Giai điệu Trịnh và tà áo dài Diệu (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 61)

Tương Lai

Buổi họp mặt ấm cúng và xúc động giữa những người thân nhân 80 năm ngày sinh Trịnh Công Sơn tại nhà riêng của anh năm nay thật xúc động với điểm nhấn của sự kiện tuyệt vời bởi trang Google tiếng Việt đã vinh danh người nhạc sĩ ấy trên Google Doodles.

Như đã biết, Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, thành tựu và nhân vật có đóng góp quan trọng ở nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại. Là một nhạc sĩ tài hoa có tầm ảnh hưởng vươn ra thế giới, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được Google Doodles vinh danh.

image

Trịnh Vĩnh Trinh gọi “Anh đến nhé, chúng em muốn anh đến sớm. Bước vào nhà, tôi nhờ Diệu tìm lọ hoa và cắm giùm những đóa hồng vàng trước di ảnh Sơn, đốt ba nén nhang để nói với người tôi yêu mến: “Hôm nay là ngày vui Sơn à, thật vui Sơn nhé”. Cùng tôi trước ban thờ còn có Trần Mạnh Tuấn, Đức Tuấn, Tấn Sơn… và nhiều bạn khác nữa. Những người đến trước đang ngồi ngoài sân như mọi lần khác, nhâm nhi quanh mấy chiếc bàn quen thuộc như mọi năm, chắc chỉ khác là râm ran sự kiện Google Doodles.

Niềm nở nụ cười thân quen, Phi Long đúng dậy kéo tôi ngồi vào bàn, ly rượu cầm tay “Anh uống một ngụm chứ”. Ngồi xuống đưa tay đỡ ly rượu từ người bạn cố tri, tôi xin anh: “Cho mình nâng lên đặt xuống thôi, đuối lắm rồi, cố gắng lắm mới đến được, mà là phải đến chứ làm sao vắng hôm nay”. Để khỏi làm buồn lòng bạn, tôi nhắc đến kỷ niệm về chiếc ô tô “con cóc” của Long từng chở Sơn, Hoàng Thiệu Khang và tôi, chúng tôi đi ăn cháo trắng trứng vịt muối ở phố Lý Chính Thắng vào một đêm mưa Sài Gòn “lá hát như mưa suốt con đường đi… nhớ đèn đường từng đêm thao thức…”. Người bạn tận tụy và dễ thương ấy, bất cứ lúc nào nhận được điện thoại của Sơn, thì dù đêm hôm khuya khoắt hay giữa trưa nắng gắt cũng lái chiếc ô tô cũ kỹ ấy đến đậu sát cửa nhà 47C Phạm Ngọc Thạch vào lúc Sơn thấy trống vắng, cần có bạn. Tôi mừng “Dạo này sắc diện ông tốt hơn lần gặp trước, nom khỏe ra”. Phi Long cười thật thà “thì ra tuốt quận 9, đường xa nên ít bị gọi đi nhậu, anh à. Càng nghĩ càng nhớ Sơn”. Tôi nghĩ lại cái lần tôi bị Th.T mắng vì tôi cất vào tủ chai rượu Sơn định khui tiếp: “Này, định sống hay chỉ để tồn tại?”, Phi Long đã nhỏ nhẹ dàn hòa, chỉ tay vào đĩa gỏi mít mà Diệu mới đem vào.

Bảng lảng trong hoài niệm, tôi nâng ly với Long rồi khẽ khàng đặt xuống, da diết nhớ bạn. Quanh bàn nhậu với Sơn dạo ấy, xem ra chẳng còn được mấy người cho dù “lá vẫn xanh trên con đường nhỏ”, nhưng họ đã lần lượt ra đi, “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”.

