Giếng cạn (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Nam Dao

BA

LÒNG GIẾNG

Cửa màn khẽ vén lên và có tiếng người gọi. Nguyện tươi cười:

– Chú dậy ăn điểm tâm nhé! Muộn rồi…

Ngồi lên, tôi nhìn ra ngoài. Nắng vàng đã chói chang bám xế đầu những cành tre lao chao trong gió sớm. Trong sân vườn, gà mẹ dắt đàn gà con tung tăng, kêu chiêm chiếp khi có tiếng chó sủa. Nguyện bưng lên một cái khay trên có bát xôi đậu, đĩa muối vừng, và một bình chè xanh, bảo:

– Chú ăn tạm món ăn của nhà quê mình nhé!

Tôi cười, đáp:

– Trời đẹp, chú muốn ăn bên ngoài, mang cho chú ra bờ giếng. Kê một mảnh gỗ lên để ngồi, tôi vui vẻ nói:

– Ăn thế này ngon hơn sơn hào hải vị đấy!

Nguyện bảo, chú cứ nói thế, rồi đi vào.

Tôi ưỡn ngực hít cho đầy buồng phổi không khí trong lành của đồng ruộng. Quanh bờ giếng này, tuổi thơ của tôi bỗng đâu hiển hiện như chưa từng vuột qua bao giờ. Thiếu thời, hai đứa bạn thiết của tôi là cái Thời và thằng Thế, sàn sàn trạc tuổi tôi, và cũng là dân tản cư từ Hà Nội về làng chạy loạn. Chúng tôi chơi đủ mọi trò. Cái Thời thích đánh Ô ăn quan. Thằng Thế có cái súng đẽo bằng gỗ khoái trò bắn súng đánh nhau. Còn tôi, tôi hay rủ chúng chơi Ú tim, tha hồ lẩn trốn vào bụi vào bờ, bắt được thì phạt bằng cách tụt quần. Bác Xếp tôi thuở đó dặn đi dặn lại cấm không chơi ở bờ ao và miệng giếng, rơi xuống là đi chầu Hà Bá. Chúng tôi chẳng biết ai là Hà Bá cho nên sợ thì có sợ nhưng quên vẫn thỉnh thoảng cứ quên.

Tôi úp mặt nhìn sâu vào lòng giếng. Sâu thăm thẳm, giếng đen ngòm khi mắt nhìn xuống dưới khoảng 5, 7 mét. Khí lành lạnh từ đáy giếng bốc lên, mang theo mùi rêu ẩm và mùi đất chưa khô. Tôi bỗng dưng nhớ đến cái chết của chị Thược. Chị chết tức tửi, mang sang bờ kia sự sống của một thai nhi chưa kịp chào đời. Không biết từ động lực nào, tôi ới Nguyện, bảo:

– Chú muốn xuống dưới kia!

– Chú xuống làm gì, dưới chẳng có gì đâu chú ạ!

Tôi nằn nì, Nguyện đành đi tìm chú Nổi, người có cái tật nói ngọng, mượn cái thang dây.

Lát sau, chú mang thang lại, hềnh hệch:

– Chú xuống “nàm” gì, éo có gì ngoài gạch đá đâu!

Buộc chặt đầu thang vào gốc một cái cây đã chết khô, chú Nổi lầu bầu:

– Đúng “nà” vẽ chuyện, mấy ông trí thức dở hơi, thích khai quật “lày lọ”!

Tôi nào có định khai quật gì dưới đáy giếng kia đâu. Nhưng tôi bị nó hút xuống, như định mệnh, khó thể khiên cưỡng được. Nguyện dặn dò tôi phải cẩn thận, và coi chừng có rắn, có thì phải leo lên ngay.

