Trần Đĩnh
Trần Đĩnh (ký họa Nguyễn Thanh Bình)
Từ Capri, hòn đảo ông lưu đày tới rồi khuất phục trở về, Gorki viết Người mẹ. Từ chỗ phê phán tính bất nhân của cộng sản ngay lúc Cách mạng Tháng 10 mới thành công, nay ông quay sang ca ngợi nó. Ông đã cho bà mẹ từ tình mẫu tử tự nhiên đi đến có “ý thức”, nghĩa là thành chiến sĩ tự giác lợi ích vô sản để nhặt lấy lá cờ đào trong tay đứa con, phất cao lên và đi tiếp, bất chấp đàn áp. Chỉ ôm đứa con than khóc trong mưa đạn không thôi, bà mẹ đã đủ nêu gương. Nhưng như thế mới dừng lại ở tình người, bà phải thăng hoa tới ý thức giai cấp, phải qua bước thánh hoá này để cáng đáng cái tuyệt đối – chiến sĩ thoát ly hiến dâng đời cho sự nghiệp bạo lực giải phóng giai cấp. Người mẹ đánh dấu văn nghiệp Gorki kết thúc. Thay vì văn nghệ phục vụ con người, ông cho nó chuyển sang phục vụ một giai cấp rắp tâm quản lý loài người bằng chuyên chính. Và cuối cùng ông đã thành nhà văn tuyên bố chống lại sự thật, chống lại chính ông.
Nguyễn Đình Nghi, anh cho tôi nói tới ngọn cờ đỏ đặc biệt của bố anh: Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà soạn kịch, nhà đạo diễn Thế Lữ, một trong số 29 hội viên đầu tiên và cuối cùng của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, tiền thân Đảng Cộng Sản. Thế Lữ đã gieo mầm lớn: kết nạp Nguyễn Văn Linh và cái mầm đã hóa thành đại thụ. Nếu cứ đà đó xông lên, chắc chắn không có Tố Hữu tung hoành ở lĩnh vực tư tưởng văn học, văn hoá và làm khổ những ngày già bấu víu vào sân khấu ọp ẹp của ông. Nhưng ông sớm từ bỏ cờ đỏ.
Một hôm tôi hỏi Nghi, cùng học ở Bắc Kinh, anh coi tôi là một trong vài ba bạn bè tin cậy:
– Ông cụ ông có kể chuyện ngày ông cụ được vỡ lòng cộng sản như thế nào không?
– Không!
– Có nói chuyện ông cụ vào đảng rồi hoạt động như thế nào, nhất là chuyện ông cụ kết nạp Nguyễn Văn Linh không?
– Không, sau này Đĩnh nói rồi anh chị em đoàn kịch nghe Thép Mới kể lại tôi mới biết. Hỏi thì ông cụ im…
– Một vùng im bặt à? Mà là vùng rất quang vinh và ầm vang đấy chứ nhỉ? Thế cụ có nói tới Quốc Dân Đảng và các đồng chí bè bạn trong đảng, trong Phong Hoá, Ngày Nay, Tự lực Văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ… không?
– Nói luôn, nói nhiều! Họ thân ái, yêu thương, kính trọng nhau lắm, việc ấy hầu như ai cũng biết.
– Chuyện ông cụ ông bỏ cộng sản đi với Quốc Dân Đảng thật tiêu biểu. Ngược với cụ Trần Huy Liệu bỏ Quốc Dân Đảng đi với cộng sản. Theo tôi, đóng góp của Thế Lữ vào văn học lớn hơn đóng góp của Trần Huy Liệu vào sử học thế nhưng đảng thiên vị.
– Ừ, nghĩ… nghĩ thôi cũng mệt lắm…, Nghi nói khe khẽ, vẻ anh mệt mỏi.
Mấy hôm sau, Nghi điện thoại gọi.
– Ra mình ăn trưa đi… có một mình thì Đĩnh dễ đi thôi mà. Đi đi…, này, có cái này… hay đấy.
Cái “hay đấy” của Nghi hay thật. Quá hay.
