Đất ma

Truyện Hà Thúc Sinh

Năm nay cụ Tam bảy lăm tuổi, cái tuổi “ruồi bâu không thèm đuổi” đối với rất nhiều người. Nhưng giống một võ sĩ nhà nghề, ngã xuống đứng lên đấm tiếp, về một phương diện nào đó, cụ tự thấy mình cũng còn phong độ.

Tháng trước, thực mà nói, cụ khá nản lòng khi nhận tấm ảnh một cụ bạn văn bên quê nhà gửi qua. Trong tấm ảnh ấy có cả chục người, và nếu không có phần ghi chú phía sau, cụ không cách nào biết được đó là những người bạn vô cùng thân mến của cụ, trong có vài người bạn Hướng Đạo, người nào người nấy tóc vài sợi, răng vài cái, sườn sáu khúc, chân hai que… đại khái thế. Nhưng nhìn kỹ, cả đám giống nhau ở một điểm: trên những khuôn mặt héo hắt, ít râu hay rậm râu, họ đều hờm những đôi mắt lăm lăm ngó về phía trước. Chính những đôi mắt này báo cho cụ biết họ còn sống và còn chờ, dù cụ không biết họ sống cách nào và chờ cái gì.

Nhưng, cũng chính những đôi mắt đó làm cụ mất ngủ.

***

“Ông ơi, trại Giáng Sinh năm nay ông có đi không?”.

Cụ biết cha con chúng nó đang sửa soạn cho kỳ trại Hướng Đạo dịp lễ Giáng Sinh. Cụ tính nói ông phải ở nhà để đi lễ đêm nhưng rồi sợ các cháu thất vọng, cụ vui đáp:

“Đi chứ sao không!”.

Thế là mấy đứa bé reo ầm lên như một báo cáo với bố chúng nó:

“Ông đi, ông đi nữa, thích quá!”.

Nhưng, nghĩ đến những kỳ đi trại xứ người cụ lại bâng khuâng. Lâu lắm rồi, trong đất trại cụ được hay bị gạt vào thành phần “trưởng niên”, nghĩa là như những bóng ma chờn vờn đây đó suốt ngày, tới bữa muốn ghé ăn ở liên đoàn nào cũng được các trưởng và các em nồng nhiệt chào đón; đêm chính lửa trại sẽ có chỗ riêng biệt để ngồi “thưởng thức”; kỳ dư, gần như các cụ chẳng có mục nào để tham dự ngoài xếp hang ngang đồng ca một bài hát. Các trưởng trẻ luôn sợ những tai nạn xảy ra cho các cụ như ngã chẳng hạn. Mà ngã thì phiền lắm, dù ngã dưới hồ (nên các cụ nào có được đi thuyền) hay ngã trên đất (và các cụ cũng không được mời nhảy lửa).

Thật chẳng còn gì “nhàn” hơn là các trưởng niên đi trại.

***

Cụ nhớ lại hơn năm mươi năm trước với những kỳ trại ở quê hương vào đầu thập niên 1960. Lúc ấy còn thanh bình. Mặt trận Giải phóng Miền Nam chưa quậy. Những kỳ trại sâu trong sông lạch mới là kỳ thú. Ở đấy có những chàng trai tin mình huýt sáo hay hơn chim, leo cau nhanh ngang khỉ, bơi sông rái cá đuổi hụt hơi, và… chỗ nào con thú đến được, vào được, leo được, nhảy được thì các hướng đạo sinh phải đến được, vào được, leo được, và nhảy được.

Rồi những trận đánh kiểu “đổ bộ Normandy” kéo dài thâu đêm suốt sáng. Lăn lộn qua các mương lạch, rạng sáng kiểm điểm, trao đổi tù binh nhưng cả tù binh và người trao đổi từ đầu đến chân toàn bùn là bùn…

Tất cả đã là dĩ vãng rồi. Biết bao người bạn thuở ấy đã hy sinh trong cuộc chiến tranh sau đó? Cụ dặn lòng đừng ngoái nhìn, rồi lặp lại đừng ngoái nhìn nếu không muốn biến thành tượng muối giống người đàn bà luyến tiếc trong truyện thành Sodom và Gomorrah.

Nhưng, làm sao mà không ngoái nhìn mỗi khi có một dĩ vãng sống sót cựa mình?

Vâng, cụ Tam vẫn nhớ kỳ trại Giáng Sinh năm ấy, khi cụ vừa mười tám tuổi.

***

Cả tráng đoàn dựng lều trên một dải đất đẹp có đủ sơn thủy hữu tình. Các tráng sinh lo ẩm thực chỉ đi bộ mươi phút là ra tới chợ.

Một ngày sinh hoạt đủ mệt cho đoàn trai tráng lăn ra ngủ như chết trong các lều trại. Đêm cuối năm tối đen. Bóng gù gù của anh trại trưởng đi kiểm soát trại lâu lâu lại nổi lên một khuôn mặt dễ sợ trong đêm vì phản ánh bởi chiếc đèn pin của chính anh. Rồi từ từ, bầy đom đóm bắt đầu xuất hiện. Cả vùng đất trại lập lòe. Những gò mối đó đây gây thắc mắc cho những tráng sinh mất ngủ. Chẳng ai biết tại sao lâu lâu lại có một đốm lửa từ đất phựt lên rồi lại tắt ngấm. Cứ thế những đốm lửa xuất hiện càng lúc càng nhiều. Thoắt hiện thoắt biến. Đám tráng sinh báo động cho nhau và đều thức dậy, xì xào bàn tán. Anh trại trưởng mới đầu còn thị uy, bắt mọi người đi ngủ trở lại. Nhưng khi chính anh nhìn thấy hiện tượng đất phựt lửa thì anh cho họp hội đồng trại liền.

