772, ra ngày 5 tháng 8 năm 1956, mục Mấy nét sổ tay, chê Phan Khôi là đại lẩm cẩm.

Mà nào chỉ có chê Phan Khôi là đại lẩm cẩm, người ấy còn dè bỉu: Cứ cái đà này thì rồi có ngày dịch giả Phan Khôi của chúng ta sẽ dịch hành tây, nhà ga, xà phòng, v.v. thành ra nghĩa chữ Hán tuốt. Chẳng hạn xà phòng thì sẽ dịch là cục đen béo hay cục nhờn nhờn vì tiếng Trung Quốc, xà phòng chả gọi là phì táo mà! (Ông X quả lẩm cẩm: Tàu viết 肥 皂 hay 肥 皁 thì phải đọc là "phì tạo" mà không thể đọc là "phì táo").

Đúng hai tuần sau, cũng trên mục Mấy nét sổ tay của tuần báo Cứu quốc, số 2774, ra ngày 19 tháng 8 năm 1956, Phan Khôi có bài Đồng ý! Đồng ý! đáp trả người có tên viết tắt là X trên báo Cứu quốc.

Với Đồng ý! Đồng ý! Phan Khôi thừa nhận mình là đại lẩm cẩm. Sau đó, ông cũng không quên nói rõ lý do tại sao mình lại đại lẩm cẩm như thế.

Theo đó, sở dĩ Phan Khôi không dám dịch pomme de terrekhoai tây mà dịch là khoai nhạc ngựa bởi lẽ ông bị người phụ trách ngành chữa những chữ tây chữ tàu nhiều lần lắm rồi nên sợ dịch là khoai tây thì bị họ chữa nữa. Bởi, theo những người này, bây giờ bánh tây nói bánh mì, dầu tây nói dầu hỏa, thuốc tây nói tân dược, chè tàu nói chè Trung Quốc, mực tàu nói mực Trung Quốc, xã hội đã quen dùng như thế, thì người viết văn phải viết theo như thế.

Để phản đối những người có chủ trương như trên, Phan Khôi đã từng viết bài bác cái thuyết vô nghĩa lý đó, nhưng báo nào cũng từ chối, không báo nào chịu đăng. Vậy nên ông mượn cái sự dịch như đã nói ở trên để biểu lộ cái ý bực mình và mai mỉa của ông.

Vậy là người ta chê Phan Khôi và chẳng biết có thực lòng không, đâu như Phan Khôi cũng không hài lòng với chính mình khi dịch pomme de terrekhoai nhạc ngựa!

Ấy vậy mà từ lần đầu tiên đọc bản dịch ấy trong cuốn Tuyển tập thơ, truyện Maxim Gorki của Nhà Xuất bản Văn nghệ cho mãi tới ngày nay, sau gần 70 năm, tôi vẫn thấy vô cùng thích thú.

Vẫn biết khoai nhạc ngựa là do Phan Khôi dịch từ mấy chữ mã linh thự (马 玲 署) của Tàu mà ra, nhưng khi gọi là khoai nhạc ngựa thì đâu còn có quan hệ đến mấy chữ mã linh thự, mà cũng chả còn đâu là hơi hám của Tàu, lại rất hình tượng nữa. Nói rất hình tượng là bởi loại khoai này có hình thù chẳng khác gì chiếc lục lạc mà người xà ích đeo trên cổ ngựa, chỉ có điều hơi lớn hơn, nhằm phát ra tiếng kêu như tiếng nhạc để cảnh báo người đi lại trên đường.

Tôi thích cả khi ông dịch dindegà bừu theo hình thù của giống gà này mà không dịch là gà mái tây. Ông cũng không chịu nghe theo người Tàu gọi dindehỏa kê (火 鸡) để rồi dịch là gà lửa!

Thêm một cách nói cho người Việt theo chủ trương trực dịch của Lỗ Tấn mà ông cho là cách dịch lý tưởng nhất để một đời ông theo đuổi thì theo tôi, chẳng có lý do gì để mà chê, để mà phản đối cả!

24-6-2022

Comments are closed.