Trong bữa ăn, Nghi kể: ông cụ tôi, như tôi đã nói, không hề hé ra một lời nào về hoạt động cộng sản của cụ. Không bao giờ. Cả khi ông Linh Tổng bí thư bảo với tôi “ngày anh còn bé tôi hay đến nhà ta ở Ngõ Nghè lắm”, ông cụ nghe tôi kể lại cũng im. Một vài anh em thỉnh thoảng nói cụ Thế Lữ dịp này mà gặp cụ Linh thì phải biết, công kết nạp vào đảng cơ mà, thì tôi càng lấy làm lạ thấy cụ cứ một mực lắng lặng. Cụ không khoe, không kể gì hết về đoạn đời đỏ của cụ, tóm lại như vậy, nhưng… nhưng, cụ có nói chuyện này: lúc Tổng khởi nghĩa, đoàn kịch Anh Vũ của cụ đang diễn ở Huế thì Việt Minh đã lùng bắt cụ để thủ tiêu vì là Việt Quốc Quy Dét (từ chữ QD – chỉ Quốc Dân Đảng; tương tự kiểu nói “lộ bem” tức lộ bí mật, từ chữ tắt BM – BT). Mình đã nhờ người hỏi Hoàng Yến từng phụ trách công an Huế đạo đó, Yến bảo có, huy động lực lượng rất ghê bao vây, lùng bắt rất dữ. Dạo ấy hai ông Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu phụ trách xứ uỷ Trung Kỳ triệt để trừ gian ghê lắm. Chính dạo ấy đã truy sát những Phạm Quỳnh và các trí thức thân sĩ khác suốt cả dẻo Trung bộ. Nghi nói tiếp: May ông cụ tôi trốn được. Ra tới Thanh Hoá, vào nhà Đỗ Văn cơ sở đầu tiên của Quốc Dân Đảng Quy Dét cụ náu lại mấy hôm rồi mặc áo the, đeo râu giả, nón dứa, toàn đạo cụ đoàn kịch, cụ cải trang trốn về Hà Nội.
Cái gì khiến phủ nhận lý lịch cộng sản, không báo công, tranh công nhưng khủng bố đỏ thì ghi lại và nói cho con trai cả? Thế Lữ không cho hay. Từ cộng sản sang Quốc Dân Đảng, từ “tiên phong” rớt về “phản động”, Thế Lữ đi hết quỹ đạo long đong, điên đảo của thân phận trí thức một nước nghèo, lạc hậu dấn theo chủ nghĩa cộng sản nguyện “đứng ở bên lề tiến hoá của loài người”, gạt bỏ trí thức. Lần đầu phát Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nghi bảo tôi: Người ta lờ ông cụ tôi.
– Ông cụ có là đảng viên đâu chứ, tôi nói. Ở ta mẻ vinh hoa đầu bao giờ cũng giành cho cộng sản, người chiến sĩ tiên phong. Đã thành nguyên tắc. Hồ Chí Minh trước hết là cộng sản rồi mới Cha già dân tộc. Mà chú ý, chỉ Cha dân tộc thôi chứ không cha già Đảng được! Huân chương lao động mãi rồi cũng đến tay Thế Lữ. Đảng ngày một rộng bụng hơn. Nghi bảo tôi lúc đón bằng khen, ông cụ ngồi đánh phịch một cái xuống sân khấu, thương quá. Tôi hỏi Nghi, tại sao?
– Đứng lâu mệt hay cụ bị chồn chân
– Có nghĩ nhà thơ, nhà văn, soạn giả, nhà đạo diễn và diễn viên Thế Lữ muốn châm biếm, không? Con hổ nhớ rừng có câu gì nhỉ? À, “Ta vốn ghét những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối!” Có khi lúc đứng chờ huân chương, ông cụ đã nhớ tới lần đáp máy bay vào Sài Gòn cùng vợ chồng Học, con của cụ ở nước ngoài về thăm. Là giáo viên toán trung học ở Bờ biển Ngà (Cộng hoà Côte d’Ivoire là một quốc gia nằm ở Tây Phi – B.T) vợ chồng Học (được Nhà nước coi là “trí thức lớn”) được xếp cho lên ngồi tít cao cao một mình một bàn cạnh buồng lái tuy cùng giá vé. Cho tới lúc “trí thức lớn” doạ cứ đứng không ngồi nữa mới đành (theo chỉ thị mật của đảng) chiều “trí thức lớn “vớt” ông bố Thế Lữ từng theo đuổi hai cuộc kháng chiến nhưng chưa phải là trí thức, được lên ngồi cùng con, “ăn theo” con. Tôi nghĩ có khi lúc chờ nhận huân chương, cụ cũng nhớ cả lại lúc cụ phải lên báo cáo điển hình ở lớp chỉnh huấn trí thức năm 1953 để tự lột xác, làm nhục mình cùng bè bạn chí cốt của mình trước bao nhiêu trí thức khác, tôi nghĩ có khi vì nhớ lại thế mà ông cụ tức cảnh sinh tình ngồi phệt luôn xuống sàn, như muốn cho thấy tay không tôi còn lom khom đứng nổi còn phải mang tấm huân chương cao quý thì quá sức lẽ mình. Ta vẫn ghét cảnh sửa sang, tâm thường, giả dối…
– Mình… mình… không biết… thật, mình không biết nữa.