Có lẽ đoán biết tâm trạng tôi, Diệu đến ngồi cạnh, rót cho tôi nửa ly bia lạnh với thật nhiều đá “Anh uống vài ngụm đi”. Diệu vẫn thế, như dạo nào. Khẽ khàng lặng lẽ có mặt đúng vào lúc cần có, để dịu dàng chăm sóc cho Sơn. Như dựng dậy một kỷ niệm, Diệu bỗng nói với tôi: “Anh biết không, có lần hai anh em yên lặng bên nhau, anh Sơn hỏi em Diệu thấy mưa buồn hay nắng buồn’. Em trả lời “ Em thấy mưa buồn”. Anh Sơn em nói “Anh thì anh thấy nắng buồn”. Giọng của Diệu bỗng chìm xuống “chân đi xa trái tim bên nhà, thềm đá nằm thềm đá nghe mưa”!

Trong tôi loáng thoáng những nắngmưa trong giai điệu Trịnh từng xốn xang lay động tâm hồn vào những phút trầm tư mông lung nỗi nhớ, và khe khẽ đọc:

Hà Nội mùa thu Hà Nội gió

Xôn xao con đường xôn xao lá

Nhòa phố mong manh nhòe phố mưa

Chợt nắng long lanh chợ nắng thưa

Vậy thì mưa gợi buồn, hay nắng? Thật ra cũng khó mà giải thích về những rung động rất riêng tư trong cảm thức của con người khi họ là chính họ. Càng khó hơn để thẩm bình về những rung động trong tim một nghệ sĩ với tầm vóc quá cỡ như Trịnh Công Sơn, khi mà sứ mệnh của người nghệ sĩ đích thực là “đem ánh sáng vào bóng tối trái tim con người” như Robert Schumann, nhà soạn nhạc lừng danh người Đức thế kỷ 19 mà tôi đã có dịp nói đến. Và cũng không phải chỉ với âm nhạc. Nữ tiểu thuyết gia Pháp sống cùng thời với Shumann – người mà khi từ biệt cái thế giới này đã khiến cho đại văn hào Pháp Victor Hugo đau đớn thốt lên “Ta khóc thương một người phụ nữ mất đi, ta suy tôn một nữ thánh bất tử” – thì chính bà cũng từng nói lên sứ mệnh cao cả ấy “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người”. Và cũng đâu chỉ những người hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật, Stephan Jobs, một tài năng lớn trong lĩnh vực công nghệ vi tính, cha đẻ của Iphone, Ipad chúng ta đang cầm trên tay cũng từng cho rằng “Hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác”. Tôi nhắc lại với Diệu những ý ấy, điềutôi đã có dịp viết trong Mênh mông thế sự đã gửi cho Diệu để gián tiếp nói rằng, có lẽ cũng không phải mất công lý giải tại sao Sơn cảm thấy nắng buồn còn Diệu thì lại buồn vì mưa. Diệu chỉ dè dặt trả lời: “Hôm ấy em nói với anh Sơn: Vậy thì e rằng anh là nắng, em là mưa”.

Tôi giật mình với cái tứ thơ rất lạ trong câu nói đơn giản thật thà của Diệu. Lặng lẽ nhấc ly bia nhưng không uống, tôi hỏi: “Rồi anh Sơn trả lời em thế nào”. Diệu không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà chỉ khẽ khàng “Rồi sau đó em có viết mấy câu:

Ngày xưa có giọt nắng buồn

Mà nay giọt nắng còn buồn hơn xưa

Dẫu mưa thì đã đành buồn

Mà sao anh nói nắng buồn hơn mưa?

Thì ra

nắng mưa cũng có nỗi niềm,

giọt mưa giọt nắng bên thềm, triền miên”.

Tôi mông lung trong ý tưởng thầm nói một mình: hình như giữa hai anh em họ có một sự đồng cảm nào đó mà tôi mường tượng ra trong “Nắng thủy tinh”:

Lùa nắng cho buồn vào tóc em

Bàn tay xôn xao đón ưu phiền

Ngày xưa sao lá thu không vàng

Và nắng chưa vào trong mắt em

….

