CỬA ĐỊA NGỤC

Truyện

Nguyễn Viện

(tiếp theo và hết)

11.

Mặc dù mùa mưa đã đến, nhưng những gốc mì mất tinh khí dần dần héo úa. Những củ mì trong lòng đất cũng teo tóp lại cho đến khi chỉ còn là một búi rễ xơ xác. Đám đông giải tán và quên dần câu chuyện tầm phào hão huyền của người đàn bà kỳ quái bên kia sông.

Nhìn người đàn ông trầm mặc cuối cùng ra đi, con ma già bần thần hỏi:

Ngươi từ đâu đến?

Từ một hạt bụi.

Ngươi man khai ước lệ.

Thế ông cho rằng tôi từ đâu đến?

Kẻ đã sai ngươi.

12.

Người được chọn. Trong thế giới của người, gã bước đi bằng một cặp nạng. Người ta bảo rằng gã có năm chân. Trong hai cái chân ngắn, có cái chỉ độ hơn một tấc. Ấy là lúc máu huyết sung mãn. Gã vẫn cho rằng cái chân ngắn mới thực sự quan trọng. Bởi đó là cái chân có thể đưa gã đi xa nhất.

Ngươi đã đi những đâu?

Ông bảo thế giới xa hay gần?

Ngươi đã đi đến tận cùng chăng?

Vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh chín năm, gã lại phải lao ngay vào cuộc chiến dằng dai thêm mười chín năm nữa. Viên đại bác cuối cùng trong cuộc chiến tranh ấy bắn vào thành phố đã chặt đứt chân phải của gã. Gã không thể không chửi thề. Và từ cái ngày mắc toi mắc nợ ấy, gã luôn luôn chửi thề. Gã địt mẹ mọi người và địt mẹ cả hòa bình. Gã nói sự sợ hãi là bi kịch lớn nhất của con người.

Lê la khắp nơi, gã bảo đại hùng, đại dũng, đại từ bi của đức Phật là nói sự thật và làm chứng cho sự thật. Hãy đòi hỏi sự thật như một công lý. Nhưng sự thật bị che giấu và sự thật là hiểm họa. Gã địt mẹ sự giả dối công nhiên và tất yếu của cuộc sống như một thứ chân lý. Gã địt mẹ cái hiểm họa của toàn bộ đạo đức của những mưu cầu tiến thân. Gã địt mẹ sự vong thân do nỗi sợ hãi.

Người ta bảo gã là một thiền sư bụi đời. Gã có ăn chay bao giờ đâu. Gã cũng đâu kiêng cử gì tửu sắc. Nhưng một vài vị lẩm cẩm vẫn cho rằng, gã thức ngộ. Bọn trẻ con lêu lổng cơ nhỡ trong những căn nhà tình thương thích gọi gã là bố già. Gã nói: Cấm hèn. Không hèn thì đánh lộn, bố có đánh lộn được không? Thế chúng mày bảo đánh lộn là anh hùng à? Thưa bố, có thằng cha anh hùng nào mà không đánh lộn không? Ừ đúng, nhưng tao bảo có một thứ anh hùng mà không cần đánh lộn. Thôi bố uống rượu đi. Thời của bố đã qua rồi.

Mỗi ngày tụi nhỏ đi đánh giày, bán báo về đều mua cho gã một xị rượu trắng. Gã uống và chửi thề. Gã nói về quá khứ về những anh hùng đã hèn như thế nào. Cái anh hùng thì không cần phải học, nhưng cái hèn là những kinh nghiệm quí giá cho sự tồn tại và thăng tiến. Gã bảo lịch sử loài người đầy rẫy những cuộc cách mạng, nhưng chưa có cuộc cách mạng nào chống lại sự sợ hãi. Sự bất ổn thường xuyên của con người không phải ở những bất công mà ở sự sợ hãi. Cuộc cách mạng căn bản và rốt ráo nhất cho mọi cuộc cách mạng vẫn ẩn sâu dưới dòng chảy suy vong. Bởi thế, gã bảo, tao địt mẹ sự suy tôn con người.

Người ta qui kết cho gã tội sách động chống phá chính quyền và bỏ tù gã.

13.

Người đàn bà gác từng cây gỗ xuyên qua hai bức vách làm thành cái giá. Bà đốt một nén hương thành kính cắm dưới đất, rồi khệ nệ chất lên đấy bốn cái bao bằng sợi ni lông đựng hài cốt người. Bà nói, hãy ở tạm đấy chờ tôi tìm thân nhân rồi về quê quán. Con ma già bảo:

Việc này cần đến ngươi.

Tôi sẵn sàng.

Hãy báo mộng cho gia đình họ nhưng đừng làm họ sợ hãi.

Tôi hiểu.

Con ma què nhìn người đàn bà giây lát rồi đi.