– Ông có nghĩ rồi Nhất Linh, Khái Hưng sẽ vào tên phố không?
Nghi lùi lại nhìn tôi.
– Hỏi gì quái gở?
Tôi cũng chẳng hiểu vì sao lại hỏi thế.
– Trong các bạn ở Tự Lực Văn đoàn, cụ Thế Lữ có thích ai hơn cả không?
Nghi lại lắc lắc đầu. Yêu ngang nhau, trọng ngang nhau… nhưng có vẻ nhỉnh hơn một chút về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Khen là người đa tài, thổi clarinette hay lắm, có đạo đức, có nhãn quan chính trị sắc bén. À, khen Nhất Linh rất giỏi làm báo nhưng làm báo là phụ mà hoạt động chính trị mới là chính.
– Năm 1962, tôi nói, một lần tôi hỏi Trường Chinh về Tự Lực Văn đoàn, ông ấy đánh giá cao vai trò của tổ chức này trong văn học nhưng phê phán họ “cải lương, thất bại chủ nghĩa”, sau Yên Bái đã bỏ chính trị quay đi làm văn học.
– Xưa những lần ông cụ đưa tôi ở Hải Phòng lên báo Ngày Nay ở Quan Thánh, được gặp các bạn nhà văn của bố, tôi chẳng khác gì đi hội vậy, thấy các ông cứ như ánh sáng cả.
– Thế ông có nghĩ có ngày tên các ánh sáng ấy sẽ thành tên phố không?
Lần nầy Nghi chỉ khe khẽ nói:
– Làm sao mà có ngày ấy được… Ta ngặt lắm… Khái Hưng là ta… thịt mà. Bác Tam không trốn kịp thì cũng bị.
“Ta là ai” tôi hỏi. Rồi im. Nghi cũng im.
Hồi Nghi rủ tôi đến ngủ ở nhà anh ở sau Nhà hát lớn “chạy B52”, – “nó có tránh dân đấy, không thì Hà Nội cũng như Dresden, Hamburg chả còn một viên gạch nào nguyên”. Có một sáng anh đưa tôi xem quyển an-bom (album) lớn của gia đình. Ở trang đầu, trên cùng bên trái, dán ảnh anh và tôi, do Học, em trai anh, chụp. Theo thời gian chụp, bên dưới, phía phải là ảnh anh và Nguyễn Đình Thi. Ra về, tôi bảo anh: Để cái ảnh ông chụp với tôi xuống các trang sau nhé.
– Sao?
– Tôi không hợp với những mở đầu. Với lại tôi là bụi bẩn đảng phủi đi, không phải bụi óng ánh của đảng. (Tôi nghĩ Nghi biết việc Thi nói với Phạm Văn Đồng rằng “nhờ ánh sáng của đảng mà các hạt bụi trên người chúng tôi cũng óng ánh”) – Nguyễn Khải kể với tôi.
Một bữa Nghi nói có lẽ anh sẽ dựng “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cho Lưu Quang Vũ. Tôi nói: cần có tư tưởng trả giá công bằng ở đây, nếu không thì dễ thành farce, hài kịch. Và triết học của chuyện này nó dễ chỉ cho người ta đi theo con đường ăn ngang ngồi tắt. Tôi gợi ý thế này, sau khi hồn Trương Ba nhập vào rồi thì trên tay áo anh hàng thịt liền xuất hiện một băng vải đề Ta, vẫn Anh hàng thịt. Hàng chữ này, nổi như một nhân vật riêng biệt, cứ to dần cho đến lúc lan ra hết cả ngực áo. Bởi tôi thấy cái sự trú ngụ vào thân thế kẻ khác để ăn bóng vớ bở lắm. Thay mặt nhân dân chính là kiểu trú ngụ này, đúng không? Cố cho thấy cái băng vải kia là một miếng da lừa mà cứ dùng thì nó teo lại rồi biến. Thế mới công bằng. Không được biến không thành có. Rồi Nguyễn Đình Nghi chết. Chỉ ít phút sau, Nguyên, con trai anh, vợ anh Tân lượt báo tôi tin buồn.