Giữa lúc ấy, một tiếng thét hãi hùng vang lên trong đêm trường: Ối trời ơi!

Cả trại đổ tấp tới chiếc lều có tiếng la. Nhiều đèn pin bật lên. Tất cả nhìn thấy một người ra dáng rất sợ hãi, ngồi nghiêng ra cửa lều, tay còn cầm đèn pin soi lên mái lều. Họ ngước lên và đều nhìn thấy trên mái lều một bàn tay to lớn và sáng rực. Rồi bàn tay từ từ mờ đi và biến mất.

M…a…a…a!!!

Cả trại cùng hét lên tiếng “Ma” và anh trại trưởng, của đáng tội, tuổi cũng chỉ đôi mươi, xanh máu mặt ra lệnh rã trại.

Đêm đông. Nửa khuya lạnh cóng. Trời tối như mực. Lại chưa từng kinh nghiệm chuyện ma. Nhưng các tráng sinh tỏ rõ bản lãnh, hạ trại cuốn lều vào hạng nhanh gọn nhất.

“Giờ mình đi đâu anh ơi?”

Câu hỏi làm trại trưởng rối loạn. Sau cùng anh nói: “Trường nữ!”

Ba lô, lều lên vai, gậy gộc trên tay, đoàn lội trong đêm lạnh hơn cây số mới vào được sân trường nữ tiểu học. Không còn ai muốn hạ trại nữa. Chỉ muốn ngồi nhìn nhau chờ sáng. Nhưng đôi mắt tuổi trẻ và đêm thâu rất đố kỵ nhau. Kẻ này thức thì kẻ kia phải ngủ. Và chỉ một lát, nhiều tiếng ngáy đã vang lên trong một góc sân trường nữ.

“Ầm!”.

Một người choàng dậy hỏi:

“Cái gì thế?”.

“Ầm!”.

Nhiều người đã thức và lắng tai nghe.

“Ầm!”.

Nhiều người đã phát hiện tiếng ầm ấy đến từ bức tường dài phía sau trường nữ. Nó như một vật nặng có ai đó khuân ném hay đập vào bức tường.

Ma…a…a…a!!!

Tất cả, một lần nữa đồng thanh hét lớn. Lần này, trại trưởng tự quyết định lệnh rã trại mà không cần bất cứ nghi thức nào.

Và, đi đâu đây?

Không đi đâu nữa mà ai về nhà nấy!

Sau này cụ Tam và các bạn hiểu ra vụ lửa phựt. Ấy là vì khi đi tìm đất trại, trại trưởng đã thiếu nghiên cứu, cho hạ trại trên một vùng mả lạng. Nhiều phần mộ bốc không kỹ, xương còn sót, đêm khuya lân tinh bốc lên qua các kẽ nứt, gặp oxy thì bốc cháy.

Nhưng, cái bàn tay trên lều hay những tiếng nổ ở trường nữ thì chịu. Cụ Tam không rõ vài người bạn Hướng Đạo cũ cùng tráng đoàn sống đến ngày nay đã tìm ra chưa, còn cụ thì vẫn mù tịt như chú tráng sinh mười tám tuổi thời ấy.

***

Đây Houston, xứ chăn bò Hoa Kỳ, cũng là đất lịch sử. Ngay cái tên Samuel Houston đã là lịch sử rồi. Đất này với da trắng, da đỏ, Mễ cũng diễn ra bao trò dâu bể, xương trắng máu đào, cũng là diễn ra bao cảnh

Đường dong ruổi lưng đeo cung tiễn

Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa

Ngọn cờ tiếng trống xa xa

Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng…

Cũng biết bao là “Áo bào thay chiếu anh về đất”…

Nhưng, biết bao đất trại trên xứ Mỹ cụ đã đi qua, đã đóng trại, đã ăn, đã ngủ trên đó mà nào có thấy đốm lửa nào bốc lên từ đất, có thấy những tiếng ầm như tiếng nổ trong sân trường nào đâu…

Đất này không có ma!

Nhưng sao đất nước mình nhiều ma đến thế?

Thời thanh bình đã lắm ma, thời chiến ma gấp bội, và thanh bình trở lại hơn bốn mươi năm qua nó đã biến thành xứ ma, chẳng phải ma xó, ma trơi, ma cà rồng, ma sói, ma cổ dài, ma lai, ma đói… mà là ma người.

Ma sinh sôi nảy nở đến nỗi một nhà văn cộng sản phải viết cả quyển sách với tựa đề Mảnh đất lắm người nhiều ma

Chiều xuống.

Cụ Tam nhìn ra bóngchiều. Thốt nhiên, những con mắt lom lom của đám bạn cũ lại hiện lên. Cụ buồn lòng thấy có cái gì ma ma trong ấy!

Ở xứ ma rồi sẽ thành ma hết?

Nghĩ thế, rồi lòng cụ tràn ngập một nỗi xót thương…

Houston 30-11-2019

Comments are closed.