Điềm báo thứ nhất: Người đàn ông bị rượt đuổi bởi những tiếng hò hét. Tiến lên đi. Xung phong đi. Hắn tiến lên tay lăm lăm khẩu súng, băng qua những đám cỏ tranh cao lút đầu người, hắn tiến lên mãi, tiếng hò hét vẫn rượt đuổi sau lưng. Cho đến khi cả thế giới im bặt, hắn vẫn xăm xăm đi tới. Trước mặt hắn là một vách núi dựng đứng. Sau lưng hắn không một ai. Xung quanh hắn toàn cỏ tranh. Bỗng dưới chân hắn đất sụp xuống. Khi kịp nhận biết thì chân hắn đã đạp vào một bàn chông có móc. Đau muốn ngất, hắn kêu la cầu cứu. Nhưng cả thế giới đã im lặng. Bình tĩnh lại, hắn chĩa đầu súng xuống bàn chân, lẩy cò. Thoát khỏi cái bàn chông, hắn cố lết lên khỏi miệng hầm thì ngất xỉu. Máu từ chân hắn chảy ra mãi làm thành cơn lũ. Cơn lũ vẽ một đường đi chín trăm dặm qua những thành phố, làng mạc.

Giữa đêm, người đàn bà tỉnh dậy và không thể nào quên được con đường vẽ bằng máu.

Điềm báo thứ hai: Cơn mưa sầm sập trong rừng. Cơn mưa làm ngập hầm trú ẩn. Hắn chui ra ngoài. Con rắn buồn trên cành cây thả mình xuống mổ vào gáy hắn. Đùa một chút. Hắn mê đi và quên tất cả. Hắn không biết tại sao hắn chết. Con rắn treo mình thành cái chấm hỏi, rồi tiếp tục trò chơi bằng các ký tự.

Những ký tự nằm trong trí nhớ của người em trai. Uống café sáng, người em trai bị ám ảnh bởi các ký tự , cậu tẩn mẩn ghép các ký tự lại với nhau và đọc được như sau : ngày 17 tháng 5 anh đã chết dưới gốc cây bằng lăng gần bến đò giao liên số 8 trên sông Vàm Cỏ.

Điềm báo thứ ba: Lúc mười một giờ đêm, cả nhà ông trưởng thôn gồm tám người vừa lên giường nằm thì nghe tiếng đập cửa, liền sau đó là tiếng nói oang oang quen thuộc của ông cụ nội vừa mới qua đời: Này, thằng cả nó mất ở chiến trường Tây Nam, đến nhà bà Sáu Khùng mà xin hài cốt nó về. Khi họ mở cửa ra, không thấy một ai ngoài con chó vẫn còn vẫy đuôi dưới bậc thềm và lục khục mấy tiếng quyến luyến trong cổ họng.

Đêm ấy, cả dòng họ nhà ông trưởng thôn sống rải rác khắp nơi đều được nghe lời báo tin tương tự.

Điềm báo thứ tư: Buổi chiều lặng gió. Cô gái ngồi đọc thư dưới gốc cây. Một chiếc máy bay lướt ngang bầu trời quẳng nốt quả bom thừa xuống đất. Quả bom rơi đúng chỗ cô gái. Một tiếng nổ. Người cô bốc cháy. Cả cái cây dầu to lớn cũng bốc cháy. Ngọn lửa lan rộng. Từng làng mạc bốc cháy. Khi lan đến ngôi nhà của lão xếp ga cách đấy bảy trăm cây số, ngọn lửa biến thành mười tám ngọn nến cắm xung quanh giường lão. Và người nằm trên giường lúc ấy là cô gái mà lão yêu. Cô gái đã thề sẽ chung thủy với lão suốt đời.

Lão biết rằng, cô gái sẽ dẫn đường cho lão tìm được nắm xương tàn của cô như một niềm tin còn sót lại trên thế gian.

14.

Người tìm đường.Viên chấp pháp nhìn gã chống nạng mệt nhọc vào phòng xét hỏi một cách khinh khỉnh.

Ngồi đi.

Gã lẳng lặng ngồi chờ đợi.

Anh hút thuốc không?

Cám ơn.

Các cháu có thường viết thư thăm anh không?

Không.

Thế còn các bạn anh?

Tôi có nhận được thư hay không thì các anh biết nhiều hơn tôi.

Viên chấp pháp lườm gã.

Tôi muốn anh thành thật.

Anh cũng biết là tôi luôn nói sự thật.

Anh biết đấy, chúng tôi có chính sách khoan hồng cho người thành khẩn khai báo.

Chẳng phải là tôi bị các anh bắt vì nói sự thật?

Hãy cho tôi biết phương thức tập hợp lực lượng của các anh?

Anh hỏi “các anh” là ai? Ở đây hay ở bất cứ đâu, tôi lúc nào cũng là người sống bản năng và cá thể. Tôi không có bầy đàn.

Tôi khuyên anh đừng nói xỏ xiên.Tôi hỏi lại: phương thức tập hợp lực lượng?

Tôi nói rồi, tôi không sống bầy đàn thì tập hợp lực lượng làm cái gì.

Tôi để cho anh suy nghĩ.

Nói xong, viên chấp pháp bỏ đi.

Người quản giáo vào.

Đi theo tôi.

Gã bị tống biệt giam trong căn phòng tối bề ngang một thuớc, bề dài hai thước bao gồm cả một cái lỗ để tiêu tiểu. Gã tự nhủ, nếu ta không nói, ta sẽ quên tiếng người. Nhưng ta phải nói cái gì, cho ai trong cái thế giới câm lặng u tối này.