Tôi đến ngay và an ủi: Bố cháu như ông cháu cũng đã có được sự nghiệp. Nguyên nói: Bác ơi, trước khi chết ít lâu, một hôm bố cháu nói sự nghiệp mà làm gì con? Sự nghiệp đầu tiên là sống sao cho đúng là mình. Bố không hy vọng còn sống được lâu, con nghe đây và làm theo ý bố. Nếu bố chết, nếu mẹ và con đăng tin buồn trên báo cho bố thì chỉ viết ba điều ngắn gọn thế này. Một, tên Nguyễn Đình Nghi; hai, 73 tuổi; ba, đạo diễn kịch. Thế thôi. Cháu hỏi vậy các thứ danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, huân chương, đảng viên là bỏ cả? Ừ, bỏ cả… Con và mẹ Dung bằng lòng không? Cháu nói ngay: Bằng lòng quá bố ạ! Cùng chúng tôi một lứa một thời, Nghi từng phấn đấu chân thành để vào đảng, sắp chết, anh tự nguyện mang đi chỉ hình hài suông cùng cái nghề suông. Như tôi, trong khi làm cộng sản, anh chắc đã buộc mình sống trái tự nhiên, dửng dưng với bao tồi tệ, để tin vui được đúng như yêu cầu tư tưởng đảng đề ra. Một nét chung cuối đời Nghi là u uẩn, là ngán. Tôi nhớ một hôm anh hết sức buồn kể lại: “Rạp Công Nhăn diễn một vở kịch tôi dựng. Tôi đứng trên gác để nhìn bao quát. Thình lình ở giữa rạp, một đứa phanh áo ngực đứng lên gọi to cô nhân vật chính đang độc bạch tâm tư cách mạng trên sân khấu: Thôi, em ơi, lải nhải mãi thế, về mau lên cho anh còn đ. chứ.” Cái chữ đ. nổ như quả trái phá. Tôi giận quá, nắm tay lại toan hét: “Đuổi cổ nó ra!” nhưng bỗng lại sợ, sợ ghê gớm. Cô diễn viên chính vẫn tiếp tục giãi bày ước nguyện chiến đấu đến cùng cho lý tưởng giải phóng. Người xem cứ lặng như tờ, theo đúng văn minh nhà hát. Và tự nhiên tôi thấy rõ ràng sụp đổ toàn bộ một nền văn hoá, đạo đức mà chúng ta theo đảng ra sức xây dựng từ lâu. Ông ơi, cái xấu, cái đểu nó thống soát hết cả rồi, đã mạt pháp rồi thì xã hội này mới nhất trí câm nín chịu nhục như thế được chứ nhỉ? Giá như cô vai chính bỏ chạy? Giá như có ai đó lên sân khấu quỳ lạy xin lỗi người xem? Không, cứ như không hết cả. Này, thành gỗ đá hết cả rồi hả, Trần Đĩnh? Mới hiểu tại sao Hồng vệ binh lật trời đảo đất như vậy được. Mà Ba Kim, Lão Xá chịu tự tát vào chính mặt mình, Tào Ngu chịu làm cần vụ chuyên cọ rửa chuồng xí của cái nhà hát xưa vẫn diễn Nhật Xuất, Lôi Vũ. “Làm nhục các đứa con tinh hoa của đất nước vì sợ chúng phản. Không thấy chính mình mới là phản lại tất cả, có phải thế không nhỉ?” Nhìn Nghi lúc ấy tôi tưởng anh bị thương đâu đó. Một cái đau ngơ ngẩn. Chợt nhớ một đêm tránh B52, cầm xem số tạp chí đặc biệt về đại nữ kịch gia Manouichkine tôi vừa cho anh, Nghi bỗng thở dài: Bây giờ làm sân khấu buồn quá, cái gì các ông ấy cũng cấm, cái gì cũng moi ra sai hỏng cơ bản và đều là do phẩm chất kém cỏi của mình.
Tôi nói: “Vì trước hết chúng ta chưa đổi hết tiền thật của chúng ta ra thành tiền giả. Nâng phẩm chất cách mạng lên bằng làm đồ giả thì được coi toàn là đúng”.
Nghi đưa khăn lên mắt tôi mới biết anh khóc.
Một lần tôi hỏi Nghi khi anh vào đảng, cụ Thế Lữ có nói gì không, anh nói không, tôi nghĩ tính cụ phẳng lặng như thế. Hôm ấy tôi bảo Nghi tôi chứng kiến một người được tuyên bố kết nạp đã khóc nấc lên ở trước đảng bộ: “Ôi cha mẹ ơi, sao không cố sống tới hôm nay để thấy con được vào đảng yêu quý, cha mẹ ơi!” mà ngượng quá!
Năm 1975 lần đầu vào thăm mẹ anh ở Sài Gòn ra, Nghi khẽ bảo tôi: Có một chuyện tôi rất buồn. Mẹ tôi quắc mắt hỏi, sao anh bỏ Chúa, đứa nào nó xui anh?
Có lẽ Nghi bỏ đảng khi biết mình sắp đi gặp mẹ. Tránh phải thanh minh khi mẹ anh quắc mắt hỏi: Sao anh bỏ Chúa mà theo ma quỷ?
Nguồn: http://vnthuquan.net
Nguyễn Đình Nghi
Thế Lữ và các bạn văn năm 1938