Bước từng bực thang dây, tôi đong đưa làm xiếc, từ từ đi xuống. Lạnh, mỗi lúc một thêm lạnh. Và tối, và chỉ chừng sâu 6, 7 mét là không còn chút ánh sáng nào. Tôi chui vào màn đêm của lòng giếng, không hiểu sao, rất bình thản như về chốn quen. Tôi xuống, xuống nữa, cuối cùng chân chạm vào một lớp bùn đặc quánh. Buông thang, tôi sờ vách giếng, tay chạm vào một lớp thô nhám gạch đá lẫn lộn. Lạnh, lạnh thấu xương, máu sắp đông đặc. Ban đầu, tối như mực. Lát sau, mắt dần dần thấy rõ hơn, và lạ thay, cái Thời thằng Thế đứng ngay sát bên, nắm tay tôi lắc lắc. Chúng mày đấy à? Tôi hỏi. Ha ha, còn ai vào đấy nữa, cái Thời cười ré. Thằng Thế rủ, mình chơi đánh giặc nhé. Tôi bảo, đánh nhau mãi chán lắm rồi. Cái Thời kêu, thì chơi Ô ăn quan đi. Thằng Thế hét trò con gái, không thèm chơi. Tôi kêu, vậy thì Ú tim đi. Ngửa bàn tay cho hai đứa chúng nó thọc ngón trỏ vào, tôi ê a “Chi chi chành chành, cái đanh nổi lửa, con ngựa chết trương, ba Vương ngũ Đế, ù à… ù… ập” rồi ụp bàn tay lại. Nhưng cái Thời và thằng Thế đã kịp rụt tay ra. Tôi nắm vào hư vô, chụp đúng cái rỗng không. Cái Thời và thằng Thế chạy đi trốn. Phần tôi, tôi phải tìm. Chúng nó đâu rồi? Không tìm được chúng, tôi sẽ phải tụt quần cởi truồng. Lêu lêu, lêu lêu. Làng nước ra mà xem này! Xấu hổ quá… Chạy vào đâu trốn bây giờ? Tôi chạy, chạy, cắm đầu cứ thế chạy. Bỗng đâu một đám người chân không đụng đất tóc xõa trong gió lơ lửng bay vòng vòng vây tôi lại. Tôi lại chạy, cứ thế chạy, chạy thục mạng!

Vào đây! Tiếng gọi giật giọng. Tôi nhìn, chị Thược vẫy tay rối rít. Ô kìa, chị Thược đã nhẩy xuống giếng tự vẫn từ lâu lắm rồi cơ mà! Chị Thược ơi, chị đâu còn ở cõi này nữa! Ngúng nguẩy, chị cười the thé rồi gằn giọng, chị làm sao siêu thoát được với đám người chúng nó. Buồn là cái thai nhi con chị được tái kiếp làm người, nay chị một thân, chỉ còn bạn bè được với cái bóng của mình. Chị xuống giọng, thống thiết. Em đã xuống đến đây, hãy ở lại với chị, chị sẽ hát mỗi ngày cho em nghe. Chưa kịp đáp, tai tôi văng vẳng ‘Ai có nghe tiếng hát hành quân xa, mà không nhớ thương người mẹ già…’. Tôi kêu, chị ơi, hết chiến tranh rồi, không cần đi hành quân nữa. Người tôi từ từ lạnh ngắt như đông đá. Tôi cố vùng dậy. Vô phương, tứ chi như đeo chì. Tôi thét, không, không được chị ơi, em chưa muốn thế, em chưa kịp chào từ giã ai trên cõi đời này cả. Chị Thược trừng mắt, thè lưỡi dài ngoằng đỏ hỏn ra cuốn vào cổ tôi siết lại. Ngạt thở, tôi vùng vẫy trong tuyệt vọng. Chị ơi, chị cũng muốn cướp em khỏi thế gian này ư? Tôi đấm, tôi đạp, tôi gào, tôi thét, nhưng vô phương, tôi như con cá mắc lưới nhà chài, không tài nào thoát khỏi số kiếp mình. Nỗi kinh hoàng nổ tan rồi lan thành những đốm lửa như pháo hoa trên vòm trời chụp xuống. Nhắm mắt, tôi trôi vào một vùng mỗi lúc một thêm giá lạnh…

Tôi mở mắt ra khi tai văng vẳng tiếng chú Nổi:

– Éo mẹ, suýt mà tôi không ra kịp thì toi rồi! Bảo đừng xuống, nhưng “lói” mà “lào” chú ấy có nghe!