Những ngày đầu, gã la hét và chửi bới để khỏa lấp sự trống trải và phân biệt được ngày đêm bằng hai suất cơm trưa chiều. Sự nhàm chán làm cho gã bải hoải và tê liệt dần. Gã nghĩ đến Đạt Ma diện bích chín năm, nhưng gã nào muốn con đường tịch lặng giải thoát. Gã cần nói và phải nói để xua đuổi lũ chuột và gián. Gã cần phải tồn tại trước hết như một con vật. Mùi hôi trong căn phòng nồng nặc. Tại sao lũ chuột cống sống được trong những ống cống thối tha? Tại sao những con gián vẫn bay lên được từ hầm cầu tiêu? Gã lại nghĩ đến Đạt Ma, đạo Phật bảo vô chấp thì không hệ lụy. Để tâm không thì chẳng vướng bận. Gã nhất thể hóa với không gian sinh tồn. Gã biến thành chuột thành gián và gã cảm thấy điều ấy là đạo.

15.

Đạo. Cô gái H’Mông đi qua những phiến đá cổ bỏ rơi lại tiếng hát:

Con gà trống gáy bên sườn núi

Tiếng gáy rơi xuống vực

Con trâu cái lặn lội dưới khe

Tiếng suối buồn như mây xám…

Người đàn ông mắt xanh đã rời bỏ non cao, hắn về đồng bằng chôn hũ rượu. Trước ngày xuống núi, cô gái vẫn quẳng quả rừng cho hắn tìm hắn giữa đêm và cho hắn cả thân xác cô. Cô bảo, trời tối thì ma quỉ cũng tối, không ai thấy việc làm của cô.

Em là đêm. Hãy đi vào em như đi trong đêm.

Nhưng anh là ngày.

Cô gái cởi áo bịt mắt hắn. Mùi cô gái nồng tối. Hắn biến thành đêm ôm lấy cô. Trên phiến đá cổ vẽ đường đi của con rắn, con rắn chui vào bụng cô.

Người đàn ông đi không từ biệt. Cô gái mang con rắn trong bụng tìm một gã trai trong bản làm chồng. Cô vẫn đi qua những phiến đá cổ tìm kiếm giấc mơ hoang dại và phát hiện được một phiến đá mới có hình họa chùm sao bọ cạp. Cô biết đấy là bản khắc của người đàn ông mắt xanh. Cô không hiểu ý nghĩa của nó nhưng cô vẫn muốn phụ họa vào nỗi niềm ấy bằng một cái bùa mang hình đứa bé nhảy múa.

16.

Chùm sao định mệnh. Một trăm ngày hít thở linh khí của núi cao và đọc sách thánh hiền, người đàn ông mắt xanh cảm thấy vương đạo đã lỗi thời. Tu thân và minh đức để cảm hóa trời đất và lòng người không phải là cách để tranh đoạt quyền lực. Hắn gom tất cả tứ thư với ngũ kinh cho vào bếp nấu một nồi nước, pha ấm trà đặc. Mùi của cô gái đêm hôm trước vẫn còn phảng phất, uống ngụm trà nóng, hắn khà một tiếng, cả cõi người ta bâng quơ những chuyện vặt.

Phủi đít đứng dậy, hắn ôm bọc củ mì khô đón xe về làng cũ.

Năm ấy, làng quê thất mùa. Hàng gốm truyền thống của làng cũng ế ẩm bởi không cạnh tranh nổi với sành sứ Trung Quốc bóng bẩy. Dân làng đói khổ. Một số trai tráng bỏ quê lên thành phố làm phu phen thời vụ kiếm ăn. Những cô gái cũng trôi dạt khắp các nhà hàng quán nước làm thuê làm đĩ. Các cụ buồn phiền bảo khí vận của làng đã hết.

Nhìn thấy sự đổi thay nhanh chóng trong dân tình, người đàn ông mắt xanh mừng thầm trong lòng. Hắn nghĩ, thời cơ đang đến.

Chôn kỹ hũ rượu phía sau nhà, hắn lân la chuyện thế sự đông tây kim cổ với các cụ. Hắn bảo, xưa nay những biến chuyển lớn trong thiên hạ không phải xảy ra trong triều đình, mà đến từ nhân dân. Giữ thuyền cũng là nước, mà lật thuyền cũng là nước. Nhưng nhân dân chỉ là một sức mạnh bất định. Chính trị là cách nắm giữ được sức mạnh ấy. Các cụ khen hắn sắc xảo. Có một thanh niên đang làm việc ở Đông Âu về thăm nhà nói với hắn: Học Lưu Bang không đủ, phải học cả Machiavel. Làm bộ chẳng quan tâm, nhưng hắn nhớ tên Machiavel.

Cuộc truy lùng Machiavel của hắn bắt đầu từ các thư viện. Không có một quyển sách nào ký tên Machiavel. Hắn lê lết tới các tiệm sách cũ, cũng không có. Một chủ tiệm mách gã, sách này người bạn hắn có nhưng viết bằng tiếng Pháp.

