Truyện
Trang Hạ
(Trích từ tiểu thuyết Săn đàn ông)
Chương 1
Sài Gòn – cưới người không quen
Chúng tôi không có tuần trăng mật. Chúng tôi cũng không có đêm tân hôn. David trên xe hoa rời tiệc cưới từ khách sạn Sheraton đã không một lần quay sang nhìn tôi.
Mắt anh gắn chặt vào màn hình smartphone hoặc nhìn chằm chằm vào cửa kính xe phía trước, căng thẳng và lo lắng. Anh liên tục gọi những cú điện thoại đi khắp nơi. Có cảm giác chiếc Nokia 9300 nóng rực lên trong tay David. Vài tiếng nữa, bất ngờ David sẽ buộc phải rời Sài Gòn đi sang biên giới Ấn Độ – Trung Quốc.
Chiếc xe chạy hết Điện Biên Phủ rồi vòng lại men theo kênh qua chung cư cao cấp phía đường Ngô Tất Tố, tôi bỗng nhiên thấy tất cả thật xa lạ. Người đàn ông ngồi bên, những cuộc điện thoại triền miên liên tục nhắc đến Himachal Pradesh, cơn lũ bất ngờ ở đâu đó Tây Tạng chiều nay, những nơi tôi chưa từng tới. Anh đòi một chiếc trực thăng quân sự cho riêng chiếc máy ảnh và anh. David nhấn mạnh cụm từ cameras and lenses đứng trước tên mình với người đàn ông ngoại quốc ở đầu dây kia.
Những âu yếm từng có song như thể sẽ không quay trở lại trong sự bất an của một người đàn bà sinh năm 1980 nhưng luôn nghĩ mình là một người đàn bà thập kỷ sáu mươi. Đến mức váy cưới cũng là chiếc áo dài chít eo tà rộng, vải xanh thiên thanh. Nguyên mẫu chiếc áo của nhà may Dung Dakao gần nửa thế kỷ trước của Sài Gòn có giúp tôi thu xếp được những cảm giác hỗn loạn trong tâm hồn mình? Tại sao tôi lại chọn nó ở tuổi hai lăm? Tại sao David lại chọn tôi ở năm 2005?
Không phải anh luôn chê những mỹ nhân của tôi trên bìa Fabulous Việt Nam là đống ảnh đẹp theo cách của một xác chết, chỉ đủ để người ta liếc mắt một lần rồi thôi? Mớ ảnh mỹ miều “dùng một lần” ấy chỉ đủ chiều mắt đám đàn bà phố thị hời hợt. Nhưng anh lại không bao giờ muốn tôi thay đổi! Càng chẳng muốn những cuộc đi bất tận của anh dứt tôi ra khỏi tòa nhà biên tập trên đường Lý Chính Thắng.
Tôi đã từng kiêu hãnh và điên cuồng khi cướp được David ra khỏi mối quan hệ khó định nghĩa với một người đàn ông ngoại quốc. Thế mà nửa đêm nay, anh sẽ ra sân bay với người đàn ông ấy, chứ không phải về căn hộ tân hôn với tôi. Nào còn gì cay đắng hơn.
David xách giúp tôi túi đồ lớn, trong thang máy chúng tôi không chạm vào nhau. Tôi không hiểu vì sao một cơn lũ tận Tây Tạng xa xôi, những người chết tận Ấn Độ nào đó có thể giết chết cảm xúc của tôi ngay sau đám cưới ấm cúng và nhỏ bé. David nhìn tôi lo lắng. Thường những người đàn ông 50% dòng máu Mỹ trắng nhưng 100% tâm hồn hợp chủng quốc sẽ không bộc lộ tình cảm theo kiểu mà đàn bà Việt chúng ta mong muốn. Nhưng tâm hồn tôi thì thuộc quốc tịch gì? Hay cả hai chúng ta chỉ ở đậu Sài Gòn mà thôi? Ta coi Việt Nam là nhà trọ, đến rồi đi; Sài Gòn là bàn làm việc, kiếm tiền và điên cuồng; Thái Lan là phòng ngủ, vừa nghỉ ngơi vừa yêu đương. Nhưng có vẻ ta đã làm tình trên bàn làm việc nhiều hơn trên giường ngủ.
Nửa đêm, cả căn hộ sáng đèn, tôi biết David chiều chuộng Canon 1Ds Mark II hơn tôi, anh luôn tự hào anh là người đầu tiên trên thế giới được test máy Mark II. Thế mà anh lại không quan tâm đã bao nhiêu đàn ông test tôi. Anh chỉ quan tâm tới cảm xúc, lúc nào gặp tôi cũng gợi tình.