Nguyện kể, chú xuống lúc sau gọi, nhưng không thấy trả lời em chắc có chuyện không lành rồi. Sợ quá, em chạy tìm chú Nổi. Quàng một sợi thừng quanh vai, chú lập tức theo em, và đến nơi là chú leo xuống giếng ngay. Khi đó, chú mê man, chẳng biết gì nữa. Chú Nổi buộc chú sau lưng, địu chú, rồi leo thang dây lên.

– Éo mẹ, “lặng” bỏ mẹ! Ăn cơm đế quốc mà, cả tạ, tẹo nữa là sái cả “nưng”! May mà tớ nhớ mang theo sợi thừng… Chú Nổi kể.

Lên trên rồi, chú réo thím Bảy chạy lên chùa kêu cứu. Người chuyên bốc thuốc cho dân làng là Sư Thầy, đệ tử của Sư Cụ, vội vàng chạy theo. Sư bắt mạch, thở ra, bảo mạch còn tốt, chỉ bị âm hàn, đánh gió và uống thuốc kích dương là qua thôi.

Nhắm mắt lại, tôi lơ mơ nhưng biết mình vừa qua một cơn thập tử nhất sinh. Tôi nhớ ngày xưa xa lắc chị em nhà cái Thời và thằng Thế đều di cư vào Nam sau hiệp định Geneve. Sau, tôi chẳng bao giờ gặp lại chúng. Dâu đổi biển dời, sau chinh chiến là đến vượt biên di tản, chúng nó còn sống hay đã chết? Và nếu tôi gặp chúng dưới lòng giếng kia, thì hẳn chúng chẳng còn ở cõi đời này nữa.

TRÊN BỜ MÔI

Cố gắng mở mắt ra, tôi dần dần hồi sinh sau một cơn mê mị. Người tôi nóng ran như bị bỏng, mùi rượu, mùi gừng, mùi quế sực vào mũi, chân tay bải hoải co ruỗi khó khăn. Ánh sáng ban trưa hắt qua bức mành tre cho tôi nhận ra nơi tôi đang nằm là cái chái trong Từ Đường bác Thuận đã dành cho tôi. Bác đi làm việc với công an xã chưa biết đã được về chưa? Điều này chắc phải hỏi Nguyện.

Chợt nhớ tới những bài học dưỡng sinh, tôi hít thở chậm rãi, giữ cho tâm thật an, thả mình hòa vào vạn vật. Cứ thế, chẳng biết bao lâu, tôi dần dần tìm lại thân tâm. Mở mắt nhìn quanh, tôi thấy Nguyện nằm gần đó, mắt ngắm nghiền, ngực phập phồng, tay duỗi dài, chân giang ra. Ngồi lên, tôi dụa lưng vào vách, chống tay lấy thăng bằng.

Nắng trưa xanh trong như ngọc bích thủy. Trong vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng có tiếng gió mơ hồ xào xạc chợt đến chợt đi như hẹn mà không hẹn. Nóng, nóng kinh hồn, mồ hôi vã ra như tắm cạn. Tôi thèm một ngụm nước. Nhìn quanh, tôi không tìm thấy gì. Quay sang, tôi gọi Nguyện ơi. Hình như Nguyện mỉm cười quay mặt lại phía tôi, miệng ú ớ nói mê. Tôi nhìn, và trời ơi, tôi thấy nhưng hạt kim cương li ti đậu trên bờ môi Nguyện. Nhưng hạt kim cương lóng lánh kia là mồ hôi rỉ ra trong cái oi bức một trưa hè, đọng lại trên khóe mép bờ môi, phản chiếu ánh mặt trời chói chang trên cao vút. Những hạt kim cương này đẹp gấp trăm ngàn lần nhưng hạt gắn trên vương miện một bà hoàng hay một công nương trong bất cứ triều đại hoàng kim nào trên thế gian từ trước tới nay. Cái Đẹp đó hút tôi như nam châm hút sắt. Sức thôi miên đẩy tôi bò lại nơi Nguyện nằm, khiến tôi gượng nhẹ kéo dăm sợi tóc rối trên má Nguyện, kính cẩn đặt môi lên những hạt kim cương, và xin mọi đấng thần linh kéo dài ra những giây phút huyền diệu của cái Đẹp.