Anh đọc được tiếng Pháp không?

Gã ậm ừ :

Ông giới thiệu tôi gặp người ấy được không?

Được. Nhưng bạn tôi khó tính đấy.

Cái khó tính của bạn ông để tôi lo, ông giúp tôi làm quen anh ấy.

Trên đường đi, hắn ghé mua chai rượu biếu người có sách.

Anh cần Machiavel để làm gì? Ông này cổ điển rồi.

Tôi muốn đối chiếu với Khổng Tử.

Hắn mượn được sách mang photocopy. Trước khi về làng, hắn mua thêm cuốn tự điển Pháp-Việt.

17.

Tiết lập đông, âm khí trưởng thành. Về chiều, cuối chân trời sắc tím thẫm. Con ma già bảo :

Điềm bất tường.

Còn bất hay đắc gì nữa trong thế giới này.

Ừ, đôi khi ta vẫn lẫn lộn âm dương. Nhưng ta bảo thật, những gì ngươi muốn trong thế giới của người sống đã sắp xảy ra.

Cần phải thế, để con người nhận ra ma quỉ trong lòng họ.

Lẽ ra, chúng ta cần phải chết thật sự.

Đó cũng chẳng phải là điều chúng ta muốn hay không muốn.

Người đàn bà cầm một bó hương to, quay mặt về hướng tây, cúi đầu khấn vái:

Hồn ở trên cao, hồn ở dưới thấp. Hồn mất hồn còn. Chứng giám lòng tôi. Mọi nỗi tang thương xin chôn xuống vực. Mọi niềm ai oán xin đổ xuống sông. Có linh có thiêng nghe tôi tịnh độ. Có phúc có phần thì vào cửa Phật.

Bà chậm rãi cắm từng cây hương xuống đất xung quanh nhà. Con ma già nói:

Chúng ta nên bước vào trong.

Những cây hương cháy rất chậm nhưng khói tỏa ra mỗi lúc một lớn che khuất cả căn nhà.

Từ phía bên kia sông, một đám đông toàn đàn bà con gái lũ lượt kéo sang. Trên đầu để tang trắng, họ vừa đi vừa hô hoán:

Lấy oán trả oán. Giết người phải đền mạng.

Họ đi ngang ngôi nhà nhưng không thấy ngôi nhà. Họ cứ đi về phía trước. Tiếng hô của họ lặp đi lặp lại chập chùng xao xuyến và nó đọng lại mãi trong không gian. Mỗi khi có gió thổi qua, ai đi qua vùng này, đều nghe thấy những tiếng ấy rung lên.

18.

Người đàn bà mang tang. Bà đeo một túi vải màu xanh áo lính. Trong đó, có tất cả mọi thứ. Từ cây kim đến con dao, từ tờ giấy đến quyển sách. Ở mọi lúc, mọi nơi, bất cứ ai cần thứ gì, bà đều có thể cho. Hắn nói, đấy là cái túi của mụ phù thủy. Bà có thể cho tất cả mọi thứ cũng như có thể lấy lại tất cả mọi thứ. Chiếc túi ấy không bao giờ vơi đi cũng không bao giờ đầy hơn, bởi vậy nó vừa với sức của bà. Trên đầu bà mang tang. Cổ bà mang tang. Bà bảo, tôi để tang quá khứ, tôi cũng để tang hiện tại. Tôi đi để nói rằng chúng ta đang chết. Chúng ta đang tự giết mình. Chúng ta xây cho mình những ngôi mộ đẹp đẽ và chúng ta chui vào đấy. Chúng ta tự treo mình lên và thắp hương sự sống. Chúng ta bất nhã và tàn ác với mọi nỗi xúc cảm. Chúng ta rỗng tuếch và đổ khuôn nhau. Chúng ta làm những điều thừa thãi để lăng nhục nhau và chúng ta khóc.

Người đàn bà gầy ốm không sợ nắng, sợ mưa. Bà đi từ ngày qua đêm từ chỗ êm đềm đến nơi quỉ quyệt. Bà bảo tôi là một phụ nữ yêu. Tôi đến từ băng giá và làm cho băng giá nóng chảy. Tôi đạp mọi cản ngại. Tôi phơi trần tôi trên ngọn tháp kiêu hãnh và làm cho sự bé mọn trở thành lớn lao. Tôi hấp dẫn và mê muội. Tôi sướng thỏa trên mũi dao cùng cực và tôi rồ dại trong đáy tử cung. Tôi để tang cho tất cả đàn ông và đàn bà vô vọng. Tôi cũng để tang cho mọi thai nhi đang kết hình sự sống nhàm chán.

Tôi lắm mồm và đòi hỏi. Tôi truy bức sự im lặng. Tôi đập phá cái vờ vĩnh. Tôi lên ngôi tôi. Và ngồi trên sự vô danh tập thể, không ai phủ nhận được tôi kể cả chính tôi vì tôi được thiết lập trong ý nghĩ tự do.

Tôi là vòi. Là vú. Là mông. Là mọi thứ tôi thích. Và bởi thế, tôi là người đàn bà mang tang. Tôi thèm ăn thèm uống thèm làm tình làm tội.