Lung linh nắng thủy tinh vàng

Chợt hồn buồn dâng mênh mang

Đâu chỉ có Trịnh Công Sơn mới có những tứ rất lạ về nắng buồn.

Trong tôi vẫn còn đọng lại rất đậm nét hình tượng nắng trong thơ Thế Lữ

Mây hồng ngừng lại sau đèo.

Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi”.

Câu thơ có gợi buồn không? Có thể lắm. Vì trước đó hai dòng là câu “buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn” trong “Tiếng sáo thiên thai”. Vậy thì Trịnh cảm thấy “nắng buồn” cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Rồi chẳng phải Xuân Diệu từng

“…muốn tắt nắng đi, cho màu đừng nhạt mất

muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi

còn Huy Cận thì than:

Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung!

Có ai đàn lẻ để tơ chùng?

Có ai tiễn biệt nơi xa ấy

Xui bước chân đây cũng ngại ngùng…

Còn nữa. Để có “nắng mới thì phải vui vì những ngày sụt sùi mưa dầm, gió bấc đã lùi xa. Thế mà cái âm hưởng “não nùng” lại cứ len lỏi trong hồn thơ Lưu Trọng Lư:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không

Cho nên mối băn khoăn của Diệu về “nỗi buồn nắng” của anh mình “Dẫu mưa thì đã đành buồn, mà sao anh nói nắng buồn hơn mưa” cũng cần được giải tỏa.

Để chi? Để mà chiêm nghiệm kỹ hơn, sâu hơn về nét độc đáo nhưng lại “hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra” mà Văn Cao từng nhận xét: Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim.

Phải chăng điều Diệu cần chiêm nghiệm từ sáng tạo độc đáo của anh mình, chính là sao cho trong kiểu dáng, màu sắc, đường thêu mũi chỉ trên chiếc áo truyền thống của mình có được “một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi để trong cảm thức “hoài cổ” của chiếc áo dài kia không đi ngược lại với những đòi hỏi của đời sống đương đại. Trái lại, nó nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho một nhu cầu về bản sắc dân tộc đích thực, chứ không là những ngôn từ vô hồn được nhai đi nhai lại như vẹt.

Tôi nghĩ thầm những điều chưa kịp nói với tác giả những chiếc ào dài theo kiểu dáng xưa, thì Diệu đã nhỏ nhẹ nói tiếp: “Chính nhạc điệu và ca từ của anh Sơn em đã dẫn dắt, thúc đẩy những tìm tòi của em trong những chiếc áo dài mà em đang dồn hết tâm huyết vào đó. Những chiếc áo dài kiểu dáng xưa ấy, có lẽ là rất xưa của em do chính tay em tạo ra theo nguồn cảm xúc của riêng em, Diệu nhẹ nhàng giải thích, áo ấy có năm tà anh không thấy sao?”

image

Tôi nín lặng trong những vang vọng mơ hồ. Và Diệu nói tiếp: “Nhạc điệu và ca từ của anh Sơn em đã dẫn dắt, thúc đẩy những tìm tòi của em trong những chiếc áo dài mà em đang dồn hết tâm huyết vào đó. Những chiếc áo dài kiểu dáng xưa, có lẽ là rất xưa của em, do chính tay em tạo ra theo nguồn cảm xúc của riêng em, nhưng thật ra cũng là dựa theo những điều mà mẹ đã dạy em, áo ấy có năm tà anh không thấy sao, hai tà trước là tượng trưng cha mẹ [song thân], hai tà sau là tượng trưng vợ chồng [phu thê], tà bên trong nằm dưới tà trước là thân thứ năm, tượng trưng cho người mặc áo. Khi bước đi gió làm bay tà áo rất đẹp nhưng vẫn kín đáo, còn năm hạt nút thì theo lời mẹ em dạy là nhân nghĩa lễ trí tín”.