Bấy giờ, tôi sống kiếp khác cái kiếp tôi mới vừa đang sống đây. Nguyện khẽ rùng mình nhưng không đẩy tôi ra, nghiêng mặt đi rồi thình lình quay lại hé miệng mút lấy lưỡi tôi. Chìm đắm như chìm vào một cơn mê, tôi mơn man lưỡi Nguyện, mềm mại như lưỡi rắn, và thả mình trôi đi trôi đi. Nguyện rên, kêu khe khẽ… ơ… ơ. Tôi giật đứt khuy áo Nguyện, vục đầu vào ngực, bú, mớm, nhay, ngậm… như một đứa bé còn đang nhờ sữa mẹ. Ơ…ơ… tiếng kêu cứ vang vọng từ một cõi bên trên. Mẹ hiền ơi, con bú mẹ, bú mãi nhé. Tôi trùi đầu xuống dưới, hôn lớp da bụng căng cứng, rúc mặt vào đám lông còn thưa nơi hạ bộ, thò tay ve vuốt âu yếm phần sâu kín cơ thể Nguyện. Nàng oằn người, dạng chân ra, nay kêu ư ư như ai chặn vào cổ vào họng. Lách lưỡi mình vào giữa hai thớ thịt êm ái, tôi liếm láp, khi nhặt khi khoan, tay đè lên háng kìm không để Nguyện nhấc bổng người lên. Cứ thế…Ư… ư. Cho đến khi một luồng dung dịch vị mằn mặn mùi hoi hoi túa vào mặt tôi, và Nguyện thốt lên, hốt hoảng “Chết mất thôi, trời ơi”.

Tôi nằm vật xuống. Nguyện thu mình co chân lại. Tôi chỉ thấy thênh thang, lòng trải rộng chẳng vẩn chút tội lỗi ân hận nào. Nguyện miệng tấm tức, nhưng tôi không biết nàng nghĩ gì.

Nguyện lẳng lặng xuống nhà sau. Bấy giờ, nắng bắt đầu xế về Tây. Mây ráng đỏ ẩn hiện ở chân trời và trên không dăm vánh vạc bay ngang để lại vài tiếng kêu lạc lõng. Ai đó thả diều, tiếng sáo cất lên khoan nhặt, lẳng lơ, gợi nhớ những bâng khuâng vô định. Tôi ngồi ở thềm hiên một lát thì Nguyện lên, dáng ngượng nghịu. Tự nhiên, một niềm xót xa tràn ngập lòng tôi. Ngần ngừ, tôi thấp giọng:

– Nguyện ơi…

– …

– Nguyện giận chú à?

– Không, Nguyện bật khóc

– Chú xin…

– …

– Nguyện ao ước gì?

Ngồi xuống chân tôi, Nguyện nín bặt. Một lát sau, Nguyện ngửng lên, giọng chém đinh chặt sắt:

– Em chỉ muốn đi khỏi nơi này, đi bất cứ chỗ nào có chút tương lai… Ở đây, chỉ có chết, chết lần chết mòn… Bây giờ, chết cũng chẳng có đất chôn cho những người ngụ cư như em nữa!

Tối hôm đó tôi ngồi ăn một mình. Bác Thuận chưa về, và Nguyện thì không lên ngồi tiếp tôi như chiều hôm trước. Tôi ngẫm lại chuyện hai ngày qua, muốn quên hết, trừ nhưng hạt kim cương li ti đọng trên khóe mép một bờ môi suốt đời tôi chắc không bao giờ quên được.

N.D.

Comments are closed.