Tôi là mầm là mộng là cớ của sự hoang đàng. Và bởi thế, những người đàn bà mang tang tôi. Họ rêu rao tôi trên nỗi khát khao thầm kín. Họ nguyền rủa tôi dưới mồ tăm tối của cuộc sống. Họ giết tôi trong sự đau đớn rách nát của tâm hồn.

Tôi đầu thai tôi trong hoan lạc. Tôi luân hồi tôi trong đắm đuối. Và bởi thế, tôi mang tang đức Phật. Mang tang cái không. Mang tang cái không mang tang.

19.

Cớ của người. Trong một trăm ngày chôn hũ rượu dưới đất, người đàn ông mắt xanh đã đủ thì giờ nghiền ngẫm Prince của Machiavel bằng cuốn tự điển Pháp-Việt. Hắn tự nghĩ, hắn có cơ duyên để đón nhận thiên mệnh. Và để cho thiên mệnh được toàn hảo, hắn lại nghĩ cần phải đến nơi có hạo khí, uống tẩm thứ rượu trời cho ấy mới thêm phần linh nghiệm.

Củ mì phơi một trăm nắng trên núi cao, ngâm rượu một trăm đêm dưới đất đồng bằng, uống một trăm ngày giữa trung du. Hắn chọn chỗ ngồi là cục đá của vua trên Đền Hùng Phú Thọ. Ở cái thế voi chầu hổ phục, hắn tận hưởng cảm giác đằm dịu mà hùng tráng của không gian, nhưng hớp rượu lại quá tanh nồng, mặc dù rượu đã thấm cả âm dương. Dẫu sao, hũ rượu khác thường ấy đã mang lại cho hắn một dáng vẻ đáng kính trọng. Tự tin, đĩnh đạc. Trên khuôn mặt hồng hào rạng rỡ, chỉ có một chút ở đuôi con mắt lưu linh sát khí, phải tinh ý lắm mới thấy, bởi đấy cũng là chỗ con mắt cười. Từ đấy, hắn đi đứng thận trọng và nói năng ra giọng quân pháp.

Trong nhận thức hàm hồ của dân gian, cuộc đời hắn mang huyền thoại của người tìm đường.

Người về quê hương bản quán và Người chứng kiến nỗi khổ đau nhân loại. Người cảm nhận sứ mạng của người. Và Người đã hành động.

Con người cần phải đốt đuốc soi tìm công lý. Một cuộc tự thiêu được ghi nhận tại một góc phố có nhiều người qua lại, nhưng cuộc tự thiêu ấy đã nhanh chóng được bôi xóa mọi dấu tích.

Con người cần phải phanh thây để phơi bày sự thật. Một cuộc tự sát bằng cách mổ bụng đã diễn ra trên chiếc cầu lớn, nhưng cuộc tự sát ấy cũng không ai kịp nhìn thấy.

Con người cần phải tự họan để giải phóng khỏi mọi ức chế. Một vụ treo cổ trên cột điện ngay tại ngã tư đường đã được giải thích vì lý do thất tình.

Con người cần phải được tôn vinh bởi tự do. Một loạt cái chết khó hiểu xảy ra trên nhiều địa bàn khác nhau.

Những cái chết kích thích những kẻ coi sự hi sinh là lẽ sống đã tạo ra một cao trào tình nguyện chết. Họ chết để cái chết của họ được lưu danh.

Người ta càng chết nhiều, Người càng phát tướng. Khẩu khí Người vang vọng cả thiên hạ. Một cuộc điều tra về Người được xúc tiến, nhưng không một chứng cứ nào có thể kết tội Người.

Người ta hỏi Người: Cái chết của con người đem lại điều gì? Người trả lời: Tất cả mọi cái chết đều có giá trị như một lời giáo huấn. Người ta lại hỏi: Phải chăng ông đã cổ xúy cho cái chết? Người điềm đạm nói: Tôi chỉ cổ xúy cho những giá trị mà con người theo đuổi.

Đám đông bám theo hoan hô Người. Họ la to: Chúng tôi sẵn sàng chết. Hãy chỉ cho chúng tôi cách chết vinh quang.

20.

Con ma què lầm bầm:

Một lũ ngu. Làm đếch gì có cái chết vinh quang. Cứ chết đi thì biết.

Người đàn bà đã lên giường nằm. Co quắp, trông bà nhỏ như một đứa bé. Con ma già phủ tấm chăn mỏng lên người bà.

Bà hãy ngủ đi. Tôi canh giữ giấc mơ cho bà.

Con ma què ngồi ngoài cửa vẫn nghe ngóng đám đông, buột mồm hỏi:

Đấy là giấc mơ gì vậy?

Ngươi cũng muốn biết cả điều này chăng?

Phải.

Ngươi nghe cho rõ nhé. Một giấc mơ vô hình vô ảnh vô thanh vô sắc vô tướng vô ngôn vô vị vô tư. Bởi thế ta cấm ngươi dấm dớ vẽ chuyện, bất kể thiên đường hay địa ngục trong giấc mơ trắng này.