image

Ngắt lời Diệu, tôi xen vào “Hình như điều này thì anh cũng đã đọc đâu đó. Đây là áo ngũ thân ra đời giữa thế kỷ XVIII theo sắc dụ của chúa Nguyễn Phúc Khoát muốn khẳng định uy quyền của xứ “Đàng trong” nên đã quy định trang phục khác với xứ “Đàng ngoài” vốn phổ biến là áo tứ thân. Phải chăng từ đó mà có sự định hình của áo dài Việt, để rồi sau đó mà chiếc áo dài theo những bước thăng trầm của lịch sử mà có những hình hài, kiểu dáng mới. Và rồi cô em gái của Trịnh Công Sơn nay lại hoài cổmà tạo dáng, tạo hình cho chiếc áo dài theo cách riêng của mình. Phải thế không?”.

Diệu trầm ngâm không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi. Kín đáo, cô chuyển sang một đề tài trực tiếp và gần gũi hơn: “Em phải tự mình chọn vải, thiết kế, cắt may lấy nên rất chậm. Mà phải chậm rãi thì mới kỹ được anh à. Những mũi kim đặt trên tà áo phải có khoảng cách được quy định để có thể dấu chỉ không bày ra trên áo mà nằm vào bên trong. Hình thêu thì càng phải kỹ hơn. Đường thêu phải làm sao biểu đạt của cảm hứng sáng tạo đến bất ngờ trong em. Như có lần ngồi bên cửa sổ máy bay nhìn ra thấy mây chuyển màu quá đẹp. Đêm ấy về, em cố tái hiện lại hình ảnh ấy, màu sắc ấy trên cổ áo và tay áo như hình ảnh em sẽ gửi anh xem. Tái hiện cảm xúc rất trừu tượng sang một định hình cụ thể bằng đường kim, mũi chỉ trên vải thêu như thế nào em cũng không giải thích được, và cũng không hiểu có biểu đạt được những rung động bên trong em, em chẳng biết nữa. Thôi thì để cho cuộc đời, cho công chúng đoán định. Nghĩ vậy, em cứ làm, say mê làm.

Thế rồi có lúc kẹt đề tài mới để thêu lên áo, em tìm đến anh Sơn em qua những giai điệu từng cuốn hút, mê đắm mình. Em mở nhạc của anh Sơn chỉ đủ cho một mình em nghe. Và thế là, thật kỳ lạ, em tìm thấy điều em đang ấp ủ và muốn thể hiện bằng mũi thêu trên tà áo em vừa dựng. Đó trường hợp chiếc áo Bá Tân mặc mà anh đã khen đấy. Hôm ấy nghe lại “Dấu chân địa đàng”, em bàng hoàng với giai điệu đã làm sống động hình ảnh “Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần. Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng”. Em phác thảo ngay ra giấy, đắm mình trong suy tưởng, rồi chỉnh sửa, rồi ướm thử trên vải. Em chỉ thêu trên tà áo của một chiếc duy nhất để làm kỷ niệm, và định sẽ chỉ đặt trong phòng trưng bày. Thế nhưng chính vào lúc chiếc áo ấy vừa được treo lên trên cánh cửa tủ để nhìn ngắm xem có cần chỉnh sửa gì nữa không thì Bá Tân bước vào và nhất định đòi cho bằng được chiếc áo ấy để mặc trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn sắp tới. Cơ duyên làm sao mà Tân lại mặc vừa khít như đã được cắt đo từ trước. Thế là không từ chối được. Em lại xoay sang suy nghĩ tiếp về “dấu chân địa đàng” đang bám sâu vào trong em. Đúng thật là em như sờ được vào dấu chân “bước quên” của anh Sơn em “địa đàng còn in dấu chân bước quên”. Em ngồi thâu đêm với những dấu chân ấy, đầu óc mông lung. Bỗng sực nhớ đến một ý của ai đó mà em đọc thấy trong cuốn sách anh đã gửi cho Trinh và em dạo nào. Lục trong tủ, tìm thấy cuốn “Mênh mông thế sự” của anh. Lật trang em đã bẻ góc đánh dấu. Đây rồi, “Đừng để âm thanh của những quan điểm khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác”.