Tôi nằm trên xô pha phòng khách, kéo chiếc khăn lụa che cơn u ám nặng nề trên đôi mắt. Đôi mắt thật mọng nước và chỉ một chút nữa thôi, cơn lũ sẽ trào ra nóng bỏng. Vì tôi đã không giành được quyền ưu tiên của David, trong đêm nay.
Mỗi người đàn bà chúng ta luôn giành quyền ưu tiên trong đời mình cho ai đó, vào thời điểm nào đó. Nhiều đàn ông thật vô tri khi luôn giành quyền ưu tiên cho trinh tiết cô dâu, đánh cược cả vô số những thứ giá trị vào đấy, như tình yêu, người đàn bà của họ, cuộc sống hạnh phúc. Một số đàn ông được giáo dục tốt, ngược lại, trở nên rẻ rúng trinh tiết và chà đạp lên những thứ mà họ cho là vô giá trị. Đàn bà chạy theo những cơn cực đoan của đàn ông thật mệt mỏi.
Tôi không ưu tiên cho trinh tiết, nhưng tôi ưu tiên cho những thứ thiêng liêng của đời mình. Tôi yêu người đàn ông tôi yêu, tôi cưới người đàn ông tôi muốn cưới. Tôi làm nghề tôi thích, tôi sa thải mọi ông sếp, tôi thách thức những lời chê bai cười mỉm của đám đông. Nhưng, tôi thèm có anh, ngay bây giờ, hôm nay, tôi cần quyền ưu tiên hơn phóng sự ảnh báo chí của David.
Trong cơn tức tưởi, tôi hỏi:
– David, có phải anh bị ám ảnh vì Arko Datta?
Tôi nhắm nghiền mắt. Bóng David phủ lên mặt tôi, tôi cảm giác được bộ râu mềm chạm lên trán tôi. Anh quỳ xuống xô pha, cúi nhìn ngược xuống tôi, im lặng. Tôi vẫn nhắm mắt, chỉ một chút nữa thôi, cơn lũ sẽ trào ra nức nở, tôi không thể, tôi không được phép trở thành một người đàn bà khóc than trong váy cưới. Vai mỏi và cổ họng khô khan, trái tim đập rất chậm, chậm như thể sẵn sàng dừng lại bất kỳ lúc nào.
Đôi môi David thật ấm nóng, và mềm. Anh hôn lên môi tôi qua lớp khăn lụa mỏng manh. Anh hôn rất chậm, rất lâu, và tôi, thực sự không thể kiềm chế được, tôi đã nức nở khe khẽ trong cái hôn ấy.
Anh chỉ chạm vào tôi bằng đôi môi. Ngậm chặt một bờ môi tôi sau chiếc khăn, anh giữ cho đến khi cơn nức nở trong tôi lắng xuống, rồi mới hôn lên bờ môi kia. Thật khẽ. Thật êm đềm. Đôi môi cố gắng cho tôi biết rằng, với cái hôn ấy, khi mũi anh chạm nhè nhẹ lên cằm tôi, khi những sợi râu ấm và mềm chạm lên đôi mắt tôi đang tràn trề nước mắt, anh lại trở thành David quen thuộc. Người đàn ông tóc vàng cao lớn đã táo tợn quyến rũ tôi trong quán bar trên đường Đông Du. Người bạn nghề đã cho thấy vẻ đẹp của ánh sáng và bóng tối. Vị hôn phu đã cùng tôi say đắm biết bao nhiêu khoảnh khắc hạnh phúc trong chính căn phòng này, trên chính chiếc ghế này, những ngày nắng oi ả, trong những cơn mưa đêm phương Nam. Mà đám cưới thực ra không quan trọng bằng tất cả những gì chúng tôi đã có với nhau.
Hôn thật lâu. Anh nhìn tôi, rồi anh khoác ba lô và đeo túi máy ảnh trước ngực đi ra khỏi căn hộ. Quanh tôi tràn ngập bóng tối. Tôi quằn quại trong cơn thèm khát thân xác sau chiếc hôn nóng bỏng, và cơn đau đớn tâm hồn. Và vừa thổn thức trong bóng tối vừa thủ dâm dưới chiếc khăn lụa. Sau cơn cay đắng là cơn rã rời tận cùng. Trần truồng trong bóng tối xa lạ. May còn chiếc khăn lụa mỏng cho tôi cảm giác da thịt vẫn được vuốt ve. Chiếc khăn như đôi môi êm ái còn đọng trên mỗi nếp da, tôi thèm hơi ấm mơ hồ ấy, một lần nữa. Cho tôi một lần nữa.
Khi ấy, tôi hoàn toàn không biết rằng, sau khi cưới một người đàn ông ngoại quốc, tôi được khuyến mãi một người đàn ông không quốc tịch ngồi xe lăn…