Trắng hay muôn màu cũng chẳng khác gì nhau.

Hắn cầm cái trống gõ phụ họa vào tiếng la hét của đám đông. Rồi từ từ tiếng trống đổi sang tiếng trống trận thúc quân. Đám đông biến thành cuộc biểu tình. Họ lớn tiếng đòi hỏi: Chúng tôi không ăn bánh vẽ, hãy chia cho chúng tôi mỗi người một chức quan. Đám đông xông tới cửa công. Người gác cổng bảo đây không phải là chỗ chia cỗ. Đám đông không nghe, họ đòi đốt thành. Nhưng thành chưa bị đốt thì họ đã đốt nhau vì tranh giành cái danh nghĩa anh hùng đầu đảng.

Khi ấy, ở một bàn tiệc có đủ rượu ngon và gái đẹp cách đấy không xa, gã chủ sòng bạc ôm một con đĩ, phán với đám lâu la chung quanh: Các chú thích chức quan nào, anh của các chú sẽ mua, không cần gì phải làm anh hùng liệt sĩ cho nó rách việc. Anh chỉ đòi hỏi các chú sự trung thành. Cái giá của sự trung thành và phản bội như nhau: Sống thì huy hoàng, chết thì tàn khốc.

21.

Kẻ được bạc. Gã không đánh bạc mà chỉ tổ chức cho người khác đánh bạc. Gã không giết người nhưng trả công cho những kẻ đâm thuê chém mướn. Gã không làm luật nhưng đủ khả năng bảo vệ quyền lợi của mình trước các thế lực đối nghịch. Gã không tham gia triều chính nhưng quyền tước vẫn có thể ban phát. Người ta bảo gã là ông vua không ngai.

Trong chỗ thân tín, gã nói:

Con người ta sống khó tránh khỏi phải hèn. Quan trường hoạn lộ là chỗ cái hèn được đẩy lên thành nghệ thuật. Bởi vậy, để tránh khỏi cái vạ hèn, chỉ có cách là thuê người khác hèn thay cho mình.

Gã cũng nói:

Không có gì là không mua được. Và cần phải coi sự mua bán là bình thường.

Người đàn ông mắt xanh tìm đến gã. Một tiệc chiêu đãi trọng thể với nghi thức nhuốm màu Lương Sơn Bạc dành cho Người tại một khách sạn cao nhất thành phố. Trong phòng ăn riêng nhìn xuống các mái nhà, họ vòng tay cụng ly chúc mừng cuộc tri ngộ.

Người thăm dò:

Người ta bảo ông là người có quyền lực nhất.

Kẻ được bạc khiêm tốn:

Người ta quá khen đấy.

Người ta bảo chính ông là người đã đặt để cho họ.

Chẳng lẽ ông cũng muốn được đặt để sao?

Người ra vẻ không hài lòng vì câu nói kiểu côn đồ dòng giống ấy.

Không ai có thể đặt để cho tôi ngoài chính tôi.

Vậy chẳng hay ngài đến gặp kẻ hèn này làm gì?

Tôi muốn hợp tác.

Kẻ thất học này mà có thể hợp tác với ngài sao?

Tôi nói nghiêm túc.

Gã cười hà hà:

Xin lỗi, tính tôi cũng thích vui. Có gì vui ông nói thẳng đi.

Tôi muốn chia với ông một nửa công việc…

…Của ông?

Vâng.

Cám ơn. Đấy không phải là sở trường của tôi. Ông có thể tìm người hợp tác khác. Thôi, chúng ta uống rượu.

Tiễn Người ra cửa, gã bắt tay, nói nhỏ:

Tôi không muốn thay đổi vì tôi đang kiếm ăn được. Ông hiểu chứ?

Người đáp lại sự răn đe ấy:

Tôi cũng không muốn đổ bể việc đang làm. Ông nhớ cho.

Gã cười khẩy:

Chúc ông may mắn.

Sau này, lúc trà dư tửu hậu, gã nói với đám thuộc hạ:

Chính trị là cái trò tráo trở. Đừng dại mà thí mạng cho bọn buôn xác người.

22.

Người đàn bà trên núi sinh con. Đứa con chỉ giống bố ở chỗ người đầy lông lá. Đôi mắt nó không xanh mà nhờ nhờ màu nâu như bóng của một cánh chim bay. Bởi thế nó được sống trong sự bao bọc của núi rừng và tình thương của ông bố hờ. Người mẹ tin vào số phận giấu kín niềm hi vọng về đứa con. Dẫu nghèo khó, bà bắt con phải đi học. Bà nói: Tao muốn mày đi học để mày có thể đọc được số phận của những người hèn mọn và giải thích được những hình vẽ trên phiến đá cổ.

Thằng nhỏ không lấy gì làm thông minh nhưng được cái chăm chỉ. Cuốc bộ hơn mười cây số mới tới trường, chính bản thân nó cũng nôn nóng muốn biết tổ tiên mình ký thác điều gì trong các hình vẽ. Hàng ngày miết ngón tay vào các đường nét sần sùi trên phiến đá, nó lắng nghe cảm xúc từ xa xưa sâu thẳm, khi con người nhận biết được sự tuần hoàn của lẽ sinh tử và nỗi tuyệt vọng được cứu thoát, trong tiềm thức của nó chỉ là một cơn ngẫu hứng tung toé tinh trùng của người đàn ông mà có đôi lần nó đã cảm nghiệm được trong giấc ngủ.