Thế rồi lần này em chọn tấm lụa màu đen để làm nổi rõ lên những “dấu chân bước quên” đang hiện lên trên tà áo, tay áo. Dồn hết tâm lực và cảm xúc trên những mũi kim thêu. Mệt, rã rời hai bàn tay nhưng chưa bao giờ em lại thấy sung sướng như vậy khi tự mình chiêm nghiệm “địa đàng còn in dấu chân” trong cảm thức kỳ lạ, rất huyền bí và huyễn hoặc trong giai điệu sâu thẳm đã lay động bao người từng mê đắm ca từ và nhạc điệu của anh Sơn em. Đương nhiên đấy chỉ là ý nghĩ của riêng em, em gái của anh Sơn thường hay có những phút hai anh em ngồi yên lặng bên nhau khi anh Sơn cảm thấy trống trải. Chắc gì đã thích hợp với người khác.

Thì em chẳng đã vừa nói với anh đấy thôi:

Nỗi niềm mưa nắng, có chi

Rằng ta cũng chẳng hơn gì nắng mưa

image

Đúng, thoạt nghe Diệu đọc câu thơ ngẫu hứng khi hai anh em họ trao đổi câu chuyện, mà thoạt nghe, cứ tưởng như bâng quơ, nhưng ngẫm kỹ lại thì hình như ở đó đã trầm tích những rung động nội tâm đã dệt kết nên cảm thức về thị hiếu thẩm mỹ. Có thể Diệu cũng không cần phải rắc rối tách bạch những chuyện có vẻ thuần lý lôi thôi ấy.

Với những tài năng bẩm sinh, thì tác phẩm nghệ thuật họ đem đến cho cuộc đời là chính bản thân họ với những tìm tòi không mệt mỏi theo những đam mê và sự thúc giục bên trong họ. Ai đó, hình như là Rodin thì phải, đã nói rằng người nghệ sĩ phải tạo ra một tia lửa trước khi nhóm lên ngọn lửa. Tôi những muốn thêm vào đó một suy nghĩ riêng tư hết sức chủ quan: Ngọn lửa ấy sẽ rọi sáng con đường của người nghệ sĩ nhưng cũng có thể đốt cháy cả sự nghiệp lẫn cuộc đời của họ chưa chừng! Những nỗi đa đoan của người nghệ sĩ không muốn chuồi theo con đường mòn quen thuộc, mà muốn phá cách như Rodin, nhà điêu khắc đi tiên phong của điêu khắc hiện đại chẳng đã từng bị công luận phỉ báng trước khi được tôn vinh đó sao.

Những tà áo dài của Diệu, theo cảm nhận của riêng tôi, chính là sự tìm tòi không biết mệt mỏi và chắc không thiếu những phê phán, chê bai. Tôi hỏi Diệu “Em tự làm lấy hết, vẽ kiểu, may đo, thêu thùa… thì gánh sao cho xuể, làm sao đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, những người hâm mộ tà áo dài của Diệu?”. Diệu cười hiền lành “Nghề nào nghiệp nấy anh ạ, đây là cái nghiệp của em mà. Vả lại tìm người theo tay nghề em muốn để thực sự giúp em, như em mong, khó quá. Họ làm chưa vừa ý, lại phải sửa, thì quá tội, còn mệt hơn.

image

Tôi đành xuê xoa: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, và chuyển đề tài: “Những người tìm đến chiếc áo dài của em là ai? Đang có bao nhiêu kiểu dáng thời thượng và hấp dẫn bởi tính hiện đại rất thích hợp với giới trẻ, sao lại có nhiều người trẻ tìm đến chiếc áo dài của em. Mà nghe đâu em cũng kén chọn khách hàng lắm thì phải, cũng có người nói rất khó để hẹn gặp em?”.