Nó muốn đi lại từng bước mà tổ tiên nó đã lần mò. Nước rịn ra từ lòng đất ẩm ướt, và nước đổ thành thác, con đường dốc ngược lên đỉnh núi là lối dẫn vào cổng trời, tại đấy con người có thể nói chuyện với các vị thần. Người ta ngờ rằng, những cô gái đẹp đã bị thần linh cưỡng hiếp, bởi vậy mà họ sinh ra thất thường.

Các vị thần vốn buông tuồng, họ là đầu mối của những oan trái trong cõi người ta. Những người đàn ông đánh nhau tranh cướp gái đẹp cũng chỉ là học cái thói trăng hoa của thần thánh. Có một câu chuyện kể rằng: Cô gái đẹp nhất đã được sinh ra trên phiến đá của thần. Khi thần nhìn thấy cô gái, thần tính của thần bị che lấp và thần hồn của thần bị lung lạc. Thần đã ở lại trần gian nuôi nấng cô bằng gạo của đất như một người cha nuôi con. Khi nhan sắc cô bừng nở, thần đã hiến tế cô cho dục vọng của mình trên đỉnh núi. Các vị thần khác thịnh nộ đòi trừng phạt thần, nhưng thần đã biến thành rắn trốn đi. Cô gái tìm thần khắp rừng sâu không thấy, cô tìm thần nơi những người đàn ông cô gặp, cũng không thấy thần, cô trở thành người đàn bà không bao giờ nguôi khao khát dục vọng và trên phiến đá của thần, từ ấy, có hình khắc đường đi của một con rắn.

Thằng nhỏ bước vào mê cung. Nó nhìn thấy trên vách đá những con thú giao hoan. Sự sống tưng bừng trên từng nét vẽ. Tại sao con người phải che giấu niềm hoan lạc của mình và phơi bày nỗi đau khổ? Nó miết ngón tay lên một thân thể phụ nữ, máu người phụ nữ chảy rần rật trong người nó, đấy là gì? Thần thánh đã trốn khỏi niềm vui của con người. Cô gái vẫn đi tìm thần trong nỗi nhớ nhung xa vời và làm cho đàn bà trở thành kiêu căng và rẻ rúng. Thằng nhỏ cương cứng, cũng một nỗi nhớ nhung xa vời muốn quay về chỗ nhiệm màu sinh thành cố cựu, nó đứng trước biển. Nước dâng lên. Và khi nước mênh mông, nước tạo ra sự sống.

Thằng nhỏ không bao giờ nói cho mẹ nó biết về việc nó đã hiểu các bức vẽ trên phiến đá cổ. Nó cũng không cho mẹ nó biết chính nó có thể vẽ được bất cứ điều gì nó muốn.

23.

Con ma què nhìn thằng nhỏ lớn lên, nói:

Phải làm điều gì đi chứ?

Nếu có thể làm điều gì thì ta đã làm khi sống.

Vậy thì chúng ta tồn tại để làm gì?

Để làm cái vô hình trong một thế giới hữu hình.

Con ma già quơ tay trong không khí, nói tiếp:

Và cái vô hình mới thực sự quan trọng, bởi nó vĩnh cửu.

Làm thế nào để giải thoát?

Không có cách nào cả.

Những người đàn bà rũ rượi vật vờ, họ ngồi chật hai bên đường. Họ níu kéo những người đàn ông đi qua, những người đàn ông cũng chỉ là ảo ảnh và họ trượt xuống đáy vực của chính họ. Luôn luôn là chính họ. Mãi mãi là chính họ. Tự soi chiếu và chịu đựng cái vĩnh hằng của mình trong ai oán.

Ngươi là không mà không phải là không. Ngươi là có mà không phải là có. Ngươi không thể lựa chọn và sửa chữa. Ở nơi ngươi chỉ còn sự dày vò. Ngươi không có chỗ để đến. Ngươi không có nơi để về. Ngươi muốn biến mất mà không thể biến mất. Ngươi muốn hiện hình mà không thể hiện hình. Ở nơi ngươi chỉ có khát vọng mà không được thỏa mãn. Ngươi là địa ngục của chính ngươi. Thời gian đày đọa ngươi và không gian bôi xóa ngươi. Ngươi không thể than khóc. Ngươi cũng không thể van nài. Ngươi là sự nín lặng cùng cực của cái có. Bởi thế ngươi không thể chia sẻ. Không có ai cảm thông với ngươi. Ngươi một mình. Vĩnh viễn một mình.

24.

Địa ngục. Những cái chết oan uổng không mang lại vinh quang cho Người như Người muốn. Người thay đổi phương thức hành động, vào vai một hiền giả và lập ngôn trên những tri thức chắp vá. Người bảo, hãy tự cứu rỗi và thay đổi số phận mình bằng ý chí của vũ trụ. Người ta hỏi: Làm thế nào hấp thụ được ý chí của vũ trụ? Người đáp: Tiểu ngã và đại ngã không phải hai, sự biện biệt nhị phân là thảm họa của con người. Nối lại mối liên thông giữa con người với vũ trụ trong tâm thức chính là con đường hòa bình của nhân loại.

Người ta thỉnh cầu Người: Chúng tôi cần sự an ủi, vì chúng tôi là những kẻ bé mọn khốn cùng. Người bảo: Hãy đến với ta vì ta là sự khốn cùng bé mọn. Người ta lại van xin Người: Chúng tôi cần sự che chở, vì chúng tôi là những kẻ yếu đuối nghèo hèn. Người bảo: Hãy đến với ta vì ta là sự nghèo hèn yếu đuối.

Và người ta đến với Người mỗi lúc một đông.

Con ma què không hiểu được điều kỳ lạ ấy.

Thằng cha này nó giở cái trò quái quỉ gì vậy?

Nó là cái trò của ma vương đấy. Củ mì gian trá của ngươi đã thực sự có tác dụng.

Người ta phủ phục dưới chân Người. Vương triều Người được thiết lập trong những tâm hồn vô vọng. Quyền lực Người bao phủ mọi tầng lớp nhân dân. Khi ấy, thằng nhỏ trên núi xuống, nó hỏi:

Ông có phải là cha tôi không?

Những đứa trẻ đều là con của ta.

Máu của ông có phải đã chảy trong thân thể tôi?

Máu của ta chảy trong tất cả mọi loài.

Ông đã ngủ với mẹ tôi?

Ta đã ngủ trong giấc mơ của tất cả mọi đàn bà.

Thằng nhỏ ở lại với Người trong sự kinh tởm về cái giả ngụy, câm nín.

Những thức giả tìm đến Người, họ hỏi: Ông tôn kính ai? Người trả lời: Tôi tôn kính tôi, vì tôi là chỗ của vũ trụ thể hiện. Họ hỏi tiếp: Ông phục tùng ai? Người trả lời: Tôi phục tùng một người duy nhất là tôi, vì tôi là ý chí của vũ trụ muốn thể hiện. Họ lại hỏi: Vũ trụ có thể hiện nơi người khác không? Người đáp: Cũng như tôi. Họ hỏi: Ông có tôn kính người khác không? Người đáp: Tôi tôn kính họ vì họ là chỗ vũ trụ thể hiện cũng như tôi. Họ lại hỏi: Ông có phục tùng người khác không? Người đáp: Tôi phục tùng ý muốn của họ vì đấy cũng là ý muốn của tôi. Họ hỏi: Ý muốn của ông là gì? Người đáp: Họ thuộc về tôi vì tôi là sự nô lệ con người cần.

Những thức giả vâng phục lời Người. Và nhận lãnh ân huệ từ Người.

Người đàn bà hỏi:

Anh có còn là của em không?

Anh lúc nào cũng là của em.

Anh có phải là của những người đàn bà khác không?

Anh là của đàn bà.

Chỗ của em ở đâu?

Nơi anh ham muốn.

Sự chung thủy của anh?

Đấy là mãi mãi ham muốn.

Người đàn bà ở lại cùng với những người đàn bà khác phục vụ Người.

Báo chí phương Tây quan tâm tới ảnh hưởng đang được lan rộng của Người. Họ phỏng vấn:

Ông đã từng là kẻ giết người?

Không ai giết được người khác khi họ không muốn chết.

Ông tìm thấy chân lý?

Không có chân lý khi người ta đối đầu.

Phật bảo, đồ tể buông dao thành Phật, ông đã buông dao và đã thành Phật?

Tôi thành tôi chứ không thành Phật.

Ông dẫn dắt đám đông này đi đâu?

Họ tự đi.

Đến nơi ông muốn?

Nơi tôi muốn tôi đã tới rồi.

Ông muốn lập đạo?

Tôi là đạo.

Đạo của ông là gì?

Là con đường tôi.

“Tôi” là gì?

Là một giấc mơ.

Ông đã mơ thấy gì?

Những con chim bay trên bầu trời.

Con ma què bảo đó là cuộc phỏng vấn vớ vẩn nhất mà nó từng biết. Nhưng báo chí phương Tây ca ngợi Người như Môise mới của phương Đông. Những người đàn bà đức hạnh vây lấy Người. Họ chăm sóc Người từng bữa ăn tới giấc ngủ. Không ai biết Người có làm gì với những người đàn bà đó hay không.

Thằng nhỏ hỏi con ma què:

Mi có biết tại sao đàn bà bâu vào ông ta?

Vì ông ta là thánh.

Những người đàn bà có được ông ta ban ân huệ không?

Hẳn nhiên là có.

Ân huệ ấy là gì?

Sự sung sướng.

Ở chỗ nào?

Toàn diện.

Mi đã nhìn thấy tất cả phải không?

Phải.

Mi đã xúi giục họ?

Không, họ tự xúi giục mình.

Ta cũng muốn có đàn bà.

Thì hãy cướp lấy họ.

[HẾT]

——————-

Comments are closed.