Đúng đấy anh ạ”, Diệu nói: “Nếu đáp ứng đòi hỏi tiếp chuyện với khách hàng thì em còn đâu thì giờ, mỗi ngày em đã làm việc từ mười đến mười hai tiếng đồng hồ vẫn chưa đủ cho kịp đơn đặt hàng đã hẹn. Mà em thì không muốn mất chữ tín, đây là điều em từng hứa với mẹ em và tự hứa với mình. Nhưng mà anh à, cũng phải dành thời gian tiếp xúc với khách hàng chứ. Có gặp gỡ, chuyện trò mình mới hiểu thêm mình phải làm gì, phải bỏ đi những gì và thêm vào những ý tưởng gì để vẫn giữ được cái mình muốn, song không là lạc điệu và xa cách với thẩm mỹ và thị hiếu đương đại. Đúng là hiện nay đang có xu hướng tìm về với nguồn cội và nét đẹp truyền thống ẩn chìm trong văn hóa đang bị xuống cấp, em rất vui và thấy mình hạnh phúc khi có nhiều bạn trẻ, có người chỉ bằng tuổi con gái em, tìm đến tà áo dài em đang phục dựng. Đã có lời mời em đem những chiếc áo dài em đã tự mình tạo dựng suốt những năm qua đến bày tại một showroom đang được xây dựng rất hoành tráng ở gần Hà Nội. Em đang suy nghĩ về đề nghị này. Liệu đây có thể là dịp để trải nghiệm, để hiểu thêm về chính công việc của mình.

Trần Mạnh Tuấn từ nãy giờ ngồi đối diện bỗng ngẫu hứng nâng máy ảnh chụp liền mấy kiểu với lời dặn “Chị Diệu cứ nói chuyện tự nhiên không cần nhìn vào đây thì ảnh mới thật và đẹp”. Đúng lúc ấy, Trịnh Vĩnh Trinh ngồi xuống “Cho em chụp với”. Phi Long cũng chen vào: “Tránh chụp ba người, cho dù ông già Tương Lai đã ngồi giữa, tôi ngồi vào cho đủ bốn người, vừa đẹp!”.

image

Còn muốn ngồi tiếp nhưng điện thoại của con tôi đã nhắc “Bố ơi, con đến đón bố đây rồi. Có lẽ Bố chịu khó bảo các anh chị đưa Bố ra đầu ngõ sát đường, chứ xe vào thì khó quay đầu lắm”.

Tôi thật lúng túng với sự ưu ái của những người đã khoác tay tiễn tôi một đoạn đường, mà tôi chỉ muốn nó dài hơn, cho dù không có ai đó “bỏ mặc con đường, ngàn dâu cố quận vô cùng nhớ thương”, thì vẫn xốn xang với câu chuyện chưa thể nào dứt về người mà chúng tôi thương nhớ.

Cháu gái, con của Diệu, cố gắng nhìn ngắm sao để có thể để thu được vào ống kính tấm hình ưng ý. Riêng tôi thì tôi nghĩ, đẹp nhất là cháu làm cách nào để gửi được vào tấm hình chất sâu lắng của tình người trong giai điệu Trịnh:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi

Để gió cuốn đi”

Sài Gòn ngày 8.3 2019

Chú thích ảnh từ trên xuống:

1. Google Doodles vinh danh Trịnh Công Sơn nhân 80 năm ngày sinh

2. Chiếc áo dài xưa

3. Tranh Tô Ngọc Vân: Thiếu nữ bên hoa huệ. Áo dài đầu thế kỷ 20

4. Áo dài Diệu với hình ảnh “ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần”

5. Áo dài Diệu với “địa đàng còn in dấu chân bước quên

Từ trái sang: Phi Long, Diệu, Tương Lai, Trinh, Trực đêm 28.2.2019, đầu ngõ

Comments are closed.